Hệ Thống Cơ Quan Hoạch Định Và Thực Hiện Chính Sách Bảo Hiểm Xã Hội Tự Nguyện

Những đặc điểm về việc làm và thu nhập này ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng tham gia BHXH tự nguyện của NLĐ phi chính thức vì yếu tố tài chính, nhận thức và hiểu biết là yếu tố quan trọng đảm bảo khả năng tham gia BHXH tự nguyện cho NLĐ.

3.2. Hệ thống cơ quan hoạch định và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

3.2.1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

Ở trung ương, Chính phủ thống nhất QLNN về BHXH, trong đó có hoạt động ban hành và thực thi chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, các bộ và các UBND chịu trách nhiệm phối hợp để thực thi chính sách BHXH tự nguyện.

Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ: Xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật về BHXH; Xây dựng và trình Chính phủ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH; Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động; Thực hiện công tác thống kê, thông tin về BHXH; Tổ chức tập huấn, đào tạo về BHXH; Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về BHXH; hằng năm, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.

Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện chính sách BHXH tự nguyện theo quy định. Cụ thể, Bộ Tài chính: Xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế quản lý tài chính về BHXH tự nguyện; chi phí quản lý BHXH tự nguyện; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện quản lý tài chính về BHXH tự nguyện; Hằng năm, gửi báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng các quỹ BHXH cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp và báo cáo Chính phủ.

Ở địa phương, UBND các cấp thực hiện chính sách BHXH tự nguyện

trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH tự nguyện; Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện.

Để củng cố mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày 29/11/2018, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 2445/QĐ- BHXH thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH. Phối hợp với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và hướng dẫn công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, định hướng sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân trong thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.

Trên cơ sở đó, các tỉnh cũng thành lập các Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH. Ban Chỉ đạo ở các tỉnh do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, giám đốc BHXH tỉnh làm phó ban thường trực, thành viên là đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và thực hiện các nhiệm vụ được quy định. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực thi chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Ngoài ra, hằng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo về việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gửi Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3.2.2. Cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam - 13

BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH; quản lý và sử dụng quỹ BHXH;

thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật và chịu sự QLNN của Bộ LĐ-TB&XH về BHXH. BHXH Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chính sách BHXH tự nguyện về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ.

BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm có: Ở trung ương là BHXH Việt Nam; Ở cấp tỉnh là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc BHXH Việt Nam; Ở cấp huyện là BHXH huyện trực thuộc BHXH tỉnh; không có cơ quan BHXH cấp xã.

Hình 1. Sơ đồ hệ thống cơ quan hoạch định và thực thi

chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam

CHÍNH PHỦ

Bộ LĐ-TB & XH

BHXH VIỆT NAM

UBND CẤP TỈNH

BHXH TỈNH

UBND CẤP HUYỆN

BHXH HUYỆN


Mối quan hệ QLNN


Mối quan hệ phối hợp Mối quan hệ trực thuộc

3.3. Phân tích thực trạng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam

3.3.1. Thực trạng chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

3.3.1.1. Nội dung chính sách

Một là, tuyên truyền, truyền thông chính sách BHXH tự nguyện.

Tuyên truyền, truyền thông chính sách BHXH tự nguyện là một nội dung quan trọng của chính sách phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuyên truyền chính sách giúp cho đối tượng nhận thức được chính sách; thuyết phục mọi người làm theo các quy định; nội dung của chính sách tuyên truyền cần phải tập trung vào: mục tiêu của chính sách, các giải pháp, công cụ chính sách, thể chế chính sách và đối tượng chính sách. Về phương pháp tuyên truyền, phải lựa chọn các phương pháp, hình thức phổ biến, tuyên truyền chính xác và hợp lý, phù hợp với đặc điểm của đối tượng chính sách, với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương. Phương pháp phải mang lại hiệu quả cao, hình thức phải đa dạng, phong phú, tránh phô trương, hình thức, lãng phí thời gian, công sức và kinh phí không cần thiết.

Về tổ chức bộ máy làm công tác tuyên truyền, hiện nay BHXH Việt Nam có Ban Tuyên truyền, Ban này có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và hình thức tuyên truyền. Ở BHXH tỉnh chưa có Phòng Tuyên truyền, chỉ có một cán bộ biên chế về tuyên truyền thuộc Phòng Tổ chức - Hành chính. Ở BHXH huyện có cán bộ làm công tác kiêm nhiệm về tuyên truyền.

Hằng năm, BHXH Việt Nam đều có chương trình tuyên truyền, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức tuyên truyền và được cụ thể hóa từng quý về nội dung công việc, hình thức tổ chức, đơn vị thực hiện. BHXH Việt Nam đã ký thoả thuận với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện hoạt động tuyên truyền về BHXH tự nguyện, bao gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Dạy nghề và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung

ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Cục văn hoá cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật BHXH. Ngoài ra BHXH Việt Nam còn hợp tác vơi 4 cơ quan truyền thông: Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam để triển khai hoạt động, nội dung tuyên truyền trọng tâm là: Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; tuyên truyền làm cho người dân hiểu được sự cần thiết, thiết thực, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo ASXH của đất nước; giải đáp chế độ, chính sách BHXH tự nguyện đối với bạn đọc, bạn nghe đài và bạn xem truyền hình.

Nhằm thống nhất từ trung ương tới cơ sở về lựa chọn đối tượng, nội dung, hình thức tuyên truyền, các đơn vị đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên. Các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các lớp tập huấn dưới các hình thức độc lập ở cơ sở hoặc lớp lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH trải dài ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng với các đơn vị tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm, tư vấn tại cơ sở, cụ thể: Bộ LĐ-TB&XH; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tuyên truyền về chính sách BHXH đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh; đối thoại chính sách BHXH với nông dân được thực hiện ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang; đối thoại tuyên truyền chính sách BHXH cho công nhân các khu công nghiệp tại Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội; tổ chức lớp tập huấn tại Trường Trung học phổ thông ở Bắc Giang; tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp tại các HTX, doanh nghiệp thành viên tại Vĩnh Phúc, Nghệ An và thành phố Cần Thơ; tổ chức tập huấn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tại tỉnh Lai Châu về chính sách BHXH tự nguyện. Phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Tọa đàm đối thoại với chủ đề “Tuổi già an nhiên với BHXH tự

nguyện”. Nội dung tuyên truyền được thống nhất ở các tờ gấp BHXH tự nguyện, sổ tay BHXH. Trên cơ sở nội dung tuyên truyền do BHXH Việt Nam cung cấp các cơ quan tự tổ chức in và phát hành các ấn phẩm trên.

Các đơn vị phối hợp đều sử dụng báo viết, báo điện tử và website của ngành để tuyên truyền về BHXH với các hình thức chuyên đề, chuyên trang, mở các mục giải đáp với bạn đọc vào các vị trí cố định của nhật báo, tuần báo với nội dung chính là chính sách BHXH. Đã có hơn 13.000 tin bài trên chuyên đề, chuyên trang, fanpage tuyên truyền về BHXH. Phạm vi tuyên truyền đến với mọi đối tượng trong xã hội nhất là nhóm đối tượng: Nông dân, NLĐ trong các làng nghề, HTX, người thuộc hộ cận nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp.

Nội dung tuyên truyền theo nhóm đối tượng, địa bàn tuyên truyền chủ yếu tại cơ sở đã mang lại hiệu quả cao. Mặc dù các cơ quan trung ương là đơn vị chủ trì thực hiện nhưng vẫn lấy cơ sở là địa điểm để tuyên truyền, đồng thời phối hợp với BHXH tỉnh, huyện nên đạt được kết quả tốt. Người dân có cơ hội hiểu sâu thêm về lợi ích, quyền và trách nhiệm khi tham gia vào BHXH tự nguyện; những vướng mắc được nêu ra mang tính thực tiễn cao, nhiều nội dung đã được tập hợp để phản ánh nhằm sớm sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tế.

Các hình thức tuyên truyền BHXH tự nguyện được áp dụng phổ biến gồm: treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phướn, tranh cổ động với nội dung chuyển tải các thông điệp tuyên truyền chính sách BHXH, BHXH tự nguyện tại trụ sở cơ quan BHXH, cơ quan Bưu điện và tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện trên báo, tạp chí, cổng hông tin điện tử, Fanpage của BHXH Việt Nam; Cổng/Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh, thành phố; các cơ quan truyền thông cơ quan Bưu điện các cấp; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, trên mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống truyền thanh cơ sở trên 63 tỉnh, thành phố.

Một hình thức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mới cũng đã dần được áp dụng phổ biến là các cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện các buổi livestream tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Bối cảnh đầu năm 2020 dịch Covid -19 xảy ra trên toàn quốc dẫn đến cả nước phải thực hiện cách ly và

giãn cách xã hội. Nhận thức tình hình dịch bệnh có thể có những diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều cơ quan BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đã linh hoạt phối hợp triển khai các chương trình livestream tuyên truyền về BHXH, BHYT trên mạng xã hội Facebook đến đông đảo khách hàng, người dân trên cả nước. Với tính chất là một mạng xã hội có đông người dùng nhất hiện nay tại Việt Nam, tính tương tác trực tuyến cao, việc sử dụng mạng xã hội Facebook vào truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Theo thống kê từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến tháng 5 năm 2020, các đơn vị trong toàn hệ thống đã phối hợp thực hiện 50 chương trình livestream về BHXH tự nguyện. Các chương trình đa số được tổ chức vào khung giờ được đánh giá là khung giờ “vàng” theo thang điểm của các chương trình truyền hình (từ 08 giờ tối các ngày trong tuần), thu hút tổng cộng gần 700.000 lượt người xem và 100.000 lượt tương tác trực tuyến, trung bình có gần 13.000 lượt người xem và trên 1.800 lượt tương tác/1 chương trình. Do chương trình được lưu lại trên Fanpage của Bưu điện và BHXH các tỉnh nên sau khi kết thúc, vẫn tiếp tục thu hút người xem với tổng số trên 100.000 người. Ngay tại các buổi livestream, đã có hơn 1.300 khách hàng đăng ký tham gia, trung bình mỗi chương trình có hơn 23 người tham gia. Một số địa phương phát triển tốt đối tượng tham gia BHXH qua việc tổ chức livestream như: TP. Hồ Chí Minh phát triển được 415 người, Hà Tĩnh: 334 người, Hà Nội 333 người, Yên Bái: 300 người…

Đặc biệt, tháng 5 năm 2020 được BHXH Việt Nam chọn là “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”. Để quảng bá hoạt động này, ngày 23/5/2020, BHXH Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng, thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc. Lễ ra quân được thực hiện livestream trên trang Facebook của BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền lưu động với 708 đoàn diễu hành lưu động, tư vấn và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên phạm toàn quốc, bằng phương tiện ô tô, xe máy có gắn các thông điệp truyền thông BHXH (với quy mô 01 đoàn diễu hành lưu động/01 quận, huyện, thị xã,…), đảm bảo quy

định phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, đảm bảo an toàn giao thông. Các đoàn tuyên truyền lưu động này đến tận các khu dân cư, chợ dân sinh, nơi tập trung nhiều lao động tự do để tuyên truyền và thậm chí thực hiện luôn thủ tục in sổ, in đơn đăng ký tham gia cho người lao động. Với phương châm, mỗi viên chức BHXH phải là một tuyên truyền viên tích cực và tính vào điểm thi đua, các viên chức của BHXH Việt Nam đã phát huy tính tích cực để nhiệt tình tham gia vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Một hình thức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện hiệu quả khác là tổ chức hội nghị, hội thảo về BHXH tự nguyện. Từ tháng 8-2018, Bưu điện Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp triển khai phương án phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện qua hình thức tổ chức hội nghị. Thời gian đầu, triển khai thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố và đến tháng 12/2018 thì triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước.

Hai là, cải cách thủ tục hành chính BHXH tự nguyện.

Để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thì các điều kiện hậu cần phục vụ NLĐ tham gia phải đảm bảo yêu cầu thuận tiện và linh hoạt nhất, đáp ứng yêu cầu của người tham gia. Nếu các điều kiện hậu cần thuận lợi và linh hoạt sẽ tạo ra tâm lý thoải mái khiến NLĐ muốn tham gia BHXH tự nguyện. Ngược lại, dù nội dung chính sách có hấp dẫn nhưng điều kiện và thủ tục tham gia khó khăn, không thuận tiện, phải đi lại nhiều lần thì NLĐ vẫn không muốn tham gia BHXH tự nguyện. Từ thực tế này, ngành BHXH luôn đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia; do đó luôn thực hiện rà soát, tinh giản, rút gọn các thủ tục hành chính trong các giao dịch giữa người tham gia với cơ quan BHXH. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ luôn được quan tâm, đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia. Trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin- truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, BHXH Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công [46,47,48].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/05/2024