Hoạt Động Trải Nghiệm Theo Chủ Đề Giáo Dục

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THEO CHỦ ĐỀ GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

1.1.1. Các nghiên cứu trên thế giới

Tại Mĩ, năm 1902, “Câu lạc bộ trồng ngô” đầu tiên dành cho trẻ em được thành lập, câu lạc bộ này có mục đích dạy học sinh thực hành trồng ngô, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào nông nghiệp thông qua các công việc nhà nông thực tế. Hơn 100 năm sau, hệ thống các câu lạc bộ này trở thành tổ chức phát triển thanh thiếu niên lớn nhất của Mĩ, tiên phong trong ứng dụng học tập qua lao động, trải nghiệm. Năm 1907, một viên tướng trong quân đội Anh đã tổ chức một cuộc cắm trại hướng đạo đầu tiên. Hoạt động này sau phát triển thành phong trào hướng đạo sinh rộng khắp toàn cầu. Hướng đạo là một loại hình giáo dục trải nghiệm, chú ý đặc biệt vào các hoạt động thực hành ngoài trời, bao gồm: cắm trại, kĩ năng sống trong rừng, kĩ năng sinh tồn, lửa trại, các trò chơi tập thể và các môn thể thao [dẫn theo 10].

Cho đến năm 1977, với sự thành lập của “Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm” (Association for Experiential Education - AEE), “Giáo dục trải nghiệm” đã chính thức được thừa nhận bằng văn bản và được tuyên bố rộng rãi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững (2002), chương trình “Dạy và học vì một tương lai bền vững” đã được UNESCO thông qua, trong đó có học phần quan trọng về “Giáo dục trải nghiệm” được giới thiệu, phổ biến và phát triển sâu rộng. Quan điểm học qua trải nghiệm đã trở thành tư tưởng giáo dục chính thống khi gắn liền với các nhà tâm lí học, giáo dục học như John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget, Lev Vygotsky, David Kolb, William James, Carl Jung, Paulo Freire, Carl Rogers… và hiện nay, tư tưởng “Học thông qua làm, học qua trải nghiệm” vẫn là một trong triết lí giáo dục điển hình của nước Mĩ [dẫn theo 11].

Ở Hàn Quốc hoạt động trải nghiệm được coi là hoạt động được tiến hành đồng thời với hoạt động dạy học các môn học. Hoạt động này được tiến hành xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông theo tỉ lệ từng cấp tiểu học, THCS, THPT là 13,4%, 9,1%, 11,8% so với thời lượng các môn học. Tuy nhiên, quan điểm của Hàn Quốc sau mỗi giờ ở lớp học, học sinh cần được trải nghiệm trong các giờ học ngoại khóa, các hoạt động ngoại khóa này giúp cung cấp kiến thức bổ trợ cho các giờ học chính khóa; hướng tới sự phát triển học sinh một cách toàn diện, vừa có tri thức để học sinh áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, học sinh có năng lực làm chủ kiến thức và quan tâm, chia sẻ với cộng đồng. Nội dung chương trình của hoạt động trải nghiệm lấy cơ sở là đặc điểm hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi tiểu học, THCS, THPT. Trong đó, học sinh có ý tưởng sáng tạo là mục tiêu của cấp Tiểu học và cấp Trung học, học sinh lĩnh hội kiến thức qua trải nghiệm để trở thành công dân toàn cầu với năng lực sáng tạo là mục tiêu của cấp Trung học phổ thông [dẫn theo 11].

Chương trình giáo dục trải nghiệm của Hàn Quốc gồm bốn nhóm hoạt động chính: Hoạt động độc lập, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện, hoạt động định hướng. Về hoạt động cụ thể trong từng nhóm, các trường ở Hàn Quốc lựa chọn và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt để phù hợp với HS từng cấp học và điều kiện kinh tế - xã hội. Trong đó, hoạt động trải nghiệm coi trọng các hoạt động thực tiễn mang tính tự chủ của HS, do vậy, ở Hàn Quốc, khi GV và HS cùng tham gia bàn bạc và nêu ý kiến hoặc tự HS xây dựng kế hoạch và phân chia công việc.

Tại Anh, trong “Chương trình giáo dục phổ thông Anh Quốc” năm 2013, trung tâm Widehorizon thành lập năm 2004 như là niềm hi vọng của giáo dục ngoài trời, trong đó dạy học phiêu lưu - mạo hiểm là một hình thức của trải nghiệm sáng tạo. Tầm nhìn sứ mệnh của tổ chức này đơn giản là: “Chúng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có cơ hội trải nghiệm những tri thức về phiêu lưu mạo hiểm như là một phần được giáo dục trong cuộc đời chúng” Đó cũng chính là một thức của tổ chức các hoạt động sáng tạo cho trẻ em (dẫn theo [1].

Ở Australia, hoạt động giáo dục ngoài trời (outdoor education activities) được coi là một môn học trong chương trình giáo dục, thực hiện xuyên suốt từ bậc mẫu giáo đến hết lớp 12. Hoạt động giáo dục ngoài trời kết hợp mục tiêu học tập của các môn học khác như Giáo dục thể chất và sức khỏe, Địa lí, Lịch sử, Khoa học, Toán, Tiếng Anh và Nghệ thuật để học sinh được phát triển về tinh thần tự lực, sự phụ thuộc lẫn nhau và sự lãnh đạo, sự phát triển của tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, quản lí những rủi ro cá nhân, hành trình an toàn trong tự nhiên,… Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khóa (extracurricular activities) là hoạt động được thực hiện song song với các môn học trong nhà trường. Học sinh có thể lựa chọn để tham gia vào một số hoạt động ngoài chương trình giảng dạy bắt buộc. Chúng được thiết kế để hỗ trợ học tập và phát triển [dẫn theo 8].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

UNESCO cũng nhìn nhận giáo dục trải nghiệm như là một triển vọng tương lai tươi sáng cho giáo dục toàn cầu trong các thập kỉ tới. Giáo dục trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Người dạy ở đây có thể là: giáo viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên, huấn luyện viên, bác sỹ tâm lí... Điều này thể hiện tính đơn giản, đa dạng, phổ biến và ứng dụng của giáo dục trải nghiệm [dẫn theo 14].

Theo John Dewey, học tập qua trải nghiệm được thừa nhận là phương pháp cốt lõi của giáo dục trải nghiệm. Học tập qua trải nghiệm xảy ra khi một người sau khi tham gia trải nghiệm nhìn lại và đánh giá, xác định cái gì là hữu ích hoặc quan trọng cần nhớ và sử dụng những điều này để thực hiện các hoạt động khác trong tương lai. Học tập qua trải nghiệm diễn ra theo mô hình 5 bước như sau:

Quản lý hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục ở các trường trung học cơ sở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang - 3

Bước 1) Trải nghiệm: Người học làm, thực hiện một hoạt động tuân theo các hướng dẫn cơ bản về an toàn, tổ chức hoặc quy định về thời gian, học sinh làm trước khi được chỉ dẫn cụ thể về cách làm.

Bước 2) Chia sẻ: Người học chia sẻ lại các kết quả, các chú ý và những điều quan sát, cảm nhận được trong phần hoạt động đã thực hiện của mình. Học sinh học cách diễn đạt và mô tả lại rõ ràng nhất các kết quả của trải nghiệm và mối tương quan của chúng.

Bước 3) Phân tích: Người học cùng thảo luận, nhìn lại cả quá trình trải nghiệm, phân tích và phản ánh lại. Họ sẽ liên hệ trải nghiệm với chủ đề của hoạt động và các kĩ năng sống mà người học thu lượm được.

Bước 4) Tổng quát: Liên hệ những kết quả và điều học được từ trải nghiệm với các ví dụ trong cuộc sống thực tế. Bước này thúc đẩy người học suy nghĩ về việc có thể áp dụng những điều học được vào các tình huống khác như thế nào. Bước 5) Áp dụng: Sử dụng những kĩ năng, hiểu biết mới vào cuộc sống thực tế, người học trực tiếp áp dụng những điều học được vào tình huống tương tự hoặc các tình huống khác - thực hành [dẫn theo 13].

Như vậy, các công trình nghiên cứu trên thế giới đã nhấn mạnh hoạt động trải nghiệm đã hướng tới sự phát triển học sinh một cách toàn diện, vừa có tri thức để học sinh áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, học sinh có năng lực làm chủ kiến thức và quan tâm, chia sẻ với cộng đồng; hoạt động trải nghiệm coi trọng các hoạt động thực tiễn mang tính tự chủ của HS và phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

1.1.2. Các nghiên cứu ở Việt Nam

Các nghiên cứu về hoạt động trải nghiệm

Năm 2011, lần đầu tiên khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với Đại học Keuka, Mỹ sinh viên thuộc chương trình đào tạo Cử nhân khoa học ngành Quản lí, được tiếp cận với môn học “Giáo dục trải nghiệm”. Môn học nhằm giúp sinh viên gần gũi hơn với cuộc sống, với xã hội và có thêm được những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống [10].

Năm 2013, tác giả Nguyễn Thị Tính nghiên cứu về Giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh trung học phổ thông, đã chỉ rõ kỹ năng sống của học

sinh chỉ được hình thành và phát triển thông qua hoạt động trải nghiệm và bằng hoạt động trải nghiệm của người học [12].

Các nghiên cứu về quản lý hoạt động trải nghiệm

Chương trình giáo dục phổ thông: Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [2], đã nhấn mạnh hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở các trường Tiểu học thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do tác giả Trần Thị Thanh Thủy thực hiện đã phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản ở trường tiểu học như: Mục tiêu; Vị trí, vai trò; Nội dung, hình thức của hoạt động trải nghiệm. Trong tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở các trường Tiểu học, tác giả đã đề cập đến quy trình quản lý gồm: Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chí đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá tổ chức hoạt động trải nghiệm. Tác giả đã đề xuất một số biện pháp như: Nâng cao nhận thức cho GV và CBQL về hoạt động trải nghiệm và tổ chức HĐTN cho học sinh trong nhà trường tiểu học; Bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học về kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh; Kế hoạch hóa tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh phù hợp với điều kiện của nhà trường; Phối hợp với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường trong tổ chức HĐTN cho HS tiểu học; Hoàn thiện các điều kiện phục vụ tổ chức HĐTN cho HS tiểu học [14].

Các nghiên cứu về quản lý hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục

Theo Nguyễn Thị Minh Nguyệt với đề tài Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề giáo dục ở trường trung học phổ thông Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã đề cập đến một số biện pháp như: Nâng cao nhận thức cho CBQL, GV, các lực lượng giáo dục về tầm quan trọng của tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề giáo dục đối với HS ở trường trunh học phổ thông Thái Nguyên; Phát triển chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường; Bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho CBQL, GV theo chủ đề giáo dục với nội dung, chương trình, kế hoạch đã xây dựng; Chỉ đạo GV đa dạng hóa các hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường... [11].

Nguyễn Thị Thế Bình trong bài viết “Tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chủ đề trong dạy học lịch sử ở trường phố thông” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chủ đề lịch sử trong môn Lịch sử, tác giả đưa ra quy thiết kế hoạt động trải nghiệm theo chủ đề trong dạy học Lịch sử gồm các bước: Lập kế hoạch, thiết kế hoạt động trải nghiệm, tổ chức HĐTN và đánh giá HĐTN, tác giả đi đến kết luận “Để HĐTN trong dạy học Lịch sử đạt hiệu quả tốt, đòi hỏi GV bộ môn phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, biết vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp, phương tiện, kĩ thuật dạy học” [7].

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên chỉ đề cập đến từng mặt giáo dục, chưa có công trình nghiên cứu nào về quản lý hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục cho HS các trường THCS. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục cho HS các trường THCS, tác giả chọn đề tài Quản lý hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục cho HS các trường THCS huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Gianglàm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ.

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.1. Hoạt động trải nghiệm

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam "trải nghiệm theo nghĩa chung nhất là bất kì một trạng thái có màu sắc xúc cảm nào được chủ thể cảm nhận, trải qua, đọng lại thành bộ phận (cùng với tri thức, ý thức…) trong đời sống tâm lí của từng người. Theo nghĩa hẹp hơn, chuyên biệt hơn của tâm lí học, là những tín hiệu bên trong, nhờ đó nghĩa của các sự kiện đang diễn ra đối với cá nhân được ý thức, chuyển thành ý riêng của cá nhân, góp phần lựa chọn tự giác các động cơ cần thiết, điều chỉnh hành vi của cá nhân” [9].

“Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân HS được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc xã hội, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, phẩm chất nhân cách, các năng lực và tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân” [5, tr.9].

Theo Hiệp hội “Giáo dục trải nghiệm” quốc tế: “hoạt động trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia các trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển các năng lực bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội”[4].

Theo tác giả luận văn, hoạt động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục trong đó với vai trò hướng dẫn chủ đạo của GV, học sinh trải nghiệm đời sống thực tiễn để tiếp thu, tổng hợp kiến thức và kỹ năng, thái độ, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực đặc thù cho HS.

1.2.2. Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục

Theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tại Điều 26. Các hoạt động giáo dục, mục 1 quy định: Các hoạt động giáo dục bao gồm

hoạt động trong giờ lên lớp và hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động [3].

Hoạt động giáo dục theo nghĩa rộng là “những hoạt động có chủ đích, có kế hoạch, có sự định hướng của nhà giáo dục, được thực hiện thông qua những cách thức phù hợp để chuyển tải nội dung giáo dục đến người học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục [11, tr.14].

Hoạt động giáo dục theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các hoạt động giáo dục được tổ chức ngoài giờ dạy các môn học gồm: Hoạt động tập thể (sinh hoạt lớp, sinh hoạt trường, sinh hoạt Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, sinh hoạt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được tổ chức theo các chủ đề giáo dục; Hoạt động giáo dục hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) giúp HS tìm hiểu để định hướng tiếp tục học tập và định hướng nghề nghiệp; Hoạt động giáo dục nghề nghiệp phổ thông (cấp trung học phổ thông).

Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT ban hành thì hoạt động giáo dục (nghĩa rộng) ở tường phổ thông bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm.

Chủ đề giáo dục là những nội dung giáo dục được tích hợp theo một lĩnh vực cụ thể hoặc một nội dung giáo dục gắn với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể có tác dụng hình thành phát triển năng lực HS đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục [11, tr.16].

Theo những phân tích trên, theo chúng tôi: Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục cho HSTHCS là hoạt động được tổ chức, thiết kế theo chủ đề giáo dục giúp HS có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế cuộc sống lao động, học tập phát triển bản thân và phát triển cộng đồng.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 29/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí