Tổng Quan Các Công Trình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Đề Tài


LỜI MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài

Phú Yên là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ (phía Bắc giáp tỉnh Bình Định và phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai, phía Đông giáp Biển Đông, Phú Yên cách Hà Nội 1.160 km về phía Bắc, cách TP. Hồ Chí Minh 560 km về phía Nam theo tuyến QL 1A, tỉnh lỵ là Thành phố Tuy Hòa), có lợi thế và giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch, nhiều cảnh đẹp, được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh. Có bờ biển dài 189km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, có núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như: Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô; nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Bãi Tiên, Bãi Môn, Bãi Xép, Bãi Nồm…; nhiều gành đá nổi tiếng như: Gành Đá Đĩa, gành Đỏ, gành Dưa, gành Yến, và nhiều đảo nhỏ ven bờ như: Nhất Tự Sơn, hòn Chùa, hòn Than, hòn Dứa, hòn Nưa, hòn Yến, hòn Lao Mái Nhà…Dưới biển là những rạn san hô đẹp và nhiều loại đặc sản biển sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách về thăm Phú Yên. (Nguồn: Cẩm nang Du lịch Phú Yên 2014)

Với xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, sự phát triển của Phú Yên trong những năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. DL phát triển đã dần làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, nhất là các vùng ven biển góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở các vùng du lịch, gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế DL Phú Yên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, quá trình phát triển gặp không ít khó khăn, trở ngại so với các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thì Phú Yên là địa phương mà ngành DL kém phát triển nhất. Bên cạnh đó, việc khai thác hoạt động DL Phú Yên vẫn còn chưa rõ quy hoạch, nhiều dự án vẫn còn dang dở ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan… do đó làm cho ngành DL của tỉnh vẫn chưa phát triển bền vững.


Vì thế vấn đề đầu tư và phải làm như thế nào để khai thác các sản phẩm du lịch sao cho tương xứng với tiềm năng, phương thức thực hiện ra sao để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cũng như đạt được mục tiêu phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững là hết sức cần thiết. Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là phải phát triển mạnh ngành DL, để DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, việc tìm các giải pháp thực tế về việc phát triển DL theo hướng bền vững là vấn đề rất quan trọng đồng thời là vấn đề có ý nghĩa cơ bản lâu dài đối với kinh tế Phú Yên. Xuất phát từ thực tiễn trên, tôi chọn đề tài nghiên cứu: “Giải pháp phát triển du lịch ở tỉnh Phú Yên theo hướng bền vững” làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: đề xuất các giải pháp phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2030 nhằm làm cho du lịch Phú Yên phát triển bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Mục tiêu cụ thể:

- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Giải pháp phát triển du lịch tỉnh Phú Yên theo hướng bền vững - 3

- Đánh giá được thực trạng phát triển du lịch Phú Yên thời gian qua.

- Đề xuất các biện pháp phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2030 theo hướng bền vững.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

Đối tượng nghiên cứu: các hoạt động DL ở tỉnh Phú Yên

Phạm vi nghiên cứu:

- Về nội dung: đề tài tập trung nghiên cứu phát triển DL Phú Yên theo hướng bền vững

- Về không gian: trên địa bàn tỉnh Phú Yên

- Về thời gian: số liệu được thu thập, xử lý và phân tích trong giai đoạn 2011

– 2015, những giải pháp được đề xuất đến năm 2030.

4. Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp thu thập số liệu:

+ Thu thập số liệu thứ cấp: bao gồm các tài liệu, sách báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, niên giám thống kê…trong và ngoài nước đã được công bố. Nguồn dữ


liệu của Tổng cục thống kê; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội du lịch Việt Nam; UBND Tỉnh Phú Yên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên (Sở VHTTDL), các sở ban ngành liên quan và các nguồn khác…

+ Thu thập số liệu sơ cấp: số liệu sơ cấp thu được thông qua việc tiến hành điều tra, phỏng vấn các lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch…về những vấn đề liên quan đến nội dung nghiên cứu. Việc điều tra, phỏng vấn thông qua các phiếu điều tra khảo sát được thiết kế theo mẫu với nội dung là những tiêu chí đã được lựa chọn để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.

- Phương pháp nghiên cứu:

+ Phương pháp phân tích thống kê: sử dụng các nguồn dữ liệu thứ cấp tin cậy của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên, Chi cục Thống kê tỉnh, Tổng cục Thống kê, các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan, các doanh nghiệp chuyên về du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các số liệu chính thức được công bố của các tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch Phú Yên, Hiệp hội Du lịch các tỉnh lân cận… Từ các nguồn số liệu trên, tác giả sử dụng phương pháp phân tích thống kê để đánh giá thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên.

+ Phương pháp chuyên gia: tiếp cận và làm việc với các chuyên gia, cán bộ quản lý du lịch, một số lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của Phú Yên để phỏng vấn, điều tra, có thêm dữ liệu nhằm bổ sung cho các nghiên cứu, cũng như phân tích chính xác hơn về thực trạng, đề xuất các giải pháp khoa học, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

+ Phương pháp tham chiếu và suy diễn quy nạp: thông qua việc nghiên cứu các tài liệu về du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành du lịch Phú Yên, các công trình khoa học đã được công bố về phát triển du lịch, những mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển du lịch, nhất là ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, tác giả áp dụng để suy diễn, hệ thống lại các nội dung từ lý luận cũng như thực tiễn phát


triển du lịch, làm cơ sở cho việc phân tích, suy đoán, diễn giải, xây dựng các giải pháp và định hướng phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên theo hướng bền vững.

+ Phương pháp so sánh: Sử dụng phương pháp so sánh để phân tích, đánh giá so sánh giữa Phú Yên với một số tỉnh có điều kiện tương tự, đặc biệt là trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Trên cơ sở những cơ sở lý thuyết, tiêu chuẩn, mô hình sẵn có và sự nghiên cứu những đặc thù của du lịch sinh thái tại Phú Yên, đề tài lựa chọn mô hình đánh giá và xây dựng các tiêu chí phù hợp với tiến trình nghiên cứu.

5. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài

- Các nghiên cứu nước ngoài: cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, HĐDL đã phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) năm 2010 khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới đạt 940 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch đạt 919 tỷ USD, chiếm hơn 30% xuất khẩu dịch vụ thương mại của thế giới (UNWTO, 2011). Theo dự báo đến năm 2020 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế “công nghiệp” chiếm tỷ trọng lớn nhất trong những ngành xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Sự đóng góp của du lịch vào GDP dự kiến sẽ tăng từ 9,2% năm 2010 lên 9,7% vào năm 2020 (WTTC, 2010). Điều này đã đặt ra mối quan tâm đặc biệt trong sự phát triển hoạt động du lịch của nhiều nước. Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về phát triển DLBV nhằm hạn chế tác động tiêu cực của HĐDL, đảm bảo sự phát triển lâu dài. Các nghiên cứu về du lịch bền vững cho thấy du lịch bền vững không chỉ bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái mà còn quan tâm đến khả năng duy trì lợi ích kinh tế dài hạn và công bằng xã hội. Có thể kể đến một số công trình sau:

+ Công trình nghiên cứu của Hall và Richards (2000) “Tourism and sustainable community development” (Du lịch và phát triển cộng đồng bền vững) đã chỉ ra vai trò đóng góp to lớn của các cộng đồng địa phương đối với DLBV, nếu không có cộng đồng địa phương thì hoạt động DLBV không thể được đảm bảo và ngược lại, DLBV cũng sẽ đem tới những lợi ích nhất định cho các cộng đồng địa


phương. Qua đó cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa phát triển DLBV và cộng đồng địa phương.

+ Anand và Sen (1996) với nghiên cứu “Sustainable development: Concepts and Priorities, United Nations Development Programme” (Phát triển bền vững: Các khái niệm và sự ưu tiên, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc). Tác giả đã đưa ra một nhận định tương đối đầy đủ về phát triển bền vững. Theo đó “Phát triển bền vững cần được hiểu một cách toàn diện, đầy đủ trên cả 3 khía cạnh là: tăng trưởng kinh tế ổn định, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống con người”. Đồng thời, tác giả chú trọng đến yếu tố sử dụng hợp lý đất đai, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên nước, tiết kiệm năng lượng và giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội.

+ Nghiên cứu của Ernst Lutz, World Bank (1998) với đề tài “Agriculture and Environment, Perspectives on Sustainable Rural Development” (Nông nghiệp và Môi trường, nhận thức về phát triển nông thôn bền vững). Nghiên cứu đã nhấn mạnh việc gắn kết hài hòa giữa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và môi trường rừng. Các quốc gia chỉ có thể đạt được sự thành công trong phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn khi và chỉ khi đi theo hướng phát triển bền vững.

+ Sharpley, R., (2009) với Nghiên cứu “Tourism development and the environment: beyond sustainability?” (Phát triển du lịch và môi trường: phía bên kia tính bền vững?) đã chỉ ra điểm hạn chế của các mô hình phát triển du lịch hiện tại. Nghiên cứu này cung cấp các quan điểm khác nhau về khái niệm du lịch bền vững, tạo cho người đọc cái nhìn khách quan, đa chiều về phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, trình bày rõ mối tương quan giữa bền vững du lịch và bền vững môi trường.

- Các nghiên cứu trong nước: DL hiện đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, du lịch Việt


Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Cụ thể như công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, tình trạng mất vệ sinh – an ninh trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xảy ra; nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa đủ khả năng vươn ra thị trường quốc tế; nguồn nhân lực về du lịch chuyên nghiệp chưa đủ đáp ứng... Chính vì vậy, đề tài về ngành DL đặc biệt là phát triển DL theo hướng bền vững hiện nay luôn thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các hiệp hội, tổ chức và các cá nhân. Dưới đây là một số các tài liệu khoa học và công trình nghiên cứu có liên quan:

+ Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do Phạm Trung Lương và các tác giả (2002), “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” đã chỉ ra những vấn đề thực tiến, những khó khăn và tồn tại về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Qua đó đề tài cũng đưa ra một số giái pháp để thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

+ Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu (2001) với nghiên cứu “Du lịch bền vững” đã hệ thống hóa các lý thuyết về phát triển du lịch bền vững, nêu lên các cơ sở khoa học nhằm phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam.

+ Vũ Văn Đông (2014) trong luận án Tiến sĩ “Phát triển du lịch bền vững Bà Rịa Vũng Tàu”. Tác giả nghiên cứu thực trạng và tiềm năng du lịch của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhằm đề xuất các giải pháp về phát triển du lịch bền vững với mô hình nghiên cứu dựa trên 12 nhân tố với 92 biến quan sát ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững.

+ Lưu Thanh Đức Hải (2012), “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cần Thơ”, Tạp chí Khoa học, trường Đại học Cần Thơ, tr 231–241. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua, phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng du lịch. Nghiên cứu này cũng hướng đến xác định xu hướng phát triển du lịch tại Cần Thơ qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại thành phố Cần Thơ.


+ Trần Thị Hồng Lan (2010), “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Thành phố Đà Nẵng”, Tạp chí Kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số 11+12, tr 14-21. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch thành phố trên quan điểm phát triển bền vững. Từ đó đưa ra giải pháp để phát triển du lịch bền vững ở Tp. Đà Nẵng. Giải pháp về phía cơ quan quản lý nhà nước, giải pháp đối với doanh nghiệp du lịch, giải pháp đối với cộng đồng dân cư địa phương, giải pháp đối với du khách.

Du lịch đóng một vai trò hàng đầu trong sự nghiệp phát triển KTXH của Việt Nam, là lĩnh vực được Chính phủ rất quan tâm, được coi là một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp đáng kể cho cán cân thanh toán ngoại tệ quốc gia. Việc khai thác và phát huy tiềm năng du lịch ngày càng được quan tâm hơn. Hiện nay có khá nhiều tài liệu khoa học và công trình nghiên cứu về ngành du lịch của cả nước nói chung và Tỉnh nhà nói riêng. Tuy nhiên về các hoạt động du lịch hướng đến phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là tại Phú Yên thì hầu như rất ít. Trong khi, du lịch Phú Yên rất được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên du lịch lại chưa thể cất cánh. Đề tài mong muốn tìm ra các giải pháp nâng cao hoạt động du lịch của tỉnh Phú yên, góp phần đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

6. Đóng góp của đề tài

Đề tài này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng cho công tác quản lý đối với các sở ban ngành (Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên), các DN kinh doanh du lịch ở tỉnh Phú Yên qua các đóng góp của tác giả về một số giải pháp phát triển du lịch ngày càng theo hướng bền vững được rút ra từ những mặt còn hạn chế, tồn tại.

7. Bố cục của luận văn


Ngoài phần tài liệu tham khảo, các phụ lục, nội dung của luận văn được kết cấu thành 3 chương:


Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển bền vững và du lịch bền vững.


Chương 2: Thực trạng phát triển bền vững du lịch tỉnh Phú Yên.


Chương 3: Giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Phú Yên theo hướng bền vững.

.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023