Giấy Chứng Nhận Kết Hôn Làm Phát Sinh Quan Hệ Vợ Chồng Giữa Người Nam Và Người Nữ

chồng... Đăng ký kết hôn còn là biện pháp bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho đôi bên nam nữ. Giấy chứng nhận kết hôn là chứng cứ pháp lý thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về việc tồn tại quan hệ vợ chồng. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của các bên khi có mâu thuẫn xảy ra. Đăng ký kết hôn còn có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự tiến bộ của xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu còn tồn tại. Mọi nghi thức kết hôn khác như tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc kết hôn theo nghi thức tôn giáo được tiến hành tại nhà thờ mà không có giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì không được công nhận là hợp pháp.

1.2. Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kết hôn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 57 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức do pháp luật quy định; mọi nghi thức kết hôn không tuân theo các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn đều không có giá trị pháp lý; vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn. Như vậy đăng ký kết hôn là nghi thức kết hôn duy nhất làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Muốn trở thành vợ chồng, nam nữ phải xin đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn. Chỉ khi nào cơ quan đăng ký kết hôn đăng ký việc kết hôn cho họ, ghi vào sổ kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn thì giữa họ mới phát sinh quan hệ vợ chồng.

Như vậy, giấy chứng nhận kết hôn là chứng cứ viết xác nhận giữa hai bên nam nữ đã phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp, quan hệ này được nhà nước bảo hộ những quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng mang yếu tố tình cảm gắn liền với bản thân vợ chồng mà không thể chuyển giao cho người khác được. Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kêt hôn được thể hiện trên những nội dung sau đây.

1.2.1. Giấy chứng nhận kết hôn làm phát sinh quan hệ vợ chồng giữa người nam và người nữ

Sự kiện kết hôn đã làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng. Nội dung của quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng bao gồm các nghĩa vụ và quyền về nhân thân và các nghĩa vụ và quyền về tài sản, trong đó nghĩa vụ và quyền về nhân thân là nội dung chủ yếu trong quan hệ vợ chồng và quyết định tính chất, nội dung các nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa vợ chồng. Các nghĩa vụ và quyền này được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ.

Nghĩa vụ và quyền của vợ chồng được pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định xuất phát từ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong hiến pháp- đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. Với tư cách là công dân, vợ chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, vợ chồng còn có các quyền và nghĩa vụ với nhau, với gia đình và xã hội.

Nghĩa vụ và quyền của vợ chồng bao gồm nghĩa vụ và quyền về nhân thân và nghĩa vụ và quyền về tài sản. Thực hiện những quyền và nghĩa vụ đó là nhằm bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất trong đời sống vợ chồng, bảo đảm lợi ích chung của gia đình và xã hội. Nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa vợ và chồng mang yếu tố tình cảm, là lợi ích tinh thần giữa vợ và chồng, gắn liền với bản thân vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Những nghĩa vụ và quyền này xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử mang tính tự nhiên và truyền thống giữa vợ và chồng. Như vậy, các nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa vợ và chồng vốn đã nảy sinh từ trước, được coi như nghĩa vụ về đạo đức và sau này được pháp luật quy định nên trở thành nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa vợ và chồng gắn liền với nhân thân của vợ chồng mà không thể chuyển giao cho người khác. Chỉ với tư cách là vợ chồng của nhau thì họ mới có các quyền và nghĩa vụ đó mà thôi.

Nội dung của nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa vợ và chồng là những lợi ích tinh thần, tình cảm, không mang nội kinh tế và cũng không phụ thuộc

vào yếu tố tài sản. Các nghĩa vụ và quyền đó còn bao gồm cả tình yêu, sự hòa thuận, sự tôn trọng lẫn nhau, việc xử sự trong gia đình, quan hệ đối với cha mẹ, các con và những thành viên trong gia đình. Việc thực hiện các nghĩa vụ và quyền về nhân thân giữa vợ và chồng nhằm bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tình cảm trong đời sống vợ chồng. Vì vậy, khi điều chỉnh những quan hệ đó phải kết hợp giữa các quy định của pháp luật với những quy tắc đạo đức và lẽ sống trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

Trong quan hệ vợ chồng, bên cạnh các quyền và nghĩa vụ về nhân thân còn có các quyền và nghĩa vụ về tài sản. Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ chồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, mang những nét đặc trưng gắn liền với nhân thân của vợ chồng. Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng bao gồm quyền sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thừa kế tài sản. Quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng là cơ sở kinh tế đảm bảo cho gia đình thực hiện tốt các chức năng xã hội. Các quyền và nghĩa vụ đó còn nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất của vợ chồng, bảo đảm cho vợ chồng thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ về nhân thân với nhau và thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ đối với con cái và với các thành viên trong gia đình.

1.2.2. Giấy chứng nhận kết hôn làm phát sinh quyền sở hữu của vợ chồng đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất

Những khía cạnh pháp lý của thực tế chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn ở Việt Nam - 3

Theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung. Xuất phát từ tính chất của quan hệ hôn nhân của vợ chồng là cùng chung ý chí, cùng chung công sức trong việc tạo lập nên khối tài sản nhằm xây dựng gia đình, bảo đảm cho gia đình thực hiện tốt các chức năng xã hội của nó như: phát triển kinh tế gia đình vững mạnh, tạo điều

kiện tốt cho việc nuôi dạy con cái, vì vậy, pháp luật quy định tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng chỉ căn cứ vào nguồn gốc, thời điểm phát sinh tài sản mà không căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi người vào việc tạo dựng và phát triển khối tài sản đó. Có thể do điều kiện sức khỏe, đặc điểm công việc và nghề nghiệp nên sự đóng góp công sức của vợ chồng vào việc xây dựng khối tài sản chung không ngang bằng nhau, nhưng quyền sở hữu của họ đối với tài sản chung vẫn ngang bằng nhau. Tài sản chung của vợ chồng không nhất thiết phải do công sức của cả hai vợ chồng trực tiếp tạo ra, có thể chỉ do vợ hoặc chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong việc xây dựng, phát triển và duy trì khối tài sản, đồng thời họ cũng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất. Quyền bình đẳng của vợ chồng đối với khối tài sản chung thể hiện trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận (Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung, pháp luật quy định phải có sự bàn bạc, thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp vợ, chồng ủy quyền cho nhau thì người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung trong phạm vi được ủy quyền. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có chữ ký của cả vợ và chồng (Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).

1.2.3. Giấy chứng nhận kết hôn làm phát sinh quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng

Quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng đã được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì vợ, chồng có quyền

thừa kế tài sản của nhau theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu chia di sản thừa kế theo pháp luật thì người vợ, chồng còn sống thuộc hàng thừa kế thứ nhất cùng với cha, mẹ, con của người chồng, vợ đã chết.

Quyền thừa kế của vợ, chồng còn được bảo vệ bằng pháp luật trong trường hợp người vợ hoặc chồng chết trước có di chúc truất quyền thừa kế của người chồng hoặc vợ còn sống, đó là: người vợ hoặc chồng còn sống được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được chồng, vợ lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi vợ, chồng từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật dân sự (Theo quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác, pháp luật cũng có quy định cụ thể việc thừa kế của vợ chồng, đó là: Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản; người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản. (Điều 680)

Bên cạnh việc khẳng định vợ, chồng có quyền được thừa kế tài sản của nhau, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của chồng, vợ, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người

khác quản lý di sản (khoản 2 Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Như vậy, khi vợ hoặc chồng chết mà không có di chúc chỉ định người khác quản lý di sản thừa kế hoặc những người thừa kế không thỏa thuận cử người khác quản lý di sản thì người chồng hoặc người vợ còn sống sẽ quản lý toàn bộ tài sản chung của vợ chồng.

Hiện nay, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người vợ, chồng còn sống và gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định vấn đề hạn chế quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của những người được thừa kế di sản của người chồng, vợ đã chết. Cụ thể:

Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế [21, Điều 31].

Đây là một trong những quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

1.2.4. Giấy chứng nhận kết hôn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng

Cấp dưỡng giữa vợ và chồng là việc vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người kia khi vợ, chồng không cùng chung sống mà gặp khó khăn, túng thiếu do không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng chỉ được đặt ra khi họ không cùng chung sống mà một trong hai bên do mất khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Thông thường, vì lý do nào đó mà vợ chồng

sống cách xa nhau, khi một bên ốm đau, bệnh tật, phụ nữ mang thai, sinh đẻ….nên không có khả năng lao động hoặc hạn chế khả năng lao động và rơi vào tình trạng khó khăn, túng thiếu, thì nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng mới được đặt ra. Thực tế cho thấy những trường hợp vợ, chồng phải cấp dưỡng cho nhau thường là những trường hợp do vợ chồng có những mâu thuẫn, tình cảm giữa họ có những rạn nứt nên khi người này khó khăn, người kia không quan tâm, chăm sóc theo đúng nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định.

Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng phát sinh kể từ khi vợ chồng kết hôn và chấm dứt khi hôn nhân chấm dứt. Nhưng do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân mà pháp luật đã quy định khi vợ chồng ly hôn họ vẫn có thể phải thực hiện quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau (Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì mức cấp dưỡng có thể thay đổi theo thỏa thuận các bên; nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu Tòa án giải quyết.

Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Như vậy, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định rất linh hoạt, mềm dẻo. Điều đó tạo điều kiện cho các bên dễ dàng thỏa thuận lựa chọn cách thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể của mình. Trong trường hợp đặc biệt, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và người được cấp dưỡng cũng đồng ý, thì nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được thực hiện một lần. Theo quy định của pháp luật, mặc dù việc cấp dưỡng đã được thực hiện một lần, nhưng nếu người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh

hiểm nghèo thì họ vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng tiếp (Điều 19 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Quy định này là cần thiết để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

1.2.5. Giấy chứng nhận kết hôn nhằm xác định quan hệ cha mẹ và con, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cha mẹ và con

Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, khi người vợ sinh con, vợ chồng với tư cách là người mẹ, người cha của đứa trẻ hay những người thân thích tiến hành đăng ký khai sinh cho con theo thủ tục chung. Theo đó, trong Giấy khai sinh của người con, họ tên của hai vợ chồng trong Giấy chứng nhận kết hôn được ghi vào Giấy khai sinh của người con với tư cách là cha đẻ, mẹ đẻ của người con đó. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh là cơ sở pháp lý xác định mối quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con, mà nội dung bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa cha mẹ và con, được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ.

Nghĩa vụ và quyền nhân thân giữa cha mẹ và con được thể hiện: cha mẹ thương yêu, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội…; người con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình…

Bên cạnh các nghĩa vụ và quyền về nhân thân còn có các nghĩa vụ và quyền về tài sản giữa cha mẹ và con. Hệ thống pháp Luật Hôn nhân và gia đình phân định quan hệ pháp luật về tài sản giữa cha mẹ và con làm hai nhóm: quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng và quan hệ tài sản khác. Luật Hôn

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 02/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí