những yếu tố thu hút và giữ chân người lao động (Giả thuyết H2c). Những luận điểm trên ủng hộ lý thuyết các bên có liên quan và Lý thuyết tín hiệu (Backhaus & cộng sự, 2002). Đồng thời kết quả này thống nhất với nghiên cứu của Sweeney (2009), Lin & cộng sự (2015), Phan Thị Thu Hiền (2019) ở trường hợp các nước Ai Len, Mỹ và Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ dù ở những môi trường và thể chế khác nhau thì việc thực hiện TNXH với người lao động nói chung và TNXH toàn diện nói riêng sẽ giúp thu hút và tạo động lực cho nhân viên, đặc biệt nâng cao năng suất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng chấp nhận Giả thuyết H3. Doanh nghiệp quan tâm đến TNXH ở nội dung xã hội, tức là khi doanh nghiệp thực hiện tốt các chương trình đào tạo cho người lao động sẽ thúc đẩy sự đổi mới, cải tiến trong công việc của họ tốt hơn, nói cách khác là thành quả hoạt động ở khía cạnh quy trình nội bộ sẽ tốt hơn (Giả thuyết H3a). Ngoài ra, thực hiện tốt tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên (Giả thuyết H3b), đảm bảo lợi ích đối với nhà cung cấp, cổ đông, nhà đầu tư (Giả thuyết H3c) cũng góp phần nâng cao thành quả ở khía cạnh quy trình nội bộ. Theo quan điểm của Lý thuyết dựa trên nguồn lực, sự đổi mới được công nhận là đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra giá trị và duy trì khả năng cạnh tranh lợi thế của doanh nghiệp và nhiều khía cạnh của TNXH tạo ra, thúc đẩy quy trình đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ (Baregheh & cộng sự, 2009). Mishra (2010) đã nghiên cứu tác động của TNXH đến việc phát triển sản phẩm mới, chi phí nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp. Đồng quan điểm này, Martinez & cộng sự (2017) đã tìm ra tác động tích cực của TNXH đến sản phẩm sáng tạo, quy trình đổi mới, khả năng giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường, sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, khi quy trình nội bộ được nhìn nhận đạt thành quả cao thì khả năng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn.
Giả thuyết H4 chưa có đủ bằng chứng để chấp nhận. TNXH ở khía cạnh xã hội bao gồm việc đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho khách hàng, tuân thủ đúng quy định về truyền thông tiếp thị, yêu cầu đối với thông tin nhãn hiệu của sản phẩm/dịch vụ. Rõ ràng khi doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH ở khía cạnh này thì khách hàng sẽ
hài lòng hơn, tức là thành quả ở khía cạnh khách hàng sẽ cao hơn (Giả thuyết H4a). Hơn nữa, một khi doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH sẽ xây dựng được hình ảnh tốt về việc đầu tư vào các hoạt động cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm từ khách hàng hơn (Giả thuyết H4c). Mối quan hệ này được tìm thấy ở nhiều nghiên cứu trước đây như Sweeney (2009), Saeidi & cộng sự (2015), Châu Thị Lệ Duyên (2018), Trần Thị Thu Hiền (2019) ở bối cảnh của nước khác nhau như Ai Len, Iran và Việt Nam. Kết quả này ủng hộ lý thuyết các bên có liên quan. Điều này có thể được giải thích là khi doanh nghiệp thực hiện TNXH với khách hàng nói riêng như đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng như cam kết, bảo mật thông tin khách hàng; hay TNXH nói chung sẽ làm hài lòng khách hàng. Từ đó dẫn đến việc khách hàng sẽ quay lại mua hàng, thậm chí giới thiệu cho nhiều khách hàng khác, vì thế sự trung thành của khách hàng ngày càng tăng cao. Do vậy, TNXH có tác động tích cực đến thành quả hoạt động ở khía cạnh khách hàng. Ngoài ra, TNXH cũng là một trong những điều kiện để xuất khẩu hàng hoá, các khách hàng nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện TNXH. Mỗi nhãn hàng sẽ có những yêu cầu riêng về TNXH, đây cũng là điều kiện tiên quyết để có thể ký được đơn hàng với khách hàng quốc tế. Thế nên, khi thực hiện TNXH sẽ giúp doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng dẫn đến khách hàng tin tưởng và sẽ làm việc cũng như ký hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp. Kết quả này phù hợp với lý thuyết các bên liên quan và được tìm thấy trong các nghiên cứu của Liu & Fenglan (2010), Bhattacharya & Sen (2004), Junquera & cộng sự (2012), Du & cộng sự (2007).
Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng để đánh giá sự tác động của TNXH ở khía cạnh môi trường đến thành quả ở khía cạnh khách hàng (Giả thuyết H4b). Điều này cho thấy sự quan tâm của khách hàng ở Việt Nam chưa nhiều đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến môi trường của doanh nghiệp. Đặc biệt nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm “xanh, thân thiện với môi trường” chưa cao. Do đó, các hoạt động thể hiện TNXH của doanh nghiệp về môi trường như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hiệu quả năng lượng, đưa công nghệ mới bảo vệ môi trường vào sản phẩm dịch vụ, chưa thu hút được khách hàng cũng như chưa tạo được sự trung
thành của khách hàng. Nói cách khác, TNXH của doanh nghiệp ở khía cạnh môi trường chưa tìm thấy tác động tích cực đến thành quả hoạt động ở khía cạnh khách hàng.
Bên cạnh đó, đã tìm thấy bằng chứng để chấp nhận Giả thuyết H5. Trong chuỗi quan hệ nhân quả của các khía cạnh đánh giá thành quả hoạt động của doanh nghiệp theo phương pháp thẻ điểm cân bằng. Mối quan hệ đó nghĩa là khi doanh nghiệp cải thiện năng lực và kỹ năng của nhân viên trong các vị trí công việc khác nhau, cùng với công nghệ thông tin mới, sẽ cho phép quy trình kinh doanh nội bộ cũng được cải thiện. Tính xác thực của mối quan hệ nguyên nhân và kết quả trên các khía cạnh theo quan điểm của phương pháp thẻ điểm cân bằng được thực hiện qua một số nghiên cứu của Zahoor (2018).
Tiếp theo trong chuỗi quan hệ nhân quả, việc cải tiến các quy trình kinh doanh nội bộ sẽ dẫn đến nâng cao giá trị cung cấp cho khách hàng mục tiêu, hướng đến tăng mức độ hài lòng, giữ chân khách hàng cũng như tăng trưởng khách hàng doanh nghiệp. Do đó, Giả thuyết H6 được chấp nhận.
Giả thuyết H7 được chấp nhận. Thông thường, các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn cho việc quảng cáo, thu hút khách hàng. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thể hiện TNXH, uy tín sẽ nâng cao, danh tiếng sẽ lan toả (do các doanh nghiệp thực hiện TNXH còn ít) thì khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp. Do vậy, khi thực hiện TNXH sẽ giảm được các khoản chi phí truyền thông quảng cáo và tìm kiếm khách hàng, từ đó giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Hơn nữa, khi thực hiện TNXH thì khách hàng hài lòng hơn và sẽ đặt nhiều đơn hàng hơn giúp tăng doanh thu nên tăng thành quả hoạt động ở khía cạnh tài chính. Kết quả nghiên cứu này ủng hộ lý thuyết các bên liên quan khi doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến lợi ích các bên liên quan, cụ thể là khách hàng, thì họ sẽ tăng được lợi ích về tài chính. Ngoài ra, kết quả cũng đã chứng minh cho mối quan hệ nhân quả của các khía cạnh đánh giá thành quả theo phương pháp thẻ điểm cân bằng. Kết quả này cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây ở trong nước và quốc tế như Châu Thị
Lệ Duyên (2018), Phan Thị Thu Hiền (2019), Saeidi & cộng sự (2015), Hasan & cộng sự (2018).
(2) Tác động gián tiếp của TNXH đến thành quả hoạt động ở khía cạnh tài
chính
Từ kết quả nghiên cứu thể hiện ở Bảng 3.19 cho thấy có minh chứng để chấp
nhận Giả thuyết H8. Vai trò trung gian của khía cạnh học hỏi và phát triển được đánh giá cao nhất trong các tác động trung gian của mối quan hệ TNXH đến thành quả tài chính. Thực vậy, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc tác động này được hiểu là người lao động càng được thoả mãn về lợi ích kinh tế (lương thưởng, phúc lợi) và tinh thần (an sinh xã hội, điều kiện làm việc) thì sự tác động của các hoạt động TNXH của doanh nghiệp đến thành quả ở khía cạnh tài chính càng cao.
Bảng 3.19. TNXH tác động đến Thành quả tài chính thông qua trung gian là thành quả phi tài chính
Hệ số đường dẫn Mẫu gốc (O) | Hệ số đường dẫn Trung bình mẫu (M) | Độ lệch chuẩn (STDEV) | Giá trị t Bootstrap | Giá trị p | |
XH -> KH -> TC | 0.040 | 0.040 | 0.015 | 2.599 | 0.009 |
MT -> KH -> TC | 0.012 | 0.013 | 0.014 | 0.846 | 0.398 |
KT -> KH -> TC | 0.036 | 0.036 | 0.016 | 2.254 | 0.024 |
XH -> NB -> KH -> TC | 0.014 | 0.014 | 0.006 | 2.132 | 0.033 |
MT -> NB -> KH -> TC | 0.030 | 0.029 | 0.010 | 2.963 | 0.003 |
KT -> NB -> KH -> TC | 0.113 | 0.116 | 0.036 | 3.113 | 0.002 |
XH -> PT -> NB -> KH -> TC | 0.005 | 0.006 | 0.003 | 1.940 | 0.052 |
MT -> PT -> NB -> KH -> TC | 0.007 | 0.007 | 0.003 | 2.178 | 0.029 |
KT -> PT -> NB -> KH -> TC | 0.005 | 0.006 | 0.003 | 1.580 | 0.114 |
PT -> NB -> KH -> TC | 0.026 | 0.026 | 0.010 | 2.507 | 0.012 |
Có thể bạn quan tâm!
- Thành Quả Hoạt Động Ở Khía Cạnh Học Hỏi Và Phát Triển
- Sự Tác Động Của Tnxh Đến Thành Quả Hoạt Động Của Doanh Nghiệp
- Kết Quả Sự Phù Hợp Của Mô Hình Với Số Liệu Nghiên Cứu
- Một Số Khuyến Nghị Và Hàm Ý Chính Sách
- Hạn Chế Và Định Hướng Nghiên Cứu Trong Tương Lai
- Định Hướng Nghiên Cứu Trong Tương Lai
Xem toàn bộ 279 trang tài liệu này.
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Ngoài ra, sự tác động của TNXH đến thành quả ở khía cạnh tài chính cũng được phản ánh qua trung gian là khía cạnh quy trình nội bộ. Điều này có thể được giải thích là khi doanh nghiệp càng có nhiều những cải tiến về sản phẩm/dịch vụ,
quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả thì sự tác động của TNXH đến thành quả ở khía cạnh tài chính sẽ càng cao. Kết quả này đồng thuận với những nghiên cứu của Surroca & cộng sự (2010), Martinez & cộng sự (2017).
3.3.2. Kết quả nghiên cứu bằng phỏng vấn chuyên sâu về sự tác động của TNXH đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp
Để đảm bảo độ tin cậy và tìm hiểu nguyên nhân của kết quả nghiên cứu, tác giả tiến hành phỏng vấn chuyên sâu đối với một số doanh nghiệp về nguyên nhân dẫn đến kết quả về sự tác động của TNXH đến thành quả hoạt động như đã đề cập ở kết quả nghiên cứu định lượng. Đối tượng phỏng vấn: lãnh đạo các doanh nghiệp.
