Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 3



- Phân tích dữ liệu định lượng: Trước hết, phân tích độ tin cậy (reliability analysis) và phân tích nhân tố (factor analysis) được sử dụng để đo lường độ tin cậy và hiệu lực của các thước đo từ đó đánh giá các thước đo, xác định mức độ tin cậy và sự ảnh hưởng của các nhân tố. Sau đó, phân tích tương quan theo cặp (bi-variate correlation) để kiểm định quan hệ theo cặp của các biến. Cuối cùng, phân tích hồi qui đa biến (multiple regression) được thực hiện để xác định mối quan hệ giữa biến độc lập, biến trung gian và biến phụ thuộc. Việc phân tích số liệu được thực hiện thông qua phần mềm xử lý thống kê (SPSS, AMOS) phiên bản 20.0 để kiểm tra và hiệu chỉnh các biến, thang đo không phù hợp khi đưa vào mô hình nghiên cứu mà mắc phải các khuyết tật như: Phương sai sai số ngẫu nhiên thay đổi, đa cộng tuyến, sai số ngẫu nhiên không phân bố chuẩn.

1.5 Những đóng góp mới của luận án

Luận án đã có những đóng góp cả về mặt lý luận và thực tiễn, cụ thể như sau:

Về phương diện lý thuyết: kết quả nghiên cứu có những điểm mới hoặc khẳng

định so với những công trình nghiên cứu tác giả đã biết là:

Thứ nhất, du lịch cộng đồng là mô hình du lịch chủ yếu dựa vào người dân địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương cũng như những nét văn hóa bản địa riêng biệt, đặc sắc là yếu tố chính thu hút khách du lịch khám phá, tìm hiểu về địa phương. Do đó, sự hài lòng của cá nhân khách du lịch bị tác động trực tiếp bởi yếu tố “văn hóa bản địa”. Các nghiên cứu đề cập đến yếu tố văn hóa bản địa phần lớn đều là nghiên cứu nước ngoài, mà đặc thù văn hóa bản địa của vùng Tây Bắc Việt Nam có nhiều nét độc đáo, khác biệt, do đó việc vận dụng kết quả nghiên cứu trước là không phù hợp.

Thứ hai, theo nguyên lý cung - cầu du lịch, cầu du lịch phát sinh khi thu nhập của người dân nâng cao, tạo điều kiện cho người dân thỏa mãn các nhu cầu của cá nhân trong đó có nhu cầu du lịch. Xã hội ngày càng hiện đại, người dân càng có xu hướng tìm đến để khám phá “những điểm du lịch” hoang sơ, giàu truyền thống văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ (du lịch cộng đồng) thay vì “những điểm du lịch” xa hoa, tráng lệ. Khi cầu du lịch phát sinh thì nguồn cung cũng dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu. Theo đó, cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch cộng đồng không ngừng hoàn thiện, bản sắc văn hóa tại từng địa phương được bảo tồn, phục dựng tạo ra những nét đặc trưng thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá Việt Nam mặc dù đã nhận thức được vai trò của yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng song vẫn còn yếu, du lịch gắn với các nghề


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.


truyền thống, đặc trưng địa phương chưa được khai thác. Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, thu hút du khách, các địa phương phải vừa “khai thác” vừa “tích tụ, xây đắp” tức là cần phát huy các yếu tố văn hóa bản địa, các yêu tố thuộc nghề truyền thống địa phương để làm hài lòng khách du lịch cộng đồng, tạo động lực cho khách du lịch quay lại trong những lần tiếp theo. Với nguyên lý cung - cầu du lịch như trên, có thể thấy vai trò của yếu tố “văn hóa bản địa” đối với phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, việc bổ sung yếu tố “văn hóa bản địa” trong nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng là rất cần thiết và là điểm đóng góp mới trong đề tài luận án của tác giả.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 3

Thứ ba, để đo lường yếu tố “Văn hóa bản địa”, tác giả bổ sung thêm hai chỉ báo đo lường là Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng, đậm bản sắc Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống độc đáo, qua ý kiến thảo luận với các chuyên gia, tác giả đánh giá đây là những chỉ báo mang tính đặc trưng, khác biệt của du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc. Hai chỉ báo trên cũng được sự đồng tình của các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu sơ bộ và được sử dụng trong nghiên cứu chính thức của luận án, với kết quả cho thấy các thang đo đảm bảo độ tin cậy, thích hợp kết hợp với các chỉ báo đo lường thừa hưởng từ các nghiên cứu trước để đo lường yếu tố văn hóa bản địa.

Thứ tư, các nghiên cứu trước đều đã chỉ ra sự tác động của yếu tố “chất lượng điểm đến” đến sự hài lòng của khách du lịch. Tuy nhiên, trong du lịch cộng đồng, người dân địa phương là đối tượng chính cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Do đó, sự hài lòng của du khách trong du lịch cộng đồng không chỉ bị tác động bởi yếu tố hình ảnh điểm đến mà là tổng thể các yếu tố thuộc điểm đến như: Môi trường tham quan, cơ sở vật chất, văn hóa bản địa, điều kiện tự nhiên, giá cả du lịch. Đây là kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được khi phân tích mô hình nghiên cứu.

Thứ năm, nghiên cứu của tác giả đã mở rộng các thành phần khác nhau của đặc điểm nhân khẩu học của du khách (giới tính, tuổi, thu nhập…). Việc xác định mô hình nghiên cứu của luận án đã kế thừa có chọn lọc những yếu tố cấu thành chất lượng điểm đến du lịch, các thuộc tính của văn hóa bản địa. Trên cơ sở tổng hợp, kế thừa các mô hình nghiên cứu đã công bố kết hợp thảo luận ý kiến chuyên gia nghiên cứu về văn hóa du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc nên các yếu tố trong mô hình đề xuất có tính đại diện cao và phù hợp với đặc điểm du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc.

Về phương diện thực tiễn:

Nghiên cứu này góp phần giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, các công ty du lịch, những người dân kinh doanh du lịch và cộng đồng người dân vùng Tây Bắc biết được cảm nhận của khách du lịch cộng đồng



về các sản phẩm của du lịch cộng đồng tại địa phương, biết được yếu tố nào khách hàng hài lòng và yếu tố nào chưa hài lòng để họ có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhằm tăng cường thu hút khách du lịch cộng đồng tại vùng Tây Bắc.

Nghiên cứu đã đề xuất các khuyến nghị có căn cứ khoa học, có tính khả thi và hiệu quả nhằm nâng cao mức độ hài lòng của du khách khi tham gia du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc với mục đích phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ góp phần bổ sung và cung cấp một nguồn tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về sau để nâng cao hình ảnh du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc.

1.6 Kết cấu của luận án

Ngoài lời cam đoan, mục lục, danh mục từ viết tắt, danh mục bảng, danh mục hình, danh mục các công trình liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của Luận án được kết cấu bao gồm 5 chương:

Chương 1: Giới thiệu chung về nghiên cứu.

Chương 2: Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết. Chương 3: Phương pháp nghiên cứu.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu. Chương 5: Đề xuất khuyến nghị.


Tiểu kết chương 1


Trong chương 1, tác giả trình bày lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu, tổng hợp những mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án. Bên cạnh đó, căn cứ vào phạm vi nghiên cứu, tác giả trình bày đối tượng và giới hạn nghiên cứu về thời gian và không gian. Với những mục tiêu nghiên cứu đặt ra và trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá những công trình nghiên cứu đi trước, tác giả đã tổng hợp những đóng góp dự kiến của luận án cả về mặt lý luận và thực tiễn.



CHƯƠNG 2

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT


2.1 Tổng quan các nghiên cứu có liên quan

Du lịch cộng đồng ra đời từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, bắt nguồn từ: (1) Về phía cầu: Những tác động tiêu cực của loại hình du lịch đại chúng (Mass Tourism) như môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, hủy hoại; sự giao thoa, biến đổi văn hóa tại các điểm đến; các vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội hay những mâu thuẫn giữa các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch với người dân bản địa; Mặt khác, cùng với sự phát triển của kinh tế - văn hóa - xã hội nhu cầu du lịch đa dạng hơn; các khám phá ngày càng có chiều sâu văn hóa đặc trưng hơn so với trước đây; (2) Về phía cung, các nước đang phát triển càng ngày, càng nhận thức tốt hơn và tạo ra nhiều điều kiện cơ sở hạ tầng tự nhiên - xã hội có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có một số công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch cộng đồng, ảnh hưởng của nó đến sự hài lòng của khách du lịch cụ thể như sau:

2.1.1 Nghiên cứu về du lịch cộng đồng

Du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Loại hình du lịch này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà kinh tế, nhà quản lý, nhà khoa học trên thế giới.

Nhóm tác giả Rojan Baniya, Unita Shrestha và Mandeep Karn (2018) đã triển khai nghiên cứu về du lịch cộng đồng tại Nepal. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng có vai trò quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra những biến đổi tích cực đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội. Những du khách tham gia du lịch cộng đồng thường có sức khỏe tốt hơn, hài lòng với cuộc sống và gắn kết cộng đồng tốt hơn. Du lịch cộng động góp phần kích thích kinh tế địa phương phát triển, nâng cao nhận thức giữ gìn các di sản văn hóa, truyền thống, góp phần bảo tồn các nét đẹp của văn hóa truyền thống địa phương, tạo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh và sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại Nepal còn gặp nhiều thách thức do thiếu cơ chế phù hợp, thiếu sự tham gia của chính quyền địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Nhìn chung, kết



quả nghiên cứu đã góp phần gắn kết các dịch vụ du lịch với cộng đồng dân bản địa, góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.

Nghiên cứu của tác giả Vikneswaran Nair và Amran Hamzah (2015) về du lịch cộng đồng được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp dựa trên những bài học kinh nghiệm và thực tiễn trong mười nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), cụ thể là Úc, Canada, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines và Việt Nam. Dựa trên các phân tích mười trường hợp cụ thể, nghiên cứu đã khuyến nghị chín giải pháp để phát triển và duy trì loại hình du lịch cộng đồng. Chín giải pháp này được chia thành hai nhóm: phát triển du lịch cộng đồng và duy trì du lịch cộng đồng: bốn giải pháp đầu tiên liên quan đến việc xây dựng các sáng kiến, các dự án du lịch cộng đồng; năm giải pháp tiếp theo được đưa ra nhằm gia tăng tính bền vững của các dự án du lịch cộng đồng, giúp các dự án phát triển và dần chuyển lên chuỗi giá trị. Các giải pháp đề xuất được trình bày chi tiết và được hỗ trợ bởi các mô hình phát triển từ các nghiên cứu trường hợp. Nghiên cứu đã chứng minh khả năng tồn tại lâu dài của loại hình du lịch cộng đồng và đưa ra các giải pháp để phát triển và duy trì trong dài hạn. Tuy nhiên, nghiên cứu tiếp cận chỉ ở khía cạnh quản lý nhà nước nên chưa làm nổi bật các hành vi của khách du lịch khi tham gia du lịch cộng đồng.

Tác giả Eylla Laire M. Gutierrez (2019) đã nhận định những năm gần đây du lịch liên tục phát triển như một ngành công nghiệp quan trọng tạo ra sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Philippines. Gắn liền với thành công của du lịch là sự tham gia của cộng đồng xung quanh các điểm du lịch. Do đó, các dự án du lịch dựa vào cộng đồng đã xuất hiện và phát triển đem lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các địa phương. Thực hiện nghiên cứu, tác giả tiến hành điều tra, đánh giá xem liệu du lịch cộng đồng có đạt được mục tiêu giải quyết sự phân phối lợi ích công bằng và không gây ra tác động tiêu cực đến phát triển du lịch tại Philippines hay không. Nghiên cứu tìm hiểu cụ thể tại điểm đến du lịch cộng đồng gồm: Khu nghỉ dưỡng El Nido, khu du lịch sinh thái Bojo Aloguinsan và khu du lịch di sản Kawit để hiểu cách thức tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển điểm đến du lịch ở Philippines. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các điểm du lịch cộng đồng đều có giá trị văn hóa và trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, các điểm du lịch này không còn tính mới lạ, đặc sắc, hấp dẫn với du khách. Có nhiều sản phẩm tại các điểm du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn suy thoái như dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng. Do đó, tại các điểm du lịch cộng đồng nghiên cứu, du lịch đã không phát huy tốt vai trò là công cụ bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của địa phương.



Nhóm tác giả Tomás López-Guzmán, Sandra Sánchez-Cađizares và Victor Pavón (2011) khẳng định, du lịch dựa vào cộng đồng đang nhận được sự quan tâm của khách du lịch và dần thay thế cho du lịch đại chúng. Loại hình du lịch này giúp gia tăng sự gắn kết với cộng đồng địa phương và đem lại những thử nghiệm khác biệt cho du khách. Trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả thực hiện tại El Salvador để khảo sát ý kiến mà người dân bản địa về các cách thức làm hài lòng du khách thông qua: lòng hiếu khách, các tài nguyên sinh thái, hạ tầng, cơ sở vật chất… Kết quả nghiên cứu cho thấy, cộng đồng địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của du lịch cộng đồng trong phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân bản địa, tuy nhiên việc thiếu kỹ năng phục vụ du khách của người dân phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch cộng đồng tại địa phương.

Sue Beeton (2006) đã cung cấp hệ thống lý thuyết cơ bản về du lịch và các vấn đề liên quan đến gắn kết cộng đồng trong phát triển du lịch tại các địa phương. Trước tiên, tác giả thực hiện phân tích sự phát triển của cộng đồng địa phương thông qua việc kết hợp hiệu quả giữa quy hoạch cộng đồng, lập kế hoạch kinh doanh và quy hoạch du lịch. Tác giả cũng đã đưa ra những lý thuyết xác đáng về du lịch dựa trên cộng đồng và hoạt động kinh doanh nhằm chuyển từ khâu lập kế hoạch chiến lược sang trao quyền cho người dân tạo điều kiện để họ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Nghiên cứu là tài liệu cần thiết cho các nghiên cứu về du lịch cộng đồng, tuy nhiên nghiên cứu tập trung nhiều vào quá trình hình thành các dự án du lịch mà chưa làm nổi bật các giải pháp duy trì phát triển du lịch cộng đồng.

Các tác giả Tosun, C. and Timothy, D. (2013) đã đưa ra mô hình chuẩn để quy hoạch, hình thành các dự án du lịch cộng đồng thông qua việc kết hợp ba vấn đề: Lập kế hoạch - Tăng trưởng - Hợp tác (viết tắt là “PIC” Planning, Incremental, Collaborative). Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng nhấn mạnh mô hình này không dùng để thay thế cho phương thức lập kế hoạch theo kiểu truyền thống mà chỉ nên ứng dụng trong một bối cảnh vĩ mô nhằm giúp các bước lập kế hoạch diễn ra một cách hợp lý và toàn diện. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng khẳng định những nguyên tắc của mô hình sẽ đem lại hiệu quả hơn khi các thành viên trong cộng đồng được phép và được khuyến khích tham gia vào việc quy hoạch phát triển du lịch, các thành viên có sự gắn kết chặt chẽ, đặc biệt là cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương nơi có tài nguyên du lịch cộng đồng.

Nhóm tác giả Shalini Singh, Dallen J. Timothy và Ross K. Dowling (2009) đã đề cập đến những tác động của hoạt động du lịch lên ba khía cạnh của điểm đến du lịch bao gồm: môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội và kinh tế, trong đó trình bày



mối quan hệ giữa du lịch với cộng đồng địa phương nơi có tài nguyên du lịch - khái niệm du lịch cộng đồng điểm đã được cụ thể hóa trong nghiên cứu này. Bên cạnh đó, từ nghiên cứu, nhóm tác giả cũng nhấn mạnh những tác động của du lịch lên cộng đồng địa phương từ đó chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng trong phát triển du lịch. Dựa trên những tác động tích cực và tiêu cực của du lịch, đề tài xây dựng bảng câu hỏi khảo sát người dân bản địa nhằm tìm hiểu nhận thức của người dân và mức độ ủng hộ của họ đối với việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Tác giả Rocharungsat Pimrawee (2015) đã tìm ra những quan điểm khác nhau của các bên tham gia trong hoạt động du lịch cộng đồng dựa trên thuyết các bên liên quan và thuyết đại diện xã hội nhằm phát triển du lịch cộng đồng thành công hơn trong tương lai. Tác giả nhấn mạnh để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng có định hướng và mang tính lâu dài không hề đơn giản, thách thức lớn nhất xuất phát từ chính cộng động nơi có tài nguyên du lịch, đây là những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng địa phương hay với thành viên bên ngoài. Vì vậy, tác giả đề xuất để duy trì và phát triển du lịch cộng đồng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ chế chính sách phù hợp.

Tác giả Sotear Ellis (2011) cho rằng phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình du lịch cộng đồng thường gặp phải thách thức bởi vấn đề nhận thức của các bên liên quan. Sự hiểu biết về mặt lý thuyết của các bên liên quan đối với loại hình du lịch cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự am hiểu, diễn giải của số đông các nhà nghiên cứu mà trong đó phải kể đến là vô vàn các khái niệm, thuật ngữ trong tài liệu học thuật. Tác giả nghiên cứu hai nhóm liên quan chính trong việc triển khai thực tế mô hình du lịch cộng đồng tại Cambodia gồm nhóm bên trong (Internal: NGOs, Supranational agencies, Acamendia, Government (national), Industry (global)) và nhóm bên ngoài (External: NGOs (onsite), Tourists (onsite), Industry (local), Community, Government (local)); nhận thức về du lịch cộng đồng của nhóm bên ngoài thì gây ra thách thức về mặt lý thuyết trong khi đó nhóm bên trong thì gây ra thách thức về mặt thực hành bởi phụ thuộc vào đặc điểm riêng biệt về điều kiện tự nhiên cũng như bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng. Từ những thách thức qua nghiên cứu, tác giả rút ra các tác động của hai nhóm liên quan đến du lịch cộng đồng và đề xuất mô hình phù hợp để triển khai du lịch cộng đồng thông qua việc khắc phục những thách thức đã nêu.

Commonweath of Autralia (1991) cho rằng du lịch cộng đồng là một động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế và đem lại những lợi ích văn hóa, xã hội cho cộng đồng dân cư, tuy nhiên du lịch cộng đồng bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó tác động mạnh nhất là yếu tố văn hóa bản địa, phong tục tập quán của điểm đến du lịch. Vì vậy

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí