Lịch sử và xu hướng phát triển của hiến pháp các nước Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á - 2

2. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu về lịch sử và xu hướng hiến pháp của các quốc gia Hồi giáo trong khu vực nhằm hai (2) mục đích chính sau:

Thứ nhất, nghiên cứu nhằm là rõ lịch sử ra đời, sự thay đổi và phát triển của hiến pháp qua thời gian tại các quốc gia chịu ảnh hưởng của Hồi giáo. Đồng thời xác định vị trí, vai trò của hiến pháp các quốc gia trong hệ thống pháp luật dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Hồi giáo. Mối quan hệ giữa Hiến pháp và pháp luật Hồi giáo cũng là một trong những mục đích nghiên cứu không thể bỏ qua.

Thứ hai, qua những vấn đề được làm rõ ở trên, nghiên cứu nhằm nhận diện xu hướng phát triển hiến pháp ở các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, phân tích cùng bối cảnh các quốc gia Hồi giáo trên thế giới để đánh giá được xu thế vận động chung. Ngoài ra, gợi mở và đưa ra những khuyến nghị nâng cao vai trò, hiệu lực của hiến pháp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

2.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là các bản hiến pháp của các quốc gia chịu ảnh hưởng Hồi giáo trong khu vực, lịch sử lập hiến của từng quốc gia, các dấu vết của Hồi giáo trong hiến pháp và đời sống xã hội trên thực tế, các yếu tố tác động đến việc hình thành hiến pháp và Hồi giáo. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm hiểu các công trình khoa học đã có liên quan đến hiến pháp và Hồi giáo, mối quan hệ giữa hiến pháp và các nguồn tôn giáo,… của các quốc gia ảnh hưởng Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á.

Phạm vi nghiên cứu, về không gian, là khu vực Đông Nam Á, với sự tập trung vào ba trường hợp Indonesia, Malaysia, Brunei. Đây là ba quốc gia mà dấu vết Hồi giáo ảnh hưởng rõ rệt nhất trong đời sống sinh hoạt pháp luật và xã hội. Vị trí của Hồi giáo được khẳng định và nhấn mạnh ngay từ Lời nói đầu của hiến pháp và được điều chỉnh, ghi nhận trong rất nhiều điều, nhiều chương của các bản hiến pháp từng thời kỳ. Về thời gian, đề tài xem xét từ những bản hiến pháp đầu tiên được coi là viên gạch nền tảng cho sự phát triển và thay đổi của hiến pháp về sau tại các quốc gia Hồi giáo trong khu vực.

3. Những điểm mới của nghiên cứu

Nghiên cứu có một số điểm mới sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

Nghiên cứu đánh giá sự tác động của lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tôn giáo tới lịch sử và sự phát triển hiến pháp các quốc gia Hồi giáo Đông Nam Á. Đồng thời, đưa ra cái nhìn tổng thể về tiến trình lập hiến và điểm mới của từng bản hiến pháp của Indonesia, Malaysia, Brunei trong sự so sánh đánh giá lẫn nhau. Đây là các quốc gia có hiến pháp ít được nghiên cứu đề cập đến trong các công trình khoa học đánh giá về sự thay đổi của hiến pháp các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Đồng thời, hầu hết các nghiên cứu về hiến pháp ba quốc gia đều đang nghiên cứu ở mức độ riêng lẻ từng giai đoạn, từng quốc gia. Với khóa luận, hiến pháp ba quốc gia sẽ được nghiên cứu đồng thời cùng nhau và xuyên suốt trong quá trình lịch sử.

Khóa luận cũng đưa ra lý do và cơ sở cho sự thay đổi hiến pháp các quốc gia trong từng giai đoạn, cũng như sự thực thi ở hiện tại với một số dẫn chứng thực tế tiêu biểu.

Lịch sử và xu hướng phát triển của hiến pháp các nước Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á - 2

Nghiên cứu đồng thời chỉ ra khuynh hướng phát triển và quy luật của hiến pháp các quốc gia Hồi giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay với sự đan xen và ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đồng thời, kết hợp với những thay đổi trong lịch sử để đẩy ra những bản sắc pháp lý riêng, hệ tư tưởng pháp lý riêng của Indonesia, Malaysia và Brunei.

Cuối cùng, từ những ghi nhận trong hiến pháp và thực tiễn thi hành tại từng quốc gia, cách xử lý mối quan hệ giữa tôn giáo và hiến pháp, kinh nghiệm xử lý của từng quốc gia trong bối cảnh khu vực và thế giới,… khóa luận đưa ra những kiến giải và gợi mở bài học cho Việt Nam trong quá trình cải cách hiến pháp nước ta nhằm phù hợp với thay đổi trong nước và hội nhập quốc tế.

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

Nghiên cứu mang chứa ý nghĩa khoa học, bởi nghiên cứu là tài liệu cho việc nghiên cứu về các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhìn nhận một phần pháp luật và nhà nước các quốc gia ASEAN. Không chỉ vậy, nghiên cứu còn đưa ra cái nhìn tổng quát về lịch sử nhà nước và pháp luật, lịch sử lập hiến các nước,… Đây cũng là nghiên cứu có tính hệ thống về các bản hiến pháp cũng như thay đổi hiến pháp các quốc gia dành cho những người muốn nghiên cứu sâu về hiến pháp và Hồi giáo.

Ý nghĩa thực tiễn của khóa luận thể hiện đưa ra những bài học và kinh nghiệm xử lý trên thực tiễn của các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á, đưa đến bài học giải quyết mối quan hệ Hồi giáo và pháp luật tại các quốc gia Hồi giáo trên thế giới nói chung. Không chỉ vậy, khóa luận còn đưa đến gợi mở liên quan đến cải cách hiến pháp tại Việt Nam, về quyền tự do tôn giáo, các vấn đề Hồi giáo và tôn giáo được hiến định, việc giải quyết mối quan hệ giữa luật pháp và các yếu tố khác chi phối trong xã hội để thực sự đem lại một xã hội “thượng tôn pháp luật”.

5. Bố cục của khóa luận

Khóa luận bao gồm phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục và ba (3) chương:

Chương 1: Hồi giáo và pháp luật ở Đông Nam Á: Lịch sử phát triển và những vấn đề lý luận cơ bản

Chương 2: Lịch sử và sự phát triển Hiến pháp của các quốc gia Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á.

Chương 3: Xu hướng phát triển, những gợi mở và vấn đề đặt ra.

CHƯƠNG 1.

HỒI GIÁO VÀ PHÁP LUẬT Ở ĐÔNG NAM Á: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN‌

Thuật ngữ “Hồi giáo” (Islam, Musulman) có nghĩa là “sự khuất phục”, sự “hiến dâng” [19]. Những người theo Hồi giáo sống và thực hiện công việc dựa trên những lời răn dạy của thánh Allah được nhà tiên tri Mohammed truyền lại. Những hạt giống đầu tiên về đạo Hồi được nảy mầm từ thế kỷ VII, khi thương gia thành phố Mécca – Mohammed đi truyền bá thông điệp đến từ đấng Allah tối cao. Ngày mà Mohammed rời gót chân khỏi Mécca được coi là ngày bắt đầu lịch Hồi giáo – ngày hijra. Trong khi châu Âu còn đang chìm đắm trong đêm trường Trung cổ thì nền văn hoá Hồi giáo đã phát triển mạnh mẽ [19]. Theo Th. Van Baaren, trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến XIV, ảnh hưởng của nền văn minh Hồi giáo với thế giới lớn hơn bất kỳ một đế quốc nào khác trong lịch sử bấy giờ [70, 137]. Đạo Hồi và luật Hồi giáo đã tồn tại hơn 1.300 năm và phát triển ảnh hưởng của mình từ bán đảo Ả rập đến châu Phi, châu Á. Sự phát triển của Hồi giáo ngày càng mạnh mẽ, màu sắc Hồi giáo len lỏi vào nếp suy nghĩ và lối sống của nhiều cộng đồng, nhiều dân tộc khác nhau. Nghiên cứu đầu năm 2011 về Tương lai của dân số Islam giáo toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu PEW đã đưa ra nhận định rằng, số lượng tín đồ Islam giáo sẽ tăng khoảng 35% trong vòng 20 năm tới và đạt khoảng 2,2 tỷ người vào năm 2030. Trên bản đồ Hồi giáo, khu vực Đông Nam Á là một khu vực có sự du nhập và ảnh hưởng của Hồi giáo rất mạnh mẽ, tiêu biểu là ba (3) quốc gia: Indonesia, Malaysia, Brunei.

