này có ưu điểm là dễ xác định vì ngày nộp đơn được ghi rõ trong đơn đăng ký bảo hộ và chỉ quan tâm tới chủ thể nộp đơn sớm, không phải người tạo ra sáng chế đó trước. Song song với nguyên tắc này, trên thế giới (tại Hoa Kỳ) còn tồn tại nguyên tắc chỉ quan tâm tới người đầu tiên tạo ra sáng chế. Tuy nhiên, hệ thống này bộc lộ những hạn chế: (i) Có nên cấp bằng sáng chế cho người nghĩ ra giải pháp kỹ thuật không nộp đơn và đợi đến khi người khác nộp đơn và thấy rằng giải pháp kỹ thuật đó có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế mới nộp đơn hay không? (ii) Việc chứng minh ai là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp kỹ thuật là rất khó và trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được.
Thứ hai, là ngày ưu tiên của đơn vị yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế. Ngày ưu tiên của đơn có thể là ngày nộp đơn đầu tiên của sáng chế ở quốc gia là thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia (ví dụ xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris hoặc theo Công ước quốc tế về hợp tác bảo hộ sáng chế -PCT.v.v.). Ngày ưu tiên cũng có thể là ngày mà đối tượng của giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế được trưng bày hoặc được thuyết trình trong các cuộc triển lãm quốc tế hoặc trong nước. Kể từ trước hai thời điểm nói trên của đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế, tất cả kiến thức thuộc về lĩnh vực kỹ thuật liên quan của sáng chế đã được bộc lộ dưới hình thức sử dụng, văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác trên thế giới, đều được coi là tình trạng kỹ thuật để tiến hành xem xét khả năng đáp ứng được yêu cầu về tính mới của giải pháp kỹ thuật yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế.
Một vấn đề được đặt ra là thông tin của sáng chế được phổ biến đến giới hạn nào thì được coi là đã bị bộc lộ công khai? Khoản 1 Điều 60 của Luật sở hữu trí tuệ chỉ mới đề cập đến phạm vi không gian mà giải pháp kỹ thuật bị bộc lộ “ở trong nước hoặc ngoài nước” và các hình thức bộc lộ sáng chế
“dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản, hoặc bất kỳ hình thức nào khác”, nhưng mức độ định tính của việc bộc lộ sáng chế thì hoàn toàn chưa được quy định một cách cụ thể. Đây thực sự là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn là đối với bất kỳ một quốc gia nào hiện nay trên thế giới trong việc xây dựng điều kiện tính mới của sáng chế.
Trước đây, Điều 4, khoản 1 Nghị định 63/CP đã ít nhiều đề cập đến việc bộc lộ công khai của sáng chế. Theo đó, sáng chế được coi là đã được bộc lộ công khai nếu trước ngày ưu tiên của sáng chế giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn đã được thể hiện tới mức căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được giải pháp đó. Các nguồn thông tin kỹ thuật được tham khảo bao gồm: (i) Các nguồn thông tin liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích ở nước ngoài, tính từ ngày công bố; (ii) Các nguồn thông tin khác, với bất kỳ vật mang tin nào (ấn phẩm, phim ảnh, băng từ, đĩa từ, đĩa quang) tính từ ngày vật mang tin bắt đầu được lưu hành; (iii) Các nguồn thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, tuyền thanh). Tính từ ngày công bố tin; (iv) Các báo cáo khoa học, các bài giảng tính từ ngày thực hiện việc báo cáo khoa học hoặc giảng bài; (v) Các triển lãm, tính từ ngày hiện vật bắt đầu được trưng bày.
Như vậy, nếu trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, nội dung của sáng chế được bộc lộ rõ ràng đầy đủ đến mức mà căn cứ vào đó, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể suy luận dễ dàng hoặc có thể thực hiện được ngay giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ thì sáng chế được coi là không có tính mới. Ví dụ, sáng chế đề cập đến đầu đốt của lò đốt chất thải nguy hại bao gồm bec phun, ống trộn, lưới phân phối, ống hướng dòng, đầu gió sơ cấp, đầu cấp gió thứ cấp và ống cấp gió thứ cấp. Tuy nhiên, một tài liệu khác trước đó đã mô tả mỏ phun nhiên liệu với kết cấu đầu đốt tương tự, mà qua đó, người có trình độ trung bình trong
lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hoàn toàn có thể ứng dụng được kết cấu nói trên vào lò đốt chất thải nguy hại. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật của sáng chế được coi là đã bị bộc lộ công khai và do đó không có tính mới. Việc bộc lộ sáng chế có thể là qua hình thức mô tả bằng văn bản, ấn phẩm; thông qua lời nói như diễn văn, bài giảng; thông qua việc ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chào bán sản phẩm trên thị trường; hoặc các hình thức khác mà qua đó người khác có thể tiếp cận được thông tin của giải pháp kỹ thuật của sáng chế.
Tuy nhiên, giải pháp xác định sự bộc lộ công khai của sáng chế thông qua nguyên tắc mang tính chất định tính tuy có ưu điểm là có tính khái quát hóa cao nhưng lại hết sức khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn xét nghiệm sáng chế. Với quy định chỉ mang tính chất nguyên tắc chung như trên không cho phép xét nghiệm viên đánh giá được một cách chính xác và khách quan mức độ phổ biến của thông tin được bộc lộ, qua đó để thẩm định khả năng đáp ứng các yêu cầu của điều kiện tính mới của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ. Ví dụ, sáng chế đề cập đến một loại con dấu có khả năng nạp mực tự động. Giả sử, sản phẩm này trước khi nộp đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế đã được một chủ thể khác cho lưu hành trên thị trường ở phạm vi cấp huyện ở Việt Nam. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật của sáng chế bị coi là mất tính mới, hay chủ thể cho lưu hành sản phẩm tương tự với đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế được coi là người sử dụng trước? Trong một trường hợp khác, đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế là một thiết bị bơm nhiên liệu vào động cơ được lắp đặt trong phương tiện giao thông cơ giới. Đối tượng này sau đó đã được chứng minh là đã được lắp đặt vào một phương tiện giao thông cơ giới và được cho chạy thử nghiệm ở nơi công cộng. Như vậy, sáng chế có bị coi là mất tính mới hay không? Qua đây, có thể thấy, việc thẩm định sự bộc lộ công khai của sáng chế trong thực tiễn là
hết sức phức tạp. Vấn đề khó khăn thường gặp không phải là việc xác định mức độ bộc lộ mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kĩ thuật tương ứng có khả năng hiểu và thực hiện được, mà là việc xác định mức độ phổ biến của thông tin. Bởi vậy, xét trên phương diện này, có thể thấy, nếu chỉ với các nguyên tắc mang tính chất chung chung như trên, thì khả năng triển khai thực thi các quy định về điều kiện tính mới trong thực tiễn là không cao.
Trong một số trường hợp ngoại lệ, theo quy định tại khoản 3, Điều 60, Luật sở hữu trí tuệ, việc công bố thông tin của sáng chế trước ngày ưu tiên của đơn không coi là đã bị bộc lộ công khai và không bị mất tính mới, nếu đơn yêu cầu đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:(i) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, để bảo vệ một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế - những người có quyền tiến hành nộp đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai Trò Của Điều Kiện Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Sáng Chế
- Phạm Vi Các Đối Tượng Được Bảo Hộ Sáng Chế
- Đối Tượng Không Được Bảo Hộ Với Danh Nghĩa Sáng Chế
- Điều Kiện Có Khả Năng Áp Dụng Công Nghiệp
- Thực Tiễn Áp Dụng Quy Định Pháp Luật Về Điều Kiện Bảo Hộ Sáng Chế
- Điều kiện bảo hộ sáng chế theo pháp luật Việt Nam - 10
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
(ii) Sáng chế được người có quyền đăng kí công bố dưới dạng báo cáo khoa học. Đây là một bổ sung mới được ghi nhận của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của pháp luật về bảo hộ sáng chế trên thế giới, đồng thời có tác dụng hết sức to lớn trong việc khuyến khích hoạt động sáng tạo khoa học trong nước cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Quy định này sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể chuyên tâm hơn trong các hoạt động chuyên môn, đồng thời vẫn có khả năng được bảo vệ một cách tối đa những công trình nghiên cứu của mình.
(iii) Sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Theo đó, giải pháp kỹ thuật được công bố công khai trong những trường hợp trên đây, khi tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế được xem xét khả năng đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện tính mới dựa trên những tình trạng kỹ thuật trước ngày công bố lần đầu tiên mà không phải là ngày nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, với điều kiện đơn được nộp trong vòng sáu tháng kể từ ngày công bố.
Trong một trường hợp khác, sáng chế sẽ bị coi là mất tính mới ngay cả khi trước ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn của đơn yêu cầu đăng ký sáng chế, nội dung của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ trùng lặp với nội dung của đơn đăng ký sáng chế có ngày ưu tiên và ngày nộp đơn sớm hơn tại Việt Nam. Đây là hệ quả từ việc áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng. Như vậy, ngay sau khi nộp đơn yêu cầu đăng ký sáng chế, nội dung đơn chưa được công bố công khai và đang được bảo hộ dưới dạng thông tin bí mật, tuy nhiên nó vẫn có thể được coi là tình trạng kỹ thuật để tiến hành xem xét và đánh giá tính mới của các sáng chế cùng lĩnh vực được nộp trong nước với ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn muộn hơn. Trong trường hợp này, đơn nộp sớm hơn sẽ chỉ được coi là tài liệu đối chứng có khả năng loại trừ tính mới của sáng chế nộp muộn hơn, nếu nội dung của hai giải pháp kỹ thuật là hoàn toàn trùng lặp với nhau. Tuy nhiên, nếu đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn bị rút đơn hoặc bị coi là đã rút đơn ngay trong giai đoạn xét nghiệm hình thức, thì không còn được coi tình trạng kỹ thuật để xem xét khả năng đáp ứng được điều kiện tính mới của các đơn cùng lĩnh vực có ngày ưu tiên muộn hơn. Khoản 3, Điều 116 Luật sở hữu trí tuệ năm 2006 đã quy định rất rõ: Mọi đơn đăng ký sáng chế… đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa được công bố… đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên,
Qua những phân tích nói trên, có thể thấy rằng, các quy định về điều kiện tính mới trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 đã có những bước phát triển mới rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số những điểm hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc xác định mức độ phổ biến của thông tin sáng chế khi được công bố phục vụ cho việc đánh giá, xét nghiệm khả năng đáp ứng yêu cầu của điều kiện tính mới của sáng chế.
2.3. Điều kiện có trình độ sáng tạo
2.3.1. Khái niệm
Xét dưới góc độ ngôn ngữ, sáng tạo được hiểu là kết quả của một ý tưởng, nó có thể bắt nguồn từ một sáng chế đã được đăng ký hoặc cấp văn bằng bảo hộ độc quyền, nhưng không nảy sinh một cách hiển nhiên từ trình độ kỹ thuật hiện tại đối với những người có kỹ năng thông thường (trình độ trung bình) trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng [35, tr. 139]. Trình độ sáng tạo của một sáng chế thể hiện ở chỗ căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã biết, sáng chế yêu cầu bảo hộ khác so với những cái đã có, và sự khác biệt này phải mang tính sáng tạo (nghĩa là kết quả của ý tưởng sáng tạo), là một bước tiến (nghĩa là đáng được chú ý) đồng thời tạo ra được một khoảng cách rõ ràng mang tính “không hiển nhiên” giữa tình trạng kỹ thuật và sáng chế yêu cầu bảo hộ.
Để đánh giá một sáng chế có mang tính “không hiển nhiên” hay không thì người đánh giá phải có kỹ năng bình thường trong chuyên môn (hay “có trình độ trung bình trong lĩnh vực”); kỹ năng được áp dụng trong khi người này đánh giá phải là bình thường; và sự đánh giá này phải được thực hiện bằng việc so sánh sáng chế yêu cầu bảo hộ với tình trạng kỹ thuật đã có tương ứng với thời điểm nộp đơn. Trình độ sáng tạo của sáng chế được thể hiện trên 3 khía cạnh, đó là: Vấn đề cần giải quyết, giải pháp cho vấn đề đó và các ưu điểm của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật đã biết.
Xét dưới góc độ pháp luật thực định, Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ
sung năm 2009, đã nêu định nghĩa về trình độ sáng tạo như sau: Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ một hình thức nào ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng với những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Để một giải pháp được cấp bằng độc quyền sáng chế thì đánh giá tính mới là chưa đủ, giải pháp kỹ thuật đó còn phải tạo ra tính khác biệt với tất cả những giải pháp kỹ thuật khác đã biết trên hai đặc tính:
Thứ nhất, phải sáng tạo, tức là giải pháp kỹ thuật được tạo ra phải có một khoảng cách đáng kể với những giải pháp kỹ thuật hiện có, phải có một bước nhảy vọt chứa đựng những yếu tố mới, nhận thức mới về các đối tượng vật chất mà chưa giải pháp kỹ thuật nào đề đến.
Thứ hai, giải pháp kỹ thuật được tạo ra không hiển nhiên, có nghĩa rằng giải pháp kỹ thuật không thể được tạo ra một cách dễ dàng với những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Về khái niệm “người có hiểu biết trung bình”, Điểm 23.6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN chỉ rõ: “Khái niệm người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực khoa học tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường là hiểu biết các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng” [6, Điểm 23.6].
Như vậy, vấn đề có trình độ sáng tạo của sáng chế được đặt ra nhằm khuyến khích sự tìm tòi, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển. Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu so với những giải pháp kỹ thuật đã được công bố, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực đó không thể tạo ra một cách dễ dàng được.
Từ nhận thức trên, có thể hiểu trình độ sáng tạo của sáng chế được hiểu mức độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật được công nhận là bước tiến sáng tạo và cho đến ngày ưu tiên của đơn so với trình độ kỹ thuật trong và ngoài nước, giải pháp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
2.3.2. Cách xác định
Một điều kiện quan trọng khác cần phải được xác định trong quá trình xét nghiệm khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế là trình độ sáng tạo. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giải pháp kỹ thuật được coi là đạt trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở ngoài nước trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Với một mức độ yêu cầu tương đối chặt chẽ cùng với tính chất định tính điển hình, cũng như bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, điều kiện về trình độ sáng tạo của sáng chế theo pháp luật Việt Nam có thể được coi là khó xác định nhất trong quá trình xét nghiệm nội dung. Mặc dù cùng dựa trên một nền tảng kỹ thuật xác định (trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế), tuy nhiên, yêu cầu về trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật là một bước phát triển cao hơn rất nhiều so với yêu cầu về điều kiện tính mới. Theo đó, sáng chế được bảo hộ không chỉ phải khác biệt với những kiến thức đã được bộc lộ công khai trước đó, mà còn phải thực sự là một bước phát triển so với những hiểu biết thông thường.
Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng ở đây