Quản trị tài chính công ty đa quốc gia - 2

CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH CÔNG TY ĐA QUỐC GIA‌‌

I. Tổng quan về quản trị tài chính doanh nghiệp

1. Tài chính doanh nghiệp

Tài chính là cách thức mà các chủ thể kinh tế huy động, sử dụng, phân phối các quỹ tiền tệ có tính đến yếu tố thời gian và rủi ronhằm đáp ứng yêu cầu tích lũy và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế.1

Trong thực tế, các quan hệ tài chính diễn ra rất phức tạp và đa dạng, chúng đan xen nhau trong một tập hợp hàng loạt các hoạt động khác nhau của nền kinh tế. Tuy nhiên, đó không phải là những hoạt động hỗn loạn mà ngược lại, chúng tuân thủ những nguyên tắc, những quy luật nhất định, trong đó những quan hệ tài chính có tính chất đặc thù giống nhau nhóm lại thành một bộ phận riêng. Tài chính bao gồm tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân. Giữa các bộ phận này luôn có mối liên hệ, tác động ràng buộc lẫn nhau. Chúng cùng hoạt động trong một môi trường gọi là thị trường tài chính. Bên cạnh mối liên hệ trực tiếp, các bộ phận này còn liên hệ gián tiếp với nhau thông qua các tổ chức tài chính trung gian. Các bộ phận khác nhau của tài chính và mối quan hệ tổng hòa của chúng tạo thành hệ thống tài chính. Hệ thống tài chính bao gồm:

- Ngân sách Nhà nước;

- Tài chính doanh nghiệp;

- Thị trường tài chính và tổ chức tài chính trung gian;

- Tài chính cá nhân.

Như vây, tài chính doanh nghiệp là một bộ phận trong hệ thống tài chính, tại đây nguồn tài chính xuất hiện và đồng thời đây cũng là nơi thu hút

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.


1 TS. Nguyễn Hữu Tài (2006), Giáo trình Lý thuyết Tài chính-tiền tệ, NXB Thống kê

Quản trị tài chính công ty đa quốc gia - 2

trở lại phần quan trọng các nguồn tài chính trong nền kinh tế. Từ khái niệm tài chính nói trên có thể rút ra khái niệm về tài chính doanh nghiệp là cách thức mà các doanh doanh nghiệp huy động, sử dụng và phân phối các quỹ tiền tệ có tính đến yếu tố thời gian và rủi ro nhằm thỏa mãn mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến sự phát triển hay suy thoái của nền sản xuất. Tài chính doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với tất cả các bộ phận của hệ thống tài chính trong quá trình hình thành và sử dụng vốn cho các nội dung khác nhau, quá trình kinh doanh chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Mỗi quan hệ đều có những nét khác biệt và có những tác động khác nhau đến tài chính doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường, đặc trưng cơ bản của bộ phận tài chính doanh nghiệp thể hiện ở chỗ: nó bao gồm những quan hệ tài chính vận hành theo cơ chế kinh doanh hướng tới lợi nhuận cao. Chính nhờ cơ chế này mà nguồn tài chính được tăng cường và mở rộng không ngừng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tài chính doanh nghiệp là một lĩnh vực đặc biệt của ngành tài chính. Nó liên quan đến việc đưa ra các quyết định về mặt tài chính của một doanh nghiệp, các công cụ cũng như những phân tích được sử dụng để đưa ra các quyết định này. Mục đích chủ yếu của tài chính doanh nghiệp là nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp đồng thời tránh được các rủi ro đáng tiếc về mặt tài chính.

2. Quản trị tài chính doanh nghiệp

2.1 Đối tượng của quản trị tài chính doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp liên quan mật thiết với quản trị tài chính doanh nghiệp. Quản trị tài chính doanh nghiệp là quá trình ra quyết định và triển khai các quyết định liên quan đến tài chính doanh nghiệp nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Quản trị tài chính doanh nghiệp quan tâm đến

mọi mặt của hoạt động tài chính trong một doanh nghiệp như quyết định đầu tư, quyết định về vốn đầu tư, đánh giá các cơ hội đầu tư.

Đối tượng của quản trị tài chính bao gồm hàng loạt những chức năng rộng lớn trong các đơn vị kinh doanh. Quản trị tài chính phải giúp doanh nghiệp trả lời được các câu hỏi như: Doanh nghiệp cần phải huy động tiền cho đầu tư như thế nào, ở đâu và vào thời điểm nào? Đầu tư vào lĩnh vực nào, dài hạn hay ngắn hạn, lợi nhuận làm ra có xứng đáng không?

Những câu hỏi này chỉ có thể được trả lời một cách chuẩn xác sau khi phân tích một khối lượng lớn những thông tin mới nhất, cả ở bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Do đó công việc hàng ngày của Giám đốc tài chính gồm rất nhiều nhiệm vụ như: dự báo tài chính, định lượng hiệu quả của những nguồn ngân quỹ huy động trên thị trường vốn, đánh giá hiệu quả tiềm tàng của các dự án đầu tư, phân tích các cơ hội thuê tài sản. Đồng thời đánh giá chính sách phân chia lợi tức cổ phần và cơ cấu vốn đầu tư; phân tích các chiến lược định giá và ảnh hưởng của chúng tới doanh số và lợi nhuận...

Bởi vậy, các nhà quản trị tài chính phải thông thạo, hiểu rõ về các thị trường tài chính và có khả năng thu thập, xử lý những thông tin mới nhất. Mọi quyết định tài chính đều phải dựa trên cơ sở những thông tin thị trường được thu thập xử lý theo một phương pháp nào đó. Chẳng hạn khi quyết định huy động thêm nguồn ngân quỹ mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích nhiều nguồn tài trợ khác nhau để lựa chọn. Thêm vào đó, thay vì đi vay ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn tài chính bằng cách bán ra những chứng khoán mới. Nhưng nên phát hành loại chứng khoán nào? Công ty nên bán trái phiếu dài hạn hay ngắn hạn? Nên phát hành cổ phần ưu đãi hay cổ phần thường? Tất cả những câu hỏi này phải được trả lời bằng những thông tin có thể thu thập được.

2.2 Vai trò của quản trị tài chính

Tình hình tài chính doanh nghiệp lành mạnh là một trong những điều kiện tiên quyết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra một cách nhịp nhàng, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Sự lành mạnh đó có được hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng quản trị tài chính của doanh nghiệp.

Ở nhiều nước như Mỹ và châu Âu, trong các công ty, tập đoàn kinh tế lớn như General Motor, Microsoft, Apple, Vodaphone,... quản trị tài chính được tách rời đối với công tác kế toán thống kê. Tại các hãng này, quản trị tài chính là tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng về tài chính và đưa ra những quyết định về mặt tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn của doanh nghiệp. Bộ phận quản trị tài chính trong các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu dựa vào các báo cáo kế toán, báo cáo doanh thu, chi phí, báo cáo nhân sự và tiền lương,... do các bộ phận kế toán tài chính, kế toán quản trị, thống kê cung cấp, kết hợp với những yếu tố khách quan để tiến hành phân loại, tổng, hợp, phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, so sánh kết quả phân loại của kỳ này với kỳ trước của doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực sản xuất, so sánh với các chuẩn mực của ngành. Bằng các chỉ tiêu và sự nhạy bén mà bộ phận quản trị tài chính có thể chỉ ra những mặt mạnh cũng như những thiếu sót của doanh nghiệp trong kỳ. Ngoài ra, bộ phận quản trị tài chính còn giúp giám đốc hoạch định chiến lược tài chính ngắn và dài hạn của doanh nghiệp dựa trên sự đánh giá tổng quát cũng như từng khía cạnh cụ thể các nhân tố tài chính có ảnh hưởng quan trọng tới sự tồn tại của doanh nghiệp, bao gồm: chiến lược tham gia vào thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán; xác định chiến lược tài chính cho các chương trình, các dự án của doanh nghiệp là mở rộng hay thu hẹp sản xuất... Thông qua đó, đánh giá, dự đoán có hiệu quả các dự án đầu tư, các hoạt động liên doanh liên kết, phát hiện âm mưu thôn tính doanh nghiệp của các đối tác cạnh tranh; đề xuất phương án chia tách hay sáp nhập... Nhu cầu vốn sản xuất kinh

doanh của doanh nghiệp luôn có những biến động nhất định trong từng thời kỳ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của quản trị tài chính là xem xét, lựa chọn cơ cấu vốn sử dụng sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất:

- Quản trị tài chính trong doanh nghiệp phải tiến hành phân tích và đưa ra một cơ cấu nguồn vốn huy động tối ưu cho doanh nghiệp trong từng thời kỳ.

- Quản trị tài chính trong doanh nghiệp còn có nhiệm vụ kiểm soát việc sử dụng cả các tài sản trong doanh nghiệp, tránh tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích.

- Quản trị tài chính phải thiết lập một chính sách phân chia lợi nhuận một cách hợp lý đối với doanh nghiệp, vừa bảo vệ được quyền lợi của chủ doanh nghiệp và các cổ đông, vừa đảm bảo được lợi ích hợp pháp, hợp lý cho người lao động; xác định phần lợi nhuận để lại từ sự phân phối này là nguồn quan trọng cho phép doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh mới, sản phẩm mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng cao và bền vững.

Có thể nói, nhiệm vụ của bộ phận quản trị tài chính, bộ não của doanh nghiệp, rộng hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với bộ phận kế toán - thống kê. Người đứng đầu bộ phận quan trọng này được gọi là giám đốc tài chính (CFO). Trong các tập đoàn kinh tế đa quốc gia trên thế giới, giám đốc tài chính chịu trách nhiệm toàn bộ về mặt tài chính kế toán trước tổng giám đốc và quản trị tài chính là bộ phận chức năng quan trọng nhất trong các bộ phận chức năng của doanh nghiệp.

2.3 Nội dung của quản trị tài chính

Quản trị tài chính quan tâm đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Qua định nghĩa này có thể thấy quản trị tài chính liên quan đến 3 loại quyết định chính: quyết định đầu tư, tài trợ và quản lý tài sản.

2.3.1 Quyết định đầu tư

Quyết định đầu tư là một trong những quyết định tài chính quan trọng vì sai lầm không thể sửa chữa được cho nên trước khi quyết định các nhà quản trị cần phải đánh giá kĩ lưỡng và đúng đắn các cơ hội đầu tư thông qua việc thẩm định các dự án đầu tư.

Nội dung của quyết định đầu tư thường gồm các bước như sau:

- Đề xuất dự án đầu tư

Đây là bước đầu tiên trong quy trình để đưa ra một quyết định đầu tư. Đề xuất dự án đầu tư không chỉ do nhà quản trị tài chính mà nó phải là quyết định chung của nhà quản trị doanh nghiệp. Bởi vì trước khi đưa ra một đề xuất dự án các nhà quản trị phải dựa vào các nghiên cứu về thị trường, về khách hàng, về nguồn cung cấp hàng... Các ý tưởng về những dự án đầu tư có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn trong doanh nghiệp như: từ bộ phận marketing, bộ phận kế hoạch, bộ phận R&D hay từ những người bán hàng do họ thường xuyên tiếp xúc với người tiêu dùng và hiểu được mức cầu của thị trường đối với từng sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên để duy trì tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải tìm những dòng tư duy mới về các dự án đầu tư. Do đó, nhiều doanh nhgieepj thường bổ nhiệm một số người chuyên đảm nhiệm việc theo dõi và giải quyết những công việc này.

- Xác định dòng tiền của dự án

Sau khi có đề xuất một dự án, nhà quản trị tài chính phải là người xác định các dòng tiền của dự án, đó chính là các dòng tiền kỳ vọng. Dòng tiền của dự án bao gồm các dòng tiền vào và các dòng tiền ra. Nhà quản trị tài chính phải biết với khoản tiền đầu tư ban đầu, dự án đó sẽ tạo ra dòng tiền vào là bao nhiêu. Hay nói cách khác là phải ước tính được lợi nhuận và chi phí của nó. Và muốn xác định dòng tiền của dự án nhà quản trị phải xác định lãi suất chiết khấu.

