Đánh Giá Thực Trạng Hệ Thống Bán Lẻ Hiện Đại Tại Việt Nam


2.2 Đánh giá thực trạng hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam

2.2.1 Các thành tựu đạt được

2.2.1.1 Hệ thống bán lẻ hiện đại đang phát triển nhanh và hứa hẹn nhiều tiềm năng

Cùng với việc mở cửa nền kinh tế, mức sống của người dân ngày một cao, dẫn đến tất yếu khách quan là sự phát triển không ngừng của kênh phân phối hiện đại trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển mạnh mẽ này được thể hiện rõ nét trong vòng 5 năm trở lại đây, khi các đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại mở ra ngày càng nhiều tại các thành phố lớn.

Chúng ta có thể khái quát quá trình phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam qua sự hình thành và phát triển của siêu thị- mô hình bán lẻ hiện đại tiêu biểu nhất, với 3 giai đoạn chính sau đây:

Thời kỳ 1993-1997: Những siêu thị đầu tiên ra đời và mạng lưới dần được mở rộng.

Ở Việt Nam, siêu thị đầu tiên xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh khi công ty Xuất nhập khẩu nông sản và tiểu thủ công nghiệp Vũng Tàu Sinhaco khai trương siêu thị Minimart vào tháng 10/1993. Tuy nhiên siêu thị này có quy mô nhỏ, hàng hóa chưa phong phú, chủ yếu phục vụ khách hàng là người nước ngoài. Sau siêu thị Sinhaco, hàng loạt các siêu thị khác ra đời tại các khu trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5 rồi phân bố lan ra các khu vực ven đô như quận Tân Bình, Gò Vấp…

Tại Hà Nội, siêu thị mở ra đầu tiên là siêu thị thuộc trung tâm thương mại Đinh Tiên Hoàng (1/1995) và Minimart Hà Nội (3/1995) tại tầng 2 chợ Hôm. Đến cuối năm 1995, Việt Nam có 10 siêu thị lớn nhỏ nằm ở 6 tỉnh thành phố lớn trên cả nước.

Thời kỳ từ 1998-2003: Hệ thống bán lẻ hiện đại ngày càng mở rộng và kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.


Trong giai đoạn này, các mô hình kinh doanh thiếu bài bản dần bị đào thải do áp lực cạnh tranh. Các siêu thị tồn tại và phát triển là nhờ áp dụng quản lý khoa học, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ. Năm 2000 cũng là năm đầu tiên các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia thâm nhập vào thị trường Việt Nam với việc khai trương siêu thị Metro Cash&Carry. Trong giai đoạn này, các trung tâm thương mại lớn đã ra đời, tiêu biểu là Hà Nôi Tower, Starbowl, Tràng Tiền Plaza…

Giải pháp phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam - 6

Thời kỳ 2004 đến nay: Hệ thống bán lẻ hiện đại phát triển bùng nổ

Thị trường bán lẻ Việt Nam nổi lên là “miếng bánh” hấp dẫn nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Do đó, làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ ngày một mạnh mẽ. Hệ thống bán lẻ hiện đại phát triển sôi động với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng như đại siêu thị, trung tâm thương mại, tổ hợp mua sắm, siêu thị kinh doanh tổng hợp, siêu thị chuyên doanh…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến ngày 30/9/2005, cả nước có 265 siêu thị, tăng 26,5 lần so với 10 năm trước đó. Hơn nữa, các siêu thị cũng phân bố rộng tại 32/64 tỉnh thành. Đó là chưa kể tới khoảng 20 siêu thị và 35 trung tâm thương mại đang được triển khai xây dựng21.

Về sự phân bố các siêu thị: hiện nay siêu thị tập trung nhiều nhất ở Hà Nội (38%), tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh (33%). Hải Phòng chiếm 4% tổng số siêu thị cả nước, các thành phố khác là Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang, Thanh Hóa cùng là những nơi chiếm 2% số siêu thị cả nước. 17% còn lại nằm rải rác ở các tỉnh khác.

Như vậy có thể thấy, trải qua gần 14 năm phát triển, hệ thống bán lẻ hiện đại nói chung và siêu thị nói riêng tại Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay hệ thống này đã thỏa mãn được phần nào nhu cầu mua sắm của người dân các thành phố lớn có mức thu nhập khá trở lên.


21 Nguồn: Bộ Công thương, Vụ Chính sách thị trường trong nước


Tốc độ tăng trưởng hàng năm của kênh phân phối hiện đại này khoảng 15%-20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ khác (10%) và của nền kinh tế (7%-8%). Một số siêu thị có phương thức kinh doanh hiệu quả đã đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian qua: Chuỗi siêu thị Maximark có mức tăng trưởng bình quân từ năm 1993 đến 2005 là trên 20%; chuỗi siêu thị Co.op Mart có mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000-2004 là 30%. Năm 2005 đạt tốc độ tăng doanh thu toàn chuỗi là 20-25% (riêng mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống có tốc độ tăng trưởng 30%)22.

Lợi nhuận trong kinh doanh siêu thị cũng ở mức khả quan. Với mức lợi nhuận trung bình từ 10-15% trong doanh thu hàng nội và 15-20% trong doanh thu hàng ngoại, kinh doanh siêu thị thực sự là sự lựa chọn đầu tư hấp dẫn.

Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có hơn 10 trung tâm thương mại lớn hoạt động rất có hiệu quả như Diamond Plaza với tổng diện tích cho thuê 8.000m2 và đạt hiệu suất xấp xỉ 100%, trung tâm thương mại Sài Gòn với tổng diện tích cho thuê 9.000m2 và hiệu suất 94%, Zen Plaza chuyên về lĩnh vực thời trang với 6.817m2 diện tích cho thuê, trung tâm thương mại Parkson với 17.000m2, Saigon Tax Plaza với 14.760m2 cho thuê đều có hiệu suất đạt 100%. Trung tâm thương mại lớn nhất hiện nay là Thuận Kiều Plaza với tổng diện tích 21.797m2 cũng đang hoạt động có hiệu quả.

Hà Nội tuy đi sau trong lĩnh vực này song hiện cũng đang có 3 trung tâm thương mại lớn là Vincom City Tower, Tràng Tiền Plaza hay Bourbon Thăng Long (Big C). Hàng loạt trung tâm thương mại tại các thành phố lớn khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, cùng một số lượng không nhỏ hệ thống các siêu thị mọc lên khắp mọi nơi và hầu hết đều đạt được hiệu suất cho thuê, đang tạo được sức hút lớn đối với người tiêu dùng.


22 Nguồn: Bộ Công Thương, vụ chính sách thị trường trong nước


Hàng loạt các dự án lớn đang được triển khai trong lĩnh vực bán lẻ cũng cho thấy hệ thống bán lẻ hiện đại đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Có thể kể đến các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đang được xây dựng hoặc mới đi vào hoạt động trên khắp cả nước như: Atex Building, Hùng Vương Plaza (khai trương vài quý 1/2007), Trung tâm thương mại Hiệp Phú, Bình Phú, Saigon Paragon, Times Square, Saigon Pearl (2008), Trung tâm thương mại Satra, Tản Đà, Saigon M&C Tower (Spaceship cũ), Sports City tại TP.HCM; hay Tổ hợp thương mại Cầu Giấy, Ciputra Mall, The Garden, I.C.C Building, Luxury Mall, Pacific Place, Mê Linh Plaza, Việt Tower, Syrena, Parkson ở Hà Nội, Vĩnh Trung Plaza; Tháp Indochina Riverside, Sông Hàn Plaza ở Đà Nẵng; Nha Trang Centre ở thành phố Nha Trang…

2.2.1.2 Phương thức kinh doanh được cải thiện theo hướng hiện đại và chủ động hơn

Bên cạnh những thay đổi về lượng, hoạt động kinh doanh của các siêu thị, trung tâm thương mại còn có sự thay đổi về chất. Các nhà quản lý siêu thị, trung tâm thương mại đã chủ động xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài, tạo nguồn hàng ổn định mang tính cạnh tranh cao, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng khách hàng.

Về hàng hóa trong siêu thị

Thời gian đầu mới xuất hiện siêu thị, hầu hết hàng hóa trong siêu thị là hàng ngoại nhập. Hiện nay, hàng Việt Nam chất lượng cao trong siêu thị đã chiếm tới 85%. Bình quân mỗi siêu thị có 2.000-3.000 nhà cung cấp hàng hóa là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Lựa chọn nguồn hàng từ các doanh nghiệp trong nước cùng là quyết sách kinh doanh của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, tiêu biểu nhất là hệ thống G7 Mart với chiến lược liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trong nước để tạo sức mạnh cho hệ thống. Xu hướng các doanh nghiệp đầu tư vốn, đặt hàng cho nhà sản xuất mang thương hiệu


riêng của từng siêu thị cũng là một cách để đảm bảo về chất lượng. Saigon Co.op đã trực tiếp ký hợp đồng cung cấp hàng hóa với các công ty đánh bắt thủy hải sản ở Bình Thuận để đảm bảo nguồn hàng tươi sống, có giá bán cạnh tranh. Metro đã bỏ ra khá nhiều vốn cho việc tập huấn kiến thức sau thu hoạch cho các nhà vườn, đồng thời hỗ trợ họ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu hướng đến xuất khẩu…

Chính nhờ sự khai thác hiệu quả nguồn hàng trong nước đã giúp các nhà bán lẻ hiện đại chủ động hơn về nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung ổn định, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Điều này góp phần tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội vì người tiêu dùng được mua hàng tốt với giá rẻ hơn, các nhà sản xuất trong nước có kênh phân phối hiệu quả đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Về phương thức kinh doanh

Các siêu thị, trung tâm thương mại luôn không ngừng nỗ lực để đem lại sự thỏa mãn tối đa cho khách hàng. Các siêu thị, trung tâm thương mại được xây dựng mới ngày càng hiện đại, tiện nghi, bài trí đẹp mắt hơn để thu hút khách hàng. Đồng thời, họ còn áp dụng các chương trình khuyến mãi lớn, tổ chức trao thẻ khách hàng thân thiết (mua hàng được giảm giá), tặng thẻ mua hàng, giữ xe miễn phí…Nhiều doanh nghiệp đã tạo được phong cách riêng trong bài trí, phục vụ, tạo ấn tượng tốt cho khách hàng. Để tạo sự thuận lợi, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã đặt máy rút tiền tự động, mở trang web quảng cáo, bán hàng qua mạng, thanh toán điện tử…

Trong hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đang nổi lên 1 xu thế kinh doanh mới là chuyên môn hóa mặt hàng, tiêu biểu nhất là loại hình siêu thị, trung tâm thương mại chuyên doanh một nhóm hàng nhất định như điện tử, điện thoại di động, mỹ phẩm thời trang…Các siêu thị chuyên doanh gần đây phát triển mạnh và ngày càng chứng tỏ ưu thế của mình. Đến với những siêu thị, trung tâm thương mại này, người mua được lựa chọn thoải mái sản phẩm của nhiều nhà


sản xuất khác nhau với chất lượng đảm bảo, tiện lợi hơn nhiều so với phải đến từng cửa hàng riêng lẻ. Ngoài ra, họ còn được tư vấn và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành, khuyến mại lớn từ nhà bán lẻ. Các doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong kinh doanh hàng điện máy là Sài Gòn Nguyễn Kim- doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này và hiện vẫn đang dẫn đầu về thị phần, Pico Plaza, Caring. Các siêu thị, trung tâm thương mại chuyên về thời trang có Diamond Plaza, Zen Plaza, Ruby Plaza (chuyên về trang sức và mỹ phẩm), Vinatex của Tập đoàn dệt may Việt Nam có 36 điểm bán hàng trong cả nước với 11 siêu thị, sáu siêu thị mi-ni và 19 cửa hàng thời trang. Các siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh nội thất lớn có thể kể đến: Melinh Plaza (tổ hợp thương mại vật liệu xây dựng và trang trí nội thất), Phố xinh, Nhà đẹp, An Duong Home Centre…Loại hình siêu thị này đang phát triển nhanh nhưng so với nhu cầu mua sắm của người dân thì số lượng trên vẫn rất khiếm tốn. Do vậy có thể dự đoán hình thức bán lẻ chuyên doanh này sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.

Về giá cả

Gần đây đã có sự thay đổi đáng kể trong giá cả hàng hóa trong hệ thống bán lẻ hiện đại so với chợ. Nếu vài năm trước, người tiêu dùng còn có tâm lý e ngại hàng hóa trong siêu thị, trung tâm thương mại thường cao hơn ở chợ thì nay đã có nhiều siêu thị bán hàng với giá tương đương, thậm chí rẻ hơn ở chợ. Nét mới này của hệ thống bán lẻ hiện đại đã phần nào giải thích tại sao ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Về các dịch vụ gia gia tăng

Các trung tâm thương mại đã kết hợp mua sắm với các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ ngơi thư giãn, ăn uống của khách hàng. Các cửa hàng tiện lợi cũng đang tìm cách tạo sự thuận tiện nhất trong mua sắm cho khách hàng. Ngoài việc áp dụng phát triển tự chọn, lợi thế về địa điểm thuận lợi cho mua sắm các mặt hàng thực phẩm, giờ mở cửa dài (có thể là 24/24h), các cửa


hàng này còn tạo các dịch vụ gia tăng cho khách hàng. G7 Mart áp dụng “Thẻ tiện lợi”, “Dịch vụ thanh toán tiện lợi” cho khách hàng không có thời gian cho những công việc như thanh toán tiền điện, điện thoại, nước, internet…

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Small Mart 24h/7 thuộc công ty TNHH dịch vụ thương mại Phạm Trang lại có thêm dịch vụ giao báo, sữa và bánh ngọt buổi sáng cho các hộ gia đình, giao hàng tận nhà cả ngày lẫn đêm trong bán kính 5km của cửa hàng.

2.2.1.3 Thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hình thành nét văn minh thương mại

Nếu như chỉ 7,8 năm trước đây, siêu thị chủ yếu phục vụ người nước ngoài và người Việt Nam có thu nhập cao thì nay, khách hàng đến với siêu thị là những người có thu nhập trung bình trở lên. Đi siêu thị, trung tâm thương mại không còn là thói quen xa xỉ mà đã trở thành hoạt động mua sắm bình thường trong một số bộ phận dân cư thành thị. Người tiêu dùng Việt Nam đã làm quen nhanh chóng và hào hứng với phương thức tự chọn hay tự phục vụ trong siêu thị hay trung tâm thương mại. Trước đây, ở thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, người tiêu dùng phải xếp hàng dài để chờ mua thực phẩm. Sự lựa chọn cũng ít hơn, phong cách phục vụ theo kiểu cửa quyền hách dịch. Ngày nay, với phương thức bán lẻ hiện đại, khách hàng được đặt vào vị trí trung tâm. Thành công trong kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi gắn liền với sự hài lòng của khách hàng. Người kinh doanh nào tạo được nhiều giá trị gia tăng nhất cho người mua sẽ thành công.

Hệ thống bán lẻ hiện đại mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi, thoải mái trong mua sắm với sự lựa chọn đa dạng, hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý. Có thể thấy người tiêu dùng là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Trên thực tế, các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng trở nên quen thuộc với cả tầng lớp bình dân. Khảo sát của Co.op Mart cho thấy trong


những năm gần đây tại các thành phố Mỹ Tho, Long Xuyên, Phan Thiết..., có đến 50% những người mua sắm chính trong các hộ gia đình từng có mua hàng tại siêu thị (mặc dù các thành phố trên chưa có siêu thị) và có đến hơn 85% những người được phỏng vấn sẵn sàng đi mua sắm tại siêu thị nếu có loại hình này tại thành phố của họ. Riêng tại thị trường TP.HCM, mức gia tăng chi dùng của các hộ gia đình cho loại hình siêu thị trong giai đoạn 2003 -2006 bình quân khoảng 35%/năm.

Sự phát triển bùng nổ của siêu thị trong những năm gần đây đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Giờ đây, người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới giá cả mà đã dành sự ưu tiên hơn đến chất lượng, an toàn vệ sinh của hàng hóa.

2.2.1.4 Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang có những chiến lược cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh

Để có thể cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh của nước ngoài khi thị trường hoàn toàn mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam đang khẩn trương tự hoàn thiện mình bằng cách mở rộng mạng lưới phân phối và tiến hành kinh doanh theo chuỗi. Đồng thời, các nhà bán lẻ nội địa đã ý thức được là phải liên kết để tạo sức mạnh tổng thể để chuẩn bị cho cạnh tranh.

Với chiến lược không ngừng mở rộng mạng lưới, phát triển thêm cơ sở mới, một số doanh nghiệp đã và đang hình thành loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại của riêng mình để từng bước vận hành theo mô hình chuỗi và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Doanh nghiệp trong nước có Tổng công ty thương mại Sài Gòn với thương xá Tax; liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh với chuỗi siêu thị Co-op Mart và 30 cửa hàng nhỏ khác, công ty TNHH thương mại-dịch vụ An Phong với 4 siêu thị Maximark; công ty TNHH thương mại-dịch vụ Đông Hưng với 8 siêu thị Citimart ở thành phố Hồ Chí Minh và 9 siêu thị khác trên cả nước, các thành viên của tổng công ty dệt may Việt Nam với thương hiệu Vinatex, Fivimart đã có 5 siêu thị ở Hà Nội…

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 02/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí