Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam - 4


Thứ ba, TTCK có thể phát sinh các thông tin không đúng về hoạt động của DN hoặc một loại CK. Việc tung tin sai sự thật để gây thất thiệt cho các nhà đầu tư chân chính thường được gắn liền với các hành vi khác như đầu cơ, trục lợi, lũng đoạn thị trường…

Các ưu nhược điểm trên làm cho TTCK trở nên lĩnh vực nhạy cảm, sôi động tác động nhiều mặt tới TTCK nói riêng và xã hội nói chung, bởi vậy nhà nước cần phải quản lý.

1.2. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

1.2.1. Sự cần thiết và vai trò QLNN đối với TTCK

1.2.1.1. Khái niệm QLNN đối với TTCK

QLNN đối với TTCK là sự tác động có tổ chức, có định hướng của các cơ quan QLNN vào đối tượng quản lý bằng các phương thức quản lý khác nhau nhằm bảo đảm TTCK phát triển ổn định, bền vững, phục vụ mục tiêu nhất định của nền kinh tế quốc dân [94].

Từ quan niệm QLNN đối với TTCK như trên có thể rút ra nhận xét cơ bản sau:

- Chủ thể QLNN đối với TTCK là các cơ quan nhà nước: từ Quốc hội là cơ quan lập pháp thông qua và ban hành Luật tạo lập căn cứ pháp lý cho quản lý; Chính phủ là cơ quan hành pháp ban hành Nghị định, Quyết định cụ thể hóa các văn bản dưới luật và tổ chức các cơ quan chuyên môn để thực hiện chức năng quản lý. Ở Việt Nam, Bộ Tài chính, UBCKNN là cơ quan trực tiếp thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng QLNN đối với TTCK. Bên cạnh đó Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN… thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến QLNN đối với TTCK.

- Đối tượng quản lý là các cá nhân, tổ chức, các chủ thể tham gia đầu tư, kinh doanh, liên quan đến TTCK và hoạt động của các cơ quan này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 245 trang tài liệu này.

- Mục tiêu của QLNN đối với TTCK là nhằm bảo đảm phát triển thị trường ổn định, vững chắc để góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế theo những mục tiêu nhất định.

- Các phương pháp QLNN đối với TTCK thường sử dụng là phương pháp kinh tế, phương pháp hành chính, phương pháp giáo dục thuyết phục và kết hợp giữa các phương pháp đó.

Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam - 4


1.2.1.2. Sự cần thiết QLNN đối với TTCK

Sự cần thiết phải QLNN đối với TTCK xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn sau:

Về cơ sở lý luận:

- QLNN đối với các hoạt động kinh tế tại bất kỳ quốc gia nào đều là cần thiết và tất yếu. Khi TTCK phát triển thành một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, hoạt động của TTCK được Nhà nước thừa nhận và quản lý bằng pháp luật. [94]. QLNN đối với TTCK thể hiện tính tất yếu của hoạt động quản lý của nhà nước về kinh tế.

- Xuất phát từ đòi hỏi của sự phát triển KTTT [16]

Trong điều kiện KTTT, cần có những nguyên tắc bảo đảm sở hữu, tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh. Nhà nước cần tạo điều kiện để mọi người đều có thể là chủ sở hữu thực sự đối với tài sản của mình. Quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của cá nhân công dân được Nhà nước bảo hộ như việc bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của pháp nhân. Giải quyết vấn đề sở hữu là nền tảng, tiền đề cho việc giao dịch các loại CK và thu hút vốn cho nền kinh tế.

- Bảo vệ quyền lợi chính đáng, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế [ 88]

Nhà đầu tư dựa vào những thông tin có liên quan và tác động đến giá CK để ra quyết định mua bán CK. Nếu những thông tin này thiếu chính xác, không trung thực và nếu xảy ra các hành vi tiêu cực như thao túng, gian lận,…thì nhà đầu tư sẽ bị thua thiệt. Nhà ĐTCK chỉ yên tâm khi có một chủ thể trung lập, không vì mục tiêu lợi nhuận đứng ra quản lý, giám sát quá trình cung cấp thông tin và các hoạt động trên thị trường nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ. Chủ thể đó chỉ có thể là Nhà nước.

- Dung hoà lợi ích của các thành viên tham gia thị trường, ngăn ngừa và hạn chế các hoạt động tiêu cực gây tác động xấu đến TTCK và nền kinh tế.

QLNN giúp đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và định hướng mục tiêu phục vụ công chúng, bảo vệ người đầu tư. Bản thân các nhà KDCK cũng thấy rằng cần phải có cơ quan quản lý và giám sát đối với các hoạt động của TTCK để thiết lập một hệ thống các quy tắc chung cho hoạt động của ngành CK.


CK là hàng hoá đặc biệt, chất lượng và giá trị thực của CK không biểu hiện ở bằng chứng pháp lý về nó, mà phụ thuộc vào thực trạng và triển vọng của tổ chức phát hành ra CK. Ngoài ra, giá cả của CK còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như tình hình cung cầu, tâm lý của người mua, người bán, lòng tin của công chúng đầu tư,…Sự tách rời giữa giá trị thực của CK với bằng chứng pháp lý về nó đã tạo nên tính phức tạp trong việc hình thành giá CK. Điều này đã trở thành cơ sở cho sự xuất hiện của các hành vi tiêu cực như đưa tin sai sự thật, đầu cơ, thao túng, mua bán nội gián,…để bóp méo giá cả, cung cầu trên thị trường nhằm trục lợi cá nhân, gây hỗn loạn thị trường. Khi áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, các kỹ thuật giao dịch trở nên phức tạp và trừu tượng thì các nhà đầu tư thông thường rất khó có thể phát hiện được các hành vi gian lận. Mặt khác, do lợi nhuận thu được từ ĐTCK thường khá hấp dẫn, nên khả năng nảy sinh các hành vi gian lận, độ tinh vi và nghiêm trọng của nó càng lớn. Hậu quả của các hành vi gian lận có thể làm cho các hoạt động trên thị trường bị hỗn loạn, mất ổn định, thậm chí thị trường bị đổ vỡ, gây tác động xấu đến cả nền kinh tế. Do đó, cần phải có sự quản lý của nhà nước để dung hoà lợi ích của các chủ thể tham gia, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi tiêu cực gây tác động xấu đến sự ổn định và phát triển của TTCK.

- Ngăn chặn và kiểm soát rủi ro có thể gây sụp đổ thị trường [17, 21]

TTCK là một trong những lĩnh vực có nhiều rủi ro. Đối với những rủi ro đơn lẻ thì phạm vi ảnh hưởng của nó chỉ giới hạn ở những loại CK có liên quan nhưng đối với rủi ro hệ thống thì phạm vi ảnh hưởng của nó là toàn bộ thị trường. Khi rủi ro hệ thống xảy ra thì sự lan truyền tác động của nó có thể phá vỡ tính ổn định của thị trường và gây ra sự suy yếu, thậm chí sự sụp đổ của thị trường. Do đó, cần có sự ngăn chặn, kiểm soát và chế ngự các rủi ro nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK.

- Đảm bảo an toàn trong điều kiện hội nhập KTQT

Việc mở cửa TTCK để hội nhập quốc tế đã cho phép các quốc gia thu hút được các nguồn lực bên ngoài để phát triển TTCK. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các yếu tố quốc tế trên TTCK cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là hiện tượng rút vốn ồ ạt, từ đó có thể tác động xấu đến nền kinh tế trong nước. Do đó, Nhà nước cần phải quản lý TTCK để tạo ra sự ổn định và phát triển lâu dài của TTCK, đồng thời góp


phần đạt được các mục tiêu đề ra trong hội nhập.

Về cơ sở thực tiễn

- Trong quá trình phát triển của kinh tế thế giới, TTCK đã được hình thành hàng trăm năm và ngày nay được coi là một thể chế kinh tế bậc cao của KTTT. Trong giai đoạn đầu của TTCK, các nhà nước tư bản không có bất kỳ một biện pháp nào để quản lý hoạt động của thị trường nên đã xảy ra tình trạng đầu cơ, lừa đảo trên thị trường làm thiệt hại cho các nhà đầu tư. Điển hình là sự sụp đổ của TTCK Mỹ năm 1929, kéo theo sự sụp đổ của nhiều TTCK khác, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Từ đó tất cả các nước đều nhận thức được sự cần thiết phải có sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của TTCK, trong đó có việc thành lập cơ quan quản lý TTCK: ở Mỹ năm 1934; Nhật Bản năm 1947; …

- Thực tế phát triển kinh tế và TTCK thế giới cho thấy bất kỳ sự buông lỏng QLNN đối với TTCK sẽ gây hậu quả khó lường.

Thiệt hại ước tính của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 ước tính hơn 40.000 tỷ USD. Có tác giả đã kết tội cha đẻ các học thuyết “KTTT tự do” cổ điển và hiện đại chính là nguyên nhân sâu xa tiếp tay cho chính quyền Mỹ tin vào sức mạnh vốn có của thị trường tự do cùng sự tự tin quá thái vào hệ thống kiểm soát thị trường là thủ phạm chính gây ra khủng hoảng (đã được tác giả của giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2009 Paul Krugman dự báo từ năm 1999). Có người còn đề xuất phải đem xét xử họ trước dư luận thế giới. Với độ nhạy cảm và ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống kinh tế xã hội của TTCK rất cần có sự quản lý của Nhà nước.

- Qua 10 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng nhưng vẫn còn nhỏ bé, đang trong giai đoạn khởi đầu phát triển nhưng vẫn đầy bất ổn cần được quản lý để phát triển phục vụ cho nền kinh tế quốc dân [17, 22]

- Thực tế thời gian qua TTCK mặc dù đã được cảnh báo nhắc nhở nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm cần có sự quản lý của cơ quan nhà nước để hạn chế vi phạm và TTCK phát triển lành mạnh hơn.


1.2.1.3. Vai trò QLNN đối với TTCK

Thứ nhất, tạo lập khuôn khổ pháp luật để quản lý và điều hành hoạt động của TTCK [94]

Để quản lý TTCK, nhà nước phải thiết lập một hệ thống pháp luật quản lý hoạt động của TTCK, điều chỉnh mối quan hệ của các chủ thể trên thị trường. Xác lập khuôn khổ pháp luật đúng đắn cho thị trường luôn được xem như điều kiện tiên quyết nhất bảo đảm TTCK hoạt động hiệu quả. Vấn đề cơ bản của KTTT là sở hữu và lợi ích kinh tế. Chế độ sở hữu và lợi ích kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chủ thể trên TTCK. Hệ thống pháp luật phải bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dung hòa lợi ích của các thành viên tham gia thị trường và ngăn ngừa những hiện tượng trục lợi làm tổn hại đến lợi ích của các nhà đầu tư dài hạn. Vai trò QLNN thể hiện thông qua hệ thống pháp luật trên TTCK thể hiện:

- Xác định vị trí pháp lý cho các cá nhân, tổ chức, DN tham gia TTCK. Sự ra đời, tồn tại, phát triển của các tổ chức trên phải được nhà nước cho phép, bảo vệ.

- Bằng hệ thống luật pháp, nhà nước ban hành những qui định để điều chỉnh hoạt động của từng loại chủ thể tham gia, qui định các loại hành vi được phép và không được phép thực hiện.

- Tổ chức các cơ quan thay mặt nhà nước thanh tra, giám sát hoạt động của các chủ thể trên TTCK.

- Làm rõ chức năng và quyền hạn của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Để phát huy vai trò của khuôn khổ pháp luật trên TTCK đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải ban hành hệ thống các qui phạm đúng đắn, phản ánh chính xác thực tiễn biến động trên thị trường và thực thi pháp luật nghiêm minh.

Thứ hai, tạo lập môi trường thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên

TTCK

Môi trường kinh doanh là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động của các chủ thể trên thị trường. Môi trường kinh doanh có thể chia thành 2 nhóm: nhóm các yếu tố vĩ mô và nhóm các yếu tố vi mô. Nhóm các yếu tố vĩ mô bao gồm: chính trị, luật pháp, kinh tế, văn


hóa xã hội, kỹ thuật và công nghệ. Nhóm các yếu tố vi mô bao gồm : khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh, các nhà trung gian có quyền lợi trong các đơn vị, tổ chức.

Trong nhóm các yếu tố vĩ mô, sự ổn định chính trị tác động tới tâm lý các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một nhà nước mạnh thực thi hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân sẽ đem lại niềm tin vững chắc cho các quyết định đầu tư. Thực tế trong những năm qua Việt Nam luôn thu hút được lượng vốn lớn của các nhà ĐTNN bỏ vốn đầu tư lâu dài. Sự ổn định chính trị, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới đang là ưu thế góp phần tăng thêm đầu tư của nước ngoài với Việt Nam.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô mà yếu tố hàng đầu là ổn định tiền tệ, tỷ giá hối đoái, ổn định lãi suất ngân hàng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, củng cố lòng tin của các chủ thể trên TTCK và là căn cứ quyết định để gia tăng ĐTCK.

Thứ ba, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của TTCK

Để thị trường phát triển lành mạnh và ổn định, Nhà nước thiết lập mô hình quản lý và qui định cơ chế hoạt động của các chủ thể trên thị trường; phối hợp các yếu tố nhân lực, kỹ thuật, công nghệ để duy trì hoạt động và giám sát thị trường, bảo đảm hoạt động thường xuyên, ổn định và đạt hiệu quả cao.

Thứ tư, định hướng phát triển lâu dài của TTCK

Để phát huy vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, nhà nước cần phát triển TTCK một cách ổn định, vững chắc thông qua chiến lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể. Chiến lược được coi là định hướng phát triển dài hạn cùng với chính sách cơ bản và sử dụng nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng đề ra cho TTCK. Trên cơ sở chiến lược được phê duyệt, cơ quan quản lý các cấp cụ thể hóa bằng qui hoạch, kế hoạch phát triển trong thời kỳ nhất định.

Kế hoạch là công cụ quan trọng, là hạt nhân của quá trình quản lý để giúp cơ quan điều hành TTCK. Ngoài ra kế hoạch còn cung cấp thông tin về nghiên cứu, dự báo thị trường làm cơ sở cho các quyết sách điều chỉnh. Trong thời gian hiện nay để nâng cao chất lượng công tác kế hoạch phải lấy thị trường làm cơ sở tính toán mọi chỉ tiêu, khi thị trường biến đổi thì kế hoạch cũng phải thay đổi cho phù hợp. Xu thế hoàn thiện là chuyển từ kế hoạch trực tiếp sang kế hoạch định hướng, gián tiếp.


Cùng với kế hoạch, các chính sách là công cụ chủ yếu để nhà nước quản lý TTCK. So với các công cụ khác, chính sách là bộ phận năng động cao, nhạy cảm với các biến cố của thị trường, góp phần giải quyết những bức xúc, những vấn đề mà thị trường đặt ra. Bởi vậy cần một hệ thống các chính sách đồng bộ, phù hợp với đòi hỏi của TTCK sẽ là cơ sở vững chắc bảo đảm vận hành thị trường năng động, hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy một chính sách sai lầm sẽ phải trả giá đắt đến sự phát triển thị trường và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội

Thứ năm, hỗ trợ phát triển TTCK

Hỗ trợ phát triển thể hiện vai trò QLNN đối với TTCK, một lĩnh vực mới mẻ trong nền kinh tế nhất là trong giai đoạn trứng nước ban đầu. Nhà nước thực hiện giảm thuế, hỗ trợ vốn và kỹ thuật, đào tạo lực lượng lao động là những việc làm cần thiết để tạo cú hích ban đầu, tạo đà cho thị trưêng phát triển.

1.2.2. Mục tiêu, nội dung và phương pháp QLNN đối với TTCK

1.2.2.1. Mục tiêu QLNN đối với TTCK

Mục tiêu QLNN đối với TTCK là tạo ra một thị trường hoạt động ổn định, bảo đảm công khai minh bạch, phát triển bền vững, phát huy tốt nhất vai trò của nó đối với quá trình phát triển của nền kinh tế.

Một là, mục tiêu phát triển thị trường

Mục tiêu cuối cùng của QLNN nói chung và quản lý TTCK nói riêng là nhằm phát triển thị trường: cả thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, tăng khối lượng giao dịch và mức vốn hóa thị trường trở thành một trong những kênh quan trọng huy động vốn và nguồn lực của xã hội vào phát triển kinh tế của đất nước.

Hai là, bảo vệ nhà đầu tư, ổn định thị trường và giảm thiểu rủi ro

IOSCO khuyến nghị: mục tiêu cơ bản trong quản lý TTCK là: bảo vệ nhà đầu tư; đảm bảo thị trường công bằng, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống; tăng cường ổn định thị trường trong nước; phối hợp, chia sẻ thông tin để ổn định thị trường khu vực, toàn cầu.

Bảo vệ nhà đầu tư; đảm bảo rằng thị trường công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm rủi ro hệ thống là ba mục tiêu cơ bản được IOSCO khuyến nghị cho mọi thị trường có tính tới yếu tố môi trường của từng quốc gia. Khi thực hiện các chính sách quản lý, các mục tiêu kể trên dường như lồng ghép vào nhau trên một số khía


cạnh. Nhiều quy định giúp đảm bảo thị trường công bằng, hiệu quả, minh bạch cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống. Tương tự, nhiều biện pháp giảm rủi ro hệ thống cung cấp một cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư. Ngoài ra, các vấn đề như tăng cường giám sát và thực thi pháp luật hiệu quả cũng như hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý khác cũng cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu này.

Mục tiêu hàng đầu trong quản lý TTCK là bảo vệ nhà đầu tư để tránh khỏi tác động tiêu cực của TTCK như các hành vi giao dịch không công bằng, đặc biệt là các hành vi lừa đảo và gian lận CK. Các hành vi thao túng thị trường, thao túng giá, giao dịch nội gián, thông tin sai lệch làm cho cung, cầu và giá CK bị bóp méo theo hướng chỉ có lợi cho một số lượng nhỏ nhà đầu tư. Lợi ích của đa số các nhà đầu tư còn lại bị xâm phạm do các hành vi giao dịch không công bằng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chỉ là mục tiêu mà còn là nguyên tắc hoạt động của TTCK, thể hiện vai trò của QLNN. Mọi chính sách, quy định, cơ chế hoạt động đều phải thể hiện trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư và mang tính quyết định đến sự phát triển của TTCK.

QLNN đối với TTCK cần hướng tới việc quản lý rủi ro có hệ thống, tránh những tác động dây chuyền của đổ vỡ thị trường, giảm thiểu tổn thất cho nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra. Tăng cường ổn định thị trường trong nước và phối hợp, chia sẻ thông tin để ổn định thị trường khu vực và toàn cầu cũng là mục tiêu mà quản lý TTCK cần hướng tới.

Ba là, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và minh bạch

Đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và minh bạch của thị trường là mục tiêu cơ bản của quản lý TTCK. Mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư. Công bằng, hiệu quả và minh bạch gắn liền với việc đối xử công bằng đối với mọi nhà đầu tư, công bố thông tin đầy đủ và giá CK được xác lập trên cơ sở thông tin được công bố. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

- Đảm bảo tính công khai, trung thực và minh bạch của thị trường thông qua cung cấp thông tin. TTCK chỉ có thể hoạt động ổn định và phát triển lâu dài khi các thông tin cung cấp và các giao dịch trên thị trường đảm bảo được tính công khai, chính xác, trung thực và minh bạch, bởi lẽ điều này cho phép các nhà ĐTCK có

Xem tất cả 245 trang.

Ngày đăng: 15/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí