phần nào hiệu quả của hoạt động này, hàng năm cho vay lại vốn ODA đều tạo ra mức thặng dư gộp bình quân khoảng 212 tỷ đồng để trang trải các khoản chi phí hoạt động của VDB như chi phí cho nhân viên (tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, bảo hộ lao động, trang phục giao dịch, tiền lương phép,…), chi phí về tài sản (khấu hao TSCĐ, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hiểm tài sản, mua sắm công cụ,…), chi phí hoạt động quản lý và công vụ (công tác phí, chi điện, nước, điện thoại, vật liệu, chi tư vấn, kiểm toán, thanh kiểm tra, chi thuê chuyên gia, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, huấn luyện nghiệp vụ, chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết…) và các khoản chi phí khác (chi hỗ trợ cho công tác Đảng, đoàn thể, chi nhượng bán, thanh lý tài sản, chi phí thu hồi nợ xấu, nợ đã xóa, chi xử lý tổn thất tài sản, chi công tác xã hội…) và bù đắp phần thâm hụt do các hoạt động khác.
Luận án tính toán và phân tích theo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng thặng dư gộp cho vay lại vốn ODA, kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng thặng dự gộp giai đoạn này có xu hướng giảm. Năm 2017 thặng dư gộp đạt khoảng 179,96 tỷ đồng, giảm khoảng 64,85 tỷ so với năm 2012. Bình quân mỗi năm giảm khoảng 10,8 tỷ, tương đương 4,5%/năm. Kết quả tính toán thể hiện ở biểu đồ 2.13 sau:
Biểu đồ 2.13: Tăng trưởng thặng dư gộp cho vay lại vốn ODA tại VDB
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Trong giai đoạn 2012 - 2017, quy mô vốn ODA cho vay lại tại VDB tăng lên, tổng dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng. Hoạt động cho vay lại vốn ODA đã mang lại kết quả tài chính cho VDB. Tuy nhiên, bên cạnh quy mô hoạt động tăng lên, thì tốc độ tăng trưởng thặng dư hàng năm bị giảm sút.
2.2.2. Hiệu quả cho vay lại vốn ODA đối với phát triển kinh tế xã hội
2.2.2.1. Tổng quan về dự án đầu tư bằng vốn ODA cho vay lại tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Tính đến năm 2017, VDB đang quản lý cho vay lại 447 dự án ODA với số vốn cam kết 14.577 triệu USD, dư nợ tương đương 155.951 tỷ đồng. Trong đó có 441 dự án ODA thông thường, cho vay lại theo ủy thác Chính phủ và 6 dự án thuộc chương trình VDB chịu RRTD. Cho vay lại vốn ODA tại VDB chủ yếu thực hiện theo ủy quyền của Chính phủ, sử dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm Quốc gia, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà tăng trưởng bền vững.
Cơ cấu vốn ODA cho vay lại tại VDB theo ngành kinh tế và lĩnh vực
Các dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại tại VDB thuộc lĩnh vực cấp nước, năng lượng, hàng không, hạ tầng cơ sở đô thị và giao thông vận tải, công nghiệp, thoát nước, môi trường, viễn thông, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Cơ cấu cho vay lại vốn ODA tại VDB theo lĩnh vực đầu tư theo biểu đồ sau:
Biểu đồ 2.14: Cơ cấu cho vay lại vốn ODA tại VDB theo lĩnh vực
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, 2017
Trong các lĩnh vực sử dụng vốn ODA cho vay lại, tổng số vốn dành cho lĩnh vực điện chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,6%), tiếp theo là các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị (17,8%), cấp thoát nước (14%), giao thông vận tải (12%)…
Giai đoạn 2012 - 2017, vốn ODA cho vay lại tại VDB được tập trung đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng ODA cho vay lại trong các ngành này chiếm bình quân lần lượt khoảng 73% và 23,4%. Vốn ODA cho vay lại tại VDB giai đoạn này chiếm khoảng 10,52% tổng vốn ĐTPT toàn xã hội. ODA giải ngân tại VDB đã bổ sung vốn cho nền kinh tế để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho sự phát triển của các vùng, miền, lĩnh vực và ngành kinh tế. Nhờ đó chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao, công tác bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo được tăng cường, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật được cải thiện. Điều này phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình CNH-HĐH, phù hợp với chiến lược phát triển KTXH của quốc gia.
Bảng 2.12: Cơ cấu vốn ODA giải ngân tại VDB cho các ngành kinh tế
2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | |
Công nghiệp | 73,6% | 71,8% | 69,8% | 75,3% | 74,9% | 72,6% |
Dịch vụ | 21,9% | 24,1% | 26,3% | 21,5% | 22,3% | 24,5% |
Nông nghiệp | 4,5% | 4,1% | 3,9% | 3,2% | 2,8% | 2,9% |
ODA giải ngân (tỷ đồng) | 18.265 | 11.148 | 38.471 | 20.557 | 26.369 | 35.248 |
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ Chức Thực Hiện Cho Vay Lại Vốn Oda
- Thực Trạng Hiệu Quả Cho Vay Lại Vốn Oda Tại Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam
- Tỷ Lệ Thu Hồi Nợ Đến Hạn Và Tỷ Lệ So Với Dư Nợ
- Kết Quả Khảo Sát Tác Động Điều Tiết Thu Nhập
- Hiệu Quả Xã Hội Của Các Dự Án Thuộc Lĩnh Vực Hạ Tầng Đô Thị Và Giao Thông Vận Tải
- Nâng cao hiệu quả cho vay lại vốn ODA tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - 19
Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Giai đoạn 2012 - 2017, tỷ lệ vốn ODA giải ngân vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt bình quân khoảng 96,4% và có xu hướng tăng dần. Năm 2012, VDB đã giải ngân vốn ODA vào lĩnh vực này khoảng 17.433,1 tỷ đồng chiếm 95,6%, đến năm 2017 lượng vốn ODA giải ngân tại VDB đạt 34.255,8 tỷ đồng chiếm 97,1% tổng vốn ODA giải ngân tại VDB. Giai đoạn này có sự tăng trưởng cả về số lượng và tỷ trọng vốn ODA được đầu tư vào hạ tầng công nghiệp và dịch vụ. Vốn ODA cho vay lại tại VDB được đầu tư vào dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích của Nhà
nước như điện, cơ khí, tàu thủy, xi măng, dầu khí, xây dựng hạ tầng đô thị, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… Xu hướng biến động cơ cấu cho vay lại vốn ODA của VDB giai đoạn này theo biểu đồ sau:
Biểu đồ 2.15: Tỷ lệ giải ngân vốn ODA cho ngành công nghiệp và dịch vụ
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Cơ cấu vốn ODA cho vay lại theo Nhà tài trợ
Trong quản lý vốn ODA cho vay lại tại VDB, số vốn vay ODA hiện nay được tài trợ bởi 24 nhà tài trợ song phương và đa phương, hơn 90% vốn ODA cho vay lại thuộc về 6 nhà tài trợ lớn là ADB, WB, JBIC, KfW, AFD và KEXIM. Nhiều nhà tài trợ đã nhìn nhận VDB như một đối tác tin cậy trong việc phối hợp và triển khai thực hiện các chương trình, dự án tín dụng. Với vai trò là cơ quan cho vay lại ODA lớn nhất của Việt Nam, VDB đã được các nhà tài trợ cấp ODA viện trợ không hoàn lại để nâng cao năng lực thẩm định, phân tích và quản lý dự án thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật như của Nhật Bản, WB. Dự án hỗ trợ kỹ thuật này không những nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ VDB mà còn giới thiệu, bổ sung cho VDB kiến thức về phương thức quản lý tiên tiến, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến năm 2017, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất với tỷ lệ 34%, tiếp theo là Hàn Quốc với tỷ lệ 3,5%, Trung Quốc 2%, Pháp 1,5%. WB tài trợ
lớn nhất trong nhóm 6 ngân hàng phát triển với tỷ trọng 29%, tiếp theo là ADB với tỷ lệ 23%, AFD chiếm 1,7% tổng vốn ODA cam kết cho vay lại tại VDB.
