Đánh Giá Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Tỉnh Bình Thuận Trên Quan Điểm Phát Triển Du Lịch Bền Vững


Các hệ sinh thái bãi triều hầu như chưa được lưu tâm để trở thành nguồn thu hút du lịch. Các vùng đất trũng thấp, ăn thông với biển, bị ngập nước biển khi triều lên và cạn khi triều xuống với nền cát trắng thuần khiết, có thể hình thành các điểm nông nghiệp sinh thái vùng lạch triều, có sự lưu thông hàng ngày của nước biển làm điểm du lịch canh nông đặc biệt.

Vùng biển Bình Thuận giàu nguồn lợi về các hải sản với trên 500 loài cá, 146 loài san hô, trên 100 loài động vật phù du… là điều kiện thuận lợi thu hút các hoạt động du lịch tham quan, nghiên cứu, lặn biển, câu cá đồng thời là nguồn thực phẩm phong phú đáp ứng nhu cầu ẩm thực của khách du lịch.

(5) Tài nguyên đất


Tài nguyên đất ven biển trước đây ít có giá trị kinh tế, để phục vụ phát triển du lịch. Nay những vùng đất hoang, cây bụi, động cát, các rừng trồng phi lao, keo, dừa… ven biển đã được quy hoạch chuyển sang mục đích chuyên dụng, hệ số sử dụng đất được nâng lên, góp phần quan trọng vào quá trình làm giàu tài nguyên đất. Tuy nhiên, quá trình khai thác tài nguyên đất vào phát triển du lịch trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết đó là vấn đề liên quan giữa chất lượng đất và cân bằng nước, vấn đề quản lý quỹ đất, giá đất, giải quyết các tranh chấp về đất… cũng như các vấn đề về quản lý kiến trúc, mật độ xây dựng, chi phí đầu tư trên từng vùng, từng khu vực cụ thể.

2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

(1). Các di tích lịch sử văn hoá


Hiện nay Bình Thuận có 18 di tích văn hoá lịch sử được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 8 di tích kiến trúc nghệ thuật, 7 di tích văn hoá, 2 thắng cảnh và 1 di tích khảo cổ. Bên cạnh đó, Bình Thuận có 15 di tích văn hoá lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đang được khảo cứu, thiết lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận. Số lượng các di tích văn hoá lịch sử của tỉnh chưa nhiều, nhưng khá đa dạng:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.

- Vạn Thuỷ Tú là đền thờ cá voi lớn nhất cả nước, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Vạn được ngư dân trong vùng thiết lập năm Nhâm


Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận - 9

Ngọ 1762 để thờ Ông (cá Voi), là nơi lưu giữ xương cá voi nhiều nhất Việt Nam, hơn 100 bộ, có bộ gần 200 tuổi và nhiều loại cá khác cùng họ, bộ xương lớn nhất được thờ phụng trang nghiêm. Trong vạn Thuỷ Tú có chứa nhiều di sản văn hoá Hán Nôm liên quan tới nghề biển. Vạn Thuỷ Tú là một trong những di tích cổ có số lượng lớn về sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng. Các sắc phong này dùng để thờ cá Ông và các vị thần biển.

- Cổ Thạch Tự (ở huyện Tuy Phong), được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến đời Thiệu Trị chùa được xây dựng lớn cả về không gian lẫn nghệ thuật và còn giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều báu vật, nhất là 4 tượng Phật bằng đồng có niên đại từ thời Cảnh Hưng (1740-1780) đến đầu thời Nguyễn. Cổ Thạch Tự còn có tên gọi là chùa Hang vì chùa nằm trên núi Cổ Thạch, núi có nhiều hang động luồn sâu vào bên trong, nhiều cây rừng chen lẫn vào hốc ngách. Trên núi có nhiều tảng đá lớn nhỏ, hình thù kỳ dị, có tảng nguyên khối như ngôi nhà, có tảng như bàn đá, nhiều tảng chồng lên nhau. Chân núi là bãi cát rộng, cách đó không xa là bãi đá Cổ Thạch, bãi đá nhiều hình hài màu sắc nhất cả nước.

- Chùa Núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam) có tượng Phật lớn nhất nước, tượng nằm nghiêng dài 49m, cao 10m. Chùa Núi Tà Cú cùng những cánh rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước xếp hạng Thắng cảnh quốc gia năm 1993. Chùa nằm ở độ cao 475m giữa lưng chừng núi, do sư tổ Hữu Đức và các đệ tử xây dựng vào khoảng năm 1878 - 1880. Vào các ngày Tết đầu năm âm lịch và ngày rằm, mồng một hàng tháng có hàng vạn lượt người đến tham quan. Từ tháng 9/2003 khu du lịch Tà Cú đã đưa vào vận hành hệ thống cáp treo hiện đại, bước đầu hình thành một khu du lịch tập trung có quy mô lớn (dự kiến xây dựng khu du lịch rộng 100ha).

- Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội), toạ lạc trên đất của làng Thành Đức, đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết do hai cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người


con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Năm 1910, trên đường đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh. Khoảng tháng 2 năm 1911, thầy Thành rời trường vào Sài Gòn, vượt đại dương tìm đường giải phóng dân tộc. Trường còn giữ nhiều kỷ vật quý giá, thiêng liêng gắn với thời gian và lịch sử trong những ngày dạy học của Thầy giáo Thành tại Phan Thiết. Di tích Dục Thanh được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986. Bên cạnh khu di tích Dục Thanh là Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Nơi đây hàng năm rất nhiều du khách đến thăm viếng.

(2). Các lễ hội


- Lễ hội dân gian có tính chất vùng:


+ Lễ hội Katê: Bà Chăm (Bà La Môn) tháng 9 – 10 dương lịch.


+ Lễ hội K’Ho (lễ đâm trâu, lễ cúng thần lúa).


+ Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa vào hạ tuần tháng 7 âm lịch.


+ Lễ Nghinh Ông Nam Hải.


+ Lễ cúng giỗ tổ chùa Cổ Thạch Tự 25/5 âm lịch.


+ Lễ cúng Tổ Sư Trần Hữu Đức (chùa Núi) 5/10 âm lịch.


+ Lễ Dinh Thầy Thím rằm tháng 9 âm lịch.


- Lễ của các ngành nghề: giỗ tổ nghề may, nghề mộc, nghề cá…


- Lễ hội tôn giáo: Phật Đản, Vu Lan, Tam Nguyên, Giáng Sinh, Phục Sinh…


Nhìn chung hoạt động lễ hội ở Bình Thuận khá phong phú với nhiều loại hình khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, lễ cúng giỗ tổ chùa Núi, chùa Cổ ThạchTự và Dinh Thầy Thím. Hoạt động lễ hội diễn ra khá rầm rộ trong những năm gần đây.

(3). Các đối tượng dân tộc học


Các đối tượng dân tộc học có ý nghĩa với du lịch là các tập tục lạ về cư trú, về tổ chức xã hội, về thói quen ăn uống sinh hoạt, về kiến trúc, các nét truyền thống trong quy hoạch cư trú và xây dựng, trang phục dân tộc…

Bình Thuận là tỉnh có nhiều dân tộc (37 trong tổng số 54 dân tộc của cả nước) từ lâu cùng chung sống hoà thuận, yên bình như ý nghĩa tên tỉnh với thiên nhiên khởi sắc và gợi cảm. Dân tộc kinh chiếm 93%, dân tộc Chăm 4%, còn lại là các dân tộc K’Ho, Rắc Lây, Nùng, Hoa…

So với các địa phương khác trong cả nước, người Chăm ở Bình Thuận có số lượng khá đông, tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc. Đa số người Chăm sinh sống theo cụm dân cư ở một số xã nhất định với nghề chính là sản xuất nông nghiệp và giỏi về dệt thổ cẩm, đồ gốm. Người Chăm đóng vai trò đáng kể trong xã hội, gây chú ý và hấp dẫn nhiều du khách trong các tours đến thành phố Phan Thiết bởi những điệu múa, lời ca, trang phục, nghề thủ công truyền thống. Nhà lưu giữ Bảo vật Chăm (Bắc Bình), nơi ở của bà Nguyễn Thị Thềm, vị truyền tôn của dòng dõi vua Chăm còn lưu giữ nhiều báu vật của Vương Triều Chăm, di sản của nền văn hoá Chămpa cổ như Vương Miện, cung kiếm, áo giáp… là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến Bình Thuận.

2.2.3. Đánh giá khai thác tài nguyên du lịch tỉnh Bình Thuận trên quan điểm phát triển du lịch bền vững

(1). Những yếu tố góp phần đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững


Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng du lịch khá đa dạng, phong phú cho phép phát triển nhiều loại hình du lịch. Rừng, biển, sông, núi, đồi cát, hồ, thác… tạo nên những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo cùng các cảnh quan văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và tập tục của nhiều thành phần dân tộc chung sống trên địa bàn tỉnh đã bổ sung cho nhau tạo thành hương sắc đặc thù của Bình Thuận. Đặc biệt, tài nguyên du lịch biển có lợi thế hết sức quan trọng trong việc tạo nên các tiền đề phát triển nhiều loại hình du lịch, đẩy nhanh nhịp độ phát triển du lịch của Bình Thuận hiện tại và tương lai.


Phần lớn tài nguyên du lịch đã được đưa vào khai thác, hoạt động khai thác du lịch

đã chú trọng điều hoà giữa khâu khai thác, cải tạo, phục hồi và tái tạo tài nguyên.


Những hạng mục đầu tư lớn đều có các giải pháp phát triển bền vững tài nguyên trong quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết của các cụm, khu du lịch.

Các cấp quản lý của địa phương đều nhất trí tiến hành các biện pháp khai thác tài nguyên bền vững trong quy hoạch phát triển du lịch. Đây là môi trường thuận lợi cho công tác bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, và hướng các chủ đầu tư thực hiện đúng các tiêu chí khai thác bền vững tài nguyên.

(2). Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững


Tài nguyên du lịch chủ yếu được khai thác ở dạng tự nhiên, chưa khai thác tốt cảnh quan môi trường và giá trị văn hoá tinh thần để hấp dẫn và lưu giữ khách, có nhiều biểu hiện của sự phát triển du lịch thiếu bền vững.

Vấn đề khai thác nguồn nước các tầng cát ven biển hầu như chưa có sự quản lý của nhà nước. Nguy cơ phá vỡ cân bằng nước, tạo nên nguy cơ tụt mực nước ngầm và nhiễm mặn nguồn nước nếu không có sự quản lý và khảo sát chi tiết nguồn tài nguyên này một cách kịp thời. Việc khai thác sử dụng quá mức và không kiểm soát được lượng chất thải từ hoạt động du lịch sẽ góp phần dẫn đến sự suy thoái môi trường mà hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.

Ven biển Bình Thuận là một vùng thiên nhiên bán khô hạn điển hình ở Việt Nam. Đất đai, thực vật ở đây là hệ quả của tính khắc nghiệt vốn có của điều kiện khí hậu trong thời gian dài. Hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình tỉnh Bình Thuận có diện tích đất cát hoang hoá khoảng 35.000 ha và phân bố trên chiều dài 50 km bờ biển. Riêng các đồi cát di động ở đây có diện tích khoảng 5.000 ha. Khí hậu khô hạn và gió mạnh, “bão cát” thường xảy ra, nghiêm trọng nhất là khu vực cát di động ở xã Chí Công, Liên Hương, Bình Thạnh (Tuy Phong) và xã Hoà Thắng (Bắc Bình) đe doạ huỷ diệt những tiềm năng to lớn của nền sản xuất khu vực. Các cồn cát di động ở ven biển luôn chứa đựng nhiều “tiềm năng” dẫn đến hiểm hoạ sa mạc hoá. Thêm


vào đó, hậu quả của việc chặt phá rừng, khai thác đất đai không hợp lý, sự thoái hoá đất cùng với các hiện tượng muối mặn, muối phèn, muối kiềm bốc lên mặt, các quá trình cát bay, cát chảy, các quá trình xói mòn, rửa trôi do nước, do gió diễn tiến mạnh đã làm xuất hiện những dấu hiệu gần giống như những dấu hiệu của hoang mạc (đất xói mòn trơ sỏi đá, đất hốc đá lộ đầu…).

Tình trạng xả trực tiếp dầu, mỡ, rác, nước thải chưa xử lý ra môi trường biển và bãi biển trong các khu vực đã được quy hoạch phát triển du lịch từ các phương tiện đánh bắt, các cơ sở chế biến hải sản, chăn nuôi, việc phơi cá, sò khô dọc bãi biển bốc mùi tanh hôi và thu hút ruồi nhặng ô nhiễm môi trường còn diễn ra khá phổ biến.

Các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo như Đền, Chùa, Tháp, Đình… cùng những căn cứ cách mạng gắn liền với chiến khu như: Chiến khu Lê Hồng Phong, Khu Tam giác sắt… là những nơi có khả năng thu hút được các đoàn du khách ghé lại thăm viếng, ảnh hưởng lớn đến các tuyến du lịch kết hợp với hành hương của các tầng lớp du khách từ xa đến, nhưng việc khai thác các di tích lịch sử văn hoá của tỉnh phục vụ du lịch trong thời gian qua nhìn chung còn hạn chế, phần nhiều các di tích chưa có sự đầu tư tôn tạo và quản lý, đã xuất hiện tình trạng xuống cấp ở một số điểm tham quan hoặc chưa khai thác hết giá trị của các tài nguyên du lịch. Việc bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Biện pháp quản lý cụ thể, sự phối hợp quản lý giữa các ngành, các cấp, các địa phương chưa cao, do vậy, việc khai thác kinh doanh còn tuỳ tiện, gây tác hại xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Hoạt động lễ hội diễn ra khá rầm rộ trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu có tính tự phát và được tiến hành theo cổ lệ một cách phục cổ. Nội dung lễ hội hầu hết chưa đề ra được kịch bản cụ thể trên quan điểm phát huy cái tinh hoa, hạn chế cái lạc hậu và có thể đưa các nội dung mới vào đó.


2.3. Dự báo diễn biến tài nguyên và môi trường gắn với các hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận

Căn cứ vào hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận và hiện trạng tài nguyên, môi trường gắn với các hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận, dự báo diễn biến tài nguyên và môi trường vắn với hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận như sau:

2.3.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Hoạt động phát triển du lịch có tác động lớn đến các nguồn tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận. Diễn biến tài nguyên và môi trường gắn với các hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận được dự báo như sau:

(1). Tài nguyên địa hình


- Địa hình đồi cát và cồn cát ven biển: là một trong những tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh Bình Thuận, thu hút nhiều du khách tham quan. Việc thay đổi hình dáng các cồn cát do hiện tượng cát bay hoặc do con người nhằm phục vụ các hoạt động du lịch sẽ làm mất dần hình dáng nguyên thủy các cồn cát làm mất dần tính tự nhiên của nguồn tài nguyên này.

- Các bãi biển: Bình Thuận là tỉnh có nhiều bãi biển đẹp, đặc sắc. Sự phát triển của du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng các khu du lịch, vui chơi, giải trí… dọc các bãi biển sẽ làm mất cảnh quan tự nhiên bãi biển. Việc gia tăng số lượng khách du lịch tham quan các bãi biển sẽ làm gia tăng lượng chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan các bãi biển.

- Các đảo và quần đảo ven bờ: Phát triển các hoạt động du lịch trên các đảo và quần đảo ven bờ sẽ làm suy giảm các nguồn tài nguyên trong khu vực này. Đó là sự biến mất của một số loài động, thực vật nguyên thủy kém thích nghi, thay đổi hình dáng ban đầu của các bãi biển… Ngoài ra, cuộc sống của người dân trên đảo cũng có sự thay đổi rõ rệt, một số người dân sẽ chuyển từ cuộc sống ngư nghiệp sang hoạt động trong ngành du lịch, cuộc sống được cải thiện, nâng cao.

(2). Tài nguyên nước


Bình Thuận nằm trong khu vực có vùng khô hạn nhất cả nước, các nguồn nước toàn tỉnh nói chung và nhất là khu vực ven biển là rất hạn chế. Cùng với việc tăng số lượng khách, nhu cầu nước cho hoạt động du lịch tăng, áp lực về chất thải sinh hoạt tăng, tập trung chủ yếu, tăng nguy cơ suy thoái và ô nhiễm môi trường đất và nước.

Hoạt động du lịch đòi hỏi rất lớn về lượng nước sạch phục vụ nhu cầu của khách. Nhu cầu nước sinh hoạt cho một người dân trung bình là 50 lít/ngày, đối với khách du lịch nhu cầu này cao gấp 4 lần. Mỗi sân golf trung bình tiêu thụ 1 lượng nước ngầm để tưới cỏ là 3000m3/ngày.

Trong khi nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt rất hạn chế thì nguồn nước thải từ các khu du lịch lại rất lớn.

Việc không kiểm soát được vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước cũng như vấn đề nước thải từ hoạt động du lịch sẽ góp phần dẫn đến nguy cơ mất cân bằng nước trong khu vực, hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.

(3). Tài nguyên sinh vật


Du lịch góp phần khẳng định giá trị và góp phần vào việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật tự nhiên. Việc bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu của ngành du lịch vì nguồn tài nguyên sinh vật sẽ mang lại giá trị lớn cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động lên đất (xói mòn, trượt lở), làm biến động các nơi cư trú, đe doạ các loài động thực vật hoang dại (tiếng ồn, săn bắt, cung ứng thịt thú rừng, thú nhồi bông, côn trùng...). Xây dựng đường giao thông và khu cắm trại… gây cản trở động vật hoang dại di chuyển tìm mồi, kết đôi hoặc sinh sản, phá hoại rạn san hô do hoạt động qua lại và neo đậu tàu thuyền... Do vậy trong những năm tới, nếu trong quy hoạch phát triển du lịch mà không chú trọng đến các biện pháp bảo tồn sinh vật thì nguồn tài nguyên sinh vật sẽ bị suy thoái, nhiều loài sẽ biến mất, gây tổn thất về nguồn tài nguyên này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2023