- Cơ sở phục vụ các dịch vụ bổ sung khác:
Cơ sở này là điều kiện bổ sung, giúp cho khách sử dụng hiệu quả hơn trong du lịch, tạo thêm sự thuận tiện khi họ lưu trú tại địa điểm du lịch. Đó là các trạm xăng dầu, trạm cấp cứu, hiệu cắt tóc, giặt là, tiệm thẩm mỹ, các cửa hàng dịch vụ về ảnh.
Các cơ sở này góp phần làm tăng tính đồng bộ của hệ thống dịch vụ du lịch.
Tóm lại, toàn bộ hệ thống các nhân tố trên chính là động lực thúc đẩy cho hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ. Mỗi nhân tố có mỗi chức năng riêng. Tuy nhiên chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng đồng hành thực hiện chức năng thúc đẩy du lịch phát triển.
1.3. Thực tiễn khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch trên thế giới và ở Việt Nam
1.3.1. Trên thế giới
Trên toàn cầu hiện nay, hàng năm có tới hơn 800 triệu người đi du lịch. Con số này sẽ đạt 1,6 tỷ vào năm 2020. Khoảng 60% dòng khách du lịch hiện nay là có mục đích tìm hiểu nền văn hóa khác lạ. Cho nên sản phẩm du lịch quan trọng nhất là từ du lịch văn hóa.
Các loại hình du lịch văn hóa đang ngày càng đa dạng và cung cấp nhiều sản phẩm du lịch văn hóa: từ tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử - văn hóa đến khám phá lối sống độc đáo của cư dân ở nhiều quốc gia và vùng miền khác nhau. Sự phát triển này có thể làm hồi sinh, khôi phục các di sản đã phủ màu thời gian và làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể bạn quan tâm!
- Khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh - 2
- Cơ Sở Lí Luận Và Thực Tiễn Về Phát Triển Du Lịch Văn Hóa
- Cơ Sở Hạ Tầng Và Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật Phục Vụ Du Lịch
- Tiềm Năng Về Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Danh Sách Lăng, Miếu, Mộ Được Xếp Hạng Di Tích Ở Tp. Hồ Chí
- Danh Sách Những Lễ Hội Điển Hình Ở Tp.hcm
Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.
Himalaya – nóc nhà của thế giới với những nét văn hóa của một vùng đất Phật là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách phương Tây. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà tổ chức du lịch đã bố trí ở đó tổ chức hành chính hợp lý, đã tính đến sức chứa du khách khi tiến hành lễ hội và các nghi lễ tôn giáo, cho phép khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào kinh doanh du lịch nhưng họ duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt. Hệ thống sân bay và các cơ sở lưu trú được bố trí đảm bảo cho du
khách di chuyển và lưu lại dài ngày. Khách du lịch có thể tham gia lễ hội hóa trang, tham gia các tu viện và tự do chụp hình.
Tại Nêpal, sự phồn vinh của du lịch góp phần làm hồi sinh tôn giáo. Tu viện Tyangboche có 40 tu sĩ thụ đạo đã trở thành một điểm đến du lịch quan trọng. Trước đây khoảng 40 năm, đó là một tu viện bị bỏ hoang, nay được phục hồi với lễ hội có mang mặt nạ đã hấp dẫn khách du lịch từ nhiều nơi. Du khách được đón tiếp trong một tòa nhà được sưởi ấm bằng năng lượng Mặt Trời và được nghe về những nghi thức tôn giáo, hướng dẫn các quy tắc ứng xử về đi đứng, chụp ảnh…
Ở Canada và Autralia, thổ dân có ý thức rất cao trong việc giữ gìn văn hóa dân gian của họ qua du lịch văn hóa. Thông qua các tour du lịch văn hóa, họ hướng dẫn du khách xẻ bàng để ghép thành chiếc lều Igloo, nấu món ấu trùng (một loại bướm sâu đục gỗ). Những nhà tổ chức du lịch và doanh nghiệp bản địa, họ lắng nghe tâm lý và cảm xúc của du khách một cách thận trọng và tinh tế. Người da đỏ ở Canada và thổ dân Autralia coi du lịch văn hóa vừa là truyền bá những giá trị cuộc sống của họ vừa đem lại nguồn thu nhập quan trọng. Du lịch văn hóa cũng giúp du khách hiểu rõ những tập tục đặc sắc của thổ dân. Tuy nhiên, các vị bô lão tại Canada và Autralia cho rằng không phải mọi điều thuộc văn hóa của họ đều được đem ra phơi bày và chia sẻ hết với khách du lịch, giá trị tinh thần không phải để mua bán. Nhiều khu di tích và nhiều buổi lễ của họ, người lạ không được phép tham dự. Dù khách du lịch thất vọng nhưng dân bản địa không đồng ý với du khách, đó là nguyên tắc.
Tại Venise (Italia), các nhà làm du lịch không hoan nghênh những “du khách một ngày”. Những khách du lịch ở lại vài ngày mới thực sự làm lợi cho kinh tế địa phương. Vì vậy, họ tìm cách để níu chân du khách bằng việc xây dựng một cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin chỉ dẫn tỉ mĩ các khu di tích và hoạt động văn hóa trong thành phố thông qua một tấm thẻ “Thẻ Venise” với nhiều dịch vụ ưu tiên.
Ở Pháp, một dự án gọi vốn đã ra đời nhằm trùng tu và xây dựng nhiều lâu đài ở miền Trung châu Âu thành những khách sạn sang trọng để phục vụ du lịch văn hóa. Việc nâng cấp các lâu đài được coi là một bộ phận của chương trình đầu tư và phát triển du lịch văn hóa, sẽ góp phần tài trợ cho công việc trùng tu.
Các “lâu đài - khách sạn” dọc bốn nước Hungaria, Slovakia, Séc và Ba Lan được xây dựng gần thành phố, nối tiếp đó sẽ là phát triển tới cả những vùng xa xôi để thu hút khách du lịch. Họ gặp nhau ở ý tưởng coi các công trình kỷ niệm là điểm du lịch hấp dẫn của mỗi quốc gia. Do đó, họ coi việc trùng tu chúng như là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, sân bay, đường sá. Như vậy, Trung Âu đã tìm ra một hướng hoạt động mới cho các dịch vụ văn hóa là những lâu đài – di sản văn hóa phong phú của họ.
Khu tự trị Galicia và Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha luôn hấp dẫn những vị khách du lịch hành hương đến các lăng tẩm, lâu đài lịch sử. Galicia là một khu tự trị, có những tòa nhà bằng granite kiểu kiến trúc baroc và tân cổ điển của trung tâm lịch sử Santiago de Compostela (được công nhận là di sản văn hóa thế giới) trở thành “nguyên liệu” văn hóa của chiến dịch quảng bá du lịch văn hóa. Toàn bộ khu tự trị này là một ngôi vườn lớn với những cây ô liu bằng đá – điều mà du khách không gặp ở bất kỳ đâu. Cùng với tám thành phố khách của châu Âu được công nhận là Thành phố văn hóa châu Âu, Santiago de Compostela là một trung tâm du lịch văn hóa có thương hiệu và hấp dẫn.
Ở một số nước thuộc khu vực Địa Trung Hải, họ cùng nhau xây dựng những “vương quốc du lịch” trên bãi cát dọc bờ biển quốc gia và đặt tên dự án du lịch văn hóa của họ là “Đem tới hương vị cuộc sống”. Họ quan niệm, chất lượng dịch vụ chỉ là một vấn đề. Cái quan trọng nhất là tìm ra được phương tiện biểu hiện hương vị của thời đại, hương vị cuộc sống. Việc nghỉ ngơi của du khách rất đơn giản, chỉ là vài chiếc lều cắm trên bờ biển, thưởng thức cà chua Tunisia, thịt cừu nướng và sưởi ấm dưới ánh nắng của Tây Ban Nha. Họ chủ trương không xây dựng nhiều nhà tầng mà trồng rất nhiều cây, hoa và quy hoạch vườn tược theo thiết kế của chính phủ.
Ở Campuchia, việc phát triển du lịch văn hóa dựa trên việc khôi phục các quần thể đền đài, nổi tiếng là quần thể di tích kiến trúc Ăngkor Wat đã hấp dẫn khách du lịch tứ phương. Kinh tế Campuchia còn chưa phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật nhìn chung còn hạn chế, song việc đầu tư cho phát triển triển du lịch văn hóa ở đây khá được quan tâm. Họ giữ chân du khách bằng tấm vé
tham quan các khu đền có giá trị trong một ngày, thu hút khách du lịch bằng sự đầu tư cho buổi biểu diễn điệu múa Apsara với thời lượng hơn hai giờ đồng hồ.
Tại Lào, Bộ Văn hóa kết hợp với các nghệ nhân dân gian phục vụ văn hóa truyền thống và di sản kiến trúc dưới sự hướng dẫn của chính phủ. Tại các ngôi chùa, một số nghệ sĩ múa rối lão thành dạy cho nhóm học trò trẻ tuổi học diễn và cho phép du khách tham dự. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lào chỉ thị: “Phải làm nhiều việc để duy trì, phát triển và truyền đạt cho giới trẻ những hình thái phi vật thể của nền di sản như vũ, nhạc, thơ ca, múa rối… Âm nhạc cổ truyền vẫn rất sống động, nhảy múa đang khởi sắc. Du lịch văn hóa là nhân tố thúc đẩy tình hình này”.
Thực tế mỗi nơi có một cách thức khai thác giá trị du lịch từ tài nguyên nhân văn một cách khác nhau. Nhưng từ thực tiễn đó sẽ là bài học kinh nghiệm giúp TP.HCM thực hiện thành công hơn trong việc khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch của Thành phố.
1.3.2. Ở Việt Nam
Du lịch văn hóa được xem là là hướng phát triển lâu dài và đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các điểm du lịch văn hóa ở Việt Nam chủ yếu khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn truyền thống, khu vực tổ chức lễ hội, làng nghề và ẩm thực truyền thống. Du lịch văn hóa Việt Nam lôi cuốn du khách đặc biệt ở các bản làng tộc người thiểu số, các khu di sản văn hóa thế giới và các hoạt động du lịch văn hóa mang tính chất vùng miền.
Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Văn miếu Quốc Tử Giám, bảo tàng Hồ Chí Minh,… được xem là những địa chỉ đỏ trong các tour du lịch văn hóa đến Việt Nam của du khách. Bên cạnh đó là một số làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ,… hay các lễ hội như hội Đền Hùng, hội Chùa Hương, hội Lim,… cũng rất thu hút khách du lịch.
Hiện nay, các nhà tổ chức hoạt động du lịch văn hóa đã tổ chức được các tour du lịch văn hóa chuyên đề, chủ yếu là tham gia lễ hội kết hợp với tìm hiểu lối sống, nghiên cứu di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, các tour nghiên cứu di tích lịch sử
nhìn chung còn ít, chưa lôi cuốn được du khách và cũng giới hạn đối tượng tham gia.
Các sự kiện du lịch (festival du lịch, liên hoan du lịch, năm du lịch quốc gia,…) và các sự kiện văn hóa (tuần văn hóa, liên hoan sân khấu vừa và nhỏ, ca nhạc, phim,…) suốt thời gian qua được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước đã đem đến nhiều chuyển biến tích cực như tăng lượng khách nội địa di chuyển giữa các vùng miền, lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội, các di tích lịch sử,… được tôn vinh và quảng bá. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn thể hiện một số mặt tồn tại trong công tác quản lý du lịch. Đó là những biểu hiện “văn hóa xây, du lịch phá” làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia, gây tâm lý chưa tốt cho khách du lịch.
Hiện nay trên cả nước đã có trên 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Cùng với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, đó sẽ là những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển du lịch văn hóa của đất nước.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.1. Tổng quan về thành phố Hồ Chí Minh
TP.HCM có giới hạn tọa độ 10o10’B - 10o38’B và 106o22’Đ - 106o54’Đ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn, là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và của cả khu vực phía Nam nói chung. Với vị trí tâm điểm của Đông Nam Bộ, TP.HCM là một đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không nối liền các tỉnh trong vùng và còn là cửa ngõ quố tế. Từ TP.HCM có thể dễ dàng và nhanh chóng để đến các nước trong khu vực như: Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia,…bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều đó góp phần làm đa dạng và phong phú trong văn hóa của Thành phố.
Theo Niên giám Thống kê 2011, diện tích toàn thành phố là 2.095,01km2
chiếm hơn 6,36% diện tích cả nước. Trong đó gồm 494,01km2 nội thành và 1.601km2 ngoại thành với tổng số dân là 7.521.138 người, là một trong những tỉnh thành có số dân đông nhất cả nước. Mật độ dân số trung bình đạt 3.590 người/km2.
Về mặt hành chính, Thành phố bao gồm 19 quận: (quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 7, quận 8, quận 9, quận 10, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh; quận Gò Vấp; quận Tân Bình; quận Phú Nhuận; quận Thủ Đức; quận Bình Tân; quận Tân Phú) và 5 huyện ngoại thành ( huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ).
TP.HCM nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng, bị chia cắt mạnh bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch.
Tuy nhiên, nhìn chung địa hình thành phố không phức tạp, mà dễ dàng cho xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng - kĩ thuật.
Khí hậu TP.HCM mang tính chất nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Nền nhiệt cao, nhiều ánh nắng, biên độ nhiệt thấp, lượng mưa trung bình đạt 1.931mm/năm, là khu vực ít chịu ảnh hưởng của gió bão, thiên tai,… là điều kiện thuận lợi để hoạt động du lịch được diễn ra quanh năm.
Với bốn nhóm đất chính là đất phèn, đất phù sa ít bị nhiễm phèn, đất xám và đất mặn. Diện tích đất được sử dụng vào đất nông nghiệp và chiếm tỉ trọng cao nhất, sau đó là đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất ở.
TP.HCM nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, mạng lưới sông ngòi và kênh rạch khá dày đặc với mật độ là 3,38km/km2. Hầu hết các sông rạch ở đây đều chịu ảnh hưởng của thủy triều của Biển Đông. Đặc biệt là những ngày thủy triều lên trùng với ngày mưa gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông và du lịch của Thành phố.
TP.HCM có khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ. Đây là nơi cư trú của nhiều loài động - thực vật với các hệ sinh thái đa dạng,… đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Khoảng 1/5 dân số Thành phố là dân nhập cư. Người Kinh chiếm khoảng 92,91%, người Hoa 12%, còn lại là người Khơmer, Chăm. Dân cư thành phố đa dạng về tôn giáo, bao gồm Phật Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Đạo Cao Đài, Ấn Độ Giáo,... xong cũng như cả nước, đây là “điểm đến an toàn” cho du khách.
TP.HCM là trung tâm kinh tế vào loại lớn nhất của cả nước. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là 1.546 USD, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước (730USD). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thành phố năm 2010 đạt 422.270 tỷ đồng, chiếm 21,3% GDP cả nước, cao gấp 2,5 lần so với Hà Nội. Trong tổng GDP toàn Thành phố, tỷ trọng ngành nông – lâm - thủy sản chỉ chiếm 1,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45,3% và dịch vụ chiếm 53,5% (2010).
TP.HCM trong những năm gần đây luôn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây chính là điều kiện và là động lực cho phát triển kinh tế nói chung của địa phương.