Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam - 15

phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và; hai là, khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do có sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, nếu nhà làm luật phân tách hai trường hợp như vậy (khi sử dụng liên từ "hoặc" giữa hành vi phạm tội và người phạm tội) sẽ không phù hợp với thực tiễn áp dụng (mà chúng tôi đã phân tích các ví dụ ở chương thứ hai luận văn này). Hơn nữa, dấu hiệu về nhân thân của người phạm tội thường gắn liền với dấu hiệu hành vi phạm tội và ngược lại, hành vi phạm tội phần nào đã phản ánh chính xác về nhân thân của người phạm tội đó. Cho nên, về điều này để phù hợp với lý luận và thực tiễn áp dụng, chúng tôi cho rằng cần thay liên từ "hoặc" bằng từ "" vì như vậy khoản 1 Điều 25 sẽ hợp lý hơn [34, tr. 3].

Thứ tư, về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 69), Bộ luật hình sự năm 1999 quy định "Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn..." theo chúng tôi dễ gây hiểu lầm là mâu thuẫn với quy định "Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù" (khoản 3 Điều 8). Do đó, nội dung này nên sửa thành "...tội phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn..." mới chính xác phù hợp với thực tiễn vì không thể có tội phạm nghiêm trọng lại gây hại không lớn, có chăng là tội phạm nghiêm trọng nhưng gây hậu quả (thiệt hại) ít nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại không lớn mà thôi. Mặt khác, về trường hợp này luật cũng cần quy định tùy từng trường hợp mà có thể là gia đình giáo dục hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng chịu trách nhiệm giám sát và giáo dục người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ năm, trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành, nhà làm luật Việt Nam mới chỉ quy định riêng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối

với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 69) là giao người phạm tội cho gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, công tác giám sát, giáo dục, nhưng chưa quy định đối với các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khác. Bởi lẽ, miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam là một chế định nhân đạo, một biện pháp pháp lý cần sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, của các cơ quan, tổ chức và nhất là gia đình người được miễn trách nhiệm hình sự để giám sát, giáo dục, giúp người phạm tội nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, lao động và làm việc để trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, chúng tôi cho rằng nhà làm luật cần quy định bổ sung nội dung nếu trường hợp nào thấy cần thiết, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự có thể phải bị gia đình hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng quản lý giám sát, giáo dục họ. Bởi lẽ, có như vậy mới tránh việc người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự lại vi phạm pháp luật hoặc tái phạm tội, từ đó mới nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, công tác giáo dục và cải tạo người phạm tội.

Thứ sáu, theo chúng tôi để phù hợp với thực tiễn xét xử [79], [80] và pháp luật hình sự các nước [15], [18], [19], [96], [97], cũng như góp phần nhân đạo hóa hơn nữa chính sách hình sự của Nhà nước trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thì trong Bộ luật hình sự năm 1999, nhà làm luật cần phải bổ sung thêm một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khác như: miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trốn khỏi nơi giam, miễn trách nhiệm hình sự do sự hòa hoãn giữa người bị hại và người phạm tội, miễn trách nhiệm do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự cho người già và đang bị bệnh nặng...

Thứ bảy, theo chúng tôi cần bổ sung thêm nội dung "tuy không bị ép buộc" vào điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội làm môi giới hối lộ. Bởi lẽ, có như vậy mới đảm bảo sự công bằng giữa người có hành

vi đưa hối lộ và người có hành vi môi giới hối lộ. Ngoài ra, đoạn 2 khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định "Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự..." nhưng khoản 6 Điều 290 thì "Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự". Cho nên, nếu người làm môi giới hối lộ vì bị ép buộc mới ra khai báo trước khi bị phát giác thì cũng không thể xem xét cho họ được miễn trách nhiệm hình sự được. Hơn nữa, việc người phạm tội làm môi giới hối lộ tuy không bị ép buộc mà chủ động ra khai báo với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi bị phát giác mới thể hiện sự ăn năn hối cải, thật thà khai báo và do vậy rõ ràng mới xứng đáng để được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước - có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

tám là, đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội không tố giác tội phạm, cần phải khẳng định rõ "... có hành động can ngăn hoặc hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của tội phạm" thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Lý do, cần quy định chặt chẽ nhằm đòi hỏi người phạm tội phải thực sự ăn năn hối cải, phải có những hành động tích cực để hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả (thiệt hại) nguy hiểm cho xã hội. Nếu đã có hành động tích cực can ngăn và trong điều kiện cho phép để hậu quả có thể không xảy ra nhưng hậu quả vẫn xảy ra thì người phạm tội chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không thể cho họ được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trên cơ sở những nhận xét và kiến nghị này, dưới góc độ nhận thức-khoa học, chúng tôi xin đưa ra mô hình lý luận của các quy phạm về chế định miễn trách nhiệm hình sự như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng trong Phần chung Bộ luật hình sự năm 1999 một Chương độc lập với tên gọi là "Về miễn trách nhiệm hình sự" với điều luật mới. Cụ thể trong đó bao gồm một điều quy định về khái niệm miễn trách nhiệm hình sự, một điều liệt kê danh mục những trường hợp miễn trách nhiệm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 153 trang tài liệu này.

hình sự trong Bộ luật hình sự hiện hành và toàn bộ các điều luật đề cập đến tất cả những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đã được điều chỉnh trong Bộ luật hình sự năm 1999 (bao gồm hai loại có tính chất bắt buộc và tùy nghi).

Thứ hai, trong các điều luật này đã được sửa đổi, bổ sung về những cụm từ, căn cứ và những điều kiện để áp dụng đối với từng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mà chúng tôi đã kiến nghị.

Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam - 15

Thứ ba, để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xét xử và phù hợp với pháp luật hình sự các nước, cũng như thể hiện xu hướng nhân đạo hóa hơn nữa của pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trong Chương này chúng tôi cũng ghi nhận và đưa ra mô hình lý luận về những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đòi hỏi nhà làm luật nước ta cần ghi nhận bổ sung vào chế định này.

Do đó, Chương nói trên sẽ như sau:

"Chương


MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ


Điều... Khái niệm miễn trách nhiệm hình sự (mới).

1. Miễn trách nhiệm hình sự là sự hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi phạm tội cho người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi ấy, do cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền áp dụng tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng khi người này đáp ứng đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện do luật định.

2. Căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án, người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, hành chính, dân sự hoặc lao động hay biện pháp kỷ luật.

3. Trong trường hợp cần thiết, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự có thể phải chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền tương ứng.

Điều... Những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự (mới).

1. Căn cứ vào các tình tiết cụ thể tương ứng được quy định tại các điều từ Điều...... đến Điều....... Bộ luật này, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong những trường hợp sau đây.

a) Do tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm.

b) Do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội và người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (hay còn gọi là "do sự chuyển biến của tình hình").

c) Khi do có quyết định đại xá.

d) Do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

đ) Người phạm tội có các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 80 Bộ luật này.

2. Căn cứ vào các tình tiết cụ thể tương ứng được quy định tại các điều từ Điều...... đến Điều...... Bộ luật này, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong những trường hợp sau đây.

a) Trước khi tội phạm bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm (hay còn gọi là "do sự ăn năn hối cải của người phạm tội").

b) Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức tương ứng nhận giám sát, giáo dục.

c) Do sự hòa hoãn giữa người phạm tội và người bị hại.

d) Người phạm tội trốn khỏi nơi giam đã tự thú, khai báo rõ ràng và trong thời gian bỏ trốn không phạm tội mới.

đ) Người phạm tội là người già hoặc đang bị bệnh nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

e) Người phạm tội có các tình tiết quy định tại khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290 và khoản 3 Điều 314 Bộ luật này.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự do tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm (Điều 19 Bộ luật hình sự năm 1999)

1. Giữ nguyên như trong Bộ luật hình sự năm 1999.

2. Người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức được miễn trách nhiệm hình sự nếu các biện pháp tích cực mà họ áp dụng đã ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành (mới).

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự do sự chuyển biến của tình hình (khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999)

Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (sửa đổi, bổ sung).

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự do có quyết định đại xá (khoản 3 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999)

Giữ nguyên như trong Bộ luật hình sự năm 1999.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (mới)

Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua một thời hạn nhất định tương ứng với từng loại tội phạm quy định tại Điều 23 Bộ luật này.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội gián điệp (mới)

Người phạm tội gián điệp được quy định tại Điều 80 Bộ luật này nếu đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao mà tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự do sự ăn năn hối cải của người phạm tội (khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999)

Giữ nguyên như trong Bộ luật hình sự năm 1999.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1999)

Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức tương ứng nhận giám sát giáo dục, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (sửa đổi, bổ sung).

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho sự hòa hoãn giữa người phạm tội và người bị hại (mới)

Người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, nhưng nếu người đó đã hòa hoãn được với người bị hại và tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại đã gây ra, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trốn khỏi nơi giam (mới)

Người phạm tội quy định tại Điều 311 Bộ luật này, nhưng đã tự thú, khai báo rõ sự việc và trong thời gian lẩn trốn không phạm tội mới, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đưa hối lộ (mới)

Người phạm tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 Bộ luật này tuy không bị ép buộc, nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có

thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội làm môi giới hối lộ (mới)

Người phạm tội làm môi giới hối lộ được quy định tại Điều 290 Bộ luật này, tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội không tố giác tội phạm (mới)

Người phạm tội không tố giác một trong các tội phạm được quy định tại Điều 314 Bộ luật này, nhưng đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều... Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội là người già hoặc đang bị bệnh nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (mới)

Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, nhưng gây thiệt hại không lớn là người già hoặc đang bị bệnh nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

*

* *

Như vậy, lập luận khoa học và luận chứng cho các quy phạm trong mô hình lý luận trên đây về chế định miễn trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam có thể nhận thấy qua một số điểm sau đây:

Thứ nhất, việc ghi nhận các điều luật trong mô hình lý luận trên sẽ góp phần đảm bảo được sự nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền đối với một loạt vấn đề mà cho đến nay chưa được điều chỉnh trong Bộ luật hình sự năm 1999 của nước ta. Đó là:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/12/2022