VII.3.3 Phát triển đô thị bền vững 176
VII.4. XÃ HỘI PHÁT TRIỂN VÀ SỨC ÉP MÔI TRƯỜNG 176
VII.5. CHÍNH PHỦ VÀ MÔI TRƯỜNG 178
VII.6. GIÁO DỤC VÀ MÔI TRƯỜNG 178
VII.7. GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC VỀ MÔI TRƯỜNG 179
VII.7.1 Khái niệm sản xuất sạch hơn (SXSH) 179
VII.7.2 Lợi ích của sản xuất sạch hơn 180
VII.7.3 Các giải pháp về sản xuất sạch hơn 180
VII.7.4 Sản xuất sạch hơn trong chính sách bảo vệ môi trường của Việt Nam 181
VII.7.4.1 Lộ trình SXSH ở Việt Nam 181
Có thể bạn quan tâm!
- CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG Biên soạn Ts. Bùi Thị Nga 2008 - 1
- 3.2 Thay Đổi Tư Duy Về Môi Trường Và Xã Hội Phát Triển Bền Vững
- 5. Tính Ổn Định Của Hệ Sinh Thái (Ecosystem Stability)
- 9.2 Những Yếu Tố Sinh Học Và Những Mối Quan Hệ Sinh Học
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
VII.7.4.2 Mục tiêu đến 2010 182
VII.7.4.3 Mục tiêu đến 2020 182
VII.7.4.4 Một số khó khăn trong việc áp dụng SXSH 182
VII.7.5 Công cụ hổ trợ cho sản xuất sạch hơn 183
VII.8. THẢO LUẬN CUỐI CHƯƠNG 184
TÀI LIỆU THAM KHẢO 185
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BVMT Bảo vệ môi trường.
KHMT Khoa học môi trường
ONMT Ô nhiễm môi trường
ONN Ô nhiễm nước
ONNN Ô nhiễm nguồn nước
KTXH Kinh tế xã hội
ISO Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế
SXSH Sản xuất sạch hơn
MT Môi trường
QLMT Quản lý môi trường
TB Trung bình
TCVN Tiêu chuẩn Việt Nam
TPCT Thành phố Cần Thơ.
TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh.
TCCP Tiêu chuẩn cho phép
TNTN Tài nguyên thiên nhiên
TW Trung ương
VN Việt Nam.
UBND Ủy ban nhân dân.
LVS Lưu vực sông
UNEP Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc
TSDN Tái sử dụng nước
QLMTN Quản Lý môi trường nước
MTNM Môi trường nước mặt
TNMTĐ Tài nguyên môi trường đất
MTĐ Môi trường đất
CTR Chất thải rắn
ONMTN Ô nhiễm môi trường nước
SXNN Sản xuất nông nghiệp
CTNH Chất thải nguy hại
QLCTNH Quản lý chất thải nguy hại
MTST Môi trường sinh thái
CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU CƠ BẢN VỀ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG
I.1. TỔNG QUAN VỀ MÔI TRƯỜNG
I.1.1 Khái niệm về môi trường
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất quan hệ mật thiết với nhau, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên (theo điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường). Môi trường sống của con người được chia thành:
- Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cây, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú.
- Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước định... ở các cấp khác nhau như: Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,... Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.
- Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống, như ôtô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo...
Chức năng cơ bản của môi trường:
- Môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật.
- Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người.
- Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình.
- Môi trường là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất.
- Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.
I.1.2 Các yếu tố môi trường và yếu tố sinh thái
Các yếu tố môi trường bao gồm: (1) yếu tố vô sinh như nhiệt độ, lượng mưa, nước, muối dinh dưỡng; (2) các yếu tố hữu sinh như: vật ký sinh, vật ăn thịt, con mồi, mầm bệnh và con người. Khi các yếu tố môi trường tác động lên đời sống sinh vật mà sinh vật phản ứng thích nghi thì chúng được gọi là các yếu tố sinh thái. Có các yếu tố sinh thái sau:
- Yếu tố không phụ thuộc mật độ là yếu tố khi tác động lên sinh vật, ảnh hưởng của nó không phụ thuộc vào mật độ của quần thể bị tác động. Các yếu tố vô sinh thường là những yếu tố không phụ thuộc mật độ.
- Yếu tố phụ thuộc mật độ là yếu tố khi tác động lên sinh vật, ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào mật độ của quần thể chịu tác động, chẳng hạn dịch bệnh đối với nơi thưa dân ảnh hưởng kém hơn so với nơi đông dân. Các yếu tố hữu sinh thường là những yếu tố phụ thuộc mật độ.
I.1.3. Hệ sinh thái
Hệ sinh thái là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó. Hệ sinh thái là đơn vị cơ bản để nghiên cứu về môi trường. Trong hệ sinh thái tồn tại hai thành phần chính: vô sinh và hữu sinh. Chức năng chính của hệ sinh thái là: (1) vận chuyển năng lượng, năng lượng ánh sáng được hấp thụ bởi cây xanh và chuyển đổi thành năng lượng hoá học bởi sự quang hợp, thực vật sử dụng năng lượng này để phát triển và tồn tại, thực vật được sử dụng bởi các động vật ăn cỏ và theo chuỗi thực phẩm động vật này được tiêu thụ bởi các loài ăn thịt; (2) chức năng thứ hai cũng khá quan trọng của hệ sinh thái là chu trình vật chất trong vũ trụ (đất, nước, không khí và sinh vật). Các chu trình này khá phức tạp và chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Chính nhờ các chức năng này mà sự sống trên trái đất được duy trì. Trong hệ sinh thái liên tục xảy ra quá trình tổng hợp và phân huỷ vật chất hữu cơ và năng lượng. Năng lượng mặt trời được sinh vật sản xuất tiếp nhận sẽ di chuyển tới sinh vật tiêu thụ các bậc cao hơn. Trong quá trình đó, năng lượng bị phát tán và thu nhỏ về kích thước. Trái lại, các nguyên tố hoá học tham gia vào quá trình tổng hợp chất hữu cơ sau một chu trình tuần hoàn sẽ trở lại trạng thái ban đầu trong môi trường.
Cân bằng sinh thái được tạo ra bởi chính bản thân hệ và chỉ tồn tại được khi các điều kiện tồn tại và phát triển của từng thành phần trong hệ được đảm bảo và tương đối ổn định. Con người cần phải hiểu rõ các hệ sinh thái và cân nhắc kỹ trước khi tác động lên một thành phần nào đó của hệ, để không gây suy thoái, mất cân bằng cho hệ sinh thái. Tác động của con người đối với hệ sinh thái rất lớn, có thể phân ra các loại tác động chính sau đây:
- Tác động vào cơ chế tự ổn định, tự cân bằng của hệ sinh thái.
- Tác động vào các chu trình sinh địa hoá tự nhiên.
- Tác động vào các điều kiện môi trường của hệ sinh thái: khí hậu, thuỷ điện v.v...
- Tác động vào cân bằng sinh thái.
I.1.4 Các vấn đề môi trường
I.1.4.1 Khủng hoảng môi trường
Khủng hoảng môi trường là các suy thoái về chất lượng môi trường sống trên quy mô
toàn cầu, đe dọa cuộc sống của loài người trên trái đất. Những biểu hiện của khủng hoảng môi trường:
- Ô nhiễm không khí (bụi, SO2, CO2 v.v...) vượt tiêu chuẩn cho phép tại các đô thị, khu công nghiệp.
- Hiệu ứng nhà kính đang gia tăng làm biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Tầng ozon bị phá huỷ.
- Sa mạc hoá đất đai do nhiều nguyên nhân như bạc màu, mặn hoá, phèn hoá, khô hạn. - Nguồn nước bị ô nhiễm.
- Ô nhiễm biển xảy ra với mức độ ngày càng tăng.
- Rừng đang suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng
- Số chủng loài động thực vật bị tiêu diệt đang gia tăng.
- Rác thải, chất thải đang gia tăng về số lượng và mức độ độc hại.
Hiện nay, thế giới đang đứng trước 5 cuộc khủng hoảng lớn là: dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Năm cuộc khủng hoảng này đều liên quan chặt chẽ với môi trường và làm cho chất lượng cuộc sống của con người có nguy cơ suy giảm. Nguyên nhân gây nên các cuộc khủng hoảng là do sự bùng nổ dân số và các yếu tố phát sinh từ sự gia tăng dân số. Do đó, xuất hiện một khái niệm mới là khủng hoảng môi trường.
I.1.4.2 Suy thoái môi trường
Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên (Bùi Thị Nga, 2004). Thực tế phát triển kinh tế xã hội là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con người qua việc sản xuất ra của cải vật chất, cải tiến quan hệ xã hội, phát triển là xu thế của loài người trong quá trình sống. Giữa môi trường và phát triển có mối quan hệ hết sức chặt chẽ: môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Trong xã hội, hàng hoá được di chuyển từ sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng cùng với dòng luân chuyển của nguyên liệu, năng lượng, sản phẩm, phế thải. Các thành phần đó luôn ở trạng thái tương tác với các thành phần tự nhiên và xã hội của hệ thống môi trường đang tồn tại trong địa bàn đó. Khu vực giao nhau giữa hai hệ thống trên là môi trường nhân tạo. Tác động của hoạt động phát triển đến môi trường thể hiện ở khía cạnh có lợi là cải tạo môi trường tự nhiên hoặc tạo ra kinh phí cần thiết cho sự cải tạo đó, nhưng có thể gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên hoặc nhân tạo. Mặt khác, môi trường tự nhiên đồng thời cũng tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội thông qua việc làm suy thoái nguồn tài nguyên đang là đối tượng của hoạt động phát triển hoặc gây ra thảm hoạ, thiên tai đối với các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực. Ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau có các xu hướng gây ô nhiễm môi trường khác nhau (Bộ Khoa Học & Công Nghệ Môi Trường, 1998), .
I.1.4.3 Gia tăng dân số
Sự gia tăng dân số thật sự bắt đầu vào nửa thế kỷ 19 vào đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp lúc này dân số thế giới khoảng 1 tỉ người. Chỉ trong khoảng 1 thế kỷ sau đó dân số thế giới tăng đến 5 tỉ người. Hiện nay dân số thế giới khoảng 8 tỉ người (Niên giám thống kê, 2007). Sự gia tăng dân số thế giới có thể do một vài nguyên nhân sau:
- Di dân từ nước này sang nước khác thường sự di dân là do họ muốn tìm kiếm nền giáo dục, y tế và thu nhập tốt hơn.
- Tỉ suất sinh cao hơn tỉ suất chết., thường ở các nước phát triển tỉ suất sinh và chết bằng nhau, do đó tỉ lệ tăng dân số chậm lại hoặc không xảy ra. Còn ở các nước đang phát triển, tỉ suất chết giảm từ thập niên 1950, do các nước này có đầu tư y tế và cải thiện phúc lợi cho trẻ em. Trong các châu lục hiện có Châu Á là đông dân nhất, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ có dân số cao nhất chiếm khoảng gần 40% dân số thế giới. Thường các quốc gia nghèo có truyền thống đông con do tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao và cha mẹ cần có con để phụ giúp việc nhà và chăm sóc họ khi tuổi già.
Sự tăng dân số và di dân tự do: những thách thức về nhân khẩu là rất nghiêm trọng đối với tất cả các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tăng dân số vẫn ở mức cao và di dân nội bộ từ các khu vực nghèo tài nguyên thiên nhiên và kinh tế kém phát triển vẫn đang tăng lên, không kiểm soát được. Trung bình trong 5 năm qua (2000 - 2005) tỷ lệ tăng trưởng dân số là 1,7%. Với mức tăng trưởng như vậy thì theo các dự báo đến năm 2020 số dân nước ta sẽ xấp xỉ 100 triệu người, tức là phải bảo đảm cuộc sống cho thêm gần 25 triệu người, tương ứng với một số dân nước ta trước năm 1945, trong khi tài nguyên đất, tài nguyên nước và các dạng tài nguyên khác có xu thế suy giảm, vấn đề nghèo đói ở các vùng sâu vùng xa chưa được giải quyết triệt để (hiện có 1750 xã ở diện đói nghèo). Tất cả những vấn đề trên là những thách thức nghiêm trọng, gây ra sức ép to lớn đối với nguồn tài nguyên và môi trường trên phạm vi toàn quốc.
I.2. TỔNG QUAN VỀ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG (KHMT)
I.2.1 Định nghĩa khoa học môi trường
Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất. Môi trường là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như sinh học, địa học, hoá học, v.v... Tuy nhiên, các ngành khoa học đó chỉ quan tâm đến một phần hoặc một thành phần của môi trường theo nghĩa hẹp mà không có một ngành khoa học nào đang có hiện nay đủ điều kiện nghiên cứu và giải quyết mọi nhiệm vụ của công tác bảo vệ môi trường là quản lý và bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường sống của con người và sinh vật trên trái đất. Như vậy, có thể xem khoa học môi trường là một ngành khoa học độc lập, được xây dựng trên cơ sở tích hợp các kiến thức của các ngành khoa học đã có cho một đối tượng chung là môi trường sống bao quanh con người với phương pháp và nội dung nghiên cứu cụ thể (Cunningham, 1995).
Mục tiêu của KHMT phải đảm bảo cho chất lượng cuộc sống, sự tồn tại của sinh vật và sự hữu dụng các nguồn tài nguyên. Muốn đạt được mục tiêu trên KHMT cần phải nghiên cứu về các lĩnh vực: rừng, nông nghiệp, qui họach sử dụng đất, công nghiệp chế biến, năng lượng, vệ sinh thực phẩm, khống chế dân số và quản lý các loài hoang dã… Do vậy để nghiên cứu được các lĩnh vực này cần phải có kiến thức và hiểu biết nhất định một số ngành khoa học: Hóa học, Toán học, Địa chất học, Vật lý học, Kỹ thuật, Địa lý, Kinh tế học, Khoa Học chính trị, Xã hội học, Tâm lý học, Sinh thái học, Di truyền học và Sinh lý học (Murdoch, 1989).
I.2.2 Vai trò của khoa học môi trường
Khoa học môi trường là ngành khoa học đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về môi trường, nhằm áp dụng các kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau để quản lý và bảo vệ môi trường được tốt hơn. Nội dung nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa con người và môi trường sống của con người. Thực tế cho thấy các nghiên cứu môi trường rất đa dạng được phân chia làm 4 loại nghiên cứu chủ yếu:
- Nghiên cứu đặc điểm của các thành phần môi trường (tự nhiên hoặc nhân tạo) có ảnh hưởng hoặc chịu ảnh hưởng con người, nước, không khí, đất, sinh vật, hệ sinh thái, khu công nghiệp, đô thị, nông thôn v.v... Ở đây, khoa học môi trường tập trung nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống.
- Nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm bảo vệ chất lượng môi trường sống của con người.
- Nghiên cứu tổng hợp các biện pháp quản lý về khoa học kinh tế, luật pháp, xã hội nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trái đất, quốc gia, vùng lãnh thổ, ngành công nghiệp.
- Nghiên cứu về phương pháp như mô hình hoá, phân tích hoá học, vật lý, sinh vật phục vụ cho ba nội dung trên.
(Nguồn:
I.3. GIỚI THIỆU VỀ NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
I.3.1 Xây dựng xã hội phát triển bền vững
Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định "phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống (Heijman, 1996).
Thật vậy phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Phát triển bền vững là sự phát triển hài hòa cả về 3 mặt: Kinh tế - Xã hội - Môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai.
I.3.1.1.Mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế
- Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trên cơ sở nâng cao không ngừng
tính hiệu quả, chất lượng khoa học-công nghệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường.
- Thay đổi mô hình và công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng theo hướng sạch hơn và thân thiện với môi trường. Thực hiện quá trình "công nghiệp sạch".
- Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, phát triển bền vững vùng và xây dựng các cộng đồng địa phương phát triển bền vững.
I.3.1.2. Mục tiêu phát triển bền vững về xã hội
- Tập trung nỗ lực để xoá đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm.
- Tiếp tục hạ thấp tỷ lệ gia tăng dân số, giảm bớt sức ép của sự gia tăng dân số và
tình trạng thiếu việc làm. Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cải thiện các điều kiện lao động và vệ sinh môi trường sống.
- Định hướng quá trình đô thị hoá và di dân nhằm phân bố hợp lý dân cư và lực lượng lao động theo vùng, bảo vệ môi trường bền vững ở các địa phương, trước hết là các đô thị.
- Nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.
I.3.1.3. Mục tiêu Phát triển bền vững trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường
- Sử dụng hợp lý, bền vững và chống thoái hoá tài nguyên đất.
- Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên khoáng sản.
- Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước.
- Bảo vệ và phát triển rừng.
- Giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp.
- Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
- Giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hạn chế những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu, góp phần phòng, chống thiên tai.
I.3.1.4. Các nội dung thực hiện xã hôi phát tiển bền vững đến năm 2020
- Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
- Xây dựng chương trình phát triển công nghiệp và thương mại bền vững.
- Xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
- Xây dựng chương trình phát triển đô thị bền vững
- Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực và xã hội bền vững.
- Xây dựng chương trình hành động thực hiện các mục tiêu về môi trường.
- Xây dựng chương trình hành động phát triển bền vững ở các địa phương: