Như vậy sản phẩm du lịch bao gồm những yếu tố hữu hình (hàng hóa) và những yếu tố vô hình (dịch vụ) để cung cấp cho du khách hay nó bao gồm các hàng hóa, các dịch vụ và tiện nghi phục vụ khách du lịch.
Như vậy, hiểu một cách chung nhất, sản phẩm du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm du lịch = Dịch vụ du lịch + Tài nguyên du lịch. [14]
Sản phẩm về du lịch về cơ bản không phải là cụ thể, không tồn tại dưới dạng vật chất. Mà thực chất, sản phẩm du lịch là một kinh nghiệm du lịch được tích lũy được qua quá trình thực hiện du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách cũng như là tăng cao doanh thu du lịch. Do vậy, việc đánh giá và kiểm tra chất lượng sản phẩm du lịch rất khó khăn, vì thường mang tích chất chủ quan và phần lớn không phụ thuộc và chủ kinh doanh mà phụ thuộc vào khách du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch được xác định dựa vào sự chênh lệch giữa mức độ kỳ vọng và mức độ cảm nhận về chất lượng của khách du lịch.
Sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng đặc biệt của du khách (nhu cầu thưởng thức cái đẹp, nhu cầu tìm hiểu giá trị văn hóa,...). Mặc dù trong cấu thành sản phẩm du lịch có những hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn ở, đi lại của con người, nhưng mục đích chính của chuyến đi không nhằm vào ăn ở, mà là để giải trí, tìm hiểu, nâng cao tầm hiểu biết,... Vì vậy, cần phải chú trọng vào nhu cầu của khách du lịch để họ thấy hài lòng.
Sản phẩm du lịch được tạo ra thường gắn liền với yếu tố tự nhiên nên không thể dịch chuyển được. Trên thực tế, không thể mang sản phẩm du lịch đến nơi của du khách, mà du khách phải đến nơi có sản phẩm du lịch để thỏa mãn các nhu cầu của mình thông qua việc tiêu dùng sản phẩm du lịch. Đặc điểm này là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trong việc tiêu thụ sản phẩm. [21]
1.1.1.5. Các loại hình du lịch
Các hoạt động du lịch rất phong phú và đa dạng. Tùy theo yêu cầu và mục đích khác nhau mà hoạt động đó được phân loại thành các loại hình khác nhau.
a. Phân loại tổng quát
- Du lịch sinh thái, còn có nhiều tên gọi khác nhau: Du lịch thiên nhiên, du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch môi trường, du lịch xanh, du lịch thám hiểm, du lịch bản địa, du lịch có trách nhiệm, du lịch nhạy cảm, du lịch bền vững.
- Du lịch văn hóa, văn hóa du lịch còn thể hiện ở nhiều mặt khác cần được nghiên cứu một cách đầy đủ để có những chiến lược phát triển lâu dài và bền vững. Chẳng hạn trong vấn đề mua - bán sản phẩm du lịch, marketing sản phẩm, chất lượng thanh quyết toán, điều hành, hướng dẫn tour… đều cần thể hiện chứng tỏ về năng lực, uy tín và thương hiệu sản phẩm. Đôi khi chúng ta quan tâm những vấn đề lớn mà lại bỏ quên những điều tưởng như rất nhỏ nhưng không kém quan trọng và không hề nhỏ chút nào có thể ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của hoạt động du lịch.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch của thành phố Viêng Chăn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - 1
- Phát triển du lịch của thành phố Viêng Chăn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - 2
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Và Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Ở Thành Phố Viêng Chăn.
- Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Của Nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào
- Số Lượng Khách Du Lịch, Thu Nhập Và Thời Gian Nghỉ Đêm Từ Năm 2011 - 2020
- Đánh Giá Chung Về Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Du Lịch Ở Thành Phố Viêng Chăn
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
b. Phân loại cụ thể các loại hình du lịch
- Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ: du lịch quốc tế, nội địa.
- Căn cứ vào nhu cầu đi du lịch của du khách: du lịch chữa bệnh, nghỉ ngơi, giải trí, thể thao, công vụ, tôn giáo, khám phá, thăm hỏi, quá cảnh...
- Căn cứ vào phương tiện giao thông: bằng xe đạp, tàu biển, tàu hỏa, hàng không, ô tô...
- Căn cứ theo phương tiện lưu trú: du lịch ở khách sạn, du lịch ở Motel, du lịch nhà trọ, du lịch camping...
- Căn cứ vào thời gian đi du lịch: du lịch dài ngày từ 2 tuần đến 5 tuần, ngắn ngày, cuối tuần...
- Căn cứ vào đặc điểm địa lý của địa điểm du lịch: du lịch miền biển, vùng núi, đô thị, đồng quê...
- Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch: du lịch theo đoàn, du lịch cá nhân...
- Căn cứ vào thành phần của du khách: du khách thượng lưu, bình dân...
- Căn cứ vào phương thức kí kết hợp đồng đi du lịch: du lịch trọn gói, mua từng phần của tour du lịch...
c. Phân loại theo mục đích chuyến đi
- Du lịch thuần túy
Bản chất đích thực của du lịch là du ngoạn để cảm nhận những giá trị vật chất và tinh thần có tính văn hóa cao. Du lịch thuần túy bao gồm các loại hình:
+ Du lịch tham quan là một hoạt động của con người để nâng cao nhận thức về mọi mặt.
+ Du lịch giải trí là loại hình du lịch nảy sinh do nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc căng thẳng mệt mỏi.
+ Du lịch thể thao không chuyên là loại hình nhằm đáp ứng lòng ham mê thể thao của mọi người. Khách du lịch có thể tự chơi một môn thể thao nào đó để giải trí.
+ Du lịch khám phá là loại hình du lịch nhằm mục đích nâng cao những hiểu biết mới lạ về thế giới xung quanh.
+ Du lịch nghỉ dưỡng là hoạt động du lịch nhằm khôi phục sức khỏe của con người sau những ngày lao động vất vả.
- Du lịch kết hợp
Ngoài mục đích du lịch thuần túy cũng có nhiều cuộc hành trình tham quan vì các lý do khác nhau như học tập, tôn giáo, hội nghị... Trong cuộc hành trình này, họ sử dụng các dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi... Về cơ bản có các loại hình du lịch kết hợp sau:
+ Du lịch tôn giáo là một hình thức du lịch tâm linh.
+ Du lịch học tập, nghiên cứu là loại hình du lịch ngày càng phổ biến do nhu cầu kết hợp lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành.
+ Du lịch thể thao kết hợp.
+ Du lịch công vụ.
+ Du lịch chữa bệnh.
+ Du lịch thăm thân.
Phân loại theo lãnh thổ hoạt động
- Du lịch trong nước là tất cả hoạt động phục vụ cho nhu cầu du khách ở trong nước đi nghỉ ngơi, tham quan các đối tượng du lịch trong phạm vi đất nước mình, chi phí bằng tiền nội tệ.
- Du lịch quốc tế là loại hình du lịch mà trong quá trình thực hiện có sự giao tiếp với nước ngoài, một trong hai phía hoặc là du khách hoặc là nhà cung ứng dịch vụ du lịch, phải sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Về mặt không gian, du khách phải ra khỏi đất nước mình. Về mặt kinh tế, phải có sự thanh toán bằng ngoại tệ. Du lịch quốc tế được chia thành hai loại:
+ Du lịch quốc tế chủ động (du lịch đón khách) là loại hình du lịch quốc tế, đón tiếp khách nước ngoài đến nghỉ ngơi, tham quan các đối tượng du lịch ở đất nước của cơ quan cung ứng dịch vụ du lịch, nghĩa là nước này chủ động đón khách và thu ngoại tệ.
+ Du lịch quốc tế bị động (du lịch gửi khách) là loại hình du lịch quốc tế đưa khách từ trong nước đi du lịch nghỉ ngơi, tham quan các đối tượng du lịch ở nước ngoài, nghĩa là nước này gửi khách đi du lịch sang nước khác và phải mất một khoản ngoại tệ.
d. Phân loại theo vị trí địa lý
- Du lịch biển là loại hình du lịch gắn liền với biển, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động tắm biển, thể thao biển. Loại hình này thường có tính mùa vụ rõ rệt nên thường được tổ chức vào mùa nóng với nhiệt độ nước biển và không khí trên 200C.
- Du lịch núi là loại hình du lịch gắn liền với các khu vực có địa hình cao. Hoạt động du lịch ở đây thuận lợi để nghỉ mát vào mùa hè ở các nước nhiệt đới và nghỉ đông ở các nước xứ lạnh với nhiều hoạt động thể thao (trượt tuyết, trượt băng...).
- Du lịch đô thị là loại hình du lịch mà điểm đến thường là các thành phố, các trung tâm kinh tế với nhiều công trình kiến trúc lớn, khu thương mại, đầu mối giao thông, công viên giải trí...
- Du lịch đồng quê thường diễn ra ở những nơi có không khí trong lành, yên tĩnh, thanh bình và thoáng mát.
e. Phân loại theo thời gian của cuộc hành trình (độ dài chuyến đi)
- Du lịch ngắn ngày là loại hình du lịch thường kéo dài từ 1- 3 ngày (hoặc dưới 1 tuần), tập trung vào những ngày cuối tuần. Loại hình này thích hợp với các đối tượng du khách ít thời gian, du khách tham quan với gia đình vào cuối tuần.
- Du lịch dài ngày là loại hình du lịch thường gắn với các kỳ nghỉ kéo dài từ vài tuần đến một năm ở các địa điểm cách xa nơi ở của khách, kể cả trong nước và ngoài nước.
1.1.2. Chức năng của du lịch
1.1.2.1. Chức năng kinh tế
DL được coi là một ngành “xuất khẩu vô hình”, sự phát triển của DL mang lại thu ngoại tuệ cho đất nước, góp phần tăng thu nhập quốc dân, đa dạng hóa và thức đẩy các ngành kinh tế các cùng phát triển theo “cấp số nhân”. [10]
Sự phát triển của DL đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của ngành nói riêng và của xã hội nói chung. Các địa phương nhất là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn về giao thông, sản xuất nông nghiệp được tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật sẽ tạo ra tiền đề phát triển kinh tế.
1.1.2.2. Chức năng xã hội - nhân văn
DL giải quyết việc làm cho nhiều lao động, cải thiện đời sống nhân dân. DL có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phục hồi sức khỏe của con người. Trong chừng mực nào đó, DL có tác dụng hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ tăng cường sức sống và khả năng lao động của con người.
Các công trình nghiên cứu về sinh học đã khẳng định: Nhờ chế độ nghỉ ngơi và DL hợp lý, bệnh tật của dân cư trung bình giảm 30%; bệnh đường hô hấp giảm 40%; bệnh thần kinh giảm 30%. Hằng năm, đa số tổ chức và doanh
nghiệp đều thực hiện những kỳ nghỉ nhằm phục hồi sức khỏe, gắn kết các thành viên trong cộng đồng [21].
Sự phát của ngành DL góp phần quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa, những danh lam thắng cảnh của đất nước và đem lại nguồn thu lớn để trùng tu, tôn tạo những giá trị văn hóa. Đồng thời cũng nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
1.1.2.3. Chức năng sinh thái
Nhờ có DL, con người nhất là các cư dân thành thị được tiếp xúc nhiều hơn và sống hòa hợp hơn với môi trường thiên nhiên, kích thích việc bảo vệ và khôi phục môi trường thiên nhiên xung quanh nhờ sự thay đổi về thái độ và hành vi đối với môi trường thiên nhiên, nâng cao nhận thức của con người về giá trị của tự nhiên. Việc tham quan các danh lam thắng cảnh và gần giữ với thiên nhiên tạo điều kiện cho KDL tìm hiểu và hình thành thói quen bảo vệ môi trường. [10]
1.1.2.4. Chức năng chính trị
DL là phương tiện hữu hiệu để giáo dục về truyền thống dân tộc, về lòng yêu quê hương đất nước. DL cũng là nhân tố mở rộng sự hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy giao lưu quốc tế, củng cố hòa bình giữa các quốc gia và được coi là “giấy thông hành của hòa bình”. [10]
1.1.3. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch
Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch được sử dụng khác nhau ở các quốc gia tùy thuộc vào trình độ phát triển du lịch, quan niệm tổ chức và quản lí của từng nước. Hiện nay, có các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch sau: điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, trung tâm du lịch, đô thị du lịch, cụm du lịch, vùng du lịch.
1.1.3.1. Điểm du lịch
Trong tiếng Anh, từ “Tourism Destination” được dịch ra tiếng Việt là điểm đến du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đã đưa ra quan niệm về điểm đến du lịch (Tourism Destination): “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch,
các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Điểm du lịch là hình thức thấp nhất trong tổ chức lãnh thổ du lịch, có quy mô nhỏ, mỗi điểm du lịch tập trung một hoặc một vài loại tài nguyên du lịch, có khả năng đảm bảo cho nhu cầu lưu trú của khách từ 1-2 ngày. Điểm du lịch là nơi tập trung ít nhất một loại tài nguyên du lịch (tự nhiên, lịch sử văn hóa, hoặc kinh tế - xã hội) hoặc một công trình riêng biệt phục vụ du lịch hoặc kết hợp cả hai ở quy mô khác nhau. Luật du lịch Việt Nam đưa ra khái niệm điểm du lịch như sau: “điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”. [14]
Nói đến điểm du lịch nó không chỉ có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn mà còn có cả nhiều điều kiện khác để trở nên hấp dẫn, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm du lịch. Phát triển và nâng cao chất lượng “sản phẩm” du lịch chủ yếu tập trung ở điểm đến và điểm tham quan du lịch. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch trong một địa phương, một đất nước phần lớn tập trung tại điểm đến và điểm tham quan du lịch.
1.1.3.2. Cụm du lịch
Hình thức này có từ 2-5 điểm du lịch (trong đó có một điểm du lịch cấp quốc gia hoặc vùng), khoảng cách giữa các điểm du lịch có thể đi lại bằng phương tiện giao thông (ô tô) trong vòng 1 giờ đồng hồ (khoảng cách từ 10- 30km từ điểm du lịch hạt nhân). Như vậy, cụm du lịch là nơi bao gồm một số điểm du lịch có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có kết cấu hạ tầng và dịch vụ cần thiết đảm bảo phục vụ khách du lịch.
1.1.3.3.Tuyến du lịch
Điều 4, Điều 25 - Luật du lịch của Việt Nam đã nêu:
Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không.
Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch [14]:
- Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch quốc gia:
+ Nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế;
+ Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
- Tuyến du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là tuyến du lịch địa phương:
+ Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương;
+ Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
1.1.3.4. Tổ chức lãnh thổ du lịch
Tổ chức lãnh thổ DL là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng DL và các cơ sở phục vụ có liên quan dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên DL (tự nhiên, nhân văn), kết cấu hạ tầng và các nhân tố khác nhằm đạt hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường) cao nhất.
Vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là kết hợp lãnh thổ các á vùng, tiểu vùng, trung tâm và điểm du lịch. Vùng du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng.
Vùng du lịch là hệ thống lãnh thổ kinh tế - xã hội thuộc mọi cấp có liên hệ với nhau và với các cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống. Lãnh thổ du lịch có hiệu quả, có chuyên môn hóa du lịch kết hợp với phát triển tổng hợp [19].
1.1.4. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch
Sự phát triển của ngành du lịch chịu sự chi phối của hệ thống các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành du lịch.