Những Vấn Đề Đặt Ra Cho Việc Nghiên Cứu Văn Bia Phật Giáo Thế Kỷ Xvii - Xviii Ở Tỉnh Bắc Ninh.

trên đã sưu tầm được 330 mặt bia chiếm số lượng ¼ số bia năm 1992 sưu tầm được [17;10 - 14] .

Trên đây là những nhận định mang tính khái quát của văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc bao gồm nhiều loại hình di tích.

Sang đến thời Lê, Nho giáo chiếm vị trí cao, Phật giáo tạm thời chỉ duy trì ở phạm vi sinh hoạt làng xã. Trong thời kì này, chùa chiền cũng phát triển hạn chế với số lượng ít, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh Tk XV chỉ xuất hiện 5 văn bia Phật giáo. Nhưng đến Tk XVII - XVIII tình hình Phật giáo nói chung và Phật giáo tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều ngôi chùa lại được trùng tu, xây dựng với quy mô hoành tráng, xuất hiện với số lượng rất lớn các văn bia Phật giáo. Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn phát triển khá rực rỡ của Phật giáo được thể hiện cụ thể, sinh động trên những ngôi danh lam, cổ tự Bắc Ninh. “Đầu nhà Lê, Phật giáo phải nhường vị trí cho Nho giáo, các ngôi chùa ít được tu bổ. Song đến thời Lê Trung hưng thì Phật giáo được chấn hưng. Các ngôi chùa làng, chùa tổng được mở mang, xây dựng và tu bổ, đã thu hút vào đây bao tiền của. Mấy trăm tấm bia đá dựng ở các chùa cùng với hệ thống chùa còn lại đến nay ở khắp các vùng của Kinh Bắc đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo ở Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau” [146; 50 - 51].

Theo thống kê của Phạm Thị Thùy Vinh, số lượng văn bia Phật giáo xứ Kinh Bắc thời Lê vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong 12 loại hình văn bia: (52,3 % với số lượng 556 bia (Trong khi đó số lượng bia ở các di tích khác chỉ chiếm số lượng khiêm tốn hơn: Đình 302 bia; Đền, miếu; 50 bia; Văn chỉ: 40 bia; Từ đường: 36 bia; lăng mộ: 22 bia; Từ chỉ: 19 bia; Cầu: 15 bia; Chợ: 9 bia; Sinh từ 7 bia; Điếm: 6 bia; Am: 1 bia [146; 79] .

Tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cũng phân theo niên đại văn bia xứ Kinh Bắc với số lượng cụ thể như sau:

+ Tk XV; có 5 bia

+ Tk XVI: Có 1 bia niên đại Quang Hưng. Ngoài ra, ở Kinh Bắc có 13 bia thời Mạc [Số bia Mạc không có trong bảng thống kê nhưng chúng tôi vẫn nêu ra để thấy được sự tiếp nối liên tục của văn bia Kinh Bắc] .

+ Tk XVII (tính đến hết niên hiệu Chính Hòa - 1705) có 437 bia.

+ Tk XVIII (Tính từ niên hiệu Vĩnh Thịnh 1705 đến niên hiệu Chiêu Thống 2 (1788) có 612 bia [146; 88].

Không chỉ thống kê, nghiên cứu trên những thác bản văn bia Phật giáo, Phạm Thị Thùy Vinh còn nghiên cứu sự tham gia của tầng lớp Thái giám vào công việc của chùa với sự xuất hiện của những công trình tưởng niệm, lăng mộ của Thái giám với số lượng lớn, phân bố trên hầu khắp các huyện, phủ của xứ Kinh Bắc. Tác giả đã thống kê 100 bia từ năm (1620 - 1779) trong vòng 160 năm, phân bố của các bia theo đơn vị phủ huyện: gồm 4 Phủ và 20 huyện trong đó: Phủ Từ Sơn (Yên Phong, Đông Ngàn, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng); Phủ Thuận An (Gia Lâm, Siêu Loại, Gia Định); Phủ Bắc Hà (Hiệp Hòa, Yên Việt); Phủ Lạng Giang (Huyện Yên Dũng, Phượng Nhãn, Bảo Lộc), trong đó lực lượng Thái giám tham gia vào hầu hết các công việc trong làng xã, xã hội trong đó có 12 bia có ghi các Thái Giám tham gia vào sửa chữa chùa chiền.[146; 88 ].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 311 trang tài liệu này.

- Về những nghiên cứu cụ thể một số ngôi chùa tiêu biểu và những phát hiện

lẻ tẻ.

Nghiên cứu văn bia Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII tỉnh Bắc Ninh - 5


- Nghiên cứu về một số ngôi chùa tiêu biểu

Nghiên cứu về lịch sử của những ngôi chùa nổi tiếng Tk XVII, XVIII tỉnh

Bắc Ninh còn có Nguyễn Quang Hà: Tìm hiểu thêm lịch sử chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) [21; 184 - 204]; Lịch sử chùa Bút Tháp - Thuận Thành, Bắc Ninh (Qua tư liệu Hán Nôm) [22; 57 - 67]. Trong các bài viết trên, tác giả đã kế thừa thành quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, tiếp tục tìm hiểu lịch sử của những ngôi chùa cụ thể qua một trục dài thời gian từ buổi ban đầu hình thành cho đến hết thời kỳ trung đại. Đặc biệt, chùa Dâu từng là một trung tâm Phật giáo của thời kỳ Bắc thuộc và thời Lý - Trần, đến thời Lê - Trịnh cũng được trùng tu, xây dựng lớn; Chùa Bút Tháp đến giai đoạn này được xây dựng cơ bản như đã thấy hiện nay do các bậc Vương công, Quận chúa, Thái phi trong phủ Chúa Trịnh đứng ra hưng công. Tuy tác giả đi sâu vào việc nghiên cứu một số ngôi chùa cụ thể tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh nhưng có ý nghĩa thiết thực và có giá trị trong việc tìm hiểu về lịch sử thiền phái như chùa Dâu tiêu biểu cho thiền phái dòng thiền Nam phương của Tỳ

- Ni - Đa- Lưu - Chi được duy trì cho đến hết thời Lý - Trần tiếp đó đến thời Trần chùa Dâu tiếp thu thiền phái Trúc Lâm Tam tổ và sang đến Tk XVII - XVIII chùa

thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa Bút Tháp được hình thành bởi Chuyết Chuyết thiền sư (Thiền sư Trung Hoa) rồi được kế thừa, tiếp nối bởi các vị thiền sư Đại Việt, trong nhiều thế kỷ, sơn môn Bút Tháp - Ninh Phúc thiền tự tiêu biểu cho dòng thiền của phái Lâm Tế. Đây cũng là một trong những cái nôi của dòng Lâm Tế có sức phát triển và lan tỏa mạnh mẽ nhất.

Đồng thời với các nhà nghiên cứu văn bia trên giác độ khai thác nội dung thông tin văn bản, các nghiên cứu trên phương diện nhân chủng học cũng được các nhà khảo cổ học tiến hành. Đó là các nghiên cứu về tượng táng của các vị sư tổ của một số ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh Tk XVII - XVIII đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong thập kỷ 90 của Tk XX, nhà nghiên cứu khảo cổ - nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã công bố một số tượng táng nhục thân của các vị thiền sư Chuyết Chuyết, thiền sư Như Trí (Chùa Phật Tích) đều có niên đại khoảng Tk XVII, XVII. Đây là một trong những bằng chứng tư liệu quý hiếm không những đã minh chứng cho nguồn sử liệu thư tịch và văn bia mà còn chứng tỏ nghệ thuật, tri thức về công nghệ ướp xác của người xưa đồng thời thể hiện được một tín ngưỡng cổ và quan niệm cổ xưa về thế giới bên kia của các vị Thiền sư với phép tu thiền định, kiết già của dòng phái Thiền tông.

Bên cạnh việc nghiên cứu về hành trạng của các vị thiền sư, một số nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm một số, tác phẩm, di vật Hán Nôm liên quan đến những hoạt động, trước tác của những vị thiền sư tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh Tk XVII - XVIII. Đây là những tư liệu lịch sử rất quý góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo tỉnh Bắc Ninh cũng như lịch sử của từng danh lam, sơn môn nói riêng. Đó là các nghiên cứu của Lưu Đình Tăng: Về thiền sư Tính Mộ, người tổ chức khắc hai bộ ván in sự tích đức Phật chùa Dâu, [128; 68 - 69]. Nguyễn Quang Khải: Phát hiện sách Chuyết Công ngữ lục tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du [45; 394 - 399]; Phạm Tuấn: Chân Phúc thiền sư và mối giao duyên từ Phật Tích đến Bút Tháp,[127]… Những vị thiền sư nổi tiếng này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng những những ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh, với các hoạt động gắn liền với học thuật, in ấn sách vở Phật giáo, hay góp phần hình thành nên một dòng phái mới, đồng thời đây cũng là những bằng chứng về sự hiện diện của họ trong lịch sử để đối chiếu với các nguồn tư liệu

thư tịch cổ và văn bia đương thời. Ngoài ra, nghiên cứu về những pho tượng Hậu Tk XVII, XVIII từ tư liệu văn bia cũng đã được một số tác giả quan tâm, như: Phạm Thùy Vinh: Về một số bia tượng Hậu thế kỷ XVII - XVIII [144; 491 - 501. Ngoài các ngôi chùa ở Hưng Yên, Hà Tây (cũ), tác giả khảo sát tượng Hậu ở làng Đại Bái (huyện Gia Bình) và chùa Tình Quang (thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, Bắc Ninh)...

- Nghiên cứu những trường hợp phát hiện riêng lẻ một số văn bia trên đất Bắc Ninh.

Hàng năm, (từ năm 1994 đến nay), Hội nghị Thông báo Hán Nôm học (nay là Hội nghị Nghiên cứu Hán Nôm học thường niên do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (tổ chức), công bố những kết quả sưu tầm, nghiêm cứu, phát hiện những tư liệu mới về Hán Nôm trong đó có tư liệu về văn bia Phật giáo. Hội nghị Những phát hiện mới về khảo cổ học do Viện Khảo cổ học Việt Nam (tổ chức) cùng một số tạp chí chuyên ngành thường đăng tải các kết quả sưu tầm, phát hiện mới về văn bia Phật giáo hoặc liên quan đến văn bia Phật giáo của tỉnh Bắc Ninh: Phạm Thùy Vinh: Văn bản chữ Hán trên pho tượng Phật Tk XV mới được phát hiện tại Hà Bắc, [141; 54 - 57]; Theo nhà nghiên cứu Phạm Thùy Vinh, pho tượng có niên đại trên được phát hiện tại thôn Cung Kiệm, (xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ngoài ra, việc nghiên cứu về biển khắc gỗ hay những văn bia khắc Lệnh chỉ của Chúa Trịnh (chùa Bút Tháp), đã được một số nhà nghiên cứu cung cấp thêm cứ liệu năm xây dựng lớn của chùa vào Tk XVII … Ngoài những phát hiện về di văn, di vật như tượng pháp, đồ thờ tự trước thế kỷ XV là những phát hiện về văn bia thuộc giai đoạn trước Tk XVII - XVIII hay nói khác là không thuộc giai đoạn này nhưng đó là những phát hiện, nghiên cứu bổ trợ để góp phần nghiên cứu về quá trình lịch sử hình thành những ngôi chùa cổ nổi tiếng. Có thể kể ra một số bài báo khoa học như: Về văn minh xá lỵ chùa Thiền Chúng (Thuận Thành - Bắc Ninh) mới phát hiện của Đinh Khắc Thuân [115; 14 - 22]. Cũng nghiên cứu liên quan về nội dung tấm Phật giáo thời Tùy còn có bài Về tấm bia thời Tùy (601), Huệ Trạch Tự (Thuận Thành - Bắc Ninh) của Nguyễn Quang Hà [24; 62 - 67]. Nghiên cứu văn bia Phật giáo thời Trần ở tỉnh Bắc Ninh còn có bài viết: Thêm tấm bia thời Trần của sử gia Hồ Tông Thốc ở chùa Phổ Thành (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) của Nguyễn Quang

Hà [21; 78 - 83]. Với việc phát hiện tấm bia thời Trần của Hồ Tông Thốc tại chùa Phổ Thành (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) đã góp phần bổ sung thêm tư liệu về tình hình Phật giáo nói chung và việc cung tiến, xây dựng chùa Phổ Thành thời Trần nói riêng. Bên cạnh tấm bia có niên đại thời Trần do sử gia Hồ Tông Thốc soạn được dựng ở chùa Phổ Thành, (xã Lãng Ngâm) còn có một tấm bia có niên đại Khai Hựu (1339) cũng do chính Hồ Tông Thốc soạn, dựng tại chùa Khai Nghiêm (xã Vọng Nguyệt, huyện Quế Võ). Tuy nhiên, tấm bia này đã bị khắc lại năm Cảnh Thịnh 5 (1797), [Kh: 23637 / 23638].

Công bố các phát hiện văn bia thời Lê trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải kể đến các nghiên cứu sau: Lâm Giang: Văn bia Văn chỉ Yên Phụ, Văn Phái, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, 17; 20 - 24]; Nguyễn Quang Khải: Về tấm bia “Phụ ký” trong Văn miếu Bắc Ninh, [44; 76 - 80]; Nguyễn Minh Tuân: Về tấm bia đào hồ thả cá ở thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, 1997, số 3(32), tr 86 - 89; Trần Văn Lạng: Công tác bảo tồn di sản Hán Nôm ở Hà Bắc [64;150 - 157]. Nguyễn Hữu Mùi: Trăn Tân từ tích không phải là bia thời Lý, [58; 229 - 236], (có thể xem thác bản văn bia số: 6366 - 6367 tại xã Phúc Thọ, huyện Thiện Tài, phủ Thuận An, Kinh Bắc - nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tác giả chứng minh, các địa danh trên văn bia Trăn Tân từ tích là đơn vị hành chính thuộc thời Lê Sơ (Tk XV)…vv.

Một số văn bia thời Mạc phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chủ yếu là những văn bia đình, văn bia chùa không nhiều. Tuy nhiên, những văn bia Phật giáo thời Mạc cũng là những tư liệu được chúng tôi quan tâm bởi đây là những tư liệu khẳng định sự tồn tại của những ngôi chùa ở giai đoạn trước thế kỷ XVII - XVIII - Đối tượng mà chúng tôi đang quan tâm nghiên cứu.

Có thể nói, các nguồn tư liệu văn bia và Hán Nôm trên đã đề cập đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Bắc Ninh trong đó những ngôi chùa Tk XVII, XVIII. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vấn đề nghiên cứu chuyên sâu về văn bia Phật giáo Tk XVII - XVIII ở Bắc Ninh chưa được giới nghiên cứu đi sâu khai thác, tìm hiểu.

1.4. Những vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu văn bia Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII ở tỉnh Bắc Ninh.

Trong những nghiên cứu trước đây của một số học giả đi trước, do điều kiện địa giới hành chính có sự tách, nhập thêm vào đó là đối tượng, phạm vi nghiên cứu có sự khác nhau nên có những địa phương của tỉnh Bắc Ninh hiện nay) đã không được đưa vào đối tượng nghiên cứu vì thế, hiện nay, trong bối cảnh của địa giới hành chính đương thời, những vùng “xen phủ”, “vùng giáp ranh” đó chưa được đưa vào khu vực để nghiên cứu. Về điều này, tác giả công trình Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã cũng đã phải công nhận về sự khó khăn này: (...) “Vì thế, dù hết sức cố gắng nhưng chúng tôi cũng chưa dám cho là đã tiếp cận được toàn bộ số xã của Kinh Bắc thời Lê. Chúng tôi cũng loại trừ một số xã của huyện Lương Tài, phủ Thuận An được lên phiếu thư mục theo địa danh thời Nguyễn, nhưng khi trực tiếp kiểm tra trên chính các thác bản văn bia, thì vào thời Lê nó lại thuộc xứ Hải Dương mà không phải thuộc xứ Kinh Bắc. Do vậy, số bia của các xã đó bị loại bỏ trong tập hợp của chúng tôi” [146; 52].

Vì lý do một phần của huyện Lương Tài giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn thuộc xứ Hải Dương nên các nghiên cứu về văn bia của huyện Lương Tài thời Lê xứ Kinh Bắc đã bị tác giả loại ra khỏi phạm vi nghiên cứu. Vì thế, số kết quả lượng khảo sát số lượng văn bia của huyện Lương Tài (hiện nay) với số lượng văn bia có niên đại Cảnh Hưng của huyện Lương Tài, phủ Thuận An chỉ có sô lượng 03 bia [146; 94]. Như thế, luận án về Văn bia Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII của huyện Lương

Tài nói riêng và tỉnh Bắc Ninh hiện nay nói chung, chúng tôi có cơ hội bổ sung rất nhiều tư liệu. Thêm vào đó, trên thực tế, số lượng văn bia Tk XVII - XVIII ở tỉnh Bắc Ninh còn nhiều hơn thế bởi trong quá trình sưu tập văn bia ở một số làng xã đã bị bỏ sót trong suốt quá trình sưu tầm nên đã không có trong bộ sưu tập của VNCHN. Chẳng hạn gần đây, tác giả đã sưu tầm và công bố gần 60 đơn vị thác bản văn bia làng An Phú (xã An Thịnh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh), trong đó có 03 bia niên đại thời Lê (Tk XVII) [25; 39 - 52, 107].

Khi nghiên cứu về văn bia Phật giáo Tk XVII - XVIII ở tỉnh Bắc Ninh, tác giả đã kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước đặc biệt công trình Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã của Phạm

Thị Thùy Vinh. Tuy nhiên, công trình này chỉ đề cập đến những văn bia có niên đại thời Lê mà cụ thể ở đây là dừng lại ở niên đại cuối cùng của vua Lê Chiêu Thống (1788). Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tiếp những văn bia Phật giáo có niên đại Quang Trung (1789 - 1792) và văn bia có niên đại Cảnh Thịnh (1792 - 1800) trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh. Số lượng văn bia giai đoạn Nguyễn Tây Sơn (chỉ tính trong khoảng 1792 - 1800) tuy số lượng không nhiều với số lượng chỉ có hơn chục thác bản bia nhưng nó góp phần phản ánh trọn vẹn diện mạo lịch sử văn bia Phật giáo ở tỉnh Bắc Ninh Tk XVII - XVIII.

Trong luận án này, tác giả cố gắng nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của những ngôi chùa nổi tiếng trên đất Bắc Ninh trong dòng chảy lịch sử của nó đặc biệt là Tk XVII - XVIII với sự công đức của tầng lớp quý tộc hoặc được một số vương công, quý tộc trùng tu, xây dựng ... Chùa Đại Bi (xã Đoan Bái), Chùa Phúc Thánh (xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ); chùa Phổ Thành (xã Ngâm Điền, huyện Gia Bình); Chùa Diên Quang (xã Doãn Xá, nay thuộc huyện Thuận Thành); chùa Tân Phúc (xã Quế Tân, huyện Quế Võ); chùa Đại Khánh (xã Trừng Xá, huyện Lương Tài); chùa Tĩnh Lự (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình); Chùa Ninh Phúc (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) ...

Qua nguồn tư liệu văn bia Tk XVII - XVIII, cũng xuất hiện nhiều ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh với sự đóng góp công sức xây dựng, trụ trì của nhiều vị sư tổ người Việt Nam và một số vị thiền sư người Trung Quốc như: Chuyết Chuyết, Minh Hành, Trịnh Huệ Giác... cũng sẽ được tác giả đi sâu giới thiệu trong luận án này.

Hầu hết các ngôi chùa Tk XVII - XVIII trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có sự hình thành ở các giai đoạn trước đó. Hay nói cách khác, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được hình thành vào các triều đại Lý, Trần nhưng đến thời Lê đã bị xuống cấp nên phải xây dựng lại hoặc phải trùng tu, mở rộng quy mô.


TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Bắc Ninh là một vùng đất cổ có quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Từ thời sơ sử, vùng đất Bắc Ninh đã được chọn làm chỗ “đứng chân” của người Việt cổ trong quá trình chinh phục và cải tạo vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Đây cũng là nơi diễn ra sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa Việt - Ấn; Việt - Hoa, tiêu biểu là

không gian văn hóa Luy Lâu. Từ những thế kỷ đầu công nguyên, Bắc Ninh cũng là nơi hình thành và phát triển trung tâm Phật giáo xứ Giao Châu.

Tuy là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, nhưng với lịch sử phát triển liên tục và lâu đời nên Bắc Ninh hiện nay đã để lại hơn một nghìn di tích lịch sử với nhiều loại hình di tích khác nhau trong đó có hàng trăm ngôi chùa có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Nghiên cứu về lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của Bắc Ninh (hiện nay) hay lịch sử của xứ Kinh Bắc (xưa) đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Trong các lĩnh vực nghiên cứu đó, nghiên cứu về văn bia cũng đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều phát hiện lý thú góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử di tích, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương và những vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… Tuy nhiên, có những nghiên cứu do nội dung đề cập quá rộng, quá phong phú, đa dang, phản ánh nhiều hoạt động văn hóa, sinh hoạt của đời sống làng xã nên một số vấn đề của Phật giáo nói chung và văn bia Phật giáo ở Bắc Ninh Tk XVII - XVIII nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, những phát hiện về văn bia Phật giáo qua các công bố khoa học còn khá rời rạc, chỉ là những phát hiện lẻ tẻ hoặc những nhận định về sự hình thành của một số di tích nào đó mà chưa có được những nghiên cứu chuyên sâu trong một phạm vi rộng và trong một khoảng thời gian tương đối dài trong lịch sử. Cho nên, có thể nói rằng, việc nghiên cứu văn bia Phât giáo Tk XVII - XVIII trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cần phải được nghiên cứu sâu hơn nữa nhằm góp phần giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Trong tương lai, khi có điều kiện và thời gian, tác giả luận án sẽ tiếp tục khảo sát thực địa đặc biệt là sẽ để tâm kiếm tìm nhiều văn bia viết về các vị sư tổ và thiền phái Phật giáo. Thông qua nguồn tư liệu văn bia Phật giáo, tăng thêm sự hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương nói riêng và về lịch sử di tích, lịch sử Phật giáo nói chung. Hy vọng, luận án này sẽ giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách của địa phương trong việc khơi nguồn giá trị lịch sử, quảng bá văn hóa, phát triển du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Xem tất cả 311 trang.

Ngày đăng: 30/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí