trên cơ sở các thông tin do người nộp đơn cung cấp và trên cơ sở các thông tin tìm thấy được từ nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc theo quy định của Thông tư 01/2007. Trên thực tế, việc đánh giá xem sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có hay không tính chất, chất lượng đặc thù do điều kiện địa lý quyết định như đã mô tả thường không thực hiện được vì không có xét nghiệm viên nào có khả năng đánh giá được tất các nội dung liên quan đến chất lượng của sản phẩm. Đây là một hạn chế trong công tác thẩm định đơn.
Sau khi đánh giá, nếu đối tượng đáp ứng điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng và các lệ phí khác theo quy định. Trường hợp có một trong các lý do để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng tiêu chuẩn luật định hoặc đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ nhưng đơn có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong đó nêu rõ lý do từ chối, nêu rõ thiếu sót của đơn và ấn định một thời gian nhất định (theo quy định hiện hành là 02 tháng kể từ ngày ra thông báo) để người nộp đơn có ý kiến trả lời hoặc sửa chữa thiếu sót. Người nộp đơn có quyền phản đối các quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ nếu cho rằng các quyết định đó là không thỏa đáng. Việc phản đối trên được tiến hành theo thủ tục khiếu nại.
Theo quy định tại điểm 15.8 Thông tư 01/2007, thời hạn thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể sửa chữa, bổ sung đơn với điều kiện không làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn đồng thời phải bảo đảm tính thống nhất của đơn. Ngoài ra, người nộp đơn cũng có quyền tuyên bố rút đơn đăng
ký chỉ dẫn địa lý của mình trước khi Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Khác với quy định của Nghị định 63/CP, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật đã bỏ quy định về quyền trưng cầu ý kiến chuyên gia trong quá trình xét nghiệm nội dung đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ và bổ sung, quy định cụ thể hơn về việc thẩm định lại đơn trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ. Việc thẩm định lại đơn đã được ghi rõ tại điểm 16.1 Thông tư 01/2007 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người nộp đơn cũng như của người thứ ba.
Cũng giống như việc thẩm định hình thức, Hiệp định TRIPS và Công ước Paris cũng không quy định về thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý mà cho phép các quốc gia tự quy định về vấn đề này.
Luật của các nước về đăng ký tên gọi xuất xứ hoặc chỉ dẫn địa lý cũng đều có quy định về việc xét nghiệm nội dung đơn như Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Điều Kiện Bảo Hộ Đối Với Chỉ Dẫn Địa Lý
- Không Thuộc Các Đối Tượng Không Được Bảo Hộ Là Chỉ Dẫn Địa Lý
- Điều Kiện Đối Với Đơn Yêu Cầu Cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Chỉ Dẫn Địa Lý
- Nội Dung Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Chỉ Dẫn Địa Lý
- Xử Lý Hành Vi Xâm Phạm Bằng Biện Pháp Hành Chính, Hình Sự Và Hải Quan
- Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Chỉ Dẫn Địa Lý Bằng Biện Pháp Kiểm Soát Biên Giới
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
2.2.3.4. Cấp văn bằng bảo hộ
Theo quy định tại Điều 118 Luật Sở hữu trí tuệ, điểm 18.2 của Thông tư 01/2007, nếu chỉ dẫn địa lý đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ và người nộp đơn đã nộp lệ phí theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Các thông tin được nêu trong Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý phải tuân thủ điểm 19.1.b Thông tư 01/2007.
Quyết định cấp văn bằng bảo hộ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định, sau khi người nộp đơn đã nộp lệ phí công bố theo luật định.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.
2.2.4. Thời hạn bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do vậy các đối tượng này được bảo hộ vô thời hạn. Hơn nữa, chỉ dẫn địa lý là một đối tượng tồn tại khách quan, không liên quan đến việc một hoặc một số người có muốn sử dụng các đối tượng đó hay không. Vì vậy, các đối tượng này sẽ được bảo hộ vô thời hạn chừng nào vẫn còn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ như đã được xác định khi đăng ký bảo hộ mà không phải gia hạn từng kỳ hạn 10 năm một như đối với nhãn hiệu.
Hiệp định TRIPS không quy định về thời hạn bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, với quy định việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm chống các chỉ dẫn sai lệch về xuất xứ của hàng hóa, có thể hiểu rằng đối tượng này được bảo hộ vô thời hạn để chống lại các hành vi sử dụng chỉ dẫn sai lệch xảy ra vào bất cứ thời điểm nào sau khi đối tượng liên quan được thừa nhận bảo hộ.
Tương tự như Việt Nam, các nước bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý trên cơ sở đăng ký đều quy định bảo hộ vô thời hạn. Riêng luật của Liên bang Nga quy định thời hạn bảo hộ là 10 năm và gia hạn nhiều lần (tương tự như quy định của Việt Nam tại Nghị định 63/CP trước khi Nghị định này được sửa đổi, bổ sung năm 2001).
2.2.5. Các thủ tục khác liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
2.2.5.1. Khiếu nại các quyết định liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 14.1 Nghị định 103/2006/NĐ-CP), người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý
đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.
Về vấn đề này, pháp luật hiện hành có điểm khác biệt so với Nghị định 63/CP ở việc khởi kiện tại tòa án. Theo quy định hiện hành, người khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì có quyền khởi kiện ra tòa (trước đây họ chỉ có thể hoặc là khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Quy định hiện hành nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người nộp đơn cũng như những người liên quan.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục và thời hạn thụ lý, giải quyết các khiếu nại nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng và thực hiện các quy định pháp luật vẫn chưa thực sự nghiêm chỉnh, vẫn còn hiện tượng chậm xử lý gây tồn đọng nhiều vụ việc khiếu nại trong quá trình giải quyết các khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ.
2.2.5.2. ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý
Pháp luật hiện hành đã tách hai nội dung quy định về thủ tục phản đối và thủ tục khiếu nại và quy định ở các điều luật khác nhau nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp đơn, của người thứ ba cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các đơn khiếu nại, đơn phản đối việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) bởi vì trên thực tế các đơn khiếu nại của người nộp đơn và những người liên quan được Phòng thực thi và giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ thụ lý và giải quyết còn các đơn phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ được phòng chuyên môn về chỉ dẫn địa lý (Phòng Chỉ dẫn địa lý Cục Sở hữu trí tuệ) xem xét, giải quyết.
Các quy định hiện hành cũng cụ thể, rõ ràng hơn về thời hạn xem xét, xử lý ý kiến của người thứ ba, thông báo về ý kiến của người thứ ba cho người nộp đơn.
Một điểm hoàn toàn mới của pháp luật hiện hành so với quy định trước đây đó là quy định tại điểm 6.4 Thông tư 01/2007. Theo quy định này, trong trường hợp ý kiến của người thứ ba liên quan đến quyền đăng ký, nếu xét thấy không thể xác định ý kiến của người thứ ba là có cơ sở hay không, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người thứ ba nộp đơn cho Tòa án giải quyết. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo mà người thứ ba không thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc đã nộp đơn cho Tòa án giải quyết thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người thứ ba rút bỏ ý kiến. Nếu Cục Sở hữu trí tuệ được thông báo trong thời hạn như trên của người thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Tòa án việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.
Do Tòa án là cơ quan tư pháp có quyền tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, hiệu quả cho nên nếu Cục Sở hữu trí tuệ không thể xác định ý kiến của người thứ ba là có cơ sở hay không thì việc quy định để người thứ ba nộp đơn đề nghị Tòa án giải quyết sẽ giúp cho việc giải quyết vụ việc đạt kết quả cao hơn nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên. Hơn nữa, quy định này sẽ giúp khắc phục tình trạng để nhiều vụ việc kéo dài không thể giải quyết được tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng như giảm tải công việc cho Cục Sở hữu trí tuệ.
2.2.5.3. Chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực theo yêu cầu của một người thứ ba bất kỳ khi có các lý do theo quy định của pháp luật.
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là trường hợp văn bằng bảo hộ đã được cấp theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng chỉ dẫn địa lý, chủ văn bằng bảo hộ tự nguyện từ bỏ các quyền mà họ đang được hưởng từ văn bằng bảo hộ hoặc các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó. Theo quy định tại Điều 28.f Nghị định 63/CP, văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa còn có thể bị chấm dứt trong trường hợp chủ Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa không còn đủ năng lực thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là trường hợp văn bằng bảo hộ không có hiệu lực do được cấp sai với các quy định của pháp luật (vì người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký hoặc do đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ.
Pháp luật hiện hành và quy định pháp luật trước đây có sự khác nhau về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, cụ thể trước đây, thời hiệu này là 5 năm tính từ ngày Văn bằng bảo hộ bắt đầu có hiệu lực, riêng đối với các trường hợp quyền sở hữu công nghiệp được xác lập do động cơ không lành mạnh của người yêu cầu xác lập thì thời hiệu để nộp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng là suốt thời gian văn bằng bảo hộ có hiệu lực còn hiện nay thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là suốt thời hạn bảo hộ.
2.3. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý bao gồm chủ sở hữu
chỉ dẫn địa lý; chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và tổ chức quản lý tập thể đối với chỉ dẫn địa lý.
2.3.1. Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý
Theo quy định hiện hành, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là Nhà nước (khoản 4 Điều 751 Bộ luật Dân sự 2005 và khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ). Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Quy định này của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ là phù hợp với tình hình và đặc điểm của nước ta: đất đai - một trong những điều kiện quan trọng tạo nên chất lượng, đặc tính của sản phẩm - thuộc sở hữu của Nhà nước; vùng lãnh thổ có chỉ dẫn địa lý tương ứng nhiều khi chưa được xác định rõ; nhiều chỉ dẫn địa lý còn đang ở dạng tiềm năng, cần có sự đầu tư phát triển và quản lý của Nhà nước; các cộng đồng sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa hình thành rõ như ở các nước phát triển...
2.3.2. Chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
Theo quy định của Nghị định 54/2000/NĐ-CP, người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hóa mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hóa do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hóa đó (Điều 11). Theo quy định hiện hành, chủ thể có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là các tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường được Nhà nước trao quyền (Điều 121.4 Luật Sở hữu trí tuệ).
2.3.3. Tổ chức quản lý tập thể đối với chỉ dẫn địa lý
Đây là một loại chủ thể hoàn toàn không có ở các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Do đặc điểm của chỉ dẫn địa lý là một loại tài sản thuộc sở hữu chung của mọi người sống trên khu vực địa lý đó cho nên bất kỳ chủ thể nào có hoạt động sản xuất sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định đều có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chính vì có nhiều chủ thể khác nhau đều có thể sử dụng một chỉ dẫn địa lý cho nên để đảm bảo uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý cần phải có một tổ chức thay mặt cho cộng đồng đó quản lý thì mới có thể khai thác và bảo vệ có hiệu quả. Tổ chức quản lý quyền này có thể do các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý lập ra hoặc một cơ quan quản lý Nhà nước được thành lập hoặc được chỉ định để quản lý quyền đối với các đối tượng này mà không phải là thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý là tổ chức thực hiện chức năng đại diện cho ủy ban nhân dân địa phương quản lý và bảo vệ chỉ dẫn địa lý phù hợp với quy định pháp luật. Các tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 19 Nghị định 103/2006.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau:
- Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó;
- Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó.
Việc quy định về tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý của hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta có tham khảo kinh nghiệm của các nước về vấn đề quản