Có Chiến Lược Và Phương Thức Thích Hợp Để Tiếp Cận Thị Trường.


Về tín dụng trung và dài hạn cho xuất khẩu chủ yếu qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư quốc gia (vốn ngân sách cấp ban đầu là 1.100 tỷ đồng) do Tổng cục đầu tư phát triển quản lý, mới đây đã nhập thành Ngân hàng Hỗ trợ phát triển, còn tín dụng ngắn hạn chủ yếu do Ngân hàng ngoại thương đảm nhiệm. Ngoài ra còn dự định hình thành một số quỹ khác như Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng theo tinh thần Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/06/2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, Quỹ bảo hiểm xuất khẩu được Nhà nước khuyến khích thành lập đối với một số ngành hàng quan trọng, có khối lượng xuất khẩu tương đối lớn như gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản, gỗ, tiêu, điều... để bảo hiểm cho ngành hàng đó. Việc quản lý các quỹ này sẽ do các Hiệp hội ngành hàng đảm trách theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định.

Việc hình thành quá nhiều quỹ có chức năng gần như nhau sẽ gây phân tán nguồn lực tài chính, cạnh tranh không cần thiết, lãng phí (trụ sở, mạng lưới, chi phí quản lý hành chính, đội ngũ cán bộ), chồng chéo, vừa thừa, vừa thiếu, khó quản lý và dễ gây thất thoát...). Chính vì vậy, việc tập trung vào một đầu mối cung cấp tín dụng và ưu đãi tín dụng thúc đẩy xuất nhập khẩu là cần thiết. Trong những năm qua, các quỹ tín dụng đã góp phần nhất định thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, tín dụng xuất khẩu và ưu đãi tín dụng xuất khẩu áp dụng với các thị trường mới như GCC vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ trong thực tế, còn rất nhiều thiếu sót và khiếm khuyết, không có tính hệ thống cả trong các văn bản hướng dẫn, thiết lập cơ chế cũng như triển khai thực hiện. Đa số các giải pháp tín dụng và ưu đãi tín dụng còn nằm trên giấy, trong các văn bản chung chung ở cấp cao mà không được cụ thể hoá. Trên cơ sở những phân tích trên, căn cứ vào mục tiêu định hướng phát triển xuất khẩu trong thời gian tới, vào những đặc điểm của thị trường các nước thuộc khu


vực GCC như độ rủi ro cao, phương thức thanh toán khó khăn, các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu chưa phát triển... cần nâng cao hiệu quả của tín dụng hỗ trợ cho xuất khẩu vào khu vực thị trường này. Để mục tiêu đó phải tiến hành thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:

Thành lập Ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) chuyên phục vụ xuất nhập khẩu trên cơ sở giải thể các quĩ ở trên để tập trung toàn bộ các công cụ hỗ trợ tín dụng cho xuất khẩu vào một kênh duy nhất, cũng như tập trung các nghiệp vụ ngân hàng phục vụ xuất khẩu vào kênh Nhà nước duy nhất này, đồng thời, thực hiện tất cả ưu đãi tín dụng từ phía Nhà nước thông qua Ngân hàng này. Quỹ Hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chỉ là một bước đệm.

Cho phép các ngân hàng thương mại khác (cả quốc doanh, ngoài quốc doanh, trong nước và nước ngoài) cấp tín dụng cho xuất khẩu (bổ sung cho NHTMQD chuyên doanh nêu trên, tạo cạnh tranh và hợp tác, đa dạng hoá các hình thức tín dụng), song không được tổ chức ưu đãi tín dụng cho xuất khẩu qua các kênh này. Đồng thời, cho phép tự do thành lập các quỹ hỗ trợ xuất khẩu mà không dùng nguồn vốn Nhà nước để cấp tín dụng hay ưu đãi tín dụng cho mọi đối tượng hoạt động xuất khẩu.

Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp được vay ngắn hạn thực hiện hoạt động xuất khẩu tại các Ngân hàng thương mại quốc doanh.

Nới lỏng các qui định về bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là bảo lãnh tín dụng xuất khẩu trên cơ sở xây dựng qui định cơ chế bảo lãnh tín dụng rò ràng, có thông tin đầy đủ về uy tín tài chính của bạn hàng. Cần coi bảo lãnh tín dụng xuất khẩu là công cụ quan trọng nhất trong chính sách tín dụng thúc đẩy xuất khẩu (Nhà nước phải đóng vai trò chủ chốt, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải trở thành bên bảo lãnh chính).


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.

Căn cứ vào từng điều kiện cụ thể (mặt hàng, nước xuất khẩu, mức độ khó khăn của thị trường và mặt hàng xuất khẩu, thời điểm...) có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi tín dụng một cách đặc biệt. Ưu tiên tín dụng xuất khẩu mặt hàng mới, thị trường mới được xếp hàng đầu trong các ưu tiên về tín dụng. Ưu đãi về tín dụng cho xuất khẩu là các ưu đãi về thời hạn tín dụng, điều kiện cho vay (thế chấp, tín chấp, bảo lãnh...) và thủ tục tín dụng.

Đối với thị trường mới, khó thâm nhập và có độ rủi ro cao như thị trường các nước thuộc khu GCC, cần ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong khắc phục những rủi ro tín dụng (rủi ro lạm phát, tỷ giá, biến động, thay đổi của bạn hàng, khó thanh toán, biến động về chính trị, xung đột, chiến tranh...) thông qua ưu đãi trong việc xử lý nợ quá hạn do những lý do bất khả kháng như giãn nợ, hoãn nợ, không tính lãi trên vốn vay trong thời gian quá hạn, phối hợp giữa doanh nghiệp, ngân hàng để khắc phục hậu quả. Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc đứng ra bảo lãnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả, kiểm tra, giám sát các rủi ro này.

Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và một số nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - 15

3.3.1.4. Có chiến lược và phương thức thích hợp để tiếp cận thị trường.

Muốn từng bước thâm nhập vào khối thị trường này một cách vững chắc và có hiệu quả, một nội dung không kém phần quan trọng là phải có chiến lược và phương thức tiếp cận thích hợp. Thị trường GCC là một thị trường mới vì vậy cần phải áp dụng những chiến lược và phương thức tiếp cận chung như đối với các thị trường mới khác (Nam Mỹ, châu Phi...). Ngoài ra, căn cứ vào những yếu tố khác mà trước hết là những đặc điểm nổi bật của thị trường này như chính trị không ổn định, đang xảy ra tranh chấp, các yếu tố về tôn giáo, văn hoá, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực, mức độ mở cửa nền kinh tế... Ngoài ra, cần phải căn cứ vào mức độ quan hệ trên các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế - thương mại đã có


của Việt Nam đối với từng nước cụ thể trong khu vực, khả năng và trình độ thâm nhập kể cả ở cấp độ quốc gia lẫn doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Theo các căn cứ đã nêu, có thể đề ra chiến lược tổng quát để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc khu vực GCC là thâm nhập có trọng tâm, trọng điểm, lấy đó làm căn cứ (bàn đạp) để phát triển sang các nước lân cận khác. Phương châm để chọn trọng tâm, trọng điểm (căn cứ) là những nước có yếu tố địa lý, trình độ phát triển thương mại và đã có quan hệ tốt đối với ta. Việt Nam nên chọn trọng điểm bàn đạp là Dubai thuộc UAE, từ đây có thể tiến hành thâm nhập vào các khu vực thị trường các nước khác của khu vực GCC cũng như thị trường châu Phi, châu Âu, Trung Á... Vì rằng Dubai là một trung tâm kinh tế và thương mại lớn của khu vực và của thế giới, là thị trường có mức độ mở cửa rất cao, được mệnh danh là Hồng Kông của khu vực Trung Đông. Việt Nam cần tăng cường các quan hệ ngoại giao cũng như các quan hệ trên các lĩnh lực khác với thị trường UAE, đặc biệt là các quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại. Tăng cường các cuộc viếng thăm, đàm phán giữa các Chính phủ, tăng cường sự hoạt động của các cán bộ ngoại giao và tham tán thương mại. Hiện nay Việt Nam đã thành lập trung tâm thương mại tại thị trường Dubai.

Từ trung tâm (bàn đạp) trên, Việt Nam có thể từng bước thâm nhập vào các thị trường lân cận. Tuy nhiên, để việc thâm nhập có hiệu quả cũng cần có các phương thức tiếp cận cụ thể. Trước hết nên chọn các nước lân cận có nền chính trị tương đối ổn định. Sau đó chuẩn bị mọi cơ hội để thâm nhập vào các nước hiện đang có chiến tranh và xung đột, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thâm nhập được ngay khi chiến tranh kết thúc.


3.3.1.5. Đổi mới cơ cấu mặt hàng và phát huy những mặt hàng trưyền thống xuất khẩu sang thị trường các nước GCC.

Để phát triển thị trường xuất khẩu nhất là những thị trường mới như khu vực GCC cần phải tiến hành nghiên cứu thị trường. Khi tham gia thị trường này, các ngành sản xuất, nhà xuất khẩu cần phải hiểu rò các vấn đề là: Nhu cầu thị trường muốn thâm nhập cần loại hàng hoá gì? Nhu cầu có tính ổn định tương đối lâu dài hay không? Yêu cầu về số lượng, chất lượng, giá cả, đối thủ cạnh tranh, pháp luật của nước sở tại, thói quen tiêu dùng, mẫu mã, các hình thức thông quan...?

* Củng cố phát huy các mặt hàng truyền thống

Từ trước đến nay, phần lớn hàng xuất khẩu vào thị trường GCC chủ yếu là nông sản như: tiêu đen, gạo, chè, cà phê, hạt điều, cơm dừa, cao su..là những mặt hàng truyền thống. Tuy nhiên, kể cả những mặt hàng được coi là “thế mạnh”, ngoại trừ tiêu đen được xuất khẩu chủ yếu trong thị trường thì các nông sản khác của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ tại thị trường GCC.

Các mặt hàng nông sản thường có giá cả biến động thất thường, trong khi các nước GCC là thị trường “tương đối xa”, chí phí vận tải nhỏ lẻ cao, giá cả lại thường không tốt bằng các thị trường khác nên nhiều doanh nghiệp đã bỏ hợp đồng với thị trường này khi giá lên, hoặc khi khan hiếm nguồn hàng, thậm chí có nơi vẫn giao hàng nhưng với chất lượng hàng thấp hơn hàng đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, hàng nông sản xuất sang các nước GCC phần lớn để tái xuất, do đó giá không cao. Hàng tiêu thụ tại các nước GCC thường yêu cầu chất lượng, bao bì, quy cách chặt chẽ, chẳng hạn chè, cà phê còn yêu cầu pha chế đúng khẩu vị. Vì thế đến nay hầu như hàng nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được. Các nước GCC là thị trường nhập khẩu nông sản lâu đời, có sức mua và tiềm năng lớn. Do vậy, nếu khắc phục được các trở ngại nói trên thì


hàng nông sản Việt Nam sẽ gia tăng được kim ngạch xuất khẩu vào thị trường vùng Vịnh này.

* Đổi mới cơ cấu mặt hàng

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào GCC, ngoài những mặt hàng truyền thống, cần xem xét những mặt hàng mới gì thị trường GCC đang có nhu cầu mà Việt Nam có thể đáp ứng được. Qua đó, và tìm hiểu nhu cầu của thị trường này đối với các sản phẩm chính hiện nay của Việt Nam.

Trong các đối tác xuất khẩu của GCC, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất; đối với máy móc, hàng điện tử lớn thứ nhì (sau Hoa Kỳ). Anh Quốc cũng là nước xuất khẩu máy móc, hoá chất và sản phẩm liên quan lớn vào GCC; trong khi với xe hơi và một số máy móc thiết bị, Nhật Bản cũng có trị giá xuất khẩu cao vào GCC. Đối với Singapore, kim ngạch chủ yếu nhờ vào đồ trang sức; Thái lan có trị giá xuất khẩu cao vào GCC chủ yếu do hàng dệt may và hàng điện tử. Thời gian vừa qua, một số mặt hàng công nghiệp có trị giá lớn của Việt nam đã bắt đầu có thị trường tại GCC là vải, pin và ắcquy, giày dép, sản phẩm nhựa, phụ liệu thuốc lá...Ngoài ra các mặt hàng khác như đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, hải sản, cũng là những mặt hàng đang gia tăng và rất có triển vọng vào thị trường GCC. Từ đó có thể tin rằng việc từng bước thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường GCC là điều có thể thực hiện được. Tuy vậy, để thực sự biến đổi cơ cấu hàng xuất vào GCC còn phụ thuộc vào cả việc tiếp thị lẫn khâu sản xuất. Đầu tiên là việc tìm hiểu thị trường, tìm ra các mẫu mã hợp thị hiếu các nước GCC và khu vực Trung Đông, xây dựng được các bạn hàng tin cậy. Sở dĩ Trung Quốc giành được thị phần lớn tại thị trường GCC một lý do quan trọng là do họ làm được các mẫu hàng đúng thị hiếu thị trường. Nhiều khi hàng Việt Nam, do sản xuất nhỏ nên không đáp ứng được chủng loại phong phú và tiến độ giao hàng, do đó việc mạnh dạn đầu tư sản xuất công nghiệp cho xuất khẩu là điều


hết sức cần thiết nhằm thay đổi cơ cấu, gia tăng kim ngạch hàng xuất khẩu vào thị trường GCC.

3.3.1.6. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), hỗ trợ doanh nghiệp ở cấp Chính phủ.

Ở nước ta các tổ chức Xúc tiến Thương mại (XTTM) cấp độ vĩ mô là các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và các bộ khác, cấp trung mô như Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương, các Hiệp hội ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số tổ chức khác, cấp vi mô hiện có những tổ chức xúc tiến thương mại như Trung tâm Phát triển Ngoại thương và Đầu tư của TP Hồ Chí Minh, với nhiều chi nhánh ở các thành phố và các tỉnh và các Hiệp hội công thương, các trung tâm XTTM ở một số thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng...Đối với các thị trường mới, tiếp cận khó và tốn kém nhiều như thị trường GCC, trong giai đoạn đầu cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở cấp độ vĩ mô (cấp Chính phủ), kết quả của các hoạt động từ cấp độ vĩ mô sẽ tạo ra cơ sở, cơ hội cho hoạt động XTTM cho các cấp độ tiếp theo.

Một số doanh nghiệp Việt Nam cho hay, họ biết rất ít thông tin về thị trường các nước GCC. Nhiều người trước khi sang khu vực này chưa biết những khái niệm cơ bản nhất về đất nước, pháp lý, kinh tế-xã hội nước bạn, chưa kể hạn chế về tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Arập. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không tránh khỏi bỡ ngỡ khi giao tiếp với đối tác. Từ đó sẽ rất khó gây được sự tin cậy, quan hệ thân thiết với khách hàng, dẫn đến việc khó đạt được thỏa thuận hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Khi buôn bán với thị trường các nước vùng Vịnh này, việc chuẩn bị thông tin chung, thông tin cụ thể về thị trường, mặt hàng, thủ tục giao nhận, thanh toán là điều hết sức quan trọng. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường công tác thông tin về thị trường này qua các kênh khác nhau. Đối với cơ quan


thương vụ tại nước ngoài có thể tiến hành và cung cấp thông tin về điều tra thị trường theo yêu cầu từng mặt hàng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là việc tăng cường tổ chức khảo sát thị trường GCC; tham gia hội chợ, hội thảo các nước, trong đó Dubai là một trung tâm hội chợ, hội thảo trong khu vực; ứng dụng và khai thác thương mại điện tử, một phương thức buôn bán mới đang rất phát triển tại UAE.

Ngoài việc tạo cơ sở và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp nói trên, mục tiêu và nội dung cơ bản của hoạt động xúc tiến thương mại chính phủ còn là tư vấn kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) về thị trường các nước khu vực GCC.

Giới thiệu doanh nghiệp và tìm kiếm bạn hàng, thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao tiếp với các doanh nghiệp trong khu vực GCC và ngược lại, thông qua các cuộc gặp mặt, tọa đàm... để các doanh nghiệp tự tìm kiếm bạn hàng. Giới thiệu và phổ biến thông tin thị trường hai bên, thông qua hệ thống báo chí, đĩa CD, mạng thông tin, tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm thương mại ở ngoài nước, giới thiệu, quảng cáo hàng hoá, tìm kiếm bạn hàng và thị trường tiêu thụ. Việc tổ chức được thực hiện dưới nhiều hình thức như toạ đàm và giao lưu thương mại. Tổ chức trung tâm thương mại trong các nước thành viên GCC, giúp các doanh nghiệp thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc thành lập công ty Việt Nam hoặc cửa hàng bán thử sản phẩm ở khu vực vùng Vịnh này. Nghiên cứu, tổ chức thực nghiệm và giới thiệu các hình thức thương mại mới như thương mại điện tử, đặt hàng qua bưu điện... Khảo sát, điều tra môi trường kinh doanh thông qua định kỳ thu thập ý kiến, nguyện vọng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hướng dẫn doanh nghiệp khả năng thoả mãn và đáp ứng nguyện vọng; kiến nghị với Nhà nước các giải pháp để phát triển thị trường...Hợp tác quốc tế về xúc tiến thương mại, để mở rộng khả năng phát

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/06/2022