Nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của EBAY và những đề xuất cho Việt Nam - 12

Việc bắt tay vào nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2006, đã giúp eBay có những mục tiêu và kế hoạch rất thực tế, như chính lời ông Sam McDonagh khi trả lời phỏng vấn của BBC: “Chúng tôi sẽ theo dõi về lưu lượng và thói quen tìm kiếm thông tin của những người vào trang đó, tức là quan sát xem họ có đi tiếp tới việc mua bán thực sự hay không, để rồi quyết định xem bước tiếp theo cho eBay.vn là gì.”

Nhìn lại thị trường TMĐT tại Việt Nam, rõ ràng, dù tốc độ tăng trưởng của Internet cùng số lượng người dùng tăng thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng các dịch vụ giá trị gia tăng trên đó không có sự phát triển tương xứng. Hầu hết, mọi người đang sử dụng Internet để xem báo, tra thông tin, vào diễn đàn, giao lưu bạn bè...

Từ năm 2005, một số công ty trong nước đã tập trung xây dựng các website TMĐT như: Chodientu, Vnet, GoldMart, Aha, Saleoff... Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc mua bán được ưa chuộng và hiệu quả nhất lại nằm ở các diễn đàn, trang rao vặt. Lợi điểm của các trang này là hình thức tham gia, thanh toán đơn giản, các quy tắc mua bán do người bán và mua tự quy ước và dần dần thành thói quen.

Ngay cả trên Internet, người Việt Nam vẫn thích đi “chợ cóc” hơn “siêu thị”. Các website TMĐT lớn hiện nay đang phải chịu hoàn cảnh tương tự các siêu thị cách đây vài năm, đó là mọi người đến để xem và tham khảo hơn là để mua.

Cũng như vậy, nhưng ở lĩnh vực thanh toán, những người dùng thẻ ngân hàng phổ biến nhất ở Việt Nam như ATM chỉ để rút tiền. Số người có thẻ tín dụng quốc tế ở Việt Nam vào khoảng 330.000 so với 1,46 tỷ chủ thẻ trên toàn thế giới.

eBay vào Việt Nam cũng sẽ tạo thách thức đối với các trang web Thương mại điện tử không đủ tầm. Theo ông Mai Anh, Giám đốc Trung tâm tin học Bộ Khoa học Công nghệ, dự đoán: “Dù thế nào thì eBay vào VN

nghĩa là sẽ có một số trang web làm thương mại điện tử không đủ tầm sẽ 'ra đi' vì không đủ sức cạnh tranh. Nhưng chắc chắn môi trường thương mại điện tử sẽ sôi động hơn”.‌

Nhiều chuyên gia cũng nhận định để tồn tại, các sàn giao dịch “nội” sẽ có xu hướng hoặc cộng tác với eBay hoặc liên kết với nhau hay tìm hướng đi khác, khai thác thế mạnh riêng. “eBay đang có những lợi thế ban đầu nhưng dù là 'ông lớn' thì cũng chưa chắc chiếm được vị trí độc tôn trong nay mai. Người tạo được ra bản sắc riêng sẽ trụ lại và chiến thắng”, ông Mai Anh nói.

III. Những đề xuất nhằm phát triển mô hình đấu giá trực tuyến ở Việt Nam

1. Những đề xuất với chính phủ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.


Ở nước ta hiện nay đã có áp dụng Thương mại điện tử nhưng mới chỉ dừng lại ở một số công đoạn như trao đổi thông tin về hàng hóa, dịch vụ mua bán lẻ… mà chưa thực hiện được đầy đủ các quy trình thương mại trong Thương mại điện tử. Một loạt vấn đề về hạ tầng cơ sở liên quan đến Thương mại điện tử như pháp lý, công nghệ trong đó có công nghệ bảo mật, an ninh an toàn, tiêu chuẩn hóa công nghiệp và thương mại, thanh toán điện tử, bảo vệ người tiêu dùng… vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoặc còn chưa đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm và đầu tư lớn của Nhà nước và các ngành, các cấp cùng sự hợp tác của cả khu vực tư nhân mới có thể nhanh chóng giải quyết được. Việc chấp nhận tham gia Thương mại điện tử khi môi trường hỗ trợ cho Thương mại điện tử mới còn đang trong giai đoạn hình thành quả là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Thêm vào đó, chính nội lực các nhân tố trong nền kinh tế còn chưa đáp ứng được đầy đủ các đòi hỏi của Thương mại điện tử. Do vậy, nhà nước cần có những biện pháp để giải quyết, tháo gỡ những thách thức

Nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của EBAY và những đề xuất cho Việt Nam - 12

đang đe dọa nền Thương mại điện tử trong nước, đồng thời đưa Thương mại điện tử phát triển theo kịp tốc độ của thế giới.

Mô hình đấu giá trực tuyến nói riêng mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên. Đã có những trang web hoạt động theo mô hình C2C, kết nối giữa người bán và người mua. Song các giao dịch mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày hàng hóa, trao đổi thông tin, hỏi giá, trả giá… chứ chưa có khâu thanh toán trực tuyến. Điều đó khiến mô hình đấu giá trực tuyến ở Việt Nam mới đang ở tình trạng nửa vời và thiếu chuyên nghiệp, chưa thể bắt kịp với thế giới.

Dưới đây, xin đề xuất một số giải pháp đối với chính phủ nhằm phát triển Thương mại điện tử nói chung, và mô hình đấu giá trực tuyến nói riêng ở Việt Nam:

1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý về Thương mại điện tử

Môi trường pháp lý luôn là một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến sự phát triển của toàn bộ kinh tế nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng. Phải thừa nhận rằng hạ tầng pháp luật Việt Nam về Thương mại điện tử vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thương mại điện tử nói chung, và các mô hình kinh doanh điện tử, trong đó có đấu giá trực tuyến, nói riêng. Để Thương mại điện tử nói chung, đấu giá trực tuyến nói riêng có thể phát triển, trước hết cần có một văn bản luật riêng biệt quy định và điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng điện tử nhằm tạo niềm tin và sự an tâm cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia tích cực vào các giao dịch trực tuyến.

Đưa ra các văn bản riêng quy định và điều chỉnh các vấn đề “bảo vệ sở hữu trí tuệ,” “an ninh an toàn bảo mật,” “bảo vệ người tiêu dùng” trong lĩnh vực giao dịch điện tử nhằm tạo động lực cho người dân tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Mặt khác, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mô hình đấu giá trực tuyến, cần thiết phải ban hành một số văn bản pháp quy để quy chuẩn hoạt động của các sàn giao dịch thương mại trực tuyến. Những văn bản này không những tạo ra sự minh bạch và thống nhất cho các giao dịch điện tử mà còn tạo động lực cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch điện tử này, khi họ có niềm tin vào sự an toàn đã được pháp luật bảo đảm. Những văn bản này, không những thế, còn đóng vai trò kim chỉ nam hướng dẫn các giao dịch điện tử tiến hành đúng quy định, và đem lại lợi ích cho các chủ thể tham gia.

1.2. Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông là vấn đề vô cùng quan trọng để đưa Internet thành công cụ gần gũi và phổ biến đến mọi hộ gia đình, và nâng cao tỷ lệ người sử dụng Internet.

Dễ nhận thấy rằng, với những site hoạt động theo mô hình C2C như eBay, có vẻ như Internet lại chính là kẻ trung gian, một cầu nối đáng giá để kết nối hàng triệu hàng triệu người mua và người bán với nhau. Thành công của những site như eBay phụ thuộc vào “hiệu ứng quả cầu tuyết”: càng có nhiều người sử dụng dịch vụ của họ, họ càng phải cung cấp nhiều mặt hàng hơn, và vì thế lại càng hấp dẫn những người sử dụng khác hơn.

Để thực sự “cất cánh”, những site này đòi hỏi một số lượng khách hàng “trung thành” rất lớn. Đó là lý do vì sao eBay mặc dù đã xuất hiện từ cách đây một thập kỷ, song gần đây mới thực sự trở thành hiện tượng, khi hàng trăm triệu người bắt đầu coi net là công cụ không thể thiếu mỗi ngày. “Tỷ lệ sử dụng Internet chính là chìa khoá dẫn đến thành công của những site như eBay”, Johan Brenner, nhà nghiên cứu của hãng đầu tư Benchmark Europe, nơi rót tiền cho một số site P2P lớn như Zopa, cho biết. Chính vì vậy, nâng cao tỷ lệ người sử dụng Internet là một trong những nhân tố đảm bảo sự phát triển và thành công của mô hình đấu giá trực tuyến của Việt Nam.

Đưa tin học vào đào tạo từ sớm ở các trường phổ thông để đảm bảo khả năng tiếp cận sớm với Internet của thế hệ trẻ, những người sẽ trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà, trở thành lực lượng chủ đạo quyết định sự phát triển của Thương mại điện tử nói chung, và mô hình đấu giá trực tuyến nói riêng.

Nghiên cứu, phát triển nhằm viết ra những phần mềm thuần Việt, hoặc Việt hóa các phần mềm thông dụng và cần thiết, để đảm bảo tính thân thiện và phổ biến đối với người sử dụng Việt Nam, tạo động lực tích cực cho sự phát triển nhận thức của họ đối với công nghệ Internet hiện đại. Điều này cũng có nghĩa là số lượng những người sử dụng các tiện ích của các phần mềm và Internet sẽ gia tăng, và rào cản ngôn ngữ sẽ được thu hẹp lại.

Đối với dịch vụ viễn thông, cần thiết có sự điều tiết của nhà nước để tránh tình trạng độc quyền, đẩy giá dịch vụ viễn thông lên cao, gây khó khăn cho việc tiếp cận của đại bộ phận dân chúng.

1.3. Nâng cao trình độ của các cán bộ công nghệ thông tin và người dân

Giải pháp đề ra là phổ biến và phổ cập Internet và các tiện ích của Thương mại điện tử đến cả những đối tượng dân chúng có điều kiện khó khăn nhất. Cách tiếp cận có thể là xây dựng các trung tâm văn hóa của Làng, Xã, Bản…, ở đó được trang bị máy tính cũng như lắp đặt mạng Internet, tổ chức các khóa học kỹ năng cơ bản để người dân làm quen với các tiện ích của máy tính và Internet.

Đối với những người đang sử dụng thường xuyên máy tính và mạng Internet, cần hướng họ nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về các tiện ích của Thương mại điện tử, để họ khai thác và sử dụng hiệu quả nhất những tiện ích và công cụ đang có.

Nâng cao nhận thức của người dân đối với đấu giá trực tuyến và các lợi ích của mô hình kinh doanh này, nhằm mục đích định hướng một cách tích cực cho thói quen tiêu dùng mới của họ.Yếu tố bản địa với văn hóa mua bán,

tâm lý, thói quen người tiêu dùng, khai thác dịch vụ giá trị gia tăng, lợi thế địa lý... là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng cạnh tranh của mô hình đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.

Đối với việc phát triển một đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin có trình độ cao, cần thiết phải xây dựng và nâng cấp các trung tâm đào đạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, phối hợp với đào tạo ngoại ngữ và đào tạo các kiến thức về kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh điện tử, để họ trở thành những hạt nhân phát triển các mô hình kinh doanh điện tử nói chung, mô hình đấu giá trực tuyến nói riêng. Hợp tác đào tạo với nước ngoài nhằm tận dụng được những tiến bộ công nghệ tiên tiến trên thế giới, và học tập các tinh hoa về quản lý và kinh doanh điện tử của các nước phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và Thương mại điện tử để đưa ra các giải pháp kịp thời và thích ứng với môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhằm phát triển các ngành kinh doanh điện tử nói chung, mô hình đấu giá trực tuyến nói riêng.

1.4. Hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh đấu giá trực tuyến, xây dựng chuẩn thanh toán cho các giao dịch trực tuyến

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh đấu giá trực tuyến, chính phủ cần tích cực hỗ trợ để họ có thể phát triển và cạnh tranh lành mạnh với các đối tác nước ngoài. Giúp đỡ, hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể lựa chọn một hướng đi đúng đắn, phù hợp với mình và với thị trường. Một số biện pháp đề xuất là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh sinh lời tiến hành trực tuyến, miễn giảm phí đăng nhập vào các cổng Thương mại điện tử của chính phủ như ecvn.gov.vn, nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình một cách rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ tính minh bạch và độ tin cậy của những doanh nghiệp loại này, nhằm tránh tuyệt đối tình trạng kinh doanh ảo hay lừa đảo, gây mất lòng

tin đối với người dân và làm ảnh hưởng tới diện mạo thương mại điện tử nước nhà nói chung.

Một thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh C2C, cụ thể là đấu giá trực tuyến, chính là khâu thanh toán trực tuyến. Cho đến nay, thanh toán điện tử vẫn chưa thực hiện được do chưa thiết lập được cổng thanh toán trực tuyến (payment gateway) kết nối các ngân hàng với nhau và với các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Không chỉ có các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm tới việc xây dựng cổng thanh toán trực tuyến và cho biết khả năng kỹ thuật hiện nay đã cho phép làm được, tuy nhiên vẫn cần phải có sự cho phép của Ngân Hàng Nhà Nước trong khi Ngân Hàng Nhà Nước chỉ xem xét việc này sau khi nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành. Việc xây dựng một mô hình thanh toán trực tuyến hiệu quả làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch trực tuyến là điều kiện cần để phát triển mô hình đấu giá trực tuyến theo đúng ý nghĩa của nó. Mô hình thanh toán trực tuyến với vai trò chuẩn thanh toán chung áp dụng cho tất cả các giao dịch điện tử cũng trở thành một ngòi nổ cho sự phát triển của tất cả các mô hình kinh doanh điện tử nói chung. Vì vậy, việc xây dựng cổng thanh toán điện tử nên được đặt làm ưu tiên hàng đầu trong các chính sách nhằm phát triển mô hình đấu giá trực tuyến của nhà nước. Một khi chưa có thanh toán trực tuyến, một khi chưa xây dựng được cổng thanh toán điện tử thống nhất và hiệu quả, thì hoạt động đấu giá trực tuyến của Việt Nam sẽ vẫn ở tình trạng nửa vời. Song song với việc xây dựng cổng thanh toán điện tử, cần không ngừng phát triển và nâng cấp dịch vụ phân phối, chuyển phát, nhằm thúc đẩy tích cực diện mạo mô hình C2C ở Việt Nam.

2. Đề xuất về xây dựng một website chính thức cho đấu giá trực tuyến ở Việt Nam

Học tập từ những kinh nghiệm của người khổng lồ eBay, thiết nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một website chính thức về đấu giá trực tuyến thành công, góp phần thay đổi diện mạo Thương mại điện tử nước nhà.

Cần nhấn mạnh rằng yếu tố tạo nên thành công vang dội cho eBay chính là một cơ sở khách hàng đông đảo và vững chắc, được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và niềm tin đối với chính eBay. Việt Nam, muốn xây dựng một website chính thức về đấu giá trực tuyến, cần thiết phải tạo ra “lực hấp dẫn” đối với các đối tượng khách hàng – chính là những người mua và người bán tiềm năng.

Vậy “lực hấp dẫn” đó nằm ở đâu?

Trước hết là lực hấp dẫn đối với người mua. Người mua phải thấy được rằng đấu giá trực tuyến đem lại cho họ những lợi ích mà tất cả các phương thức mua bán truyền thống khác không thể đáp ứng. Lợi ích đó có thể nằm ở mức giá thấp, thấp hơn đáng kể so với việc mua hàng trực tiếp, đối với những mặt hàng đồng loạt. Lợi ích đó có thể là một món hàng độc nhất vô nhị mà họ không bao giờ tìm thấy được ở bất cứ nơi nào khác ngoài trang web đấu giá trực tuyến mà họ đang truy cập. Lợi ích đó có thể là thời gian mua bán và nhận hàng được tiết kiệm tối đa nhờ việc giao dịch và thanh toán được tiến hành hoàn toàn trên mạng, và hàng hóa được giao đến tận nhà họ không lâu sau đó. Lợi ích đó có thể là một mối quan hệ mua hàng tốt đẹp được tạo lập, khiến cho việc mua bán tiếp sau tiến hành nhanh gọn, thuận tiện, dễ dàng hơn và đem lại nhiều ưu đãi hơn. Lợi ích đó còn có thể là tâm trạng yên tâm và tin tưởng vào chất lượng hàng hóa và uy tín của người bán. Lợi ích đó cũng có thể là niềm hân hoan khi đấu giá thành công một món hàng yêu thích với một mức giá mong đợi.

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 09/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí