Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 12

định cấm kết hôn giữa những người đang có vợ hoặc có chồng. Tuy nhiên, hủ tục lấy nhiều vợ, nhiều chồng của đồng bào các dân tộc vẫn còn tồn tại nhiều nơi. Ở xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên còn nhiều trường hợp lấy hai vợ vì "ưng cái bụng" hay muốn có con trai nối dõi… Trong xã có 20 bản, người Mông chiếm 80%, còn lại là người Thái, có 8 người đàn ông lấy vợ hai, vợ ba. Ông Chá Già Lử (48 tuổi) có 2 vợ và 10 người con; ông Lầu Chứ Di (60 tuổi) có 3 vợ và 8 người con. Tất cả người vợ này đều được "bắt vợ" công khai và chung sống cùng một nhà. Ông Vừa Xô Dày, Chủ tịch UBND xã Xa Dung cho biết, quan niệm "mười gái chẳng bằng một trai" của người Mông và phong tục đa thê xảy ra đã kéo tụt mọi thành quả, nỗ lực thoát nghèo của chính quyền xã [53].

Không chỉ xảy ra ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, mà ở ngay tại Vân Côn, một xã của huyện Hoài Đức, Hà Nội, tình trạng đa thê cũng diễn ra như chuyện hết sức "bình thường". Thế hệ các bác 50-60 tuổi thì có nhiều người được vợ cả gánh lễ đi hỏi vợ hai cho. Những người trẻ hơn thì không có chuyện cưới hỏi như thế nữa vì pháp luật không cho phép, nhưng việc tình trạng vợ hai, vợ ba kiểu "không báo cáo chính quyền" thì không phải là hiếm. Ví dụ trường hợp ông giáo Trần L vốn là hiệu trưởng một trường trong xã đã nghỉ hưu lại nổi tiếng với thành tích "mía ngọt đánh cả cụm", ông đã lấy hai vợ là hai chị em ruột và có ba người con với hai người vợ này [37].

Nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng đa thê diễn ra nhiều là do sự hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp kém, quan niệm phong kiến phải có con trai nối dõi vẫn còn phổ biến trong tâm thức của người đàn ông. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn ở chính quyền địa phương chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều người khi lấy vợ đầu có đăng ký theo đúng pháp luật, nhưng người vợ sau họ chỉ làm đám cưới hoặc về sống cùng với nhau, vì vậy gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Bên cạnh việc lấy nhiều vợ, nhiều chồng cũng cần phải nói đến nạn ngoại tình hiện nay. Do mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến sự xuống cấp

về đạo đức, tác động đến quan hệ vợ chồng, hiện tượng ngoại tình diễn ra ngày một nhiều, ngoại tình không chỉ có ở người chồng mà còn xảy ra ở người vợ, trong giới trẻ và cả ở người lớn tuổi. Ngoại tình làm tan vỡ gia đình, kéo theo đó là nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội, khiến con người bị mất niềm tin vào cuộc sống, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, tâm lý của các con… Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, để xử phạt vi phạm hành chính đối với việc vi phạm chế độ một vợ một chồng thì phải có yếu tố "chung sống như vợ chồng". Theo Thông tư liên tịch số 01 thì: "Việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó" [59]. Vì vậy, muốn phạt hành chính người ngoại tình phải chứng minh được ba yếu tố: họ có con chung, có tài sản chung, quan hệ chung sống phải được hàng xóm xác nhận. Trong thực tế có những người ngoại tình cả chục năm mà nếu họ và tình nhân không có con chung, không chứng minh được giữa họ có tài sản chung thì cũng khó có thể xử phạt được họ mà chỉ vi phạm về mặt đạo đức và bị xã hội lên án.

- Người bị mất năng lực hành vi dân sự vẫn kết hôn

Luật HN&GĐ năm 2000 không cấm những người bị các bệnh thông thường trong đó có các bệnh tâm thần thể nhẹ kết hôn. Song thực tế cho thấy nhiều cuộc hôn nhân của người có liên quan đến bệnh tâm thần đã gây ra nhiều phiền toái, những hậu quả đáng tiếc. Ví dụ: Dù biết rõ anh Nguyễn Văn B mắc bệnh tâm thần từ lâu nhưng do "quá lứa lỡ thì", lại bị gia đình ép buộc nên chị Trần Thị T vẫn quyết định về làm vợ anh B. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đơn giản: Trước kia gia đình anh B sống với anh không việc gì thì chị về làm vợ, sống chung một mái nhà với anh chắc cũng không làm sao. Sóng gió, bất hạnh ập đến với chị T khi chồng chị ngày một nặng bệnh hơn với những biểu hiện "lên cơn" rất hung dữ, anh thường xuyên đánh đập chị tàn nhẫn. Khi chị mang thai tháng thứ 3, một đêm, đang nằm ngủ thì bị chồng cầm thanh gỗ

phang tới tấp vào người, kết quả là đứa con của chị khi sinh ra ngoài chứng tâm thần bẩm sinh còn teo tóp chân tay. Chính quyền địa phương can thiệp bằng cách đưa anh vào bệnh viện tâm thần của tỉnh. Từ đây, chị mới thoát cảnh đòn roi của anh B nhưng hàng tháng phải ra vào bệnh viện thăm nom chồng. Đã vậy, chị phải chăm bẵm đứa con tật nguyền, sống vô thức, không phát triển trí tuệ. Tương lai của cuộc đời chị chẳng có một tia hy vọng nào…Qua trường hợp này rõ ràng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn về vấn đề kết hôn của người mắc bệnh tâm thần để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em sinh ra không may bị mắc bệnh bẩm sinh.

Trường hợp trên, con sinh ra bị mắc bệnh tâm thần bẩm sinh, gây ảnh hưởng suốt đời và tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh - Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Trung ương xét về mặt y học biểu hiện của bệnh nhân tâm thần là khá phức tạp, người bệnh thường có những suy nghĩ hoang tưởng, hành vi bộc phát và những biểu hiện của bệnh rất khó đoán trước. Do đó, người bệnh tâm thần không có sự đảm bảo một cuộc sống gia đình yên ổn và sự an toàn cho người thân trong gia đình. Gia đình người bệnh tâm thần cần có những kỹ năng chung sống cần thiết và vấn đề quan trọng ở đây là: Người mắc bệnh tâm thần kết hôn hay không đều cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa. Trong trường hợp mắc bệnh nhẹ (như trầm cảm) người bệnh có thể kết hôn nếu tìm được người yêu thương. Trong trường hợp này cũng có thể coi đó cũng là cách trị bệnh. Nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày và càng có xu hướng tăng nặng thì không nên kết hôn để tránh những bi kịch xảy ra cho gia đình. Và trong bất cứ tình huống nào, người mắc bệnh tâm thần cũng hạn chế sinh con để không ảnh hưởng đến sức khỏe con cái sau này... Vì vậy, trước khi tiến hành một cuộc hôn nhân các bên luôn cần có sự tìm hiểu, suy xét kĩ lưỡng về sức khỏe của bản thân cũng như người vợ (chồng) tương lai để không ai phải gánh chịu những kết cuộc buồn, những nỗi đau không thể hàn gắn được.

Hiện nay, theo quy định của BLDS thì người mất năng lực hành vi dân sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở yêu cầu của những người có quyền lợi liên quan. Do đó, một người dù không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng không có yêu cầu tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì người đó vẫn chưa bị coi là mất năng lực hành vi dân sự nên họ vẫn có quyền kết hôn. Thực tế cho thấy có rất ít trường hợp những người thân thích (như cha, mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại, anh, chị, em) yêu cầu Tòa án tuyên bố người thân của mình bị mất năng lực hành vi dân sự. Pháp luật HN&GĐ không buộc gia đình, người thân và những người khác biết về bệnh của người mắc bệnh tâm thần và các bệnh khác mất khả năng nhận thức phải khai báo hoặc cam đoan trước cơ quan đăng ký kết hôn. Đối với trường hợp chưa bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo quy định trên thì còn có những cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật như: (1) vẫn được kết hôn vì không vi phạm điều cấm; (2) không được kết hôn do vi phạm điều kiện về tự nguyện trong kết hôn được quy định tại khoản 2 Điều 9… Nhiều vụ việc Tòa án thụ lý giải quyết theo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền về hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm Khoản 2 Điều 10, nhưng bản thân đương sự, gia đình đương sự đã phản đối và UBND nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng đã không đồng tình với quyết định của Tòa án vì cho rằng, việc đăng ký kết hôn trong trường hợp này là đúng luật. Bên cạnh đó, hiện nay, khi đăng ký kết hôn, ngoài giấy chứng nhận độc thân để xác định chưa có vợ có chồng thì không cần một loại giấy tờ nào khác chứng nhận về tình trạng sức khỏe hiện nay của hai bên. Vì vậy, khi có yêu cầu kết hôn với người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà dẫn đến không còn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ rất lúng túng và khó xử lý.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

- Tình trạng kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng

cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), tại một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, Chứt… và đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là hôn nhân cận huyết thống [24]. Và họ đang là những dân tộc ít người có nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng dân số rõ rệt nhất do tình trạng giao phối hôn nhân cận huyết gây ra. Cũng theo tài liệu khảo cứu của trung tâm này, thì có vùng đồng bào dân tộc vẫn áp dụng hôn nhân cận huyết thống một cách triệt để đến mức, chỉ cho phép những người trong cùng họ hàng, huyết thống lấy nhau, nếu vi phạm sẽ bị phạt… Cũng theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Trong 5 năm trở lại đây, tại 13 tỉnh miền núi, số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có xu hướng gia tăng. Ước tính, trung bình mỗi năm có thêm 100 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Tình trạng này đã và đang diễn ra tại các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn... Đây là một trong những nguyên nhân làm suy thoái chất lượng giống nòi, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số của các tỉnh miền núi [24].

Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 12

Theo PGS.TS Trần Đức Phấn - trưởng bộ môn Sinh y học và Di truyền, Đại học Y Hà Nội thì: Hầu hết những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gien lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như: hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD (Enzim bảo vệ tế bào), tan máu bẩm sinh (Thalassemia), trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Theo số liệu mà bệnh viện Nhi Trung ương có được thì hiện nay, có khoảng 5 triệu trẻ em đang mang gien mầm bệnh di truyền do đột biến gien từ hôn nhân cận huyết thống. Đó là bệnh thiếu máu và lùn bẩm sinh [24].

Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Ngoài yếu tố đạo đức và phong tục, việc cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ nhằm duy trì sự khỏe mạnh của thế hệ sau là cần thiết. Nhưng vấn đề kết hôn cận huyết thống khó kiểm soát, quản lý, ngăn cấm hơn tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vì người dân ở đây hầu hết đều sống theo hủ tục này. Tập tục này trở thành một phần trong đời sống văn hóa của dân tộc đó nên rất khó để xóa bỏ trong thời gian ngắn. Trong quan niệm của họ, vấn đề này được xử lý ở góc độ tình cảm, thói quen chứ không hề xem xét đến khía cạnh luật pháp, chỉ cần hai bên gia đình đồng ý là nên vợ, nên chồng. Thực tế, cán bộ tư pháp địa phương nắm bắt được tình hình nhưng không thể giải quyết trước tình trạng "phép vua thua lệ làng", dù đã sử dụng các biện pháp khuyến khích, vận động, giảng giải cho người dân hiểu được những vấn đề mà con cháu họ sẽ gặp phải nếu kết hôn cùng huyết thống.

Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời có tính khả thi thấp khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số. Thực tế, một số Tòa án địa phương đã có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật đối với các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống… nhưng thường khó được thi hành, có những trường hợp nộp phạt hành chính rồi vẫn tiếp tục ở với nhau nên chế tài này hiện nay đang bị người dân phớt lờ. Ngoài ra, do tảo hôn và kết hôn cận huyết thống không thể được đăng kết hôn tại UBND, nên những trường hợp này thường là những cặp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn [10].

Có nhiều lý do từ thực trạng kết hôn cận huyết ở một số địa phương, trong đó: (1) do ảnh hưởng của tập tục (bị thúc ép lấy vợ, chồng sớm để có người lao động, có người nối dõi); (2) Nam, nữ thanh niên thuộc đồng bào dân tộc ít người ít có điều kiện học tập nâng cao sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, gia đình nói riêng và quyền, nghĩa vụ pháp lý nói

chung; (3) công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, các vụ việc xử lý hành chính, hình sự về vi phạm chế độ hôn nhân, gia đình nói chung về các hành vi vi phạm điều kiện cận huyết nói riêng ít được giải quyết trên thực tế; cán bộ hộ tịch ở một số địa phương vì nhiều lý do cũng không nắm bắt đầy đủ các thông tin về thực trạng kết hôn cận huyết dẫn tới có nhiều khó khăn trong việc đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng trên.

- Những người có quan hệ thân thích kết hôn với nhau

Khoản 4 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm kết hôn "giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng" [42]. Việc cấm những người này kết hôn là xuất phát trên cơ sở đạo đức và phong tục tập quán. Việc kết hôn giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người đã từng có quan hệ bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng tuy không có ảnh hưởng về gen di truyền đối với thế hệ con cái, nhưng làm đảo lộn thứ bậc và các quan hệ trong gia đình, không đảm bảo duy trì được trật tự trong gia đình và từ đó sẽ ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức của gia đình và xã hội. Với xu hướng việc ly hôn ngày càng tăng, những người đã ly hôn tái hôn thành lập những gia đình mới cũng có nhiều hơn, nên quan hệ giữa những người trên sẽ ngày càng nhiều, vì vậy việc cấm những người này kết hôn với nhau là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên áp dụng quy định này trong việc xác định các điều kiện của người kết hôn là rất khó, nhất là khi các đương sự không tự giác, vì giữa những người đã từng có quan hệ là bố chồng với con dâu, mẹ với con rể, con riêng với bố dượng hoặc với mẹ kế… không có căn cứ nào để xác định. Quan hệ đó không được thể hiện trên bất cứ loại giấy tờ nào, trừ sổ hộ khẩu nếu họ có chung sống với nhau. Đặc biệt trong trường hợp những người này cố tình giấu giếm những quan hệ trong quá khứ đó, di chuyển đến nơi khác sinh sống cư trú để

kết hôn với nhau, thì cán bộ có thẩm quyền đăng ký kết hôn không thể phát hiện được sự khuất tất này nên sẽ đăng ký kết hôn cho họ mà không thể biết là đã vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, việc kết hôn giữa con riêng của chồng và con riêng của vợ, giữa những người con nuôi hoặc giữa con đẻ với con nuôi trong một gia đình chưa từng được dự liệu trong Luật HN&GĐ năm 2000 nhưng là một thực tế cần quan tâm. Các chủ thể trên là anh chị em trong gia đình, nhưng giữa họ lại không có quan hệ huyết thống và không có quan hệ họ hàng, vậy nếu phát sinh việc kết hôn với nhau thì giải quyết ra sao? Có nhiều quan điểm cho rằng, về mặt đạo đức chúng ta không thể hoặc khó chấp nhận con riêng của vợ với con riêng của chồng, các người con nuôi của cùng cha mẹ nuôi hoặc con đẻ với con nuôi kết hôn với nhau, mặc dù về huyết thống không có ảnh hưởng tiêu cực cho nòi giống. Khi hai người kết hôn có quan hệ như trên yêu cầu chính quyền cho đăng ký kết hôn thì cán bộ hộ tịch không tìm ra quy định pháp luật để giải quyết. Còn đôi uyên ương lại lý sự: "Chúng tôi được làm những gì pháp luật không cấm!". Điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho cán bộ hộ tịch.

- Kết hôn giữa những người cùng giới tính

Quan hệ đồng giới là một vấn đề rất phức tạp, đang có xu hướng lan rộng và trong dư luận xã hội đang dấy lên nhiều ý kiến trái ngược nhau: đồng ý hay là phản đối. Trong thời gian qua, nhiều người đồng tính bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thì kỳ thị với người đồng tính còn phổ biến, đặc biệt là qua lời nói với 95% người đồng tính nam được hỏi đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện là người đồng tính 20% mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập; Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công vì là người đồng tính, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính [10].

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 27/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí