khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thì phải đưa ý kiến lên cấp trên để kịp thời giải quyết và cũng để góp phần hoàn thiện những thiếu sót của pháp luật về hoạt động khuyến mại.
Lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm một cách đáng kể vì chưa nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Thường thì người tiêu dùng khi gặp phải vướng mắc hay thiệt hại do doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ gây ra thì họ không biết làm gì để đòi lại quyền lợi của mình. Nếu khiếu nại theo Luật cạnh tranh thì mức phí mà họ phải nộp là 10.000.000 đồng, với mức phí cao như thế này thì không hợp lý vì nhiều khi thiệt hại của người tiêu dùng còn chưa tới mức phí mà họ phải nộp khi khiếu nại, vì vậy sẽ không khuyến khích họ khiếu nại đòi quyền lợi theo Luật cạnh tranh. Người tiêu dùng có thu nhập thấp nếu được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền thì có thể được miễn nộp phí khi khiếu nại, tuy nhiên trên thực tế khi người tiêu dùng có thu nhập thấp mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì họ ít khi quan tâm đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà chỉ cần phù hợp với thu nhập của họ là họ sử dụng nên việc kiện cáo cũng ít khi xảy ra. Luật cạnh tranh đã chưa thật sự phù hợp và sâu sát với tình hình thực tế. Mục đích của Luật cạnh tranh là cũng vì lợi ích người tiêu dùng thông qua việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, nhưng luật không dành cho người tiêu dùng một giải pháp thật sự dễ dàng và thuận tiện để họ tự bảo vệ mình khi quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm. Đây cũng là điểm thiếu sót của Luật cạnh tranh và cần được khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, đối với mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà bên khiếu nại là người tiêu dùng thì nên giảm xuống ở mức thấp hơn so với mức phí 10.000.000 đồng như hiện nay, hoặc có thể miễn luôn mức phí này để người tiêu dùng có điều kiện dễ dàng khiếu nại đòi quyền lợi khi bị doanh nghiệp chèn ép. Hơn nữa, cần quy định rõ chế tài dân sự, cụ thể là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Luật cạnh tranh để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt
hơn. Đồng thời, có thể làm cho Luật cạnh tranh hoàn chỉnh hơn và được thực thi một cách tốt hơn trên thực tế.
Tình trạng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong ngành còn thiếu và còn nhiều yếu kém về kiến thức pháp luật, chủ yếu là cán bộ quản lý cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích người tiêu dùng nhưng trên thực tế công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa tốt dẫn đến tình trạng người tiêu dùng bị xâm phạm lợi ích là rất thường xuyên xảy ra. Vì vậy cần nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật cho cán bộ chuyên môn trong ngành quản lý để họ có thể đối phó với những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp của các doanh nghiệp. Đồng thời cũng phải tăng cường thêm số lượng cán bộ quản lý nhằm đáp ứng với nhu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng chưa cao. Ở nước ta hiện nay, ý thức tự bảo vệ của mỗi người tiêu dùng cũng chưa được phát huy đúng mức. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ, hoặc không biết quyền của mình khi đi mua các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Đứng trước các hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng sai quy cách, người tiêu dùng chưa có thói quen đấu tranh hay phản ứng quyết liệt. Chính điều này đã góp phần làm lợi cho các doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây thiệt hại lớn cho chính người tiêu dùng, quan trọng hơn còn làm cho các doanh nghiệp thoát khỏi sự kiểm soát và xử lý của pháp luật nên khả năng để thực thi pháp luật chưa tốt. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi bản thân, nên hiểu về những quyền lợi của mình khi tham gia mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp. Phải kiên quyết đấu tranh và phản ứng quyết liệt trước hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để đòi lại quyền lợi cho mình. Mạnh dạn tố cáo hay khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền để họ giải quyết và xử lý những doanh nghiệp vi phạm khi có điều kiện, nếu không có điều kiện thì có thể gửi đơn yêu cầu Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu
dùng đứng ra đòi lại quyền lợi cho mình. Tuyệt đối đừng nghĩ vì lợi ích nhỏ mà bỏ qua mọi chuyện, tuy một người là lợi ích nhỏ nhưng với số lượng lớn người tiêu dùng thì nó lại là những lợi ích rất lớn, hành vi lơ là của người tiêu dùng đối với những sai phạm nhỏ của doanh nghiệp sẽ góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm trong thời gian tới và vi phạm sẽ ngày một nhiều hơn. Bên cạnh, còn cần phải nâng cao vai trò và chức năng của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, vì đây là một tổ chức xã hội nên sẽ rất gần gũi và sâu sát với tình hình người tiêu dùng trên thực tế. Trước đây hoạt động của Hội này chưa phát huy hết vai trò đúng mức của nó nên trong thời gian tới cần tăng cường kinh phí cũng như số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ trong Hội để Hội phát huy hết vai trò của mình trong việc việc đại diện người tiêu dùng đứng ra đòi lại quyền lợi chính đáng.
Vấn đề phổ biến pháp luật đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng để họ nắm vững những quy định của pháp luật tránh tình trạng sai phạm hay thiếu kiến thức pháp luật mà bị thiệt hại về lợi ích vẫn chưa được triển khai một cách triệt để. Theo Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, 1 năm sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Cục Quản lý Cạnh tranh có làm một cuộc điều tra và kết quả cho thấy, chỉ có 30% doanh nghiệp biết là có Luật Cạnh tranh, 70% doanh nghiệp không hề biết gì về luật này. Hiện nay, con số này đã đảo ngược, thậm chí hầu hết các doanh nghiệp đã biết đến Luật cạnh tranh tuy nhiên khả năng vận dụng Luật Cạnh tranh để bảo vệ mình của các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh, thì người tiêu dùng cũng còn hạn chế kiến thức về Luật cạnh tranh nên đa số khi bị các doanh nghiệp xâm phạm quyền và lợi ích trong các chương trình khuyến mại gian dối, không trung thực họ cũng không thể tự bảo vệ mình vì họ không biết rằng pháp luật luôn đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho họ. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến với người tiêu dùng để họ nắm rõ những quy định pháp luật thông qua các hình thức đối thoại, thông tin đại chúng hay tiếp
xúc trực tiếp để hỗ trợ kiến thức tiêu dùng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như góp phần vào công tác phát hiện, xử lý những hành vi và doanh nghiệp vi phạm. Mỗi doanh nghiệp cũng phải tự mình cập nhật những văn bản pháp luật mới ban hành, hiểu rõ và đúng những quy định của pháp luật liên quan để tránh khỏi sự chèn ép của các doanh nghiệp khác, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo đúng khuôn khổ của pháp luật.
Nên xem xét lại thẩm quyền và tính độc lập của Cơ quan quản lý cạnh tranh. Những công ty lớn mang tính độc quyền như: Điện lực, Viễn thông nằm dưới sự quản lý của Chính phủ và một số công ty khác mà Bộ Công Thương làm chủ quản thì sẽ làm cho các doanh nghiệp khác cảm thấy sự bất bình đẳng khi cạnh tranh. Nếu các doanh nghiệp này vi phạm thì việc xử lý sẽ rất khó khăn vì thị phần của các công ty này rất lớn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, tính độc lập trong việc xét xử cũng chưa cao vì Cục quản lý cạnh tranh lại là cơ quan trực thuộc của Bộ Công Thương nên việc xử lý những công ty do Bộ này làm chủ quản, thậm chí do Chính phủ quản lý là điều rất khó khăn. Vì vậy, khi có điều kiện thì nên nâng Cục quản lý cạnh tranh thành cơ quan ngang Bộ chứ không trực thuộc Bộ Công Thương như hiện nay nữa[8]. Có như vậy thì tính độc lập của cơ quan này đối với hoạt động của các doanh nghiệp mới phát huy được tác dụng và việc xử lý các hành vi vi phạm cũng công bằng và chính xác hơn. Tuy là mô hình này tạo sự tốn kém, cồng kềnh trong cơ cấu tổ chức của Bộ máy Nhà nước, nhất là trong bối cảnh cải cách hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước ta hiện nay nhưng với mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, ngăn chặn tình trạng lợi dụng vị trí độc quyền hay thống lĩnh thị trường, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn chân chính, từ đó thúc đẩy một môi trường cạnh tranh trong sạch, lành mạnh và bình đẳng. Đồng thời cũng để luật pháp của chúng ta đi vào thực tiễn và được thực thi một cách hiệu quả hơn.
3.2. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam hiện nay
Có thể bạn quan tâm!
- Khuyến Mại Không Trung Thực Hoặc Gây Nhầm Lẫn Về Hàng Hóa, Dịch Vụ Để Lừa Dối Khách Hàng
- Tặng Hàng Hóa Cho Khách Hàng Dùng Thử Nhưng Lại Yêu Cầu Khách Hàng Đổi Hàng Hóa Cùng Loại Do Doanh Nghiệp Khác Sản Xuất Mà Khách Hàng Đó Đang Sử Dụng
- Chế Tài Đối Với Hành Vi Khuyến Mại Nhằm Cạnh Tranh Không Lành Mạnh
- Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động khuyến mại - 9
Xem toàn bộ 75 trang tài liệu này.
Về hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để quản lý hành vi khuyến mại không lành mạnh còn chưa thống nhất, đồng bộ và cũng chưa bao quát hết được tình hình diễn ra trên thực tế dẫn đến gây khó khăn cho công tác quản lý. Khi cạnh tranh thì doanh nghiệp nào cũng muốn loại bỏ đối thủ của mình bằng nhiều cách cho nên hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế diễn ra rất phức tạp, hành vi và thủ đoạn vi phạm ngày một tinh vi hơn trong khi luật lại quy định những trường hợp rất cụ thể thì sẽ không thể bao quát hết được những gì diễn ra trên thực tế. Luật thương mại thì điều chỉnh về hình thức, chủ thể và cách thức tổ chức hoạt động khuyến mại nhưng khi có hành vi không lành mạnh thì Luật cạnh tranh lại điều chỉnh, do vậy việc quản lý sẽ rất khó khăn và tốn kém nguồn nhân lực, vì hành vi khuyến mại và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh rất gần nhau, khi một doanh nghiệp đăng ký tổ chức hoạt động khuyến mại thì Luật thương mại điều chỉnh, nhưng nếu trong quá trình tổ chức hoạt động khuyến mại đó doanh nghiệp có hành vi không lành mạnh thì Luật cạnh tranh sẽ được áp dụng để giải quyết, trong quá trình xử lý lại phải xem xét doanh nghiệp tổ chức hoạt động khuyến mại có đúng trình tự thủ tục không, như vậy quá trình giải quyết vụ việc vi phạm sẽ trở nên kéo dài và phức tạp vì phải qua nhiều khâu thủ tục trước khi xử lý. Một số hạn chế của pháp luật hiện hành về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh:
Thứ nhất, các điều khoản trong luật còn quy định chung chung, chưa rõ ràng cụ thể. Ví dụ như thuật ngữ “như nhau” trong hành vi bị cấm được quy định tại Luật cạnh tranh “Phân biệt đối xử với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại”. Các khách hàng “như nhau” thì cần được hiểu tiêu chí nào là như nhau, điều này vẫn chưa được pháp luật làm rõ. Cần một cách hiểu rõ
ràng hơn đối với quy định này của Luật Cạnh tranh. Hay khái niệm về “khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh” cũng cần được quy định cụ thể hơn.
Thứ hai, pháp luật quy định về trách nhiệm của thương nhân khuyến mại chưa thật sự đầy đủ để bảo đảm lợi ích của khách hàng. Trên thực tế, khách hàng phải chịu thiệt thòi do những gian lận trong khuyến mại của thương nhân, do các sai sót kỹ thuật trong in ấn, tem phiếu vật phẩm có chứa đựng thông tin về lợi ích vật chất mà khách hàng được hưởng trong đợt khuyến mại.
Ví dụ: Một khách hàng của công ty sữa Hanoimilk đã mua sản phẩm sữa IZZI trong đợt khuyến mại từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 8 năm 2005 với một thẻ cào có thông tin trúng thưởng ba mươi triệu đồng (sau khi cào phần nhũ bạc). Khi liên hệ với công ty nhận thưởng, khách hàng nhận được trả lời “phiếu cào đó không hợp lệ". Sau khi sự việc xảy ra Công ty TNHH Sáng Tạo (đơn vị thực hiện toàn bộ thẻ cào của đợt khuyến mại theo hợp đồng đã ký với Hanoimilk) đã thừa nhận lỗi sai sót kỹ thuật lợi ích mà khách hàng nhận được trong trường hợp này chỉ là lời xin lỗi của Hanoimilk, bởi vì không tìm thấy quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành làm cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp này”.
Thứ ba, để đảm bảo tính trung thực của thương nhân về giải thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi, pháp luật quy định “thương nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng” là chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, trong chương trình khuyến mại của bia Tiger “bật nắp chai trúng thưởng” với cơ cấu hai trăm ngàn giải thưởng, trong đó có 6 xe ôtô BMW của một công ty bia, không ai có thể chắc chắn rằng có đủ hai trăm ngàn giải thưởng với 6 nắp chai in hình BMW trong số sản phẩm được bán trong khuyến mại. Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong tổng số 215 tỷ đồng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân đăng ký chương trình khuyến mại, tổng số
giá trị giải thưởng đã rất thấp, chỉ đạt 6 tỷ đồng chiếm 3% tổng số tiền dành cho khuyến mại đã đăng ký. Trong khi thương nhân vẫn tiêu thụ được hàng hóa mà số lượng giải thưởng đã trao quá ít như vậy thì việc vi phạm ngĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo là khả năng đã xảy ra”. Vì vậy khó có thể kiểm soát tính trung thực của thương nhân khi thực hiện khuyến mại bằng hình thức này, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi khách hàng được đảm bảo.
Thứ tư, thiếu quy định về xử lý hình sự đối với thương nhân là pháp nhân khi vi phạm pháp luật trong hoạt động khuyến mại. Bộ luật hình sự hiện hành quy định chủ thể của trách nhiệm hình sự là cá nhân, trong khi đó có thể xuất hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội do cá nhân thực hiện nhưng với danh nghĩa của pháp nhân. Ví dụ: hành vi lừa dối khách hàng, hành vi làm tem vé giả của pháp nhân. Trong những trường hợp đó, việc xử lý hình sự đối với cá nhân sẽ thiếu cơ sở, không công bằng và không có tác dụng tích cực ngăn ngừa đối với pháp nhân".
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại
Luật Cạnh tranh tuy có quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng chỉ mới điều chỉnh các hành vi này bằng mệnh lệnh hành chính. Vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra không được quy định cụ thể mà Luật lại dẫn chiếu đến pháp luật dân sự (Điều 117 Luật Cạnh tranh). Như vậy, vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được áp dụng theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 2005. Để cho các quy định về bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi c ạnh tranh không lành mạnh triển khai được trong thực tế rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra cần có sự hướng dẫn, giải thích từ các cơ quan có thẩm quyền (nhất là từ phía Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công Thương). Trong các vấn đề ấy, cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
- Xác định rõ chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra? Theo thông lệ chung của các nước, đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể tiến hành khởi kiện chủ yếu là các đối thủ cạnh tranh. Vậy nên chăng, pháp luật nước ta quy định rõ về vấn đề này.
- Những loại chế tài dân sự nào có thể áp dụng cho chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật dân sự năm 2005, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm, chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trong đó có Tòa án) áp dụng một trong các hình thức sau: a) công nhận quyền dân sự; b) buộc chấm dứt hành vi vi phạm; c) buộc xin lỗi, cải chính công khai; d) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; đ) buộc bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, cần xác định rõ những loại chế tài nào sẽ được áp dụng cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
- Về mức bồi thường thiệt hại và xác định mức bồi thường thiệt hại. Vấn đề xác định mức bồi thường thiệt hại thực tế do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra luôn là vấn đề phức tạp. Để đơn giản hóa, pháp luật một số quốc gia đã đưa ra quy tắc, lợi nhuận thu được của chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ đương nhiên thuộc về chủ thể bị cạnh tranh không lành mạnh. Đây cũng là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam nên tham khảo và có chính sách rõ ràng về vấn đề này.
Thứ sáu, nên tách cạnh tranh không lành mạnh ra khỏi Luật Cạnh tranh thành văn bản riêng hoặc đưa về lĩnh vực pháp lý có liên quan. Ví dụ như một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến Sở hữu trí tuệ thì đưa về Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh. Hành vi quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể đưa về Luật Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác nên đưa về Bộ Luật Dân Sự, Bộ Luật