Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai 1991 - 2018 - 2

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Theo quan niệm Mácxít - Lêninnít, đối tượng của khoa học lịch sử không phải là những sự kiện riêng lẻ, tách rời khỏi sự phát triển chung, hợp quy luật của xã hội loài người mà “Đối tượng của khoa học lịch sử là quá trình phát triển thực tế của xã hội loài người, cũng như từng nước, từng dân tộc, trong toàn bộ tính thống nhất, tính phức tạp, tính muôn màu muôn vẻ của nó” [59, tr.77-78]. Như vậy, khoa học lịch sử nghiên cứu mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa, lịch sử địa phương,…. Do đó, lịch sử ngành cũng là một trong những đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử.

Văn hóa, thể thaodu lịch là một ngành đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực đóng vai trò trọng yếu như “là động lực của mọi sự phát triển”, “là ngành kinh tế mũi nhọn”, có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng. Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai luôn là đơn vị dẫn đầu trong số các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc. Các di sản văn hóa Lào Cai được bảo tồn, phát huy và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Lào Cai trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong số các tỉnh ở miền Bắc có cách làm sáng tạo trong thực hiện bảo tồn văn hóa truyền thống. Thể thao Lào Cai có mặt tại các đấu trường khu vực và quốc tế, Lào Cai trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến miền Bắc Việt Nam. Những thành tựu của văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai rất cần được đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu để có những đánh giá sát thực, đúc rút những bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, việc tìm hiểu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai nhằm kết nối lại những chặng đường lịch sử của một ngành đa lĩnh vực, để dựng lại bức tranh lịch sử của ngành từ khi ra đời với từng lĩnh vực riêng lẻ, với những tên gọi khác nhau đến khi “về chung một nhà”. Qua đó, các thế hệ cán bộ của ngành thấy được truyền thống vẻ vang của ngành.

Việc nghiên cứu về ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp phần đánh giá những đóng góp của văn hóa, thể thao, du lịch đối với sự phát triển chung của tỉnh Lào Cai. Qua đó, giúp cho chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đúc rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới.

Là giáo viên Lịch sử đang giảng dạy ở trường phổ thông, tôi luôn quan tâm tìm hiểu những vấn đề lịch sử, văn hóa của tỉnh Lào Cai. Việc tìm hiểu, nghiên cứu về ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai không những giúp tôi có thêm kiến thức mà còn trang bị thêm nguồn tư liệu quan trọng khi giảng dạy về văn hóa, lịch sử địa phương Lào Cai trong trường phổ thông.

Với những lý do trên, tôi đã chọn đề tài “Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (1991-2018)” làm luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.

Liên quan đến chủ đề ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (1991- 2018) đã có một số công trình nghiên cứu, có thể chia làm 02 nhóm:

Những nghiên cứu về Lào Cai, văn hóa, du lịch của Lào Cai

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai 1991 - 2018 - 2

Tác phẩm Hưng hóa phong thổ lục ký của Hoàng Bình Chính (1778) đã khái quát về lịch sử địa thế, sông núi, thổ sản và phong tục tập quán toàn xứ Hưng Hoá lúc đó, trong đó có phong tục tập quán của các tộc người ở châu Thủy Vĩ, châu Văn Bàn (địa phận Lào Cai hiện nay).

Cuốn Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật (1856) là tập địa chí đầu tiên ghi chép một cách tỉ mỉ, chi tiết về tỉnh Hưng Hóa xưa (trong đó có tỉnh Lào Cai ngày nay). Trong mục V của cuốn địa chí, tác giả Phạm Thận Duật đã liệt kê những đình, đền chùa xây dựng ở địa phận tỉnh Hưng Hóa. Tác giả cũng ghi chú rõ ràng năm xây dựng, các vị thánh, thần được thờ phụng ở các điểm này. Đây là nguồn tư liệu quan trọng và cần thiết cho những người làm công tác văn hóa.

Cuốn Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của soạn giả Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư (1930) đã ghi chép khái quát về tỉnh Lào Cai như vị trí và diện tích, địa hình, sông ngòi, khí hậu, dân cư, tỉnh lỵ và các châu, sản vật, thương mại, giao thông,... Đặc biệt cuốn sách có nhắc tới nơi nghỉ mát Sa Pa của Lào Cai.

Năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn đông Bác cổ (ban biên tập gồm Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The) hoàn tất việc dịch, chú thích tác phẩm Đồng Khánh địa dư chí và công bố phần của 19 tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra. Trong cuốn địa chí này đã mô tả khái quát các đặc điểm về mặt hành chính, dân cư, ruộng đất, thuế má, sản vật, khí hậu,...của tỉnh Hưng Hóa (có châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn là địa phận Lào Cai ngày nay). Cuốn địa chí cũng đề cập đến phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tỉnh Hưng Hóa, những danh lam thắng cảnh trong tỉnh.

Cuốn sách Du lịch Lào Cai, Nxb Văn hoá Dân tộc (2000) của nhóm tác giả Trần Hữu Sơn, Nguyễn Quang Đức, Mã A Lềnh, Đức Đảm, Đoàn Hữu Nam và Đình Dũng, do Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Lào Cai xuất bản. Đây là công trình giới thiệu khái quát quá trình phát triển của lĩnh vực du lịch tỉnh Lào Cai.

Cuốn sách Địa chí Lào Cai khái lược, Nxb Văn hoá Dân tộc (2001), chủ biên Nguyễn Đức Thăng đã cung cấp những thông tin cơ bản về tỉnh Lào Cai như: diện tích, dân số, dân tộc, lịch sử, di tích, danh lam thắng cảnh và một số nét về đặc trưng về kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.

Cuốn sách Lào Cai vận hội mới được Công ty Cổ phần Hợp tác Truyền thông Việt Nam xuất bản (2005) với sự tham gia của nhiều tổ chức, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cuốn sách đã giới thiệu tổng quan về lịch sử phát triển cũng như tiềm năng, lợi thế của vùng đất Lào Cai.

Các công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch Lào Cai

Cuốn sách Lịch sử Thể dục Thể thao tỉnh Yên Bái (1946-2006) của Sở Thể dục Thể thao tỉnh Yên Bái đã đề cập đến hoạt động thể dục thể thao (TDTT) Hoàng Liên Sơn trong những năm sáp nhập 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ (1976-1991). Thể thao Lào Cai đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp TDTT của tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Cuốn sách 20 năm tái lập tỉnh Lào Cai (01/10/1991 - 01/10/2011), Nxb Công ty cổ phần In và Thương mại Lào Cai (2011) của nhóm nhiều tác giả là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Lào Cai, những nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ,…được Báo Lào Cai tổng hợp và xuất bản. Công trình gồm 4 phần nội dung chính là: Lào Cai - Thành tựu mới, Nỗ lực xây dựng quê hương Lào Cai, Chặng đường mới, Lào Cai qua tác phẩm. Cuốn sách chính là một nhật ký về kinh tế, văn hóa, xã hội trong 20 năm xây dựng và phát triển của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Cuốn sách Sơ thảo Lịch sử Thể dục thể thao Việt Nam (Nguyễn Văn Hiếu chủ biên, 2012) có độ dày hơn 500 trang, được chia làm 13 chương đã phản ánh các dấu mốc, các sự kiện lịch sử của TDTT Việt Nam qua các thời đại, thời kỳ lịch sử từ thời Vua Hùng dựng nước, đặc biệt là thời kỳ từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã đề cập tới một số thành tích của thể thao Lào Cai trong sự nghiệp phát triển chung của thể thao nước nhà. Cuốn sách cũng cho thấy các bài học chính quyết định thành công của TDTT Việt Nam

là phải nhận thức rõ mục tiêu của TDTT nước ta vì sức khỏe toàn dân để phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống; phải tạo dựng vững chắc các cơ sở nền tảng đảm bảo cho hoạt động TDTT và tổ chức tốt các hoạt động TDTT, cả TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao.

Cuốn sách Lào Cai 25 năm tái lập, đổi mới, phát triển (1991-2015) - Tầm nhìn và hành động của Tỉnh ủy Lào Cai (2015) đã khái quát lịch sử Lào Cai, những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai sau 25 năm tái lập, trong đó cũng đã điểm tới thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trên trang https://svhttdl.laocai.gov.vn/ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (SVHTTDL) tỉnh Lào Cai có bài Lịch sử phát triển Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (tác giả Trần Hữu Sơn) đã khái quát chặng đường của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai từ sau Cách mạng tháng Tám đến năm 2011 nhưng còn hết sức sơ lược. Tác giả Trần Hữu Sơn với bài Sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai sau 20 năm tái lập tỉnh trên trang http://css.hcmussh.edu.vn/ đã điểm qua những thành tựu văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai từ khi tái lập tỉnh (1991) đến năm 2011. Tác giả Hoàng Hà với bài viết “Du lịch Lào Cai phất lên nhờ công nghệ thông tin” trên trang https://ictnews.vn/. Tác giả Hồng Ninh, Cao Hương với bài “Các điểm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch đầu xuân ở Lào cai” trên trang https://bnews.vn/. Tác giả Quang Minh với bài “Xây dựng Lào Cai dẫn đầu về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở khu vực Tây Bắc” trên trang http://www.baolaocai.vn.

Văn hóa, du lịch Lào Cai còn được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ. Tác giả Nguyễn Thị Lan Phương với Luận văn Thạc sĩ kinh tế chính trị Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai. Tác giả Nguyễn Thị Nhung với Luận văn Thạc sĩ Đảng bộ tỉnh Lào Cai lãnh đạo phát triển du lịch giai đoạn 2001

- 2015. Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy với Luận văn Thạc sĩ Đảng bộ tỉnh Lào Cai lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử ở địa phương từ 2000 - 2015. Tác giả Phạm Ngọc Thắng với Luận án Tiến sĩ kinh tế Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai. Tác giả Vũ Thanh Ngọc với Luận văn Thạc sĩ Du lịch Nghiên cứu phát triển văn hóa du lịch tỉnh Lào Cai.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, SVHTTDL tỉnh Lào Cai đã ra các Nghị quyết, xây dựng và ban hành các chương trình, đề án về các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Hàng năm, hàng nhiệm kỳ, tỉnh Lào Cai đều có báo cáo, đánh giá

khái quát kết quả đạt được, ví dụ như: Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy Lào Cai (Số 03 - ĐA/TU ngày 27/11/2015); Quyết định về việc phê duyệt Đề án Năm Du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai (Số 2572/QĐ-UBND ngày 10/8/2016); Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Số 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016); Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (Số 192/BC-VHTTDL ngày 01/7/2016); Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án số 8 “Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (Số 157/BC-SVHTTDL ngày 07/6/2019); Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (Số 148/BC- SVHTTDL ngày 28/5/2019),... Những quyết định, đề án, quy hoạch, báo cáo của ngành là nguồn tư liệu quan trọng để tác giả sử dụng, kế thừa trong quá trình phân tích, đánh giá, khái quát trong luận văn.

Như vậy, những công trình nghiên cứu trên chỉ đề cập đến một khía cạnh nào đó của văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai hoặc có viết về ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai nhưng chỉ ở góc độ hết sức khái quát, sơ lược. Cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu toàn diện và đầy đủ về ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2018. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu trên đã đưa ra những nhận xét, đánh giá, đúc rút ra những định hướng cho công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở Lào Cai để tác giả luận văn tiếp thu và kế thừa trong quá trình thực hiện luận văn.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai. Trong đó, tác giả tập trung vào nghiên cứu các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Lào Cai.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Thời gian: Đề tài tập trung nghiên cứu từ năm 1991 tới năm 2018, tức là tính từ thời điểm tỉnh Lào Cai chính thức tái lập đến năm 2018 (SVHTTDL thành lập được 10 năm).

Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, cùng với các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch bước vào công cuộc xây dựng, tái thiết tỉnh nhà. Đặc biệt, kể từ năm 1991, du lịch Lào Cai bước vào giai đoạn phục hưng và mở ra những bước phát triển mới. Năm 2008, với chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng, tương hỗ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được sáp nhập và trở thành một ngành đa lĩnh vực.

- Không gian: Đề tài nghiên cứu trong phạm vi tỉnh Lào Cai từ khi tách ra khỏi tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ năm 1991 đến năm 2018, với tổng diện tích 6.364,02km2, gồm 8 huyện và 1 thành phố.

- Nội dung nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu về những hoạt động của ngành trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1. Mục đích

- Làm rõ quá trình ra đời, phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Làm rõ những thành tựu, đóng góp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai từ năm 1991 tới năm 2018. Từ đó, tác giả đưa ra một số nhận xét về sự phát triển của ngành từ 1991 đến 2018, rút ra một số kinh nghiệm nhằm cung cấp cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tập hợp, hệ thống hóa nguồn tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

- Trình bày và phân tích những yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thay đổi địa giới hành chính, kinh tế - xã hội của Lào Cai, từ đó khái quát bức tranh tổng thể về tỉnh Lào Cai.

- Trình bày sự ra đời, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai trước năm 1991, từ đó đánh giá vai trò của ngành trong từng thời điểm lịch sử cụ thể.

- Trình bày các hoạt động, thành tựu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai từ năm 1991 tới năm 2018. Đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong công tác phát triển ngành từ 1991 đến 2018, đúc rút những kinh nghiệm để tham khảo cho hiện tại.

5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu

5.1. Nguồn tư liệu: Để thực hiện đề tài, tác giả đã sử dụng những nguồn tư liệu sau:

- Một số tài liệu chính sử của Quốc sử quán triều Nguyễn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đồng Khánh dư địa chí; một số sách ghi chép về Lào Cai thời nhà Nguyễn như Hưng Hóa phong thổ lục ký, Hưng Hóa ký lược...

- Các văn kiện của Đảng, các văn bản của Chính phủ, văn bản của Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL).

- Các văn kiện của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, các văn bản của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai, các văn bản của Ty Thông tin, Ty Văn hóa, Ty Văn hóa Thông tin, Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Sở Văn hóa Thông tin, SVHTTDL tỉnh Lào Cai.

- Các sách, báo, bài viết, công trình nghiên cứu có liên quan đến văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai nói riêng.

- Nguồn tư liệu nhân chứng lịch sử: Phỏng vấn sâu các thế hệ cán bộ đã công tác trong ngành.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic.

Bên cạnh đó, luận văn còn sử dụng các phương pháp: phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, thống kê để khái quát, tổng hợp những kết quả mà tỉnh Lào Cai đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo đúng trình tự không gian và thời gian.

Với nguồn tư liệu nhân chứng lịch sử, luận văn đã sử dụng phương pháp hồi cố lịch sử, phỏng vấn sâu, trao đổi, đàm thoại với các nhân chứng lịch sử để phục dựng lại bức tranh văn hóa, thể thao và du lịch qua các thời kỳ.

6. Đóng góp về khoa học của đề tài

- Thông qua việc khái quát lại quá trình hoạt động, những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đề tài phân tích những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai.

- Bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.

- Đề tài sau khi bảo vệ thành công có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh; dùng cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông khi giảng dạy, học tập về văn hóa, du lịch và lịch sử địa phương; phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia thành 3 chương:

Chương 1. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai trước năm 1991. Chương 2. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai từ năm 1991 đến 2008.

Chương 3. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai từ năm 2008 đến năm 2018.

Chương 1

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH LÀO CAI‌

1.1. Tổng quan về tỉnh Lào Cai

1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ. Tỉnh Lào Cai có 182,086 km đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Bắc giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với điểm cực Bắc thuộc xã Pha Long, huyện Mường Khương; phía Nam giáp tỉnh Yên Bái với điểm cực Nam ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang với điểm cực Đông là đỉnh PonTatJian; phía Tây giáp tỉnh Lai Châu với điểm cực Tây ở xã Y Tý, huyện Bát Xát.

Với vị trí cửa ngõ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, từ xa xưa trong lịch sử, Lào Cai đã là mảnh đất “phên dậu” của đất nước. Đặc điểm này đã tạo nên cho Lào Cai không chỉ có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng mà còn là mảnh đất giàu giá trị lịch sử văn hóa.

Địa hình Lào Cai rất phức tạp, có sự phân tầng độ cao lớn, hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía đông và phía tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía tây dãy Hoàng Liên Sơn. Điểm cao nhất của tỉnh là đỉnh Fansipan cao 3.143m so với mực nước biển. Dải đất dọc theo sông Hồng và sông Chảy gồm thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên, và phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn, địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải, thung lũng.

Khí hậu Lào Cai mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa đông lạnh, biến động mạnh và phân hóa đa dạng. Do hệ quả của chế độ gió mùa, khí hậu ở Lào Cai phân hóa thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa tại Lào Cai phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. Thời gian không mưa diễn ra vào mùa đông, ngược lại mưa dài ngày thường xuất hiện vào mùa hè.

Hệ thống sông, suối phân bố khá đều với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy chảy qua địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn dòng chảy, trong đó có 107 sông, suối dài từ 10km trở lên. Hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc tạo ra lợi thế cho Lào Cai trong phát triển thủy điện vừa và nhỏ.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/12/2023