Di tích lịch sử - văn hóa trong hoạt động du lịch quận 8, TP. Hồ Chí Minh - 2


PHẦN MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Dân tộc Việt Nam đã trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các di tích lịch sử - văn hóa là dấu ấn, là bằng chứng về truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc từng địa phương qua nhiều thế hệ, gắn với sự phát triển của xã hội cũng như những bước thăng trầm trong lịch sử khai phá, xây dựng, đấu tranh để giữ gìn thành quả đạt được, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống được chiết lọc nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đất nước bước vào thế kỷ XXI - thế kỷ của khoa học và công nghệ hiện đại, quá trình du nhập của các nền văn hóa trên thế giới vào nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là nền văn hóa phương Tây, làm ảnh hưởng đến nền văn hóa truyền thống của nước ta.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa là tiền đề và mục đích của việc bảo tồn nhằm góp phần tạo điều kiện cho di tích phát huy những giá trị vốn có trên nhiều phương diện và giá trị của di tích, mang dấu ấn về lịch sử - văn hóa vùng và đặc điểm khu vực dân cư.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nêu: “Văn hoá là nền tảng của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”, Nghị quyết cũng xác định 10 nhiệm vụ để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nhiệm vụ thứ tư chỉ rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng


những truyền thống dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”1, ngày 18 tháng 12 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2406/QĐ-TTg về Ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015”, trong đó có văn hóa. Điều này khẳng định rằng khai thác và bảo tồn văn hóa trong phát triển kinh tế không chỉ là mối quan tâm của ngành du lịch mà là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân coi trọng. Nhìn chung, vấn đề khai thác các di tích lịch sử văn hóa, cũng như vấn đề bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trong du lịch ở các địa phương hiện còn nhiều bất cập như khai thác quá mức, khai thác không hiệu quả. Bên cạnh đó còn không ít những quan niệm sai lầm về bảo tồn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Đầu tư cho tài nguyên du lịch nhân văn về cơ chế, tài chính chưa được thỏa đáng do đó có nhiều di tích sau khi được xếp hạng lại tiếp tục rơi vào tình trạng hoang hóa, xuống cấp và không có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản để đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Nhiều di sản phi vật thể chưa được chăm lo gìn giữ truyền dạy, phục hồi nên đứng trước nguy cơ bị mai một. Một số nơi di tích bị lấn chiếm, hoặc nhiều lều quán dịch vụ nhếch nhác làm mất cảnh quan chung của điểm du lịch, các vấn đề về ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực di tích còn nhiều điều bàn cãi. Có những di tích được trùng tu, tôn tạo theo hướng làm mới đã đánh mất giá trị thực tế và giảm sức hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa phải nhằm mục đích giới thiệu đến với công chúng, tuy nhiên hiện nay việc chuẩn bị nội dung giới thiệu về các giá trị văn hóa cho khách du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Có nhiều bản giới thiệu thay vì diễn giải, phân tích thì lại nặng về phần ca ngợi chung chung. Khi giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa chỉ tập trung vào yếu tố huyền thoại với những

1 Nghị Quyết TW 5 Khoá VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam

Di tích lịch sử - văn hóa trong hoạt động du lịch quận 8, TP. Hồ Chí Minh - 2


chuyện kể mang sắc màu cổ tích mà quên đi nhiệm vụ cung cấp những thông tin mang tính khoa học về quá trình kiến tạo địa chất, niên đại… Những bản giới thiệu này thường không đem lại sự hài lòng cho du khách, không giúp nâng cao ý thức bảo vệ di tích từ phía du khách và cộng đồng.

Trong những năm qua việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Quận 8 vẫn chưa được đầu tư một cách đúng mực, vẫn còn tồn tại một số bất cập nhưng chưa tìm ra được hướng ra cho một sản phẩm du lịch đặc trưng mang màu sắc Quận 8. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa được như sự mong đợi của khách tham quan, một số di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận chưa gắn liền với các sản phẩm du lịch, gần đây một vài khu di tích bị người dân xâm phạm, lấn chiếm dẫn đến di tích không còn tồn tại.

Di tích lịch sử văn hóa là tài sản văn hóa dân tộc linh thiêng, là bản sắc văn hóa của địa phương, là tài nguyên quý báu, là sản phẩm du lịch <-> Mối quan hệ “bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trong du lịch” là điều rất cần thiết và cấp bách do đó với việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa trong hoạt động du lịch còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quý báu, phát triển các sản phẩm du lịch tại đia phương, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương trong giai đoạn phát triển hiện nay. Bản thân tác giả luận văn là người sinh sống lâu năm tại Quận 8 và công tác tại quận nên có những tình yêu quê hương và thuận lợi nhất định cho việc nghiên cứu, thực hiện đề tài về văn hóa trên địa bàn Quận 8. Với những lý do trên, tác giả quyết định lựa chọn đề tài: “DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH QUẬN 8, TP. HCM” để nghiên cứu.


2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích mà nghiên cứu hướng tới là khai thác hiệu quả di tích lịch sử - văn hoá trong hoạt động du lịch tại Quận 8, Tp. HCM để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế mà vẫn đảm bảo được tính văn hoá, sự bảo tồn đối với những di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nghiên cứu trên, đề tài luận văn hướng đến các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng như sau:

- Nghiên cứu những giá trị di tích lịch sử văn hóa và gắn việc phát huy, nâng cao giá trị văn hóa của di tích để phát triển với du lịch và phát triển kinh tế - văn hóa xã hội trên địa bàn quận.

- Đề tài hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa hoạt động du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa sâu rộng đến từng lớp nhân dân giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của người dân trên địa bàn quận nhà.

- Nghiên cứu thực tế khai thác du lịch gắn với bảo tồn các khu di tích lịch sử tại Quận 8, từ đó đánh giá để rút ra những nhược điểm và đề xuất giải pháp điều chỉnh hợp lý hơn, góp phần phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với các khu di tích lịch sử văn hóa; từ đó góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội Quận 8 trong thời kỳ mới.

- Đánh giá thực trạng bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa nhất là khu di tích lịch - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, góp phần nâng cao giá trị văn hóa hiện có của Quận 8 trong quá trình phát triển và hội nhập của của đất nước hiện nay nói chung và quận nói riêng.

- Rút ra bài học kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử

- văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Quận 8.


3. Lịch sử đề tài nghiên cứu

Vấn đề đặt ra là từ khi ngành du lịch Việt Nam ra đời cho đến nay các công trình nghiên cứu về khai thác các khu di tich lịch sử văn hóa trong du lịch nhìn chung vẫn chưa nhiều, một số công trình nghiên cứu có giá trị liên quan đến vấn đề này đã được thực hiện như:

Trong cuốn “Văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Chiến [24] đã nêu quan điểm: yêu cầu cao nhất của phát triển du lịch là phát triển bền vững và phân tích cách phát triển du lịch bền vững theo hướng nhấn mạnh yếu tố văn hóa.

“Giáo trình Quản lý di sản với phát triển du lịch bền vững” của Lê Hồng Lý [12] chủ biên đã hệ thống cơ sở lý luận về du lịch bền vững.

Nguyễn Thị Minh Lý [25] trong cuốn “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

- Quá trình nhận thức và bài học thực tiễn”, đã xây dựng cơ sở lý luận về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản.

“Bảo tồn di tích trong phát triển không gian đô thị”, tác giả Doãn Minh Khôi [5] đã phân tích mối liên hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển không gian đô thị, đồng thời nêu lên kinh nghiệm của một số nước đã tiến hành quy hoạch đô thị theo quan điểm tạo ra sự hài hòa giữa kiến trúc mới và kiến trúc cũ. Tác giả cũng khẳng định cần phải làm cho các công trình di tích gần gũi và rộng mở hơn đối với các hoạt động đô thị ở Việt Nam.

Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu, dự án về bảo tồn di sản và phát triển du lịch được tiến hành ở các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Trong đó tiêu biểu là công trình nghiên cứu “Quảng Nam và hành trình bảo tồn các di sản văn hóa (Mỹ Châu)”, “Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: Góc nhìn từ cố đô Huế” (Tổng cục du lịch). Các công trình cho thấy nhận thức và hành động


thực tiễn của Nhà nước về vấn đề bảo tồn di sản và phát triển du lịch, ngoài ra năm 2005, Tổng cục Du lịch phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về “Chủ trương và giải pháp để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch”. Đề tài đã xây dựng các nhóm giải pháp chung để bảo tồn và phát huy di sản phục vụ du lịch.

Một số bài báo trên tạp chí Du lịch Việt Nam và các báo cáo trong các cuộc hội thảo về du lịch của Việt Nam như: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch thủ đô (Bùi Thanh Thủy, Tạp chí nghiên cứu văn hóa Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội), Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở nước ta (Nguyễn Quốc Hùng, Cục di sản văn hóa)…

Tuy nhiên trong thực tế đến nay chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào đối với các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Quận 8. Một số bài viết trên website quận, trong các hội thi chủ yếu xoay quanh việc giới thiệu về các khu di tích, lịch sử mà hoàn toàn chưa nói đến việc bảo tồn, phát huy và gắn các khu di tích với phát triển các sản phẩm du lịch. Vì vậy với việc thực hiện đề tài này tác giả mong muốn sẽ đưa ra một góc nhìn mới, một cách nghĩ khác hơn về việc khi thác các khu di tích trên địa bàn Quận 8.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hoạt động khai thác các khu di tích lịch sử - văn hoá trong hoạt động du lịch tại Quận 8, Tp. HCM.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi về nội dung: Đề tài tập trung đánh giá tiềm năng di tích lịch sử văn hóa phục vụ cho việc phát triển du lịch và công tác bảo tồn tài nguyên này từ hoạt động du lịch.


- Phạm vi về không gian: nghiên cứu tại Quận 8, tập trung vào các phường có các khu di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận.

- Phạm vi về thời gian:

+ Thời gian nghiên cứu tài liệu: đề tài tập trung thu thập, phân tích thông tin chủ yếu từ năm 2005 đến tháng 2015.

+ Thời gian nghiên cứu thực địa: từ tháng 12/2015 đến tháng 03/2016.

+ Thực hiện điều tra, phỏng vấn: 01/2016 đến tháng 03/2016.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp thu thập tài liệu

Luận văn thu thập và xử lý dữ liệu cơ bản từ nhiều nguồn khác nhau như: tư liệu của Sở văn hóa thể thao, các chủ trương chính sách của Quận ủy và Ủy ban nhân dân Quận 8. Tác giả đã có được một hệ thống tài liệu toàn diện về chủ đề nghiên cứu và là dữ liệu phục vụ cho phân tích, dẫn luận tại Chương 1 và Chương 2. Các tài liệu thống kê luôn được bổ sung, cập nhật và được tác giả chọn lọc, tổng hợp, phân tích tính liên hợp các yếu tố trong mối tương quan, ảnh hưởng lẫn nhau làm mục đích nghiên cứu của luận văn. Phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá các công trình liên quan của các tác giả đi trước, sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu với những tài liệu thu được trên thực địa, rút ra những điểm chung.

5.2. Phương pháp quan sát

Thông qua những chuyến đi thực tế tại các khu di tích lịch sử - văn hóa, tác giả có cơ sở cơ bản để đánh giá được thực tế tình hình phát triển cũng như tiềm năng của lĩnh vực mà mình đang nghiên cứu. Từ đó, cho phép tác giả tiếp cận vấn đề một cách chủ động, sâu sắc, có điều kiện đối chiếu, bổ sung các thông tin cần thiết, cũng như thẩm nhận được giá trị của tiềm năng du lịch, hiểu được những khía cạnh khác nhau của thực tế, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hợp lý có tính chất khả thi, phù hợp với địa bàn nghiên cứu.


Tác giả lựa chọn địa điểm quan sát là các di tích lịch sử - văn hoá. Đối tượng quan sát là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ xung quanh khu di tích. Mục đích quan sát là để tìm hiểu thái độ, hành vi ứng xử, buôn bán của họ đối với du khách, cũng như sự nhiệt tình và hiểu biết trong vấn đề giới thiệu với du khách về di tích lịch sử - văn hoá.

5.3. Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi

Phương pháp bảng hỏi nhằm thu thập số liệu sơ cấp, đáp ứng cụ thể những yêu cầu của hoạt động điều tra. Bảng hỏi được thiết kế dành cho người dân buôn bán nhỏ tại các khu dân cư liền kề và khách tham quan khu di tích. Đề tài phát ra 200 phiếu dành cho khách du lịch và thu về 195 phiếu hợp lệ, và 45 phiếu dành cho hộ dân buôn bán nhỏ, thu về 42 phiếu.

Một là, đánh giá về chất lượng sản phẩm du lịch hiện có của Quận 8.

Hai là, sự quan tâm của du khách đối với các khu di tích trên địa bàn quận.

Tác động của việc khai thác di tích lịch sử - văn hoá đến việc xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của những hộ kinh doanh nhỏ.

5.4.Phương pháp phỏng vấn

Phỏng vấn là công cụ điều tra, nghiên cứu hiệu quả nhằm thu thập các thông tin mong muốn và phù hợp với từng đối tượng phỏng vấn mà bảng hỏi chưa đáp ứng được. Phương pháp này được áp dụng đối với cộng đồng địa phương, cơ quan quản lý các khu di tích tại địa phương, đơn vị đang phát triển sản phẩm du lịch tại Quận 8 du khách. Mỗi đối tượng được phỏng vấn theo những tiêu chí phù hợp với mục đích điều tra.

- Phương pháp phỏng vấn được chính thức tiến hành như sau:

+ Cuộc phỏng vấn đại diện cơ quan quản lý nhà nước về di tích tại quận là Phòng Văn hóa - thông tin, và Ủy ban nhân dân Quận 8.

+ Ba cuộc phỏng vấn ban quản lý các di tích trên địa bàn quận.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/04/2023