Nhận thức về TNXH có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp quy mô khác
nhau
Kết quả về sự tác động của TNXH đến thành quả hoạt động ở các khía cạnh
khác nhau có sự khác nhau. Điều này được giải thích một phần do nhận thức về TNXH ở các doanh nghiệp có sự khác biệt. Tất cả các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có nhận thức và những hiểu biết nhất định về TNXH. Tuy nhiên mức độ hiểu biết, cách sử dụng từ ngữ để diễn đạt về TNXH là khác nhau. Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì TNXH được hiểu đơn giản, chủ yếu tập trung vào khía cạnh xã hội, thường được hiểu đó là các hoạt động từ thiện, cộng đồng.
“TNXH là hoạt động từ thiện, cộng đồng. Trong một năm, có ít nhất một đợt thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Công ty sẽ bỏ ra một số tiền đồng thời kêu gọi các cán bộ nhân viên quyên góp đóng góp thêm, để thể hiện trách nhiệm với xã hội” (CEO9).
Hoặc“TNXH là được thực hiện theo ba kênh chính: Công đoàn: chăm lo cho đời sống của người lao động, Người lao động: được đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi, bảo hiểm theo quy định, Công ty: thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như quyên góp cho đồng bào lũ lụt, thăm các bà mẹ neo đơn…” (CFO1).
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu nhận thức TNXH ở khía cạnh xã hội. TNXH thể hiện qua việc đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ với người lao
động, thực hiện các hoạt động cộng đồng. Ở các doanh nghiệp này chưa nhắc đến nhiều đến khách hàng, nghĩa vụ với nhà nước. Kết quả này thống nhất với nghiên cứu của Sweeney (2009) và Phan Thị Thu Hiền (2019).
Tại các doanh nghiệp lớn TNXH được hiểu đầy đủ và bao quát hơn, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc thực hiện TNXH thể hiện ở cả ba khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Các thông tin về thực hiện TNXH được công bố đầy đủ ở các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Ở công ty chúng tôi, TNXH được xây dựng và thực hiện như một văn hoá. Đó là chiến lược phát triển hướng đến phát triển bền vững. Do đó chúng tôi thực hiện các tiêu chuẩn, hoạt động theo ba góc độ: kinh tế, môi trường, xã hội; và tập trung vào một số điểm trọng yếu” (DD1).
Thứ hai, tại các doanh nghiệp lớn thì nhận thức về TNXH rất rõ ràng và khá đầy đủ bởi vì “thực hiện TNXH ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của chúng tôi” – (CEO9).
“TNXH là thực hiện các tiêu chuẩn ISO 14001 về môi trường, ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, OHSAS 18001:2007 đảm bảo an toàn…” – (CEO1).
“Công ty tôi muốn xây dựng chiến lược thực hiện TNXH và tạo thành văn hoá của công ty. Một khi công ty mình mà thực hiện tốt TNXH thì sẽ tạo được sự gắn kết của nhân viên, họ nhìn hình ảnh công ty cũng tốt hơn, gắn bó nhiều hơn.” – (CEO8). “TNXH là đảm bảo lợi ích các bên liên quan đến công ty như nhà cung cấp,
khách hàng, nhân viên, môi trường, xã hội…” – (CEO3).
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với tổng thể nghiên cứu về TNXH, có thể được giải thích thực tế nhất bằng cách tham chiếu đến lý thuyết các bên liên quan (Prado-Lorenzo & cộng sự, 2008).
Nhìn chung, ở các doanh nghiệp, khái niệm TNXH không còn xa lạ. Mặc dù được thực hiện với những nội dung khác nhau, ở các mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khuynh hướng mô tả chưa rõ ràng về TNXH. Các công ty chủ yếu nhắc đến việc đóng bảo hiểm để bảo vệ các quyền cơ bản của nhân viên và đảm
bảo môi trường, hoặc thêm vào đó là hoạt động cộng đồng chứ ít nhắc đến trách nhiệm với các bên liên quan khác như khách hàng, nhà đầu tư hay nhà cung cấp. Tuy nhiên, khi được tác giả giới thiệu về TNXH là thực hiện trách nhiệm với các bên có liên quan hướng đến cả việc phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, quốc gia; gìn giữ vào bảo vệ môi trường; thực hiện các hoạt động xã hội như đảm bảo lợi ích cho người lao động, khách hàng, nhà cung cấp thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều khẳng định họ có thực hiện TNXH ở mức độ khác nhau. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán thì mô tả đầy đủ các nội dung của TNXH. Vì các doanh nghiệp này có thực hiện công bố thông tin phát triển bền vững theo các nội dung Báo cáo sáng kiến toàn cầu (GRI). Kết quả phỏng vấn ở trên cho thấy các nội dung nghiên cứu về TNXH đưa ra là khá phù hợp, các doanh nghiệp đã có những nhận thức ban đầu về TNXH. Điều này khá tương đồng với kết quả của nghiên cứu Phạm Việt Thắng (2018) và Phan Thị Thu Hiền (2019).
Một số nội dung khác về TNXH mà các doanh nghiệp đang thực hiện trong thực tế như đảm bảo quyền lợi, phúc lợi của người lao động như đóng bảo hiểm, lương cao hơn mức trung bình của địa phương (Kinh tế – Người lao động), nghỉ thai sản; đóng góp từ thiện cho cộng đồng, tham gia các chương trình phát động đóng góp của địa phương. Kết quả giống với nghiên cứu của Roche (2002), Murillo & Lozano (2006). Ngoài ra, một số hoạt động TNXH phổ biến như: đóng góp từ thiện, chương trình học bổng (Xã hội – cộng đồng); sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng (Xã hội – khách hàng); tiết kiệm tiêu thụ năng lượng điện – nước, quản lý chất thải (Môi trường); chính sách sử dụng nguyên liệu tại chỗ của địa phương, hướng các sản phẩm xanh (Môi trường – Nhà cung cấp).
TNXH ở cả 3 khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội đều có tác động tích cực đến thành quả hoạt động ở khía cạnh học hỏi và phát triển
Đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, thực hiện TNXH giúp gắn kết người lao động của đơn vị. Một khi doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH ở khía cạnh bảo đảm
môi trường làm việc tốt hơn, quan tâm đến đời sống, an sinh phúc lợi cho người lao động được đảm bảo đầy đủ.
“TNXH là một văn hoá của tổ chức. Những giá trị mang lại có thể lan toả trong nhân viên, có lẽ nhờ đó mà họ gắn bó với công ty hơn. Tỷ lệ thôi việc cũng giảm xuống rõ rệt” – (CEO4).
TNXH ở khía cạnh môi trường có tác động tích cực và mạnh mẽ nhất đến thành quả hoạt động ở khía cạnh quy trình nội bộ, tuy nhiên ở mức độ chưa cao
Khi doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH, thì quy trình sản xuất cũng được cải thiện. Cụ thể, quy trình sản xuất “xanh” đi từ khâu tìm kiếm và lựa chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường, không tàn phá nguồn tài nguyên thiên nhiên; cho đến việc sản xuất được áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài; khâu bán hàng cung ứng cho khách hàng từ vận chuyển đến giao hàng cũng được kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
“Công ty chúng tôi lựa chọn nguyên liệu gỗ tận dụng từ gỗ tái chế, gỗ vụn để làm gỗ công nghiệp thay vì sử dụng gỗ nguyên cây như trước đây. Điều này giúp giảm bớt việc tàn phá rừng rất nhiều. Hơn nữa để sản xuất ra các sản phẩm nội thất từ gỗ công nghiệp thì đòi hỏi phải có quy trình sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng mà lại nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Mặc dù quy trình sản xuất này đầu tư tốn kém nhưng công ty vẫn phải làm vì nếu không thì khách hàng nước ngoài không mua sản phẩm của chúng tôi” – (BOD1).
Tuy nhiên, mức độ tác động của TNXH ở khía cạnh môi trường đến thành quả ở khía cạnh quy trình nội bộ chưa cao. Điều này do việc áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến cũng còn khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân là doanh nghiệp phải giải quyết mâu thuẫn giữa hai mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Mâu thuẫn nói trên khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận.