Bức Tranh Thiên Nhiên Dữ Dội, Bí Ẩn Và Đầy Khắc Nghiệt


bênh, đau khổ. Điều này được mô tả rất rò trong tác phẩm của Sơn Nam không chỉ trong tác phẩm văn chương mà cả trong các tập sách biên khảo. Ông ý thức được rằng muốn làm thay đổi quê hương xứ sở thì cần cho mọi người biết đến quê hương của mình, ông bắt tay vào sáng tác văn học như muốn giới thiệu với tất cả mọi người về xứ sở của ông qua những sáng tác nghệ thuật. Suy nghĩ của ông đơn giản và chan chứa tình yêu quê hương - vùng đất còn vương đất phèn chưa hoàn toàn được thuần hóa “tôi thấy một thôi thúc mãnh liệt là phải viết về những chuyện về vùng đất mà mình đã sinh ra, lớn lên và trải qua một phần trai trẻ. Viết để người Sài Gòn, người xứ khác hiểu về miền Tây Nam Bộ” (Hồ Sĩ Hiệp, 1986). Có lẽ những lời cha dặn trước lúc lên đường cũng là một nguồn động lực để ông tiến lên phía trước, dốc hết sức mình làm vinh dự cho xứ sở “ráng mà học cho vẻ vang dòng họ, mình là dân U Minh, ai cũng chê dốt nát, quê mùa, áo mốc, chân phèn…” [13a; 65].

Không ngừng lại ở đó, Sơn Nam trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, những điều ông nhận thấy, tìm hiểu được… có một chiều sâu tâm thức, là cội nguồn dân tộc cần phải được ghi chép lại lưu tới đời sau… và điều thôi thúc đó ông trở thành nhà biên khảo tâm huyết. Những tác phẩm biên khảo của ông là tài sản qúi báu của dân tộc, có giá trị to lớn về tư liệu, có cả những tư liệu kiểm chứng được nhưng cũng có những tư liệu chỉ có một mình ông trải nghiệm, nó đứng vững là nhờ vào “lương tâm nghề nghiệp” của người cầm bút (Lý Tùng Hiếu, 2013); đồng thời giúp ích rất nhiều cho độc giả, những nhà văn, nhất là những nhà nghiên cứu lịch sử vùng Nam Bộ… ở nhiều thế hệ đang và sẽ nghiên cứu về lịch sử hình thành, lịch sử khẩn hoang, văn hóa… của miền Nam. Ngoài ra, tư liệu biên khảo của ông cũng giúp cho những nhà nghiên cứu văn chương có thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong tác phẩm của chính tác giả hay của các sáng tác viết về miền Nam. Về già, không còn đi nhiều như trước, chính những kiến thức ấy đã giúp nhà văn vẫn có thể sáng tác cho bao thế hệ độc giả thưởng thức cũng như cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn “… càng già tôi càng hiểu rằng những ấn tượng đầu tiên khi mình còn bé vừa tiếp xúc với cuộc đời cứ theo thời gian mà càng khắc sâu trong tâm thức” [13a; 126].

Sơn Nam đặc biệt quan tâm và có niềm say mê mãnh liệt đối với thiên nhiên và con người của vùng châu thổ sông Cửu Long: nếp sinh hoạt, quan hệ thế sự, phong tục, tập quán… trong cuộc sống của người nông dân và lớp dân nghèo thành thị. Yếu tố thể hiện tư tưởng nghệ thuật và có tính chất quyết định được coi là hạt nhân phong cách nghệ thuật Sơn Nam là Cảm quan về thiên nhiên, con người và văn hóa Nam Bộ. Cảm quan ấy được hình thành từ sự tác động trực tiếp của thời đại, xã hội, hoàn cảnh


gia đình, cá tính và quan niệm về văn chương của tác giả. Nhiều nhà nghiên cứu có chung một đánh giá: Sơn Nam không chỉ là một nhà văn có cốt cách lãng tử – nhà khảo cứu bình dân với một cá tính đặc biệt là thích ngao du, ham tìm tòi học hỏi, và cũng là nhà xã hội học mẫn cảm.

Để xác lập phong cách nghệ thuật Sơn Nam, người viết chỉ dựa trên những tác phẩm văn học bao gồm: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký (hồi ký, bút ký), tạp bút để khảo sát tìm ra những nét độc đáo trong các sáng tác, và sử dụng những tác phẩm biên khảo của nhà văn đối chiếu và soi rọi để những luận đề, luận điểm đưa ra có sức thuyết phục. Trong quá trình nghiên cứu, người viết sẽ triển khai theo các nguyên tắc:

Chỉ ra các phương diện biểu hiện của phong cách, qua các yếu tố của cấu trúc phong cách trong các sáng tác của nhà văn Sơn Nam

Khẳng định những đóng góp của nhà văn Sơn Nam trong sự phát triển văn học dựa trên quan điểm đồng đại và lịch đại.

Nhận rò “cái nhìn” của nhà văn trong quá trình sáng tác nên không thể tách rời nội dung và hình thức văn bản.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.

Tìm ra nét độc đáo và tài hoa của Sơn Nam, người viết sẽ vận dụng quan điểm lịch sử và phương pháp nghiên cứu tiểu sử, xã hội học trong nghiên cứu phong cách tác giả.

Tiểu kết chương 2

Phong cách nghệ thuật Sơn Nam - 8

Nhìn chung lại, lý luận phong cách nghệ thuật được hệ thống lại từ quan niệm của các nhà lý luận cổ điển của phương Đông và phương Tây, xác định hướng nghiên cứu phong cách tác giả qua hệ thống tác phẩm đồng thời đưa ra quan niệm, cách kiến giải riêng về những vấn đề là một trong những mục đích chính của luận án.

Phong cách nghệ thuật nhà văn chính là cái nhìn nghệ thuật của nhà văn hiện lên qua hệ thống tác phẩm, biểu hiện ra thành quan niệm nghệ thuật về cuộc sống, con người và các phương tiện thể hiện nghệ thuật; cũng là lối viết, cách thức hành văn riêng của tác giả bao gồm một số nguyên tắc nghệ thuật (kết cấu, cốt truyện, nhân vật, giọng điệu, ngôn từ…; phương pháp sáng tác; thể hiện ra bằng những kiểu lựa chọn riêng chi phối các phương tiện nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn. Vận dụng lý thuyết để nghiên cứu một hiện tượng văn học cụ thể.

Phong cách nghệ thuật Sơn Nam là vấn đề mà người viết sẽ triển khai trong các chương tiếp theo của luận án. Để phát hiện ra phong cách Sơn Nam một cách chính xác, người viết vận dụng quan điểm lịch sử và phương pháp nghiên cứu tiểu sử,


xã hội học… Nghĩa là dựa trên hoàn cảnh lịch sử 1945 – 1954 và 1954 – 1975 của miền Nam, dấu ấn dân tộc, cảm hứng thời đại, văn hóa vùng miền Nam Bộ thời khẩn hoang. Đó là những cơ sở khách quan. Hoàn cảnh gia đình cùng với vốn tri thức, kinh lịch, sự trải nghiệm bản thân, cá tính độc đáo của nhà văn cũng góp phần quan trọng vào hình phành và phát triển phong cách. “Văn là người” như câu nói lưu truyền từ lâu đời. Sơn Nam là con người mang cốt cách Nam Bộ chính hiệu. Đó là thuần phác mộc mạc, đôn hậu, tình nghĩa giàu lòng trắc ẩn, hào hiệp, phóng khoáng.

Lấy mình hiểu người, từ mình đến người là cách tìm hiểu thế giới nhân sinh Nam Bộ, Sơn Nam thành công trong việc tạo dựng thế giới nhân vật tiêu biểu nhờ yếu tố căn bản đó. Tính chịu học, tìm kiếm sẽ tạo nên vốn tri thức uyên bác vượt trội hơn hẳn thiên hạ cũng làm nên tiềm năng sung mãn của người viết. Bút pháp uyên bác tài hoa như nét phong cách cũng từ đó mà ra. Văn phong trữ tình sâu lắng có nguồn gốc sâu xa từ tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái giàu cảm thương, dễ động lòng trắc ẩn của nhà văn.

Có điểm hơi lạ là văn Sơn Nam rất chỉn chu, là sự giản dị qua chắt lọc. Ấy là vì nhà lãng tử ngao du khắp chốn để dấn thân tìm hiểu cuộc đời lại là người lao động chữ nghĩa cần mẫn chu đáo trên trang viết. Phóng khoáng khi đi nhưng cẩn thận khi ngồi là hai nét kết hợp hài hoà trong Sơn Nam. Tìm hiểu quan niệm sáng tác cũng như quan niệm về chức năng của người cầm bút của Sơn Nam để tìm ra những nét đặc trưng tiêu biểu của nhà văn Nam Bộ. Đặc biệt là quan niệm về chức năng nhà văn và hiệu quả văn chương chính xác, tiến bộ sẽ làm nên một nhà văn rất có trách nhiệm và lương tâm .

Từ tất cả các điều trên người viết luận án rút ra những nguyên tắc chung trong việc tìm ra phong cách Sơn Nam và khẳng định sự đóng góp một phong cách văn học độc đáo đậm nét Nam Bộ cho dòng văn học dân tộc.


Chương 3

CẢM QUAN VỀ THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA NAM BỘ TRONG SÁNG TÁC SƠN NAM


3.1. Cảm quan thiên nhiên Nam Bộ trong sáng tác Sơn Nam

Thiên nhiên là một trong những đối tượng thẩm mỹ của nhiều ngành nghệ thuật. Đối với nhà văn, thiên nhiên vừa là đối tượng miêu tả, vừa là phông nền cho ý tưởng sáng tác.

Khác với một số tác giả viết nhiều về miền Nam như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, hai nhà văn này có điểm chung là sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng cùng đi tập kết ra Bắc khi còn trẻ nên quan điểm viết về đồng bằng sông Cửu Long không giống với Sơn Nam. Họ đề cập đến Nam Bộ như ghi lại những ký ức đẹp đẽ của một thời thơ ấu trong Đất rừng phương Nam, Thiên nhiên Nam Bộ… của Đoàn Giỏi; mô tả cuộc đấu tranh chống Mỹ của người dân Đồng Tháp Mười trong Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng… của Nguyễn Quang Sáng, cuộc chiến đấu của người dân miền Nam với thực dân như Hòn Đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi... Những nhà văn này viết về thiên nhiên Nam Bộ như là một phông nền cho cuộc kháng chiến khốc liệt với kẻ thù. Đối với Sơn Nam thì khác, thiên nhiên chính là quê hương, là máu thịt, là linh hồn của một người con gắn bó cả đời với quê hương Nam Bộ. Ông viết về thiên nhiên quê hương ông như một sự ca ngợi, yêu thương, mang trách nhiệm đối với nơi “chôn nhau cắt rốn”. Thiên nhiên ấy dưới sự tác động của thời gian và bàn tay lao động của con người không trong tình trạng bất biến mà luôn biến đổi ngày một khác hơn lúc ban đầu. Qua sáng tác Sơn Nam, thiên nhiên Nam Bộ là bức tranh hùng vĩ về một thời khẩn hoang của dân tộc. Hai đặc điểm lớn của thiên nhiên Nam Bộ trong sáng tác Sơn Nam là thiên nhiên đậm nét hoang sơ, dữ dội và thiên nhiên hiền hòa, gần gũi, gắn bó với con người.

3.1.1. Bức tranh thiên nhiên dữ dội, bí ẩn và đầy khắc nghiệt

Là người con của vùng đất Nam Bộ, Sơn Nam thổi vào văn chương tất cả hình ảnh thiên nhiên thân thuộc, cũng là không gian sinh hoạt văn hoá của con người phương Nam. Thiên nhiên Nam Bộ đã được Sơn Nam chọn làm bối cảnh chính cho các tác phẩm của mình. Thiên nhiên trong tác phẩm văn chương Sơn Nam không là phông nền giống của các tác giả khác mà được mô tả như là trung tâm phản ánh của tác phẩm

- một bức tranh thiên nhiên dữ dội, bí ẩn và vô cùng khắc nghiệt của miền đất phương Nam một thời dân ta đi mở rộng bờ còi. Không ít nhà văn viết về thiên nhiên Nam Bộ,


Hồ Biểu Chánh nhà văn đầu thế kỷ XX có nhiều trang văn viết về thiên nhiên giai đoạn đầu thế kỷ nhưng thiên nhiên ấy là những cánh đồng, dòng sông… khi miền đất phương Nam đã được thuần hóa. Sau 1975, nhiều nhà văn đã viết về thiên nhiên Nam Bộ, đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư – nhà văn trẻ của đồng bằng sông Cửu Long có tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận “tác phẩm gây xôn xao trong đời sống văn học” một thời bởi người ta tìm thấy ‘sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái’. Mỗi truyện ngắn là mỗi tấn bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng của con người trong bối cảnh thiên nhiên như những cánh đồng chạy dài đến bất tận, những dòng sông vắng lặng cô đơn khiến người đọc “có lúc cảm thấy nhói tim...” (Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận - 2006). Nhìn chung thiên nhiên của Nguyễn Ngọc Tư là thiên nhiên tâm trạng, cảnh thiên nhiên chỉ là cái nền cho tâm trạng nhân vật bộc lộ. Khác với họ, Sơn Nam đề cập đến thiên nhiên thời kỳ đầu của cuộc khẩn hoang kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Miền Nam là vùng đất mới, cư dân bao gồm các dân tộc trên đất nước và các nước lân cận. Thiên nhiên nơi đây phong phú và đa dạng được nhà văn khắc họa bằng tấm chân tình của người con yêu quê hương sâu sắc. Sơn Nam từng tâm sự trên báo Văn Nghệ “Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh (…). Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách (…) từ ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt” [247]. Những điều ông viết ra rất xa nhưng cũng rất gần trong tâm thức, cái thời người dân tứ chiếng rời bỏ quê hương đi khẩn hoang, mở còi để biến một vùng đất dữ dội, hoang vu “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma” (Ca dao) trở thành một vùng đất trù phú như hiện nay. Có thể nói Sơn Nam là người đầu tiên và cho đến nay cũng là người duy nhất đề cập đến thiên nhiên thời khẩn hoang. Điều này đã tạo cho Sơn Nam trở thành gương mặt đặc biệt độc đáo của nền văn học nước nhà.

Sơn Nam là người am tường sâu sắc về địa lý, đất đai, thổ nhưỡng… Nam Bộ nên thiên nhiên trong tác phẩm của ông là thiên nhiên thời khẩn hoang được khắc họa chân thực với vẻ đẹp vừa khắc nghiệt, vừa nên thơ. Không phải hình ảnh của vùng đất của miền quê hiền hòa êm ả với những “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo... Ngò trúc quanh co khách vắng teo” (Nguyễn Khuyến) như ở đồng bằng Bắc Bộ mà là một thiên nhiên sông nước hoang dã, lắm rạch, nhiều vàm. Vùng đất mà ngược về bốn thế kỷ trước còn hoang vu, rừng rậm, sình lầy chưa ai bước đến “Mùa hạn đồng hoang vắng, cây cỏ héo cằn, sông rạch cạn khô” [16a; 157]. Sông nước, kênh rạch, vàm, xẻo, bãi, vồ… xuất hiện tràn ngập trong tác phẩm Sơn Nam. Những tên đất, tên sông, tên vùng, những địa danh đất rừng phương Nam dường như xa lạ nhưng lại gần gũi vừa sinh động vừa bí ẩn “Vùng Xẻo Bần (…) đầy cỏ năn kim, ô rô, cỏ ống” [14a; 73], căn chòi


của lão mù giăng câu ở Rộc Lá, Hòn Cổ Tron nghèo xơ xác của ông Tư Thông, ông Hai Muôn quá giang bạn “từ Xẻo Mát, thuộc tỉnh Cần Thơ đến chót mũi Cà Mau”, ở núi Cô Tô (Thất Sơn – tỉnh Châu Đốc) có một mỏm đá cao được gọi là khu vực Vồ Con Sấu…; bãi tràm, bãi sậy mênh mông, chằng chịt “rừng tràm dày bịt, cây chen vạn gốc…” [12a; 226], hay “lau sậy mọc um tùm”... Đất đai thổ nhưỡng ban đầu không thể canh tác “thứ đất khô, không ra khô, ướt không ra ướt” [14a; 750], phù sa nhiều nhưng lại là thứ đất chua, đất phèn chưa được thuần hóa. Thêm vào đó thời tiết khắc nghiệt “nắng đổ mưa dầm”, “nắng đổ sao, mưa thúi đất”, “chướng khí mù sương”…; vùng ven biển “đất phèn, đất mặn”… là sự khắc nghiệt và nỗi đe dọa thường nhật đối với lưu dân mở còi.

Bằng sự uyên bác của mình, Sơn Nam kể chuyện sông nước, rừng rậm, đầm lầy… nơi hội tụ những loài động vật nguy hiểm như cọp, beo, cá sấu, heo rừng… Sấu và cọp là hai loài thú dữ tượng trưng cho sức mạnh hoang dã luôn là kẻ thù cuộc sống con người. Những thành ngữ “Hùm tha sấu bắt” hay “Xuống sông hốt trứng sấu, lên rừng xỉa răng cọp”… thường xuyên lặp đi lặp lại ở cửa miệng của người dân khẩn hoang Nam Bộ. Ông Hai Râu có con gái bị cọp vồ, gia đình Tư Ngạn bị cọp còng mất con heo nái, những người đi ăn ong bị cọp ăn, tha luôn cả xác…, tác giả từng mô tả những con cá sấu chuyên hại người trong Con sấu cuối cùng “những vật đen chi chít. Con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì lấy hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên” [15a; 86]... Quang cảnh bao giờ cũng buồn bã, thê lương “Sớm thì chim kêu, vượn hú (…). Giữa đêm khuya nghe tiếng cọp rống” [14a; 235], ở vùng Gò Quao, cọp lộng hành đến nỗi bỏ rừng sâu bén mảng vào các xóm nhà mé sông để bắt gà, bắt trâu, thậm chí giết người (Cọp Gò Quao), những con heo rừng hung dữ thường xuyên về quấy nhiễu dân lành (Con heo khịt) gây cho con người nhiều sợ hãi trong những ngày đầu bước đến vùng đất xa xôi lạ lẫm. Muỗi mòng, rắn, rết, vắt, đỉa… luôn quấy rầy, đêm ngủ cũng cảm thấy lo âu “ngủ trần, tay đập muỗi lia lịa, trí óc buồn bã nhớ đến ngày mai” [16a; 185-186].

Giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đặt chân vào miền Nam thì dân cư còn thưa thớt, trong Hết thời oanh liệt “Hồi Tây đánh nước mình, miệt Rạch Giá – Cà Mau còn hoang vu. (…) kỳ dư có vài sóc Miên ở giữa đồng, thưa thớt lắm, có khi chèo ghe cả ngày mà không gặp người nào” [15a; 217]. Hệ thống sông rạch chằng chịt là môi trường thiên nhiên thuận lợi cho đời sống nhưng cũng là tác nhân gây trở ngại, khó khăn cho người đi khai hoang, nhất là lúc nước lên, ngập lụt cánh đồng, nước mênh mông, trong Một cuộc bể dâu, nhà văn mô tả vùng đất sạ Long Xuyên “nước tuy cạn


nhưng có thể giết người (…) vượt năm bảy ngàn thước cũng không tìm được một căn nhà, một ngọn tre mà nương tựa” [16a; 13]. Trong Âm dương cách trở, bức tranh thiên nhiên của vùng ngoại vi Hòn Chông còn hoang hóa, mùa hạn vô cùng tàn khốc “Ở ngoại vi Hòn Chông, nhiều đồi đá vôi. (…). Mùa nắng không một giọt nước (…) số phận chỉ mành treo chuông” [7a; 303]. Ngoài ra, sông nước còn có những nguy cơ đưa đến nhiều hiểm họa, đồng bằng sông Cửu Long là vùng thấp, vùng đất cuối cùng của miền Nam nhận nước từ sông MeKong trước khi chảy ra biển Đông nên thường xuyên gây ra ngập úng, lũ lụt khi mùa mưa đến hoặc mùa nước lên. Cũng có lúc nước lên quá cao, con người chết không có chỗ chôn, phải neo xác dưới đáy sông hay treo lên ngọn cây, đợi đến khi nước rút mới có thể đem đi chôn (Một cuộc bể dâu). Những mùa nước nổi, cây cỏ đều không thể mọc, những gia đình có trâu – đầu cơ nghiệp của họ - phải đưa trâu đến vùng khác tránh nước và tìm cỏ cho chúng ăn. Trong Mùa “len” trâu, một cảnh vừa hùng vĩ vừa độc đáo hiện lên dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn. Sơn Nam vô cùng hào hứng và tự hào khi kể về cảnh “len” trâu từ núi Ba Thê cả bầy trâu “len” qua miệt Bảy Núi - một cảnh không nơi nào có, nó làm cho thiên nhiên hoang dã trở nên sôi động và có một vẻ đẹp lạ lùng và kỳ thú mà không dễ ai cũng có thể chứng kiến “Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều... Đằng này trâu lội nước năm ba trăm con đen đầu, đặc nước …” [16a: 42]. Ngòi bút Sơn Nam vùng vẫy vẽ lên một vẻ đẹp hoành tráng và hùng vĩ nhưng cũng thể hiện sự dữ dội và khó khăn mà người nông dân phải đối mặt trong quá trình khai hoang mở đất.

Sự dữ dội, bí ẩn và đầy khắc nghiệt của thiên nhiên miền Nam thời kỳ đầu mở nước trở đi trở lại thường xuyên trong mỗi câu chuyện kể của Sơn Nam với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí nhưng cũng rất nên thơ của miền sông nước, vùng đất phương Nam. Điều này đã tạo nên nét đặc sắc trong văn chương của nhà văn vùng đất mới.

3.1.2. Thiên nhiên trù phú, hiền hòa, thơ mộng gần gũi gắn bó với con người

Thiên nhiên, địa lý vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với sông nước1. Chính vì điều đó mà nơi đây được mệnh danh là “xứ sở kênh rạch”. Yếu tố sông nước


1 Về mặt tự nhiên, Nam Bộ là vùng đất của sông ngòi mênh mông, kênh rạch chi chít… là nơi tiếp nhận nước của dòng sông Mekong xuất phát từ Trung Quốc, chảy qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông. Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa… Nó vừa chuyên chở nhiều phù sa bồi đắp đồng bằng Nam Bộ nhưng đồng thời cũng gây rất nhiều tai họa cho người dân Nam Bộ. (Theo Wiki)


chi phối toàn bộ cuộc sống từ cách ăn ở, đi lại, buôn bán, kiếm sống cho đến phong tục tập quán và ngôn ngữ… Không ít nhà văn miêu tả sự hiền hòa trù phú của đất trời Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng… nhưng không ai có cái nhìn chi tiết và mang chiều sâu văn hóa về sự phong phú của miền đất này như Sơn Nam. Nhà văn không những miêu tả sự dữ dội, hoang sơ của thiên nhiên sông nước, mà còn kỳ công dựng lên một bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp trù phú, hiền hòa, gần gũi và gắn bó với con người thời kỳ lưu dân trên cả nước đi khẩn hoang, vỡ đất. Ngoài cái đầu luôn tìm tòi, học hỏi, phân tích, biện giải, ông còn có “đôi chân vàng” không ngại đi khắp vùng sông nước, núi non, đầm lầy, đồng ruộng, sân chim… miền Nam sưu tầm, ghi chép những “điều mắt thấy tai nghe” tạo thành chất liệu cuộc sống đưa vào mỗi câu chuyện. Không ít những trang văn mô tả cảnh thiên nhiên Nam Bộ với vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng. Đây chính là chất thơ trong tâm hồn được tuôn trào qua ngòi bút của người nghệ sĩ. Trong ấn tượng của Sơn Nam, quê hương ông là một xứ sở với những loại cây cỏ đặc trưng của vùng sông nước, chúng bước vào tác phẩm với vẻ đẹp gần gũi, dân dã vốn có của tự nhiên. Nhà văn ghi dấu ấn thẩm mỹ đẹp đẽ đưa đến người đọc “bông vừng buông thòng từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành (…) đôi đọt non nhú lên, mỏng mịn (…). Ở xa, trông như những cánh bướm… phập phồng.” [15a; 272]. Khi mô tả cảnh rừng tràm trổ bông, trí tưởng tượng của nhà văn tài hoa được dịp bung ra vẽ lên một bức tranh tuyệt tác bằng ngôn ngữ “Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào cả (…). Bông kết oằn sai, mịn màng trắng tuyết” [15a; 274-275]. Trước cảnh thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn đến vậy của rừng U Minh, nhà văn phải thốt lên “rừng sáng lạn, ai dám nói là rừng âm u” [15a; 274-275]. Quang cảnh xứ Cà Bây Ngọp “xa vời” vô cùng tuyệt mỹ và sinh động “Nắng chang chang rắc vàng trên thảm cỏ hoang xanh ngắt, vài nhánh bình bát gie ra, quất vào bụi sột soạt. Xế chiều cò trắng điểm lấm tấm trên dãy rừng tràm đằng xa” [16a; 260].

Thiên nhiên trong tác phẩm Sơn Nam không chỉ thơ mộng, quyến rũ mà còn là tiềm tàng sự trù phú, mỡ màng do phù sa mang lại. Sự giàu có chính là do lớp lớp con người đi khai phá vùng đất hoang vu, u tịch kéo dài đến Mũi Cà Mau đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, cuối cùng đã chinh phục được thiên nhiên dữ dội để xây dựng một miền Nam trù phú. Từ những dòng sông mênh mông, hệ thống kênh rạch đan chéo nhau chằng chịt, nguồn cá tôm dồi dào, sân chim bát ngát, loài thú hoang dã, những vườn cây trĩu quả, nguồn gỗ quý trên rừng, những lung sen thơm ngát… con người đã biết tận dụng biến thành tài sản vô giá. Một điều chắc chắn là nguồn kinh tế của

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022