Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 9

thực về hàng hoá, dịch vụ mà họ sử dụng. Do đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quy định về vấn đề này.

* Thực tiễn hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là hành vi của doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp làm cản trở hoặc gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Khác với hành vi ép buộc trong kinh doanh hoặc gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác không có quy định về hình thức của hành vi, mà chỉ căn cứ vào hậu quả đã xảy ra trên thực tế để nhận diện hành vi. Đó là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bị hại đã bị gián đoạn hoặc bị cản trở bởi hành vi gây rối nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp vi phạm.

Trên thực tế, bán phá giá là một biểu hiện của hành vi hạn chế cạnh tranh, nhưng nếu hành vi bán phá giá là để gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác nhằm mục đích cạnh tranh thì có thể xem đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật cho phép các doanh nghiệp có thể bán hàng hoá dưới giá vốn trong một số trường hợp không bình thường, theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, bằng một số thủ thuật, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng việc bán hàng hoá, dịch vụ dưới giá vốn để gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh.

Vụ việc tranh chấp giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Thắng - đơn vị quản lý Taxi Thu Hương và hãng Taxi V20 của Tân Hoàng Minh là một ví dụ về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Vào năm 2001, mặc dù số lượng đầu xe chỉ chiếm khoảng 5% số xe taxi của Hà Nội, nhưng Taxi V20 đã chiếm khoảng 30-40% thị phần vận chuyển hành khách bằng taxi tại Hà Nội. Tuy nhiên, vào tháng 10/2001, trung tâm vô tuyến điện của V20 đã bị tê liệt do một dải tần chèn phá, không thể liên lạc được với lái xe, làm cho các giao dịch của V20 bị gián đoạn. Lực lượng cảnh sát điều tra vào cuộc và phát hiện Công ty Taxi Thu Hương đã sử dụng các thiết bị

phát sóng, khuếch đại gây nhiễu loạn hệ thống thông tin của Taxi V20. Hành vi gây rối đó đã làm cho Taxi V20 mất đi một lượng khách hàng đáng kể trong khoảng hơn 10 ngày bị gây rối, thiệt hại trên dưới 300 triệu đồng và tổn hại uy tín trước khách hàng. Vụ việc này xảy ra trước khi có Luật Cạnh tranh năm 2004. Khi xem xét vụ việc này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được phép xử phạt hành chính mức cao nhất đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Thắng, đồng thời áp dụng dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nếu Công ty Hoàn Thắng tái phạm.

Cuối năm 2008, thị trường hàng không đón nhận sự ra đời của 2 hãng tư nhân. Thế nhưng, hãng hàng không đầu tiên cất cánh đã nhanh chóng rơi vào tình cảnh nợ nần và có nguy cơ bị rút giấy phép, sau đúng một năm hoạt động. Ngoài lý do thiếu kinh nghiệm và sức ép cạnh tranh của thị trường, còn do các thủ thuật cạnh tranh hiểm ác của các doanh nghiệp khác. Đối thủ cạnh tranh xây dựng một "đội quân tác chiến" nằm tại sân bay và cài cắm vào nội bộ doanh nghiệp để thăm dò tình hình đối phương. Mọi sự cố hoạt động nhỏ nhất của doanh nghiệp này từ việc hoãn hủy chuyến bay, khách hàng phàn nàn, hay chuyện phòng vé bị mất điện, mất nước... đều được đối thủ cập nhật chi tiết và tung ra bên ngoài. Chủ một đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội đã tiết lộ với VnExpress.net, hiện có nhiều đại lý đang hoạt động kiểu "hai mang". Nghĩa là họ làm đại lý cấp I cho một hãng hàng không nọ nhưng kiêm luôn đại lý cấp II cho một hãng khác. Thông thường khi chính sách giá vé của hãng này ban hành và chuyển tới đại lý, những người này cũng làm nhiệm vụ chuyển tiếp tới hãng đối thủ để nghiên cứu. Khoảng 70% vé được bán ra là từ các đại lý, vì vậy, việc nâng hoa hồng cho các đại lý cũng là thủ thuật mà các doanh nghiệp sử dụng để gây sức ép với đối thủ theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé".

