Trong Các Quy Định Về Nghĩa Vụ Của Chủ Sở Hữu Sáng Chế

thời hạn đủ dài để bảo đảm cho người nhận li-xăng cưỡng bức cân bằng được với những khoản đầu tư của họ cho việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo li-xăng đó. Nếu thời hạn này quá ngắn thì đương nhiên mục tiêu của li-xăng cưỡng bức sẽ không thể đạt được.

Về yêu cầu mục tiêu của li-xăng cưỡng bức là "chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước", cần hiểu thuật ngữ "chủ yếu" theo nghĩa là phần lớn và cụ thể hơn là trên 50% tổng sản phẩm tạo ra từ một li-xăng cưỡng bức phải dành để cung cấp cho thị trường nội địa. Đối với Việt Nam, vấn đề cần quan tâm giải quyết trong hệ thống pháp luật và thực tiễn không phải là việc cấp li-xăng cưỡng bức để sản xuất sản phẩm để xuất khẩu mà là vấn đề nhập khẩu sản phẩm được sản xuất theo li-xăng cưỡng bức được cấp ở một quốc gia khác do các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ năng lực công nghệ. Với việc Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới thông qua quyết định về việc thi hành khoản 6 của Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và sức khoẻ cộng đồng năm 2003 và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS năm 2005, một cơ chế mới đã được tạo ra, theo đó các quốc gia xuất khẩu sẽ không bị áp dụng những hạn chế như nêu trên khi quốc gia nhập khẩu hợp pháp yêu cầu cung cấp sản phẩm được sản xuất theo li-xăng cưỡng bức ở quốc gia xuất khẩu.

Ngoại lệ của điều kiện này (chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa) là không áp dụng đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật này (người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh). Ví dụ, trong trường hợp do nắm vị thế thống lĩnh thị trường, chủ sở hữu sáng chế nâng giá sản phẩm được bảo hộ theo sáng chế lên cao một cách bất hợp lý thì nhà nước có thể cấp li-xăng không tự nguyện để không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn để xuất khẩu.

Thứ ba, người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ

sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác.

Mục đích của quy định này là nhằm ngăn cản sự phát triển của thị trường lixăng cưỡng bức như là những công cụ có giá trị độc lập. Việc tạo ra thị trường này nói chung có thể nâng cao giá trị của lixăng cưỡng bức và có thể khuyến khích các bên tìm kiếm các lixăng cưỡng bức. Yêu cầu này không ngăn cản việc bán hoặc chuyển giao doanh nghiệp có được lixăng cưỡng bức, và do vậy nó cho phép thực hiện được việc đầu tư vào các lixăng cưỡng bức.

Việc quy định cho phép chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh ở đây có nghĩa là bên nắm quyền không cần thiết phải có tài sản hữu hình. Quy định này cho phép có sự mềm dẻo để đối phó với quy định không được chuyển nhượng. Nếu một bên đang đề nghị cấp lixăng cưỡng bức thành lập một pháp nhân, mà phần lớn tài sản của pháp nhân đó là các lixăng cưỡng bức thì vẫn có thể thực hiện việc chuyển nhượng và chuyển giao toàn bộ pháp nhân đó ("đặc quyền kế nghiệp") như là một phần của giao dịch thị trường thứ cấp.

Thứ tư, người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thoả đáng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

Vấn đề được đặt ra ở đây là thế nào được coi là "khoản đền bù thoả đáng". Biện pháp để xác định khoản đền bù thoả đáng có thể có là đặt câu hỏi rằng người được cấp li-xăng cưỡng bức phải trả mức đền bù như thế nào cho chủ sở hữu sáng chế để có được một li-xăng bình thường theo những điều kiện bình thường. Giả định rằng có một thị trường về li-xăng đối với một lĩnh vực công nghệ cụ thể thì tỷ giá trên thị trường sẽ là một tiêu chí để tính mức đến bù này. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng và trên thực tế thì hầu như không tồn tại thị trường như vậy, ít nhất là do chính tính "độc nhất" của sáng chế (nhờ đó mới được cấp bằng độc quyền).

Tuy nhiên, bản chất của li-xăng cưỡng bức là một sự hạn chế quyền của chủ sở hữu sáng chế và trên thực tế hầu hết các trường hợp cấp li-xăng cưỡng bức là nhằm để đáp ứng nhu cầu an ninh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, do vậy hầu hết các chính phủ "đơn phương" quyết định mức đền bù cho li-xăng không tự nguyện. Đối với Việt Nam, khoản 1 Điều 24 Nghị định 103/2006/NĐ-CP đưa ra những căn cứ để xác định giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao theo li-xăng cưỡng bức, trên cơ sở xem xét các yếu tố:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

- Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;


Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 10

- Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);

- Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;


- Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;


- Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;


- Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao.

Tuy nhiên, ngay tại khoản 2 của Điều này đã có quy định mang tính chất ý chí đơn phương của nhà nước đó là "Giá đền bù không vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế".

Về mức đền bù này, các nước trên thế giới có quy định rất khác nhau tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Canada quy định mức đền bù này là 4%. Mức trung bình ở Hoa Kỳ đối với li-xăng cưỡng bức trong lĩnh vực dược phẩm là 5%. Nhật Bản quy định mức đền bù từ 2 đến 4% tuỳ từng trường hợp. Liên bang Đức quy định mức đền bù cho li-xăng cưỡng bức trong lĩnh vực dược phẩm là 2 đến 10%. Trong khi đó, các nước đang phát triển áp dụng các mức thấp hơn như Indonesia hoặc Thái Lan áp dụng mức 0,5 đến 1% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo li-xăng cưỡng bức [22].

Với quy định trên của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng mức đền bù cho li-xăng cưỡng bức ở mức thấp như các nước đang phát triển trong những trường hợp cần thiết, đặc biệt là trong những trường hợp liên quan đến sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm.

2.5.1.3. Quyền tạm thời của chủ sở hữu sáng chế

Theo quy định của pháp luật, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Với quy định thời hạn xử lý đơn khoảng 21 tháng kể từ ngày nộp đơn như quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì thời hạn hiệu lực thực sự của bằng độc quyền luôn luôn dưới 20 năm. Trên thực tế, cùng với quy định thời hạn dành cho việc nộp yêu cầu thẩm định nội dung đơn sáng chế đến 42 tháng, thời hạn hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế còn bị rút ngắn hơn nữa. Để bảo đảm quyền cho chủ sở hữu sáng chế, pháp luật Việt Nam cũng như các nước quy định quyền tạm thời cho chủ sở hữu sáng chế. Theo đó, nếu người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng. Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

2.5.2. Trong các quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu sáng chế

Không giống như hầu hết các loại quyền sở hữu trí tuệ khác, Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu sáng chế phải có một số nghĩa vụ nhất định. Thứ nhất, trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế không đồng thời là tác giả

sáng chế thì chủ sở hữu sáng chế phải có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế (Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ). Một nghĩa vụ khác có ý nghĩa quan trọng hơn mà việc vi phạm nghĩa vụ này có thể dẫn tới hệ quả là nhà nước sẽ can thiệp bằng cách cấp li-xăng cưỡng bức, đó là nghĩa vụ sử dụng sáng chế. Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác hoặc nhân danh mình sử dụng sáng chế mà không cần có sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế.


2.6. CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật đã đưa ra các quy định về nội dung xác định các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế và các quy định về thủ tục xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Các vấn đề liên quan đến cân bằng lợi ích trong việc xác định các hành vi không bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế đã được phân tích ở mục 2.5.1 trên đây.

Như đã trình bày ở trên, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với sáng chế nói riêng là quyền dân sự. Do đó, về nguyên tắc các biện pháp và chế tài dân sự sẽ phải được áp dụng là chủ yếu để xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế. Đây là lý do cơ bản để Luật Sở hữu trí tuệ quy định hạn chế sử dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế. Các cơ quan hành chính Nhà nước hoạt động bằng tiền thuế do dân đóng góp không thể chủ động bỏ công sức và tiền bạc để bảo vệ quyền cho chủ sở hữu trong khi việc bảo vệ đó không có sự đóng góp cũng như không có yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế.

Tuy nhiên, có một quy định mới so với truyền thống tố tụng tại toà án của nước ta (xuất phát từ yêu cầu của Hiệp định TRIPS) được thể hiện tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể là, trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế là một quy trình sản xuất sản phẩm, bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ là sản phẩm mới;

- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ không phải là sản phẩm mới nhưng chủ sở hữu sáng chế cho rằng sản phẩm do bị đơn sản xuất là theo quy trình được bảo hộ và mặc dù đã sử dụng các biện pháp thích hợp nhưng vẫn không thể xác định được quy trình do bị đơn sử dụng.

Quy định này đảo ngược nguyên tắc tố tụng mà theo đó một người khẳng định một sự kiện phải chứng minh nó. Mục đích của quy định này là nhằm giải quyết khó khăn cho một nguyên đơn là người sở hữu một sáng chế quy trình để chứng minh liệu có hay không việc quy trình đó được sử dụng bởi bị đơn để sản xuất một sản phẩm tương tự như sản phẩm được sản xuất từ một quy trình đã được cấp bằng sáng chế là vi phạm độc quyền của người đó.

Chương 3

THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT


3.1. THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ

Như đã trình bày ở chương 2, pháp luật về bảo hộ sáng chế của Việt Nam đã cố gắng thể hiện sự cân bằng giữa các mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Mặc dù vậy, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi các quy định của luật pháp được đi vào cuộc sống thực tế.

Trong quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật, có nhiều vấn đề nảy sinh, cụ thể xin được trình bày dưới đây.

3.1.1. Trong việc xác định các đối tượng không được bảo hộ là sáng chế

Vướng mắc khi xác định các đối tượng không được bảo hộ sáng chế thường nảy sinh đối với một số đối tượng như sáng chế dạng sử dụng, các giải pháp kỹ thuật vi phạm đạo đức xã hội, trật tự công cộng v.v...

Như đã trình bày ở trên, theo quy định pháp luật hiện hành thì việc sử dụng một đối tượng đã biết theo một chức năng mới không được coi là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế, trong khi đó pháp luật trước đây (trước khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực) lại công nhận bảo hộ đối tượng này. Vấn đề là cơ quan sở hữu trí tuệ phải xử lý như thế nào đối với những đơn đăng ký sáng chế đối với những đối tượng này được nộp trước khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực. Mặc dù khoản 2 Điều 220 Luật Sở hữu trí tuệ quy định "Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền

trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn", nhưng việc tiếp tục cấp bằng độc quyền cho một đối tượng có thể xâm hại đến lợi ích chung của xã hội có vẻ là một điều không thoả đáng.

Việc xác định các sáng chế xâm phạm trật tự công cộng và đạo đức xã hội gặp khó khăn khi không có quy định cụ thể về những trường hợp này. Không giống như luật của các nước, các ví dụ cụ thể về các sáng chế bị coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức xã hội không được liệt kê cụ thể trong pháp luật Việt Nam dẫn tới tình trạng khi có đơn đối với các đối tượng này được nộp vào cơ quan sở hữu trí tuệ, cơ quan này gặp phải những khó khăn nhất định trong việc xử lý đơn. Một ví dụ điển hình liên quan tới công nghệ chống nảy mầm. Đây là một công nghệ chứa yếu tố nhằm hạn chế xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Bằng công nghệ gen, người ta đã tạo ra một công nghệ sản xuất các loại hạt giống của các cây trồng được biến đổi gen với sản lượng, chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là vậy thì yếu tố chống nảy mầm trong công nghệ này có xâm hại đến lợi ích xã hội hay không khi nó hạn chế cả những quyền lợi bình thường của người dân khi muốn sử dụng các sản phẩm thu hoạch để nhân giống sử dụng cho mục đích cá nhân, mục đích nghiên cứu khoa học và hơn nữa, điều này có được coi là trái với đạo đức xã hội và trật tự công cộng hay không.

Việc xác định phạm vi bảo hộ phù hợp đối với một sáng chế cũng có ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế và lợi ích của xã hội. Nếu cơ quan sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền với phạm vi bảo hộ rộng một cách không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội và ngược lại. Một vụ việc gây tranh cãi xảy ra mới đây liên quan đến vấn đề này, cụ thể như sau:

Công ty Syngenta Crop Protection AG (Thụy Sĩ) (gọi tắt là Syngenta) đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 2969 ngày 9.8.2002 cho hỗn hợp hai thành phần propiconazole: 1[[2,4-diclophenyl-1,3-dioxolan-2-yl]metyl]-1H-1,2,4-

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/12/2022