Kinh tế học vĩ mô - 1



CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ HỌC VĨ MÔ

Các vấn đề về kinh tế xuất hiện do chúng ta mong muốn nhiều hơn so với cái chúng ta có thể nhận được. Mỗi thứ chúng ta nhận được bị hạn chế bởi thời gian và thu nhập hiện có. Kết quả là mọi người luôn có những mong muốn không được thỏa mãn. Cái mà tổng thể xã hội có thể nhận được bị giới hạn bởi các nguồn lực sản xuất mà chúng ta có thể sử dụng.

Tương tự như gia đình thì một xã hội phải đối mặt với nhiều quyết định. Một xã hội cần phải quyết định cái gì cần phải làm và ai sẽ làm việc đó. Cần phải có một số người sản xuất thực phẩm, một số người khác sản xuất quần áo và cũng cần một số người khác thiết kế phần mềm máy tính. Một khi xã hội đã phân bổ được mọi người vào những ngành nghề khác nhau, nó cũng phân bổ sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà họ đã sản xuất ra. Nó sẽ quyết định ai sẽ ăn trứng, cá, thịt, rau; nó sẽ quyết định ai sẽ có xe ô tô riêng để đi và ai sẽ phải sử dụng xe buýt.

1.1. NHỮNG KHÁI NIỆM TRONG KINH TẾ HỌC

1.1.1. Kinh tế học

Kinh tế học là môn khoa học ra đời cách đây hơn hai thế kỷ. Từ đó đến nay kinh tế học đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, do đó cũng đã xuất hiện khá nhiều các định nghĩa về kinh tế học. Một số khái niệm về kinh tế học được nhiều nhà kinh tế hiện nay sử dụng:

(1). Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu những lựa chọn của cá nhân và xã hội về cách thức sử dụng nguồn tài nguyên có hạn.

(2). Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu hoạt động của con người trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá.

(3). Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu việc lựa chọn cách sử dụng hợp lý nhất các nguồn lực để sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ nhằm thoả mãn cao nhất nhu cầu cho mọi thành viên trong xã hội.

Việc quản lý nguồn lực xã hội có ý nghĩa quan trọng vì nguồn lực có tính khan hiếm, nghĩa là xã hội có các nguồn lực hạn chế (tài nguyên thiên nhiên, đất đai,…) và vì thế không thể sản xuất mọi hàng hóa và dịch vụ mà mọi người mong muốn (tương tự như một hộ gia đình không thể đáp ứng mọi mong muốn của tất cả mọi người).

Do vậy, kinh tế học nghiên cứu quyết định của con người và xã hội về những lựa chọn để đáp ứng nhu cầu trong hiện tại cũng như trong tương lai. Những lựa chọn này được biểu hiện thành những hiện tượng kinh tế.

Kinh tế học nghiên cứu hiện tượng này trên hai góc độ:

- Góc độ bộ phận: hộ gia đình, doanh nghiệp, thị trường,… (kinh tế vi mô)


- Góc độ toàn bộ nền kinh tế (kinh tế vĩ mô)

1.1.2. Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô

- Kinh tế vi mô: Kinh tế vi mô là một bộ phận của kinh tế học; nó nghiên cứu, phân tích quyết định của các đơn vị kinh tế riêng lẻ như doanh nghiệp, hộ gia đình. Do vậy, kinh tế học vi mô nghiên cứu và phân tích các vấn đề kinh tế cụ thể như: cung, cầu hàng hóa; tiêu dùng cá nhân; sản xuất, chi phí, giá cả, lợi nhuận; cạnh tranh, độc quyền;…

- Kinh tế vĩ mô: Kinh tế vĩ mô là một bộ phận của kinh tế học; nó nghiên cứu, phân tích quyết định của một quốc gia. Nó quan tâm tới mục tiêu kinh tế chung của một nền kinh tế tổng thể. Do vậy, kinh tế vĩ mô nghiên cứu và phân tích các vấn đề chung của toàn bộ nền kinh tế như: tổng sản phẩm, thu nhập quốc dân, lạm phát, thất nghiệp, đầu tư, tiết kiệm,…

Nguyên tắc cơ bản nhất của kinh tế vi mô là các hộ gia đình và doanh nghiệp “tối đa hóa” – tức là họ tìm cách hành động hợp lý cho phép đạt được mục tiêu đề ra trong điều kiện có những giới hạn nhất định. Trong kinh tế học vi mô, các hộ gia đình ra quyết định mua hàng hóa sao cho tối đa hóa mức độ thỏa mãn của mình – điều mà các nhà kinh tế gọi là lợi ích và các doanh nghiệp đưa ra quyết định sản xuất nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Vì các vấn đề kinh tế mà kinh tế vĩ mô nghiên cứu phát sinh từ tác động qua lại giữa nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp, nên kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi nghiên cứu nền kinh tế với tư cách một tổng thể, chúng ta phải xem xét quyết định của các chủ thể kinh tế cá biệt. Ví dụ: để hiểu được yếu tố nào quyết định tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng, chúng ta cần phải biết về cách thức một gia đình quyết định về mức chi tiêu hiện tại và tiết kiệm bao nhiêu cho tương lai. Để hiểu được yếu tố nào quyết định tổng chi tiêu cho đầu tư, chúng ta cần phải biết cách thức một doanh nghiệp quyết định có nên xây dựng một nhà máy mới hay không.

Do vậy, trong quản lý kinh tế cần thiết phải giải quyết tốt các vấn đề kinh tế trên cả hai phương diện: vi mô và vĩ mô. Nếu chỉ tập trung vào những vấn đề kinh tế vi mô như tăng sản lượng của doanh nghiệp mà không có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước thì không thể phát triển kinh tế một cách ổn định, bình đẳng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

1.1.3. Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc

- Kinh tế học thực chứng: Là một cách tiếp cận của kinh tế học, nó nghiên cứu và mô tả các hiện tượng kinh tế xã hội một cách khách quan và khoa học. Dù chính kiến của con người có khác nhau nhưng hiện tượng đó vẫn diễn ra đúng như quy luật


khách quan. Ở một chừng mực nào đó, người ta có thể coi nó như một môn khoa học tự nhiên. Nói ngắn gọn thì kinh tế học thực chứng là mô tả và phân tích các sự kiện, hiện tượng, những mối quan hệ trong nền kinh tế. Nó trả lời câu hỏi “là bao nhiêu? là gì? như thế nào?”

- Kinh tế học chuẩn tắc: Là một cách tiếp cận của kinh tế học liên quan đến quan điểm đạo lý, chính trị của một quốc gia. Nó đưa ra những lời chỉ dẫn, khuyến nghị dựa trên cơ sở đánh giá theo tiêu chuẩn cá nhân.

Các nhà kinh tế luôn tìm cách đánh giá xem thế giới kinh tế vận hành như thế nào. Để theo đuổi mục tiêu này, họ phân biệt hai câu hỏi: thế giới là gì? Thế giới cần phải như thế nào?

Ví dụ: Chẳng hạn, có hai nhà kinh tế học đang bàn về luật tiền lương tối thiểu.

Bạn có thể nghe thấy họ nói những điều sau:

Ông A: Luật tiền lương tối thiểu gây ra thất nghiệp. Ông B: Chính phủ cần tăng tiền lương tối thiểu.

Tạm thời chúng ta chưa bàn đến việc có đồng ý với các nhận định trên hay không, mà chú ý rằng A và B đang khác nhau ở điều mà họ tìm cách làm. Ông A đang nói như một nhà khoa học: ông đang khẳng định phương thức vận hành của thế giới. Ông B đang nói như một nhà tư vấn: ông khẳng định điều mà ông muốn làm để thay đổi thế giới.

Nhìn chung, các nhận định về thế giới bao gồm hai loại. Một loại có tính thực chứng như nhận định của ông A. Các nhận định thực chứng mang tính chất mô tả. Chúng khẳng định thế giới là như thế nào. Loại thứ hai có tính chuẩn tắc như nhận định của ông B. Các nhận định chuẩn tắc có tính chất khuyến nghị. Chúng khẳng định thế giới cần phải như thế nào.

Sự khác biệt then chốt giữa nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc là ở chỗ chúng ta đánh giá tính chân thực của nó như thế nào. Về nguyên tắc, chúng ta có thể xác nhận hoặc bác bỏ nhận định thực chứng bằng cách xem xét bằng chứng thực tế. Một nhà kinh tế có thể đánh giá nhận định của ông A bằng cách phân tích số liệu về những thay đổi trong tiền lương thực tế và những thay đổi theo thời gian của thất nghiệp. Ngược lại, việc đánh giá nhận định chuẩn tắc liên quan đến cả các giá trị và thực tế. Không thể đánh giá nhận định của ông B chỉ bằng cách sử dụng số liệu. Việc quyết định xem chính sách nào là tốt và chính sách nào chưa tốt không phải là một vấn đề thuần túy khoa học. Nó còn gắn với quan điểm của chúng ta về đạo đức, tôn giáo và triết lý chính trị.

Tuy nhiên, nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc có mối quan hệ với nhau. Quan điểm thực chứng về cách vận hành thế giới ảnh hưởng tới quan điểm chuẩn tắc về việc những chính sách nào là đáng mong muốn. Nếu nhận định của ông A


rằng tiền lương tối thiểu gây ra thất nghiệp đúng, nó có thể dẫn đến việc từ bỏ kết luận của ông B là Chính phủ cần tăng tiền lương tối thiểu. Do vậy, khi nghiên cứu kinh tế học cần phải luôn luôn nhớ tới sự phân biệt giữa nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc.

1.1.4. Những đặc trưng cơ bản của kinh tế học

1.1.4.1. Kinh tế học nghiên cứu sự khan hiếm các nguồn lực một cách tương đối với nhu cầu kinh tế xã hội

Đây là đặc trưng kinh tế cơ bản gắn liền với tiền đề nghiên cứu và phát triển của môn kinh tế học. Không thể sản xuất một loại hàng hoá nào đó để thoả mãn đầy đủ mọi nhu cầu của con người được.Vì nhu cầu thì đa dạng, còn nguồn lực thì hữu hạn do đó cần phải cân đối, lựa chọn.

1.1.4.2. Tính hợp lý của kinh tế học

Đặc trưng này thể hiện ở chỗ, khi phân tích hoặc lý giải một sự kiện kinh tế nào đó, cần phải dựa trên các giả thiết hợp lý nhất định và diễn biến của sự kiện kinh tế này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tính hợp lý chỉ có tính chất tương đối vì nó phụ thuộc vào điều kiện môi trường của sự kiện kinh tế.

Ví dụ 1: Muốn phân tích hành vi người tiêu dùng muốn mua thứ gì? số lượng là bao nhiêu? thì kinh tế học giả định họ tìm cách mua được nhiều hàng hoá dịch vụ nhất trong số thu nhập hạn chế của mình.

Ví dụ 2: Để phân tích xem doanh nghiệp sẽ sản xuất cái gì, bao nhiêu? bằng cách nào? có thể giả định rằng doanh nghiệp sẽ tìm cách tối đa hoá lợi nhuận trong giới hạn nguồn lực của doanh nghiệp.

1.1.4.3. Kinh tế học là một bộ môn nghiên cứu mặt lượng

Với đặc trưng này kinh tế học thể hiện kết quả nghiên cứu kinh tế bằng các con số có tầm quan trọng đặc biệt. Khi phân tích kết quả của các hoạt động chỉ nhận định nó tăng lên hay giảm đi thì chưa đủ mà phải thấy được sự biến đổi của nó như thế nào? là bao nhiêu?

Ví dụ: Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp A năm N khả quan là chưa đủ, chưa thấy được điều gì mà khả quan như thế nào? Phải được lượng hoá thông qua các chỉ tiêu kinh tế như: doanh thu tăng 20% so với năm N-1 với mức tăng 400 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 22% so với năm N-1, mức tăng tăng là 150 tỷ đồng,...

1.1.4.4. Tính toàn diện và tính tổng hợp

Đặc trưng này của kinh tế học là khi xem xét các hoạt động và sự kiện kinh tế phải đặt nó trong mối liên hệ với các hoạt động, sự kiện kinh tế khác trên phương diện


của một nền kinh tế thậm chí có những sự kiện phải đặt trong mối quan hệ quốc tế.

Ví dụ: “Trong giai đoạn 2000- 2005 nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao và ổn định”. Để có cơ sở của nhận định này nhà nghiên cứu phải có số liệu lý giải, chứng minh điều đó là tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Việt Nam là 7%, lạm phát từ 6-8%/ năm,... và tốc độ tăng trưởng của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

1.1.4.5. Kết quả nghiên cứu của kinh tế học chỉ xác định được ở mức trung bình

Vì các kết quả này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới chỉ tiêu kinh tế nghiên cứu, trong đó có rất nhiều yếu tố chỉ có thể xác định được xu hướng ảnh hưởng mà không thể xác định được mức độ ảnh hưởng.

1.1.5. Tổ chức kinh tế của nền kinh tế hỗn hợp

1.1.5.1. Ba vấn đề cơ bản của một nền kinh tế

Tất cả các nền kinh tế quốc dân, trong mọi giai đoạn phát triển đều phải thực hiện ba vấn đề cơ bản sau:

- Sản xuất ra những hàng hoá và dịch vụ nào? Số lượng bao nhiêu?

Cơ sở của vấn đề này là sự khan hiếm các nguồn lực so với nhu cầu của xã hội. Nhiệm vụ chủ yếu mà của bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần phải giải quyết là giảm đến mức tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường đến mức tối đa những sản phẩm cần thiết.

- Các hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra như thế nào?

Việc giải quyết đúng đắn vấn đề này thông thường đồng nghĩa với việc sử dụng số lượng đầu vào ít nhất để sản xuất ra số lượng sản phẩm đầu ra nhất định.

- Hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra cho ai? Hay sản phẩm quốc dân được phân phối thế nào cho các thành viên trong xã hội.

Ba vấn đề nêu trên là những vấn đề mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải thực hiện, bất kể hình thức hay trình độ phát triển của nó như thế nào. Tất cả các vấn đề này đều mang tính lựa chọn, vì các nguồn lực để sản xuất ra sản phẩm đều khan hiếm. Cơ sở cho sự lựa chọn này là:

- Tồn tại các cách sử dụng khác nhau các nguồn lực trong việc sản xuất ra các sản phẩm khác nhau. Ví dụ: sản xuất sản phẩm dệt may cần đầu vào là lao động ngành dệt may, máy may, vải, sợi,...; còn sản xuất ô tô cần lao động ngành cơ khí chế tạo, thép, cao su....

- Tồn tại các phương pháp khác nhau để sản xuất ra sản phẩm cụ thể. Ví dụ cũng là may mặc nhưng phương pháp thủ công khác với tự động hoá.

- Tồn tại các phương pháp khác nhau để phân phối hàng hoá và thu nhập cho các


thành viên trong xã hội. Ví dụ: tham gia sản xuất ra sản phẩm, người lao động nhận được tiền công tiền lương; doanh nghiệp nhận được lợi nhuận, Nhà nước thu được các khoản thuế. Các thành viên trong xã hội nhận được bao nhiêu là do cơ chế phân phối ở mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia.

Những cách thức để giải quyết ba vấn đề kinh tế cơ bản trên trong một nước cụ thể sẽ tuỳ thuộc vào lịch sử, hệ tư tưởng, và chính sách kinh tế của quốc gia này.

1.1.5.2. Tổ chức kinh tế của một nền kinh tế hỗn hợp

Các hệ thống kinh tế khác nhau có những cách tổ chức kinh tế khác nhau để thực hiện ba vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy có các kiểu tổ chức sau:

(1) Nền kinh tế tập quán truyền thống: kiểu tổ chức này tồn tại dưới thời công xã nguyên thuỷ. Trong xã hội này, các vấn đề kinh tế cơ bản là sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? phân phối cho ai? được quyết định theo tập quán truyền thống từ thế hệ trước sang thế hệ sau, tự cung, tự cấp; cần cái gì thì sản xuất cái đó bằng tư liệu sản xuất của chính mình, không cần trao đổi.

(2) Nền kinh tế chỉ huy (kế hoạch hoá tập trung): là nền kinh tế giải quyết ba vấn đề kinh tế cơ bản đều do Nhà nước quyết định, cân đối. Việc sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? phân phối cho ai đều được thực hiện theo kế hoạch tập trung thống nhất của Nhà nước.

(3) Nền kinh tế thị trường: trong nền kinh tế ba vấn đề cơ bản là sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai? được thực hiện thông qua cơ chế thị trường, do thị trường quyết định. Trong đó các cá nhân người tiêu dùng, và các doanh nghiệp tác động qua lại lẫn nhau trên thị trường để xác định một hệ thống giá cả, thị trường, lợi nhuận, thu nhập,...

(4) Nền kinh tế hỗn hợp: các hệ thống kinh tế hiện nay không mang những hình thức kinh tế thuần tuý như thị trường, chỉ huy hay tự nhiên, mà là sự kết hợp các nhân tố của các loại hình kinh tế. Và nền kinh tế đó gọi là nền kinh tế hỗn hợp. Trong nền kinh tế hỗn hợp các thể chế công cộng và tư nhân đều có vai trò kiểm soát kinh tế. Thông qua bàn tay “vô hình” của thị trường và bàn tay “hữu hình” của Chính phủ, các nhà kinh tế chia các tác nhân trong nền kinh tế hỗn hợp thành 4 nhóm, nhằm giải thích hành vi và phương thức thực hiện các chức năng chủ yếu của từng nhóm. Các nhóm này tác động qua lại lẫn nhau tạo thành một hệ thống kinh tế hỗn hợp. Trong nền kinh tế hỗn hợp, cơ chế thị trường sẽ xác định giá cả và sản lượng trong nhiều lĩnh vực còn Chính phủ sẽ điều tiết thị trường thông qua thuế, chi tiêu của Chính phủ, luật pháp,... Mô hình kinh tế hỗn hợp của từng nước có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế, và đối với thị trường.


a. Người tiêu dùng cuối cùng

Người tiêu dùng cuối cùng là tất cả các cá nhân và hộ gia đình, họ mua hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn những nhu cầu tiêu dùng của họ. Ví dụ: mua lương thực, thực phẩm để ăn, mua quần áo để mặc,.... Người tiêu dùng cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định sản xuất cái gì trong nền kinh tế vì họ mua và tiêu dùng phần lớn các sản phẩm của nền kinh tế. Hành vi mua của người tiêu dùng bị thúc đẩy bởi một số yếu tố chung nào đó và người ta có thế dự đoán với mức độ tin cậy nhất định. Yếu tố cơ bản trong yếu tố chung đó là người tiêu dùng muốn thoả mãn tối đa nhu cầu của họ với thu nhập hạn chế.

b. Các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp là người sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ cung cấp cho xã hội, mục đích của họ khi thực hiện ba vấn đề cơ bản: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? là thu được lợi nhuận cao nhất trong giới hạn nguồn lực của mình.

c. Chính phủ

Trong nền kinh tế hỗn hợp Chính phủ đồng thời vừa là người sản xuất và vừa là người tiêu dùng nhiều hàng hoá, dịch vụ. Chính phủ tiêu dùng phục vụ vai trò quản lý điều hành của Chính phủ. Chính phủ là người sản xuất cũng giống như doanh nghiệp tư nhân, nhưng nó phức tạp hơn nhiều bởi vai trò quản lý kinh tế của Chính phủ và có thể phác hoạ thông qua 3 chức năng chủ yếu sau:

(1) Chức năng hiệu quả

- Để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có hiệu quả, sản xuất phát triển thì Nhà nước phải đưa ra các đạo luật như là chống độc quyền, chống ép giá,...

- Để hạn chế tác động từ bên ngoài thì Chính phủ, cần phải đặt ra các luật lệ ngăn chặn các tác động tiêu cực như: ô nhiễm môi trường, huỷ hoại tài nguyên,...

(2) Chức năng công bằng

Trong nền kinh tế thị trường hàng hoá được phân phối cho người có nhiều tiền mua nhất chứ không phải cho người có nhu cầu lớn nhất. Do vậy, để bảo đảm sự công bằng trong xã hội, thì Chính phủ phải đưa ra các chính sách phân phối lại thu nhập. Ví dụ như hệ thống thuế thu nhập, bảo hiểm, trợ cấp,...

(3) Chức năng ổn định

Chính phủ còn phải thực hiện chức năng kinh tế vĩ mô là duy trì sự ổn định kinh tế. Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản cho thấy có thời kỳ tăng trưởng thì lạm phát tăng vọt, trong thời kỳ suy thoái nặng nề thì thất nghiệp lại cao dẫn đến những sự thăng trầm của chu kỳ kinh tế. Chính phủ có thể sử dụng các chính sách, công cụ của mình để tác động đến sản lượng và việc làm, làm giảm bớt các dao động của chu kỳ kinh doanh.


d. Người nước ngoài

Các cá nhân, doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài tác động đến các hoạt động kinh tế diễn ra ở một nước thông qua việc mua bán hàng hoá và dịch vụ, vay mượn, viện trợ và đầu tư nước ngoài. Trong một số nước có nền kinh tế mở thì người nước ngoài có vai trò khá quan trọng.

1.1.6. Một số khái niệm cơ bản của kinh tế học

1.1.6.1. Yếu tố sản xuất, giới hạn khả năng sản xuất, chi phí cơ hội

a. Các yếu tố sản xuất

Yếu tố sản xuất là đầu vào của quá trình sản xuất và được phân chia thành 3 nhóm: (1). Đất đai và tài nguyên thiên nhiên: bao gồm toàn bộ đất dùng cho canh tác,

xây dựng nhà ở, đường sá,... các loại nhiên liệu, khoáng sản, cây cối,...

(2). Lao động: là năng lực của con người được sử dụng theo một mức độ nhất định trong quá trình sản xuất. Người ta đo lường lao động bằng thời gian của lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất.

(3) Tư bản: là máy móc, nhà xưởng,... được sản xuất ra rồi sử dụng để sản xuất ra các hàng hoá khác. Việc tích luỹ các hàng hoá tư bản trong nền kinh tế có một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của sản xuất.

b. Giới hạn khả năng sản xuất

Khi xem xét một nền kinh tế với số lượng các yếu tố sản xuất và trình độ công nghệ cho trước, khi quyết định sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? nền kinh tế phải lựa chọn xem các yếu tố hạn chế này được phân phối như thế nào giữa rất nhiều các hàng hoá khác nhau được sản xuất ra. Để đơn giản, giả sử rằng toàn bộ nguồn lực của nền kinh tế chỉ tập trung vào sản xuất 2 loại hàng hoá là thức ăn và quần áo. Để sử dụng hết nguồn lực của nền kinh tế, thì có thể có các cách lựa chọn tổ hợp thức ăn và quần áo trong bảng 1.1 sau đây để sản xuất.

Bảng 1.1 Những khả năng sản xuất thay thế khác nhau


Khả năng

Lương thực (tấn)

Quần áo (ngàn bộ)

A

0

7,5

B

1

7

C

2

6

D

3

4,5

E

4

2,5

F

5

0

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Kinh tế học vĩ mô - 1

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/07/2022