- Phát triển: Khai thác các tiềm năng làm tăng khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống. Tăng trưởng là kết quả của sự phát triển, nhưng không đồng nghĩa với sự khai thác triệt để và phá huỷ môi trường.
1.4. Sơ lược về phát triển du lịch bền vững trên thế giới và tại Việt Nam
1.4.1. Du lịch bền vững trên thế giới
(1). Kinh nghiệm quốc tế đối với phát triển du lịch bền vững
Triển khai “Chương trình Nghị sự 21 về Du lịch: Hướng tới phát triển bền vững về môi trường”, cùng với việc công bố rộng rãi tới các Chính phủ, ngành du lịch toàn cầu, các tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí, Hội đồng Lữ hành Du lịch Thế giới, Tổ chức Du lịch Thế giới và Hội đồng Trái đất đã tiến hành hàng loạt các buổi hội thảo khu vực nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn để chương trình có thể áp dụng triển khai rộng rãi trên khắp thế giới.
Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã xây dựng và ban hành những chính sách, chiến lược về phát triển du lịch bền vững để đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai lâu dài của ngành du lịch. Những cam kết của các Chính phủ các nước về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững đã khẳng định mối quan tâm cao của các nước đến vấn đề môi trường, tài nguyên và sự sống còn của ngành du lịch. Một số ví dụ điển hình trên thế giới về phát triển du lịch bền vững như sau:
- Tại Ecuador, dự án Du lịch Sinh thái bản địa ở Ryo Blanco đã có biện pháp để giảm bớt mật độ xây dựng nhà trọ tại khu vực trung tâm nhằm hạn chế tác động tiêu cực xảy ra giữa khách du lịch và người dân địa phương. Các điểm đón khách ở đây xây dựng cách trung tâm cộng đồng khoảng 1 km.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận - 1
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận - 2
- Khái Niệm Về Phát Triển Bền Vững Du Lịch
- Đánh Giá Hiện Trạng Phát Triển Du Lịch Tỉnh Bình Thuận Trên Quan Điểm Phát Triển Bền Vững
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận - 6
- Hiện Trạng Tài Nguyên Và Môi Trường Gắn Với Các Hoạt Động Du Lịch Tỉnh Bình Thuận
Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.
- Tại Sénégal, dự án Du lịch Nông thôn tổng hợp Hạ Casamance lại chú ý đến vấn
đề hạn chế công suất phục vụ của nhà trọ: “khống chế công suất được đón tối đa 20
- 40 khách/lần và chỉ được xây dựng ở các làng có dân số bằng hoặc lớn hơn 1000 người” chứ không cho phép tăng công suất các nhà trọ cũ.
- Các nhà trọ và các khu du lịch ở Nepal được Nhà nước thực hiện chính sách “cho vay ưu đãi để xây dựng các nhà vệ sinh sạch sẽ”. Các điểm thu rác được bố trí hợp lý và có chỉ dẫn cụ thể. Các chủ nhà nghỉ đã được dự án hỗ trợ về tài chính như cấp vốn vay với lãi suất thấp và kỹ thuật để quản lý và xử lý các chất rắn này một cách thích hợp.
- Chính phủ và các cơ quan hữu quan Thái Lan phát động phong trào phát triển du lịch sinh thái, gắn du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan và các giá trị truyền thống của đất nước. Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi các khu làng mạc ở vùng nông thôn hãy giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của mình, bảo vệ cây cối và giảm tiếng ồn. Các ngôi nhà cổ cùng lối kiến trúc truyền thống được yêu cầu bảo vệ, ở các khu nghỉ mát và các địa điểm du lịch ngày càng có nhiều các khu nhà tranh, nhà gỗ được dựng lên thay vì các nhà cao tầng, khách sạn kiểu Tây Âu đắt tiền. Các bãi biển được làm vệ sinh sạch sẽ, khu nghỉ có thiết kế xây dựng bảo đảm trung thực nhất với truyền thống văn hoá Thái Lan. Ông Ho Kwan Ping, chủ tịch khu du lịch lớn ở Phuket nói: “Sự hấp dẫn của Thái Lan là đặc trưng văn hoá độc đáo của đất nước, chứ không phải là sự lai căng các nét văn hoá Tây Âu. Chính vì vậy, phải làm cho các khu du lịch Thái Lan mang nhiều dáng dấp của nền văn hoá Thái Lan hơn, từ khách sạn cho tới các món ăn. Khách du lịch tới một nước vì họ muốn có được những kinh nghiệm thực tế mang đậm màu sắc của nước đó, chứ không phải là đến để thấy lại những gì đã có ở nước họ”. Phong trào giữ gìn bản sắc văn hoá Thái được thực hiện từ cấp vĩ mô tới vi mô, từ cấp ngành du lịch cho đến từng khu du lịch, từng cá nhân tham gia trong hoạt động du lịch. Không chỉ như thế mà trong chiến dịch tiếp thị Amazing Thái Lan năm 1999, TAT (cơ quan Du lịch Quốc gia Thái Lan) còn phát hành những ấn phẩm quảng cáo riêng biệt đặc trưng cho văn hoá dân tộc Thái, ẩm thực Thái nhằm thu hút khách du lịch đến nước này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc.
- Tại Malaysia, chương trình du lịch nghỉ tại nhà dân được tiến hành ở 5 làng: Desa Murni Sangang, Desa Murni Sonsang, Desa Murni Kerdau, Desa Murni Ketam, Desa Murni Perangap. Chỉ 90 phút đi ô tô từ trung tâm Kuala Lumpur là du khách
có thể tiếp cận được với khu làng này. Mục đích chính của chương trình du lịch nghỉ tại nhà dân giúp cho du khách được tiếp xúc, trao đổi và trực tiếp tham gia vào đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Malaysia bản địa và nhằm tạo điều kiện duy trì và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người Malay cũng như góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Tại đây, du khách có thể tham gia trực tiếp vào lễ cưới cổ truyền của người bản xứ trong vai trò của người làm chứng hoặc chủ hôn, tham gia vào các chương trình dã ngoại ngoài trời như câu cá, cắm trại… của học sinh phổ thông, tham gia vào các trò chơi cổ truyền của người bản xứ, hoặc tham gia vào chế biến các món ăn cho các thành viên trong gia đình.
Nhìn chung, nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít nhiều đều đã có một vài kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững dựa trên ba mục tiêu cơ bản là: Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương trong việc nâng cao mức sống trong tương lai gần và xa. Thoả mãn các nhu cầu của số lượng khách du lịch đang ngày càng tăng lên và tiếp tục hấp dẫn họ đạt được sự thoả mãn đó. Bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, văn hoá, xã hội để đạt được hai mục tiêu trên.
(2). Một số bài học phát triển du lịch kém bền vững
- Sự phát triển kém bền vững ở Philippine: Mặc dù Philippine có nhiều sự hấp dẫn khách du lịch, có thể cạnh tranh được với các nước khác nhưng hàng năm, Philippine chỉ đón được hai triệu lượt khách quốc tế với tốc độ tăng trưởng du lịch là 9,5%/năm, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… do nhiều nguyên nhân:
+ Cảm giác về an toàn, an ninh của khách du lịch thấp, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiệu ứng mất khách. Cơ sở hạ tầng kém chất lượng, hình ảnh đất nước không mấy đặc thù, kém hấp dẫn. Ít chú ý tiếp thị du lịch. Giá vé máy bay và giá phòng khách sạn cao. Nhóm các nguyên nhân này có thể coi là nhóm nguyên nhân mang tính quyết định đến sự phát triển du lịch thiếu bền vững.
+ Ngoài ra, sự phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành xây dựng, giao thông rất lỏng lẻo. Ngành du lịch ít có tác động đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay. Sự nhận thức về giá trị kinh tế của ngành du lịch của mọi ngành khác không cao cũng làm ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển du lịch. Nhóm nguyên nhân này làm cho các điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch Philippine vốn chưa cao lại không được duy tu thường xuyên.
+ Việc tiếp thị của Philipin cũng kém hiệu quả đặc biệt là đối với thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, nơi chiếm 45% thị phần khách. Khách đến Philipin chỉ tập trung ở một số đô thị và khu nghỉ dưỡng mà ít dàn trải về các vùng nông thôn, nơi có vẻ đẹp tự nhiên và văn hoá địa phương có thể làm tăng chất lượng sản phẩm du lịch. Ở các khu nghỉ dưỡng tập trung khách như đảo Mactan, Cebu, mặc dù có cơ sở vật chất tương đối tốt, tiếp cận giao thông dễ dàng, nhưng vấn đề nghiêm trọng nổi lên là rác và môi trường.
Tất cả, đã làm giảm sức hấp dẫn đến Philippine, giảm lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch, khiến cho du lịch ở đây phát triển thiếu bền vững.
- Sự phát triển kém bền vững ở Thái Lan – du lịch sex tour: Thái Lan là nước điển hình trong vùng đã từ lâu năm được gắn với mác du lịch sex tour. Trong xã hội Thái Lan từ nhiều năm đã chấp nhận hiện tượng mại dâm và chế độ thê thiếp. Mặc Dù năm 1960, đạo luật mại dâm đã cho rằng các hoạt động mại dâm là bất hợp pháp nhưng sự đăng ký của các nhà thổ, dịch vụ mát xa và các hiện tượng trả tiền cho các viên chức Chính phủ, cảnh sát có trách nhiệm chống hiện tượng này đã chứng tỏ đạo luật này kém hiệu quả. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, dịch AIDS đã lan tràn trên đất Thái Lan và thường xuyên liên quan đến các hoạt động kinh doanh mại dâm, ma tuý. Kinh doanh sex tour đã gây khó xử cho chính quyền Thái Lan. Nguyên nhân pháp chế kém hiệu lực, thực hiện không nghiêm là nguyên nhân cơ bản, khởi nguồn cho phát triển thiếu bền vững.
Tuy rằng hoạt động sex tour vẫn là sự hấp dẫn, là nguồn thu ngoại tệ nước ngoài cao nhưng đã tăng mối lo ngại cho Thái Lan và đem lại cho Thái Lan một hình ảnh
tai tiếng là thủ đô sex của châu Á, tai tiếng sẽ khó mà ngăn nổi sự suy giảm hình
ảnh du lịch lành mạnh, và cần thời gian dài mới khôi phục được.
1.4.2. Du lịch bền vững tại Việt Nam
(1). Sơ lược tình hình phát triển du lịch Việt Nam
Việt Nam là đất nước nằm ở khu vực Đông Nam Á có lãnh thổ rộng 331.051,4 km2, dân số khoảng 86.927.700 người (năm 2010) và có một tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Vẻ đẹp độc đáo và sự đa dạng của cảnh quan tự nhiên, giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học của một số khu rừng nguyên thuỷ nhiệt đới còn tồn tại một số vùng, truyền thống lịch sử chống ngoại xâm hào hùng, nền văn hoá phong phú và đặc sắc, sự cởi mở và hiếu khách của người Việt Nam đã tạo nên những hấp dẫn to lớn đối với các du khách nước ngoài nhất là khách du lịch phương Tây muốn đi du ngoạn những miền đất xa xôi ở các nước đang phát triển để được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ còn sót lại và tìm hiểu những nét độc đáo về văn hoá của người dân bản địa.
Mặc dù có những tiềm năng to lớn như vậy, nhưng trong một thời gian dài trước khi tiến hành các cải cách kinh tế (trước 1986) có rất ít khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tình hình đã thay đổi một cách rõ rệt kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế và tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng theo định hướng thị trường. Những cải cách kinh tế đã tạo ra cho du lịch một cơ hội mới để phát triển. Khách du lịch và doanh thu du lịch tăng nhanh: khách quốc tế từ 250.000 lượt (năm 1990) lên 2,9 triệu lượt (năm 2004), tăng hơn 10 lần, khách nội địa từ 1 triệu lượt lên 14 triệu lượt, tăng 14 lần. Thu nhập từ du lịch tăng trung bình 11,6%/năm từ 2.240 tỷ đồng năm 1991 lên 26.000 tỷ đồng năm 2004, tương đương 1,7 tỷ USD. Năm 2010, khách quốc tế vào Việt Nam du lịch từ 5,5 - 6 triệu lượt người, khách nội địa từ 25 - 26 triệu lượt người, thu nhập du lịch đạt 4 - 4,5 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Du lịch phát triển tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phân công lao động xã hội, góp phần tăng thu nhập dân cư, thực hiện xoá đói giảm nghèo đối với nhiều địa phương trong nước. Hoạt động du lịch đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
thuộc các thành phần kinh tế tham gia. Du lịch phát triển đã góp phần quảng bá về đất nước con người, sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực năm 1997, đặc biệt là sau vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, tình hình chính trị thế giới trở nên phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch trên toàn thế giới. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch bệnh SARS và cúm gà bùng phát ở nhiều quốc gia, lãnh thổ trong đó có Việt Nam, thảm hoạ sóng thần ngày 26-12-2004 gây thiệt hại lớn cho nhiều nước ở Nam Á, Đông Nam Á, tình hình giá xăng dầu thế giới leo thang làm cho giá cả nhiều mặt hàng gia tăng… ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi và phát triển trong năm 2004 tạo điều kiện cho ngành du lịch toàn cầu có bước phát triển mới. Các nước trong khu vực đều có chiến lược ưu tiên phát triển du lịch, tập trung dùng du lịch làm động lực, thúc đẩy kinh tế, có cơ chế chính sách hấp dẫn và rất linh hoạt để tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy lợi thế trong cạnh tranh quốc tế đặt du lịch nước ta vào thế cạnh tranh gay gắt.
(2). Những dấu hiệu phát triển không bền vững
- Trong giai đoạn 1986 – 1995 nhờ có cải cách kinh tế du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên từ sau 1996 đã xuất hiện những dấu hiệu của sự phát triển không bền vững. So với năm 1996 số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 1997 đã giảm sút. Do tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong năm 1998 đã giảm đi 8 – 10 % so với năm trước. Điều đáng chú ý là 63 % khách du lịch quốc tế đã rời Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch và phần lớn trong số họ (80%) đã nói rằng họ không muốn quay trở lại thăm Việt Nam một lần nữa. Nhiều khách sạn và nhà khách ở các trung tâm du lịch lớn đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu vắng khách du lịch quốc tế. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 1997 đã tràn ngập hiện tượng “thừa phòng, thiếu khách” và tỉ lệ phòng cho thuê trong tổng số phòng hiện
có của các khách sạn giảm mạnh, từ khoảng 80% trong khoảng thời gian 1992 – 1994 xuống còn 64% năm 1996 và thậm chí chỉ còn 55% trong đầu năm 1999. Từ 1997 đã xuất hiện một tình hình đáng buồn là đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong lĩnh vực du lịch sau giai đoạn tăng rất mạnh (1986 - 1996) đã giảm đáng kể.
- Các dòng du lịch tập trung quá mức vào các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, vịnh Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, trong khi đó du lịch ở nhiều vùng xa vùng sâu, nơi có tiềm năng to lớn về du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái thì chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chêch lệch giữa các vùng và các khu vực trong việc phát triển du lịch ngày càng trở nên sâu sắc.
- Việc xây dựng một cách bừa bãi và không có kế hoạch, sự gia tăng rác và các loại phế thải, sự phá huỷ san hô làm vật liệu xây dựng đã làm giảm sút chất lượng môi trường du lịch. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường đã cho rằng các trung tâm du lịch biển của Việt Nam, nơi tập trung tới 80% các hoạt động du lịch và nghỉ ngơi của Việt Nam, hiện đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm dầu, kim loại nặng cũng như chất thải hữu cơ chủ yếu do các hoạt động công nghiệp, vận tải biển và khai thác dầu gây ra. Sự ô nhiễm nước biển đã tác động xấu cho các hệ sinh thái có giá trị cao như hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các vùng sình lầy ven biển và hệ sinh thái san hô. Nhiều người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch vì quá tập trung vào các lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác không hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch của địa phương. Tại một số nơi du lịch, văn hoá độc đáo của người dân địa phương ít nhiều đã bị tổn hại, khi vùng xa xôi này đột ngột mở cửa cho khách du lịch nước ngoài tới thăm mà không có sự chuẩn bị đầy đủ đến mức cần thiết. Có thể xem việc suy giảm tính thuần chất vốn có của chợ Tình ở Sa Pa do phải phục vụ cho các nhu cầu của khách nước ngoài là một bằng chứng rõ rệt về điều này.
1.5. Tổng quan về nghiên cứu du lịch bền vững tại Việt Nam
[1]. Lê Huỳnh Đức, Xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững làng nghề du lịch sinh thái tại tỉnh Bến Tre. Viện Môi trường và Tài nguyên, 2009.
Nghiên cứu này nhằm xây dựng các giải pháp bảo vệ môi tường phục vụ phát triển bền vững làng nghề du lịch sinh thái tại tỉnh Bến Tre. Giới hạn của nghiên cứu là chỉ quan tâm đến phát triển bền vững du lịch làng nghề du lịch sinh thái. Do đó, qua nghiên cứu này học viên chỉ kế thừa được các tiêu chí phát triển bền vững làng nghề du lịch sinh thái, là một phần nhỏ trong sự phát triển bền vững du lịch nói chung.
[2]. Nguyễn Trần Liên Hương, Đề xuất giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái Phú Yên. Viện Môi trường và Tài nguyên, 2009.
Nghiên cứu này nhằm đề xuất các giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái Phú Yên. Phạm vi nghiên cứu của đề tài này chỉ dừng lại ở lĩnh vực du lịch sinh thái của tình Phú Yên. Qua nghiên cứu này, học viên kế thừa được cách xây dựng hệ thống tiêu chí nhằm hướng tới phát triển bền vững du lịch sinh thái, từ đó áp dụng thích hợp cho phát triển bền vững toàn bộ ngành du lịch.
[3]. Ngô Lâm Nhật Khánh, Nghiên cứu các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ phát triển bền vững ngành du lịch thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Viện Môi trường và Tài nguyên, 2009.
Nghiên cứu này nhằm đưa ra các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ phát triển bền vững ngành du lịch thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Qua nghiên cứu này, học viên kế thừa được các chính sách, mục tiêu và chương trình quản lý môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch.
[4]. Huỳnh Thái Hoàng Khoa, Xây dựng hệ thống các thông số, chỉ thị để đánh giá tính bền vững về tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận. Luận văn cao học, Viện Môi trường và Tài nguyên, 2009.
Nghiên cứu này nhằm xây dựng hệ thống các thông số, chỉ thị để đánh giá tính bền vững về tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận. Nghiên cứu này không đề cập đến các giải pháp bảo vệ môi trường trong sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Từ nghiên cứu này học viên kế thừa được phần tổng quan về hiện trạng môi trường, tài nguyên của tỉnh Bình Thuận để có thể đưa ra cái nhìn tổng quát về hiện trạng môi trường, tài nguyên tỉnh Bình Thuận.