Các hình thức đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang - 5

biệt của tội giết người. Thông tư số 442/TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng chính phủ quy định: "Cố ý giết người: phạt tù từ 5 năm đến 20 năm, nếu có trường hợp nhẹ thì có thể hạ xuống đến 1 năm, giết có dự mưu có thể phạt đến tử hình" [4, tr. 135].

Tình tiết có dự mưu được áp dụng đối với cả trường hợp phạm tội riêng lẻ và trường hợp đồng phạm. Trong trường hợp đồng phạm giết người có dự mưu, nói cách khác, đồng phạm giết người có thông mưu trước, thì phải coi đây là tình tiết tăng nặng đặc biệt của tội giết người.

Tổng kết thực tiễn xét xử, tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra khái niệm giết người có dự mưu "trước hết phải có ý định giết người từ trước khi giết và đã có sự chuẩn bị hoặc ít nhất là có kế hoạch để thực hiện ý định đó" [38, tr. 340].

Các sách pháp lý nước ta cũng đưa ra khái niệm: "Đồng phạm có thông mưu trước là hình thức đồng phạm, trong đó những người đồng phạm có sự thỏa thuận, bàn bạc trước với nhau về tội phạm cùng thực hiện" [46, tr. 141].

Sự bàn bạc, thỏa thuận trước giữa những người đồng phạm về tội phạm cùng thực hiện có thể diễn ra ngay trước khi bắt tay vào việc thực hiện tội phạm hoặc ở một thời điểm cách xa thời điểm thực hiện tội phạm. Sự thỏa thuận, bàn bạc trước đó có thể chỉ liên quan đến một số khía cạnh cụ thể của việc thực hiện tội phạm hay che dấu tội phạm mà không nhất thiết phải thỏa thuận về toàn bộ hoạt động phạm tội. Sự thông mưu trước cũng có thể rất chi tiết, cụ thể, nói lên mức độ phối hợp cao giữa những người đồng phạm trong việc cùng tham gia thực hiện tội phạm. Cũng có thể có những trường hợp, những người đồng phạm không chỉ thỏa thuận, bàn bạc trước về một tội phạm nguy hiểm cho xã hội của một số nhóm tội phạm, loại tội phạm.

Như vậy có thể hiểu, đồng phạm có thông mưu trước là hình thức phạm tội, trong đó những người đồng phạm có sự thỏa thuận, bàn bạc trước với nhau về hoạt động phạm tội chung trước khi thực hiện tội phạm.

* Phạm tội có tổ chức và vấn đề tổ chức tội phạm

Trong các hình thức đồng phạm có thông mưu trước, phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có thông mưu trước đặc biệt. Bên cạnh đặc điểm những người đồng phạm phải có sự thỏa thuận, bàn bạc với nhau về hoạt động phạm tội chung trước khi thực hiện tội phạm, phạm tội có tổ chức đòi hỏi mối quan hệ giữa những người đồng phạm phải là mối quan hệ có tổ chức. Cấp độ tổ chức càng chặt chẽ, càng mang tính hệ thống, thì mức độ tính nguy hiểm của đồng phạm có tổ chức càng cao.

Phạm tội có tổ chức lần đầu tiên được đề cập đến trong Thông tư số 442-TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng Chính phủ với các tên gọi "Cướp đường hay trộm có tổ chức, "đánh bị thương có tổ chức" [38, tr. 135].

Nhưng thế nào là "có tổ chức" thì Thông tư này không giải thích, mặc dù tình tiết có tổ chức được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của các tội trên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân tuy có đề cập đến phạm tội có tổ chức nhưng đều không quy định khái niệm về nó. Phạm tội có tổ chức chỉ mới được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của 9 tội phạm trong Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN và 7 tội phạm trong Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân.

Dự thảo Thông tư ngày 16/3/1973 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an hướng dẫn thống nhất về nhận thức về hai Pháp lệnh trên đã đưa ra khái niệm phạm tội có tổ chức:

Các hình thức đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang - 5

Phải xuất phát từ đặc điểm tình hình tội phạm ở nước ta mà hiểu thế nào là phạm tội có tổ chức. Đây là một hình thức cộng phạm của hai hay nhiều người:

- Trong đó có một hoặc một số tên cầm đầu, hoặc một số tên đóng vai trò chủ chốt, cùng nhau bàn bạc trước về việc thực hiện một hoặc nhiều tội phạm nào đó, thủ đoạn phạm tội thường là tinh vi, xảo quyệt, vai trò của từng tên phân công giữa bọn chúng trong nhiều trường hợp có thể không dứt khoát, rõ ràng.

- Hoặc lợi dụng hay núp dưới danh nghĩa một tổ chức công khai để bàn bạc nhau về việc thực hiện tội phạm; hoặc có khi chúng không bàn bạc nhau trước, nhưng do quan hệ công tác hàng ngày nên hiểu ý đồ nhau rồi cùng hành động phạm tội, mặc nhiên cấu kết nhau chặt chẽ [38, tr. 239].

Trong dự thảo thông tư này, hình thức phạm tội có tổ chức được phân biệt với hình thức cộng phạm thông thường ở 3 điểm: hình thức cộng phạm thông thường không có sự bàn bạc, phân công chặt chẽ trước; không có vai trò cầm đầu hoặc chủ chốt; thủ đoạn phạm tội đơn giản. Có thể nhận xét, khái niệm trên chưa mang tính khái quát cao, chưa đề ra được các đặc trưng của phạm tội có tổ chức.

Ở nước ta, BLHS 1985 tại khoản 3 Điều 17 cũng như BLHS 1999 tại khoản 3 Điều 20 quy định: "Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Tình tiết phạm tội có tổ chức không những được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 39 BLHS 1985, Điều 48 BLHS 1999, mà còn được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại nhiều điều luật.

Việc BLHS 1985, BLHS 1999 quy định khái niệm phạm tội có tổ chức, đồng thời xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hình thức đồng phạm đặc biệt này, đánh dấu bước trưởng thành về kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn trừu tượng do tính chất định tính của cụm từ "câu kết chặt chẽ", cho nên Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối

cao tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988 hướng dẫn, bổ sung Nghị quyết số 02/ HĐTP ngày 5/01/1986 đã giải thích:

Phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây:

a) Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: Đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.

b) Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…

c) Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm v.v… [39, tr. 76].

Tình tiết phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình

phạt cũng đã được bổ sung vào các điều luật mới qua các lần sửa đổi, bổ sung BLHS 1985. Bộ luật này khi mới ban hành chỉ có 29 điều luật quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Lần sửa đổi, bổ sung BLHS 1989 đã bổ sung Điều 96a, trong đó tình tiết phạm tội có tổ chức được quy định tại điểm a khoản 2 của điều này. Lần sửa đổi, bổ sung BLHS 1991, số lượng tình tiết phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt không thay đổi, nhưng đến lần bổ sung, sửa đổi năm 1997, phạm tội có tổ chức đã trở thành tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của nhiều tội hơn. Ngoài 10 điều luật (Điều 185a,b,c,d,e,g,h,m,n) là các điều thay thế điều 96a của BLHS sửa đổi năm 1989, còn có 7 điều mới quy khác quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (Điều 112a, Điều 133, Điều 134a, Điều 137a, Điều 156, Điều 221a, Điều 228a). Như vậy, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 1997, có tổng cộng 49 điều luật quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Trong một số điều luật cũng có sự sửa đổi về vị trí của tình tiết phạm tội có tổ chức như tình tiết có tổ chức được tách thành một tình tiết riêng quy định ở điểm a khoản 2 Điều 112; tình tiết có tổ chức từ chỗ được quy định từ điểm c khoản 2 Điều 224 trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 1992,được quy định thành tình tiết đầu tiên (điểm a) của khoản 2 Điều này. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tình tiết phạm tội có tổ chức được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của 76 điều luật. So với Bộ luật Hình sự năm 1985 với bốn lần sửa đổi vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, 14 điều luật quy định tội phạm mới đã đưa phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng khung hình phạt (Điều 118, 127, 158, 170, 171,

189, 190, 226, 233, 251, 266, 267, 268, 280).

Thứ hai, bổ sung phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng định khung

hình phạt của 19 điều luật quy định các tội phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự năm 1985 (Điều 104, 122, 123, 124, 125, 126, 135, 140, 143, 164,

165, 176, 221, 245, 254, 255, 283, 290, 306).

Thứ ba, tình tiết phạm tội có tổ chức từ chỗ được quy định chung trong cùng một điểm với tình tiết có tính chất chuyên nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được tách riêng quy định tại điểm a khoản 2 của 9 điều luật (Điều 120, 133, 134, 136, 138, 153, 156, 160, 250)

Mặc dù khái niệm phạm tội có tổ chức đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng về mặt lý luận còn có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất pháp lý của khái niệm này. Do luật hình sự của các nước trên thế giới quan niệm về vấn đề này khác về chất so với luật hình sự của nước ta ngay ở tên gọi của khái niệm như Bộ luật Hình sự Cộng hòa Pháp gọi là băng có tổ chức, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga gọi là nhóm có tổ chức mà băng, nhóm là chủ ngữ khác hẳn với phạm tội chỉ đóng vai trò là vị ngữ. Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số quan điểm còn khác nhau xung quanh khái niệm phạm tội có tổ chức ở nước ta.

Loại quan điểm thứ nhất cho rằng, phạm tội có tổ chức dứt khoát phải là hình thức đồng phạm phức tạp, tức là phải có sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu giữa những người phạm tội đều có vai trò thực hiện tội phạm như nhau thì đó là đồng phạm giản đơn chứ không phải là phạm tội có tổ chức.

Quan điểm này sai lầm ở chỗ, đã tuyệt đối hóa một mặt của vấn đề được nghiên cứu, đó là vai trò của những người đồng phạm. Thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, sự phân công vai trò khác nhau giữa những người đồng phạm tuy là dấu hiệu phổ biến của hình thức phạm tội có tổ chức nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc, dấu hiệu duy nhất. Vì vậy, vẫn có những trường hợp phạm tội có tổ chức, mà trong đó những người đồng phạm không những cấu

kết chặt chẽ về ý thức phạm tội, mà còn có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau khi thực hiện tội phạm nhưng khi thực hiện tội phạm thì mỗi người đều là người thực hành mà không có người tổ chức, người xúi giục hoặc là người giúp sức với vai trò rõ ràng, cụ thể.

Ví dụ: bản án số 159/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh T.B. Đã kết luận Bùi Văn H và Trương Văn L đồng phạm tôi trộm cắp tài sản với tình tiết phạm tội có tổ chức bởi lẽ: Bùi Văn H và Trương Văn L đều là phạm nhân quen biết nhau trong trại giam. Sau khi ra trại, L đến nhà H và chúng cùng nhau thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản của công dân.

Loại quan điểm thứ hai cho rằng, ở hình thức phạm tội có tổ chức, những người đồng phạm phải phạm nhiều tội hoặc phạm một tội, nhưng nhiều lần và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong một thời gian dài. Theo quan điểm này, phạm vi những vụ đồng phạm được xác định là phạm tội có tổ chức sẽ quá thu hẹp vì chỉ có một số ít các tổ chức chống chính quyền nhân dân, tổ chức phạm tội khác mới thỏa mãn được điều kiện này. Nếu thực hiện theo quan điểm này, công tác điều tra, truy tố, xét xử sẽ nương nhẹ nhiều trường hợp có đầy đủ căn cứ để xác định là hình thức đồng phạm đặc biệt, có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, vì vậy sẽ giảm hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm được thực hiện bằng đồng phạm nói riêng.

Loại quan điểm thứ ba, đồng nhất khái niệm phạm tội có tổ chức với đồng phạm có thông mưu trước. Loại quan điểm này sai lầm ở chỗ đã đồng nhất giữa cái chung là đồng phạm có thông mưu trước với cái riêng là hình thức phạm tội có tổ chức. Thực ra, đồng phạm có thông mưu trước và hình thức đồng phạm có tổ chức là hai khái niệm thống nhất nhưng không đồng nhất: phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có thông mưu trước nhưng kèm theo nó là những dấu hiệu đặc trưng khác. Theo logic hình thức thì ngoại

diên của khái niệm phạm tội có tổ chức nằm trong ngoại diên của khái niệm đồng phạm có thông mưu trước. Xét về mức độ tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn đồng phạm có thông mưu trước.

Một vấn đề đáng chú ý khác là cần phân biệt khái niệm phạm tội có tổ chức với khái niệm các tội phạm cụ thể có sử dụng cụm từ tổ chức được quy định trong BLHS: tội tổ chức tảo hôn, tội tổ chức đánh bạc... Khái niệm phạm tội có tổ chức khác với khái niệm các tội phạm có sử dụng cụm từ tổ chức nói trên như sau:

Thứ nhất, phạm tội có tổ chức là trường hợp đồng phạm đặc biệt có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng tham gia thực hiện tội phạm, còn đối với các tội phạm có sử dụng cụm từ “tổ chức”, hành vi tổ chức người khác thực hiện hành vi phạm pháp cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS.

Thứ hai, một trong những điều kiện bắt buộc của phạm tội có tổ chức là số người phạm tội phải từ hai trở lên, trong khi đối với các tội phạm có cụm từ tổ chức, không nhất thiết phải có điều kiện này. Chỉ cần một người có hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể có sử dụng cụm từ tổ chức là có thể phạm tội này.

Thứ ba, việc xác định trách nhiệm hình sự đối với phạm tội có tổ chức phải căn cứ vào điều luật cụ thể quy định tội phạm, mà những người đồng phạm tham gia thực hiện và điều luật quy định chế định đồng phạm, trong khi đó việc xác định trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội cụ thể có sử dụng cụm từ có tổ chức chỉ cần căn cứ vào điều luật cụ thể quy định tội phạm đó.

Thứ tư, trong trường hợp phạm tội có tổ chức, những người đồng phạm cùng phạm một tội; đối với tội phạm có sử dụng cụm từ có tổ chức, thì chỉ người có hành vi tổ chức người khác thực hiện hành vi phạm pháp là phạm tội này, còn người thực hiện hành vi phạm pháp hoặc chỉ vi phạm pháp luật hành chính hoặc nếu phạm tội thì là phạm tội khác như tội đánh bạc,...

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 05/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí