Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - 17


định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Với qui định này, một số khoản nợ đáng lẽ xếp hạng vào nợ xấu theo chuẩn mực phân loại nợ, thì vẫn ở nhóm nợ “chưa xấu” (bình thường, nhóm 1, nhóm 2), khiến cho một số khoản nợ xấu được che dấu một cách hợp pháp.

Như vậy với việc Thông tư 02 về phân loại tài sản có có hiệu lực từ 1/6/2014, thì “ưu đãi” trong xếp hạng nợ đối với nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời theo Quyết định 780 dự kiến sẽ không còn. Nợ của các nhóm doanh nghiệp này sẽ được chuyển nhóm như các tiêu chí phân loại thông thường (5 nhóm). Điều này khiến cho số nợ có thể bị chuyển thành “nợ xấu” tăng lên trong năm 2014 - 2015.

(ii) Về phân loại tài sản.

Sau hơn 8 năm triển khai việc phân loại tài sản theo Quyết định 488/2000/QĐ- NHNN 5 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc “Ban hành qui định về việc phân loại tài sản “Có”, trích lập và dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng” đã mang lại kết quả hết sức to lớn, giúp hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tổ chức tốt việc phân loại dư nợ tín dụng để có biện pháp quản lý tín dụng có hiệu quả, đặc biệt giúp các NHTM trích lập dự phòng để chủ động xử lý rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, việc ban hành Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN thay thế Quyết định 488/2000/QĐ-NHNN vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm trong việc áp dụng phân loại tài sản “Có”, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng sát với thông lệ quốc tế hiện nay đang gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng cũng như sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có các chi nhánh NHNo&PTNT.

- Về cách phân loại khoản vay: thông lệ quốc tế phân loại thành khoản vay có giá trị lớn và khoản vay có giá trị thấp. Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN không căn cứ vào cách phân loại này.

- Về đối tượng được phân loại: thông lệ quốc tế phân loại tài sản có rủi ro nội bảng và tài sản có rủi ro của các cam kết ngoại bảng cân đối kế toán; Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN phân loại tài sản có rủi ro nội bảng.

- Tiêu chí phân loại: Thông lệ quốc tế kết hợp cả tiêu chí “quá khứ” và tiêu chí “triển vọng”; Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN chỉ căn cứ vào tiêu chí “quá khứ”.

- Về cách phân nhóm tài sản rủi ro: Thông lệ quốc tế phân loại thành 5 nhóm: chuẩn, cần chú ý, dưới chuẩn, khó đòi và không thể thu hồi. Quyết định 493 cũng phân loại thành 5 nhóm nhưng chưa cụ thể. Thông lệ quốc tế phân nhóm theo danh


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

mục tín dụng, Quyết định 493 không phân nhóm theo danh mục tín dụng mà phân theo nợ trong hạn và nợ quá hạn theo mức độ thời gian quá hạn.

- Về quan niệm về nợ quá hạn trong phân nhóm nợ: Thông lệ quốc tế xem nợ quá hạn là các khoản nợ vay vi phạm cam kết trả nợ gốc và lãi (không loại trừ đã được gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ); Quyết định 493 xem nợ quá hạn là các khoản nợ vay vi phạm cam kết trả nợ gốc và lãi (loại trừ nợ đã được gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ).

Quản lý nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - 17

(iii) Về định giá tài sản thế chấp

Cho vay có thế chấp bằng BĐS đang trở thành một nghiệp vụ quan trọng và thường xuyên trong hoạt động cho vay của các NHTM nói chung và NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng hiện nay. Tỷ lệ dữ trữ cho vay thế chấp BĐS trong các năm qua của các NHTM đang có xu hướng tăng lên và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ cho vay. Đối với NHNo&PTNT Việt Nam tỷ lệ dư nợ cho vay thế chấp bằng BĐS năm 2007 là 21,88%, năm 2009 là 28,07%; Năm 2011 là 11,6%, Năm 2012 là 13.8% và

2013 là 14,2% (Nguồn báo cáo hoạt động tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam).

Trước đây hoạt động định giá tài sản thế chấp trong ngân hàng thương mại thường do bộ phận tín dụng đảm nhiệm, tức là nhân viên tín dụng đồng thời là người định giá. Mức giá BĐS được xác định làm căn cứ vay vốn dựa vào khung giá của Nhà nước do UBNN tỉnh ban hành vào ngày 1/1 hàng năm (Nghị định 163/2006- NHNN về giao dịch tài sản đảm bảo). Tuy nhiên, sau đó NHNN đã có qui định sửa đổi theo hướng các ngân hàng tự thỏa thuận mức giá BĐS để đưa ra tỷ lệ cho vay hợp lý, vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, vừa tránh rủi ro cho ngân hàng. Và mức giá cho vay thế chấp mà ngân hàng áp dụng hiện nay chính là mức giá BĐS trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó áp dụng vì hầu hết các địa phương đều chưa có dịch vụ nhà đất hay sàn giao dịch BĐS, các dịch vụ này chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, ở các địa phương này không thể có khung giá thị trường để áp dụng tính đúng 70% theo qui định. Còn nếu thuê cơ quan chuyên môn thì do có những qui định ràng buộc bởi trách nhiệm về cách định giá của họ, như vậy sẽ rất khó có cơ quan nào đứng ra nhận xây dựng khung giá đất cho ngân hàng. Việc trao quyền cho các chi nhánh tự xây dựng khung giá đất để cho vay vốn mặc dù có vẻ khả thi nhưng cũng khó thực hiện bởi nếu như vậy thì sẽ xảy ra tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, hơn nữa các chi nhánh cũng không có tư cách pháp nhân để đưa ra quyết định của mình. Đối với NHNo&PTNT Việt Nam, hoạt động định giá


chưa được coi là một hoạt động độc lập, mà gắn liền với hoạt động tín dụng ngân hàng. Chính vì vậy, việc định giá BĐS là tài sản thế chấp có thể không khách quan, không chính xác, khi có rủi ro phát sinh thì không thu hồi được đủ các khoản nợ đã cho khách hàng vay, lãi vay và các khoản phí (nếu có).

(iv) Về xử lý tài sản đảm bảo.

Theo qui định hiện hành, khi khách hàng không còn khả năng trả nợ vốn vay, NHTM được toàn quyền bán tài sản đảm bảo nợ vay của khách hàng tại NHTM để xử lý. Nội dung này đã được qui định cụ thể trong hợp đồng vay vốn và hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trường hợp bên đảm bảo không tự nguyện thực hiện giao tài sản thì NHTM có quyền yêu cầu các cơ quan hữu quan trên địa bàn phối hợp cưỡng chế. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng NHNo&PTNT Việt Nam vẫn không thể tự quyết định xử lý phát mại tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ vì nhiều lý do: thủ tục sang tên trước bạ khi ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo tiền vay qui định phải có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản, nên các cơ quan có liên quan sẽ không làm được thủ tục sang tên trước bạ cho ngân hàng khi chủ sở hữu tài sản không đồng ý cho phát mại tài sản. Hoặc tài sản của các doanh nghiệp nhà nước thường rất khó phát mại do đây là tài sản do Nhà nước giao cho doanh nghiệp nên để thu hồi nợ, các NHTM lại phải thông qua các cấp chủ quản hoặc thông qua cơ quan toà án để có được quyết định cho phát mại... Mặt khác, trong hợp đồng thế chấp để vay vốn đã được cơ quan công chứng xác nhận có nội dung: “Nếu bên vay không trả nợ đúng hạn thì ngân hàng tự phát mại tài sản để thu hồi vốn”. Tuy nhiên, khi phát mại tài sản, cơ quan công chứng không công chứng hợp đồng mua, bán nên không làm được thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho người mua, buộc NHNo&PTNT Việt Nam phải khởi kiện ra toà. Hơn thế nữa, một khi đã khởi kiện ra toà thì thời gian lại kéo dài, vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém chi phí. Ngay cả khi bản án của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì việc thi hành án còn là vấn đề nan giải.

Hơn nữa, khả năng phát mại tài sản là không cao. Đối với các loại tài sản là bất động sản, do sự trầm lắng của thị trường nên giá trị tài sản thấp. Các tài sản là máy móc, trang thiết bị thì hầu hết đều mang tính đặc thù từng ngành nghề nên khả năng phát mại cũng rất thấp. Đối với tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển cũng khó có thể phát mại khi mà nền kinh tế đang đình trệ, bản thân các doanh nghiệp với sự am hiểu và các mối quan hệ ngành nghề lớn hơn ngân hàng cũng không thể bán được hàng hoá.


Ở Việt Nam, thị trường bất động sản chưa phát triển bền vững, ổn định theo đúng nguyên tắc thị trường. Sự phối kết hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, nhiều nơi chính quyền địa phương chưa thực sự ủng hộ ngân hàng trong việc thu giữ và và phát mại tài sản bảo đảm nợ vay. Sự cộng tác của các cơ quan pháp luật đạt hiệu quả còn thấp. Nhiều trường hợp, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng khách hàng không tự nguyện thi hành án, các cơ quan pháp luật cũng chưa có biện pháp cưỡng chế thi hành án để giúp ngân hàng thu hồi vốn.

Mặc dù đã có qui định: đối với những tài sản bảo đảm nợ xấu các NHTM giữ lại để sử dụng thì phải có nguồn vốn tương ứng theo qui định của pháp luật, nhưng hiện nay, vốn điều lệ của nhiều NHTM Việt Nam còn thấp, nhất là các NHTM nhà nước, NHTMCP, chưa tăng đủ số vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo qui định nên chưa có điều kiện để xử lý tài sản bảo đảm theo hướng này.

(v) Về sử dụng quĩ dự phòng để xử lý rủi ro.

Theo qui định hiện hành về việc sử dụng quĩ dự phòng để xử lý rủi ro: Các NHTM phải phát mại tài sản đảm bảo nợ vay, áp dụng hết các biện pháp mà vẫn không thu hồi được nợ thì mới được sử dụng quĩ dự phòng rủi ro để xử lý. Qui định này tuy chặt chẽ, hạn chế việc xử lý rủi ro tràn lan nhưng cũng gây ra khó khăn rất lớn cho các ngân hàng trong quá trình áp dụng. Cụ thể, tuy hướng dẫn điều kiện nhưng qui định không chỉ ra thế nào là các biện pháp xử lý nợ cuối cùng. Mặt khác, theo hướng dẫn, giá bán các tài sản đảm bảo nợ vay có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị nợ tồn đọng, phần chênh lệch được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro của các NHTM. Trên thực tế, nợ xấu của nhiều NHTM Việt Nam tồn tại đã lâu, giá trị lớn, không được xử lý, trong khi nguồn dự phòng của ngân hàng lại hạn hẹp thì việc thực hiện qui định trên là rất khó khăn. Một phần lớn nguyên nhân do việc nhận diện, đánh giá rủi ro, phân loại nợ thiếu chính xác dẫn đến trích dự phòng không đủ để xử lý rủi ro. Mặt khác vẫn còn tâm lý gánh nặng chi phí nên việc trích lập dự phòng chưa thực sự được tuân thủ.

(vi) Về xử lý nợ tồn đọng của các DNNN.

Khi áp dụng Nghị Định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 về xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng NHNo&PTNT Việt Nam gặp phải một số khó khăn:

-Theo qui định, đối với các DNNN có quyết định thực hiện chuyển đổi nhưng gặp khó khăn không cân đối được nguồn để thanh toán các khoản nợ quá hạn thì Tổng giám đốc NHNo&PTNT Việt Nam xem xét, quyết định cho doanh nghiệp được giãn,


khoanh các khoản nợ quá hạn có đến thời điểm quyết định thực hiện chuyển đổi trong thời gian từ 3 năm đến 5 năm. Đối với doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục cổ phần hoá, giao, bán thì ngoài biện pháp khoanh nợ, xoá nợ nói trên, doanh nghiệp phối hợp với ngân hàng chủ nợ và các tổ chức có chức năng mua, bán nợ để xử lý phần nợ gốc quá hạn còn lại theo hướng mua hoặc bán lại nợ hoặc chuyển nợ thành vốn góp của ngân hàng vào doanh nghiệp cổ phần theo qui định của pháp luật về tỷ lệ vốn góp. Với qui định như vậy, các DNNN tìm mọi cách để chứng minh không cân đối được nguồn thanh toán để xin khoanh, giãn nợ, không trả nợ ngân hàng.

- Thiếu cơ chế xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu (cổ phần hoá) nhưng đơn vị mới không nhận đủ nợ (bỏ phần lãi ngân hàng ra ngoài, chỉ tính nợ gốc) và các cơ quan chủ quản cũ sau khi doanh nghiệp cổ phần hoá coi là hết trách nhiệm; hoặc một số trường hợp khi doanh nghiệp không đủ điều kiện để cổ phần hoá (do nợ vay ngân hàng lớn chưa trả được, kinh doanh thua lỗ) nhưng vẫn thực hiện cổ phần hoá.

Khó khăn từ thi hành án cũng ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả xử lý nợ xấu của các NHTM. Theo qui định hiện hành, đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Theo đó, các tổ chức, cá nhân không được quyền mua, bán đất đai. Vì vậy, các cơ quan toà án các cấp chỉ tuyên giao phần tài sản trên đất thuộc quyền định đoạt của ngân hàng, còn lại thuộc quyền sở hữu nhà nước. Do đó, khi ngân hàng nắm giữ đất là tài sản bảo đảm tiền vay thì ngân hàng phải làm thủ tục thuê lại quyền sử dụng đất và ký hợp đồng hàng năm. Trong điều kiện đó, phần tài sản trên đất thường rơi vào tình trạng xuống giá và khó khăn hay khó luân chuyển. Mặt khác, rất nhiều trường hợp khi khởi kiện ra toà, toà tuyên ngân hàng thắng kiện và buộc các con nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay đầy đủ cho ngân hàng nhưng ngân hàng rất khó khăn trong việc thu hồi nợ do cơ quan thi hành án không thi hành án, hoặc thi hành án không được do con nợ hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

- Khuôn khổ pháp lý liên quan đến phân loại nợ xấu và trích lập quĩ dự phòng rủi ro tín dụng còn nhiều bất cập.

Theo qui định tại Điều 18 của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP thì các quĩ thực hiện phân loại nợ, trích lập quĩ dự phòng xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các TCTD, tức là áp dụng các qui định hiện hành của NHNN tại các văn bản:

- Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc NHNN về ban hành qui định về phân loại nợ và trích lập, sử dụng dựphòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các TCTD.


- Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 của Thống đốc NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN.

Tuy nhiên, với các qui định hiện hành nêu trên, có thể nhận thấy việc trích lập dự phòng chưa đảm bảo thu hồi phần vốn đầu tư nếu có xảy ra rủi ro tín dụng.

Công thức qui định về mức trích lập dự phòng cụ thể theo qui định hiện hành:

R = max {0, (A - C)} x r

Trong đó:

R: Số tiền dự phòng cụ thể phải trích. A: Số dư nợ gốc của khoản nợ.

C: Giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo. r: Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể

Giá trị C được xác định bằng tích số giữa giá thị trường của tài sản đảm bảo và tỷ lệ khấu trừ tối đa qui định.

Cách tính dự phòng cụ thể cho thấy mức trích lập dự phòng cụ thể tại một thời điểm là cố định theo một tỷ lệ mà không có mối quan hệ tương quan về thời gian để so sánh với số vốn thực tế đã đầu tư ban đầu. Hay nói cách khác, chưa qui đổi “số vốn đã cho vay” và “số vốn thu về” tại cùng một thời điểm để có sự so sánh xác định mức trích lập.

(vii) Thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa phát triển.

Nợ xấu phát sinh cao trong những năm vừa qua nhưng thị trường mua, bán nợ lại chưa phát triển. Ở Việt Nam, thị trường mua, bán nợ còn đang trong giai đoạn hình thành, khá mới mẻ đối với người bán, người mua và cơ chế vận hành, quản lý của Nhà nước. Nhu cầu mua lại các khoản nợ của các công ty cũng đang gia tăng. Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh VATC, DATC thì có khoảng 20 công ty quản lý và khai thác tài sản do các NHTM đứng ra thành lập và quản lý. Tuy nhiên, qui mô của các công ty này hầu hết đều rất nhỏ, không tương xứng với khối lượng nợ xấu ở Việt Nam. Thực tế cho thấy kể từ khi thành lập đến nay DATC đã thực hiện 118 phương án xử lý nợ với giá trị sổ sách hơn 7.400 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm công ty xử lý được 928 tỷ đồng nợ. Tuy nhiên, với khoản nợ xấu ngân hàng gia tăng đột biến như hiện nay thì tốc độ xử lý của công ty mua, bán nợ quốc gia phải tăng vốn rất nhiều lần mới đáp ứng đủ. Còn đối với VAMC, hoạt động của công ty này hiện nay được đánh giá là chưa hiệu quả. Tính đến 8/2014, VAMC đã mua được 60.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD


trong tổng số 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tuy nhiên VAMC mới xử lý được 1.200 tỷ đồng nợ xấu, tương đương. VAMC phụ thuộc rất lớn vào NHNN từ cơ chế chính sách đến nhân sự. Hơn nữa, VAMC chưa được trao cơ chế đặc biệt để có thể xử lý nhanh các vướng mắc trong xử lý nợ xấu đã mua.

Thứ hai, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên nợ xấu của ngân hàng gia tăng.

Do môi trường kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định. Kể từ cuối năm 2008 nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đó là lạm phát cao, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước do đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nợ xấu của ngân hàng gia tăng. Đỉnh điểm năm 2011, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao trong điều kiện các thị trường khác có những biến động: giá vàng và giá các nguyên liệu đầu vào tăng liên tục với tốc độ chóng mặt; chỉ số chứng khoán liên tục phá đáy còn đồng USD tăng giảm bất thường, sẽ khiến từng bộ phận khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung bị giảm sút. Việc thực hiện chính sách tiền tệ quá chặt, mục tiêu kiềm chế lạm phát chưa đạt được hiệu quả, nhưng ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế thì nhìn thấy rất rõ.

Do khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu nhỏ và khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh kém. Vì vậy, khi môi trường kinh doanh xấu đi, chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt, lãi suất tăng thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về khả năng trả nợ. Theo Kết quả giám sát của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, đến cuối tháng 3/2012, trong hơn 1 triệu khách hàng được chọn mẫu khảo sát tại 57 TCTD của Việt Nam có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Thứ ba, do những bất ổn của thị trường bất động sản.

Một khu vực quan trọng có thể tác động mạnh tới cân đối tài sản bao gồm cả nợ xấu và tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam là thị trường bất động sản. Trong những năm trước đây, cùng với dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường tài sản, một dòng vốn lớn đã được đầu tư vào thị trường bất động sản, bên cạnh đó, bất ổn vĩ mô đặc biệt là tình trạng lạm phát cũng khiến người dân đẩy mạnh đầu cơ vào thị trường này. Hệ quả là giá bất động sản gia tăng, nhu cầu đẩy giá bất động sản


lên cao không phục vụ mục đích để ở và cư trú, mà nhằm đầu tư hưởng lợi nhuận do chênh lệch giá tại hai thời điểm mua và bán. Bản chất đây là bong bóng tài sản, khiến một lượng vốn rất lớn của nền kinh tế găm giữ trong thị trường bất động sản, không đi vào khu vực sản xuất.

Khi chính sách tiền tệ thắt chặt, cộng thêm những yêu cầu trong Chỉ thị 01/CT- NHNN/2011 giảm tỷ trọng tín dụng cho vay phi sản xuất xuống 16% cho đến cuối năm 2011 và coi khu vực phi sản xuất (trong đó có bất động sản) không thuộc khu vực ưu tiên cấp tín dụng thì bong bóng bất động sản được nhận diện rõ, thị trường trở nên đóng băng, giá bất động sản giảm mạnh. Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn và thua lỗ, trong khi bản thân các tài sản thế chấp (phần lớn cũng là bất động sản) giảm mạnh giá trị, khiến các khoản nợ ngân hàng đang dần trở thành các khoản nợ xấu.

Mặt khác, do việc quản lý thị trường bất động sản bị thả lỏng. Các địa phương và các ngành liên quan để cho thị trường này phát triển quá nóng, hàng trăm dự án nhà ở, văn phòng... được cấp đất xây dựng, được cấp phép triển khai. Các qui định khác của cơ quan quản lý nhà nước về huy động vốn của chủ dự án cũng bị xem nhẹ. Giá bất động sản cũng được đẩy lên quá cao, cuốn hút người dân, cuốn hút các nhà đầu tư thi nhau mua, bán đầu cơ, lướt sóng với vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn vay NHTM. Đến khi các NHTM thắt chặt cho vay BĐS, nguồn vốn cho đầu cơ và lướt sóng bị chặn lại, giá BĐS sụt giảm, thị trường BĐS đóng băng, nợ xấu của ngân hàng thương mại bộc lộ.

Bên cạnh đó hàng loạt dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, bến cảng, sân bay... được các địa phương thi nhau triển khai với nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả gián tiếp và trực tiếp có một tỷ trọng khá lớn của vốn vay NHTM, tập trung là vốn vay của các đơn vị thi công, các nhà thầu... Đến nay một tỷ lệ lớn các dự án đó không hiệu quả, nợ quá hạn NHTM phát sinh.

Thứ tư, do lạm phát và lãi suất tăng cao.

NHNN khống chế hạn mức tín dụng. Nhiều dự án của doanh nghiệp, của người vay không tiếp tục vay được vốn để triển khai, hoặc lãi suất quá cao không dám vay. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho nợ xấu NHTM phát sinh. Thực tế trong giai đoạn 2009 - 2012, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất cho vay đã có lúc lên đến trên 20%. Nhiều dự án đầu tư trước đó lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng do bị giới hạn và do lãi suất tăng đột biến đã phải dừng lại và khả năng trả nợ bị ảnh hưởng là tất yếu.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/11/2022