Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 11

triazol và tricyclazole: 5-metyl-1,2,4-triazolo(3,4-b][1,3]benzothiazol, trong đó yêu cầu bảo hộ tỷ lệ của hai thành phần này trong sản phẩm là theo tỷ lệ 10:1 đế 1:10.

Ngày 3.3.2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư số 09/2009/TT-BNN cho phép đăng ký và sử dụng ở Việt Nam đối với 11 loại thuốc khác có chứa hỗn hợp của 2 hoạt chất tương tự trên với thành phần, tỷ lệ, cây trồng, dịch hại giống hoặc tương tự.

Sau khi có thông tư này, Syngenta đã thông qua đại diện hợp pháp của mình ở Việt Nam gửi thư cảnh báo đến hàng loạt các công ty của Việt Nam đang sản xuất, lưu thông các sản phẩm theo sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó coi hành vi như vậy là xâm phạm quyền đối với sáng chế của Syngenta. Đáp lại, các công ty này đã có phản ứng cho rằng việc cấp Bằng độc quyền sáng chế cho Syngenta là không hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Cụ thể là với công thức theo tỷ lệ 1:10 và 10:1 thì thực sự sẽ không có bất kỳ người nào có thể sử dụng hai hoạt chất nêu trên, mặc dù việc bảo hộ chỉ áp dụng đối với hỗn hợp của hai chất trên chứ không phải là bảo hộ riêng từng chất. Các công ty này cũng lên tiếng yêu cầu huỷ bỏ Bằng độc quyền sáng chế đã cấp cho Syngenta.

Ngoài ra, do trình độ pháp luật còn hạn chế, nhiều người Việt Nam nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế đối với những đối tượng thuộc phạm vi loại trừ bảo hộ. Ví dụ, có những người nộp đơn yêu cầu bảo hộ các cách giải các bài toán, các phương pháp kinh doanh v.v... Hơn nữa, có nhiều người không hiểu đúng bản chất bảo hộ sáng chế là bảo hộ các giải pháp kỹ thuật chứ không bảo hộ ý tưởng. Vì vậy, nhiều người yêu cầu bảo hộ các ý tưởng nhưng ý tưởng đó lại chưa được thể hiện bằng các giải pháp kỹ thuật cụ thể.

3.1.2. Trong việc xác định người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế

Vấn đề nảy sinh liên quan đến việc áp dụng quy định về quyền đăng ký sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Luật Sở hữu trí tuệ và các văn

bản hướng dẫn thi hành quy định quyền sở hữu sáng chế được tạo ra do sử dụng ngân sách nhà nước sẽ thuộc về Nhà nước. Chủ đầu tư để tạo ra sáng chế đó được nhà nước giao quyền đăng ký để trở thành chủ văn bằng bảo hộ và có trách nhiệm quản lý, khai thác quyền đối với sáng chế đó như một loại tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng quy định này không được chặt chẽ và đúng đắn dẫn tới đầu tư của nhà nước (thực tế là từ tiền đóng thuế của người dân) cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ không có hiệu quả. Mặc dù đã có quy định như trên nhưng thực tế vẫn xảy ra là nhiều chủ nhiệm đề tài hoặc các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đã tự ý hoặc với sự thoả thuận (trái pháp luật) của cơ quan quản lý đề tài tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế dưới tên cá nhân mình. Trường hợp ngược lại, do sự quản lý không chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, hàng loạt các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có thể được bảo hộ sáng chế nhưng lại bị lãng quên. Một vấn đề khác liên quan đến việc xác định người có quyền đăng ký sáng chế trong trường hợp này. Đúng ra, các trường đại học, các viện nghiên cứu - là những đơn vị chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để nghiên cứu hiện nay - cần phải là đơn vị được giao quyền đăng ký, quản lý và khai thác sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nếu áp dụng đúng quy định pháp luật hiện nay thì chủ đầu tư là các ban quản lý dự án, các sở khoa học và công nghệ v.v... mới là chủ đầu tư thực sự nhưng nếu họ là người đi đăng ký sáng chế và quản lý, khai thác sáng chế thì thực sự sẽ không mang lại hiệu quả.

3.1.3. Trong việc bộc lộ sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế

Vì không hiểu việc bảo hộ sáng chế là một sự đánh đổi giữa xã hội với chủ sở hữu sáng chế dẫn tới việc rất nhiều người nộp đơn Việt Nam không bộc lộ đầy đủ sáng chế theo yêu cầu của pháp luật. Để được cấp bằng độc quyền, người nộp đơn phải bộc lộ đầy đủ sáng chế nhưng người nộp đơn luôn có ý nghĩ là bộc lộ như vậy thì người khác sẽ biết được giải pháp của họ và đánh cắp. Họ không nghiên cứu đầy đủ pháp luật để biết được rằng Luật Sở

hữu trí tuệ có quy định cơ quan sở hữu trí tuệ có trách nhiệm bảo mật thông tin trong đơn đăng ký cho tới khi được công bố theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức của cơ quan sở hữu trí tuệ làm lộ bí mật thông tin trong đơn đăng ký sáng chế thì sẽ bị xử lý kỷ luật; nếu việc làm lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho người nộp đơn thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 111 Luật Sở hữu trí tuệ). Do vậy, người nộp đơn cần phải hiểu rằng để được cấp bằng thì việc bộc lộ đầy đủ thông tin về sáng chế trong đơn là quy định bắt buộc và pháp luật có cơ chế bảo đảm bí mật thông tin đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

3.1.4. Trong việc thực hiện quyền có ý kiến của người thứ ba

Trong thủ tục đăng ký sáng chế, pháp luật quy định quyền của người thứ ba có ý kiến về việc cấp văn bằng bảo hộ (Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ). Theo đó, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên thứ ba đối với bất kỳ một độc quyền sáng chế nào được cấp. Tuy nhiên, do hiểu biết về hệ thống pháp luật sáng chế còn hạn chế cũng như nhiều lý do khác, quyền này thường không được thực hiện trên thực tế dẫn tới việc quyền lợi của các bên thứ ba bị ảnh hưởng. Ví dụ, một người nào đó có chứng cứ về việc sáng chế trong đơn không còn tính mới nhưng không cung cấp chứng cứ này cho cơ quan sở hữu trí tuệ dẫn tới cơ quan này vẫn cấp ra văn bằng bảo hộ và trong trường hợp đó cả xã hội phải tôn trọng quyền của một người mà đáng lẽ họ đã không có được quyền.

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 11

3.1.5. Trong việc công bố đơn đăng ký sáng chế

Việc công bố các đơn đăng ký sáng chế và bằng độc quyền sáng chế đúng thời hạn luật định có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của xã hội. Việc tiếp cận sớm thông tin này có thể hạn chế tối đa

rủi ro do nghiên cứu trùng lặp. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà các thông tin này không được công bố kịp thời và hình thức công bố cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của công chúng (hiện nay chủ yếu công bố dưới hình thức công báo giấy).

Một vấn đề lớn khác tồn tại hiện nay là rào cản để người dân Việt Nam có thể hưởng lợi từ hệ thống sáng chế, đó là ngôn ngữ của hệ thống thông tin sáng chế. Hầu hết các nguồn thông tin sáng chế (các bản mô tả sáng chế) hiện nay trên thế giới và người dân Việt Nam có thể tiếp cận được đều được làm bằng tiếng Anh. Lượng thông tin sáng chế bằng tiếng Việt rất hạn chế và chỉ giới hạn ở những đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam. Với trình độ ngoại ngữ hiện nay của Việt Nam dẫn tới khả năng truy cập các nguồn thông tin này là vô cùng hạn chế.

Sự hạn chế trong tiếp cận thông tin sáng chế dẫn tới tình trạng nghiên cứu trùng lặp diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ được cấp bằng độc quyền sáng chế tính trên số đơn được nộp của người Việt Nam rất thấp mà lý do phần lớn là sáng chế không có tính mới. Lý do chủ yếu của tình trạng này là do các nhà nghiên cứu của Việt Nam ít khi tra cứu hoặc tra cứu không đầy đủ thông tin sáng chế trước khi tiến hành nghiên cứu.

3.1.6. Trong việc thẩm định đơn đăng ký sáng chế

Hiện nay số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ rất lớn, trong khi đó số lượng cán bộ tăng lên không đáng kể dẫn tới một số lượng lớn đơn đăng ký sáng chế bị tồn đọng, không được xử lý đúng thời hạn quy định. Thực trạng này có thể gây ra những bất lợi cho cả người nộp đơn và xã hội nói chung. Dưới góc độ người nộp đơn, quyền của họ sẽ bị hạn chế bởi theo quy định pháp luật, quyền thực sự chỉ phát sinh từ ngày văn bằng bảo hộ được cấp (trước đó người nộp đơn đăng ký sáng chế chỉ có quyền tạm thời). Nói cách khác, việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế càng bị chậm thì thời hạn hiệu lực thực tế của văn bằng càng ngắn. Và như

vậy, mục đích khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo chưa đạt được hoàn toàn. Việc này cũng không hoàn toàn có lợi cho xã hội nói chung vì không có nghĩa là trong thời gian đơn chưa được xử lý (ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ) bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng sáng chế (vì nếu sử dụng có thể thuộc phạm vi quyền tạm thời của chủ sở hữu sáng chế được cấp bằng sau này).

3.1.7. Trong việc khai thác các hạn chế quyền của chủ sở hữu đối với sáng chế

Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rất nhiều trường hợp cho phép các bên thứ ba được sử dụng sáng chế đang được bảo hộ mà không bị coi là xâm phạm quyền nhưng thực tế việc khai thác những cơ hội này cũng có những hạn chế nhất định.

Một nghịch lý tồn tại ở Việt Nam hiện nay là có tình trạng xâm phạm quyền đối với sáng chế xảy ra nhưng có rất nhiều cơ hội để các tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng sáng chế mà không bị coi là xâm phạm quyền lại không được tận dụng. Có nhiều lý do dẫn tới việc các nhà nghiên cứu của Việt Nam tiến hành nghiên cứu để tạo ra những thứ đã tồn tại trên thế giới từ lâu (và có thể ở cả Việt Nam) và cũng không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người nào. Điều này dẫn tới lãng phí lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam. Đúng ra, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phải thực sự "đứng trên vai người khác", tức là dựa trên những thứ hiện có để phát triển tiếp, và điều này là được phép theo Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với sáng chế đang được bảo hộ của người khác, đặc biệt liên quan đến dược phẩm được bảo hộ, để có thể đưa sản phẩm ra thị trường ngay khi kết thúc thời hạn bảo hộ cũng rất hạn chế.

Về việc cấp li-xăng cưỡng bức: từ trước tới nay chưa có một quyết định cấp li-xăng cưỡng bức nào được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền

đưa ra. Thực trạng này không hoàn toàn do chúng ta không có nhu cầu mà là ở việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Ít nhất là trong lĩnh vực dược phẩm, hầu hết sáng chế về các loại thuốc mới, nếu không muốn nói là toàn bộ, đều thuộc sở hữu của các doanh nghiệp dược phẩm của nước ngoài. Trong khi đã có những dịch bệnh xảy ra ở quy mô lớn và người dân có nhu cầu tiếp cận thuốc với giá thấp nhưng Việt Nam chưa có những quyết định kịp thời về vấn đề này. Ở chừng mực nào đó, ngành công nghệ dược của Việt Nam còn yếu kém nên chưa đủ khả năng công nghệ để sản xuất ra các loại dược phẩm một khi được cấp li-xăng cưỡng bức. Tuy nhiên, một lựa chọn khác đã được đưa ra trong khuôn khổ Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS (năm 2005) mà chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng, đó là nhập khẩu sản phẩm được sản xuất theo li-xăng cưỡng bức từ một nước thứ ba, cụ thể như thuộc chống HIV/AIDS từ Ấn Độ, Braxin hoặc Thái Lan.

3.1.8. Trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Trong quá trình thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền đối với sáng chế, việc áp dụng đầy đủ và đúng đắn các quy định của pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm những quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế cũng như lợi ích của xã hội nói chung.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, có nghĩa là các biện pháp dân sự phải được áp dụng là chủ yếu để bảo vệ quyền khi quyền bị xâm phạm. Tuy nhiên, trên thực tế thì các biện pháp hành chính lại được áp dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng biện pháp hành chính để xử lý các hành vi xâm phạm quyền trong chừng mực nào đó không bảo đảm được lợi ích của các bên liên quan, cụ thể là:

- Biện pháp hành chính là biện pháp do các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng một cách chủ động trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Để làm việc này, ngân sách nhà nước phải chi ra những khoản chi khổng lồ được lấy từ nguồn đóng thuế của người dân. Điều này là không hợp

lý nếu đứng về góc độ hành động đó chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong trường hợp sáng chế. Hơn nữa, biện pháp hành chính không mở rộng đến vấn đề bồi thường thiệt hại, do vậy quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế bị xâm phạm cũng vẫn chưa được giải quyết triệt để;

- Biện pháp dân sự được áp dụng hạn chế do nhiều lý do, trong đó có lý do năng lực hạn chế của tòa án, tâm lý không muốn đưa vụ việc ra tòa án của các chủ sở hữu sáng chế bị xâm phạm quyền;

- Việc thi hành các bản án đã được tuyên của toà án cũng hạn chế dẫn tới sự tin tưởng vào hệ thống toà án bị giảm sút. Ví dụ gần đây nhất liên quan đến vụ xâm phạm quyền đối với sáng chế của một doanh nghiệp ở Thanh Hoá. Toà án đã ra phán quyết về vụ việc nhưng việc thi hành bản án không triệt để. Hành vi xâm phạm quyền vẫn tiếp tục xảy ra sau khi có bản án là một ví dụ không tốt cho những người sau này muốn đưa vụ việc về xâm phạm quyền đối với sáng chế ra toà án để yêu cầu xử lý;

- Về việc chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xâm phạm quyền đối với sáng chế (vượt quá đòi hỏi của hiệp định TRIPS cũng như vượt quá khả năng kiểm soát tại biên giới đối với loại hàng hóa này), do vậy không thể thực hiện.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong vấn đề thực hiện và bảo vệ quyền đối với sáng chế cũng có những hạn chế nhất định. Trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và lưu hành các sản phẩm xâm phạm quyền của Syngenta như được nêu trên đây là một ví dụ điển hình cho khiếm khuyết này và cần phải được khắc phục.

Thực trạng này đặt ra vấn đề cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, bộ máy và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật để việc thực thi quyền đối với sáng chế có hiệu quả. Kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra cách thức thành công, đó là thành lập toà án chuyên trách về sở hữu trí tuệ có chức năng

chủ yếu xét xử các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần tăng cường hiệu lực của việc thi hành các bản án đã được toà án đưa ra.


3.2 NHỮNG KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CƠ CHẾ CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ Ở VIỆT NAM

Từ những phân tích trên đây, để hệ thống bảo hộ sáng chế thực sự vừa thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nghiên cứu triển khai, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận tri thức, lợi ích chính đáng của công chúng, hệ thống pháp luật cũng như cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể cần phải được nghiên cứu và thực hiện.

3.2.1. Hoàn thiện pháp luật

- Quy định chi tiết các đối tượng loại trừ không được bảo hộ sáng chế, đặc biệt là sáng chế dạng sử dụng, các sáng chế vi phạm trật tự công cộng, đạo đức xã hội theo nghĩa rộng, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Như đã phân tích ở chương 2, pháp luật hiện hành không quy định chi tiết về các đối tượng bị coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội, trong khi chuẩn mực của các khái niệm này đã có những thay đổi nhất định do sự phát triển của khoa học, kinh tế và xã hội. Việc quy định cụ thể các đối tượng không được bảo hộ là sáng chế sẽ giúp cho cơ quan sở hữu trí tuệ bảo đảm thi hành đúng pháp luật, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các nhà sáng tạo, đồng thời bảo vệ được lợi ích của xã hội nói chung. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, rất nhiều công nghệ mới được tạo ra mà trong số đó có những công nghệ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của con người. Việc xác định phạm vi các đối tượng xâm phạm trật tự công cộng và đạo đức xã hội phải quan tâm tới những công nghệ thuộc loại này.

- Sửa đổi quy định về bảo hộ sáng chế được tạo ra từ ngân sách nhà nước, trong đó giao quyền đăng ký, quản lý và khai thác cho tổ chức trực tiếp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/12/2022