Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự - 13

chiều hướng gia tăng với quy mô lớn và tính chất phức tạp, thực tiễn pháp luật và công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự của cơ quan có thẩm quyền lại đang nảy sinh những vấn đề bất cập như phân tích trong phần trên. Vì vậy, cần thiết phải có những biện pháp nhằm khắc phục và nâng cao hơn nữa hiệu quả của biện pháp này. Các kiến nghị được đề cập đến ở đây là:

3.3.1. Tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tập trung vào các quy phạm về thực thi bằng biện pháp dân sự.

Bản chất của quyền sở hữu đối với nhãn hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói chung là quyền sở hữu đối với các loại tài sản vô hình. Vì vậy, trình tự dân sự cần phải được áp dụng triệt để và phổ biến nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến loại tài sản đặc thù này. Cần chấn chỉnh hơn nữa các quy phạm về các chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trình tự dân sự làm biện pháp chủ yếu trong việc điều chỉnh quan hệ sở hữu nhãn hiệu. Chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi mà sự xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu vượt quá mức dân sự, (ví dụ như gây thiệt hại cho xã hội, cho lợi ích người tiêu dùng, có yếu tố vi phạm pháp luật…). Bên cạnh các quy định về mức phạt và biện pháp xử lý hành chính, cần có các quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện áp dụng chế tài này để chống khuynh hướng lạm dụng biện pháp hành chính.

Trong bản thân các quy định về biện pháp dân sự bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu cần thiết có những sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của biện pháp này. Xin được đề xuất điều chỉnh nội dung các quy định pháp luật sau:

- Với các quy định về bồi thường thiệt hại trong xét xử dân sự: cần quy định đảm bảo nguyên tắc đền bù thỏa đáng cho người có quyền sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm và coi việc đền bù thiệt hại là đền bù mang tính phạt

có tác động răn đe để không tiếp tục tái phạm. Mặc dù hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về các căn cứ tính bồi thường khác nhau, gồm cả khoản thu nhập bị mất, lợi nhuận của người xâm phạm, tiền bồi thường theo mức ấn định trước. Nghị định hướng dẫn đã có một số quy định chi tiết hơn về cách áp dụng các căn cứ để tính bồi thường. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại được tính cho các vụ án cụ thể vẫn chưa đủ để bù đắp cho chủ thể quyền những thiệt hại bởi hành vi xâm phạm. Đòi hỏi phải có những quy định về bồi thường thiệt hại cụ thể, chi tiết hơn nữa theo hướng nâng cao mức bồi thường thiệt hại hơn nữa để phù hợp với thiệt hại thực tế. Đối với xác định mức bồi thường cho "chi phí hợp lý" theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Cần lưu ý chi phí này là phát sinh từ thiệt hại ngoài hợp đồng vì thế tòa án khi giải quyết vụ việc sẽ là cơ quan được quy định có thẩm quyền xem xét mức chi phí hợp lý dựa trên chứng cứ do bên có yêu cầu đưa ra và trên cơ sở dành cho phía bên kia có cơ hội để có ý kiến về những yêu cầu đó. Khi quy định về xác định chi phí hợp lý cho luật sư và giám định, cần có hướng dẫn cách tính dựa trên mức độ phức tạp của vấn đề để xác định đòi hỏi đối với trình độ của luật sư hoặc chuyên gia (ví dụ: vụ việc đơn giản hoặc rõ ràng thì không thể yêu cầu giám định hoặc chỉ cần luật sư với trình độ trung bình), mức chi phí trung bình cho luật sư và chi phí giám định trong những vụ việc tương tự, khoảng thời gian cần thiết để Luật sư hoặc chuyên gia giám định xử lý vụ việc (với luật sư có trình độ trung bình). Với chi phí ngăn ngừa, khắc phục hậu quả cần giải thích mức hợp lý được hiểu là dựa trên suy đoán những hành động nào cần thiết để thực hiện những mục tiêu trên.

Do thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam về các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu còn rất ít nên kinh nghiệm của các thẩm phán tòa án Việt Nam rất hạn chế trong lĩnh vực này.Việc hướng dẫn chi tiết cách tính bồi thường thiệt hại sẽ giúp cho tòa án có cơ sở cụ thể nhất để tính mức bồi thường hợp lý, khắc phục thiệt hại cho chủ thể quyền cũng như cân bằng giữa nghĩa vụ của bên xâm phạm.

- Các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Quy định về thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mục đích của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thiệt hại cho chủ sở hữu quyền hoặc để kịp thời bảo toàn các chứng cứ chứng minh cho hành vi xâm phạm. Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đồng thời hoặc sau khi đã có đơn khởi kiện gửi đến tòa án. Quy định về thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy là chưa phù hợp. Đặc biệt khi xét đến đặc trưng của xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu không chỉ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến uy tín cho chủ sở hữu quyền mà trong nhiều trường hợp còn tác động xấu đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến đời sống. Chính vì thế tính khẩn cấp và kịp thời là rất cần thiết khi ngăn chặn hành vi xâm phạm. Cho nên, cần quy định rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được thực hiện cả trước khi khởi kiện. Việc cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện ra tòa án nếu quy định chặt chẽ sẽ mang lại hiệu quả. Nên đưa ra những quy định ràng buộc nghĩa vụ chứng minh cùng với biện pháp bảo đảm chặt chẽ cho chủ thể quyền khi yêu cầu, đồng thời quy định trong một khoảng thời gian nhất định từ thời điểm yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chủ sở hữu quyền phải tiến hành nộp đơn khởi kiện. Khi quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi có đơn khởi kiện thì người yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu không đúng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Nghiên cứu áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời đặc thù của sở hữu trí tuệ để đạt được hiệu quả tối đa cho mỗi trường hợp áp dụng. Có thể tham khảo những biện pháp khẩn cấp tạm thời trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được một số nước áp dụng như:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.

Lệnh Anton Piller: được tòa án cho phép áp dụng để kiểm tra những nơi có nghi vấn đang thực hiện hành vi vi phạm. Lệnh này được ban hành đơn phương theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ mà không báo trước cho bị đơn nhằm ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu hay loại bỏ những chứng cứ quan trọng.

Khi xem xét để đưa vào trong pháp luật áp dụng lệnh này tại Việt Nam, cần lưu ý vì lệnh này ban hành trên cơ sở đơn phương nên cần có sự bảo đảm chắc chắn rằng chỉ có việc áp dụng biện pháp này mới đưa ra được căn cứ giải quyết vụ việc đồng thời đòi hỏi phải tôn trọng các quyền của bị đơn trong khi thực thi lệnh.

Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự - 13

Lệnh cấm Mareva: việc áp dụng lệnh này nhằm ngăn chặn bị đơn tiến hành những hành vi chuyển tài sản khỏi phạm vi tài phán nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Lệnh cấm này có thể áp dụng khi giải quyết tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung hay quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu gây ra. Khi có căn cứ chứng minh cho việc tài sản có được do kết quả từ hành vi xâm phạm quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu thì có thể áp dụng lệnh này nhằm giới hạn việc định đoạt tài sản đó.

Lệnh Norwich Pharmacal (Norwich Pharmacal action): lệnh này cho phép nguyên đơn có khả năng yêu cầu bất cứ người thứ ba nào không vi phạm nhưng do hoàn cảnh nên trở thành một bên có liên quan tới hành vi xâm phạm quyền phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết cho việc xem xét vụ kiện về xâm phạm quyền. Người thứ ba trong trường hợp này có thể là bất cứ cá nhân, tổ chức, thậm chí cơ quan chức năng nhà nước (ví dụ: hải quan, phòng thuế,...) có thông tin cần thiết cho việc xem xét, đánh giá vi phạm tại tòa án.

Những lệnh tạm thời kể trên có thể được nghiên cứu để quy định trong pháp luật Việt Nam vận dụng với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong đó có nhãn hiệu một cách hiệu quả.

- Các quy định pháp luật về thủ tục áp dụng và thi hành các biện pháp dân sự cần được điều chỉnh thêm theo hướng đơn giản, thuận lợi nhất cho những người sử dụng. Trong tương lai, hướng hoàn thiện tốt nhất cho việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là xây dựng được văn bản pháp luật điều chỉnh tập trung riêng chỉ nhãn hiệu sẽ tạo điều kiện cho các quy định pháp luật về nhãn hiệu mang tính hệ thống. Các biện pháp chế tài điều chỉnh xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi đó được độc lập và rõ ràng. Tạo thuận lợi cho các chủ thể quyền cũng như cơ quan tố tụng khi áp dụng thủ tục tố tụng dân sự để bảo vệ quyền. Tuy nhiên, vấn đề này phải thực hiện từng bước phù hợp với điều kiện của Việt Nam và sự thay đổi này nhằm theo hướng gần hơn với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu.

- Các quy định thi hành án sau khi có bản án, quyết định của tòa án cần được củng cố để có khả năng thực thi. Một vấn đề đặt ra hiện nay sau khi tòa án ra bản án, quyết định dân sự, bên có nghĩa vụ trên tinh thần tự nguyện sẽ thi hành bản án, quyết định ấy. Trong nhiều trường hợp, người có nghĩa vụ né tránh, không thi hành nghĩa vụ của mình. Việc yêu cầu đến cơ quan thi hành án là một biện pháp cần thiết buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế pháp luật thi hành án hiện nay cho thấy chưa có những chế tài đủ mạnh

3.3.2. Tăng cường năng lực của cơ quan tòa án trong giải quyết vụ án dân sự liên quan đến nhãn hiệu, kiện toàn tổ chức của tòa án.

Tòa án nhân dân có chức năng giải quyết các vụ kiện dân sự về sở hữu trí tuệ theo trình tự tố tụng dân sự, trong đó tòa án có quyền đưa ra các lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm thi hành các nghĩa vụ dân sự hoặc các lệnh điều tra về hành vi xâm phạm và ra các quyết định về các biện pháp xử lý (buộc đình chỉ hành vi xâm phạm, buộc bồi thường thiệt hại, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự….). Tuy nhiên trên thực tế, việc giải quyết các vụ án liên quan đến sở hữu công

nghiệp và nhãn hiệu đòi hỏi về năng lực của đội ngũ cán bộ, thẩm phán thực hiện công việc xét xử cần thiết phải được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có các kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu cũng như có kinh nghiệm để đưa ra được các phán quyết chính xác và có độ tin cậy cao. Để có được phẩm chất này, một mặt thẩm phán phải tự mình học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp, mặt khác Tòa án nhân tối cao phải có kế hoạch thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ cho các thẩm phán với các hình thức thích hợp. Từ đó phát huy được những ưu điểm của tòa án trong việc xét xử theo thủ tục dân sự đối với tranh chấp sở hữu trí tuệ nói chung, tranh chấp về nhãn hiệu nói riêng, nâng cao vai trò của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự về nhãn hiệu. Đây là một biện pháp quan trọng để đạt yêu cầu hiệu quả trong hoạt động xét xử các tranh chấp về nhãn hiệu bằng biện pháp dân sự.

Ngoài ra, do tính chất của vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không giống như những vụ án thông thường khác, do đó cần phải thực hiện giải pháp chuyên môn hóa trong hệ thống tòa án nhân dân. Kinh nghiệm của một số nước như Đức, Trung Quốc, Thái Lan…các nước này có các tòa án chuyên biệt để xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ. Ở nước ta, trong điều kiện hiện nay có thể chưa thành lập được tòa án chuyên biệt như ở một số nước nhưng yêu cầu đặt ra trước mắt là cần phải thực hiện việc chuyên môn hóa đội ngũ thẩm phán để từng bước, ở các tòa án có đội ngũ thẩm phán chuyên trách có đủ năng lực chuyên môn để xét xử các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong đó có nhãn hiệu. Đây là công việc cấp bách trước mắt và lâu dài vừa bảo đảm cho tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vừa tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có thể tiến tới việc thiết lập tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

3.3.3. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật với các chủ sở hữu quyền đối với nhãn hiệu (là các nhà sản xuất, kinh doanh)

Để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp pháp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh góp phần thu hút đầu tư, tăng cường đấu tranh chống những hành vi xâm phạm nhãn hiệu thì vấn đề quan trọng, lâu dài và có ý nghĩa tích cực nhất là tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật trong đó có cơ quan tòa án với các nhà sản xuất kinh doanh. Việc phối hợp thể hiện ở chỗ các nhà sản xuất cần quan tâm tới công tác quản lý nhãn hiệu mà mình tạo ra, theo dõi và có biện pháp chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình. Khi phát hiện hành vi xâm phạm cần phải cung cấp thông tin phát hiện được và cùng tham gia tiến hành điều tra, xử lý vi phạm. Cần tránh thái độ thụ động để mặc cho tòa án giải quyết mà thiếu sự hỗ trợ tích cực.

3.3.4. Tăng cường các hoạt động thông tin về sở hữu trí tuệ, củng cố và nâng cao vai trò của các hội về sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng

Mặc dù các hoạt động dịch vụ về sở hữu trí tuệ (tư vấn, đại diện cho các chủ thể quyền có nhu cầu tiến hành các thủ tục xác lập, duy trì quyền, theo dõi và can thiệp nhân danh chủ thể khi có tranh chấp, xâm phạm…) đã được triển khai từ đầu những năm 1990 nhưng nhìn chung, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đang là một trong những khâu chịu nhiều thách thức của quá trình hội nhập. Vì thế, để phát huy vai trò của đội ngũ dịch vụ sở hữu trí tuệ đặc biệt trong việc bảo vệ quyền hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu cần thiết phải mở rộng hoạt động của họ, khuyến khích việc doanh nghiệp dịch vụ sở hữu trí tuệ đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ này.

Đối với việc tăng cường hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống nhằm chủ động đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác các nhu cầu thông tin của mọi giới dùng tin kể cả của cơ quan thực thi là tòa án hay của toàn xã hội, làm cho thông tin sở hữu trí tuệ gần gũi với toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của các hội quần chúng, nghề nghiệp về sở hữu trí tuệ của Việt Nam bằng cách tìm ra các hình thức hoạt động thích hợp, mặt khác có sự trợ giúp thích đáng của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Việc nâng cao nhận thức xã hội đối với quyền sở hữu công nghiệp đối với quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng là một trong các giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả thực thi đối với nhãn hiệu, điều này được thực hiện bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật cho xã hội. Đặc biệt cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật cho xã hội. Trên thực tế hiện nay, Đài truyền hình Việt Nam cùng với Cục Sở hữu trí tuệ và một số đơn vị khác đã liên kết và xây dựng được chương trình "Chắp cánh thương hiệu", đây là chương trình truyền hình khá ý nghĩa về nhãn hiệu dành cho doanh nghiệp và những người theo dõi để hiểu hơn về vấn đề này. Trong tương lai, hy vọng những chương trình tương tự hoặc dưới những hình thức khác liên quan đến nhãn hiệu cần thiết được phổ cập và phát huy hiệu quả hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo về nhãn hiệu trong đó đề cập đến những biện pháp bảo vệ nhãn hiệu cũng như nhấn mạnh đến biện pháp dân sự nhằm đưa ra biện pháp phù hợp với tính chất của quan hệ sở hữu nhãn hiệu. Đồng thời với công việc này, cần phát hành rộng rãi các tài liệu hướng dẫn, phổ cập cho việc bảo hộ và bảo vệ nhãn hiệu đối với các đối tượng cụ thể, đặc biệt là doanh nhân, các doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, tránh tình trạng xâm phạm nhãn hiệu.

3.35. Xây dựng và tăng cường mỗi quan hệ có tính chất cân bằng, cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng, tích cực tìm kiếm các giải

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 12/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí