Hậu Quả Pháp Lý Của Việc Hủy Kết Hôn Trái Pháp Luật

02/2000/NQ-HĐTP). Vì vậy, đối với những trường hợp này, việc kết hôn đó vẫn được coi là hợp pháp.

2.3.5. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Khi Tòa án nhân dân hủy việc kết hôn trái pháp luật, cần giải quyết các vấn đề sau:

- Về quan hệ nhân thân

Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Do đó, giữa họ chưa từng phát sinh quan hệ vợ chồng. Việc họ chung sống như vợ chồng là trái pháp luật, vì vậy: "Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng" [42, Khoản 1 Điều 17]. Kể từ ngày quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật của tòa án có hiệu lực pháp luật, hai người phải chấm dứt cuộc sống chung trái pháp luật đó.

- Về tài sản

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000 thì tài sản được giải quyết như sau:

+ Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó nhưng người có tài sản riêng có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là tài sản riêng của mình. Nếu họ không chứng minh được thì tài sản đó được xác định là tài sản chung.

+ Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

Do hai người kết hôn trái pháp luật nên giữa họ không phát sinh quan hệ vợ chồng. Vì vậy, tài sản mà họ tạo ra trong thời gian chung sống không phải là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Khi tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật, tài sản chung (nếu có) được chia theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định chia trên cơ sở công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

chung, tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, người có tài sản riêng phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó là tài sản riêng của mình. Nếu họ không chứng minh được thì tài sản đó được xác định là tài sản chung.

- Quan hệ giữa cha mẹ và con

Hoàn thiện chế định kết hôn trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 - 11

Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào hôn nhân của cha, mẹ có hợp pháp hay không. Hai người kết hôn trái pháp luật tuy không phải là vợ chồng nhưng vẫn là cha và mẹ của con chung. Vì vậy, khi Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn (khoản 2 Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2000). Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Tòa án nhân dân phải căn cứ vào điều kiện thực tế của các bên đương sự và căn cứ vào các Điều 92, 93, 94 Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết cho hợp tình, hợp lý.

Nhìn chung, chế định kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2000 đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ năm 1959 và 1986. Những quy định về kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2000 được chỉnh sửa, bổ sung ngày một hoàn thiện hơn, quy định chặt chẽ và triệt để hơn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Chương 3

THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN

VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN


3.1. NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN

Qua hơn 13 năm thực hiện, Luật HN&GĐ năm 2000 đã chứng tỏ

nhiều ưu điểm tích cực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, có tác động tích cực đối với việc bảo đảm các quyền dân sự nói chung, quyền về HN&GĐ nói riêng, phần nào đáp ứng được yêu cầu đổi mới của xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về kết hôn trong thực tế đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, gây ra một số bất cập.

3.1.1. Thực tiễn thực hiện điều kiện kết hôn

* Về độ tuổi kết hôn

Số liệu thống kê chính thức của các cơ quan liên quan thuộc Liên hợp quốc cho thấy hiện có tới 30% các thiếu nữ sinh sống tại các nước đang phát triển lập gia đình khi chưa tròn 18 tuổi, thậm chí có tới 14% các cô bé đi lấy chồng lúc dưới 15 tuổi. Trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 16 triệu trẻ sơ sinh được chào đời từ những bà mẹ trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi, chiếm khoảng 11% tổng số sản phụ toàn cầu [54].

Ở Việt Nam, phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở nông thôn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là đối tượng trọng điểm của vấn nạn tảo hôn và kết hôn sớm. Tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có tới 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12 - 17 tuổi; xã Vân Hồ, tỷ lệ tảo hôn là 68%; xã có tỷ lệ tảo hôn thấp nhất là Muổi Nọi, huyện Thuận Châu cũng ở mức 27%. Kết quả điều tra của Trung tâm Truyền thông và sức khỏe trong 3 năm gần đây cũng chỉ ra dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất vùng núi phía Bắc với 33%, dân tộc Thái chiếm 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8% [25].

Nguyên nhân của thực trạng tảo hôn trước hết là do bị ảnh hưởng bởi sức ép về phong tục tập quán, tập tục kết hôn sớm đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người. Cùng với đó là do trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế, địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên phần lớn người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, chưa hiểu rõ những hệ lụy từ tảo hôn. Bên cạnh đó, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở nhiều nơi chưa thật sự quan tâm, chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật HN&GĐ năm 2000. Trong khi quy định xử lý các trường hợp vi phạm Luật HN&GĐ năm 2000 chưa nghiêm - mức xử phạt trong trường hợp tổ chức tảo hôn là 200.000 đồng thì việc xử phạt ở nhiều nơi đôi khi còn chiếu lệ… Ngoài ra, thực tiễn trong cuộc sống có nhiều bậc cha mẹ tổ chức đám cưới cho con chưa thành niên đều rơi vào "hoàn cảnh bắt buộc" - phải tổ chức để giải quyết hậu quả tình trạng quan hệ tình dục không an toàn của con trẻ...

Những nghiên cứu của ngành y tế cho thấy: tảo hôn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của chất lượng dân số, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và tính mạng của trẻ sơ sinh, tỷ lệ các đối tượng tảo hôn sinh con nhẹ cân (dưới 2.500g) chiếm đến 33,44%. Tỷ lệ những đứa trẻ sinh ra bị bệnh và dị tật bẩm sinh chiếm 3%, những đứa trẻ sinh ra bởi những cặp tảo hôn thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Hậu quả của tảo hôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng dân số thấp, thể hiện ở tỷ lệ dân số nước ta bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ chiếm 1,5%; số người bị tàn tật, khuyết tật chiếm 6,3%; tầm vóc, thể lực con người còn hạn chế, chỉ số phát triển con người ở nước ta ở mức thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công nghiệp có trình độ trung bình... [55].

Những hệ lụy do tảo hôn gây ra ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, đến chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Phần lớn các cặp vợ chồng trẻ tảo hôn do tuổi đời còn ít, khi bỏ học lấy vợ lấy chồng mất cơ hội học tập so

với bạn bè cùng lứa tuổi nên thiếu hụt kiến thức xã hội, nhiều cặp tảo hôn là hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thiếu kinh nghiệm cuộc sống, sau khi kết hôn phải lo toan cho cuộc sống gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và dễ dẫn đến phá vỡ hạnh phúc gia đình. Ví dụ như trường hợp gia đình bà Lường Thị Rươi ở Bản Pán 1 (xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Chỉ nằm cách trung tâm huyện chưa đến 1km nhưng ở đây bà không hề nhận thức được những hệ quả do tình trạng tảo hôn gây ra. Chính vì thế, khi con gái mới 16 tuổi, đã nghỉ học để đi lấy chồng thì gia đình bà không hề phản đối. Đến bây giờ, khi con gái lấy chồng sinh con thì bà mới biết được hậu quả của việc cho con lấy chồng sớm. Bà Rươi chia sẻ các bạn của cháu giờ được đi học đầy đủ, còn cháu thì ở nhà nuôi con nhỏ, công việc thì không có, vất vả lắm nhưng gia đình không giúp được gì. Cũng tại tỉnh Sơn La, trường hợp của em Quàng Thị Lan (bản Nà Hay, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu) là một minh chứng cho tác hại của việc tảo hôn. Lan cho biết, năm 16 tuổi khi đang học phổ thông em đã bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, đến nay khi con đã gần 1 năm tuổi nhưng vẫn gầy gò, đau ốm thường xuyên và chỉ nặng chưa đến 5kg. Khi đến bệnh viện khám, được các bác sỹ giải thích, Lan mới biết do mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ các điều kiện để nuôi dưỡng bào thai nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi và dẫn đến việc suy dinh dưỡng của con khi sinh ra [49].

Khoản 1 Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định tuổi kết hôn là "nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên". Đây là quy định độ tuổi tối thiểu cần có ở người nam hay người nữ khi kết hôn. Quy định về tuổi kết hôn hiện hành về cơ bản đã đóng góp tích cực trong xây dựng chế độ hôn nhân lành mạnh, hạnh phúc và bền vững; bảo đảm cho cá nhân có được sự phát triển cần thiết về thể chất, trí tuệ, kinh nghiệm xã hội, từ đó tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ trong HN&GĐ.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, quy định về tuổi kết hôn đã phát sinh bất cập, hạn chế sau:

- Về năng lực chủ thể, quy định về tuổi kết hôn chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định về người đã thành niên trong BLDS. Theo Điều 19 BLDS, người đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được tham gia tất cả các quan hệ dân sự. Nhiều luật liên quan cũng đã thừa nhận năng lực chủ thể của cả nam và nữ là đủ 18 tuổi. Ví dụ: Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự quy định công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. Đối với nữ, việc kết hôn của nữ bước sang tuổi 18 được coi là hợp pháp, nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về quyền của họ trong tham gia các giao dịch, trong khi theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (về bất động sản, tín dụng...) đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Về năng lực tham gia tố tụng, khoản 3 Điều 57 BLTTDS quy định một cá nhân chỉ có thể tự mình tham gia quan hệ tố tụng khi đã đủ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định, nữ bước sang tuổi 18 mà kết hôn được coi là hợp pháp và họ được quyền tự do ly hôn. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của họ không thể thực hiện được nếu sau khi kết hôn và đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi.

* Về sự tự nguyện của các bên kết hôn

Các hành vi lừa dối, cưỡng ép người khác kết hôn vẫn còn tồn tại với nhiều mục đích và biểu hiện khác nhau như: Kết hôn nhằm che giấu tiền án tiền sự, tránh sự truy nã của cảnh sát, dùng vật chất để cưỡng ép như cho vay với lãi suất cao rồi tìm mọi cách để bắt họ kết hôn để trừ nợ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi dùng nó để làm điều kiện trao đổi, cha mẹ hai bên đã từng có hứa hẹn nên ép con cái của họ kết hôn với nhau... Những hành động ép buộc trên

xâm phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và đi ngược với tinh thần của pháp luật HN&GĐ Việt Nam hiện nay, đáng bị lên án và trừng phạt.

Ngoài ra, thực tế hiện nay còn có trường hợp kết hôn giả tạo, có thể một bên lừa dối bên kia xác lập quan hệ hôn nhân nhưng không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Trường hợp đặc biệt là cả hai bên cùng che mắt cơ quan chức năng, thể hiện sự "tự nguyện" kết hôn nhưng che đậy một mục đích khác. Hiện tượng "kết hôn giả" giữa anh em, chú cháu với mục đích xuất cảnh, nhập hộ khẩu nước ngoài diễn ra khá phổ biến ở nước ta nhất là trong giai đoạn hiện nay. Những cuộc kết hôn này không vì mục đích chung sống lâu dài, vi phạm điều cấm của Luật HN&GĐ năm 2000 làm ảnh hưởng đến đạo đức và truyền thống hôn nhân gia đình Việt Nam. Do đó, khi bị phát hiện và có yêu cầu Tòa án xem xét và có thể ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật, đồng thời tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tại thành phố Đà Nẵng, từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN&GĐ về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài đến năm 2012, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã phối hợp với Công an thành phố điều tra, xác minh 46 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Qua đó đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 24 trường hợp đăng ký kết hôn không vì mục đích hôn nhân tiến bộ, tự nguyện. Trong đó có 4 trường hợp có quan hệ huyết thống trong phạm vi 3 đời; 1 trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nhưng sửa chữa hộ tịch; 9 trường hợp đang có vợ, chồng nhưng vẫn làm thủ tục đăng ký kết hôn; 7 trường hợp kết hôn với anh, em, cháu gái, cháu của bên vợ (chồng) nhằm mục đích bảo lãnh để xuất cảnh và 3 trường hợp người Việt Nam định cư tại Canada ghép hồ sơ theo kiểu "có qua có lại" nhằm kết hôn với người thân, họ hàng của nhau để bảo lãnh xuất cảnh. Ví dụ: Anh V.B.T (sinh năm 1973) ở phường 1, quận Sơn Trà, Đà Nẵng có quan hệ bà con gần với cô V.T.Y.V (sinh năm 1975) đang

sinh sống tại Canađa. Mẹ anh T. là chị ruột của mẹ cô V. Để làm thủ tục bảo lãnh cho anh T qua Canađa, gia đình đã bàn bạc thống nhất cho hai người lấy nhau bất chấp quan hệ họ hàng gần trong phạm vi ba đời. Sau lễ cưới, cô V về Canađa và không trở lại Việt Nam. Anh T đành nhờ tòa án giải quyết quan hệ hôn nhân để tính chuyện tương lai cho mình [11].

Nếu phát hiện thấy dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan chức năng phải xác minh cẩn trọng trước khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của các quy phạm pháp luật về HN&GĐ. Có thể thấy việc kết hôn giả tạo đang là vấn đề nóng bỏng rất cần được Nhà nước quan tâm để đảm bảo những quy định của pháp luật về kết hôn được thực hiện nghiêm minh và chặt chẽ.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật hai bên nam nữ buộc phải có mặt khi đăng ký kết hôn, họ phải thể hiện ý chí của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi xác minh chúng ta chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người kết hôn. Lời khai của họ thường phản ánh ý chí chủ quan của bản thân họ, trong khi đó, trước khi họ thể hiện ý chí trước cơ quan nhà nước, có thể họ đã bị khống chế. Vì vậy, đây là trường hợp vi phạm rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn. Mặt khác, nếu có vi phạm thì người có quyền yêu cầu xử lý cũng phải là một trong hai bên chủ thể mà không thể là ai khác. Bởi lẽ, chỉ những người trong cuộc mới biết được họ có tự nguyện hay không. Vì vậy, nếu ai đó tiếp tục khống chế thì người bị cưỡng ép khó thể hiện ý chí của mình trước cơ quan có thẩm quyền về việc kết hôn vi phạm sự tự nguyện.

* Các trường hợp cấm kết hôn

- Kết hôn khi đang có vợ hoặc có chồng: Ngoài trường hợp thừa nhận hôn nhân đối với trường hợp cán bộ, bộ đội miền Nam đã có vợ hoặc chồng ở miền Nam, tập kết ra Bắc (1954) lại lấy vợ hoặc chồng khác và một số trường hợp theo Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 thì Luật HN&GĐ năm 2000 quy

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 27/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí