Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại văn phòng công ty Pjico Hà Nội giai đoạn 2006-2008 và định hướng giai đoạn mới - 13


Trong thời gian qua việc tiến hành bồi thường thương mại có hiệu quả, giúp tăng lượng khách hàng đến với Công ty. Cho dù đây là một khoản chi phí không được tính là chi phí hợp lý, do đó không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nên làm giảm một phần lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, không vì vậy mà Công ty bỏ qua nghiệp vụ này, trái lại Công ty vẫn nên triển khai thực hiện rộng rãi hơn để tạo uy tín, thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng về lâu dài. Công ty cũng phải chú ý đánh giá đúng tiềm năng của đối tượng mà Công ty định bồi thường thương mại để đảm bảo sẽ ký kết được các hợp đồng bảo hiểm sau này, đồng thời cũng phải đặt ra hạn mức tổn thất hợp lý để tiến hành bồi thường thương mại vừa đảm bảo là giúp khách hàng, vừa đảm bảo không làm mất một khoản chi quá lớn của Công ty. Như vậy, đây là một biện pháp giúp tăng thị phần có hiệu quả mà Công ty nên phát huy.

Ngăn ngừa, hạn chế trục lợi bảo hiểm

Đây là hành vi nguy hiểm và khó tránh khỏi khi mà thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường trước hơn và gây thất thoát một số tiền khá lớn đối với Công ty. Để giảm thiểu trục lợi bảo hiểm trong công tác bồi thường, Công ty cần yêu cầu nhân viên thực hiện việc kiểm tra hồ sơ khiếu nại một cách nghiêm túc, cẩn thận và nếu có dấu hiệu gì đáng nghi thì cần phải thông báo ngay để tránh trường hợp làm hợp đồng bảo hiểm giả, khai ngày tổn thất xảy ra sau ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm hay nhân viên giám định và khách hàng cấu kết khai tăng giá trị tổn thất… Mọi quy trình thực hiện phải được ghi lại cụ thể, chi tiết để khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn thì có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi phát hiện ra có trường hợp trục lợi bảo hiểm mà Công ty đã tiến hành bồi thường rồi thì Công ty phải nhanh chóng khiếu nại, đòi lại khoản tiền bồi thường đó và thông báo thông tin đó trên website của Công ty cũng như các chi nhánh khác để có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Thúc đẩy mạnh hiệu quả công tác đòi người thứ ba

Việc đòi người thứ ba giúp cho Công ty thu lại phần nào số tiền bồi thường đã thanh toán cho khách hàng, giảm chi bồi thường. Để thực hiện tốt công tác đòi người thứ ba, khi có tổn thất xảy ra Công ty cần yêu cầu khách hàng hay đại diện của khách hàng bảo lưu quyền đòi người thứ ba, phòng trường hợp do lỗi của người thứ ba thì Công ty có cơ sở để đòi bồi thường. Sau khi tiến hành giám định xong, nhân viên bồi thường cũng phải tiến hành thu thập đủ các giấy tờ, chứng từ cần thiết, cách tính toán số tiền bồi thường và số tiền bồi thường để nhanh chóng yêu cầu người thứ ba thanh toán.

Bên cạnh những biện pháp trên, Công ty cần phải tiến hành cập nhật thông tin về các vụ tổn thất đã bồi thường (thời gian xảy ra tổn thất, nguyên nhân tổn thất, hàng hoá bị hư hỏng thiệt hại, phương án bồi thường, kinh nghiệm rút ra…) để khách hàng cũng như nhân viên có thể nắm rõ thông tin về tình hình hoạt động bồi thường của Công ty nhanh và thuận tiện.

Tóm lại Công ty phải thực hiện đồng bộ rất nhiều nhiệm vụ, phải cố gắng nâng cao chất lượng công tác bồi thường để có thể nâng cao uy tín, đảm bảo thị phần trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Việc kết hợp các biện pháp nêu trên phải thực sự linh hoạt, thực hiện một cách nhanh chóng và phù hợp với từng giai đoạn. Muốn tăng hiệu quả kinh doanh của nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển thì ngoài các biện pháp theo từng công tác trên Công ty cần đặt ra các chiến lược, định hướng cụ thể cả về ngắn hạn cũng như lâu dài sao cho phù hợp với tình hình thực tế để vừa tận dụng được những thuận lợi của thị trường, thế mạnh của Công ty vừa có biện pháp khắc phục, hạn chế tác động của những khó khăn, điểm yếu của Công ty gặp phải. Để làm được điều đó Công ty cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ, có những ưu đãi hợp lý cho


khách hàng để cạnh tranh với các công ty bảo hiểm nước ngoài đầy kinh nghiệm và có quy mô lớn và phải biết tận dụng lợi thế là một công ty bảo hiểm của Việt Nam, am hiểu thị trường Việt Nam hơn các công ty nước ngoài mới vào. Hàng năm Công ty cần đánh giá chất lượng, hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá XNK năm trước và theo từng giai đoạn để rút ra kinh nghiệm, đề ra các chính sách cụ thể phải thực hiện như mở rộng thị phần lên bao nhiêu phần trăm, khách hàng chính là ai, tỷ lệ bồi thường phấn đấu đạt bao nhiêu và thời gian bồi thường nên rút ngắn lại như thế nào… Chính sách càng cụ thể thì càng dễ dàng thực hiện hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

2.2 Đối với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam được thành lập vào năm 1999 nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, hợp tác và phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hoạt động của Hiệp hội trong những năm qua chưa thể hiện được hết chức năng, vai trò của mình trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội và góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển thì Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cần thực hiện một số việc sau:

Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại văn phòng công ty Pjico Hà Nội giai đoạn 2006-2008 và định hướng giai đoạn mới - 13

Cải tổ cơ cấu tổ chức cho rõ ràng, hiệu quả hơn

Hiện nay Hiệp hội hoạt động trên thị trường bảo hiểm nói chung, chưa có sự phân tách rõ ràng, tập trung sâu vào một loại bảo hiểm như Bảo hiểm Phi nhân thọ, Bảo hiểm Nhân thọ hay Tái bảo hiểm… nên chưa thực hiện tốt chức năng của mình trong một lĩnh vực cụ thể. Các nước khác trên thế giới thường có từ hai Hiệp hội liên quan đến bảo hiểm trở lên, như ở Nhật có 2 Hiệp hội (Hiệp hội các nhà bảo hiểm nhân thọ, Hiệp hội các nhà bảo hiểm phi nhân thọ) hay ở Singapore thì có tới 8 hội bảo hiểm (Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ/Nhân thọ, Hiệp hội các nhà tái bảo hiểm…) và ở đó sẽ có sự tập trung chuyên môn vào một


lĩnh vực hơn. Do đó, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nên tách thành Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ và Hiệp hội bảo hiểm Nhân thọ… Trong Hiệp hội bảo hiểm Phi nhân thọ thì sẽ chuyên trách về các nghiệp vụ bảo hiểm như bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm thân tàu… Như vậy sẽ mạch lạc hơn trong hoạt động của các nghiệp vụ bảo hiểm.

Hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý của cán bộ nhân viên trong Hiệp hội

Hiệp hội cần đào tạo và nâng cao thường xuyên trình độ chuyên môn của các cán bộ công nhân viên chuyên về bảo hiểm hàng hải nói chung, bảo hiểm hàng hoá XNK nói riêng, nhất là về việc thực hiện bồi thường tổn thất. Hiệp hội có thể tổ chức các khoá tập huấn, các buổi hội thảo… chuyên về bảo hiểm hàng hoá XNK cho các thành viên với tần suất cao hơn và quy mô rộng hơn.

Cải thiện hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu, đánh giá, định hướng chung cho thị trường và cập nhật thông tin

Mặt hạn chế lớn nhất hiện nay của Hiệp hội có thể nói đó là việc cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm còn chậm chạp, không cập nhật và đầy đủ. Do đó, Hiệp hội cần thường xuyên cập nhật thông tin, đưa ra các số liệu thống kê, các bài phân tích liên quan đến tình hình bảo hiểm, bồi thường, các thuận lợi và khó khăn liên quan đến bảo hiểm hàng hoá XNK lên trên website, tạp chí chuyên ngành để các nhà bảo hiểm hàng hoá XNK có tư liệu để xem xét, phân tích tình hình kinh doanh của mình và đưa ra các chiến lược phát triển đúng đắn.

Thêm vào đó, Hiệp hội cần phải có mối quan hệ thường xuyên với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để nắm rõ tình hình hoạt động của mỗi doanh nghiệp trên thị trường; cần hợp tác với các hội, hiệp hội bảo hiểm khác trên thế giới để có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về bồi thường hàng hoá và các vấn đề khác.


Thực hiện tốt các nhiệm vụ này, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam mới có thể phát huy hết vai trò và chức năng của mình trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, góp phần định hướng và đánh giá toàn bộ thị trường bảo hiểm Việt Nam.

2.3 Đối với Nhà nước

Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường nhưng không thể vì vậy mà vai trò của Nhà nước bị mờ nhạt, giảm sút. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng Nhà nước càng phải thể hiện vai trò to lớn của mình thông qua việc định hướng, đưa ra các chính sách, chiến lược phát triển phù hợp cho ngành bảo hiểm nói chung. Dựa vào đó mà các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới có thêm sự hỗ trợ để phát triển và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo sự thống nhất trong các cơ chế chính sách mà Nhà nước ban hành

Nhà nước cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động. Do vậy, phải đẩy mạnh công tác xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý mới phù hợp với môi trường kinh doanh bảo hiểm ngày nay, đồng thời sửa đổi các quy định, thủ tục rườm rà, chồng chéo nhau gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ nên giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua các chỉ tiêu về hoạt động của doanh nghiệp và kiểm tra, xử lý các sai phạm. Việc đưa ra các quy định pháp lý đó phải phù hợp với các thông lệ, tập quán quốc tế về bảo hiểm – bồi thường hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tạo môi trường thống nhất cho sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và nước ngoài.

Mở rộng quan hệ với các nước khác trên thế giới


Nhà nước cần mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam dần dần hướng đến thị trường quốc tế, mở rộng thị phần ngoài nước. Qua đó, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước có lịch sử bảo hiểm hàng hoá phát triển lâu đời (Anh, Italia…) về chiến lược phát triển, công tác quản lý tổn thất, phương pháp bồi thường – giám định có hiệu quả.

Thường xuyên kiểm soát hoạt động của thị trường

Nhà nước cần lưu ý sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong việc giảm phí bảo hiểm, mở rộng phạm vi bảo hiểm quá mức để cạnh tranh giành khách hàng và có biện pháp xử lý kịp thời.

Xây dựng chiến lược phát triển phù hợp chung cho toàn thị trường

Các cơ quan chức năng Nhà nước cũng phải thường xuyên cập nhật thông tin, thực hiện các cuộc điều tra, thống kê về tình hình tổn thất, chất lượng giám định và hiệu quả công tác bồi thường của toàn thị trường bảo hiểm, đặc biệt là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để từ đó đưa ra các khuyến nghị hợp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm hàng hoá. Đồng thời cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cũng như trước mắt về sự phát triển bền vững của dịch vụ bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển.

Những biện pháp nêu trên đối với PJICO, với Nhà nước và các bên liên quan đều có tác động tới hiệu quả, chất lượng công tác bồi thường tổn thất của PJICO. Với sự nỗ lực thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và lâu dài có thể giúp rút ngắn thời gian bồi thường, số tiền bồi thường không hợp lý được giảm thiểu, tránh được tình trạng trục lợi bảo hiểm và nâng cao uy tín của Công ty. Kết quả của những sự cải thiện trên chính là làm tăng hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại PJICO, thực


hiện được những mục tiêu và định hướng đề ra trong giai đoạn tới của Công ty. Ngoài ra, tác động đó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của riêng Công ty mà còn giúp khách hàng nhanh chóng khôi phục được hoạt động kinh doanh sau khi gặp tổn thất, phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam và làm tăng hiệu quả kinh tế – xã hội của đất nước.


KẾT LUẬN


Bài Khoá luận tốt nghiệp với đề tài “Đánh giá công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển tại Văn phòng Công ty PJICO Hà Nội giai đoạn 2006 – 2008 và định hướng giai đoạn tới” hoàn thành đã giải quyết được các mục tiêu nghiên cứu đề ra. Qua bài nghiên cứu có thể rút ra một số điểm chính sau:

Giám định và bồi thường tổn thất hàng hoá là hai công tác rất quan trọng trong hoạt động bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển. Dựa vào đó Người được bảo hiểm và Người bảo hiểm tính toán số tiền bồi thường chính xác, đảm bảo hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Do tầm quan trọng của hai nghiệp vụ này nên nhiều kinh nghiệm về rủi ro, tổn thất và cách tính toán bồi thường đã được thống kê và đúc kết lại tạo ra một nguồn kiến thức bổ ích.

PJICO là một trong bốn công ty bảo hiểm hàng đầu và là công ty hoạt động có hiệu quả nhất trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện công tác giám định – bồi thường khá tốt và áp dụng một quy trình chung trong toàn bộ hệ thống Công ty.

Nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan tác động tới hiệu quả công tác bồi thường của PJICO. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi bên ngoài cùng với những điểm mạnh bên trong Công ty đã phần nào giảm bớt được những khó khăn, những hạn chế trong công tác bồi thường bảo hiểm hàng hoá XNK chuyên chở bằng đường biển tại PJICO. Nhờ đó, hiệu quả công tác bồi thường bảo hiểm nói riêng và nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá XNK vận chuyển bằng đường biển có kết quả tích cực trong những năm gần đây.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/06/2023