- Xác định lãi suất chiết khấu

Tỷ lệ chiết khấu được sử dụng để xác định giá trị hiện tại của dòng lưu kim kỳ vọng tương lai phải tương xứng với mức độ rủi ro của dự án đầu tư. Xác định chính xác tỷ lệ chiết khấu riêng của từng dự án là một công việc rất khó khăn nhưng cần hiểu rằng tỷ lệ chiết khấu phải là phần lợi nhuận thích hợp trả cho rủi ro. Rõ ràng là, khi rủi ro của dự án bằng với mức rủi ro của doanh nghiệp và chính sách tài trợ của doanh nghiệp phù hợp với dự án, thì tỷ lệ chiết khấu thích hợp bằng tỷ lệ WACC (chi phí vốn trung bình trọng) của doanh nghiệp.

- Thẩm định dự án

Thông thường, giá trị của một dự án được đánh giá thông qua phương pháp chiết khấu dòng tiền. Dự án nào có kết quả tốt nhất - thường được thể hiện qua giá trị hiện tại thuần (NPV) thì dự án đó sẽ được lựa chọn. Nhưng để làm được điều này công ty cần xác định được quy mô và thời điểm thu được tiền lãi từ dự án. Dòng tiền tương lai sau đó sẽ được chiết khấu để quy về giá trị hiện tại của nó, so sánh với chi phí bỏ ra để thực hiện, nếu tiền thu về lớn hơn thì dự án là khả thi, và công ty có thể tiến hành hoạt động đầu tư.

Giá trị hiện tại thuần của một dự án đầu tư = giá trị hiện tại của dòng lưu kim kỳ vọng – khoản tiền chi phí ban đầu của dự án đầu tư.

Nếu một dự án đầu tư có dòng lưu kim gồm n kỳ hạn, với P là khoản đầu tư ban đầu, CFt là khoản thu nhập trong kỳ hạn t, n là thời gian tồn tại và k là tỷ lệ sinh lời cần thiết của dự án. NPV của dự án được tính như sau:


n CFt

NPV= ∑ –––––– - P

t =1 (1+k)n

NPV đo lường lợi nhuận ngoài phần bù đắp cho thời giá của tiền tệ và rủi ro. Giá trị dương của NPV là giá trị tăng thêm của công ty sau khi dự án được đầu tư và lợi ích kỳ vọng của nhà đầu tư đã được thoả mãn. Khi NPV = 0 thì thu nhập chỉ vừa đủ bù đắp cho thời giá và rủi ro của dự án.

Khi sử dụng NPV như một tiêu chuẩn để đánh giá dự án đầu tư, chúng ta phải phân biệt giữa hai tình huống. Trường hợp thứ nhất, chúng ta coi dự án đầu tư cần đánh giá độc lập so với những dự án khác. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn áp dụng để chấp nhận hay loại bỏ dự án khá đơn giản.

+ Nếu NPV > 0  chấp nhận dự án

+ Nếu NPV < 0  loại bỏ dự án

+ Nếu NPV = 0, doanh nghiệp sẽ không thiên vị trong việc chấp nhận hay loại bỏ dự án mà tùy theo sự cần thiết của nó đối với công ty mà ra quyết định.

Trong thực tế, nhiều khi doanh nghiệp phải lựa chọn một trong số nhiều dự án đầu tư loại trừ nhau, tức là công ty chấp thuận một dự án thì phải loại bỏ những dự án còn lại. Khi áp dụng NPV làm tiêu chuẩn lựa chọn trong tình huống này, chúng ta phải chọn dự án đầu tư có NPV cao nhất.

Ngoài NPV, các nhà quản trị đôi khi còn dựa vào một số tiêu chuẩn khác để đánh giá các dự án đầu tư. Đó là: Tỷ suất nội hoàn (IRR), chỉ số lợi nhuận (PI), thời gian hoàn vốn (PP).

- Đánh giá sau dự án

Sau khi dự án được thực hiện, nhà quản trị thường làm một bước cuối cùng là đánh giá sau dự án. Mục đích là để thấy được hiệu quả dự án, rút ra những điểm còn thiếu sót để hoàn chỉnh hơn trong những dự án sau.

2.3.2 Quyết định tài trợ

Nếu như quyết định đầu tư liên quan đến bên trái thì quyết định tài trợ lại liên quan đến bên phải của bảng cân đối tài sản. Nó gắn liền với việc quyết định nên lựa chọn loại nguồn vốn nào tài trợ cho việc mua sắm tài sản, nên sử dụng vốn chủ sở hữu hay vốn vay, nên dùng vốn ngắn hạn hay vốn dài hạn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/09/2022