Những Bất Cập Trong Quy Định Đối Tượng Miễn Thuế

2.3.2.2. Những bất cập trong quy định đối tượng miễn thuế

Tại điều 4, luật thuế TNCN 2007 có quy định 14 nhóm thu nhập được miễn thuế khác nhau. Trong đó, có một số khoản có thể dễ dàng lợi dụng để lách luật:


Thứ nhất, Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế TNCN 2007 quy định: “thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau” thì được miễn thuế TNCN. Lợi dụng quy định này, nhiều trường hợp đã sử dụng mối quan hệ bắc cầu để trốn thuế, gây thất thu cho NSNN.


Cụ thể, hai chị em dâu chuyển nhượng BĐS cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để lách luật, người chị dâu làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng, sau đó bố chồng lại chuyển nhượng tiếp cho người em dâu. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Thế là từ việc phải nộp thuế, hai chị em dâu chịu khó đi vòng, chuyển nhượng bắc cầu để tránh phải nộp thuế, tất yếu gây thất thu cho NSNN


Thứ hai, Tại khoản 2, điều 4, luật thuế TNCN 2007 quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế; đồng thời người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực về kê khai của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống thông tin quản lý cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành thuế còn chưa đáp ứng; công tác kiểm tra, đối chiếu cần rất nhiều thời gian thì ít nhất trong vài năm đầu, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở. Đây chính là kẽ hở để không ít người có nhiều nhà ở, đất ở khi chuyển nhượng sẵn sàng kê khai là tài sản duy nhất để không phải nộp thuế. Điều này vi phạm tiêu chí công bằng và tiêu chí hiệu quả. Thiết nghĩ, đã là thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thì bất kỳ cá nhân

nào có bất động sản thì cũng phải nộp thuế cho nhà nước không phân biệt số lượng sở hữu.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

2.3.2.3. Bất cập trong cách tính thuế và căn cứ tính thuế

Thứ nhất, bất cập trong việc thống nhất cách tính thuế giữa các đối tượng chịu thuế khác nhau.

KNhững bất cập trong hệ thống thuế thu nhập tại Việt Nam và giải pháp hoàn thiện - 9


Có thể nói, việc chuyển cá nhân kinh doanh sang nộp thuế TNCN là một tiến bộ lớn của luật thuế lần này. Tuy nhiên luật thuế lại không thống nhất được căn cứ tính thuế đối với các nhóm thu nhập chịu thuế khác nhau. Cụ thể, trong khi các nhóm 1, 3, 4 và 5 xác định thu nhập chịu thuế chỉ là khoản lãi ròng hoặc chênh lệch giữa tổng thu trừ tổng chi phí cần thiết để tạo ra tổng thu đó, thì ở nhóm 7 – thu nhập từ bản quyền, người nộp thuế phải chịu thuế TNCN cho phần thu nhập không được trừ đủ các chi phí cần thiết theo nguyên tắc này.


Ví dụ, để có được khoản thù lao nhuận bút 4 - 5 triệu đồng cho một báo cáo khoa học hoặc một số bài báo, nhà khoa học hoặc nhà báo phải chi phí rất nhiều tiền cho điện năng, máy tính, phô-tô, mua, dịch tài liệu, làm thí nghiệm hoặc tiền khảo sát, điều tra, gọi điện thoại... Vậy mà họ không hề được khấu trừ các chi phí này trong tiền thù lao nhuận bút đó trước khi chịu thuế.


Điều này vi phạm nguyên tắc công bằng thống nhất khi xây dựng một luật thuế, ắt sẽ gây ra sự bất bình cho những người nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ mới.


Thứ hai, Tại khoản 3, mục II, phần B, thông tư số 84/ TT – BTC ban hành ngày 30/09/2008 quy định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng, tại thời điểm chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định. Thực tế trên thị trường bất động sản, giá đất mua bán thường cao hơn giá đất do UBND tỉnh, TP quy định. Nhưng vì lợi ích của cả người mua và người bán, nên họ thường thoả thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển

nhượng thấp hơn thực tế. Và để được cơ quan nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang hoặc cao hơn chút đỉnh so với giá UBND tỉnh, TP quy định. Như thế sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế phải nộp. Kết quả là, cả đôi bên mua bán đất cùng có lợi, chỉ riêng Nhà nước chịu thất thu thuế. Hơn nữa, điều này cũng tạo tâm lý bất bình trong quần chúng khi có thể là cùng một mức giá chuyển nhượng mà một số người phải nộp một mức thuế cao hơn, vi phạm tính công bằng của một sắc thuế.


2.3.2.4. Bất cập ngưỡng thuế và biểu thuế suất.

Tỷ lệ thống nhất mức khởi điểm bắt đầu phải chịu thuế thu nhập cá nhân là 5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, giảm trừ thêm cho mỗi người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng có tỷ lệ đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua ít nhất: 64,91% tương đương với 115 Đại biểu không tán thành với mức khởi điểm phải chịu thuế này.

- Ngay tại thời điểm xây dựng Luật Thuế TNCN, đã có quá nhiều ý kiến chuyên gia phản biện rằng mức khởi điểm chịu thuế quá thấp. Đặc biệt, các mức thuế suất, giảm trừ gia cảnh... không tính đến yếu tố trượt giá. Tất cả các mức giảm trừ gia cảnh, khởi điểm chịu thuế... đều cho thấy sự bất cập giữa thu nhập chịu thuế và chi tiêu thực tế trong cơn bão giá. Luật chỉ khả thi và huy động được khả năng đóng góp của nhân dân khi mức thu nhập phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt phí và tích luỹ tối thiểu. Căn cứ vào những tiêu chí này thì sẽ thấy, mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng là còn thấp.

Theo Cục thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 là 123,15%. Luật thuế TNCN ban hành tháng 11/2007, từ đó đến nay tỷ lệ lạm phát tăng khoảng 23,0%, như vậy, mức khởi điểm chịu thuế đã trượt giá lên 4.920.000 đồng và mức giảm trừ gia cảnh tăng 1.968.000 đồng. Điều này vi phạm tính “thuận tiện” của một luật thuế khi luật thuế này không có khả năng thích ứng với những sự thay đổi của hoàn cảnh kinh tế, cụ thể ở đây là vấn đề lạm phát và tính trượt giá.

- So sánh với mức thuế suất, sự bất hợp lý còn rõ hơn khi mức thuế đều rất cao. Cách đánh thuế luỹ tiến cao (bậc 7 lên đến 35%) thực chất sẽ phản tác dụng khi làm xói mòn sự hăng say làm giàu chính đáng; giảm năng suất lao động. Sẽ thật bất công nếu như người ta càng vắt óc, vắt sức ra để kiếm được nhiều tiền lại càng bị đánh thuế cao. Các mức thuế luỹ tiến 5,6,7 trong bậc luỹ tiến (tương đương với mức 25%, 30% và 35%) đã đánh vào đối tượng là người có tài, người có khả năng làm giàu. Điều đó sẽ phản tác dụng vì sự công bằng, bình quân chủ nghĩa khi nhiều người bất bình và cho rằng đây là sự tước đoạt của người này để chia cho người khác.


Mức thuế suất cao chưa hẳn đã là tận thu cho NSNN. Như đã nói ở trên, những người có mức thu nhập cao sẽ tìm mọi cách để hạ thu nhập của mình xuống như việc nhận con nuôi, nhận phụ cấp, nuôi dưỡng người tàn tật,…nhằm “lách luật”. Khi đó chúng ta lại cần thêm chi phí cho công tác thanh kiểm tra. Ngược lại, nếu như luật quy định một mức thuế suất vừa phải sẽ khuyến khích người dân tự giác kê khai nộp thuế. Số thuế thu được trên một cá nhân có thể giảm xuống, nhưng do có nhiều người đi nộp thuế nên doanh thu thuế hẳn sẽ tăng lên. Vả lại, mức sống của dân ta hiện rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, vì vậy, không nên áp dụng ngay một lúc mức mức lũy tiến lên đến 35% được. Hãy so sánh với Singapore, một đảo quốc có mức thu nhập bình quân đầu người rất cao 26.892 USD (năm 2005), trong khi đó, mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất chỉ 20%.


2.3.2.5. Bất cập về mức giảm trừ gia cảnh

.

Theo điều 19, luật thuế TNCN 2007: mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Đây làm một mức rất thấp so với thời điểm ngay khi luật thuế được ban hành vào năm 2007 và dường như là quan tâm quá ít tới yếu tố lạm phát và trượt giá. Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng ta có thể làm một bài

toán như sau: Chẳng hạn 01 người sống ở Thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Dak Lak, anh ta phải chi phí các khoản cho 1 tháng như sau:

+ Xăng xe đi lại: 20km x 2 lít/100km x 14.000 đ/lít x 30 ngày = 168.000 đồng

+ Khấu hao xe máy: 20.000.000 đ /5 năm /12 tháng = 333.000 đồng

+ Tiền ăn + cà phê sáng: 70.000 đồng/ngày x 30 ngày =2.100.000 đồng

+ (Quần 150.000x2 + áo 250.000x2 + dày 300.000 + mũ 150.000)/12 =

= 105.000 đồng

+ Tiền thuê nhà + điện + nước = 700.000 đồng

+ Điện thoại 2.400.000 đ/12 tháng + cước 200.000 đ = 400.000 đồng

+ Các vật dụng cá nhân = 100.000 đồng



đồng

Tổng cộng: 3.906.000


Như vậy, với mức 4 triệu đồng/tháng, một cá nhân ở Buôn Ma Thuột chỉ đủ

chi tiêu ở mức tối thiểu, chưa kể các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh có vật giá đắt đỏ hơn nhiều thì làm sao đủ chi tiêu cho nhu cầu tối thiểu?; trong khi anh ta không thể có chi phí để học tập thêm, tham gia các nhu cầu giải trí, du lịch và đặc biệt là... mãi mãi anh ta không thể có tích luỹ để mua nhà hay giải quyết công việc gì lớn có giá trị vài chục triệu đồng trở lên. Điều đó cho thấy mức khởi điểm chịu thuế thấp sẽ không cho người dân có cơ hội tích luỹ, không mang tính "khoan thư sức dân" mà mang tính "tận thu". Và do đó sẽ khó có thể tạo ra xã hội giàu có theo tinh thần dân giàu, nước mạnh.

Điều này vi phạm tính thuận tiện của một luật thuế khi luật thuế này không có khả năng thích ứng với những sự thay đổi của hoàn cảnh kinh tế, cụ thể ở đây là vấn đề lạm phát và tính trượt giá. Như vậy, rất có thế, chỉ sau năm nay thôi, mặt bằng lương và giá cả sẽ tăng lên, khi đó rất có thể chúng ta lại phải bổ sung, xây dựng một luật thuế TNCN mới để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong một tương lai rất gần.

- Trong giảm trừ gia cảnh không tính đến giảm trừ cho những người có nhu cầu đi học tiếp để nâng cao trình độ như đại học, cao học, nghiên cứu sinh, đi học

thêm để lấy các chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp quốc tế như CFA, ACCA,…Trong khi chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng, nhu cầu đi học tiếp để nâng cao trình độ là một nhu cầu ngày càng phổ biển và không thiếu. Chính vì thế với mức khởi điểm thu nhập để tính thuế suất như vậy sẽ là một rào cản đối với những người có nhu cầu học lên cao. Điều này vi phạm tiêu chí công bằng theo chiều ngang khi mà những người có mức thu nhập như nhau, mức chi phí chính đáng khác nhau nhưng vẫn phải nộp một khoản thuế như nhau.

Bên cạnh đó, Điều 19 luật thuế TNCN 2007 cũng quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng cho các đối tượng không có khả năng lao động mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng. Điều này tạo ra một kẽ hở là có nhiều người có thu nhập ở mức cao làm thủ tục nhận con nuôi, hoặc nuôi dưỡng các đối tượng khác mà trên thực tế không trực tiếp chăm sóc. Họ làm thế để hạ mức thu nhập tính thuế xuống mức lũy tiến thấp hơn hòng giảm hoặc trốn khoản thuế đáng lẽ phải nộp. Vì vậy, doanh thu thuế có thể sẽ bị giảm xuống. Hơn nữa, với các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc này, cơ quan thu thuế sẽ phải tổ chức thêm một bộ phận giải quyết, thanh, kiểm tra các giấy tờ liên quan tới việc chứng minh giảm trừ gia cảnh. Việc này làm tăng chi phí trong công tác thu thuế. Doanh thu giảm, chi phí tăng, hiệu quả thu thuế tất yếu sẽ giảm xuống.


2.3.2.6. Bất cập về vấn đề đánh thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng chứng khoán

Thứ nhất, bất cập đối với thị trường chứng khoán

Việc áp thuế TNCN đối với thị trường chứng khoán vừa khó khăn trong công tác thi hành vì vậy sẽ vi phạm tiêu chí hiệu quả và tiêu chí thuận tiện, vừa gây thêm những lo lắng cho nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khoán. Việc áp thuế sẽ có thể là rào cản lớn đối với thị trường chứng khoán. Mức thuế 25% đối với thu nhập từ chứng khoán và bất động sản cũng khiến giới kinh doanh hoang mang. Ví dụ: nếu như trong 1 năm, nhà đầu tư rủi ro và lỗ 60 triệu đồng thì nhà đầu tư phải chịu. Nhưng ở năm tiếp theo, nếu nhà đầu tư lãi được 60 triệu thì mất

đứt 15 triệu tiền thuế. Với cách đánh thuế này, rõ ràng nhà đầu tư vừa phải chịu rủi ro, vừa phải chịu thiệt thòi. Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan... không đánh thuế vào chuyển nhượng chứng khoán, còn Trung Quốc thì áp dụng mức thuế rất thấp(9)


Thứ hai, Repo chứng khoán đánh thuế trùng

Dịch vụ Repo chứng khoán đang được áp dụng rộng rãi trên thị trường. Khi nhà đầu tư và công ty chứng khoán thực hiện hợp đồng mua bán nhưng về thực chất việc repo chứng khoán hiện nay không khác gì cầm cố chứng khoán để vay tiền. Đối với nhà đầu tư đã chọn phương thức nộp thuế trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần theo thuế suất 0,1%, một khi đã thực hiện bán cho công ty chứng khoán là phải chịu thuế. Đến kỳ hạn, nhà đầu tư mua lại chứng khoán từ Công ty, sau đó bán ra thị trường sẽ phải chịu một lần thuế nữa. Trường hợp giá chứng khoán giảm đến tỷ lệ công ty chứng khoán phải thanh lý, nhà đầu tư chỉ phải chịu thuế 1 lần nhưng mức giá chịu thuế sẽ không đúng với giá bán thực tế, có thể cao hơn hoặc thấp hơn.

Dịch vụ repo chứng khoán được nhiều công ty áp dụng rộng rãi, đã góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa quy định về dịch vụ này. Có khả năng các công ty chứng khoán và nhà đầu tư sẽ tìm cách "lách" để không nộp thuế trùng lắp. Hai bên cũng sẽ ký vào một hợp đồng mua bán. Theo đó, công ty chứng khoán tạm ứng cho nhà đầu tư một khoản tiền, thoả thuận đến một thời điểm trong tương lai sẽ thực hiện mua bán chứng khoán. Khi đến thời điểm này, hai bên cùng huỷ hợp đồng, nhà đầu tư trả tiền tạm ứng cộng một khoản phí.

Bất cập trong Repo chứng khoán vừa khiến cơ quan thuế khó quản lý, vừa khiến cho đối tượng chịu thuế này lo nghĩ tìm cách lách luật. Chính vì vậy hiệu qủa thu thuế sẽ không cao.


(9) Lao Động số 225 Ngày 28/09/2007 Cập nhật: 10:25 PM, 27/09/2007

2.3.2.7. Bất cập về thủ tục hành chính

Từ khi luật thuế TNCN ra đời, có thể nói luật này đã lập kỷ lục về số văn bản dưới luật đi kèm, tính đến thời điểm tháng 02/2010 đã có hơn 30 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để hướng dẫn thực thi luật này. Ngày 30/9/2008, Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNCN được Bộ Tài chính ban hành. Với nội dung dài hơn 60 trang, 28 biểu mẫu, chắc chắn cả cơ quan thuế và người nộp thuế sẽ có rất nhiều việc liên quan tới rất nhiều loại giấy tờ cần làm để thực thi luật này. Việc giảm trừ gia cảnh quy định rất nhiều giấy tờ, thủ tục xác nhận cần khoảng hơn 30 loại giấy tờ. Luật gia Hữu Dung nhận xét: Nếu một người nộp thuế phải tham gia tất cả quy trình trên thì có lẽ "cả năm chỉ đi lo thủ tục thuế"(10) Sẽ là quá bất cập, nhiêu khê, phức tạp khi một người có thu nhập, sau khi giảm trừ gia cảnh thì không còn phải nộp thuế TNCN, nhưng lại vẫn phải đáp ứng đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục như trên và rõ ràng cơ quan thuế cũng mất nhiều công sức mà thực chất không thu được một đồng tiền thuế nào. Điều này rõ ràng đã vi phạm đồng thời cả tiêu chí hiệu quả và tiêu chí thuận tiện trong việc xây dựng một sắc thuế. Việc giảm trừ gia cảnh với 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc sẽ là rất phức tạp. Cơ quan thuế có thể sẽ đau đầu với khái niệm "người phụ thuộc", bởi với mối quan hệ gia đình của Việt Nam thì số lượng có thể sẽ rất nhiều, và khái niệm này sẽ là rất rộng khi cá nhân được quyền nhận con nuôi. Việc xác nhận người phụ thuộc sẽ do cơ quan hành chính thực hiện, đây hoàn toàn có thể là mắt xích làm nảy sinh tiêu cực; trong khi cơ quan thuế không thể quản lý nổi đối tượng này.


(10) Phạm Anh - Tú Mai, Lao Động số 205 Ngày 06/09/2008

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/05/2022