Các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay - 2

mọi đối tượng tham gia bảo hiểm, không chỉ có ở bên được bảo hiểm mà còn có ở bên bảo hiểm hay cao hơn nữa là sự câu kết giữa các bên để trục lợi, theo thống kê cho thấy có 90% các vụ trục lợi có “chân trong”[20], hay nói cách khác là sự tiếp tay của các cán bộ, công nhân viên trong ngành và ĐLBH. Những hành vi này đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế. Theo Cục quản lý, giám sát hảo hiểm, trong giai đoạn 2007 - 2013, thị trường BHNT có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền bị trục lợi ước tính 530 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 vụ TLBH được phát hiện[20]. Như vậy, có thể thấy rằng tình trạng TLBH đặc biệt là BHNT ở Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng rất cần thiết phải được kiểm soát và ngăn chặn.

Chính vì lẽ đó, tác giả đã quyết định chọn đề tài luận văn thạc sĩ: “Các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay”.

2. Tình hình nghiên cứu


Nghiên cứu về Pháp luật kinh doanh BHNT nói chung, các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT nói riêng là một vấn đề còn khá mới mẻ về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Vì vậy, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này gần như chưa có nhiều.

Về vấn đề Pháp luật kinh doanh BHNT, có thể thấy việc giảng dạy về BHNT ở các trường đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính và luật ở Việt Nam mới chỉ ở bước đầu bằng việc cung cấp những kiến thức cơ bản. Năm 2001, Nhà xuất bản Thống kê cho tái bản lần thứ nhất cuốn “Một số điều cần biết về pháp lý trong KDBH” của GS.TSKH. Trương Mộc Lâm và Lưu Nguyên Khánh. Trong lần tái bản này, cuốn sách đã bước đầu đề cập những nguyên tắc pháp lý trong kinh doanh BHNT và đây có thể coi là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam về vấn đề này. Ngoài ra, còn có một số công trình

nghiên cứu liên quan như: Nguyễn Anh Tố “Một số vấn đề pháp lý về HĐBH”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2001; Thái Văn Cách “Thực trạng pháp luật về KDBH, phương hướng hoàn thiện”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2001; Vương Việt Đức “HĐBH tài sản”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, 2003; Phí Thị Quỳnh Nga “Pháp luật về giao dịch BHNT ở Việt Nam”, 2006; Trịnh Thị Bích Thủy “BHNT theo pháp luật Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ Luật kinh tế, 2014… Bên cạnh đó, một loạt bài viết của tác giả Trần Vũ Hải và đặc biệt là Luận án tiến sĩ của NCS Trần Vũ Hải “Pháp luật về kinh doanh BHNT ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội, 2013. Đây là công trình chuyên khảo xây dựng hệ thống lý luận về pháp luật kinh doanh BHNT cũng như đánh giá tương đối toàn diện thực trạng pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực này, đóng góp những căn cứ khoa học cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh doanh BHNT ở Việt Nam. Đồng thời đóng góp vào hệ thống kiến thức pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước, DNBH và người tham gia bảo hiểm áp dụng các quy định của pháp luật một cách hiệu quả.

Như vậy, nhìn một cách tổng quát, khoa học pháp lý nước ta hiện nay, việc nghiên cứu chuyên sâu về bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng đã bắt đầu được chú trọng. Tuy nhiên, đề cập tới vấn đề TLBH và hạn chế TLBH, có thể kể đến tài liệu kỷ yếu hội thảo của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm và HHBH Việt Nam trong những năm gần đây và bài viết của PGS,TS Doãn Hồng Nhung “Một số ý kiến hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa, ngăn chặn TLBH trong KDBH ở Việt Nam”... Điều đó cho thấy, những công trình nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Chính vì vậy, với mong muốn tìm hiểu cụ thể về các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT và thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp lý hạn chế trục

lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của Luận văn


Các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay - 2

3.1.Mục đích nghiên cứu


Trên cơ sở nghiên cứu các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay, luận văn đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp lý hạn chế trục lợi BHNT.

3.2. Nhiệm vụ của Luận văn


Để thực hiện được mục đích trên, luận văn đặt ra các nhiệm vụ:


- Phân tích để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT, pháp luật điều chỉnh về trục lợi BHNT và kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về TLBH ở một số nước và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

- Tìm hiểu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về thực tiễn áp dụng các biện pháp hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay.

- Từ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT luận văn đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận văn


Đối tượng nghiên cứu: Các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam

Phạm vi nghiên cứu: lĩnh vực BHNT ở Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện luận văn này, người viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với tính chất và yêu cầu của đề tài như phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích, phương pháp liệt kê, phương pháp so sánh, phương pháp chứng minh và phương pháp duy vật biện chứng....

6. Điểm mới của Luận văn

Thứ nhất, luận văn đã khái quát một cách hệ thống những vấn đề lý luận chung về trục lợi BHNT, biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT, khái quát pháp luật điều chỉnh trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về trục lợi BHNT ở một số nước và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Thứ hai, luận văn chỉ ra được thực trạng trục lợi BHNT. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, trên cơ sở thực tiễn áp dụng các biện pháp hạn chế trục lợi BHNT, luận văn đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay.

7. Kết cấu Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Lý luận chung về biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT và khái quát pháp luật điều chỉnh về trục lợi BHNT

Chương 2: Thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay

Chương 3: Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi BHNT ở Việt Nam hiện nay.

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ BIỆN PHÁP PHÁP LÝ HẠN CHẾ TRỤC LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH VỀ TRỤC LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

1.1. Lý luận chung về biện pháp pháp lý hạn chế trục lợi bảo hiểm nhân thọ


1.1.1. Khái quát về bảo hiểm nhân thọ


Năm 1762, Công ty BHNT đầu tiên trên thế giới được thành lập ở nước Anh, tên là Equitable. Sau đó đến Pháp, là nước thứ hai cho phép BHNT được hoạt động. Vào năm 1787 công ty BHNT đầu tiên tại Pháp được thành lập mang tên là Công ty BHNT Hoàng gia, sau đó một thời gian ở các nước Châu Âu khác cũng dần dần xuất hiện BHNT. Ở Châu Á, công ty BHNT lần đầu tiên được ra đời ở Nhật Bản, đó là công ty BHNT Meiji đã ra đời và đi vào hoạt động năm 1868[12].

Theo thời gian, BHNT phát triển và trở thành một ngành dịch vụ tài chính, với nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau mà tiện ích cơ bản của nó là mang tính tiết kiệm và trợ giúp khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với người mua bảo hiểm.

Theo tài liệu của Viện Quản lý BHNT Hoa Kỳ (LOMA) nêu định nghĩa BHNT như một loại hình bảo hiểm trả tiền khi phát sinh cái chết của người được bảo hiểm. Trên phương diện pháp lý, BHNT là một thể loại bảo hiểm, trong đó để nhận được phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm thông qua một hợp đồng, nhà bảo hiểm cam kết sẽ trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng bảo hiểm một số tiền nhất định hoặc những khoản trợ cấp nhất định trong trường hợp người được bảo hiểm bị tử vong hoặc người được bảo hiểm sống đến một thời điểm đã được chỉ rõ trong hợp đồng. Trên

phương diện kỹ thuật, BHNT là một nghiệp vụ bao hàm những cam kết mà việc thực hiện những cam kết này phụ thuộc vào tuổi thọ của con người[38].

Có hai loại cam kết chủ yếu trong BHNT, đó là cam kết đóng phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc trả trợ cấp định kỳ của DNBH. Do thời hạn HĐBH trong BHNT kéo dài nhiều năm nên người tham gia bảo hiểm thường cam kết đóng phí làm nhiều lần. Thông thường, nếu người tham gia bảo hiểm bị chết trước khi hoàn thành nghĩa vụ đóng phí cho cả hợp đồng thì cam kết đóng phí những lần còn lại sẽ chấm dứt, nghĩa là không có ai trong phía bên mua bảo hiểm phải đóng thay họ. Khi người được bảo hiểm bị chết hoặc còn sống đến một thời điểm nhất định đã chỉ rõ trong HĐBH, DNBH phải thực hiện cam kết của mình, trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng một khoản tiền nhất định hoặc những khoản trợ cấp. Như vậy, có thể nhận thấy BHNT được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau:

Dưới góc độ kinh tế, theo Ngô Trung Dũng định nghĩa: “BHNT là sự bảo vệ trường hợp tử vong của một người bằng hình thức trả tiền cho người thụ hưởng - thường là thành viên của gia đình, doanh nghiệp hoặc tổ chức. Bằng cách đổi một loạt các khoản phí bảo hiểm hoặc thanh toán phí bảo hiểm một lần khi người được bảo hiểm chết, STBH (và bất kỳ STBH bổ sung nào được kèm theo đơn bảo hiểm) trừ đi khoản vay chưa trả theo HĐBH và khoản lãi cho vay, sẽ được trả cho người thụ hưởng. Những khoản trợ cấp trả khi còn sống cho người được bảo hiểm dưới hình thức giá trị giải ước hoặc các khoản trợ cấp thu nhập”[11].

Theo Nguyễn Tiến Hùng định nghĩa: “BHNT là một nghiệp vụ qua đó để nhận được phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm (kí kết hợp đồng), người bảo hiểm cam kết sẽ trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng bảo hiểm

một số tiền nhất định (trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong) hoặc trả người được bảo hiểm khi họ sống đến một thời điểm đã được ghi rõ trên hợp đồng”[18].

Theo Nguyễn Thị Hải Đường định nghĩa: “BHNT là những hình thức bảo hiểm rủi ro liên quan đến sinh mạng, cuộc sống và tuổi thọ của người được bảo hiểm”[15]. Định nghĩa này tuy rộng và khái quát, nhưng lại gắn chặt nghiệp vụ BHNT với rủi ro, mà chưa đề cập đến tính tiết kiệm trong các sản phẩm BHNT.

Dưới góc độ luật học, Luật KDBH định nghĩa: "BHNT là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết"[27]. Định nghĩa này mặc dù đã khái quát được về sự kiện bảo hiểm là sống hoặc chết nhưng có nhiều hạn chế như chưa làm rõ được đối tượng bảo hiểm cũng như sự kiện bảo hiểm thực sự là gì, cũng như định nghĩa BHNT của Nguyễn Thị Hải Đường chưa nêu được đặc trưng phổ biến của hầu hết các sản phẩm BHNT là tính tiết kiệm đối với người tham gia bảo hiểm.

Những định nghĩa trên đây tuy được trình bày khác nhau, nhưng đều thể hiện những đặc trưng nổi bật của BHNT, đó là:

- BHNT là một nghiệp vụ bảo hiểm thương mại, hay nói cách khác là loại hình kinh doanh thu lợi nhuận (phân biệt với các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội của Nhà nước).

- BHNT có tính đa mục đích, có thể được sử dụng để áp ứng nhiều mục đích khác nhau tùy theo nhu cầu của khách hàng. Do vậy, sản phẩm BHNT thường rất đa dạng (mỗi sản phẩm chỉ đáp ứng được một hoặc một vài nhu cầu) và hoạt động tiếp thị sản phẩm này phải mang tính năng động và linh hoạt cao.

- BHNT là loại hình bảo hiểm duy nhất cho phép bảo hiểm cho hai sự kiện trái ngược nhau là sống và chết. Điều này cũng có nghĩa là, trong hầu hết trường hợp, việc DNBH phải trả tiền với một hợp đồng BHNT là chắc chắn xảy ra (phân biệt với bảo hiểm phi nhân thọ - là loại hình bảo hiểm chỉ trả tiền khi có rủi ro xảy ra).

- BHNT là loại hình bảo hiểm dài hạn, do đó điều khoản hợp đồng phải được trình bày đầy đủ, khoa học dưới dạng văn bản, làm cơ sở cho sự duy trì quan hệ hợp đồng lâu dài, thậm chí là cả đời người. Mặt khác, các thông số kỹ thuật của từng sản phẩm, từng hợp đồng phải được tính toán cẩn thận và công bố rõ ràng tới khách hàng.

- BHNT là loại hình sản phẩm bảo hiểm vô hình. Vì vậy, DNBH phải đặc biệt quan tâm đến việc giải thích cho khách hàng hiểu rõ về sản phẩm. Hơn nữa, việc thực hiện đúng và đầy đủ cam kết là đòi hỏi nghiêm ngặt đối với các DNBH.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản nhất, BHNT là loại hình nghiệp vụ bảo hiểm thương mại, thể hiện ở sự cam kết giữa DNBH và người tham gia bảo hiểm mà theo đó, DNBH cam kết trả một khoản tiền xác định theo thỏa thuận khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (người được bảo hiểm sống hoặc chết) trong một thời gian nhất định cho người tham gia bảo hiểm (hoặc người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm), với điều kiện người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận.

Đặc điểm của bảo hiểm nhân thọ


Thứ nhất, đối tượng của BHNT là con người: không như bảo hiểm sinh mạng hay bảo hiểm tai nạn con người trong bảo hiểm phi nhân thọ, chỉ rủi ro chết hay thương tật toàn bộ vĩnh viễn của đối tượng được bảo hiểm mới thuộc

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/10/2023