1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Theo nội dung trình bày ở Mục 1.2, các nghiên cứu trước đây chưa thực hiện việc đánh giá các yếu tố tác động đến nợ xấu một cách đầy đủ và thực hiện phân tích tác động của nợ xấu đến hoạt động của NHTM trên cùng một mẫu nghiên cứu. Vì vậy, nghiên cứu này khai thác dữ liệu của 34 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2005-2015, bao gồm các NHTMNN và NHTMCP. Số lượng mẫu 34 trên tổng số 35 NHTMCP hiện nay nên mẫu này mang tính đại diện cho nhóm NHTM tại Việt Nam. Đồng thời, luận án tập trung vào các nhóm đối tượng chính: (i) Nhóm yếu tố vĩ mô tác động đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam; (ii) Nhóm yếu tố đặc thù tác động đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam;
(iii) Nợ xấu và tác động của nó đến hiệu quả, vốn và tăng trưởng tín dụng của các NHTM Việt Nam.
Do hạn chế về dữ liệu của biến nợ xấu, luận án tiến hành thu thập dữ liệu của 34 NHTM trong giai đoạn 2005-2015. Luận án chọn mốc thời gian từ năm 2005 là giai đoạn hệ thống NHTM Việt Nam trải qua thời kỳ tăng trưởng với nhiều sự kiện đáng quan tâm, giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây là giai đoạn tăng trưởng nóng về số lượng, vốn, tín dụng và nợ xấu bắt đầu gia tăng. Năm 2005 cũng là năm NHNN ban hành Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD (sau đây, luận án sẽ đề cập là Quyết định 493/2005/QĐ- NHNN).
1.5. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ vấn đề thông tin bất cân xứng và rủi ro đạo đức, các lý thuyết về mối quan hệ giữa các yếu tố vĩ mô cũng như đặc thù và nợ xấu, các giả thuyết của Berger và De Young (1997) và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, luận án xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố như hiệu quả ngân hàng, quy mô, tăng trưởng tín dụng, an toàn vốn, mức kiểm soát của chủ sở hữu và các yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá hối đoái, giá bất
Có thể bạn quan tâm!
- Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam 1683995359 - 1
- Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam 1683995359 - 2
- Tình Hình Nghiên Cứu Có Liên Quan Và Vấn Đề Nghiên Cứu
- So Sánh Định Nghĩa Nợ Xấu Của Việt Nam Và Thế Giới
- Minh Họa Lý Thuyết Gia Tốc Tài Chính Về Ảnh Hưởng Của Yếu Tố Vĩ Mô Đến Nợ Xấu
- Tác Động Của Nợ Xấu Đến Hiệu Quả Của Ngân Hàng
Xem toàn bộ 285 trang tài liệu này.
động sản đến nợ xấu. Bên cạnh đó, để tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ trong dài hạn của các yếu tố đến nợ xấu, nghiên cứu sẽ thêm vào các sai phân của các biến trên dựa trên mô hình của Klein (2013). Đồng thời, để đánh giá tác động của nợ xấu đến hiệu quả, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng, luận án sẽ xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên các nghiên cứu trước của Louzis và ctg(2012), Le (2016) và Salas và Saurina (2013).
Để xác định dấu và độ lớn của các hệ số hồi quy, phương pháp định lượng được sử dụng trong luận án là các phương pháp ước lượng cho mô hình hồi quy với dữ liệu bảng. Trước hết, luận án sử dụng dữ liệu bảng động mô men tổng quát GMM dạng hệ thống hai bước để phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố đặc thù của ngân hàng với nợ xấu. Cụ thể, hiệu quả, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng với giả định bất cứ sự thay đổi trong các yếu tố đặc thù là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh nội sinh của các nhân tố khác. Trong mô hình các yếu tố tác động đến nợ xấu, nghiên cứu của Athanasoglou và ctg (2008); Berger và De Young (1997); Karim và ctg (2010) và Le (2016) đều cho thấy, đây là mối quan hệ tương hỗ hai chiều. Do đó, mô hình có thể xảy ra hiện tượng nội sinh do mối quan hệ tương hỗ giữa nợ xấu và hiệu quả, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng. Khi đó, nếu dùng các ước lượng bảng tĩnh như hiệu ứng cố định FEM và REM sẽ bị chệch. Do đó, luận án sử dụng phương pháp GMM để xử lý vấn đề nội sinh và các biến trễ. Đồng thời, sử dụng kiểm định Sargan-Hansen cho thấy việc sử dụng các biến công cụ thỏa mãn điều kiện giới hạn nội sinh của mô hình (overidentifying restrictions). Luận án sử dụng công cụ hỗ trợ phần mềm Stata 11.0 để thực hiện các kiểm định và ước lượng hệ số hồi qui các biến trong mô hình.
Các mô hình liên quan đến các yếu tố đặc thù của ngân hàng thường bao gồm các biến bị nội sinh. Karim và ctg (2010) cho thấy, tính nội sinh của nợ xấu khi đo lường biến nợ xấu trong tương quan chặt chẽ cùng với hiệu quả chi phí của ngân hàng. Tương tự, nghiên cứu của Le (2016) cũng cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố đặc thù và nợ xấu. Điều này dẫn đến vấn đề đồng thời làm cho
các ước lượng truyền thống bị chệch. Ước lượng GMM là kỹ thuật ước lượng dựa trên biến công cụ và có nhiều ưu điểm so với ước lượng truyền thống. Ước lượng truyền thống không chính xác khi có sự hiện diện của phương sai thay đổi. Ước lượng GMM sử dụng các điều kiện moment cho phép tạo ra các ước lượng chính xác ngay cả khi có sự xuất hiện của sự không nhất quán của các đơn vị chéo (Hansen, 2000). Để kiểm tra tính vững của ước lượng, nghiên cứu sử dụng phương pháp GMM hệ thống hai bước được phát triển cho mô hình bảng động tuyến tính (Arellano và Bond 1991; Arellano và Bover, 1995).
Bên cạnh đó, để đo lường hiệu quả chi phí của các NHTM như là một yếu tố tác động đến nợ xấu của các NHTM, phương pháp phi tham số bao dữ liệu DEA được dùng trong nghiên cứu. Phương pháp bao dữ liệu DEA là một kỹ thuật lập trình tuyến tính để kiểm tra một ngân hàng hoạt động như thế nào so với các ngân hàng khác trong mẫu. Kỹ thuật này tạo ra một đường biên được thiết lập bởi các ngân hàng hiệu quả và so với các ngân hàng kém hiệu quả. Hiệu quả của các ngân hàng tiến từ 0 đến 1, với ngân hàng hoàn toàn hiệu quả có kết quả là 1. Sau khi thu thập số liệu, tác giả sử dụng phần mềm DEAP 2.1 được viết bởi Coelli (1996) để ước lượng hiệu quả chi phí.
Luận án thu thập dữ liệu thứ cấp về tình hình nợ xấu, các yếu tố đặc thù và yếu tố vĩ mô và cạnh tranh thị trường liên quan đến hoạt động ngân hàng để đánh giá mối liên hệ giữa nợ xấu và các yếu tố liên quan. Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu chủ yếu là dữ liệu thứ cấp, bao gồm: Báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo thường niên được kiểm toán, báo cáo tình hình hoạt động thông qua các tài liệu hội đồng cổ đông của 34 NHTM và số liệu chính thức của NHNN, Tổng cục Thống kê. Nguồn thu thập các dữ liệu vĩ mô là từ số liệu thống kê của định chế tài chính quốc tế như IMF, WB cùng các nguồn dữ liệu chính thống khác.
1.6. Kết quả và đóng góp mới của nghiên cứu
Nghiên cứu thực nghiệm trên các NHTM Việt Nam cho ra các kết quả nổi bật như sau: (i) Việc cải thiện hiệu quả ngân hàng, tăng mức vốn hóa, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát mức độ cạnh tranh thị trường trong Ngành sẽ giúp giảm nợ xấu; (ii) Việc giảm dự phòng rủi ro, quy mô ngân hàng, mức độ kiểm soát của chủ sở hữu, lạm phát, lãi suất, giá nhà sẽ làm giảm nợ xấu; (iii) Các yếu tố tác động nói trên cũng có tác động đến nợ xấu trong dài hạn; (iv) Nợ xấu gia tăng tác động tiêu cực đến hiệu quả ngân hàng, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng.
So với các nghiên cứu trước cùng chủ đề mà luận án đã tham khảo, luận án có những đóng góp mới như sau:
Thứ nhất, luận án lần đầu tiên kiểm định mối quan hệ giữa nợ xấu và hiệu quả chi phí của các NHTM Việt Nam. Mối quan hệ ngược chiều này cho thấy việc kiểm soát chi phí kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả hoạt động của mình, các NHTM cần cắt giảm các chi phí đầu vào, từ đó sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay và làm giảm các khoản nợ xấu. Đồng thời, luận án phân tích các nguyên nhân của nợ xấu của các NHTM Việt Nam bằng phương pháp định lượng dưới nhiều góc độ: hiệu quả chi phí, khả năng sinh lời, vốn, mức độ sở hữu, cạnh tranh ngành, các yếu tố kinh tế vĩ mô… trong đó có tính đến ảnh hưởng của độ trễ của nợ xấu, được ước lượng thông qua mô hình ước lượng dữ liệu bảng động moment tổng quát GMM.
Thứ hai, luận án lần đầu tiên nghiên cứu sâu về tác động của nợ xấu đến hoạt động ngân hàng trên mẫu các NHTM Việt Nam và chỉ ra được liệu nợ xấu có ảnh hưởng quan trọng như thế nào đến kết quả kinh doanh, hiệu quả chi phí, an toàn vốn hay tăng trưởng tín dụng. Hàm ý chính sách quan trọng từ kết quả nghiên cứu này là để tăng hiệu quả ngân hàng, nhà quản lý nên tăng cường việc giám sát và theo dõi rủi ro của các khoản nợ.
1.7. Quy trình nghiên cứu và kết cấu của luận án
Quy trình nghiên cứu được thực hiện như Hình 1.1. Bước một, xác định vấn đề cần nghiên cứu, bước hai là lược khảo khung lý thuyết và các kết quả thực nghiệm để xác định lỗ hổng trong nghiên cứu, bước ba là phương pháp nghiên cứu, bước bốn là thu thập dữ liệu và phân tích định lượng và cuối cùng là thảo luận kết quả và đưa ra gợi ý chính sách.
Nội dung của luận án được trình bày trong 5 chương, cụ thể như sau:
Chương 1. Giới thiệu. Chương này đã giới thiệu về sự cần thiết cũng như mục tiêu nghiên cứu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu và quy trình thực hiện nghiên cứu.
Chương 2. Khung lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước về nợ xấu của ngân hàng thương mại. Trong chương này luận án trình bày khung lý thuyết giải thích nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và tác động của nợ xấu từ các tài liệu trước đây. Khung lý thuyết chủ đạo mà nghiên cứu dựa vào để lý giải cho mối quan hệ giữa các yếu tố đặc thù và nợ xấu là lý thuyết dòng tiền tài chính, kênh cho vay ngân hàng, kênh truyền dẫn của CSTT và các giả thuyết như rủi ro đạo đức, quản lý kém và hiệu ứng quy mô. Bên cạnh đó, luận án cũng lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây để xác định các yếu tố định lượng nhằm xây dựng mô hình thực nghiệm về các yếu tố tác động đến nợ xấu cũng như tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam.
Chương 3. Mô hình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu. Xuất phát từ khung lý thuyết trong Chương 2, kế thừa các mô hình thực nghiệm của các nghiên cứu trên đây, chương này sẽ xây dựng các mô hình thực nghiệm của luận án, bao gồm: mô hình các yếu tố tác động đến nợ xấu và tác động của nợ xấu. Điểm nổi bật của chương này là trình bày chi tiết các bước tiến hành và phương pháp ước lượng nhằm tìm kiếm bằng chứng cho các mục tiêu nghiên cứu của luận án. Cuối cùng, việc đo lường biến và nguồn khai thác dữ liệu cũng được trình bày chi tiết trong Chương này.
Chương 4. Phân tích kết quả nghiên cứu. Dựa trên mô hình thực nghiệm và dữ liệu thu thập của 34 NHTM Việt Nam, luận án sử dụng công cụ hỗ trợ là phần mềm Stata 11.0 để thực hiện các kiểm định và ước lượng hệ số hồi qui các biến trong mô hình. Sau đó, thảo luận kết quả thực nghiệm dựa trên nền tảng lý thuyết nghiên cứu và đối chiếu với các nghiên cứu trước đây nhằm luận giải kết quả một cách logic. Kết quả này cung cấp các minh chứng giúp trả lời các câu hỏi nghiên cứu của luận án.
Chương 5. Kết luận và giải pháp. Chương này đã tóm lược các kết quả thực nghiệm chính gắn với mục tiêu nghiên cứu của luận án. Từ đó, luận án đưa ra một số các hàm ý chính sách nhằm kiểm soát nợ xấu thông qua các yếu tố tác động cũng như hạn chế các tác động bất lợi nếu có của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng. Các gợi ý này được kỳ vọng có thể cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách khi thực hiện các giải pháp hạn chế nợ xấu. Đồng thời, chương này cũng nhìn nhận một số hạn chế mà luận án chưa giải quyết được. Đây cũng là chương cuối cùng của luận án.
CHƯƠNG 2
KHUNG LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC VỀ NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Giới thiệu
Mục tiêu của luận án là đánh giá các yếu tố tác động đến nợ xấu tại Việt Nam và tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng. Trong đó, luận án tập trung đánh giá tác động của các yếu tố đặc thù và yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến nợ xấu, đồng thời nghiên cứu cũng phân tích tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng, cụ thể là hiệu quả, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nợ xấu là một khái niệm phức tạp và không có sự thống nhất. Kết quả thực nghiệm của các nghiên cứu này cho thấy không chỉ các yếu tố đặc thù như hiệu quả ngân hàng, quy mô, an toàn hoạt động, năng lực tài chính và tăng trưởng tín dụng... mà còn các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, thị trường bất động sản và yếu tố cạnh tranh thị trường có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng tín dụng. Vì vậy, Chương 2 trình bày khung khái niệm tổng quan về nợ xấu theo các nghiên cứu trước đây cũng như các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), Ủy ban Basel, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS). Từ đó, luận án cũng trình bày khung khái niệm và cách đo lường nợ xấu.
Như vậy, chương này sẽ trình bày khung lý thuyết làm nền tảng cho nghiên cứu này bao gồm lý thuyết về dòng tiền tài chính, lý thuyết kênh cho vay ngân hàng, lý thuyết kênh bảng cân đối tài sản, các kênh truyền dẫn của CSTT và các giả thuyết liên quan. Bên cạnh đó, các nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố tác động đến nợ xấu cũng như tác động của nợ xấu đến hoạt động ngân hàng sẽ được trình bày chi tiết trong Chương này để làm nền tảng cho việc xây dựng mô hình nghiên cứu thực nghiệm ở chương sau.
2.1. Khung lý thuyết
Trước hết, để hiểu rõ nợ xấu của NHTM, việc tìm hiểu bản chất của mối quan hệ tín dụng ngân hàng và vấn đề rủi ro tín dụng là cần thiết vì nợ xấu là phạm trù liên quan đến mối quan hệ tín dụng và rủi ro tín dụng. Tín dụng là phạm trù kinh tế và là sản phẩm của nền kinh tế hàng hóa. Quan hệ tín dụng có bản chất là mối quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tín dụng, trong đó gồm hàng hóa, tiền tệ, nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vốn tạm thời cho quá trình sản xuất và đời sống, theo nguyên tắc hoàn trả trong một thời gian nhất định. Trong đó, theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (2006), rủi ro tín dụng là rủi ro thất thoát tài sản có thể phát sinh khi một bên đối tác không thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ theo hợp đồng đối với một ngân hàng, bao gồm cả việc không thực hiện thanh toán nợ cho dù là nợ gốc hay nợ lãi khi khoản nợ đến hạn. Rủi ro này được đo lường bằng chi phí bỏ ra để có được dòng tiền thay thế nếu bên đối tác phá sản (Jorion, 2009).
Tại Việt Nam, “rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết”. Đây là định nghĩa theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2.1.1. Nợ xấu của ngân hàng thương mại
Theo các nghiên cứu trước đây của các cá nhân và tổ chức, khái niệm và cách xác định nợ xấu là đa dạng và phức tạp. Nó tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu cũng như cách tiếp cận của người nghiên cứu. Thuật ngữ “nợ xấu” trong tiếng Anh là bad debt, non-performing loan, doubtful debt, là các khoản cho vay bắt đầu được đưa vào nợ xấu khi đã quá hạn trả nợ gốc và lãi 90 ngày trở lên (Rose, 2009; Miskin, 2010). Các định nghĩa trên thế giới về nợ xấu liên quan