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tin, vào sáng ngày 11/3/2009, sau khi Công ty Mai Linh khai trương tuyến xe khách chất lượng cao Quảng Ngãi - Đà Nẵng, 26 chủ xe thuộc 05 hợp tác xã vận tải ở Quảng

Ngãi đã đồng loạt phản đối, không cho xe khách chất lượng cao Mai Linh tham gia đưa rước khách tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Sau đó, 26 chủ xe đó cùng ký tên vào đơn kiến nghị, cho rằng việc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty Mai Linh tham gia đưa rước khách tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng là bất hợp lý, dẫn tới việc "bóp chết" họ vì họ không thể cạnh tranh với xe Mai Linh.

Việc các nhà xe yêu cầu Mai Linh tạm ngừng hoạt động là hành vi ngăn cản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, đã vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những hành vi "thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh" và "thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận" [42. Điều 9] là những hành vi bị cấm. Ngoài ra, theo Luật Cạnh tranh thì hành vi trên còn có thể bị xem là cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bị xem là gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các nhà xe chỉ có quyền yêu cầu đình chỉ hoạt động của Mai Linh nếu họ thấy Công ty Mai Linh có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hoặc vi phạm pháp luật khác và phải làm đơn khiếu nại gửi đúng nơi, đúng chỗ chứ không thể dùng biện pháp gây áp lực như vậy.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Giữa năm 2009, rất nhiều khách hàng dùng di động quá bức xúc vì tin nhắn quảng cáo gửi từ các sim rác. Cũng vì thế, các hãng viễn thông quyết định mở đợt "truy quét" các thuê bao làm phiền khách hàng, đồng thời tuyên bố sẽ cắt liên lạc với đầu số cung cấp dịch vụ nội dung bị quá nhiều khách hàng phản ánh có trong tin nhắn rác. Theo đó, có ít nhất 2 nhà cung cấp nội dung bị một hãng viễn thông lớn cắt đầu số nhưng không phải do họ gửi các tin nhắn rác đó. Giám đốc doanh nghiệp bị cắt đầu số đã bức xúc khẳng định đó là trò chơi xấu của đối thủ cạnh tranh, bằng thủ đoạn mua sim rác và sau đó gửi một loạt tin nhắn tới các thuê bao di động. Trong nội dung tin nhắn có để đầu số do công ty này kinh doanh, với mục đích quấy nhiễu công ty đó.

Rõ ràng, các hành vi gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp trên thị trường nhưng vẫn chưa có biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn.

Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 9

* Thực tiễn hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Quảng cáo được xem là một biện pháp cạnh tranh mang tính linh hoạt, sáng tạo của doanh nghiệp và luôn có những yếu tố cường điệu nhằm lôi cuốn sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh cũng diễn ra phổ biến. Với những quảng cáo gian dối, có nội dung hoàn toàn sai sự thật thì việc kết luận và xử lý tương đối dễ dàng. Nhưng đối với những quảng cáo có nội dung không đầy đủ, không rõ ràng, việc đánh giá cần phải cẩn thận nhằm xác định xem một quảng cáo cụ thể, trong một điều kiện cụ thể có thực sự gây nhầm lẫn đối với nhận thức thông thường và ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng hay không.

Trong thời gian vừa qua, đã có quá nhiều quảng cáo có nội dung không đầy đủ, có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Điển hình là các quảng cáo giới thiệu tính năng tiết kiệm điện hay làm sạch không khí của điều hoà nhiệt độ với các con số ấn tượng như "tiết kiệm điện 60%" hay "diệt 99,9% vi khuẩn". Trong khi đó, căn cứ vào các tài liệu kỹ thuật mà doanh nghiệp cung cấp cho thấy, sản phẩm chỉ đạt mức tiết kiệm điện đến mức 60% trong điều kiện phòng thí nghiệm và chạy liên tục trong 14 giờ. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng hiếm khi sử dụng điều hoà với thời gian liên tục như vậy. Hoặc đối với tác dụng diệt khuẩn, các thí nghiệm chỉ được thực hiện trên một số loại vi khuẩn, virus mang tính hiện đại, chứ không phải thử nghiệm trên tất cả các loại vi khuẩn. Đối với một số loại sản phẩm tương tự, các nước trong khu vực khi quảng cáo và đưa ra các thông số như trên, đều phải có chú thích cho người tiêu dùng hiểu rõ về điều kiện thử nghiệm. Có thể, doanh nghiệp không cố ý làm khách hàng và người tiêu dùng hiểu sai, nhưng rõ ràng nội dung quảng cáo vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực, người quảng cáo cần thiết phải có những điều chỉnh nhất định.

Trường hợp quảng cáo về sản phẩm Vegy của Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng gia dụng quốc tế ICP cũng là một trong những hành vi quảng cáo không trung thực. Với nội dung: "Vegy là dung dịch có thể loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật, đem lại bữa ăn an toàn cho mọi gia đình", người tiêu dùng đổ xô nhau đi mua nước rửa rau "an toàn" như là cứu cánh cho những bữa ăn không thể thiếu rau quả của người Việt. Sau khi tiến hành thí nghiệm, Cục Bảo vệ thực vật đã kết luận: Các loại dung dịch rửa rau quả không thể loại bỏ được hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, loại có chất lượng nhất cũng chỉ loại bỏ được từ 20 đến 60% dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật.

Nhiều hãng sữa vì cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận, cũng quảng cáo để "đánh bóng" các sản phẩm sữa của mình, vi phạm điều cấm trong quảng cáo, vi phạm nhãn mác, gây ngộ nhận cho nhiều bà mẹ. Ví dụ, không được quảng cáo sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhung tình trạng này vẫn diễn ra, nhiều hình ảnh trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn được in cùng một nhãn sữa với trẻ lớn. Quy định bắt buộc phải ghi trên sản phẩm dòng chữ "Sữa mẹ là tốt nhất" nhưng nhiều hãng sữa không in hoặc in dòng chữ rất nhỏ; các hàm lượng ghi trên nhãn không đúng với hàm lượng thật trong sữa.

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể biểu hiện dưới dạng so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Việc Công ty Kimdan - nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng quảng cáo trên 5 tờ báo lớn với nội dung như sau:

Đối với nệm lò xo, do tính chất không ưu việt của nguyên liệu sản xuất nên chất lượng nệm sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu độ đàn hồi của lò xo cao, lò xo dễ bị gãy, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đối với nệm nhựa tổng hợp poly-urethane (nệm mút xốp nhẹ) tính dẻo ưu việt nên không có độ đàn hồi, mau bị xẹp. Chính vì những lý do đó mà Kimdan hoàn toàn không sản xuất nệm lò xo

cũng như nệm nhựa poly-urethane. Tất cả các sản phẩm của Kimdan đều được làm từ 100% cao su thiên nhiên, có độ bền cao và không xẹp lún theo thời gian… [36].

Nội dung quảng cáo đó đã khiến các công ty sản xuất nệm lò xo và nệm mút (Vạn Thành và Ưu Việt) bất bình và khởi kiện Kimdan với lý do quảng cáo của Kimdan không có căn cứ, gây thiệt hại đến uy tín sản phẩm của họ. Hành vi quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp đã cố ý đưa vào đó những tuyên bố làm mất uy tín về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, cho rằng sản phẩm của mình có chất lượng tốt hơn, vượt xa sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác. Hành vi này gây cho người tiêu dùng sự so sánh về chất lượng hàng hoá cùng loại theo hướng có lợi cho doanh nghiệp có hành vi quảng cáo so sánh, tạo tâm lý và sự đánh giá không tốt của khách hàng đối với sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh. Vụ việc này đã được Toà án nhân dân tối cao ra phán quyết yêu cầu Công ty Kimdan xin lỗi Công ty Vạn Thành và Công ty Ưu Việt.

Gần đây nhất là vụ việc Công ty Thông tin di động MobiFone cho rằng Viettel đã quảng cáo so sánh về kết quả đo kiểm dịch vụ 3G tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đo kiểm chất lượng 3G tại Thành phố Hồ Chí Minh được công bố ngày 25/8/2010 với kết quả là Viettel dẫn đầu ở 16 điểm đo, MobiFone dẫn đầu ở 5 điểm đo và VinaPhone dẫn đầu ở 3 điểm đo. Sau đó, Viettel đã dùng kết quả này để làm nội dung PR, quảng cáo tạo ra lợi thế so sánh cho dịch vụ của mình. Phía Viettel khẳng định, trước khi "thông tin lại" kết quả đo kiểm, họ đã tham vấn ý kiến của bộ phận pháp lý và được trả lời là không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, MobiFone lại cho rằng, so sánh kết quả công bố trên tạp chí Chip Mobile số ra ngày 25/8/2010 với các mẫu quảng cáo của Viettel đăng trên một số báo thì thấy thông tin đã được Viettel "biên tập lại" và loại trừ một số lời giải thích về tính khách quan trong thông tin nguồn, từ đó nhằm PR so sánh tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Kết quả đo kiểm được đăng tải trên báo là thể loại báo chí, có tính chất thông tấn và xuất phát từ động cơ phục vụ đọc giả - người tiêu dùng, được điều chỉnh bởi Luật Báo chí. Nhưng việc Viettel "biên tập lại" thành bài PR cho doanh nghiệp của mình đã chuyển tính chất sang thông tin thương mại, với động cơ tạo lợi thế so sánh, sẽ bị điều chỉnh bởi Pháp lệnh Quảng cáo, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh.

Công ty cà phê Trung Nguyên với thương hiệu G7 nổi tiếng cũng bị quy vào một trong những doanh nghiệp có hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể là Công ty Trung Nguyên đã sử dụng nhãn hiệu ba chiều hình cốc đỏ của Nestle để so sánh trực tiếp sản phẩm G7 của họ với sản phẩm Nescafe của Nestle. Đó là hành vi bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Việc bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác là hành vi cố ý làm giống, tương tự một hoặc một vài yếu tố của sản phẩm quảng cáo khác của đối thủ cạnh tranh. Các yếu tố bị bắt chước thường là những yếu tố đặc trưng hoặc yếu tố nhận dạng của sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ được thể hiện trong sản phẩm quảng cáo, qua đó người tiêu dùng nhận biết được ngay sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, hành vi bắt chước đó sẽ dẫn đến hệ quả là làm cho người tiêu dùng không thể phân biệt được hoặc khó phân biệt được đến mức có thể gây nhầm lẫn với sản phẩm quảng cáo khác và dẫn đến nhầm lẫn sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.

Ngoài Luật Cạnh tranh điều chỉnh hoạt động quảng cáo không lành mạnh, còn có một số văn bản pháp luật khác như Luật Thương mại năm 2005, Pháp lệnh quảng cáo năm 2001, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng năm 1999… Các hoạt động quảng cáo khi thoả mãn các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm hại đến lợi ích của đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo nhưng không phải là hành vi cạnh tranh,

không vì mục đích cạnh tranh sẽ được điều chỉnh bởi các quy định trong các văn bản cụ thể quy định về hành vi đó.

Theo Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005, những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn nói trên sẽ bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải chịu biện pháp xử phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả, bao gồm cải chính công khai về nội dung thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ gây nhầm lẫn.

Hiện nay, hoạt động quảng cáo chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều Bộ khác nhau. Bên cạnh Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, còn có thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến quảng cáo dược phẩm, thực phẩm hay Bộ Nông nghiệp liên quan đến sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi… Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quản lý quảng cáo chưa chú trọng đúng mức đến tính chất thương mại của hoạt động quảng cáo hay ảnh hưởng của nó đến người tiêu dùng, mà chỉ chủ yếu nhìn nhận dưới góc độ bảo vệ thuần phong, mỹ tục. Trong khi đó, các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển lại rất coi trọng việc bảo vệ người tiêu dùng. Nếu phát hiện các trường hợp quảng cáo có nội dung nghi vấn, các cơ quan cạnh tranh cùng các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải thích rõ các căn cứ đưa ra nội dung quảng cáo; nếu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì phải điều chỉnh. Nếu người tiêu dùng mua hàng hoá, dịch vụ vì nhầm lẫn thì có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn lại khoản tiền mà họ đã mua hàng hoá, dịch vụ đó.

* Thực tiễn hoạt động khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Một trong những phương thức thu hút khách hàng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là hoạt động khuyến mại. Khuyến mại được xem là công cụ xúc tiến thương mại có hiệu quả nhất và được quy định cụ thể trong Luật Thương mại năm 2005, bao gồm những quy định thông tin về hình thức, địa điểm khuyến mại, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại, thời gian

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2023