Bước đầu nghiên cứu đánh giá mức độ đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống tại khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa - 2


cảnh quan thiên nhiên, thay đổi môi trường sống của sinh vật và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đã có những biến đổi nhất định.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nêu trên là công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thoả đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.

Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Bộ tiêu chí là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường được cụ thể hóa đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ bao gồm: cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm. Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm, gồm: nhóm bắt buộc (các tiêu chí được cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch) và nhóm khuyến khích (những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ cơ sở).

Để có thể áp dụng rộng rãi Bộ tiêu chí trên cho các CSDL&DV thuộc các khu, điểm du lịch ở Việt Nam, cần phải áp dụng Bộ tiêu chí vào thực tiễn và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở du lịch và dịch vụ cụ thể. Do đó, đề tài: “Bước đầu nghiên cứu đánh giá mức độ đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống tại khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa” là thực sự cần thiết. Nghiên cứu sẽ đánh giá mức độ bảo vệ môi trường của các cơ sở ăn uống dựa trên bộ tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường và kiến nghị hoàn chỉnh Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống cho phù hợp với thực tiễn góp phần phát triển du lịch bền vững.


Mục tiêu nghiên cứu

- Bước đầu đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn về BVMT của các cơ sở ăn uống tại khu du lịch Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

- Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao mức độ đạt chuẩn về bảo vệ môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực nghiên cứu.

Để đạt được những mục tiêu nghiên cứu đề ra, nội dung nghiên cứu bao gồm:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

- Tổng quan chung về môi trường và tiêu chí đạt chuẩn môi trường có liên quan đến cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống;

- Đánh giá hiện trạng công tác quản lý môi trường tại khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa;

Bước đầu nghiên cứu đánh giá mức độ đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống tại khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa - 2

- Đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường của các cơ sở ăn uống tại khu du lịch Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở áp dụng Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch áp dụng đối với các cơ sở ăn uống;

- Đánh giá chung mức độ đạt chuẩn về BVMT của các cơ sở ăn uống tại KDL Sầm Sơn, Thanh Hóa và kiến nghị hoàn chỉnh Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống cho phù hợp với thực tiễn;

- Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao mức độ đạt chuẩn về bảo vệ môi trường cho các cơ sở ăn uống tại khu vực nghiên cứu.


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Một số vấn đề chung

1.1.1 Các khái niệm liên quan

- Môi trường và môi trường du lịch: Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 [8], môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

Luật Du lịch 2017 [9], đưa ra định nghĩa môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Môi trường du lịch được hiểu theo nghĩa rộng là “các nhân tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển”.

- Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành (Luật Bảo vệ Môi trường 2014) [8]. Theo đó, có thể hiểu hoạt động bảo vệ môi trường du lịch là tất cả các hoạt động nêu trên được thực hiện trong lĩnh vực du lịch.

- Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ Môi trường 2014) [8].

- Đạt chuẩn bảo vệ môi trường: Đạt chuẩn bảo vệ môi trường được hiểu là mọi hoạt động tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật môi trường đã được quy định.

+ Tiêu chuẩn môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.

+ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất


thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

- Tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường

Theo Từ điển Bách khoa của Việt Nam [21], tiêu chí là tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, xem xét, hoặc phân loại một vật, sự vật hoặc một hiện tượng trong xã hội hoặc trong tự nhiên. Tiêu chí cũng có thể được hiểu là sự cụ thể hóa của chuẩn mực, chỉ ra những căn cứ để đánh chất lượng và có thể đo lường được thông qua các chỉ số thực hiện hoặc tiêu chí là các quy định đối với các hành động, hành vi cần làm hay cần thực hiện đạt được các mục tiêu đã quy định theo một tiêu chuẩn quy định có trước. Trên cơ sở định nghĩa này, tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường có thể được hiểu là các dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, phân loại các đối tượng hoặc các hoạt động theo mức độ đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó, căn cứ vào các tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường có thể phân loại hoặc nhận biết các đối tượng/hành động có đạt chuẩn hoặc không đạt chuẩn về BVMT.

Tiêu chí đạt chuẩn bảo vệ môi trường đối với CSDL&DV là tiêu chí đạt chuẩn về bảo vệ môi trường áp dụng cho đối tượng là các CSDL&DV.

- Đánh giá đạt chuẩn bảo vệ môi trường

Đánh giá là quá trình có hệ thống, độc lập và được lập thành văn bản để nhận được bằng chứng để xác định mức độ thực hiện các chuẩn mực đánh giá. Mục đích của việc đánh giá là để xác định tính phù hợp và mức độ hoàn thành các mục tiêu, tính hiệu quả, tác động và tính bền vững. Theo cách hiểu trên, đánh giá đạt chuẩn bảo vệ môi trường được hiểu là các bước đánh giá một đối tượng/hành động theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về BVMTđã ban hành [8].

- Cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch

Theo điều 4, Luật Du lịch [9]:

+ Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.


+ Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường.

+ Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Theo các định nghĩa trên, trong phạm vi đề tài, cơ sở du lịch, dịch vụ trong các khu, điểm du lịch được hiểu là các cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch trong phạm vi khu, điểm du lịch. Cơ sở du lịch và dịch vụ trong các khu, điểm du lịch nói chung bao gồm: Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống (nhà hàng), vui chơi giải trí, vận chuyển khách du lịch, bán hàng lưu niệm; thông tin, hướng dẫn…để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 [7], cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể. Thông tư số 30/2012/TT-BYT cụ thể hoá: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn, đồ uống để ăn ngay có địa điểm cố định bao gồm cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống; cửa hàng ăn uống; cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín.

Trong phạm vi đề tài, tiêu chí đạt chuẩn về BVMT được xây dựng cho nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch trong các khu, điểm du lịch.

1.1.2. Tác động đến môi trường của các cơ sở ăn uống

Hoạt động du lịch nói chung ít tác động xấu đến môi trường, thường được gọi là “ngành công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, du lịch nói chung, các cơ sở ăn uống nói riêng, cũng có những tác động với môi trường, cụ thể như sau:

+ Tiêu tốn, sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Cũng như các loại hình SXKDDV khác, cơ sở ăn uống cũng tiêu thụ tài nguyên nước, năng lượng.

+ Tác động đến môi trường tự nhiên, gồm: tác động đến môi trường đất (làm


ô nhiễm, suy thoái đất), tác động đến môi trường nước (xả nước thải và các chất gây ô nhiễm), tác động đến môi trường không khí (xả khí thải và các chất gây ô nhiễm); phát sinh chất thải rắn, CTNH; nguy cơ gây các sự cố môi trường. Hoạt động của các cơ sở ăn uống cũng tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do có nhu cầu về thực phẩm (đặc biệt là đặc sản) của du khách.

+ Các cơ sở ăn uống cũng gây phát thải khí nhà kính và đồng thời chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu: Các cơ sở ăn uống tiêu thụ năng lượng, gây phát thải khí nhà kính làm gia tăng biến đổi khí hậu, đồng thời các hoạt động này cũng chịu các tác động của biến đổi khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan (thiên tai, bão lũ), nước biển dâng….

Các tác động đến tài nguyên môi trường là cơ sở của các yêu cầu BVMT, từ đó xác định các tiêu chí về BVMT đối với các cơ sở ăn uống.

1.1.3. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các cơ sở ăn uống

1.1.3.1. Các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT đối với cơ sở ăn uống

Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch nói chung và các CSDL&DV nói riêng không được quy định tập trung trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 hay Luật Du lịch năm 2017, mà được điều chỉnh trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó phải kể đến các văn bản có liên quan đến bảo vệ di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ vùng đất ngập nước, bảo vệ đa dạng sinh học... Các quy định này được rà soát, xem xét và tổng hợp như dưới đây.

a) Các Luật

Luật BVMT 2014 [8]

Về nguyên tắc, Luật BVMT quy định Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (Điều 4). Đối với lĩnh vực hoạt động du lịch, cũng như một số hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, các quy định của Luật BVMT 2014 có thể được phân thành các nhóm sau:

- Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT: Theo quy định của Luật, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia thuộc nhóm quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia phải thực hiện ĐMC. Luật cũng quy định về


đánh giá tác động môi trường (ĐTM), theo đó, dự án kinh doanh du lịch ở quy mô lớn hơn thì phải thực hiện ĐTM, trình Bộ TNMT hoặc Sở TNMT thẩm định, để được cấp phép đầu tư. Đối với các dự án có quy mô nhỏ thì phải lập kế hoạch BMVT trình UBND cấp huyện (hoặc xã) để được phê duyệt.

- Về ứng phó với biến đổi khí hậu: Luật BVMT 2014 lần đầu tiên cũng đã đưa ra các quy định, theo đó tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Điều 39). Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo (Điều 43); có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường (Điều 44); có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải (Điều 45).

- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nói chung, bao gồm cả cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng, Luật BVMT 2014 quy định rõ trách nhiệm về BVMT gồm:

(i) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (ii) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn; (iii) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; (iv) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; (v) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường (Điều 68).

- Về bảo vệ môi trường nơi công cộng: Luật quy định tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm: (i) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; (ii) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường; (iii) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng (Điều 81).

- Về quản lý chất thải: Xác định đây là một nội dung quan trọng của công tác BVMT, Luật BVMT đã có các quy định chung cũng như các quy định riêng biệt đối


với từng loại hình chất thải (chất thải rắn; nước thải; khí thải, tiếng ồn, độ rung; và CTNH). Về quy định chung, Luật nhấn mạnh yêu cầu về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, theo đó chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng phải được phân loại; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng (Điều 86).

Đối với chất thải rắn thông thường: chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, có trách nhiệm tự mình hoặc giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường (Điều 97).

Đối với nước thải: Luật quy định, nước thải của cơ sở SXKDDV phải được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường và nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về CTNH (Điều 99, 100).

Đối với khí thải: tổ chức, cá nhân hoạt động SXKDDV có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn và; bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý CTNH (Điều 102). Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; cơ sở SXKDDV trong khu dân cư phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

- Về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ: Luật BVMT quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định (Điều 87).

- Về công bố, cung cấp thông tin môi trường: Luật quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường với Sở TNMT; trường hợp không phải

Xem tất cả 98 trang.

Ngày đăng: 22/07/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí