CHƯƠNG 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Bối cảnh nghiên cứu
3.1.1 Đặc điểm tự nhiên vùng Tây Bắc
- Vị trí địa lý: Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Vùng này còn có tên gọi khác là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng). Theo Quyết định Số 1064/QĐ-TTg ngày 8/7/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi phía bắc đến năm 2020, thì vùng Trung du và miền núi có 02 tiểu vùng: Tiểu vùng Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Hòa bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Tiểu vùng Đông bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên bái, Cao bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang. Quyết định số 1095/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/8/2016 của Bộ LĐTBXH công bố tỷ lệ hộ nghèo các vùng, các tỉnh năm 2016, thì vùng Tây Bắc gồm 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Diện tích tự nhiên của vùng là 37.416 km2, chiếm 11,3% diện tích cả nước. Tổng số dân tính đến năm 2015 là 2.629,3 nghìn người chiếm 2,8% dân số cả nước, trong đó duy nhất tỉnh Sơn La có dân số trên 1 triệu người. Mật độ dân số bình quân khoảng 89 người/km2, tương ứng khoảng 35,4% mật độ trung bình của cả nước (268 người/km2), là khu vực có mật độ dân số thấp thứ hai cả nước (thấp nhất là khu vực Tây Nguyên), trong đó tỉnh có mật độ dân số thấp nhất toàn quốc là tỉnh Lai Châu với 45 người/km2, bằng 1/10 so với mật độ dân số của vùng có mật độ dân số cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (1.244 người/km2).
Bảng 3.1. Thống kê một số chỉ tiêu thuộc vùng Tây Bắc
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Địa bàn (tỉnh) | ||||
Hòa Bình | Sơn La | Điện Biên | Lai Châu | |||
1 | Diện tích tự nhiên | Km2 | 4.608,7 | 14.174,4 | 9.562,9 | 9.068,8 |
2 | Dân số | Nghìn người | 808,2 | 1.195,2 | 527,3 | 404,5 |
3 | Mật độ trung bình | Người/km2 | 175,0 | 81,0 | 55,0 | 45,0 |
4 | Dân tộc | Dân tộc | 10,0 | 12,0 | 19,0 | 20,0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Chất Lượng Điểm Đến Và Sự Hài Lòng Của Khách Du Lịch
- Mô Hình Nghiên Cứu Của Mohamadia Và Cộng Sự (2016)
- Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 8
- Trình Tự Thực Hiện Nghiên Cứu Định Lượng
- Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Vùng Tây Bắc
- Tổng Thu Từ Du Lịch Các Tỉnh Vùng Tây Bắc Giai Đoạn 2005 - 2017
Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.
Nguồn: Niên giám thống kê - Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu
Vùng Tây Bắc có đường biên giới với Trung Quốc (phía Tây - Bắc), Lào (phía Tây), phía nam giáp với Thanh Hóa, phía Đông giáp với các tỉnh vùng Đông - Bắc nước ta. Có nhiều cửa khẩu quan trọng để giao thương hàng hóa, đây là điều kiện để hợp tác về kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Với cấu trúc địa chất phức tạp, phần lớn lãnh thổ vùng Tây Bắc là núi cao, độ dốc lớn, có nhiều đỉnh núi cao từ 1090m - 3080m, xen kẽ các dãy núi này là các sông, suối, thung lũng hẹp làm cho đất đai bị chia cắt manh mún. Vì đặc điểm địa lí này đã gây nhiều khó khăn cho việc bố trí sản xuất, cho sự hình thành các trung tâm tập trung hàng hoá lớn và phát triển dịch vụ thương mại, cho đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém và giao thông giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là những cản trở lớn để vùng Tây Bắc phát triển xã hội cũng như phát triển nguồn lực con người.
- Đặc điểm địa hình: Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180km, rộng 30km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800m đến 3000m. Dãy núi Sông Mã dài 500km, có những đỉnh cao trên 1800m. Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà (còn gọi là địa máng sông Đà). Vùng Tây Bắc phổ biến là các dãy núi trung bình và núi cao (Pusilung 3.076m, Puluông 2.893m, Phuxpan 2.079m, Pusan 2.218m, Phu Hoạt 2.452m...) và rất nhiều đỉnh cao 1.800 - 2.000m, được cấu tạo chủ yếu bởi các thành tạo macma nổi Creta và Paleogen và giữa chúng là các bồn địa. Độ cao các dãy núi thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, có xen kẽ những bồn địa nổi tiếng như Than Uyên, Nghĩa Đô, Quang Huy. Các cao nguyên đá vôi nối tiếp nhau: Xà Phìn, Xìn Chải, Sơn La, Mộc Châu cũng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Địa hình Tây Bắc chia cắt mạnh, quá trình bào mòn, rửa trôi, trượt lở đất đá xảy ra thường xuyên, tạo ra địa hình có những nét độc đáo, đường phân thủy có dạng răng cưa, nhọn, dạng tai mèo, độ dốc trên 300. Địa hình đa dạng, phong phú hình thành nên những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, thu hút khách du lịch, tạo tiền đề cho vùng Tây Bắc đẩy mạnh phát triển di lịch.
- Hệ thống sông ngòi: Vùng Tây Bắc có con sông lớn, đó là sông Đà chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Thượng nguồn của sông Mã cũng ở trên vùng đất Tây Bắc. Hai bên sông Đà là các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi kế tiếp nhau.
Ngoài sông Đà là sông lớn, vùng Tây Bắc chỉ còn lại các sông nhỏ và suối gồm cả thượng lưu sông Mã. Trong địa máng sông Đà còn có một dãy cao nguyên đá vôi chạy suốt từ Phong Thổ đến Thanh Hóa, và có thể chia nhỏ thành các cao nguyên Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản. Bên cạnh đó là các vùng lòng chảo rộng lớn như Than Uyên, Mường Lò, Mường Thanh.
- Đặc điểm khí hậu: Mặc dù nền khí hậu chung không có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, nhưng sự biểu hiện của nó không giống nhau theo chiều nằm ngang và theo chiều thẳng đứng. Dãy núi cao Hoàng Liên Sơn chạy dài liền một khối theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đóng vai trò của một bức trường thành ngăn không cho gió mùa đông (hướng đông bắc - tây nam) vượt qua để vào vùng núi Tây Bắc mà không bị suy yếu nhiều, trái với vùng Đông bắc có hệ thống các vòng cung mở rộng theo hình quạt làm cho các đợt sóng lạnh có thể theo đó mà xuống đến tận đồng bằng sông Hồng và xa hơn nữa về phía nam. Vì vậy, trừ khi do ảnh hưởng của độ cao, nền khí hậụ Tây Bắc nói chung ấm hơn Đông Bắc, chênh lệch có thể đến 2- 3OC. Ở miền núi Tây Bắc, hướng phơi của sườn đóng một vai trò quan trọng trong chế độ nhiệt - ẩm, sườn đón gió (sườn đông) tiếp nhận những lượng mưa lớn trong khi sườn tây tạo điều kiện cho gió "phơn" (hay quen được gọi là "gió lào") được hình thành khi thổi xuống các thung lũng. Khí hậu đặc trưng, khác biệt của vùng núi Tây Bắc tạo ra những nét hấp dẫn thu hút khách du lịch, tạo cơ hội phát triển du lịch bền vững.
- Về sinh vật: Vùng Tây Bắc có tài nguyên sinh vật khá phong phú và đặc trưng, rất thuận lợi để phát triển du lịch, có ý nghĩa nhất là các khu bảo tồn thiên nhiên như Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điện Biên có diện tích khoảng 310.262ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có địa hình đa dạng, gồm núi đất và núi đá vôi xen đồi đất, tương đối cao hơn ở phía Tây Bắc và thấp dần về phía Đông Nam, có độ cao từ 260m đến 1.900m, trung bình 1.000m (so với mặt biển); Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Hòa Bình) được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Tài nguyên sinh vật phong phú đa dạng, các khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích lớn chính là những ưu thế giúp vùng núi Tây Bắc hấp dẫn khách du lịch, là cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng.
Nhìn chung, các điều kiện tự nhiên của Tây Bắc rất thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch nói chung và CBT nói riêng. Việc hình thành và phát triển các điểm DLCĐ gắn với những nguồn tài nguyên tự nhiên sẽ góp phần thúc đẩy nhanh được chương trình phát triển du lịch cộng đồng của vùng Tây Bắc, nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch, hình thành các tuyến, điểm du lịch và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người của vùng Tây Bắc. Thúc đẩy các chương trình, các dự án khác cùng đầu tư trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cao hơn.
3.1.2 Tình hình kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc
- Đặc điểm kinh tế của vùng: Kinh tế vùng Tây Bắc được kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc và thị trường Lào thông qua 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và trên 40 cửa khẩu phụ. Hiện tại, kinh tế công nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ cả về quy mô và doanh thu, chủ yếu là các ngành khai khoáng, thủy điện, kinh tế nông - lâm nghiệp. Kinh tế về du lịch, dịch vụ đang phát triển và có nhiều tiềm năng. Những năm qua, cơ cấu kinh tế vùng Tây Bắc chuyển dịch còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh hạn chế. Các điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.
- Về cơ cấu dân tộc: Mật độ dân số vùng Tây Bắc rất thấp và không đồng đều. Nơi tập trung đông nhất là các thị xã, thị trấn, các thị tứ và trên các trục đường giao thông. Trái lại ở các khu vực núi cao, đường giao thông ít, đi lại khó khăn thì thường chỉ có các dân tộc ít người sinh sống, nên mật độ dân cư rất thấp. Tây Bắc là vùng có cơ cấu dân số là người dân tộc thiểu số lớn nhất toàn quốc. Hiện vùng Tây Bắc có khoảng 22 dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 79.2% dân số toàn vùng. Cơ cấu dân tộc vùng Tây Bắc thuộc ba ngữ hệ lớn ở Đông Nam Á và Việt Nam là nhóm Thái - Ka Đai (Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Là Ha); nhóm ngữ hệ Nam Á (Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Mảng, Thổ, Mông, Kinh, Dao) và nhóm Hán Tạng (Hoa, Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống Si La). Số lượng dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng chủ yếu với hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống tạo nên những nét văn hóa bản địa đặc trưng, đa dạng. Đây là lợi thế giúp vùng núi Tây Bắc phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch thông qua giá trị bản sắc văn hóa riêng biệt.
- Đặc điểm nguồn lao động: Tổng số lao động trong độ tuổi ở Tây Bắc là 986 nghìn người, trong đó có 878 nghìn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (chiếm 90,7 % tổng số lao động). Còn 9,3 % số lao động chưa có việc làm. Lao động của khu vực nông nghiệp chiếm ưu thế 76,6 %, công nghiệp và dịch vụ chỉ có 23,4 %. Số người trên và dưới độ tuổi có khả năng tham gia lao động ước khoảng
163.000 người (chiếm 18,8 % lực lượng lao động).
Bảng 3.2. Trình độ lao động vùng Tây Bắc
Lao động chưa biết chữ | Lao động trình độ sơ cấp trở lên | LĐ có trình độ công nhân, kỹ thuật trở lên | |
Sơn La | 15,22 | 9,75 | 8,06 |
Hòa Bình | 14,50 | 11,16 | 8,27 |
Điên Biên | 17,31 | 12,46 | 7,58 |
Lai Châu, | 19,64 | 11,28 | 7,36 |
Nguồn: Số liệu thống kê lao động, việc làm vùng Tây Bắc
- Tiềm năng và lợi thế của vùng Tây Bắc: Là vùng có nhiều núi non hùng vĩ, sông, suối chằng chịt, nước chảy xiết, thiên nhiên phong phú, khí hậu trong lành. Mặt khác vùng Tây Bắc còn là vùng có nhiều dân tộc sinh sống, tạo ra nhiều sắc thái văn hóa đa dạng; nhiều di tích lịch sử, nhiều nguồn suối khoáng nóng. Những tiềm năng này tạo cho vùng Tây Bắc những thế mạnh trong phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá, nghỉ dưỡng và chữa bệnh gắn với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Các hồ nước, các sông, suối dồi dào là tiềm năng phát triển ngành thuỷ điện, cũng như ngành du lịch thông qua cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, môi trường sinh thái trong lành. Đây là những lợi thế của vùng núi Tây Bắc trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
- Đặc trưng văn hóa phát triển du lịch cộng đồng: Tây Bắc rộng lớn với thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều khu rừng nguyên sinh như: Vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng; có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm cao trên
1.000 mét với khí hậu mát mẻ quanh năm như: Sìn Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), nhiều hang động và nhiều suối nước nóng, thích hợp với phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, dưỡng bệnh. Không gian Tây Bắc gồm 22 dân tộc là không gian của văn hoá dân tộc Thái - Mường - H’Mông… với nét văn hoá hết sức đặc trưng hấp dẫn, với nhiều lễ hội, các loại hình nghệ thuật, các sản phẩm thủ công truyền thống, các đặc sản ẩm thực… Mang tín ngưỡng đa thần, tin có linh hồn. Mỗi dân tộc có bản sắc độc đáo riêng: múa cồng (Mường), múa xòe (Thái), mùa khèn (Mông). Trang phục: màu sắc sặc sỡ gam nóng và sống theo gia đình mẫu hệ. Những nét đặc trưng trong văn hóa của vùng núi Tây Bắc trở thành lợi thế, thế mạnh của Tây Bắc trong thu hút khách du lịch, tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch cộng đồng khi đến tham quan, khám phá.
3.1.3 Các sản phẩm du lịch đặc thù vùng Tây Bắc
Tiềm năng du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng của vùng núi Tây Bắc đã tạo ra những nét đặc sắc, hấp dẫn thu hút khách du lịch cộng đồng. Hiện tại, khách du lịch cộng đồng tham quan vùng núi Tây Bắc sẽ được khám phá, trải nghiệm những sản phẩm du lịch như sau:
Du lịch mạo hiểm - trải nghiệm các giá trị địa hình núi cao/địa hình karst: Du lịch Trải nghiệm các giá trị cảnh quan địa hình núi cao - địa hình karst gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống cộng đồng các dân tộc ít người vùng núi cao. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này kéo dài từ Sìn Hồ (Lai Châu) qua Sa Pa (Lào Cai) đến Đồng Văn (Hà Giang).
Du lịch thể thao mạo hiểm: Chinh phục các đỉnh núi cao, các hẻm vực sâu; vượt thác ghềnh dọc theo các dòng sông lớn; xe vượt địa hình. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này là khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (Lai Châu); Chèo thuyền dọc các con sông Đà và sông Mã.
Du lịch nghiên cứu khám phá: Các giá trị địa hình - địa mạo (địa cảnh), hệ thống các hang động được hình thành trong lịch sử hoạt động kiến tạo địa chất của vùng. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch này tập trung tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người vùng núi cao: Trải nghiệm các giá trị văn hóa dân tộc ít người là dòng sản phẩm rất đặc thù khi khách du lịch được giao lưu cùng đồng bào, đặc biệt trong các hoạt động lễ hội hoặc tín ngưỡng truyền thống. Các chương trình du lịch “Chợ phiên vùng cao”; “Sắc hoa Tây Bắc”; “Lễ hội vùng cao”; “Lễ hội Hoa Ban” là những sản phẩm du lịch cụ thể thuộc dòng sản phẩm này.
Du lịch sinh thái - Trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ: Tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa bản địa ở các sinh cảnh tiêu biểu của hệ sinh thái núi cao ở vùng núi phía Bắc; thưởng ngoạn khí hậu núi cao. Không gian đặc trưng để phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù này ở vùng núi Tây Bắc bao gồm Sinh cảnh rừng thường xanh á nhiệt đới - cận ôn đới núi cao: tập trung ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn; một số dãy núi cao Pusilung, Puluông,
Du lịch về nguồn: Đây là loại sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa ghi lại những dấu ấn/kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc và thực dân Pháp mà tiêu biểu nhất là quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, di tích nhà tù Sơn La, di tích dinh thự Đèo Văn Long (Lai Châu). Với sản phẩm du lịch này, khách du lịch có những trải nghiệm đầy đủ về dấu ấn lịch sử của cha ông ở thời kỳ đáng tự hào này của dân tộc Việt Nam.
Du lịch sinh thái nông nghiệp: Các trang trại vùng cao nguyên Mộc Châu và một số địa danh canh tác nông nghiệp khác với các hình thức canh tác đặc thù như: Các rừng chè cổ thụ Tuyết San tại Tủa Chùa (Điện Biên), Bắc Yên (Sơn La) có thể trở thành các sản phẩm du lịch phục vụ thu hút khách du lịch cộng đồng tham gia trải nghiệm. Các hoạt động cho khách tham quan, tìm hiểu đơn giản hoặc tham gia trải nghiệm các quy trình vắt sữa, quy trình chế biến và đóng gói các sản phẩm sữa, quy trình hái chè, chế biến chè tại Phia Đén, Sìn Hồ; Du ngoạn ngắm cảnh như ngắm hoa đào, hoa mận (Sơn La, Lai Châu); thu hoạch cam Cao Phong (Hòa Bình); hoa cải
(Mộc Châu - Sơn La), ngắm hoa Ban (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); Du ngoạn câu cá hồ Pá Khoang (Điện Biên);
3.1.4 Chọn điểm nghiên cứu
Tác giả lựa chọn điểm nghiên cứu gồm 4 tỉnh là: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vì đây là những địa phương có nhiều sự tương đồng về tự nhiên, kinh tế - xã hội. Đây cũng là các địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng còn nhiều nét hoang sơ, tạo nên nền văn hóa bản địa lâu đời, phong phú như các lễ hội, phong tục, tập quán, trang phục, ngôn ngữ với đặc trung là văn hóa Thái - Mường. Tại đây còn nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ chưa được khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Đây chính là những yếu tố thu hút, lôi cuốn khách du lịch cộng đồng tới trải nghiệm, khám phá, tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng tại vùng Tây Bắc phát triển. Mặt khác, các địa phương vùng Tây Bắc nhìn chung kinh tế chậm phát triển, các điều kiện để phát triển kinh tế còn hạn chế. Để vượt qua những khó khăn, thách thức trên, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Nông - Lâm nghiệp sang nâng cao tỷ trọng công nghiệp - Thương mại và dịch vụ, trong đó cần chú trọng khai thác, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của địa phương đặc biệt như ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số, góp phần giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
3.2 Lựa chọn phương pháp nghiên cứu
Tác giả lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu định lượng. Lựa chọn các bộ công cụ phân tích thống kê phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra của nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu khảo sát thu được từ thực tế tại các địa phương vùng Tây Bắc.
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích đo lường sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng. Luận án sử dụng thang đo thứ bậc (likert) 7 điểm để phân tích đo lường các yếu tố. Với công cụ phân tích kiểm định EFA để gom các biến thành thành nhóm biến tiềm ẩn và loại những biến không phù hợp, công cụ CFA để khẳng định lại quan hệ tác động (một chiều hay đa chiều) và đo mức độ của quan hệ này, những nhóm nhân tố tác động tới sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng. Công cụ chính của mô hình phân tích nhân tố là các đánh giá định lượng và các kiểm định giả thuyết thống kê. Các kỹ năng phân tích nhân tố nhờ sự hỗ trợ của phần mềm thống kê SPSS.
3.3 Quy trình nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện qua hai bước: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện thông qua hình thức phỏng vấn sâu 5 khách du lịch cộng đồng và 5 nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhằm điều chỉnh và bổ sung các thang đo cho phù hợp. Nghiên cứu định lượng sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn qua email và trực tiếp thông qua bảng câu hỏi. Mẫu nghiên cứu định lượng sơ bộ này có kích thước là n = 80. Dữ liệu thu thập từ nghiên cứu này được sử dụng để đánh giá sơ bộ về độ tin cậy và độ giá trị của các thang đo nhờ hệ số Cronbach’s Alpha. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA thực hiện trên phần mềm SPSS.
Nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, phân tích nhân tố khám phá EFA để khám phá tố và các biến quan sát nào thuộc về nhân tố xác định nào. Tác giả thu thập dữ liệu bằng cách phỏng vấn khách du lịch cộng đồng qua bảng hỏi khảo sát với kích thước mẫu nghiên cứu n = 545 (số lượng mẫu này được giải thích cụ thể tại mục 3.6.5). Mục tiêu của nghiên cứu này là khẳng định lại độ tin cậy, độ giá trị của các thang đo và kiểm định trên thực tế cấu trúc dự kiến có thực sự tồn tại, mô hình nghiên cứu cùng các giả thuyết đã đề ra ở trên bằng phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA. Phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính SEM thông qua phần mềm AMOS được sử dụng ở bước này để đánh giá các biến có quan hệ như thế nào với các nhân tố và mối quan hệ giữa các nhân tố là gì. Từ đó kiểm định các giả thuyết được nêu ra trong mô hình nghiên cứu đề xuất.
Các bước trong Quy trình nghiên cứu gồm:
- Xác định vấn đề nghiên cứu
- Xác định mục tiêu nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết
- Xây dụng mô hình nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu
- Nghiên cứu định tính
+ Phỏng vấn chuyên gia
+ Xây dựng bảng hỏi
- Nghiên cứu định lượng
+ Kiểm định thang đo với hệ số Cronbach’s Alpha
+ Phân tích nhân tố khám phá EFA.