Từ đó, tác giả cho rằng, không thể khẳng định tất cả các trường hợp gây thiệt hại do thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên phải chịu TNHS, nhưng cũng không thể loại trừ TNHS cho tất cả các trường hợp này mà phải rất giới hạn trong phạm vi hẹp thật sự cần thiết. Nếu không, chế định này sẽ trở thành cơ sở để hợp thức hóa các hành vi phạm tội, để “đùn đẩy” trách nhiệm và kết quả không ai phải chịu TNHS. Như vậy, vấn đề quan trọng là phải xác định phạm vi lĩnh vực có tính đặc thù mà trong đó có thể có tình tiết loại trừ TNHS “do thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên”.
Theo đó, tác giả hoàn toàn đồng tình với việc giới hạn chế định này chỉ trong lĩnh vực quốc phòng như Dự thảo BLHS đã khẳng định. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đặc biệt là khi thực hiện các hành vi phạm tội dù đó là theo mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thuộc lực lượng vũ trang có những nhiệm vụ do liên quan đến những vấn đề quan trọng về an ninh, quốc phòng của Quốc gia mà không phải ai cũng có thể nhận thức đúng được tính chất của nó và việc tuân thủ mệnh lệnh đối với những nhiệm vụ này có thể có tính tuyệt đối. Trong những trường hợp như vậy, không thể đặt vấn đề TNHS cho những người do phải tuân thủ nghiêm mệnh lệnh trong lĩnh vực quốc phòng khó có thể đánh giá được tính chất thực tế của mệnh lệnh mà đã gây thiệt hại cho xã hội. Với tinh thần đó, Điều 26 Dự thảo BLHS đã quy định:
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng , an ninh, nếu đã th ực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo nội dung của Điều luật trên, thì trường hợp loại trừ THHS do thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên đòi hỏi các điều kiện cụ thể sau:
- Lĩnh vực thi hành mệnh lệnh chỉ có thể trong lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó bao gồm lực lượng quân đội nhân dân (gồm: bộ đội chủ lực, bộ
67
đội biên phòng, bộ đội địa phương) và công an nhân dân(gồm: an ninh nhân dân và lực lượng Cảnh sát nhân dân);
- Nhiệm vụ mà mệnh lệnh hướng tới phải là các nhiệm vụ về an ninh hoặc về quốc phòng. Những nhiệm vụ khác được thực hiện trong lực lượng vũ trang nhân dân không thuộc phạm vi điều chỉnh của chế định này;
- Người ra mệnh lệnh phải là người chỉ huy hoặc cấp trên của người thi hành mệnh lệnh. Trong đó, người chỉ huy được hiểu là “người được cử làm” “điều kiển sự hoạt động của một lực lượng, một tập thể” [23, tr.153] trong lực lượng vũ trang nhân dân.
- Người thi hành mệnh lệnh khi thấy mệnh lệnh có “vấn đề” đã báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên theo đúng các quy trình một cách đầy đủ và vẫn nhận được lệnh phải thực hiện.
Có thể bạn quan tâm!
- Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự Do Tình Thế Cấp Thiết
- Đánh Giá Các Tình Tiết Loại Trừ Tnhs Trong Blhs Việt Nam
- Bổ Sung Quy Định Về Các Tình Tiết Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự Khác
- Các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự trong Luật hình sự Việt Nam - 11
Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.
Chỉ khi tất cả các điều kiện trên đây thỏa mãn thì hành vi gây thiệt hại do thi hành mệnh lệnh mới được coi là hợp pháp và không bị coi là tội phạm. Nếu một trong các điều kiện trên không thỏa mãn thì hành vi gây thiệt hại này bị coi là không hợp pháp và chủ thể thực hiện phải chịu TNHS.
Tóm lại, việc bổ sung thêm ba tình tiết loại trừ TNHS vào BLHS hoàn toàn phù hợp với lý luận và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Như vậy, BLHS có năm tình tiết loại trừ TNHS được thể hiện tại năm điều luật. Các tình tiết này được quy định trong BLHS sẽ là căn cứ hợp pháp của hành vi tuy gây thiệt hại cho xã hội nhưng được chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Hiện nay, Dự thảo BLHS (sửa đổi) đang xếp năm tình tiết này cùng với hai trường hợp khác là “sự kiện bất ngờ” và “tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” trong một chương riêng. Tác giả cho rằng, việc sắp xếp này không hợp lý. Nên chăng, gộp năm tình tiết loại trừ TNHS thành một mục với tên gọi “các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự” trong chương Tội phạm hoặc có thể giữ nguyên vị trí của hai tình tiết loại trừ TNHS đã có là PVCĐ và TTCT và bổ sung ba tình tiết loại trừ TNHS mới tiếp theo hai tiết loại trừ trách nhiệm hình sự đã có.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Hoàn thiện PLHS nói chung và các tình tiết loại trừ TNHS nói riêng xuất phát từ yêu cầu khách quan. Quy định về các tình tiết loại trừ TNHS trong BLHS hiện hành còn tương đối hẹp, nhiều tình tiết khác có cùng tính chất với tình tiết PVCĐ và TTCT chưa được BLHS ghi nhận. Bên cạnh đó, quy định về phòng vệ chính đáng cũng còn hạn chế do chưa thật cụ thể, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng áp dụng chế định này còn có sai sót.
Theo đó, việc hoàn thiện quy định của BLHS về các tình tiết loại trừ TNHS cần theo hướng hoàn thiện quy định về tình tiết PVCĐ và bổ sung quy định về một số tình tiết loại trừ TNHS khác xét thấy cần thiết trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Cụ thể là: BLHS bổ sung nội dung làm rõ hơn dấu hiệu “cần thiết” khi mô tả PVCĐ cũng như khi mô tả trường hợp vượt quá giới hạn PVCĐ; liệt kê các trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng. Bên cạnh đó, các tình tiết loại trừ TNHS khác cần được quy định bổ sung trong BLHS là: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc của cấp trên.
Việc bổ sung thêm ba tình tiết loại trừ TNHS vào BLHS như Dự thảo BLHS hoàn toàn phù hợp với lý luận và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam. Như vậy, BLHS có năm tình tiết loại trừ TNHS được thể hiện tại năm điều luật, và có thể gộp chúng thành một mục với tên gọi “các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự” trong chương Tội phạm, hoặc cũng có thể bổ sung ba tình tiết loại trừ TNHS mới tiếp hai tình tiết loại trừ TNHS đã có là PVCĐ và TTCT. Các tình tiết này được quy định trong BLHS sẽ là căn cứ hợp pháp của hành vi tuy gây thiệt hại cho xã hội nhưng được chấp nhận vì những lý do khác nhau, cho nên người thực hiện hành vi gây thiệt hại được loại trừ TNHS.
KẾT LUẬN
Qua việc nghiên cứu các tình tiết loại trừ TNHS trong luật hình sự Việt Nam, tác giả rút ra một số kết luận chủ yếu sau:
1. Các tình tiết loại trừ TNHS có những đặc điểm cơ bản là: luôn gắn với hành vi gây thiệt hại có dấu hiệu về hình thức của một tội phạm; là tình tiết làm cho hành vi gây thiệt hại mất tính nguy hiểm của một tội phạm; là tình tiết được quy định trong luật hình sự.
2. Trên sự tổng hợp các quan điểm về các tình tiết loại trừ TNHS trong khoa học luật hình sự và từ việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm, bản chất pháp lý của các tình tiết loại trừ TNHS, tác giả đã đưa ra khái niệm về các tình tiết loại trừ TNHS như sau: Các tình tiết loại trừ TNHS là các tình tiết được luật hình sự quy định mà khi có một trong những tình tiết đó thì người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại có dấu hiệu của tội phạm được loại trừ TNHS vì hành vi của họ không có tính nguy hiểm của tội phạm.
3. Việc quy định các tình tiết loại trừ TNHS xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của PLHS và yêu cầu của xã hội. Với thực trạng tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, trước yêu cầu đổi mới và phát triển không ngừng của xã hội, PLHS cần có những quy định cụ thể về các tình tiết loại trừ TNHS, tạo cơ sở pháp lý cho người dân thực hiện quyền được hành động vì lợi ích chung của toàn xã hội. Việc quy định các tình tiết loại trừ TNHS trong PLHS thể hiện nguyên tắc pháp chế trong xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật.
4. Từ việc nghiên cứu đặc điểm, bản chất pháp lý của các tình tiết loại trừ TNHS, phân biệt với các loại trường hợp không có TNHS và miễn TNHS, tác giả xác định phạm vi các tình tiết loại trừ TNHS bao gồm: phòng vệ; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro (trong nghiên cứu, thử nghiệm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật); thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên; gây thiệt hại do bị cưỡng bức.
5. Tác giả đã phân biệt các tình tiết loại trừ TNHS với những trường hợp không có TNHS và miễn TNHS, chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa các loại trường hợp này. Theo đó, những trường không có TNHS là những trường hợp được luật hình sự quy định mà khi thiếu một trong các dấu hiệu của tội phạm (có thể là dấu hiệu về chủ thể, hoặc dấu hiệu về lỗi) thì người thực hiện hành vi gây thiệt hại không phải là tội phạm và không phải chịu TNHS. Miễn TNHS lại là trường hợp được luật hình sự quy định mà khi có những điều kiện nhất định và xét thấy không cần thiết phải truy cứu TNHS đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội.
6. Nghiên cứu các tình tiết loại trừ TNHS trong lịch sử lập pháp Việt Nam cho thấy quy định về các tình tiết này xuất hiện khá sớm trong các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Bản tổng kết của của TANDTC từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hai tình tiết phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết được ghi nhận chính thức trong BLHS năm 1985 và được hoàn thiện hơn trong BLHS năm 1999.
7. Luận văn tiến hành nghiên cứu đặc điểm của hai tình tiết loại trừ TNHS được quy định trong BLHS Việt Nam hiện hành: phòng vệ chính đáng (Điều 15) và tính thế cấp thiết (Điều 16). Theo đó, điều kiện để loại trừ TNHS khi có hai tình tiết trên là: điều kiện về cơ sở phát sinh quyền PVCĐ và hành động trong TTCT; điều kiện về nội dung và phạm vi của quyền PVCĐ và hành động trong TTCT.
8. Nghiên cứu cho thấy vẫn còn có một số hạn chế và bất cập nhất định trong thực tiễn áp dụng pháp luật về các tình tiết loại trừ TNHS. Sự tồn tại và hạn chế đó là do những nguyên nhân từ sự chưa hoàn thiện của các quy định về các tình tiết loại trừ TNHS trong PLHS, từ sự giải thích, hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ, kịp thời, đến năng lực, trình độ chuyên môn và ý thức pháp luật của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn có những yếu kém nhất định…
9. Tiếp tục hoàn thiện quy định về các tình tiết loại trừ TNHS trong PLHS là yêu cầu khách quan. Để hoàn thiện pháp luật thực định nói chung và quy định về các tình tiết loại trừ TNHS nói riêng, tác giả luận văn đề xuất một số giải pháp như: Sửa đổi, bổ sung một số tồn tại trong luật thực định quy định về chế định phòng vệ chính đáng và bổ sung một số tình tiết loại trừ TNHS như gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Tiếng Việt
1. Bản án hình sự sơ thẩm số 89/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.
2. Bản án hình sự sơ thẩm số 134/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An
3. Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
4. Bộ Tư pháp (2000), “Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam (năm 1985 &1999)”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Hà Nội (3).
5. Bộ tư pháp (2012), Đề cương định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự số 7724/ĐC – BSTBLHS (SĐ) ngày 24-9-2012 của Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Hà Nội.
6. Bộ Tư pháp (2014), Đề tài nghiên cứu Xây dựng và chuẩn hóa các thuật ngữ luật hình sự phục vụ việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật hình sự Việt Nam, nghiệm thu ngày 13/12/2014, Hà Nội.
7. Bộ tư pháp (2015), Dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự, số 6 ngày 15/7/2015, Bản lấy ý kiến toàn dân, Hà Nội.
8. Lê Văn Cảm (2005), Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, Hà Nội.
9. Lê Văn Cảm (chủ biên) (2003), Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
10. Lê Cảm (2001), “Chế định các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi (những vấn đề cơ bản về khái niệm, hệ thống và bản chất pháp lí)”, Tạp chí Luật học, (4).
11. Nguyễn Ngọc Chí (1999), “Về chế định loại trừ trách nhiệm hình sự”,
Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
12. Chính phủ (2014), Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22/3/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Hà Nội.
13. Nguyễn Hương Giang (2011), Tình thế cấp thiết trong luật hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
14. Nguyễn Ngọc Hòa (1991), Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
15. Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
16. Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Thị Sơn (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
17. Nguyễn Ngọc Hòa (2002), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
18. Nguyễn Ngọc Hòa (2012), “Vấn đề thi hành công vụ và chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (2).
19. Hoàng Văn Hùng (1999), Những tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi trong luật hình sự Việt Nam, Luận án thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
20. Phạm Quốc Hưng (2001), Phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
21. Phạm Quang Huy (2002), Ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
22. Nguyễn Tuyết Mai (2014), “Hoàn thiện chế định loại trừ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (2).
23. Hoàng Phê (chủ biên) (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
24. Đinh Văn Quế (1998), Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
25. Quốc hội (1986), Bộ luật hình sự, Hà Nội.
26. Quốc hội (1999), Bộ luật hình sự, Hà Nội.
27. Quốc hội (2009), Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội.