Khái Quát Về Việc Đo Lường Sản Lượng Quốc Gia


1.4.2. Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô

Để đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô nêu trên, Chính phủ có thể sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau, mỗi chính sách lại có các công cụ riêng biệt. Dưới đây là một số chính sách kinh tế vĩ mô chủ yếu mà Chính phủ các nước có nền kinh tế thị trường thường sử dụng.

1.4.2.1. Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là chính sách kinh tế vĩ mô lớn đầu tiên, được sử dụng để điều chỉnh thu nhập và chi tiêu của Chính phủ để hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn.

Chính sách tài khóa có hai công cụ chủ yếu là: thuế và chi tiêu Chính phủ.

- Chi tiêu Chính phủ: ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô của chi tiêu công cộng, từ đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cầu và sản lượng.

- Thuế có vai trò then chốt là:

+ Việc đánh thuế thu nhập (ví dụ như thuế thu nhập cá nhân) sẽ làm giảm thu nhập từ dân cư với việc để lại phần thu nhập có thể sử dụng ít hơn sau khi đã dùng thuế để điều tiết, từ đó làm giảm mức chi tiêu của khu vực tư nhân.

+ Do thuế tác động đến thu nhập của khu vực tư nhân, từ đó cũng tác động tới đầu tư và mức sản lượng tiềm năng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

1.4.2.2. Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là một công cụ quản lý vĩ mô của Chính phủ về tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm. Chính sách tiền tệ nhằm theo đuổi mục tiêu cơ bản là: ổn định tiền tệ, bảo vệ giá trị đồng nội tệ trên cơ sở kiểm soát được giá cả, cân bằng tỷ giá hối đoái, thúc đẩy đầu tư, hướng nền kinh tế của đất nước vào mức sản lượng và việc làm như mong muốn.

Kinh tế học vĩ mô - 3

Chính sách tiền tệ sử dụng hai công cụ chủ yếu là:

- Lượng tiền cung ứng: bao gồm việc điều chỉnh khối lượng tiền tệ cung ứng thêm cũng như khối lượng tiền đã có sẵn trong lưu thông cho phù hợp với mức tăng tổng sản phẩm quốc dân danh nghĩa, phù hợp giữa tổng cung và tổng cầu tiền tệ, giữa tiền và hàng nói chung, không gây nên tình trạng thừa hoặc thiếu tiền so với nhu cầu lưu thông.

- Lãi suất: Ngân hàng Nhà nước quy định các mức lãi suất cơ bản, từ đó tác động đến lãi suất của các NHTM, vì vậy tác động đầu tư của khu vực tư nhân và tác động đến tổng cầu cũng như sản lượng của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ có tác động quan trọng đến tổng sản phẩm quốc dân tiềm năng về mặt dài hạn.


1.4.2.3. Chính sách thu nhập

Chính sách thu nhập bao gồm hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ sử dụng nhằm tác động trực tiếp đến tiền lương, giá cả để kiềm chế lạm phát và thiết lập công bằng trong xã hội. Chính sách thu nhập sử dụng nhiều loại công cụ, có tính chất cứng rắn như: hệ thống giá, tiền lương tối thiểu. Nó là những chỉ dẫn chung để ấn định tiền lương và giá cả, những quy tắc pháp lý ràng buộc sự thay đổi của giá cả và tiền lương,… Ngoài ra, nó có những công cụ mềm dẻo hơn như việc hướng dẫn, khuyến khích bằng thuế thu nhập,…

1.4.2.4. Chính sách kinh tế đối ngoại

Trong một nền kinh tế mở cửa thì chính sách kinh tế đối ngoại là một chính sách kinh tế nhằm ổn định tỷ giá hối đoái và giữ cho cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt ở mức có thể chấp nhận được.

Chính sách này sử dụng nhiều loại công cụ và biện pháp nhằm giữ cho thị trường hối đoái cân bằng, áp đặt chính sách kiểm soát ngoại thương như: hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu để tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu.

* Chú ý: Kinh tế vĩ mô bao gồm sự lựa chọn giữa những mục tiêu trung tâm có thể thay thế lẫn nhau. Một nước không thể cùng một lúc đạt được mức độ tối ưu cho mọi mục tiêu lựa chọn. Chẳng hạn không thể cùng lúc vừa có mức tăng trưởng cao mà lại có mức lạm phát thấp. Trong thời kỳ suy thoái, nền kinh tế phải trải qua tỷ lệ thất nghiệp cao và mức sản lượng thực tế thấp.



BÀI ĐỌC THÊM

TẠI SAO PHẢI NGHIÊN CỨU KINH TẾ VĨ MÔ?

Tại sao thu nhập hiện nay lại cao hơn mức năm 1990 và tại sao vào năm 1990 lại cao hơn mức 1900? Tại sao một số nước có tỷ lệ lạm phát cao, trong khi một số nước khác lại duy trì được giá cả ổn định? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng suy thoái và khủng hoảng – tức là thời kỳ thu nhập giảm và thất nghiệp tăng – và nhà nước có thể áp dụng những chính sách nào để giảm bớt tần suất và tính nghiêm trọng của chúng? Kinh tế vĩ mô – bộ môn khoa học nghiên cứu nền kinh tế với tư cách một tổng thể sẽ tìm cách giải đáp những vấn đề này và nhiều vấn đề có liên quan.

Để đánh giá tầm quan trọng của kinh tế vĩ mô, bạn chỉ cần đọc báo, nghe đài, xem ti vi hoặc vào các trang mạng kinh tế. Các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày đều thông tin về chiều hướng phát triển của nền kinh tế. Chẳng hạn: chỉ số giá tiêu dùng tăng, tiền lương tối thiểu vùng tăng 10%...

Tất cả các vấn đề kinh tế vĩ mô đều đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta. Khi dự báo nhu cầu về sản phẩm của mình, các doanh nghiệp phải phán đoán xem thu nhập của người tiêu dùng tăng nhanh đến mức nào. Người về hưu sống bằng thu nhập cố định thường băn khoăn về tốc độ tăng giá. Những người thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm hi vọng nền kinh tế phục hồi và các doanh nghiệp tuyển thêm lao động. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi thực trạng của nền kinh tế.

Các sự kiện kinh tế cũng đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Vào những năm 50, 60, hầu hết các nước công nghiệp phát triển đều duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa đồng tiền của họ với nhau và với đồng tiền của các nước khác. Hệ thống tỷ giá hối đoái cố định này sụp đổ vào những năm 70 và thời đại của chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt bắt đầu. Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và thanh toán cho số hàng nhập khẩu dôi ra này bằng cách vay rất nhiều trên thị trường tài chính thế giới.

Các nhà kinh tế vĩ mô tìm cách lý giải hoạt động của nền kinh tế với tư cách tổng thể. Họ thu thập số liệu về thu nhập, giá cả và nhiều biến số kinh tế khác từ các thời kỳ và các quốc gia khác nhau. Sau đó, họ tìm cách xây dựng những lý thuyết tổng quát, góp phần giải thích các số liệu này.

Mục tiêu của chúng ta trong việc nghiên cứu kinh tế vĩ mô không chỉ dừng lại ở việc lý giải các biến cố kinh tế mà còn nhằm đánh giá các chính sách kinh tế. Các công cụ của chính sách có thể tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế - bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực – giúp chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả của các chính sách kinh tế mà nhà nước đang áp dụng.



NỘI DUNG ÔN TẬP

A. CÂU HỎI TỰ LUẬN

1. Kinh tế học chia thành hai phân ngành gì? Hãy cho biết mỗi phân ngành nghiên cứu những vấn đề gì?

2. Hãy cho biết những biến số then chốt được nghiên cứu trong kinh tế học vĩ mô.

3. Sự khác nhau giữa nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc là gì? Nêu ví dụ cho mỗi loại nhận định.

4. Chủ đề nào sau đây thuộc về kinh tế vĩ mô hoặc kinh tế vi mô:

- Quyết định của một hộ gia đình về việc tiết kiệm bao nhiêu thu nhập.

- Ảnh hưởng của các quy định mà nhà nước áp dụng cho khí thải của ô tô.

- Ảnh hưởng của mức tiết kiệm quốc gia cao hơn đối với tăng trưởng kinh tế.

- Quyết định của một doanh nghiệp về việc thuê bao nhiêu công nhân.

- Mối quan hệ giữa tỷ lệ lạm phát vả những thay đổi trong cung ứng tiền tệ.

5. Hãy phân loại những nhận định sau thành nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc:

- Xã hội phải đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp.

- Việc cắt giảm tỷ lệ tăng cung tiền sẽ làm giảm tỷ lệ lạm phát.

- Ngân hàng nhà nước cần giảm lượng tiền cung ứng.

- Xã hội cần yêu cầu người nhận phúc lợi xã hội tìm việc làm.

- Mức thuế thu nhập thấp hơn khuyến khích mọi người làm việc nhiều hơn.

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

6. Kinh tế học có thể định nghĩa là:

a. Cách làm tăng lượng tiền của gia đình

b. Cách kiếm tiền ở thị trường chứng khoán

c. Giải thích các số liệu khan hiếm

d. Cách sử dụng tài nguyên khan hiếm để sản xuất ra các hàng hóa, dịch vụ và phân bổ các hàng hóa, dịch vụ này cho các cá nhân trong xã hội

7. Kinh tế vĩ mô nghiên cứu:

a. Mức sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế.

b. Mức giá chung và tỷ lệ lạm phát.

c. Tỷ lệ thất nghiệp và cán cân thanh toán với nước ngoài.

d. Tất cả các điều trên

8. Vấn đề nào sau đây được nghiên cứu trong kinh tế vĩ mô?

a. Chính sách tài khóa

b. Chính sách tiền tệ

c. Lạm phát


d. Tất cả các đáp án trên

9. Nhận định nào sau đây có tính chuẩn tắc?

a. Phát hành nhiều tiền sẽ gây ra lạm phát

b. Người lao động làm việc tích cực hơn nếu tiền lương cao hơn

c. Nhà nước cần cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp

d. Thâm hụt ngân sách lớn làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại

10. Nhận định nào sau đây có tính thực chứng?

a. Cắt giảm trợ cấp thất nghiệp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên

b. Nên cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp vì nó gây mất ổn định xã hội

c. Nên cắt giảm tỷ lệ lạm phát vì nó làm giảm thu nhập của người dân

d. Cần tăng trợ cấp cho các trường đại học vì tương lai của đất nước

11. Khi thực hiện chính sách tài khóa, Chính phủ có thể có các công cụ sau:

a. Giá cả và tiền lương

b. Tỷ giá hối đoái

c. Thuế và chi tiêu Chính phủ

d. Thuế quan và hạn ngạch

12. Các mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô là:

a. Tỷ lệ thất nghiệp thấp

b. Giá cả ổn định

c. Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

d. Tất cả các mục tiêu trên


CHƯƠNG 2: HẠCH TOÁN TỔNG SẢN PHẨM QUỐC DÂN

Khi bạn tốt nghiệp và bắt đầu đi tìm việc làm, khả năng tìm được việc làm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế hiện tại. Trong một số năm, các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế mở rộng sản xuất hàng hóa, dịch vụ và việc làm tăng, bạn dễ dàng tìm được việc làm. Một số năm khác, các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, việc làm giảm và bạn mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm tốt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều muốn gia nhập lực lượng lao động vào năm hoạt động kinh tế mở rộng chứ không phải khi nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Do điều kiện của toàn nền kinh tế ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả chúng ta nên những thay đổi trong điều kiện kinh tế thường được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên thực tế, rất hiếm khi chúng ta cầm một tờ báo lên mà không nhìn thấy số liệu thống kê mới về nền kinh tế. Số liệu thống kê có thể phản ánh tổng thu nhập của mọi người trong nền kinh tế (GDP hoặc GNP), tốc độ tăng giá bình quân (lạm phát), phần trăm lực lượng lao động không có việc làm (thất nghiệp), sự mất cân bằng trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới (thâm hụt thương mại). Tất cả các số liệu thống kê này là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Thay vì đề cập đến hộ gia đình hay doanh nghiệp riêng lẻ, chúng cho ta biết điều gì đó về toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế với tư cách là một tổng thể chẳng qua chỉ là tập hợp của rất nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tương tác với nhau trên nhiều thị trường. Nếu phải đánh giá một người có hoạt động kinh tế tốt không, có thể đầu tiên phải nhìn vào thu nhập của họ. Một người có thu nhập cao dễ dàng mua được những hàng hóa thiết yếu và sang trọng cho cuộc sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người có thu nhập cao được hưởng thụ mức sống cao – nhà ở sang trọng hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn,… Tương tự như vậy, để đánh giá nền kinh tế của một quốc gia hoạt động có tốt không, người ta thường nhìn vào tổng thu nhập mà mọi người trong nền kinh tế đó kiếm được. Đó chính là các chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP).

2.1. KHÁI QUÁT VỀ VIỆC ĐO LƯỜNG SẢN LƯỢNG QUỐC GIA

Khái niệm “sản lượng quốc gia” ở đây nhằm đề cập đến toàn bộ giá trị hàng hóa dịch vụ được dùng để đo lường mức sản xuất của một nước. Mức sản xuất của một nước có thể được hiểu theo hai nghĩa: một là mức sản xuất do công dân nước đó tạo ra; hai là mức sản xuất được tạo ra trên lãnh thổ nước đó. Khi đo lường mức sản xuất, phải dựa trên một quan điểm về sản xuất cho trước, từ quan điểm đó mới xây dựng các chỉ tiêu tính toán nhằm phản ánh khả năng sản xuất mà nền kinh tế đạt được trong một thời gian


nhất định. Vì vậy trước khi nghiên cứu cách tính các chỉ tiêu đo lường sản lượng quốc gia, chúng ta cần tìm hiểu quan điểm sản xuất mà các quốc gia đã chọn lựa.

2.1.1. Các quan điểm về sản xuất

Trong kinh tế học, khái niệm sản xuất đã được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Xét theo lịch sử thì lúc đầu khái niệm này được hiểu theo nghĩa hẹp và phiến diện. Sau đó dần dần được mở rộng ra, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế.

- Vào thế kỷ 16, F.Quesnay (phái Trọng nông) đã chính thức đưa ra khái niệm về sản xuất. Ông cho rằng sản xuất là tạo ra “sản lượng thuần tăng”. Đó là lượng sản phẩm tăng thêm so với lượng nguyên liệu ban đầu được đưa vào sản xuất. Nhưng theo quan điểm này khi đo lường sản lượng quốc gia chỉ tính phần sản lượng thuần tăng của ngành nông nghiệp.

- Đến thế kỷ 18, Adam Smith – người dẫn đầu trường phái cổ điển đưa ra khái niệm khác về sản xuất. Theo ông sản xuất là sáng tạo ra các sản phẩm vật chất. Đó là những sản phẩm hữu hình, có thể nhìn thấy, chạm vào được. Theo quan điểm này lại chưa tính đến những ngành như thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện…

- Vào thế kỷ 19 Karl Marx lại mở rộng hơn nữa quan điểm về sản xuất của Adam Smith. Theo Marx thì sản xuất bao gồm toàn bộ sản phẩm hữu hình (do các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, khai khoáng tạo ra) và một phần của sản phẩm vô hình (do thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện tạo ra tuy nhiên chỉ tính những chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất còn phục vụ cho hoạt động tiêu dùng thì phải loại ra)

Quan điểm của Marx là cơ sở để tính sản lượng quốc gia ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và được gọi là hệ thống sản xuất vật chất, viết tắt là MPS (Material Production System)

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, việc đo lường sản lượng quốc gia dựa trên quan điểm rộng rãi hơn về sản xuất. Người ta cho rằng sản xuất là tạo ra những sản phẩm vật chất và dịch vụ có ích cho xã hội. Như vậy sản lượng quốc gia theo quan điểm này bao gồm toàn bộ những sản phẩm hữu hình và vô hình mà nền kinh tế tạo ra trong mọt thời gian nào đó. Ngày nay, cách tính này đã được Liên Hợp quốc chính thức công nhận như một hệ thống đo lường quốc tế , được gọi là hệ thống tài khoản quốc gia, viết tắt là SNA (System of National Accounts).

2.1.2. Tổng quan về các chỉ tiêu trong SNA

Trong SNA có 7 chỉ tiêu phản ánh các khía cạnh khác nhau về kết quả sản xuất, về mức thu nhập mà nền kinh tế đạt được trong vòng một năm. Đó là:

- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP – Gross National Product)

- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP – Gross Domestic Product)


- Sản phẩm quốc dân ròng (NNP – Net National Product)

- Sản phẩm quốc nội ròng (NNP – Net Domestic Product)

- Thu nhập quốc dân (NI – National Income) - trong chương sau ký hiệu là Y

- Thu nhập cá nhân (PI – Personal Income)

- Thu nhập khả dụng (DI – Dispossable Income) – trong chương sau ký hiệu là YD

* Các chỉ tiêu trên được chia làm 2 nhóm:

- Nhóm chỉ tiêu theo lãnh thổ một nước. Nhóm này có hai chỉ tiêu là GDP và NDP. Hai chỉ tiêu này nhằm đo lường mức sản xuất trên lãnh thổ một nước, bất kể các sản phẩm được tạo ra bởi công dân nước đó hay công dân nước khác.

- Nhóm chỉ tiêu tính theo quyền sở hữu của công dân một nước, bao gồm: GNP, NNP, NI, PI, DI. Chúng đo lường mức sản xuất do công dân một nước tạo ra, có thể trên lãnh thổ nước đó hoặc lãnh thổ nước khác.

Các chỉ tiêu được xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ như sau:

Theo quyền sở hữu GNP NNP NI PI DI Theo lãnh thổ GDP NDP

Về mặt cơ cấu giá trị, có sự giống nhau giữa GNP và GDP, giữa NNP và NDP. Sự giống nhau này sẽ được nhận thức sau khi hiểu rò ý nghĩa và phương pháp tính toán chúng.

Trong hệ thống các chỉ tiêu trên, GDP và GNP là hai chỉ tiêu cơ bản nhất dùng để đánh giá thành quả kinh tế một nước. Chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn về hai chỉ tiêu này.

2.2. TỔNG QUAN VỀ HAI CHỈ TIÊU TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI (GDP) VÀ TỔNG SẢN PHẨM QUỐC DÂN (GNP)

2.2.1. Khái niệm

- Tổng sản phẩm quốc nội(GDP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một nước trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng do công dân một nước sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

- Hàng hóa, dịch vụ trung gian (sản phẩm trung gian): là hàng hóa, dịch vụ được dùng làm đầu vào để sản xuất ra sản phẩm khác và được sử dụng hết trong quá trình sản xuất đó. Ví dụ: điện dùng để chạy máy dệt, bột mỳ dùng làm bánh,…

- Hàng hóa, dịch vụ cuối cùng (sản phẩm cuối cùng): là những hàng hóa, dịch vụ được người sử dụng cuối cùng mua. Nó là những sản phẩm còn lại ngoài sản phẩm trung gian. Ví dụ: máy móc, nhà xưởng, bánh kẹo, thuốc men.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/07/2022