Nghiên cứu các chức năng hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Tây và những ảnh hưởng của phát triển đô thị tới các chức năng đó - 13

Phụ lục 4. Một số làng nghề xưa ở ven Hồ Tây 1). Làng nghề giấy kẻ Bưởi Yên Thái.

Vùng Bưởi có nhiều làng nghề, trong đó có 2 nghề nổi tiếng là dệt lĩnh (làng Bái Ân, Trích Sài) và làm giấy dó (Hồ Khẩu, Yên Thái). Làng nghề giấy dó Yên Thái, cũng được gọi là kẻ Bưởi, ở phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội. Không biết nghề làm giấy dó ở vùng này xuất hiện từ bao lâu rồi, nhưng nó đã nổi tiếng và đi vào ca dao thành một điểm đặc trưng cho các làng nghề ở đất Thăng Long – Hà Nội.

Ngay đến ông Tổ nghề giấy cũng không rò họ tên gì? Mặc dù vẫn được thờ phụng trong các làng làm giấy xưa. Từ trước thế kỷ XIII, nghề làm giấy đã có tại thôn Dịch Vọng. Sau đó, nghề này lan truyền dần qua các địa phương ven sông Tô Lịch như: Yên Hòa (tục gọi là làng giấy), Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Nghĩa Đô, trong đó tập trung và phát triển nhất là thôn Yên Thái. Cho đến khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long thì nghề này ở làng Yên Thái đã phát triển mạnh. Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Trong sách “Dư địa chí” (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến Phường Yên Thái ở Thăng Long gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ…

Thời xưa, làng nghề này đã cung cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thnahf một trong những nét đặc trưng của Kinh kỳ.

Đến nay khi nói về một thời tiếng chày Yên Thái vang vọng đêm Hà thành, vẫn không ít người không khỏi ngậm ngùi. Họ vẫn tiếc vì đã mất đi một vùng nghề truyền thống.

Ngày nay, do công nghệ sản xuất giấy hiện đại đã khiến nghề làm giấy cổ truyền của Yên Thái mai một, không còn nữa, nhưng làng Yên Thái (làng Bưởi) vẫn còn đó như một chứng tích về một vùng quê với nghề giấy dó từng nổi tiếng khi xưa.

(2). Nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy


Từ xa xưa, nghề dệt ở vùng Bưởi và Cầu Giấy có chung một nguồn gốc nhưng qua

nhiều chặng đường lịch sử khác nhau. Gần 4 thế kỷ các thời Lý, Trần, Hồ, nghề dệt vùng Bưởi luôn được duy trì để phục vụ may mặc cho vua quan và dân chúng ở kinh đô. Đầu thế kỷ XV và đầu thế kỷ XX, nghề dệt ở Bưởi và Cầu Giấy có phần giảm sút do nhà Minh tàn phá và sau này là do giao thông chưa phát triển. Phải đến thời kỳ từ năm 1936 đến 1940 nghề dệt ở 2 vùng này mới phát triển đầy ưu thế so với thời kỳ từ 1945 trở về trước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Phải chờ đến khi tiếp quản Thủ đô (1954), với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và cho đến nay, nghề dệt mới ổn định và phát triển: máy móc được nhập vào và sửa chữa, các hợp tác xã lần lượt chuyển lên cao cấp, dây chuyền sản xuất được chuyên môn hóa….

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại giữa nước ta và các nước khác được mở rộng hơn nhiều. Nếu được sự giúp đỡ về tiền vốn của nhà nước để cải tiến kỹ thuật, có cơ quan xuất khẩu đặt hàng với giá cả hợp lý, tổ chức liên hiệp nghành dệt ký kết được các hợp đồng với nước ngoài… chắc chắn rằng chúng ta sẽ thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ từ những sản phẩm dệt xuất khẩu.

Nghiên cứu các chức năng hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Tây và những ảnh hưởng của phát triển đô thị tới các chức năng đó - 13

(3). Nghề đúc đồng Ngũ Xã


Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Ngũ Xã nổi lên như một bán đảo nhỏ nép mình bên hồ Trúc Bạch. Đây chính là nơi sản sinh ra biết bao các sản phẩm đồng thau cực kỳ tinh xảo cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ đồ đồng của thnhf Thăng Long xưa.

Ngũ Xã nghĩa là 5 làng. Sử sách ghi lại rằng, vào khoảng thời Lê (1428 – 1527), dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Lonh Thượng, Điện Tiền và Đào Viên (mà tên nôm là các làng Hè, Rồng, Dí Thượng, Dí Hạ….) thuộc huyện Văn Lâm – Hưng Yên và Thuận Thành – Bắc Ninh, vốn có nghề đúc đồng đã về kinh thành để lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại đây, họ đã sinh cơ, lập nghiệp và tạo dựng làng mới trên đất Thăng Long nên mới lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình. Về sau tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã nằm ở phía đông hồ Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình.

Nói đến Ngũ Xã là nói đến tài năng của thợ đúc đồng Việt Nam. Những sản phẩm của họ ra đời trong suốt gần 500 năm nay đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng,

tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc. Một trong những sản phẩm nổi tiếng, mang tính nghệ thuật cao của thợ đúc đồng Ngũ Xã là chuông và tượng đồng. Chuông là một nhạc cụ đặc biệt, khi gò âm thanh phải vang ngân, do đó đòi hỏi các phần của chuông phải có độ dày mỏng khác nhau. Vì thế, từ khâu làm khuôn đến pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng vào khuôn đều phải tuân theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt và tinh vi, nhiều khi là bí quyết nhà nghề.

Tượng đồng cũng là sản phẩm khá nổi tiếng của Ngũ Xã, tiêu biểu là pho tượng Adiđà đúc vào năm 1952 ở chùa Thần Quang, ngay trên đất làng này. Tượng ở tư thế ngồi bằng, hình khối đơn giản nhưng hài hòa. Tượng cao 3m95, chu vi tượng 11m60, toàn bộ pho tượng nặng trên 10 tấn, tọa lạc trên tòa sen bằng đồng 96 cánh. Đây là một tác phẩm bằng đồng kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế trên mọi phương diện. Tượng được bố cục hài hòa, hợp lý. Vẻ mặt đức Phật hiền từ, trầm tĩnh, gần gũi. Từ thân hình, dáng ngồi đến nếp áo đều toát lên sự trầm lắng, sâu xa nhưng lại giống như người thực. Điều đó thể hiện quan niệm nhân sinh trong truyền thống tạc tượng Phật Việt Nam. Để có bức tượng, các nghệ nhân ở đây đã phải ròng rã gần 4 năm trời, từ 1949 – 1952. Nét độc đáo thể hiện bí quyết “chém cột nhà” là bức tượng được đúc rỗng liền một khối – một kỹ thuật bí truyền.

Ngoài chuông và tượng Phật Di Đà, người thợ đúc đồng Ngũ Xã còn để lại hàng loạt tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng, được coi là kiệt tác của nghệ thuật đồng thau Việt nam như: pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ tọa lạc tại đền Quán Thánh được đúc năm 1677 có trọng lượng 3.624 kg, cùng những đồ thờ bằng đồng như lư hương, chân đèn, hạc đồng… vốn được coi là các cổ vật quí.

Ngày nay, chẳng còn mấy cơ sở đúc đồng hoạt động vì đồng quá hiếm, giá cực kỳ đắt, giá nhiên – vật liệu cũng không rẻ gì. Trong gia đình, ngoài phố phường, chợ búa vắng dần bóng đồ đồng. Nghề đúc đồng đang mai một, nghệ nhân cao tuổi dần dần mất đi. Địa phương và nhà quản lý cần phải có chủ trương cấp bách và hợp lý để duy trì nghề thủ công truyền thống hết sức quí báu này.

(4) Làng hương Yên Phụ


Làng Yên Phụ nằm ven Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Yên Phụ nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như trồng cây cảnh, nuôi cá cảnh, trồng hoa…và đặc biệt

là nghề làm hương truyền thống. Hương Yên Phụ cách đây vài chục năm không chỉ nổi tiếng đất kinh kỳ, mà tiếng thơm của nó còn lan truyền khắp đất Bắc.

Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân Yên Phụ quyết tâm khôi phục lại làng nghề truyền thống của quê hương. Nhờ đó, nghề làm hương đã trở lại với nhiều hộ gia đình, người lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng / tháng.

Tới Yên Phụ mùa hương, người ta thấy một làng nghề truyền thống mấy lâu nay bị lãng quên đang dần hồi phục. Yên Phụ mang trong mình một sức sống mới, sức sống của một làng nghề truyền thống. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi hiện nay không ít làng nghề truyền thống của nước ta đang bị mai một và mất đi.

(5). Làng cá cảnh


Ở Hà Nội hiện có 2 làng có nghề nuôi cá cảnh, đó là làng Yên Phụ và làng Nghi Tàm. Trước hết, hãy đến với làng Yên Phụ. Từ xa xưa, nghề nuôi cá đã có ở làng Yên Phụ (Tây Hồ), đây cũng là thị trường có tiềm năng tiêu thụ cá cảnh. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nghề nuôi cá cảnh ở làng Yên Phụ đạt đến thời kỳ hưng thịnh, đâu đâu cũng thấy người nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nên quỹ đất dành cho phát triển nghề này cũng giảm dần. Hiện tại ở làng chỉ còn khoảng hơn 20 hộ nuôi và kinh doanh cá cảnh, chủ yếu là cá cảnh nhập về. Anh Quách Lợi ở làng cho biết: cá cảnh ở đây nhập về từ thành phố Hồ Chí Minh, Trung Quốc…Làng Yên Phụ bây giờ còn rất ít đất để duy trì và phát triển nghề nuôi cá cảnh truyền thống, ngoài cá nhập từ các nơi kể trên, dân làng chuyển giao cho những người ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định nuôi và nhập lại cá từ họ. Loại cá cảnh nổi tiếng nhất của làng Yên Phụ là cá rồng và cá la hán. Đắt nhất là cá rồng, giá 1 con có thể lên đến 3.000 USD, tùy màu sắc và dòng giống.

Nghi Tàm, một làng cổ cũng ở ven Hồ Tây từng nổi danh với nghề trồng hoa, cây thế, cây cảnh. Nhưng Nghi Tàm hôm nay còn được biết đến với nghề nuôi cá cảnh. Mặc dù sau những cơn sốt đất, diện tích đất để xây bể nuôi cá cảnh bị thu hẹp nhường diện tích cho nhà hàng, khách sạn mở rộng ra nhưng nghề nuôi cá cảnh ở đây vẫn còn giữ một vai trò nhất định. Người làng cho biết: Nghi Tàm trước đây nuôi cá cảnh để mưu sinh, kinh doanh cá cảnh thì cũng chỉ mới vài ba chục năm nay. Có thời điểm cả làng nuôi cá cảnh, nhưng hiện chỉ còn hơn 10 hộ theo nghề.

Mỗi gia đình đều có bí mật riêng, gia truyền, từ cách chọn giống cho đến nuôi, phương pháp làm cho cá chóng lớn, khỏe và đẹp. Có người còn cầu kỳ học trong sách vở, đi tìm người giỏi để học cách lai tạo giống mới. Người làng Nghi Tàm hầu như chỉ nuôi cá cảnh nội mà không chạy theo mốt ngoại, phổ biến nhất là nuôi cá chọi, cá vàng, cá thần tiên. Các giống cá này để bán cho những người chơi ít tiền, chỉ mua về xem chọi, xem bơi cho vui mắt, nhất là lũ trẻ đỡ ra phơi nắng. Khách hàng từ khắp nơi đổ xô về mua cả nghìn con. Cá cảnh Nghi Tàm tương đối rẻ, cá chọi khoảng vài nghìn đồng 1 con, còn cá vàng, cá thần tiên, kiếm, mún… thì tùy thuộc vào kích cỡ, màu sắc và chủng loại. Nhưng nhìn chung, giá cả hợp lý. Ở Hà Nội, hầu hết các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm…đều “lấy buôn” cá cảnh Nghi Tàm. Nuôi cá cảnh ở Nghi Tàm cũng đã qua nhiều thế hệ. Dân làng thường kể tên các Bác Nguyễn Bội, Nguyễn Luân, Nguyễn Hữu Tài…như những người mở đầu nghề kinh doanh cá cảnh.

(6). Làng Đào Nhật Tân


Ở Hà Nội, từ ngàn năm nay , chơi hoa ngày Tết là một trong những thú thanh tao nhất. Trong cả nước, không ở đâu có nhiều làng trồng hoa như ở Hà Nội. Trồng hàng trăm loại hoa Tết. Và cũng chẳng có gì hơn được quất và đào Hà Nội. Không ở đâu lại có những dòng sông hoa đủ màu sắc trôi trên các ngả đưòng dẫn tới nội thành thủ đô trước mỗi Tết nguyên đán.

Nghề hoa quanh khu vực Hồ Tây chỉ còn hai làng : Nhật Tân chuyên về đào, Quảng Bá chuyên về quất. Những loài hoa khác trồng xen kẽ không đáng kể. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nguồn gốc sâu xa, hai làng này, dẫu là " chuyên" vẫn không phải " đất tổ " của cây đào, cây quất.

Một người dân trồng hoa có uy tín ở Quảng Bá cho biết: " Vốn xưa kia, cây đào bích chính quê ở làng Phú Thượng và cây quất ở làng Tây Hồ kia. Bởi vì đất trồng đào phải là đất "củ" ( đất sét gan gà) đào chỉ ra được rễ ngang, không có màu cho cây ăn, cây sẽ cằn, mắt nhặt , thì hoa mới sai. Nhưng cành thì lại phải tơ, không được " bỡi", hoa mới lâu tàn và thắm sắc." Đất của bãi Phúc Xá, chính là chất đất như vậy. Đào Nhật Tân chỉ mới phát triển sau này. Song, bây giờ nhắc đến đào và quất. Hẳn không còn mấy ai nhớ đến hai làng vừa kể.

Ai là người quá thiết tha với cây đào, cây quất. Vì quá yêu sắc đỏ thắm say đắm của hoa đào, xin hãy thử một lần phóng xe trên con đưòng nhựa nối liền đê Yên Phụ. Đua mắt nhìn hai bên làng Quảng Bá sẽ biết. Phía Hồ Tây, hầu như các biệt thự, các khách sạn mini và chẳng mini đã ken dầy san sát . Thảng hoặc còn mảnh ao hồ nào còn sót lại , thì sẽ thấy ô tô xe tải hối hả chở đất sông Hồng về san nền lấp kín. Tấc đất ở đây giá trị hơn tấc vàng nhiều. Cứ tính bình quân 50.000đ một cây quất chẳng hạn. Thì người dân nơi đây phải mất 90 năm mưa nắng thuận hòa mới thu được số tiền bằng tiền bán một mét vuông đất. Bởi vì, mỗi năm một vụ, mà một mét vuông đất cũng chỉ trồng đựoc vẻn vẹn một cây quất mà thôi. Chắc hẳn, chẳng ai chịu dại đến ba đời như vậy để sống chết với cái nghề trồng quất. Từ đó mà suy ra, làng đào Nhật Tân sẽ ra thế nào.

(7). Làng nghề Nghi Tàm


Nghi Tàm thuộc quận Tây Hồ, vốn là một phường cổ trong 36 phường hợp thành kinh đô Thăng Long đời Lê. Vùng đất này nay nổi tiếng về nghề hoa, cây cảnh nhưng trước đây đã từng là làng đánh cá, dệt lụa…

Làng ở ven Hồ Tây nên không chỉ có nghề trồng dâu nuôi tằm mà từ xưa vẫn có nghề đánh cá. Nếu thời Lý ở đây là phường nổi tiếng về tơ tằm thì đến thời Trần với cái tên phường Tích Ma là nơi có nghề se gai, dệt lưới để đánh cá. Trước năm 1945, nhân dân ở đây vẫn tự dùng sợi gai tơ, làm các loại lưới, te, xiếc… và những dụng cụ đánh bắt cá khác. Người Nghi Tàm ít đánh chài mà thường thả lưới. Nghi Tàm có một nghề đặc biệt là nghề bẫy các loài chim. Ngoài các giống chim thường xuyên đến kiếm ăn ở Hồ Tây còn có các loài chim di thực đến mùa rét mới về vùng này. Các loài chim trước kia thường thấy là vịt giời, le le, hia, bồ nông, cốc, cò, mòng, két, uyên và đặc biệt là chim sâm cầm (đặc sản của Hồ Tây). Đáng tiếc những giống chim vừa kể hiện nay ít xuất hiện ở Hồ Tây, nhất là chim sâm cầm.

Làng còn có nghề trồng quất. Lúc đầu người trồng chỉ biết cắt quả bán, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán để bày mâm ngũ quả hoặc làm mứt. Dần dần qua thực tiễn, người làng Nghi Tàm có kinh nghiệm là khi đánh cây quất từ chỗ này ra chỗ khác trồng không những cây ra nhiều quả mà quả lại rất đẹp nên mới nảy ra sáng kiến đánh cây quất vào chậu để chơi Tết. Để có chậu quất đẹp không đơn giản, đòi hỏi

kỹ thuật khá tinh xảo của người trồng. Từ việc chiết cành tới việc “làm quả”, “giữ quả”; đặc biệt là khâu “đảo quất”. Đó là vào khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch, chọn những ngày nắng ấm mới lại đào cây quất lên đem ra chỗ khác trồng gọi là “đảo quất”. Thời gian đảo phải tính toán thế nào để cho cây ra quả sai và chín rộ đúng vào dịp Tết. Để quả phân bố đều, đẹp thì còn phải có kỹ thuật cấy quả… Khó là vậy nhưng người Hà Nội vẫn thích kén những cây không những có nhiều quả đẹp, lá xanh mà còn phải có “lộc”, có hoa mới mua. Tóm lại vì những khó khăn, phức tạp ấy mà nhiều năm nay Nghi Tàm không còn là làng trồng quất mà đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh.

Trồng hoa là nghề cũng có từ lâu đời ở Nghi Tàm nhưng hiện nay đã được nâng lên thành một nghệ thuật kế thừa và nâng cao nghệ thuật chơi hoa, cây cảnh lâu đời của người Việt Nam ta. Hơn nữa hoa và cây cảnh ở Nghi Tàm ngày nay bước đầu đã trở thành sản phẩm hàng hóa. Nhiều gia đình ở đây đã đầu tư khá lớn vào nghề này, không những họ trực tiếp trồng mà còn buôn hoa, cây cảnh. Đến Nghi Tàm thường không gặp những cô “gánh hàng hoa” như các câu ca dao mấy chục năm về trước mà hoa, cây cảnh phần nhiều do những người trẻ, khỏe đèo xe máy, xe đạp đem ra nhiều điểm bán ở nội thành. Khách mua có lúc gồm cả các cơ quan, khách sạn, ngoại kiều… về mua khá nhộn nhịp (hanoi 36 phophuong).

Hàng năm giá trị kinh tế từ sản phẩm làng nghề của cả nước mang lại ước đạt 600 triệu USD. Bên cạnh đó, làng nghề còn giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Vậy mà cho đến thời điểm hiện tại, đa số nghề xưa ở Hà Nội đã thay đổi, có nghề cũ mai một hay teo tóp đi, xuất hiện thêm những ngành nghề mới hiện đại. Ngày trước sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề, phố nghề, nay sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy, xí nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại. Duy chỉ có cái tinh thần “khéo tay hay nghề” là chẳng bao giờ mất. Qua khảo sát tại các làng nghề, phố nghề thì hiện nay các nghệ nhân cao tuổi ngày càng thưa vắng, lớp trẻ ít gắn bó với nghề truyền thống, lại không được đào tạo đến nơi đến chốn đã làm giảm sút hàm lượng văn hóa trong sản phẩm nghề truyền thống. Sản phẩm không còn được chú ý khắt khe về chất lượng như trước đây. Đầu ra của sản phẩm truyền thống bị bế tắc, không có thị trường tiêu thụ khiến người dân phải tìm nghề khác để mưu sinh.Đất

đai thì dành cho nhà hàng, khách sạn là chủ yếu, những cánh đồng hoa, cây cảnh chìm trong nền đất xây dựng, bị cuốn vào cơn lốc thương mại hóa, đô thị hóa.…

UBND quận Tây Hồ và phòng văn hoá của quận đã có chủ trương khai thác di tích gắn với phát triển du lịch Hồ Tây:

- Đầu tư tôn tạo, phục hồi các di tích, cắm mốc giới, di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực I di tích đã được xếp hạng.

- Xây dựng tour du lịch quanh Hồ Tây bằng việc đưa du khách đến thăm các ngôi chùa, phủ liền kề. Dạo vòng quanh hồ bằng thuyền, để chiêm ngưỡng những thế đất hình phượng, hình rồng....

- Tham quan các làng nghề truyền thống, các hoạt động văn hoá cổ truyền, độc đáo.


Đây sẽ là một cách làm rất hiệu quả vừa gắn với phát triển kinh tế của quận, vừa thúc đẩy mọi người góp sức giữ gìn Hồ Tây và vùng văn hóa xung quanh. Đồng thời, cũng là một cách để cụ thể hóa những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng là xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Với một số lượng lớn các công trình di tích lịch sử, là nơi tập trung lượng lớn người dân và du khách. Người dân tại địa phương đã tận dụng lợi thế này để buôn bán….. mang lại thu nhập ổn định.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/06/2022