Phủ định thì mới có phát triển.”[3]. Khi nhìn nhận sự đổi mới trong cảm hứng sáng tác của Nguyễn Quang Thiều qua mỗi tập thơ ta sẽ thấy đó là sự khẳng định rõ nét những quan niệm sáng tạo nghệ thuật của ông.
1.3.3.2. Nguyễn Quang Thiều và những đổi mới trong cảm hứng sáng tác
Ở Nguyễn Quang Thiều có sự hòa quyện giữa hai mạch nguồn tình cảm phong phú: lối cảm nhận tinh tế đậm màu sắc phương Đông và lối tư duy phân tích sắc sảo của phương Tây đã tạo nên nét riêng biệt trong thơ ông. Từ cảm hứng sáng tác cho tới cách diễn đạt đều thể hiện cái nhìn mới về thế giới quan, nhân sinh quan của một trái tim “mất ngủ” bởi niềm say mê nghệ thuật, bởi niềm thao thức với cuộc đời.
Nhờ sự đổi mới trong cảm hứng sáng tác, Nguyễn Quang Thiều đã mang tới cho làng thơ hiện đại một giọng điệu thơ đa thanh và đa sắc.Từ Ngôi nhà tuổi 17 (1990) đến Cây ánh sáng(2009) là hành trình sáng tác đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt trong cảm hứng sáng tác thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó cũng là hành trình khắc họa những nét chuyển biến chung trong đời sống thi ca thời kỳ đổi mới, đồng thời ghi nhận những thành công bước đầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trên con đường cách tân thơ ca.
Tập thơ Ngôi nhà tuổi 17(1990) là tập thơ đầu tay của Nguyễn Quang Thiều. Tập thơ đã đánh dấu bước chân đầu tiên của nhà thơ trên hành trình đi tìm “miền đất hứa” trong sự nghiệp thơ ca của ông. Ngôi nhà tuổi 17 là “một thế giới trong sáng, tinh khiết của một đời sống ký ức và cả những lo âu thân thuộc của làng quê” [48]. Với những thể thơ quen thuộc như: thể thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ tự do. Nguyễn Quang Thiều mở ra cho người đọc một không gian thơ gần gũi, mang giọng điệu hóm hỉnh và hồn nhiên:
Sao mẹ không gọi về cho con Những con thuyền thuở trước Những con thuyền lần ra cửa biển Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông
(…)
Những con thuyền sinh ra từ rừng sâu Mang hình lá đổ về biển cả
Cánh buồm nâu như những bàn tay nhỏ Vẫy con…vẫy con về với biển
Nơi dòng sông vừa gặp vỡ òa
Có thể bạn quan tâm!
- Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều - 1
- Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều - 2
- Những Thành Tựu Trong Sự Nghiệp Sáng Tác Của Nguyễn Quang Thiều
- Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều - 5
- Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều - 6
- Cái Tôi Của Những Miền Tâm Linh Châu Thổ
Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.
(Những con thuyền sông Đáy)
Khi nói về tập thơ đầu tay của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “nó không hoàn toàn là tôi. Có một phần của ai đó trong những bài thơ tôi viết ra. Tôi nhận thấy lối viết đó đã ít nhiều đi lại lối đi của một số nhà thơ trước đó. Hơn nữa, tôi nhận thấy con người thực sự của tôi vẫn đang đứng sau những bài thơ kia”[21]. Xuất phát từ những yếu tố khách quan và do nhu cầu nội tại nên ý thức về sự cách tân đã bám sâu vào tâm thức của nhà thơ như một lẽ tự nhiên để nhà thơ được là chính mình: “Có lẽ tôi không ý thức rõ ràng sự cách tân mà chỉ muốn là chính tôi. Và ngay sau đó hai năm, tập thơ Sự mất ngủ của lửara đời. Đó là giọng nói của chính tôi, là thế giới ngôn từ và hình ảnh của tôi, là tất cả những gì mà tôi muốn phơi bày và tưởng tượng”[21].
Tập thơ Sự mất ngủ của lửa ra đời năm 1992 (được giải thưởng Hội nhà văn năm 1993) là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp thơ ca Nguyễn Quang Thiều, đánh dấu bước ngoặt chuyển đổi về cảm xúc, tư duy, thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhìn tổng quan về thi pháp, thơ Nguyễn Quang Thiều trong Sự mất ngủ của lửa đã kiến tạo thành công những kết cấu mới, mở ra những liên tưởng phi tuyến tính, và đặc biệt, tạo những hình ảnh lạ lẫm, trương nở, chuyển động nhanh, khác hẳn với những quy luật cũ. Sông Đáy là hình ảnh quen thuộc trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đến tập thơ này, cái nhìn về “Sông Đáy” đã có sự đổi mới rõ rệt.Nếu những hình ảnh con thuyền, cửa biển, cơn mưa, dòng
sông… trong tập Ngôi nhà 17 tuổi vẫn là cách liên tưởng đơn tuyến, quen thuộc, ít gây bất ngờ:
Những con thuyền lần ra cửa biển Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông
(Những con thuyền sông Đáy).
“Sông Đáy” trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa đã nhảy một bước dài:
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn.
Ở đây, cơn mơ, tiếng cá quẫy tuột câu, tiếng nấc, tôi, cuối nguồn là những hình ảnh cách biệt, xa nhau nhưng cùng cuộn trôi theo một từ trường cảm xúc mạnh, nhất quán, tạo được hiệu ứng không gian và bật lên sức liên tưởng mạnh mẽ: đó là cách liên tưởng đa tuyến. Thơ Nguyễn Quang Thiều thường không áp dụng cố định những thủ pháp của các trào lưu hiện đại, như siêu thực, tượng trưng, biểu hiệnnhưng câu thơ trên có cách liên tưởng gần với tượng trưng, tạo hiệu ứng về hình ảnh và âm thanh rất kỳ lạ.
Việc gián tiếp miêu tả đối tượng, nhìn đời sống bằng “hệ quy chiếu” khác đã mang tới cho thơ Nguyễn Quang Thiều một cái nhìn mới mẻ về hiện thực, một giọng điệu ngân vang vượt lên khỏi “giàn đồng ca trong trẻo” thời đó. Ý thức mới về sự cách tân được thể hiện rõ khi nhà thơ bứt phá ra khỏi không gian “êm ả, ngọt ngào và đẫm màu cổ tích” của tập thơ Ngôi nhà tuổi 17 để mở ra thế giới hiện thực đa dạng và phức tạp hơn. Trong Sự mất ngủ của lửa, nguồn cảm xúc chủ đạo mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện đó chính là nỗi niềm thương nhớ quê hương và những người yêu dấu của mình. Tuy nhiên, cách thể hiện mạch nguồn tình cảm ấy lại mang sắc thái riêng qua việc nhà thơ sử dụng những thể thơ tự do, thơ văn xuôi – những thể thơ có sức bao quát rộng, khát quát được những bề bộn của cuộc sống và chuyển tải nhịp nhàng những cung bậc gồ ghề của tình cảm. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc khắc họa bản lĩnh cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều.
Cái nhìn mới của nhà thơ về cuộc sống được thể hiện trong Những người đàn bà gánh nước sông là hình ảnh những thân phận lầm lũi trong thế giới nham nhở, hỗn tạp đầy ám ảnh với sự đa dạng của nhiều thanh âm: tiếng chó sủa, tiếng súng bắn tỉa, tiếng nguyện cầu và tiếng “khóc” của cái tôi trữ tình của nhà thơ dành cho cuộc đời:
Người đàn bà ngồi vấn lại tóc mình Bên cửa sổ hoa xương rồng đã cũ
Những tấm áo nhiều màu buồn hơn buổi sáng Mặc vào chiếc dây phơi lạnh lẽo, gầy còm
(Buổi chiều)
Cảm hứng trong tập thơ này phần nào nhuốm màu sắc của tôn giáo. Người đọc cũng khó nắm bắt tứ thơ khi những hình ảnh mà nhà thơ thể hiện đôi khi lại rời xa nhau trong những kết dính mờ nhạt nhưng lại mang hiệu quả lớn trong việc thể hiện mục đích sáng tạo nghệ thuật.
“Giấc mơ đầy nhân bản” về nhịp sống mới của con người; nhịp điệu sinh tồn, vĩnh hằng của đất đai sứ sở cũng là nguồn cảm xúc toát lên từ Nhịp điệu châu thổ mới. Những bài thơ ngắn dường như không đủ chứa những vấn đề rộng lớn của đời sống nên nhà thơ đã thả hồn mình qua những bài thơ dài. Chuyển dịch màu đen và Nhịp điệu châu thổ mới là hai trường ca tiêu biểu “Đây là hai bài thơ mà tác giả của nó đã phát triển ý nghĩa tượng trưng của đời sống ở mức độ tầng lớp nên rất khó cảm nhận”[31, tr.511]. Bước chuyển đổi trong thi pháp này phản ánh tầm bao quát rộng lớn trong thơ Nguyễn Quang Thiều và khả năng thay đổi cách viết tài tình của nhà thơ.
Tập thơ Bài ca những con chim đêm là một bước ngoặt lớn trong sự chuyển đổi cảm hứng sáng tác thơ Nguyễn Quang Thiều. Với nỗi niềm trăn trở về cuộc sống về khả năng tái sinh của nhân loại, Nguyễn Quang Thiều đã phản ánh những góc khuất tối vốn bị che dấu trong đời sống xã hội và tâm hồn con người bằng những vần thơ đậm màu sắc tượng trưng:
Khi những ngọn đèn lần lượt tắt và chúng ta đi Tất cả những người chết trở về thành phố
Trà trộn trong những linh hồn thánh thiện,
Những linh hồn ân hận, những linh hồn say đắm là những bóng ma Một cánh cửa khẽ rít lên, một cái cây chợt rung xào xạc
Một con chó bị xích bỗng sủa thảng thốt
Những đám mây chầm chậm vắt ngang ánh sáng vầng trăng Gió thổi những tấm rèm tung lên rồi buông xuống bất động
Những người chết trở về đông hơn những người đang sống trong thành phố
Họ trở về và sống trong đời sống chúng ta
(Đoản ca về buổi tối)
Tập thơBài ca những con chim đêm“vang dội tiếng thét khi đời sống quá uể oải, nhàm chán và trơ cùn. Tất cả thực tại giật nảy lên và trong sự sợ hãi, đau đớn thực sự, chúng dường như tìm ra con đường sáng vươn lên tới tận đỉnh đồi của sự bình yên bất tử”[48]. Trí trưởng tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện cái tôi với chiều sâu tâm linh hướng tới giấc mơ nhân bản về những điều cần có và nên có trong thế giới đầy sự tranh đấu này:
Và tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với chính tôi để chống lại sự can thiệp
Của những gì không là tôi mà lại giống tôi Một đầu bàn tôi ngồi, đầu kia là ảo ảnh Bên cạnh chúng tôi đào sẵn huyệt sâu
Đặt giữa bàn, ngôn ngữ cuộc trò chuyện, nửa trắng nửa đỏ Như quả táo trong truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn Những cái lưỡi để phát nổ những đơn âm bắt đầu rướn chạy Một cái chết đang chờ, hoặc ảo ảnh hoặc tôi.
(Độc thoại)
Ra đời sau 10 năm khi tập thơ Bài ca những con chim đêm khẳng định tài năng thơ Nguyễn Quang Thiều đang ở độ chín, Cây ánh sáng (2009) là tập thơ ghi dấu sự chuyển biến vượt bậc trong nỗ lực cách tân thơ Nguyễn Quang Thiều cả về nội dung và thi pháp thể hiện: “Khước từ mọi niêm luật và bỏ qua sự vòng vèo của vần điệu. Nhưng trong “Cây ánh sáng” vẫn hiện ra một tiết nhịp, thật mơ hồ, nhưng không thể chối bỏ sự tồn tại của nó, sự chuyển động của các thi ảnh được kết nối bởi các động từ. Đó là sự vận động của bản thể, của tự nhiên, sự hoán chuyển qua lại giữa hữu thể và hư vô trong một hiện thực duy nhất”[49]:
Chiếc chum sành lắc lư
Những con cá ướp
Phun chảy những dòng trứng Nở ra những con cá
Trong dòng hải lưu suy tưởng bất tận của tôi.
(Những con cá ướp)
Ở tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại hướng người đọc trở về với những cội nguồn tình cảm mang đậm dấu ấn cá nhân hơn. Đó cũng chính là những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về cuộc đời không ngừng sóng gió và cũng là kết tinh những quan niệm sáng tác thơ của ông. Vẻ đẹp của thơ Nguyễn Quang Thiều mang đầy những trầm tích mà người đọc không chỉ bằng cảm xúc, niềm đam mê mà còn phải nghiền ngẫm, tư duy, xem xét ở nhiều góc độ thì mới phát hiện ra những trạng thái tinh vi của tình cảm mà nhà thơ gửi gắm. Nhờ đó, sức hấp dẫn của thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn thao thức trong lòng người bởi chiều kích không gian rộng mở với cái nhìn mới về thế giới được xây dựng qua bút pháp hiện đại.
Cách tân nghệ thuật là sự đổi mới không ngừng của nhiều thế hệ thi sĩ trên hành trình sáng tạo thơ ca. Trong mạch nguồn văn học dân tộc, những hướng thể nghiệm và cách tân trong thơ hiện đại sau 1975 vẫn còn nhiều ý kiến
chưa thỏa đáng. Dấn thân trên con đường mạo hiểm và cũng nhiều cay đắng, Nguyễn Quang Thiều sáng tạo thơ ca bằng niềm đam mê của một hồn thơ luôn hướng về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn con người. Cách tân nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện sự kiên định trong quan niệm sáng tác của ông.
Tiểu kết:Hình ảnh cái tôi trữ tình là sự đổi mớitrên hành trình sáng tạo thơ ca của nhiều thế hệ thi sĩ.Nguyễn Quang Thiều dấn thân trên con đường sáng tạo thơ ca đầy mạo hiểm và nhiều cay đắng nhưng bằng niềm đam mê của một hồn thơ luôn hướng về vẻ đẹp của cuộc sống, tâm hồn con người. Hình ảnh cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện sự kiên định trong quan niệm sáng tác. Với bản lĩnh và tài năng ông đã và đang khẳng định vị trí của mình trênhình ảnh cái tôi trữ tình trong thơ Việt.
Chương 2: SỰ THỂ HIỆN CỦA CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU
2.1. Cái tôi của những nỗi niềm muôn thuở
Trong thời kỳ đổi mới, những biến động phức tạp của đời sống xã hội đã dẫn tới sự đổi thay trong quan niệm thẩm mỹ. Trên cơ sở những quan niệm mới về con người, cái tôi trữ tình sau 1975 cũng có sự vận động mang tới những đổi mới trong thơ trữ tình. “Thơ trữ tình có xu hướng trở về bản chất nguyên thủy của thể loại: bộc lộ, phơi bày cảm xúc của chủ thể về những nỗi niềm muôn thuở của con người.” [1, tr.195]. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng không nằm ngoài sự vận động ấy.
2.1.1. Cái tôi đa cảm
Khám phá thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc sẽ cảm nhận được những mạch nguồn tình cảm phong phú, những con sóng thơ nồng nàn tha thiết, trĩu nặng chất suy tư trăn trở của nhà thơ đối với cuộc đời. Đó là những cung bậc cảm xúc của một trái tim đa đoan, đa sự, đầy đam mê, khao khát.
Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, ta bắt gặp cái tôi đa cảm của nhà thơ trong tình yêu.Tình yêu luôn là nguồn thi tứ bất tận của văn chương. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết về tình yêu với những cảm xúc khát khao giao cảm mãnh liệt:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng: “Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”.
( Xa cách – Xuân Diệu )