ruộng, còn lại chỉ là rừng thưa với đụn cát trắng không cỏ. Cát, nắng và gió. Ngột ngạt và khó thở. Vài cây dừa khẳng khiu, thưa thớt” [14, 76]. Ở nơi này, nắng và gió như thừa thãi. Sự khước từ cái gọi là ưu ái của thiên nhiên với miền đất này như tụ lại ở cả dáng cây, ngọn cỏ: “Cứng cáp, gân guốc, dồn nén đến cùng để bật ra mẫu dáng quằn quại phiêu bồng. Như mấy bụi cây cảnh lấy từ núi Chàbang đang được thị trường ưa chuộng. Trong dáng đau đáu kia, biết bao là khắc nghiệt và khước từ của thiên nhiên” [14, 116].
Thiên nhiên làm cho bức tranh cuộc sống của con người nơi đây cũng xám xịt, buồn thảm và lặng lẽ như thủa xa xưa: “Mấy đứa trẻ bụng ỏng phơi trần dưới nắng. Ba bà già đầu đội thúng đi dọc triền mương. Từ đồi xa, một nhóm cô gái đội bó củi khô hối hả về làng….Đàn dê, đàn bò gày còm kiên trì gặm cỏ khô” [14, 76, 77] khiến ta tưởng như từ ngàn năm qua nó vẫn cứ như vậy, cảm giác “thời gian đứng lại và ánh sáng văn minh như không chịu len lỏi tới xó xỉnh này” [14, 77]. Cái nghèo, cực, tạm bợ mà mơ hồ, xa xôi như cùng đồng hiện ở những mảnh đất chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên và thời tiết này.
Không chỉ khắc nghiệt, ngột ngạt bởi cát, nắng, gió, thiên nhiên nơi đây còn chứa không ít những bí ẩn, thậm chí rùng rợn. Đó là làng Chăm Caklaing với những “cánh đồng tối om cách làng đến hơn cây số. Vài khúc mương phải lội qua, bao lùm cây, mấy lối quanh ngả quẹo” [15, 26]; những cánh rừng “ mang chứa nỗi dọa nạt khó hiểu” [15, 29], gieo không ít nỗi sợ hãi cho cuộc sống của con người nơi đây: “Trên đường rừng ấy, bao nhiêu câu chuyện kể về anh tiều phu bị cọp vồ, vài cô gái chăn dê bị Sămri loài dã nhân dụ lên núi quên lối về đành sống đời rừng rú với chúng. Nghe mà gai người” [15, 25], thậm chí là những kut (mồ mả) hoang “lè lè nằm vô danh giữa, sau hay dưới khóm xương rồng xanh gượng” [14, 116]. Thiên nhiên cũng gây cho con người bao mối hiểm họa, bất trắc. Như sông Lu, giống như “thần Shiva vừa
bồi đắp phù sa đồng thời tàn phá. Lúa sắp tới miệng vẫn mất trắng như chơi. Chiều ngày còn thấy hàng trăm mẫu lúa làm đòng đứng nghiêm chỉnh, chỉ qua đêm sáng mở mắt dậy lũ trắng xóa” [14, 18] hay khúc Lakưk đã từng nhấn chìm Lalưk tạo nên “giai thoại mơ hồ về cô gái trưa vắng nhờ ông già còng qua sông” [15, 32], “Thằng [chú] Bánh suýt mất mạng trong buổi tắm sông. Chị Nhỏ đi nhá bị nước sông cuốn trôi” [15, 31]… Tất cả tạo nên một cảm giác rùng mình về sự bí ẩn và rờn rợn của thiên nhiên nơi đây, tác động lớn đến cuộc sống của người Chăm ở các plây. Cho đến tận hôm nay, cái thầm lặng, kham nhẫn, và cực khổ vẫn cứ hiện lên bàng bạc, da diết buồn thương trong tâm trí Inrasara: “Hai trăm năm qua Chăm nép mình sau những hàng xương rồng, nghèo, cực. Những căn nhà Yơ, Mưyuw không cửa sổ. Thỉnh thoảng vài mái tôn, ngói nhô lên. Nắng và gió. Vài bụi me lơ thơ trơ lì. Ruộng ăn nước trời cằn khô sau vụ gặt. Đàn trâu gặm đất trên ruộng đồng nhỏ hẹp” [14, 113].
2.3.2. Thiên nhiên gần gũi, gắn bó và sẻ chia với cuộc sống con người
Thiên nhiên vùng duyên hải Nam Trung Bộ không chỉ có cái khắc nghiệt, dữ dội của nắng, gió, hạn hán, dịch rầy nâu…; cái bí ẩn, rờn rợn, hiểm họa của rừng, của sông mà nó cũng rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống của con người ở các plây Chăm. Như làng Caklaing hiện lên thật sống động trong “buổi chiều mặt trời gác núi” [15, 25]; với bạt ngàn sông (lớn nhất là sông Lu), các đập (Kraung Bal Dhaung, Kraung Likuk, Ribaung Dhaung, Car Canang, Car Jađaw, Banơk Mưyang…), các đầm (Danaw Kaxon, Bblang Kadang, Danaw Padien…) được bao bọc bởi những lũy tre. Dòng sông, biểu tượng của cội nguồn và sức sống đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ dân tộc thiểu số. Vi Hồng, Cao Duy Sơn cũng đưa hình ảnh dòng sông vào những sáng tác của họ. Dòng sông trong sáng tác Vi Hồng đượm vẻ truyền kì hoang dã, của Cao Duy Sơn lại có nét lung linh, huyền ảo. Vậy
Chăm của Inrasara có nét gì riêng. Sông nước hiền dịu. Nó gắn bó với tuổi thơ của Inrasara, dù qua bao năm tháng vẫn không phai mờ: “Những con sông của tuổi thơ thơ mộng tôi nhảy giỡn, tắm gội, lưu lại trong tôi vô vàn kỉ niệm ngọt lịm, mãi ám ảnh tôi” [15, 30]. Sông chính là nơi nuôi nấng tuổi thơ của ông. Không chỉ vậy sông nước nơi đây còn đầy tình thương, thân thiết, gần gũi với cuộc sống con người ở các plây Chăm bởi lẽ nó “đầy loài cá, cua, ếch, rắn” nên là “nguồn cung cấp thức ăn chưa hề biết cạn cho dân làng” [15, 31], nhất là sông Lu. Những con sông quê hương phải gắn bó thì mới hiểu và yêu nó. Được hít thở, được tắm gội trên những con sông Chăm đã ngàn năm tuổi, trong tâm thức của Inrasara luôn có một dòng sông Chăm ngày đêm chảy, thao thức với sự lở bồi của văn hóa dân tộc. Ông từng tâm sự: có biết bao con sông, mương đầm khuất đi không còn lại dấu vết, nhưng tên của chúng, sức sống của chúng vẫn vang vang ở bề đáy tâm thức tôi. Điều đó cho thấy Sara nặng lòng, gắn bó và chung thủy với sông Chăm. Sông Chăm, đặc biệt là hình tượng sông Lu trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của Inrasara như một sự gắn bó định mệnh.
Có thể bạn quan tâm!
- Con Người Bình Dị, Đời Thường Với Bộn Bề Những Lo Toan Thường Nhật
- Cảm Hứng Về Ngôn Ngữ Và Văn Học Chăm
- Cảm Hứng Về Những Giá Trị Văn Hóa Truyền Thống Và Phong Tục Tập Quán
- Xây Dựng Nhân Vật Dựa Trên Tâm Thức Dân Tộc Và Cảm Quan Hậu Hiện Đại
- Cốt Truyện Cắt Dán, Hòa Trộn Tiến Tới Xóa Nhòa Ranh Giới Các Thể Loại
- Ngôn Ngữ Mang Tính Triết Lí, Chất Chính Luận, Chất Thơ; Kết Hợp Ngôn Ngữ Việt – Chăm
Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.
Trong cái khắc nghiệt, trong cái nhọc nhằn, vất vả, cơ cực của cuộc sống cũng có những lúc ta thấy lòng thật bình yên khi chứng kiến những đêm trăng ở các plây Chăm. Trăng làm dịu lòng người, trăng gợi hứng cho lòng yêu say văn chương của con người: “Những đêm trăng thơ mộng nơi thôn trang, nghe cha ngâm, tôi thuộc nằm lòng Ariya Glơng Anak ngay thời tôi mới năm, sáu tuổi, khi còn chưa cắp sách tới trường” [15, 77]. Khuynh hướng suy tư, trầm mặc, trĩu nặng bao dày vò, cả nỗi mộng mơ bay bổng chốc lát đều hiện hữu ở con người Chăm. Và hình như nó lây sang cả tâm tính của những người yêu văn hóa, yêu con người Chăm như Hà Vân khi nàng chứng kiến với cảnh thiên nhiên Chăm vào một đêm trăng: “Trăng mười hai sáng, chưa bao giờ nàng thấy sáng hơn thế, chiếu sáng cả một khoảng rừng thưa
rộng lớn. Và sao chi chít nền trời trong vắt. Gió bớt thổi” và nàng thắc mắc: “…ngồi nơi đây con người Chăm nghĩ gì khi đối diện với khoảng sáng bao la của bầu trời kia, nỗi trơ lì khô khốc gần như vô cảm của đồi kia hay cái hanh hao lởm chởm của vài mảnh rẫy đói mưa kia?” [14, 68, 69]. Thiên nhiên Chăm cũng như con người Chăm dẫu sao nhiều khi vẫn làm người ta khó hiểu về sự bí ẩn, và huyền ảo của nó. Nhưng ở một khía cạnh nào đó ta tìm được ở thiên nhiên nơi đây một sự sẻ chia, tâm tình, giống như một người bạn của con người Chăm.
Những địa danh, những khung cảnh thiên nhiên được miêu tả, khắc hoạ trong tiểu thuyết của Inrasara đã cho chúng ta hình dung về dải đất miền duyên hải Nam Trung Bộ (đặc biệt là làng Mỹ Nghiệp quê ông) - một mảnh hồn riêng trong chỉnh thể đất nước Việt Nam: vừa khắc nghiệt, khô cằn, còn lạc hậu với nắng, gió, cát nhưng vẫn tiềm ẩn những nét thơ mộng, bí ẩn, hấp dẫn với những tháp Chàm, những mùa lễ hội, những vùng rừng núi, con sông và cả những đêm trăng….Có thể nói những trang, những câu văn viết về thiên nhiên và cuộc sống của Inrasara khiến người đọc vừa ngỡ ngàng trìu mến, vừa cảm nhận được tấm lòng tha thiết của ông muốn truyền tải điệu hồn, điệu cảm của con người và cuộc sống, của thiên nhiên và đất trời quê hương ông tới người đọc.
*Tiểu kết: Có thể nói quê hương đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng và bồi đắp cho những mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của Inrasara nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Đó là cảm hứng về thân phận con người, về tâm hồn và tính cách con người Chăm. Trên những trang viết của ông, con người Chăm hiện lên với những gam màu, đường nét đa dạng, mạng đậm cốt cách dân tộc. Đó là những con người Chăm mang vẻ đẹp nguyên bản với cuộc đời và số phận dị biệt; con người Chăm đa nhân cách, đầy chất nghệ sĩ tính, tài năng, thông minh những cũng phi thực tế, ảo tưởng; con người
Chăm hữu trách và ưu tư với cộng đồng, văn hóa dân tộc; cả những con người bình dị với bộn bề lo toan của đời sống thường nhật, với bao nỗi cơ cực, buồn vui của cuộc đời.
Các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Chăm đã được tái hiện lại với thái độ vừa tự hào vừa pha chút dự cảm lo âu về sự suy tàn, mai một của nó. Qua đó làm sống dậy một nền văn hóa Chăm xa xưa, phong phú, giàu sang cũng rất hấp dẫn, bí ẩn, mong manh trong cuộc sống đương đại thay đổi khôn lường.
Thiên nhiên miền duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở các plây Chăm cũng là một mảng màu ấn tượng trong cảm hứng của Inrasara: vừa khắc nghiệt, khô cằn, phôi pha nhưng cũng gần gũi, gắn bó và sẻ chia với cuộc sống con người Chăm. Qua cảm hứng về thiên nhiên, tiểu thuyết của Inrasara đã gián tiếp thể hiện được cuộc sống của con người nơi đây: thầm lặng, kham nhẫn, ngột ngạt, khó khăn, lạc hậu nhưng cũng yên bình như bức tranh về một xứ sở mà gam màu chủ đạo của cuộc sống là cái tĩnh tại chứ không phải cái xô bồ.
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA INRASARA
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nhân vật văn học chính là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nó là “một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong cuộc sống” [10, 235]. Như vậy, nhân vật văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan về con người qua sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Đồng thời nó là phương tiện để nhà văn thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá, và tư tưởng, tình cảm của mình với cuộc sống và con người. Nhân vật trong tác phẩm văn học được xây dựng bằng nhiều thủ pháp. Ở tiểu thuyết của Inrasara, nhân vật chủ yếu được xây dựng bằng các thủ pháp nghệ thuật sau:
3.1.1. Miêu tả ngoại hình
Khắc họa ngoại hình nhân vật là một thủ pháp quen thuộc trong sáng tạo của các nhà văn. Các cây bút tiểu thuyết dân tộc thiểu số cũng vận dụng thủ pháp này và có được những thành công nhất định như Vi Hồng, Triều Ân, Cao Duy Sơn. Đến lượt mình, Inrasara cũng chú ý sử dụng thủ pháp này nhưng mang một màu sắc khác với các cây bút tiểu thuyết dân tộc thiểu số ở miền Bắc. “Nhân vật trong tiểu thuyết của Vi Hồng có sự phân tuyến thiện – ác rò ràng thì ngoại hình của các nhân vật cũng có sự khu biệt tương ứng” [38, 97]; các nhân vật của Cao Duy Sơn được khắc họa bằng phép so sánh liên tưởng; còn Inrasara có sự kế thừa và kết hợp một cách sáng tạo, đem lại một sự mới mẻ trong thủ pháp miêu tả ngoại hình nhân vật của mình.
Nhân vật của ông bị xóa nhòa ranh giới thiện – ác. Ông sử dụng đậm đặc kĩ thuật miêu tả trực tiếp ngoại hình nhân vật. Nhưng ngoại hình các nhân vật được đặc tả, ngắn gọn và dứt khoát, có sự so sánh nhưng không hàm chứa ý hướng dự báo trước số phận nhân vật như trong sáng tác của các cây bút tiểu thuyết dân tộc thiểu số khác, đặc biệt ở miền Bắc. Đó là khuôn mặt “cháy mùi than” của Saman vì lên rẫy nhiều , khuôn mặt “ủ mầm ẩm mốc” của Văn Khâm vì suốt ngày ru rú với bàn giấy hay khuôn mặt “chảy màu bơ mật” của Chăm kiều Đàng John Thak.
Inrasara thường sử dụng những tính từ mạnh, ngắn gọn, rò ràng tạo ấn tượng về sự quan sát nhân vật một cách trực tiếp và nhạy bén nhận ra những nét nổi bật trên ngoại diện của họ. Đó là khi ông miêu tả sự thay đổi của Chế Khan sau nhiều năm bỏ đi phiêu diêu vô định với thứ niềm tin và mớ triết lí gần như bệnh hoạn của hắn : “mái tóc muối lấn tiêu, khuôn mặt hốc hác đẩy cặp mắt lồi ra, nước da tái nhợt như chưa ra nắng đến cả năm” [14, 88]. Hay ngoại hình của Hứa Ngọc Cát: “Cát người cao, da đen và …xấu trai” [15, 48], J.M “người to, thấp đậm và cực khỏe” [16, 219], Lưu Quang Sang “đẹp trai và hào hoa” [15, 225]…Đôi khi ông cũng sử dụng những câu văn dài, và cách thức miêu tả tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết để làm đậm nét ngoại hình nhân vật. Đó là hình ảnh người mẹ: “Bóng mẹ cao, gầy, dáng đi thẳng bước thoăn thoắt theo lối hai bờ xương rồng trưa” [15, 21] hay người cha: “Cha khá đẹp, nhưng không sáng bằng ông ngoại, do vết khắc khổ sớm hằn lên mặt. Sau này, gần sáu mươi cha để ria, rồi vài năm sau nuôi cả râu, dày và đẹp. Từ đó khuôn mặt cha thoáng và thanh thản hơn.” [15, 23].
Bên cạnh đó Inrasara cũng sử dụng phép liên tưởng, so sánh để miêu tả ngoại hình nhân vật. Chẳng hạn vẻ đẹp tự nhiên pha chút hoang dại của Hathaw được ông ví như “đóa hoa giữa rừng plây” [14, 13]. Hay vẻ đẹp huyền ảo của nàng Mưhuê được ví như một thứ ánh sáng có sức hấp dẫn và
82
lôi cuốn mãnh liệt: “Đôi môi, ánh mắt, khuôn mặt và cả người nàng tràn trào ánh sáng” [14, 34]. Những hình ảnh liên tưởng khắc họa ngoại hình nhân vật của Inrasara không cầu kì, ước lệ, tượng trưng mà gần gũi, cụ thể, đặc biệt có tính chất gợi hình để người đọc dễ hình dung và không bị nhàm chán so với truyền thống. Chẳng hạn để khắc họa vẻ yếu ớt của Bien Duk, Inrasara miêu tả “ốm yếu đến gió có thể thổi bay được” [14, 13] hay nét đa dạng trên khuôn mặt của Thuman được liên tưởng một cách rất cụ thể mà không kém thú vị: “Hắn cao đúng tám thước. Bắp chân nông dân, bộ ngực lực sĩ thể hình, khuôn mặt triết gia lúc cười lập tức hóa mặt trẻ con non choẹt” [14, 15].
Cũng như Cao Duy Sơn, Inrasara chú ý vào những điểm nhấn ở ngoại hình của nhân vật để gợi lên được phần nào tính cách của họ. Đó là nàng Mưhuê. Điểm nổi bật nhất và ám ảnh nhất trên ngoại diện của nàng là đôi mắt: “Đôi mắt sáng, gày, buồn và cực đẹp”, ngay cả khi nàng bệnh và như đang chết dần đi thì đôi mắt ấy vẫn cứ “sống, rất sống” [14, 29]. Hay là Hà Vân- một cô gái Nha Trang say mê với ngôn ngữ Chăm. Tác giả không tả tổng thể ngoại hình nàng mà đi sâu vào một vài chi tiết sống dộng trên khuôn mặt nàng. Với “đôi mắt tròn đen buồn buồn nhưng tinh nghịch”, và “mái tóc ngắn, dày”, Hà Vân như “một con chim nhỏ” [14, 194], sinh ra để “xoa dịu, nâng đỡ đồng thời đánh thức” và “có tác động giữ thăng bằng cá thể J’Man lẫn (một phần) xã hội Chăm hôm nay” [14, 202]. Vẻ đẹp trai, nam tính và tính cách của Phú Văn Lưu- một “chiến binh đúng nghĩa”- được thể hiện ở “bộ ria rậm với cái nhìn sắc, dữ dội” [15, 60]. Hay cái “phong thái có khả năng dọa nạt đối phương buộc họ cụp đuôi hay ít ra phải lộ khiêm tốn cần thiết” của giáo sư Trần Hùng bị giảm đi nhiều bởi “bước đi chữ bát” của ngài [14, 38]… Có thể thấy Inrasara, đã rất linh hoạt trong cách thức miêu tả ngoại hình
nhân vật. Trên cơ sở kế thừa các thủ pháp miêu tả, Inrasara đã có những sáng tạo trong bút pháp của mình, tạo được sự mới mẻ trong cách xây dựng nhân