Mỗi một trường nghĩa biểu vật thường có từ trung tâm là danh từ. Danh từ này có tính khái quát cao, gần như là tên gọi của các phạm trù biểu vật, như người, động vật, thực vật, vật thể, chất liệu…Các danh từ này cũng là tên gọi các nét nghĩa có tác dụng hạn chế ý nghĩa của từ về mặt biểu vật, là những nét nghĩa cụ thể, thu hẹp ý nghĩa của từ. Dựa vào danh từ trung tâm, người ta xác lập trường nghĩa biểu vật. Ở ví dụ trường biểu vật về tay trên, dựa vào danh từ tay, ta tập hợp được rất nhiều từ về tay – nằm trong trường nghĩa tay.
Các trường nghĩa biểu vật lớn có thể phân chia thành các trường nghĩa biểu vật nhỏ. Đến lượt mình, các trường nghĩa biểu vật nhỏ này cũng có thể phân chia thành các trường nghĩa biểu vật nhỏ hơn nữa. Chẳng hạn, trường nghĩa biểu vật về tay có thể chia thành các trường nhỏ: trường biểu vật về bàn tay (gồm: ngón tay, vân tay, hoa tay, đốt ngón tay, chỉ tay, mu bàn tay…), trường biểu vật về cánh tay (gồm: cổ tay, xương cánh tay, cùi chỏ…)
Số lượng từ ngữ và cách tổ chức của các trường nghĩa biểu vật rất khác nhau. Sự khác nhau này diễn ra giữa các trường lớn với nhau và giữa các trường nhỏ trong một trường lớn. Nếu so sánh các trường cùng một tên gọi trong các ngôn ngữ với nhau thì sự khác nhau trên còn rõ hơn nữa.
Nếu tạm gọi một trường nhỏ (hay một nhóm nhỏ trong một trường nhỏ) là một “miền” của trường, thì thấy, các miền thuộc các ngôn ngữ rất khác nhau. Có những miền trống - tức không có từ ngữ - ở ngôn ngữ này nhưng không trống ở ngôn ngữ kia, có miền có mật độ cao trong ngôn ngữ này nhưng lại thấp trong ngôn ngữ kia.
Vì từ có nhiều nghĩa biểu vật, cho nên, từ có thể nằm trong nhiều trường biểu vật khác nhau, hệ quả là các trường nghĩa biểu vật có thể “giao thoa”, “thẩm thấu”. Xét trường biểu vật về người và trường biểu vật về động vật, ta sẽ thấy rất rõ điều này. Trường nghĩa người sẽ gồm các từ: đầu, tóc, mắt, cổ, bụng, tay, chân, mũi, miệng, mồm, răng, lưỡi, ruột, dạ dày, da, máu, xương, thịt, lông, ăn, uống, đi, chạy, nhảy, khóc, cười, nói, hát, hét, ngủ, nằm, to, nhỏ … Trường nghĩa động vật sẽ gồm các từ: đầu, đuôi, sừng, gạc, cổ, bụng, mắt, chân, mũi, mồm, răng, lưỡi, ruột, dạ
dày, da, máu, xương, thịt, lông, ăn, uống, đi, chạy, nhảy, hót, hí, ngủ, nằm, to, nhỏ
… Hầu hết các từ nằm trong trường động vật đều nằm trong trường người, ví dụ các từ: đầu, cổ, bụng, mắt, chân, mũi, mồm, răng, lưỡi, ruột, dạ dày, da, ăn, uống, đi, chạy, nhảy… Ta nói trường người và trường động vật giao thoa, thẩm thấu vào nhau. Mức độ giao thoa của các trường tỉ lệ thuận với số lượng từ chung giữa các trường với nhau.
Quan hệ của các từ ngữ đối với một trường nghĩa biểu vật không giống nhau. Có những từ điển hình cho trường được gọi là các từ hướng tâm, có những từ không điển hình cho trường được gọi là các từ hướng biên. Từ hướng tâm gắn rất chặt với trường làm thành cái lõi trung tâm quy định những đặc trưng ngữ nghĩa của trường. Từ hướng biên gắn bó lỏng lẻo hơn và mỗi lúc một đi xa khỏi lõi, liên hệ với trường mờ nhạt đi. Ở ví dụ về trường người và trường động vật trên, các từ hướng tâm là các từ chỉ có ở trường này mà không có ở trường kia, từ hướng tâm của trường người như khóc, cười, buồn, hát…, từ hướng tâm của động vật là các từ hí, hót, đuôi… Từ hướng biên của chúng là những từ xuất hiện ở cả hai trường như đầu, chân, mắt, mũi, ruột, da, dạ, dày, xương, máu, chạy, nằm, uống, ăn, đi,…
Có thể bạn quan tâm!
- Hiện tượng chuyển trường nghĩa trong thơ Xuân Diệu - 1
- Các Dạng Chuyển Đổi Trường Nghĩa Trong Thơ Xuân Diệu
- Hiện tượng chuyển trường nghĩa trong thơ Xuân Diệu - 4
- Các Trường Nghĩa Khác Chuyển Qua Trường Nghĩa Con Người
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
1.2.2. Trường nghĩa biểu niệm
Trường nghĩa biểu niệm là “một tập hợp các từ có chung một cấu trúc biểu niệm [8,178]. Chẳng hạn, trường nghĩa biểu niệm (vật thể nhân tạo) (thay thế hoặc tăng cường công tác lao động) (bằng tay): dao, cưa, búa, đục, khoan, lưới, nơm, dao, kiếm…
Cũng như các trường nghĩa biểu vật, các trường biểu niệm lớn có thể phân chia thành các trường nghĩa biểu niệm nhỏ và cũng có những “miền” với những mật độ khác nhau.
Từ có nhiều nghĩa biểu niệm, bởi vậy, một từ có thể đi vào nhiều trường nghĩa biểu niệm khác nhau. Vì thế, cũng giống như trường nghĩa biểu vật, các trường nghĩa biểu niệm cũng có thể giao thoa, thẩm thấu vào nhau và cũng có lõi trung tâm với các từ điển hình và những từ ở những lớp kế cận trung tâm, những từ ở lớp ngoại vi.
1.2.3. Trường nghĩa tuyến tính
Trường nghĩa tuyến tính là tập hợp từ có thể kết hợp với một từ gốc để tạo ra các chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được trong ngôn ngữ. Chẳng hạn, trường nghĩa tuyến tính của từ tay là búp măng, mềm, ấm, lạnh…nắm, cầm, khoác… Để xác lập trường nghĩa tuyến tính, chúng ta chọn một từ làm gốc rồi tìm tất
cả những từ có thể kết hợp với nó thành những chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được trong ngôn ngữ.
Cùng với các trường nghĩa dọc (trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm), các trường nghĩa tuyến tính góp phần làm sáng tỏ những quan hệ và cấu trúc ngữ nghĩa của từ vựng, phát hiện những đặc điểm nội tại và những đặc điểm hoạt động của từ.
1.2.4. Trường nghĩa liên tưởng
Trường nghĩa liên tưởng là tập hợp từ có chung một nét nghĩa ấn tượng tâm lí được một từ gợi ra. Chẳng hạn, trường nghĩa liên tưởng của từ xanh gồm các đơn vị từ vựng: lục, lam, xanh lơ, cây cối, núi rừng, đồng bằng, bầu trời, sự sống, tuổi trẻ, người lính, hòa bình...
Các từ trong một trường liên tưởng là sự hiện thực hoá, cố định bằng từ các ý nghĩa liên hội có thể có của từ trung tâm.
Các từ trong một trường liên tưởng trước hết là những từ cùng nằm trong trường biểu vật, trường biểu niệm và trường tuyến tính, tức là những từ có quan hệ cấu trúc đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa với từ trung tâm. Song, trong trường liên tưởng còn có nhiều từ khác được liên tưởng tới do xuất hiện đồng thời với từ trung tâm trong những ngữ cảnh có chủ đề tương đối đồng nhất, lặp đi lặp lại. Điều này khiến cho các trường liên tưởng có tính dân tộc, tính thời đại và tính cá nhân.
1.3. Sự dịch chuyển trường nghĩa
1.3.1. Khái niệm sự chuyển trường nghĩa
Sự chuyển trường nghĩa là hiện tượng “một từ ngữ thuộc một trường ý niệm này được chuyển sang dùng cho các sự vật thuộc một trường ý niệm khác” [3, 68]
Do nhu cầu giao tiếp ngày càng đa dạng và phức tạp của con người, từ (đơn hoặc phức) lúc mới xuất hiện chỉ có một nghĩa biểu vật nhưng sau khi được sử dụng một thời gian nó có thêm nhiều nghĩa biểu vật mới. Đó là sự chuyển biến ý nghĩa biểu vật của từ. Khi nghĩa biểu vật của từ thay đổi thì nghĩa biểu niệm của từ cũng có nhiều khả năng thay đổi. Từ đó, nghĩa biểu thái của từ cũng có thể thay đổi theo.
Sự chuyển nghĩa trên của từ chính là cơ sở của sự chuyển trường nghĩa của từ. Không phải bất cứ hiện tượng chuyển nghĩa nào cũng dẫn đến sự chuyển trường nghĩa của từ, nhưng có thể khẳng định rằng, sự chuyển trường nghĩa bắt đầu từ sự chuyển nghĩa của từ. Bởi vì, từ chuyển nghĩa - nội dung biểu thị của từ thay đổi - thì từ cũng chuyển sang trường nghĩa mới tương ứng với nội dung biểu thị mới của nó.
Chẳng hạn từ mũi là từ có nhiều nghĩa, mỗi lần chuyển biến ý nghĩa, từ lại chuyển sang một trường nghĩa khác.
1. Bộ phận của cơ quan hô hấp (mũi người, mũi mèo…)
→ Từ thuộc trường con người hoặc trường động vật
2. Bộ phận nhọn của vũ khí (mũi dao, mũi súng…)
→ Từ thuộc trường đồ vật
3. Phần trước của tàu thuyền (mũi tàu, mũi thuyền…)
→ Từ thuộc trường phương tiện giao thông
4. Phần đất nhô ra ngoài biển (mũi đất, mũi Cà Mau…)
→ Từ thuộc trường đất đai
5. Đơn vị quân đội (mũi quân bên trái, mũi quân tiên phong…)
→ Từ thuộc trường quân sự
Khi các từ ngữ chuyển từ trường nghĩa này sang trường nghĩa khác, chúng mang theo những đặc điểm vốn có của nó ở trường nghĩa ban đầu. Chẳng hạn, ở ví dụ từ mũi trên, nét nghĩa về sự vật “nhọn, nhô ra trước hết so với cái toàn thể” của từ mũi trong trường đầu tiên đã chuyển vào nghĩa của các từ thuộc các trường nghĩa còn lại.
1.3.2. Các phương thức chuyển trường nghĩa
Như đã trình bày ở trên, hiện tượng chuyển trường nghĩa bắt đầu từ sự chuyển nghĩa của từ. Bởi thế, phương thức chuyển trường nghĩa cũng chính là phương thức chuyển nghĩa của từ.
Hai phương thức chuyển trường (chuyển nghĩa) phổ biến của từ trong tất cả ngôn ngữ trên thế giới là ẩn dụ và hoán dụ. Theo giáo sư Đỗ Hữu Châu, ẩn dụ và hoán dụ được hiểu như sau:
Cho A là một hình thức ngữ âm, x và y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của x (tức x là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của x để gọi tên y (để biểu thị y), nếu như x và y giống nhau. Còn hoán dụ là phương thức lấy tên gọi A của x để gọi tên y (để biểu thị y), nếu như x và y đi đôi với nhau trong thực tế.
Trong trường hợp ẩn dụ, các sự vật được gọi tên, tức x và y, không có liên hệ khách quan, chúng thuộc những phạm trù hoàn toàn khác hẳn nhau. Sự chuyển tên gọi diễn ra tuỳ thuộc vào nhận thức của con người về sự giống nhau giữa chúng. Trái lại, trong trường hợp hoán dụ, mối liên hệ đi đôi với nhau giữa x và y là có thật, không tuỳ thuộc vào nhận thức của con người. Cho nên các hoán dụ có tính khách quan hơn các ẩn dụ.
Dựa vào các tiêu chí khác nhau, ẩn dụ và hoán dụ được chia thành nhiều tiểu loại nhỏ:
*Các loại ẩn dụ:
Dựa vào tính cụ thể/ trừu tượng của x và y, ẩn dụ được chia thành ẩn dụ cụ thể
- cụ thể (x và y đều cụ thể, ví dụ: chân núi, chân bàn, cổ chai); ẩn dụ cụ thể - trừu tượng (x cụ thể còn y trừu tượng, ví dụ: suy nghĩ già, trình độ lùn)
Dựa vào các nét nghĩa phạm trù, ẩn dụ được chia thành:
Ẩn dụ hình thức: Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng. Ví dụ: răng người – răng lược, răng bừa, râu người – râu bắp.
Ẩn dụ vị trí: Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về vị trí giữa các sự vật, hiện tượng. Ví dụ: gốc cây – gốc vấn đề, đầu người – đầu làng
Ẩn dụ cách thức: Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa các sự vật, hiện tượng. Ví dụ: cắt giấy – cắt hộ khẩu, vặn ốc – vặn nhau.
Ẩn dụ chức năng: Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về chức năng giữa các sự vật, hiện tượng. Ví dụ: cửa nhà – cửa sông, cửa rừng.
Ẩn dụ kết quả (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác): Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về kết quả tác động của các sự vật, hiện tượng. Ví dụ: chanh chua – giọng nói chua, căn phòng sáng sủa – tương lai sáng sủa.
*Các loại hoán dụ:
Hoán dụ dựa vào quan hệ bộ phận – toàn thể. Ví dụ: nhà có năm miệng ăn (dùng từ miệng chỉ bộ phận để gọi người – toàn thể), đêm biểu diễn (dùng từ đêm– chỉ toàn bộ để chỉ một phần của đêm, thường vào buổi tối).
Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa vật chứa và vật bị chứa. Ví dụ: uống năm chai (dùng từ chai để chỉ cái đựng trong chai – rượu, bia, nước…), cả làng tỉnh dậy giữa đêm khuya (dùng từ làng để chỉ những người trong làng)
Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa sự vật, hiện tượng, hoạt động… với các đặc điểm của chúng. Các đặc điểm có thể là: màu sắc – sự vật (hai đen – dùng đen để chỉ cà phê), vị - sự vật (có chút cay cay – dùng cay để chỉ rượu), nhãn mác – sự vật (hai Sài Gòn – dùng “Sài Gòn” để chỉ bia), chất liệu – sự vật (mua cái gương – gương là chất liệu của dụng cụ dùng để soi), âm thanh – hành động (bịch, bốp – bịch là âm thanh của hành động ngã, bốp là âm thanh của hành động đấm)…
1.3.3. Tác dụng của sự chuyển trường nghĩa
Tác dụng đầu tiên của hiện tượng chuyển trường nghĩa đối với ngôn ngữ là làm giàu vốn từ vựng. Khi một từ chuyển trường nó biến thành từ đa nghĩa, từ vẫn giữ nguyên hình thức ngữ âm cũ nhưng lại mang một nội dung mới hay nghĩa mới, nội dung mới này luôn có quan hệ tương sinh với nội dung cũ (nghĩa cũ, nghĩa gốc) của từ. Từ càng chuyển qua nhiều trường nghĩa thì càng mang nhiều nghĩa mới - nội dung biểu đạt của nó càng phong phú. Chẳng hạn, từ tóc vốn thuộc về trường con người, biểu hiện sợi lông mọc trên đầu người; khi chuyển qua trường sự vật nó biểu hiện dây kim loại (vônfram) trong bóng đèn tròn (tóc bóng đèn); khi chuyển qua trường thực vật, nó biểu hiện bộ phận của cây như cành, lá (Rặng liễu đìu hiu đúng
chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng – Xuân Diệu; Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre – Tế Hanh).
Sự chuyển trường nghĩa của từ không chỉ có tác dụng làm giàu cho vốn từ vựng, đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con người mà còn góp phần làm tăng khả năng diễn đạt, tăng sức biểu cảm của ngôn từ.
Khi từ chuyển trường nghĩa, ngoài những giá trị biểu đạt mới xuất hiện ở trường nghĩa mới, từ còn giữ được những ấn tượng ngữ nghĩa vốn có ở trường nghĩa cũ. Đặc tính này làm cho giá trị biểu đạt của từ càng phong phú. Chẳng hạn, giá trị biểu đạt của “bão” trong cơn bão nhà ở bài thơ sau:
Gãy lái đứt neo, tàu thoát qua rốn bão Anh nguyên lành trở về căn phòng em
Bỗng gặp cơn bão nhà không triều, không sóng Chiến hạm đời anh lặng lẽ cắt neo
Chìm…
(Bão – Nguyễn Vũ Tiềm)
Từ bão đã chuyển từ trường nghĩa chỉ hiện tượng khí tượng sang trường nghĩa người. Ngoài nét nghĩa của trường nghĩa mới chỉ sự tan vỡ của gia đình, nó còn mang nét nghĩa của trường nghĩa cũ chỉ “sự tàn phá, tan hoang, đổ nát.” Ở đây, nỗi đau đớn được biểu đạt một cách mạnh mẽ mà không một từ ngữ chỉ sự đau đớn nào khác có thể diễn tả được.
1.4. Tiểu kết
Quan niệm về trường nghĩa của các nhà ngôn ngữ có thể không giống nhau, tuy nhiên có thể hiểu Trường nghĩa là một tập hợp bao gồm các từ có chung với nhau ít nhất là một nét nghĩa. Tiêu chí để xác lập trường nghĩa là nghĩa của từ. Việc phân lập hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ thành các trường nhỏ dù có dựa vào các tiêu chí nào chăng nữa cũng không thể không bắt đầu từ tiêu chí ngữ nghĩa ấy.
Hiện tượng chuyển đổi trường nghĩa từ vựng là hiện tượng phổ biến trong sáng tạo ngôn ngữ thơ. Nó không chỉ tuân theo quy luật tiết kiệm ngôn ngữ mà còn tuân theo quy luật sáng tạo của con người. Nghiên cứu nó không chỉ giúp cho ta thấy được cái hay của ngôn ngữ mà còn thấy được tài năng, phong cách của người sử dụng.
Chương 2
CÁC TRƯỜNG NGHĨA VÀ SỰ CHUYỂN TRƯỜNG NGHĨA TRONG THƠ XUÂN DIỆU
2.1. Một số trường nghĩa cơ bản trong thơ Xuân Diệu
2.1.1. Cơ sở phân loại trường nghĩa trong thơ Xuân Diệu
Một từ có thể vừa thuộc trường nghĩa này vừa thuộc trường nghĩa kia. Vì vậy, để phân loại trường nghĩa, chúng tôi dựa vào nét nghĩa chung nhất của các đơn vị từ vựng trong một trường nghĩa.
Giữa các trường nghĩa có sự giao thoa – các trường nghĩa có chung một số đơn vị từ. Vì vậy, sự phân loại của chúng tôi cũng chỉ mang tính chất tương đối. Đồng thời, chúng tôi cũng không tách bạch trường nghĩa trong thơ Xuân Diệu thành các loại như trường biểu niệm, trường tuyến tính, trường biểu thái hay trường biểu vật.
2.1.2. Các trường nghĩa trong thơ Xuân Diệu
Qua khảo sát 15 tập thơ của Xuân Diệu trong cuốn Toàn tập thơ Xuân Diệu (tập 1) – Nhà xuất bản văn học, Hà Nội, 2001 do Nguyễn Bao sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, chúng tôi nhận thấy tác giả chủ yếu sử dụng các trường nghĩa sau:
2.1.2.1. Trường nghĩa người
Người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và có khả năng sử dụng công cụ trong quá trình lao động xã hội [27; 697]
Trường nghĩa người là tập hợp các từ chỉ về thế giới của con người như: thời gian cuộc đời của con người (cuộc đời, đời), bộ phận cơ thể của con người (tay, chân, đầu, tóc, mắt, mũi, não, máu, tuỷ, tim, gan, ruột), hành động của con người (chạy, nhảy, khóc, cười, ăn, uống…), thế giới tinh thần của con người (yêu, thương, thù, ghét, căm, hồn, tâm hồn, tấm lòng…), tính tình của con người (tốt, xấu, lạnh lùng, ích kỉ, đố kị, rộng lượng, vị tha…), v.v..
Thơ Xuân Diệu sử dụng trường nghĩa người với tất cả sự phong phú của trường nghĩa này. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của con người, từ thể chất đến