Các tộc người xuyên biên giới và vấn đề phát triển vùng biên Việt – Trung từ 1990 đến nay - 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


NGUYỄN THỊ LÊ


CÁC TỘC NGƯỜI XUYÊN BIÊN GIỚI VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÙNG BIÊN VIỆT – TRUNG TỪ 1990 ĐẾN NAY


Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Dân tộc học Mã số: 60 22 70


Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Văn Chính

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 220 trang tài liệu này.

MỤC LỤC

MỤC LỤC 1

Các tộc người xuyên biên giới và vấn đề phát triển vùng biên Việt – Trung từ 1990 đến nay - 1

Chương 1: TỔNG QUAN VỀ NGHIÊN CỨU 2

1.1 Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài 2

1.2. Lịch sử vấn đề 6

1.3. Các khái niệm cơ bản và cơ cấu phân tích 15

1.4. Phương pháp nghiên cứu 20

Chương 2: BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG TRONG LỊCH SỬ 22

2.1. Đường biên giới Việt – Trung trước hiệp định Pháp - Thanh 23

2.2. Thực dân Pháp và hiệp định phân định đường biên năm 1894 27

2.3. Đường biên giới Việt – Trung từ sau độc lập đến nay 30

Chương 3: CÁC TỘC NGƯỜI XUYÊN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG 35

3.1. Các cư dân của vùng biên giới Việt - Trung 35

3.2. Thành phần tộc người vùng biên và những khác biệt trong phân loại tộc người giữa Việt Nam và Trung Quốc 40

3.3. Các nhóm tộc người xuyên biên giới Việt – Trung nhìn từ viễn cảnh so sánh Việt Nam và Trung Quốc 51

Chương 4: CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Ở VÙNG BIÊN VIỆT – TRUNG CỦA VIỆT NAM 91

4.1. Vùng biên giới Việt - Trung trong chiến lược phát triển đất nước thời hội nhập ..91

4.2. Chiến lược xóa đói giảm nghèo ở vùng biên: Chương trình 135 94

4.3. Chiến lược phát triển vùng biên: Chính sách khu kinh tế cửa khẩu 107

Chương 5: CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÙNG BIÊN CỦA TRUNG QUỐC.129 5.1. Chiến lược ―hưng biên phú dân‖ 130

5.2. Quá trình thực hiện chương trình hưng biên phú dân 140

5.3. Thực hiện Hưng biên phú dân tại khu tự trị dân tộc Zhuang Quảng Tây 145

KẾT LUẬN 153

TÀI LIỆU THAM KHẢO 159

PHỤ LỤC 176

Chương 1


TỔNG QUAN VỀ NGHIÊN CỨU


1.1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài

Quá trình hình thành đường biên giới giữa các quốc gia, mối quan hệ của các cư dân sống vắt qua đường biên giới, những năng động kinh tế xã hội xuyên biên giới và chính sách phát triển vùng biên đã và đang là những chủ đề được giới nghiên cứu xã hội nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở khu vực Đông Nam Á, khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương chấm dứt vào nửa sau thế kỷ 20, các quốc gia trong khu vực đã chuyển dần từ thế đối đầu và xung đột sang hợp tác phát triển. Xu thế hội nhập, khu vực hóa và toàn cầu hóa đã góp phần biến Đông Dương ―từ chiến trường thành thương trường‖. Năm 1990, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã họp với các nước khu vực tiểu vùng Mekong tại Manila (Philippines) để thảo luận về một chiến lược nhằm biến khu vực này thành một ―body for development‖, có thể hiểu là một vùng phát triển (Mingsarn Kaosa-ard & J. Dore, 2003). Từ đó đến nay, hai thập kỷ đã trôi qua và chúng ta đang chứng kiến những thay đổi kỳ diệu ở vùng biên giới giữa các nước trong khu vực. Vùng biên viễn xa xôi nơi tiếp giáp giữa Nam Trung Quốc với các nước khu vực sông Mekong đang trở nên sôi động với hàng loạt dự án phát triển tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông, mở mang các đặc khu kinh tế, và mở thêm nhiều cửa khẩu trên đường biên nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế - xã hội. Các nhà quan sát nhận xét rằng đường biên giới nơi đây dường như đang trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết vì công dân các nước bây giờ đã có thể qua lại dễ dàng mà không gặp nhiều trở ngại như trước (Evans & al., 2000). Tuy nhiên, cùng với phát triển bao giờ cũng là những thách thức. Đường biên giới mở cho phép các giao dịch dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội giữa các quốc gia được tăng cường, nhưng hàng loạt các vấn đề như dịch tễ, buôn lậu, tội phạm và tệ nạn xã hội cũng tìm thấy nơi đây địa bàn lý tưởng để hoạt động. Trong điều kiện như vậy, chính sách phát triển vùng biên của các quốc gia có chung đường biên thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố trong đó các yếu tố nội tại và tinh thần dân tộc chủ nghĩa thường có ý nghĩa chi phối chủ đạo. Đặc điểm này đặt chiến lược phát triển vùng biên của các quốc gia trước một thách thức lớn hơn, đó là giải quyết mối quan hệ giữa hợp tác phát triển và cạnh tranh sinh tồn.

Đặt vấn đề tìm hiểu về các tộc người xuyên biên giới trong mối liên hệ với chiến lược phát triển vùng biên của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc, luận văn nhằm mục tiêu: 1) mang lại những hiểu biết phổ quát về tình hình các tộc người cư trú vắt qua đường biên giới, mối liên hệ lịch sử, kinh tế và xã hội của họ trong thời kỳ hội nhập khu vực; 2) khám phá không gian xã hội vùng biên và những năng động kinh tế xã hội giữa các cư dân sống vắt qua đường biên; 3) tìm hiểu chương trình phát triển ở vùng biên của hai nước và tác động của nó lên đời sống của cư dân địa phương, đồng thời tìm kiếm những ngụ ý cho các hoạt động thực tiễn phát triển bền vững ở vùng biên.

Khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam và vùng biên giới Việt – Trung có những đặc điểm lịch sử, văn hóa và dân số học đặc biệt.

Trước hết, tại đây có nhiều tộc người cư trú nên có thể được coi là một khu vực đa dạng văn hóa. Các tộc người này có nguồn gốc lịch sử và đặc điểm văn hóa khác nhau nhưng đã cùng chia sẻ một không gian sinh tồn chung trong một cảnh quan địa lý nổi bật là rừng núi và thung lũng. Vì thế, ngoài những đặc điểm văn hóa ngôn ngữ riêng, họ cũng có nhiều nét tương đồng do quá trình tiếp xúc và cộng cư lâu dài. Trên thực tế, các tộc người này chỉ bị chia cắt bằng một đường biên giới quốc gia mong manh. Ở cả hai bên đường biên, cư dân định cư trong môi trường sống này đã sáng tạo nên ba hệ canh tác tương đối phổ biến mà đi cùng với nó thường là một lối sống phù hợp: a) hệ canh tác ruộng bậc thang với kỹ thuật dẫn nước be bờ đặc biệt và kỹ thuật

―thổ canh hốc đá‖ của cư dân vùng cao; 2) hệ canh tác nương rẫy trên nền đất dốc với kỹ thuật phát đốt và quay vòng đất rừng như một phương thức sinh tồn chủ đạo của cư dân vùng giữa; 3) hệ canh tác lúa nước với lối sống định cư tương đối ổn định của cư dân vùng chân núi và thung lũng.

Đặc điểm thứ hai của vùng biên giới Việt – Trung là vai trò của tộc người Hoa (Hán) đối với quá trình phát triển các quan hệ giao thương và đô thị dọc vùng biên. Người Hoa không phải là cư dân gốc của khu vực này, nhưng ảnh hưởng của họ trong các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp của cư dân trong vùng lại tương đối nổi bật. Điều này có thể quan sát được từ một thực tế là phương ngữ Hán phía Nam được xem là một ngôn ngữ giao tiếp phổ biến có vai trò gắn kết các tộc người trong giao dịch dân sự và kinh tế. Khảo sát các địa danh vùng núi Bắc Việt Nam hiện nay, các nhà ngôn ngữ học tìm thấy phần lớn gốc gác của chúng đều có mối liên hệ với ngôn ngữ gốc

Hán (Nguyễn Văn Hiệu, 2007) trong khi các chợ và khu vực thị trấn, thị tứ dọc đường biên đều có thương nhân người Hoa làm trung gian buôn bán.

Đặc điểm thứ ba là sự phát triển các chợ vùng biên như là điểm giao dịch kinh tế xã hội xuyên biên giới phổ biến của cư dân sống trong vùng biên. Chưa có số liệu khảo sát chính thức của cả hai bên nhưng ở phía Việt Nam, từ vùng ven biển Quảng Ninh đến vùng núi Lào Cai đã có trên một trăm điểm được xác định là các chợ vùng biên, nơi cư dân hai bên đường biên giới thường xuyên giao dịch qua lại. Số chợ vùng biên có thể tăng lên nhiều hơn từ sau thời kỳ hội nhập và được khuyến khích bởi chính sách phát triển vùng biên của cả hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Các chợ vùng biên không chỉ là nơi giao thương kinh tế, nó cũng là nơi giao dịch dân sự, và hoạt động giao lưu văn hóa thông qua chợ vùng biên có thể được xem là một đặc điểm riêng biệt của vùng này.

Chỉ ra những đặc điểm chính của khu vực biên giới Việt - Trung như trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng vùng biên không chỉ đơn thuần là nơi có đường biên giới chính trị phân định ranh giới giữa các quốc gia. Vùng biên có những đặc điểm lịch sử, kinh tế và văn hóa rất riêng biệt cần được khám phá. Trong tiềm thức của người dân nói chung, các nhà nghiên cứu nói riêng, vùng biên giới vẫn được hình dung như là nơi sơn cùng thủy tận, xa xôi hẻo lánh, như cái cách người ta vẫn định dạng là ―miền biên viễn‖. Trong lịch sử cổ trung đại, nhà nước phong kiến Trung Hoa thường xem các cư dân sống miền biên viễn là man di mọi rợ, khó cai trị. Tương tự như vậy, dưới thời phong kiến Việt Nam, các vua chúa cũng thường hình dung miền biên viễn là nơi lam sơn chướng khí, khó cai trị trực tiếp nên thường thu phục các tù trưởng địa phương để thực thi chiến lược bảo toàn lãnh thổ. Đối với cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc thời phong kiến, miền biên viễn cũng là nơi đầy ải tù nhân, nơi những người nổi dậy chống lại nhà nước phong kiến lẩn tránh sự truy lùng. Đây là nơi những nhân vật hoạt động xuyên biên giới nổi tiếng được biết đến trong lịch sử như Nùng Chí Cao, Lưu Vĩnh Phúc, và cũng là nơi ẩn tích của nhà Mạc. Vào thế kỷ 14, tể tướng nhà Trần là Phạm Sư Mạnh, trên đường tuần thú xứ Lạng, dừng chân trước Ải Chi Lăng, đã cảm thán về vùng biên trong bài Chi Lăng động bằng câu thơ:

Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề (Ải Chi Lăng hiểm trở tựa lên trời)

Dưới thời thực dân, các nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt cũng được lập ra ở vùng biên viễn nhằm đầy ải tù nhân và lao động khổ sai. Tuy nhiên, lịch sử dường như đã

đổi thay, vùng biên viễn hiểm trở ―tựa lên trời‖ khi xưa nay đang trở mình thành một khu vực kinh tế đầy năng động với các mối giao lưu kinh tế, văn hóa và xã hội xuyên biên giới, thu hút một lượng lớn cư dân ở nhiều nơi đến sinh cơ lập nghiệp. Sự hưng khởi của vùng biên không chỉ tạo nên những trung tâm kinh tế - xã hội năng động mà nó cũng làm thay đổi nhận thức về vùng biên trong đời sống xã hội của đất nước. Do đó, nghiên cứu những đổi thay đang diễn ra ở vùng biên có ý nghĩa quan trọng về nhận thức thực tế.

Về mặt lý luận khoa học, các tiếp cận học thuật trước đây thường chịu ảnh hưởng nặng nề của lý thuyết trung tâm và ngoại vi. Lý thuyết này cho rằng vùng biên viễn nói chung thuộc phạm trù ngoại vi. Vùng này chịu ảnh hưởng của khu vực trung tâm, nơi được xem là tạo ra những ảnh hưởng cả về văn hóa, kinh tế và chính trị đến vùng ngoại vi. Nói cách khác, lý luận này có xu hướng cho rằng cư dân vùng biên viễn không có năng động kinh tế - xã hội và họ phụ thuộc vào trung tâm. Theo quan điểm này, các nhà nghiên cứu ở cả Việt Nam và Trung Quốc thường cho rằng khu vực đóng đô, đồng thời là trung tâm hành chính, kinh tế của đất nước được xem là trung tâm còn các vùng xung quanh được coi là các vùng đệm và các vùng đệm này được khống chế bởi các vùng trung tâm bằng chính sách, mà sự hưng yếu của các quốc gia phụ thuộc vào lực khống chế của các trung tâm này (Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Tuấn Chung 1994:13). Tuy nhiên, những biến đổi nhanh chóng gần đây ở khu vực biên giới vốn bị coi là ngoại vi kia cho thấy khu vực này có những năng động kinh tế - xã hội và văn hóa riêng làm nền tảng cho phát triển của khu vực. Cách tiếp cận vùng biên viễn qua lăng kính trung tâm - ngoại vi dường như đã phủ định những năng động vốn có của cư dân địa phương. Mặt khác, nó có xu hướng xem xét các nền văn hóa của cư dân địa phương từ nhãn quan có thiên kiến chính trị trong giới hạn của đường biên giới chính trị của quốc gia. Thực ra, nhiều tộc người vùng biên viễn đã tạo ra được các trung tâm văn hóa riêng của họ, có lịch sử, bản sắc riêng và trung tâm này có thể không phụ thuộc vào sự chia cắt của đường biên giới quốc gia vốn hình thành muộn và không ổn định. Phân tích các năng động kinh tế xã hội của cư dân vùng biên và mối liên hệ của nó với trung tâm hành chính quốc gia có ý nghĩa quan trọng giúp khám phá sâu hơn mối quan hệ trung tâm - ngoại vi, những năng động và di động của cư dân vùng biên và những yếu tố nào, hướng nội hay hướng ngoại, đang chi phối nhận thức và làm nên khác biệt trong văn hóa ở vùng biên.

Gần đây xuất hiện một xu hướng mới xem xét vùng núi Đông Nam Á và Nam Trung Quốc như một khu vực ―phi nhà nước‖(non-state space) trong lịch sử mà họ gọi là ―Zomia‖ (Willem van Schendel, 2000). Thuật ngữ ―zomia‖ xuất xứ từ một phương ngữ vùng Ấn độ - Miến Điện. Theo đó ―zo‖ là tên gọi người dân địa phương dùng để chỉ vùng núi rộng lớn bao gồm vùng núi Bắc Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc, Bắc Thái lan, Miến Điện và Đông Bắc Ấn độ. Khu vực rộng lớn này có những đặc trưng khác biệt, trong đó cư dân thích ứng với lối sống và hệ canh tác nông nghiệp ở vùng núi, rất đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ nhưng có điểm chung là nhiều tộc người đến định cư ở khu vực này do phải trốn tránh sự bành chướng của các nhà nước dân tộc, nhất là chủ nghĩa bành chướng Đại Hán. Các cư dân này có xu hướng thiên về cố kết tộc người thay vì hội nhập vào quốc gia dân tộc mà mình đang sinh sống. Các nhà nghiên cứu như Michaud và Turner (2008) chẳng hạn, đã nhấn mạnh luận điểm cho rằng các tộc người xuyên biên giới, tiêu biểu như người Hmông, quan tâm nhiều hơn đến các mối liên hệ nội tộc của mình thay vì hội nhập sâu vào quốc gia dân tộc mà họ đang sinh sống. Phân tích của các nhà nghiên cứu này dường như đang cổ súy cho một cách nhìn khu vực biên giới như những dòng chảy năng động của dân số và xã hội thay vì nhìn nó như những rào cản. Nghiên cứu trường hợp vùng biên Việt - Trung sẽ góp phần tham gia trực tiếp vào cuộc thảo luận học thuật mới mẻ này.

Về mặt thực tiễn, vùng biên giới Việt – Trung là khu vực được nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này được xem là vấn đề sống còn trong chiến lược bảo vệ đất nước. Nghiên cứu các cư dân vùng biên giới, những năng động kinh tế xã hội và các mối quan hệ tộc người xuyên biên giới do đó có ý nghĩa đặc biệt góp phần vào quá trình xây dựng chiến lược phát triển vùng biên mà trong đó yếu tố con người phải được quan tâm đúng mức, phải là chủ thể của mọi chương trình phát triển ở khu vực này.


1.2. Trọng tâm nghiên cứu và Lịch sử vấn đề

1.2.1. Trọng tâm nghiên cứu

Luận văn này tập trung tìm hiểu một số vấn đề chính sau đây:

a) Quá trình hình thành và phát triển vùng biên Việt Trung.

b) Đặc điểm tộc người và những năng động kinh tế xã hội của cư dân vùng biên giới Việt - Trung, những khác biệt và tương đồng trong cách tiếp cận và phân loại tộc người ở vùng biên.

c) Các chương trình phát triển vùng biên của Việt Nam và Trung Quốc từ sau 1990 đến nay, nội dung, bản chất của các chương trình phát triển và tác động của nó tới các cộng đồng tộc người xuyên biên giới.

Tập trung vào ba vấn đề nêu trên, luận văn nhằm mục đích: 1) Cung cấp một cái nhìn lịch sử và so sánh về sự hình thành và phát triển khái niệm vùng biên và chiến lược phát triển vùng biên ở Việt Nam và Trung Quốc; 2) Phân tích đặc điểm tộc người và các mối quan hệ kinh tế xã hội xuyên biên giới của các cộng đồng cư dân địa phương, và xem họ như là động lực của quá trình xây dựng vùng biên phát triển bền vững; 3) Cung cấp một cái nhìn so sánh về chính sách và thực hành chính sách phát triển ở vùng biên từ sau 1990 trên cơ sở phân tích một số chương trình cụ thể.


1.2.2. Tổng quan về lịch sử của vấn đề nghiên cứu

Trong phần viết này, luận văn muốn điểm lại một cách hệ thống các nguồn tài liệu đã được công bố ở cả Việt Nam và Trung Quốc có liên quan đến vùng biên Việt - Trung trong nhiều thập kỷ qua để từ đó xác định hướng nghiên cứu của luận văn. Tôi tin rằng những tài liệu được khảo cứu trong phần viết này chưa thực sự đầy đủ nhưng chắc chắn nó phản ánh những xu hướng chủ yếu trong các quan tâm học thuật về khu vực biên giới Việt - Trung từ thời thực dân cho đến hiện nay.

Nhìn lại các nguồn tài liệu thảo luận về vùng biên giới Việt - Trung, ta thấy các nhà nghiên cứu đã quan tâm rất sớm đến phát triển và giao lưu kinh tế - xã hội ở khu vực này.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tích lũy và tạo ra nhiều tri thức về khu vực này ngay sau khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Các công trình nghiên cứu từ rất sớm như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đều dành những quan tâm đặc biệt giới thiệu về vùng biên giới Việt – Trung và các sắc dân địa phương, qua đó tạo ra một cái nhìn khái lược về tình hình biên giới cũng như cư dân ở đây nói chung.

Dưới thời thực dân, các nhà truyền giáo và thám hiểm, các sỹ quan đồn trú và các nhà khoa học được đào tạo bài bản đã thu thập nhiều thông tin về khu vực này và công bố nhiều công trình nghiên cứu có giá trị làm rõ thêm về lịch sử và đặc điểm văn hóa của các tộc người vùng núi phía Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Maurice

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/05/2022