1.1. Lịch sử hình thành, phát triển của Hồi giáo ở Đông Nam Á và những đặc điểm cơ bản

1.1.1. Khái quát về lịch sử các quốc gia khu vực Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khu vực này rộng 4.494.047 km² (chiếm 10.5% diện tích Châu Á và 3% diện tích đất trên Trái Đất). Phần lớn khu vực nằm ở bán cầu Bắc và nằm một chút tại bán cầu Nam. Nó bao gồm 11 quốc gia được chia thành 2 nhóm: Nhóm đất liền (Bán đảo Trung - Ấn): Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và phía tây Malaysia; Nhóm hải

đảo (Quần đảo Mã Lai): Indonesia, phía đông Malaysia, Singapore, Philipines, Đông Timor, Brunei [7].

Hầu hết các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều có những biến động và giai đoạn thăng trầm phức tạp. Lịch sử khu vực Đông Nam Á có thể chia làm bốn (4) giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Từ thời nguyên thủy đến xã hội có giai cấp và nhà nước.Trong thời kỳ đồ đá, kỹ thuật chế tác công cụ Đông Nam Á, vừa mang đặc trưng của trình độ kỹ thuật đá cũ trên thế giới, vừa có biểu hiện thể hiện tính trội của khu vực: văn hóa đá cuội (Pebble culture) và những công cụ chặt có dáng thô sơ (Chopper và Chopping-tool) [13].

Giai đoạn 2: Giai đoạn xác lập và phát triển thịnh đạt của các vương quốc ĐôngNam Á.Sau sự tan rã của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ VII), các quốc gia sơ kỳ như Srivijaya, Kalinga ở Indonesia, quốc gia của người Khmer, người Môn, người Mianma, người Thái,… bắt đầu xuất hiện cùng với những kỳ tích văn hóa, điển hình như tổng thể kiến trúc Bôrôbuađua (Borobudur) ở Java [13]. Trong khi Ấn Độ thường xuyên có những biến động bên trong, Trung Quốc rơi vào sự khủng hoảng, suy thoái liên mien hay Châu Âu chìm trong “đêm trường trung cổ” thì ở giai đoạn này, Đông Nam Á đã đạt đỉnh cao phát triển.

Giai đoạn 3: Giai đoạn suy thoái của các quốc gia phong kiến và phong trào đấu

tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây.Sau sự phát triển huy hoàng, biểu đồ của khu vực Đông Nam Á có sự suy thoái. Từ thế kỷ XVI trở đi, các quốc gia Đông Nam Á đã không còn đủ sức thực hiện mục tiêu phát triển và tự bảo vệ mình [13]. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều phải chịu ách đô hộ thực dân trong một thời gian dài. Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines đều đã từng là thuộc địa của các nước thuộc lục địa Châu Âu là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha [24]. Còn Malaysia, Singapore, Brunei, Myanmar, giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, gắn liền với quá trình thuộc địa hoá của Anh hoặc sự ảnh hưởng của Mỹ [24].

Giai đoạn 4: Giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Sau những nỗ lực bền bỉ và cuộc đấu tranh quả cảm, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khôi phục lại được sự độc lập và tự chủ. Đây cũng là thời điểm nhiều bản hiến pháp trong khu vực được ra đời. Các quốc gia

Đông Nam Á vực dậy từ trong tro tàn chiến tranh và từng bước gây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế. Cho đến nay, Đông Nam Á có sự khởi sắc nhất định và trở thành một trong những khu vực kinh tế, dân chủ đáng chú ý trên thế giới.

Có thể thấy, các quốc gia Đông Nam Á đều chịu sự biến động lịch sử và có tiến trình phát triển với sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Điều đó cũng là một trong những lý do khiến Đông Nam Á được coi là “ngã tư đường thế giới” ở cả mặt địa lý và văn hóa, tôn giáo, pháp luật.

1.1.2. Ảnh hưởng của Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á

Thứ nhất, về quá trình lịch sử Hồi giáo du nhập vào khu vực Đông Nam Á

Tuy là một tôn giáo lớn và phổ biến trên thế giới nhưng Hồi giáo ảnh hướng tới khu vực Đông Nam Á khá muộn. Cho đến nay vẫn còn nhiều điều tranh cãi về thời điểm chính xác đạo Hồi du nhập vào khu vực Đông Nam Á. Ý kiến nhận định Hồi giáo du nhập vào đây thông qua các thương gia Ả rập và Ấn Độ vào khoảng thế kỉ VII-XIII [13] là ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Do sự du nhập muộn nên "lưỡi gươm tàn bạo của Hồi giáo" không còn thoả sức hoành hành để mở rộng lãnh thổ và áp đặt tôn giáo cho các cư dân các vùng đất bị người Ả rập Hồi giáo chiếm đóng nữa” [14]. Đó cũng là một phần lý giải cho việc Hồi giáo tại Đông Nam Á có phần ôn hòa hơn các khu vực khác. Đạo Hồi bén rễ tại khu vực Đông Nam Á thông qua con đường buôn bán đường thủy nối Tây Ấn Độ và Đông Á. Dần dần, lan tỏa đến Malaysia, Indonesia, sau đó qua con đường Malaysia lan ra các đảo miền Nam Philippines. Thông qua những lần giao thương, buôn bán và trao đổi với thương nhân các quốc gia khác, “một cơn gió mới thổi vào vùng Đông Nam Á hải đảo làm chao đảo kỉ nguyên Ấn Độ hóa của cư dân nơi đây. Cơn gió mới đó chính là Hồi giáo do những thương nhân Hồi giáo (Ả rập, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư) mang đến khi những hoạt động thương mại ngày càng gia tăng với Đông Nam Á hải đảo” [1].

Nơi đặt chân đầu tiên của Hồi giáo là vùng Bắc Sumatơ của người Ache. Do con đường ảnh hưởng chính là thông qua buôn bán, giao thương nên điểm chung là những nơi phát triển giao lưu buôn bán ở khu vực Đông Nam Á là những nơi có sự xâm nhập đầu tiên và phát triển lớn mạnh về Hồi giáo [16]. Những Hồi quốc (Sultanate) đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập vào thế kỷ XIII. Teranate (1257), là một trong những Hồi quốc

lâu đời nhất ở Indonesia, được thành lập bởi Baab Mashur Malamo (1257 - 1277). Samudera Pasai (1267), Hồi quốc nằm ở phía Bắc đảo Sumatra đã chuyển sang Hồi giáo dưới thời trị vì của Malik ul Salih [17]. Sự có mặt của Hồi giáo khá thuận lợi, không có sự ghi nhận nào về chiến tranh tôn giáo lớn bùng nổ ngoài những cuộc đụng độ nhỏ ở Philippines. Có lẽ vì vậy mà Hồi giáo rất nhanh hòa mình và sống cuộc sống của chính nó tại mảnh đất Đông Nam Á hải đảo với ba quốc gia tiêu biểu là Malaysia, Indonesia và Brunei. Khi sang đến Đông Nam Á lục địa, Phật giáo và nền văn hóa Phật giáo là một rào cản lớn với đạo Hồi. Vì thế, đạo Hồi ở Myanmar, Thái Lan, Việt Nam hay Campuchia không mạnh mẽ và bền sâu như ở khu vực Đông Nam hải đảo mà thu lại thành những cộng đồng dân cư thiểu số. Đến thế kỉ XV, XVI, Hồi giáo lan tỏa một cách mạnh mẽ và sâu rộng ở hầu hết Đông Nam Á hải đảo. Nhiều Hồi quốc hình thành và trở thành những trung tâm Hồi giáo và thương mại quan trọng trong khu vực. Sự hình thành các Hồi quốc ở Đông Nam Á hải đảo diễn ra theo “hiệu ứng dây chuyền”. Thế kỷ XV, nhà nước Hồi giáo đầu tiên được thành lập trên đất liền Malaysia là Malacca (1400), Cirebon (1445), Demak (1475)…[1] đây là thời kì mà hoạt động thương mại của những thương nhân Hồi giáo vẫn đang diễn ra nhộn nhịp với các trung tâm thương mại trọng yếu ở Đông Nam Á hải đảo.

Như vậy, có thể thấy quá trình du nhập Hồi giáo tới các quốc gia Đông Nam Á thông qua đường thủy gắn liền với sự giao thương buôn bán. Cùng với sự du nhập của Hồi giáo, diện mạo đời sống khu vực Đông Nam Á đã có sự thay đổi đáng kể. Cho đến nay, dù có nhiều biến động chính trị và đời sống xã hội thay đổi, song, tầm ảnh hưởng và dấu ấn Hồi giáo vẫn hiện hữu rất rõ nét ở các quốc gia Đông Nam Á, tiêu biểu là ba quốc gia: Indonesia, Malaysia, Brunei.

Thứ hai, về nguyên nhân Hồi giáo ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực

Hồi giáo là tôn giáo đến sau ở mảnh đất Đông Nam Á. Trước khi làn gió Hồi giáo thổi vào, Đông Nam Á đang tồn tại sự ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa và Phật giáo. Vậy nguyên nhân nào mà ảnh hưởng Hồi giáo có thể lan tỏa nhanh chóng và đâm sâu, bám chắc trong tư tưởng và đời sống cộng đồng người dân khu vực đến vậy?

Đầu tiên, thời kỳ Hồi giáo hóa Đông Nam Á trùng với thời kỳ khủng hoảng các vương quốc cổ đại (Ví dụ ở Chămpa lục địa). Sự suy yếu của quốc gia Ấn Độ - Phật giáo Majapahit hùng mạnh khiến Hồi giáo dễ dàng chen chân vào đời sống của người dân trong khu vực. “Nếu như trước đây, Hồi giáo ra đời góp phần thống nhất các bộ lạc trên bán đảo Ả rập thành một đế quốc Hồi giáo vững mạnh, thì lúc này Hồi giáo trở thành ngọn cờ của các tiểu quốc trên quần đảo Indonesia đấu tranh giành độc lập, phát triển kinh tế” [19]. Hồi giáo trở thành vũ khí sắc bén tạo dựng cộng đồng đoàn kết, thực hiện ý đồ mở rộng lãnh thổ và truyền bá văn hóa ra ngoài lãnh thổ của các tiểu quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Tiếp đó, sự phát triển của kinh tế, giao thương buôn bán ở các quốc gia hải đảo cũng mở cửa chào đón các giáo lý đạo Hồi. Sự bình đẳng, phóng khoáng và đơn giản trong lễ nghi Hồi giáo phù hợp với tầng lớp thương nhân được giới quý tộc tại Indonesia và Malaysia rất chào đón.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, những cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị, kinh tế giữa người bản địa cùng thương nhân định cư ở khu vực diễn ra khá phổ biến. Con đường cải giáo phù hợp với sự phát triển tự nhiên và tâm lý của người dân các quốc gia Hồi giáo trong khu vực [20]. Ví dụ như vua Pasai đã cải sang Hồi giáo khi cưới một công chúa Hồi giáo lúc ông đã 72 tuổi [21].

Một trong những điểm nổi bật của các quốc gia khu vực Đông Nam Á nói chung và các quốc gia Hồi giáo nói riêng là sự mềm dẻo, dễ thích nghi với những sự du nhập từ bên ngoài. Và Hồi giáo qua một chặng đường dài cùng thời gian lâu để từ Trung Đông đến cửa ngõ Đông Nam Á, tính khắc nghiệt đã giảm bớt, sự linh hoạt được nâng cao hơn. Hồi giáo dễ chung sống với các tôn giáo có mặt sẵn có ở Đông Nam Á. Kết hợp với các truyền thống địa phương, vương quyền càng giúp Hồi giáo nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí của mình. Nếu nhà vua Indonesia theo đạo Hồi, thì theo quan điểm lòng trung thành, rất cả dân chúng cũng cải đạo theo – đây là một trong những minh chứng tiêu biểu rằng chế độ vương quyền và truyền thống, tập tục vốn có ở các quốc gia Hồi giáo trong khu vực tạo đà cho sự phát triển Hồi giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/02/2023