Biểu đồ 2.16: Cơ cấu vốn ODA cho vay lại theo Nhà tài trợ tại VDB
Nguồn: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, 2017
2.2.2.2. Hiệu quả kinh tế xã hội của dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Thực trạng hiệu quả kinh tế xã hội theo tiêu chí đánh giá
Giai đoạn 2012 - 2017, số lượng dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại qua VDB hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác là 98 dự án (năng lượng: 35, cấp thoát nước: 23, hạ tầng đô thị và giao thông vận tải: 26, công nghiệp: 6 và lĩnh vực khác: 8 dự án). Để phân tích làm rõ thực trạng, luận án thực hiện khảo sát 26 dự án ODA điển hình, phát phiếu điều tra 3 nhóm đối tượng là Ban quan lý dự án và chủ đầu tư (62 phiếu hợp lệ), người dân thụ hưởng (726 phiếu hợp lệ) và các doanh nghiệp trong khu vực dự án (309 phiếu hợp lệ). Nội dung khảo sát được tập trung vào đánh giá tính phù hợp của dự án với chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quốc gia, với điều kiện thực hiện và lợi ích của người thụ hưởng; đánh giá tính bền vững của dự án; cũng như tác động của dự án ODA đến hiệu quả kinh tế xã hội đối với địa phương và nền kinh tế. Câu hỏi khảo sát cho các nhóm đối tượng được thiết kế và trình bày tại các phụ lục 2A, phụ lục 2B và phục lục 2C.
Đánh giá chung về mức độ hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án mang lại cho các bên thụ hưởng của các nhóm đối tượng được khảo sát là khá khác nhau. Trong số 309 cán bộ được khảo sát tại các doanh nghiệp, có 27% trả lời doanh nghiệp được thành lập sau khi dự án hoạt động, 69%/84 người cho rằng do dự án đi vào hoạt động làm cho cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư được hoàn thiện hơn nên thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài (phụ lục 3C). Nhìn chung hiệu quả xã hội của các dự án ODA được khảo sát là không cao. Cụ thể theo bảng số liệu sau:
Bảng 2.13: Đánh giá chung về mức độ hiệu quả xã hội của dự án
Nhóm đối tượng | “Hiệu quả cao” và “Hiệu quả” | Hiệu quả thấp và Không hiệu quả | |
1 | Ban quản lý và Chủ đầu tư | 76% | 24% |
2 | Người dân thụ hưởng | 39% | 61% |
3 | Doanh nghiệp trong khu vực dự án | 43% | 57% |
Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát các nhóm đối tượng
(1) Tính phù hợp và bền vững của dự án
Các dự án ODA được khảo sát đều có tính phù hợp cao. Tác giả thiết kế 5 câu hỏi về tính phù hợp của dự án đối với cán bộ Ban quản lý và Chủ đầu tư (câu 2 đến câu 6, phụ lục 2A), 4 câu hỏi khảo sát người dân thụ hưởng (phụ lục 2B), 2 câu khảo sát doanh nghiệp (câu 6 và 7, phụ lục 2C). Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ cán bộ, người dân, doanh nghiệp đồng ý về tính phù hợp của dự án ODA là rất cao (phụ lục 3A, 3B, 3C). Dự án ODA sử dụng vốn vay lại qua VDB có mục tiêu nhất quán với chiến lược của địa phương và toàn xã hội, phù hợp với chính sách phát triển KTXH, khả năng thực hiện của địa phương. Dự án ODA phù hợp với nguyện vọng của người dân, phù hợp về cách làm, về sản phẩm và khả năng của người dân, phù hợp trong việc phối hợp giữa các bên, giữa người dân và chính quyền địa phương. Sản phẩm của dự án phù hợp với nhu cầu, có ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp trong phạm vi khu vực dự án.
Các dự án đầu tư bằng vốn ODA cho vay lại qua VDB có tính bền vững cao. Dự án ODA được theo dõi, giám sát và đánh giá của các cấp, các cơ quan ban
ngành một cách thường xuyên (92%/62), công tác bảo trì, duy tu cũng được thực hiện một cách thường xuyên (95%/62) (phụ lục 3A). Tiêu chí này cũng được sự đánh giá cao từ phía người dân hưởng lợi dự án, 89% người dân được khảo sát đều cho rằng chính quyền địa phương thường xuyên tham gia trong việc hướng dẫn sử dụng, khai thác sản phẩm của dự án (phụ lục 3B).
(2) Tiến độ và chi phí thực hiện dự án
Hầu hết các dự án ODA được khảo sát đều không đảm bảo tiến độ thời gian theo kế hoạch trong thuyết minh. Kết quả khảo sát nhóm cán bộ Ban quản lý dự án và chủ đầu tư cho thấy 10%/62 cán bộ cho rằng dự án đúng tiến độ, số còn lại 90%/62 cho biết dự án chậm tiến độ, trong đó 21% chậm tiến độ dưới 6 tháng, 45% chậm tiến độ từ 6 tháng đến 1 năm và 24%/62 chậm tiến độ trên 1 năm (phụ lục 3A). Số liệu này cũng khá tương thích với kết quả khảo sát người dân hưởng thụ dự án, 93%/726 người dân cho rằng dự án không đảm bảo được tiến độ theo kế hoạch đã đặt ra, mặc dù phần lớn người dân địa phương đã thực hiện tốt những đóng góp của họ trước, trong và sau khi hoàn thành dự án (phụ lục 3B).
Trong số 62 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án và chủ đầu tư được khảo sát, có 89% đồng ý dự án bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu (20% cho biết dự án bị điều chỉnh từ 2 lần trở lên). Mức điều chỉnh tổng vốn đầu tư tăng lên khá lớn, 36%/55 cho biết tổng mức điều chỉnh tăng trong khoảng 50 đến 100%, 29%/55 cán bộ đồng ý dự án bị điều chỉnh tổng mức tăng trên 100% (phụ lục 3A).
Kết quả khảo sát tiêu chí chi phí thực hiện dự án cho thấy, 79%/62 cán bộ được khảo sát cho biết hiện công trình chưa quyết toán hoặc không biết rõ, vì vậy chưa đủ dữ liệu, cơ sở để đánh giá tiêu chí này. Tuy nhiên trong số đối tượng được khảo sát cho biết dự án đã quyết toán thì có đến 9/13 (69%) cán bộ đồng ý với ý kiến dự án bị vượt quá tổng mức đầu tư, bị đội vốn so với số được duyệt.
(3) Giá trị gia tăng và thặng dư xã hội
Giá trị gia tăng và thặng dư xã hội là các tiêu chí cơ bản để đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án ODA, thông qua đó đánh giá hiệu quả cho vay lại vốn ODA qua TCTD. Giá trị gia tăng thuần túy của dự án được xác định trên cơ sở
chênh lệch giữa kết quả đầu ra và chi phí sử dụng nguồn lực đầu vào của dự án, còn giá trị thặng dư xã hội được xác định trên cơ sở chênh lệch giá trị gia tăng thuần và phần thu nhập của lao động làm việc trong dự án. Để phân tích, đánh giá các tiêu chí này, luận án thiết kế các câu hỏi liên quan đến doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, trình trạng đóng nộp NSNN, trả gốc và chi phí lãi vay… của dự án, tiến hành khảo sát nhóm đối tượng là nhà quản lý thuộc Ban quản lý dự án và chủ đầu tư (phụ lục 2A). Giá trị gia tăng gián tiếp là lợi ích được dự án ODA tạo ra cho địa phương và nền kinh tế do dự án góp phần thu hút vốn đầu tư; giúp các doanh nghiệp trong khu vực hoạt động hiệu quả hơn, sử dụng nguồn lực tốt hơn, mở rộng và đổi mới công nghệ; giúp tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương… Luận án thiết kế các câu hỏi liên quan đến các tiêu chí đánh giá GTGT gián tiếp, tiến hành khảo sát hai nhóm đối tượng là người dân thụ hưởng và doanh nghiệp trong khu vực dự án (phụ lục 2B, phụ lục 2C). Sau khi loại bỏ các phiếu khảo sát không hợp lệ, tác giả tiến hành tổng hợp trên các phụ lục 3A, 3B, 3C, kết quả khảo sát là có độ tin cậy khá cao.
Kết quả khảo sát các chỉ tiêu nhằm phân tích giá trị gia tăng thuần của dự án sử dụng vốn ODA do VDB cho vay lại cho thấy, phần lớn các dự án không đạt được mục tiêu đề ra theo thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi trên các chỉ tiêu về lợi nhuận, doanh thu và sản lượng. Một số dự án đang nợ thuế và các khoản phải nộp NSNN, không đảm bảo chi trả khoản chi phí lãi vay và nợ gốc cho cơ quan cho vay lại (phụ lục 3A). Tác giả tổng hợp kết quả khảo sát về giá trị gia tăng và thặng dư xã hội và thể hiện qua bảng sau:
Bảng 2.14: Kết quả khảo sát về giá trị gia tăng và thặng dư xã hội
Tiêu chí | Số phiếu | Tỷ lệ (%) | |
1 | Không đạt mục tiêu về doanh thu | 42/62 | 84% |
2 | Không đạt mục tiêu về sản lượng | 55/62 | 89% |
3 | Không đạt mục tiêu về lợi nhuận | 58/62 | 94% |
4 | Nợ thuế và các khoản nộp NSNN | 33/62 | 53% |
5 | Nợ gốc và lãi vay (6%/62 là nợ xấu) | 11/62 | 18% |
Nguồn: Tác giả tổng hợp kết quả khảo sát