3.1. Dây thần kinh sinh ba (V)
Dây thần kinh số V gồm có:
Phần cảm giác: nguyên ủy thật của phần cảm giác là hạch sinh ba, nằm ở mặt trước phần đá xương thái dương. Tập hợp đuôi gai của tế bào hạch sinh ba tạo nên ba nhánh: dây thần kinh mắt, dây thần kinh hàm trên và dây thần kinh hàm dưới chi phối cảm giác cho nửa trước vùng đầu mặt, màng não ...
Phần vận động: nguyên uỷ thật phần vận động là nhân vận động của dây thần kinh sinh ba nằm ở cầu não, các sợi trục ra khỏi cầu não tạo nên rễ vận động của dây thần kinh sinh ba (góp phần tạo nên dây thần kinh hàm dưới).
3.1.1. Dây thần kinh mắt
Dây thần kinh mắt là nhánh đầu tiên của dây thần kinh số V, từ hạch thần kinh sinh ba, chạy ra trước vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt trên để vào ổ mắt. Dây thần kinh mắt cho ra nhiều nhánh bên chi phối cảm giác cho xoang trán, xoang bướm, một phần xoang sàng, một phần màng cứng não, da của lưng mũi, da trán.
3.1.2. Dây thần kinh hàm trên
Dây thần kinh hàm trên từ hạch sinh ba chạy qua lỗ tròn, đến hố chân bướm - khẩu cái cho ra các nhánh bên và nhánh tận là nhánh dưới ổ mắt, qua khe ổ mắt dưới để vào ở mắt, chạy ở rãnh dưới ổ mắt và cuối cùng qua ống dưới ổ mắt ra da vùng mặt. Dây thần kinh hàm trên chi phối cảm giác của da vùng giữa của mặt, hố mũi, khẩu cái, lợi và răng hàm trên, xoang hàm, một phần xoang sàng và màng cứng.
3.1.3. Dây thần kinh hàm dưới
Từ hạch sinh ba, dây thần kinh hàm dưới đi qua lỗ bầu dục đến hố dưới thái dương chia thành nhiều nhánh, trong đó có các nhánh lớn là nhánh lưỡi và nhánh thần kinh huyệt răng dưới, nhánh thần kinh huyệt răng dưới chạy qua lỗ hàm dưới, sau đó chạy trong xương hàm dưới, qua lỗ cằm để ra da vùng cằm .
Dây thần kinh hàm dưới chi phối vận động cho các cơ nhai, cơ hàm móng và bụng trước cơ hai thân, cảm giác da vùng thái dương, má, môi, cằm, lợi và răng hàm dưới, một phần màng cứng và 2/3 trước của lưỡi.
3.2. Dây thần kinh mặt (VII)
Dây thần kinh mặt gồm có các phần:
Vận động.
Đối giao cảm
Cảm giác vị giác
Từ rãnh hành cầu, dây thần kinh mặt chạy qua ống tai trong cùng với dây thần kinh tiền đình ốc tai. Từ đây cho ra nhiều nhánh: dây thần kinh đá lớn, thừng nhĩ...
Dây thần kinh đá lớn: là đường bài tiết nước mắt, tuyến nhày của mũi, miệng.
Thừng nhĩ: từ bên trong phần đá xương thái dương, tách khỏi dây thần kinh mặt, đi ra khỏi xương sọ bằng khe đá trai, phối hợp với nhánh lưỡi của dây thần kinh hàm dưới tạo thành dây thần kinh lưỡi. Thừng nhĩ cho các nhánh đến chi phối bài tiết cho các tuyến nước bọt dưới hàm, dưới lưỡi, cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi. Sau khi cho ra thừng nhĩ, dây thần kinh mặt chạy ra khỏi xương đá bằng lỗ trâm - chũm, xuyên qua tuyến nước bọt mang tai và chia thành 5 nhánh tận: nhánh thái dương, nhánh gò má, nhánh má, nhánh bờ hàm dưới và nhánh cổ. Dây thần kinh mặt vận động cho các cơ mặt, cơ bám da cổ, bụng sau cơ hai thân và cơ trâm móng.
3.3. Dây thần kinh thiệt hầu (IX)
Dây thần kinh thiệt hầu gồm có các phần:
Phần vận động.
Phần đối giao cảm.
Phần cảm giác
3.3.1. Nguyên ủy thật
Nguyên ủy thật vận động nằm ở nhân hoài nghi và nhân nước bọt dưới, nguyên ủy thật cảm giác là hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh thiệt hầu nằm gần lỗ tĩnh mạch cảnh (đường hướng tâm của hạch này tận cùng ở nhân bó đơn độc).
3.3.2. Đường đi và phân nhánh
Từ nguyên ủy hư ở phía sau trám hành, dây thần kinh đi qua lỗ cảnh để ra khỏi sọ. Ở đây dây thần kinh phình to ra tạo thành hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh thiệt hầu. Sau đó vòng ra phía trước và tận cùng ở rễ lưỡi. Trên đường đi dây thần kinh thiệt hầu cho ra nhiều nhánh nhỏ để đến lưỡi, cơ trâm
hầu, niêm mạc hầu, hòm nhĩ, tuyến nước bọt mang tai, các nhánh đi đến xoang cảnh và tiểu thể cảnh. Dây thần kinh thiệt hầu chi phối vận động cho cơ trâm hầu và cảm giác cho hầu, hòm nhĩ, 1/3 sau của lưỡi và chi phối bài tiết tuyến nước bọt mang tai.
3.4. Dây thần kinh lang thang (X)
Là dây thần kinh lớn nhất trong số 12 dây thần kinh sọ: cấu tạo gồm có vận động, cảm giác và đối giao cảm (thành phần chủ yếu).
Xuất phát từ rãnh bên sau của hành não.
Dây thần kinh lang thang cùng với dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh phụ từ nguyên ủy hư của nó đi ra khỏi sọ qua phần trong của lỗ tĩnh mạch cảnh, ở đó có hai hạch là hạch trên và hạch dưới của dây thần kinh lang thang. Sau đó chạy trong bao cảnh cùng với động mạch cảnh trong, động mạch cảnh chung và tĩnh mạch cảnh trong, khi đến nền cổ thì dây thần kinh lang thang phải bắt chéo phía trước động mạch dưới đòn phải, (còn dây thần kinh lang thang trái bắt chéo trước cung động mạch chủ ở trung thất). Từ nền cổ dây thần kinh đi đến trung thất trên, chạy sau cuống phổi để vào trung thất sau, ở đây hai dây thần kinh phải và trái tập trung lại và tạo thành đám rối thực quản. Từ đám rối này cho ra hai thân thần kinh lang thang trước (trái), sau (phải) để xuống bụng.
Dây thần kinh lang thang trước ở trước thực quản và chia thành nhánh vị trước và nhánh gan. Dây thần kinh lang thang sau cho ra nhánh vị sau, nhánh tạng và nhánh thận để tạo thành đám rối tạng (từ đám rối này có các sợi đối giao cảm đi đến các tạng trong ổ bụng có sợi đối giao cảm, ngoại trừ một phần ruột già và một phần bộ phận sinh dục - tiết niệu ở hố chậu. Hai nhánh vị trước và sau thì phân nhánh để vào dạ dày.
Trên đường đi, dây thần kinh lang thang cho rất nhiều nhánh bên:
Đoạn trong sọ thì cho một số nhánh bên đến màng cứng và da ống tai ngòai.
Đoạn cổ cho các nhánh hầu để vận động cho các cơ của hầu và màng khẩu cái; dây thần kinh thanh quản trên chạy dọc cơ khít hầu dưới để vận động cho cơ nhẫn giáp và cảm giác một phần thanh quản.
Đoạn đáy cổ và trung thất: cho dây thần kinh thanh quản quặt ngược (bên phải thì vòng động mạch dưới đòn phải còn bên trái thì vòng lấy cung động mạch chủ), dây thần kinh này chạy lên trên nằm trong rãnh khí - thực quản và tận cùng bằng dây thần kinh thanh quản dưới, vận động hầu hết cho các cơ của thanh quản; nhánh tim cổ trên, nhánh tim cổ dưới và các nhánh tim ngực để tạo thành đám rối tim; nhánh phế quản tạo thành đám rối phổi; các nhánh thực quản.
III. SINH LÝ THẦN KINH:
A. SINH LÝ NƠRON:
1. Đặc điểm hình thái:
Trong hệ thần kinh có đến hàng trăm tỉ nơron, là những tế bào được biệt hoá cao để thực hiện chức năng kích thích, dẫn truyễn và dinh dưỡng. Nơron có hình dạng và kích thước rất khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều có 3 thành phần chính là: thân, sợi trục và đuôi gai.
Thân: là phần to nhất, trong thân có chứa nhiều ARN có khả năng tổng hợp nên protein và chứa nhiều ty thể. Trên màng của thân có chứa nhiều receptor tiếp nhận chất truyền đạt thần kinh.
Đuôi gai: là những tua bào tương ngắn, phân nhánh, nằm ở gần thân nơron. Đuôi gai cũng chứa nhiều receptor đặc hiệu để tiếp nhận chất truyền đạt thần kinh.
Sợi trục: là một tua bào tương dài, chia thành các nhánh tận cùng, đầu các nhánh tận cùng là các cúc tận cùng, trong đó có nhiều bọc nhỏ chứa chất truyền đạt thần kinh và ty thể.
Một số sợi trục có bao myelin cách điện gọi là sợi trắng, một số không có bao myelin gọi là sợi xám. Những sợi có bao myelin tập trung lại với nhau tạo thành chất trắng
2. Sự dẫn truyền xung động trên sợi trục qua khe synap:
Synap là chỗ tiếp xúc giữa cúc tận cùng thuộc sợi trục của một nơron này với nơron khác (với đuôi gai hoặc thân) hoặc giữa cúc tận cùng thuộc sợi trục của một nơron này với tế bào đáp ứng (tế bào cơ, tuyến)
Sự dẫn truyền xung động trên sợi trục qua khe synap được thực hiện qua 3 quá trình:
Sự giải phóng các chất truyền đạt thần kinh ở cúc tận cùng
Chất truyền đạt thần kinh khuếch tán qua khe synap
Tác động của chất truyền đạt thần kinh lên noron sau synap
B. SINH LÝ PHẢN XẠ TUỶ SỐNG:
Phản xạ là phản ứng của cơ thể đối với những kích thích của môi trường bên ngoài cũng như bên trong cơ thể. 5 thành phần của cung phản xạ:
Bộ phận nhận cảm (receptor).
Dây thần kinh hướng tâm (dây cảm giác).
Trung tâm phản xạ (thần kinh trung ương).
Dây thần kinh ly tâm (dây vận động).
Bộ phận đáp ứng (cơ, gân…)
Trung tâm phản xạ nằm ở chất xám tuỷ sống.
Cung phản xạ có thể có 2 hoặc 3 nơron
Cung phản xạ 2 nơron: thời gian tiềm tàng ngắn
Nơron I: Thân ở hạch gai
Sợi trục theo rễ sau thần kinh tuỷ vào tận cùng ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Nơron II: Thân ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Sợi trục theo rễ trước thần kinh tuỷ đến cơ quan đáp ứng.
Cung phản xạ 3 nơron: thời gian tiềm tàng tương đối dài
Nơron I: Thân ở hạch gai
Sợi trục theo rễ sau thần kinh tuỷ vào tận cùng ở sừng sau chất xám tuỷ sống.
Nơron II: Thân ở sừng sau chất xám tuỷ sống.
Sợi trục tận cùng ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Nơron III: Thân ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Sợi trục theo rễ trước thần kinh tuỷ đến cơ quan đáp ứng
C. SINH LÝ HỆ THẦN KINH TỰ CHỦ
Hệ thần kinh tự chủ chi phối và điều hòa hoạt động của các tạng, hoạt động
của hệ thần kinh tự chủ là do chất truyền đạt thần kinh của sợi hậu hạch và receptor có trên cơ quan chúng chi phối.
Sợi hậu hạch giao cảm bài tiết ra noradrenalin còn gọi là sợi adrenergic. Sợi hậu hạch phó giao cảm và sợi trước hạch của hệ tự chủ bài tiết ra acetylcholine, còn gọi là sợi cholinergic.
Tác dụng của hệ thần kinh tự chủ lên các cơ quan:
Tác dụng giao cảm | Tác dụng phó giao cảm | |
Mắt: Đồng tử | Giãn | Co |
Các tuyến: Tuyến nước bọt Dạ dày Tuyến tụy | Bài tiết nhẹ | Tăng bài tiết về thể tích và nồng độ enzyme |
Tuyến mồ hội | Bài tiết số lượng lớn | Không tác dụng |
Tim: Cơ tim Mạch vành | Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp Giãn (beta2), co (alpha) | Giảm nhịp tim, giảm sức co bóp Giãn |
Mạch máu: Da Nội tạng | Co | Không tác dụng |
Phế quản | Giãn | Co |
Ruột | Giảm co bóp và giảm trương lực | Tăng co bóp và trương lực |
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc Điểm Cấu Tạo Và Mối Liên Hệ Với Vùng Dưới Đồi
- Tác Dụng Lên Tế Bào Máu Và Hệ Thống Miễn Dịch
- Sơ Lược Về Giải Phẫu Hệ Thần Kinh:
- Giải phẫu sinh lý - Trường Tây Sài Gòn - 20
- Giải phẫu sinh lý - Trường Tây Sài Gòn - 21
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
D. SINH LÝ GIÁC QUAN
1. Cảm giác thân thể
1.1. Cảm giác sờ
Cảm giác sờ có ý nghĩa sinh học rất cao. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta luôn thể nghiệm cảm giác sờ. Trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh cũng phụ thuộc nhiều vào cảm giác sờ.
1.1.1. Thụ thể sờ
Đó là các thể Meissner, thể Pacini, thể Merkel, và thể Ruffini.
Chúng được tìm thấy nhiều nhất ở da ngón tay và môi. Ở vùng có lông chúng tập trung quanh các nang lông; ở những vùng không có lông chúng ở trong mô dưới da.
1.1.2. Kích thích sờ
Kích thích là áp suất làm da bị méo mó đi hay làm cho lông cử động.
Sự nhạy cảm thay đổi tùy theo từng vùng cơ thể. Ở đầu mũi, môi, các ngón, áp suất này là 2-3g/mm2 nhưng ở mặt lưng ngón tay, cánh tay và mặt ngoài đùi, áp suất này phải bằng 50g/mm2 .
1.1.3. Đặc điểm của cảm giác sờ
Cảm giác sờ được tiếp nhận bởi nhiều thụ thể. Các loại thụ thể này được phân bố không đều nhau trên cơ thể và khả năng thích nghi khác nhau.
Nếu luyện tập thì cảm giác sờ tăng lên.
1.2. Cảm giác nhiệt
1.2.1. Thụ thể nhiệt
Các thụ thể nhiệt nằm ở lớp nông của da, nhưng sâu hơn thụ thể sờ. Có hai loại thụ thể nhiệt là thụ thể nóng và thụ thể lạnh. Số lượng thụ thể lạnh nhiều gấp 4-10 thụ thể nóng.
Thụ thể nóng: đáp ứng với nhiệt độ trong khoảng 30-450C.
Thụ thể lạnh: đáp ứng với nhiệt độ trong khoảng 10-400C.
Các thụ thể nhiệt chỉ có hiện tượng thích ứng tỏng khoảng 20-400C. Dưới 150C và trên 450C ngoài cảm giác nhiệt còn có thêm cảm giác đau.
1.2.2. Đặc điểm của cảm giác nhiệt
Cảm giác nhiệt là một cảm giác tương đối: nếu vật tiếp xúc có nhiệt độ thấp hơn thì vật ấy được cảm nhận là “lạnh”, còn nếu nhiệt độ của vật tiếp xúc cao hơn thì được cảm nhận là “nóng”.
Cảm giác nhiệt có tính chất chủ quan, thay đổi theo từng cá thể.
Các thụ thể nhiệt phân bố thưa thớt trên cơ thể nên cần cộng kích thích mới có thể nhận cảm được kích thích.
1.3. Cảm giác đau
Đau là một kinh nghiệm, bao gồm cảm giác và cảm xúc khó chịu, liên quan đến tổn thương mô đang xảy ra hoặc có thể xảy ra. Cảm giác đau giúp thông báo cho não biết có kích thích có hại cho cơ thể và cần có cơ chế sinh lý và tâm lý để loại trừ kích thích đó. Vì thế nó có tác dụng bảo vệ trước khi tổn thương mô trở nên không hồi phục.
1.3.1. Thụ thể và kích thích đau
Thụ thể đau ở da và các mô là những đầu tự do của dây thần kinh. Chúng được phân bố rộng trên lớp nông của da, niêm mạc, và ở các mô bên trong như màng xương, thành động mạch…
Có 3 loại thụ thể đau nhạy cảm với kích thích cơ học, nhiệt và hóa học.
Các thụ thể đau không có khả năng thích nghi, điều này cho phép người ta tiếp tục chú ý đến kích thích gây tổn thương mô đến chừng nào nó còn tồn tại.
1.3.2. Đặc điểm của cảm giác đau
Thụ thể tiếp nhận cảm giác đau không có tính thích nghi
Cảm giác đau hay đi kèm với cảm giác sờ.
Cảm giác đau cấp thường xác định vị trí chính xác hơn cảm giác đau mạn
2. Giác quan
2.1. Cảm giác vị giác
2.1.1. Thụ thể
Thụ thể vị giác là các nụ vị giác nằm trên các gai vị giác ở lưỡi. Các nụ vị giác phân bố không đều trên lưỡi.
Phần lớn các nụ vị giác đáp ứng với hại, ba thậm chí bốn vị khác nhau. Tuy nhiên, một nụ vị giác nhạy cảm hơn với một hay hai vị cơ bản.
2.1.2. Đặc điểm của cảm giác vị giác
Cảm giác vị giác có tính thích nghi rất nhanh
Cảm giác vị giác chịu ảnh hưởng của các cảm giác khác: cảm giác khứu giác làm tăng cảm giác vị giác, cảm giác lạnh làm tăng cảm giác ngọt, có thêm một ít muối làm tăng cảm giác ngọt của glucose.
2.2. Cảm giác khứu giác
2.2.1. Thụ thể