Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 8



Như vậy, căn cứ vào các ý kiến được rút ra từ các cuộc thảo luận cùng các chuyên gia và các nhà nghiên cứu cùng sự kế thừa các mô hình nghiên cứu đã công bố, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu cho luận án như sau:


Văn hóa

bản địa

Đặc điểm nhân khẩu học của khách du lịch cộng đồng

Môi trường

thăm quan

H1

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

H2

Tính hấp dẫn

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 8

của tự nhiên

H3

H4

Chất lượng các

điểm đến du lịch cộng đồng

Sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng

H6

Cơ sở hạ tầng

H5

Giá cả dịch vụ tại điểm

du lịch

Hình 2.7. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các biến trong mô hình nghiên cứu được giải thích như sau:

- Văn hóa bản địa:

Văn hóa bản địa là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại nơi mà cộng đồng sinh sống. Văn hóa bản địa có tính địa điểm rõ rệt, có những giá trị đặc trưng trong một khu vực nhỏ như một tỉnh, huyện, xã mà không phải chỉ là văn hóa vùng, miền (Trần Cảnh Đào, 2015).

Tác giả Thái Thảo Ngọc (2016) cho rằng: “Văn hóa bản địa là văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc trong một địa phương, khu vực, vùng, miền nhất định. Đặc trưng của văn hóa bản địa là các bản sắc văn hóa của địa phương. Bản sắc văn hóa là cái chung nhất, cơ bản nhất của một nền văn hóa, mọi yếu tố nằm trong bản sắc của một nền văn hóa đều thuộc về chính nền văn hóa đó”.

Ngô Đức Thịnh (2006) đã định nghĩa: “Văn hóa bản địa là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng và phân biệt giữa địa phương này với địa phương khác.



Các yếu tố văn hóa bản địa như vậy bao gồm các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn hóa dân gian truyền miệng, tri thức dân gian về tự nhiên và xã hội, về bản thân người dân bản địa, tâm lý dân tộc”.

Trần Quốc Vượng (2006) đã chỉ ra cấu trúc của văn hóa bản địa bao gồm các thành tố cơ bản như: phong tục tập quán; tín ngưỡng, tôn giáo; lối sống; ngôn ngữ; nghề thủ công; sân khấu tuồng chèo, kịch; lễ hội; ẩm thực. Trong du lịch, những thành tố văn hóa bản địa được tác giả chia theo các nhóm, như: văn hóa du lịch và văn hóa sinh hoạt.

Văn hóa bản địa là nét đặc trưng, thu hút khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc. Đây là yếu tố mang tính quyết định về khả năng thu hút, làm hài lòng khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Do đó, tác giả đề xuất vào mô hình nghiên cứu, đây cũng là điểm mới của luận án so với các nghiên cứu đã công bố.

Môi trường tham quan:

Phạm Ngọc Thắng (2010) định nghĩa “Môi trường tham quan du lịch bao gồm các yếu tố liên quan đến tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn), các vấn đề về cảnh quan, không khí, nguồn nước”.

Nguyễn Trọng Nhân (2013) cho rằng: “Môi trường tham quan du lịch là môi trường bao gồm các nhân tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và các yếu tố nhân văn trong đó có hoạt động du lịch tồn tại và phát triển”. Tác giả nhấn mạnh hoạt động du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng có mối quan hệ khăng khít với môi trường tham quan, tận dụng đặc tính của môi trường tham quan để phục vụ mục đích thu hút khách du lịch và tác động qua lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường.

Nguyễn Minh Tuệ và cộng sự (2014) cho rằng: Sự tồn tại và phát triển của du lịch cộng động với tư cách là một ngành kinh tế gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác đặc tính của môi trường tham quan. Chính vì vậy hoạt động du lịch cộng đồng liên quan một cách chặt chẽ với môi trường tham quan. Các cảnh đẹp của thiên nhiên như núi, sông, biển cả..., các giá trị văn hoá như các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật... hay những đặc điểm và tình trạng của môi trường tham quan là những tiềm năng và điều kiện thu hút du khách trong loại hình du lịch cộng động. Ngược lại, du lịch cộng đồng cũng góp phần tạo nên môi trường tham quan mới hay góp phần cải thiện môi trường như việc xây dựng các công viên vui chơi giải trí, các công viên cây xanh, các làng văn hoá du lịch... Như vậy, du lịch cộng đồng và môi trường tham quan có tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau, môi trường tham quan



là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng điểm đến du lịch từ đó tác động đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng.

Theo Bùi Thị Hải Yến (2010), môi trường tham quan càng hấp dẫn sẽ càng tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch nhờ gia tăng chất lượng điểm đến. Do đó, yếu tố “môi trường tham quan” được xem là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Vì vậy, tác giả đề xuất yếu tố này vào mô hình nghiên cứu của đề tài.

Tính hấp dẫn của tự nhiên:

Rittichainuwat và Mongknonvanit (2002) định nghĩa: “Tính hấp dẫn của tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá tài nguyên du lịch và xây dựng hình ảnh của điểm đến du lịch”. Nhóm tác giả cũng cho rằng, tính hấp dẫn của tự nhiên là sức hút giữa tự nhiên tại điểm đến du lịch đối với khách du lịch. Sức thu hút này bao gồm: sự phù hợp của tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; sức chứa; sự phát triển các loại dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến du lịch; sự đa dạng, độc đáo của tài nguyên để tổ chức các loại hình du lịch.

Theo Nguyễn Thị Bảo Châu và cộng sự (2016), tính hấp dẫn của tự nhiên là một trong những yếu tố cơ bản, điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển du lịch cộng đồng. Số lượng tài nguyên vốn có, chất lượng của chúng và mức độ kết hợp các loại tài nguyên trên cùng địa bàn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển du lịch, từ đó quyết định chất lượng điểm đến du lịch cũng như sự hài lòng của khách du lịch.

Đào Thế Tuấn (2010) cho rằng, tính hấp dẫn của tự nhiên trong du lịch được đánh giá thông qua các dạng tài nguyên khí hậu, thời tiết, chỉ số khí hậu… đây đều là những yếu tố tạo nên sự hài lòng của khách du lịch cũng như là cơ sở để giữ chân khách du lịch.

Nhận thấy, có rất nhiều nghiên cứu đi trước đã khẳng định “tính hấp dẫn của tự nhiên” là yếu tố quyết định đến chất lượng điểm đến du lịch, từ đó ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước, tác giả đề xuất yếu tố “Tính hấp dẫn của tự nhiên” vào mô hình nghiên cứu của luận án.

Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch cộng đồng cũng như quyết định mức độ khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch cộng. Chính vì vậy, sự hài



lòng của khách du lịch, sự phát triển loại hình du lịch cộng đồng bao giờ cũng gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Theo Ritchie, Brent và Michel Zins. (1978): Cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố hữu hình trong phát triển du lịch cộng đồng. Cơ sở hạ tầng của hoạt động du lịch bao gồm toàn bộ các phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ du lịch nhằm thoản mãn mọi nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch gồm: hệ thống lưu trú, phục vụ ăn uống, hệ thống vận chuyển, thông tin liên lạc…

Theo Bùi Thanh Thủy (2010), hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch bao gồm nhiều thành phần, chúng có những chức năng và ý nghĩa nhất định đối với việc tạo ra và làm hài lòng khách du lịch. Để đảm bảo nâng cao chất lượng điểm đến, thu hút du khách cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tương ứng như các khách sạn, nhà hàng, căng tin, cửa hiệu, trạm cung cấp xăng dầu, trạm y tế, nơi vui chơi thể thao…

Việc đánh giá cơ sở hạ tầng du lịch được căn cứ vào 3 tiêu chí: (i) Đảm bảo những điều kiện tốt cho nghỉ ngơi du lịch; (ii) Đạt hiệu quả kinh tế tối ưu trong quy trình xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng; (iii) Thuận tiện cho việc đi lại của khách du lịch từ các nơi đến.

Để phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng thì yếu tố cơ sở hạ tầng cần được đầu tư đồng bộ, tạo ra hệ thống giao thông thuận tiện, hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt. Trong nhiều nghiên cứu đi trước đã khẳng định vai trò quyết định của yếu tố “Cơ sở hạ tầng” đối với sự hài lòng của khách du lịch, vì vậy tác giả thực hiện kế thừa yếu tố này vào mô hình nghiên cứu của luận án.

Giá cả dịch vụ du lịch

Từ điển Bách khoa toàn thư (2012) định nghĩa: “Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hoá đó”.

Trong hoạt động du lịch, Tosun và Timothy (2013) cho rằng: giá cả dịch vụ du lịch là toàn bộ các chi phí mà khách du lịch phải chi trả trong suốt chuyến hành trình: chi phí đi lại, ăn ở, lưu trú, chi phí hướng dẫn viên. Nếu mức chi phí, giá cả dịch vụ du lịch hợp lý, phù hợp với mặt bằng chung sẽ tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch, từ đó tạo tiền đề thu hút và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương.

Kế thừa quan điểm của những nhà nghiên cứu đi trước về giá cả dịch vụ du lịch cũng như tác động của yếu tố “giá cả dịch vụ” đến sự hài lòng của khách du lịch. Tác giả thực hiện đề xuất yếu tố này vào mô hình nghiên cứu của đề tài.


Chất lượng các điểm du lịch:

Theo Lee (2012), chất lượng các điểm du lịch là mức phù hợp của dịch vụ được cung cấp bởi các nhà cung ứng dịch vụ tại điểm du lịch thỏa mãn các yêu cầu của du khách.

Chuang (2010) cho rằng, chất lượng các điểm du lịch cộng đồng có thể được đánh giá thông qua các khía cạnh như sau: Tạo sự tin tưởng cho khách du lịch khi đến tham quan điểm du lịch cộng đồng như: cung cấp các dịch vụ du lịch như đã giới thiệu, tạo được sự tin cậy của khách du lịch thông qua việc giải quyết những sự cố xảy ra với khách du lịch; Đảm bảo khả năng thực hiện những dịch vụ của điểm du lịch cộng đồng đến khách du lịch như: sự chuyên nghiệp của nhân viên, điều kiện an ninh, đảm bảo vệ sinh, giá cả phù hợp.

Theo Rittichainuwat và Mongknonvanit (2002), chất lượng của điểm du lịch là cảm nhận của khách du lịch về hình ảnh điểm du lịch, chất lượng của điểm du lịch được coi là tốt nếu đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch về ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan, giải trí.

Cảm nhận của khách du lịch về chất lượng điểm đến du lịch càng tốt thì càng tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch. Kế thừa quan điểm này, tác giả đề xuất yếu tố “chất lượng điểm đến du lịch” vào mô hình nghiên cứu của luận án.

2.3.2.2 Giả thuyết nghiên cứu

Cơ sở đề xuất giả thuyết

Trên cơ sở các nghiên cứu trước và căn cứ thực tiễn, tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu với các biến được giới thiệu ở trên để đề xuất những giả thuyết nghiên cứu phản ánh mối quan hệ bản chất của các yếu tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng. Kết quả sau khi khảo sát thực tế, thu thập số liệu và phân tích đánh giá bằng các công cụ, có thể có những điều chỉnh phù hợp.

Nội dung các giả thuyết

Văn hóa bản địa với chất lượng điểm đến du lịch cộng đồng

Văn hóa bản địa bao gồm các thành tố cơ bản như: phong tục tập quán; tín ngưỡng, tôn giáo; lối sống; ngôn ngữ; nghề thủ công; sân khấu tuồng chèo, kịch; lễ hội; ẩm thực (Trần Quốc Vượng 2006). Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng để khách du lịch cộng đồng lựa chọn điểm đến tham quan du lịch (Naidoo và cộng sự 2015), văn hóa bản địa càng đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn càng tạo ra động lực thu hút khách du lịch cộng đồng.



Giả thuyết H1: Văn hóa bản địa có ảnh hưởng tích cực đến đánh giá về chất lượng điểm đến của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Môi trường tham quan với điểm đến du lịch cộng đồng

Môi trường tham quan là những tiềm năng và điều kiện thu hút khách du lịch trong loại hình du lịch cộng đồng. Ngược lại, du lịch cộng đồng cũng góp phần tạo nên môi trường tham quan mới hay góp phần cải thiện môi trường (Nguyễn Minh Tuệ và cộng sự 2014), môi trường tham quan càng hấp dẫn sẽ càng tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch nhờ gia tăng chất lượng điểm đến (Bùi Thị Hải Yến 2010).

Giả thuyết H2: Môi trường tham quan có ảnh hưởng tích cực đến đánh giá về chất lượng điểm đến của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Tính hấp dẫn của tự nhiên với điểm đến du lịch cộng đồng

Tính hấp dẫn của tự nhiên là một trong những yếu tố cơ bản, điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển du lịch cộng đồng. Số lượng tài nguyên vốn có, chất lượng của chúng và mức độ kết hợp các loại tài nguyên trên cùng địa bàn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển du lịch cộng đồng, từ đó quyết định chất lượng điểm đến du lịch cũng như sự hài lòng của khách du lịch, (Nguyễn Thị Bảo Châu và cộng sự 2016).

Giả thuyết H3: Tính hấp dẫn của tự nhiên có ảnh hưởng tích cực đến đánh giá về chất lượng điểm đến của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Cơ sở hạ tầng với điểm đến du lịch cộng đồng

Cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố hữu hình trong phát triển du lịch cộng đồng. Cơ sở hạ tầng của hoạt động du lịch bao gồm toàn bộ các phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ du lịch nhằm thoản mãn mọi nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch gồm: hệ thống lưu trú, phục vụ ăn uống, hệ thống vận chuyển, thông tin liên lạc (Ritchie, Brent và Michel Zins 1978). Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch bao gồm nhiều thành phần, chúng có những chức năng và ý nghĩa nhất định đối với việc tạo ra và làm hài lòng khách du lịch và để đảm bảo nâng cao chất lượng điểm đến (Bùi Thanh Thủy 2010). Cơ sở hạ tầng thuận lợi, phong phú được đầu tư đồng bộ là động lực chính thu hút khách du lịch và tạo ra sự hài lòng của khách du lịch đối với điểm đến du lịch.

Giả thuyết H4: Cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng tích cực đến đánh giá về chất lượng điểm đến của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.


Giá cá dịch vụ tại điểm du lịch với điểm đến du lịch cộng đồng

Giá cả các sản phẩm du lịch là yếu tố đầu tiên, tác động trực tiếp tới khách du lịch tại điểm du lịch đó, gồm các chi phí mà khách du lịch phải chi trả như: chi phí đi lại, ăn ở, lưu trú, mua các đồ lưu niệm, chi phí hướng dẫn viên. Nếu mức chi phí, giá cả dịch vụ du lịch hợp lý sẽ tạo ra sự hài lòng cho khách du lịch (Tosun và Timothy 2013).

Giả thuyết H5: Giá cả dịch vụ tại điểm lịch có ảnh hưởng tích cực đến đánh giá về chất lượng điểm đến của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Chất lượng điểm đến du lịch cộng đồng với sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng

Chất lượng điểm đến là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự hài lòng của khách du lịch (Seebaluka, P. Nadooa 2015), chất lượng điểm đến được được khách du lịch đánh giá cao là động lực cho khách du lịch quyết định tham gia chương trình du lịch cộng đồng.

Giả thuyết H6: Chất lượng điểm đến du lịch cộng đồng ảnh hưởng tích cực đến Sự hài lòng của du khách khi tham gia các sản phẩm du lịch cộng đồng.



TIỂU KẾT CHƯƠNG 2


Trong chương 2 tác giả trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Tác giả tổng hợp những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về du lịch cộng đồng và sự hài lòng của khách du lịch khi trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tác giả đã tổng hợp một số lý thuyết về du lịch cộng đồng, chất lượng dịch vụ điểm đến và sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng.

Từ các kết quả nghiên cứu trên, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc. Mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất gồm 6 biến ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng bao gồm: Văn hóa bản địa; Môi trường du lịch; Sự hấp dẫn của tự nhiên; Cơ sở hạ tầng; Giá cả; Chất lượng điểm đến du lịch cộng đồng. Sau khi xây dựng mô hình nghiên cứu, tác giả đã đưa ra các giả thuyết nghiên cứu và được trình bày cụ thể trong chương tiếp theo.

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí